Seite auswählen

Phan Thanh Tâm

Người Việt

Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (1921- 2012) tự nhận thuộc thế hệ già nhất trong làng báo tiếng Việt hải ngoại, khẳng định rằng: “Hai cột trụ của nghề làm báo là kiến thức và đạo đức.” Ông còn cho biết năm 1965 là năm nền tảng nghề làm báo về cách viết tin cũng như về kỹ thuật làm báo của Việt Nam không còn theo lối thời Pháp nữa mà đã được chuyển sang cách làm báo hiện đại ở Mỹ cũng như nghề làm báo nói chung ở các nước tân tiến trên thế giới.

 

Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. (Hình: Tài liệu Người Việt)

 

Theo nhà báo lão thành, kiến thức là trí, đạo đức là tâm. Nếu có trí giỏi mà không có tâm lành, nghề viết cũng chẳng thành tựu được bao nhiêu. Khi đã viết, không phải chỉ viết bằng tay mà viết bằng cả con tim. Bí quyết của trau dồi kiến thức là khiêm tốn và học từ sách vở tra cứu, học từ bạn và đồng nghiệp. Quan trọng nhất là học từ độc giả. Nhà báo Sơn Điền sinh ở Bắc Giang, hưởng thọ 92 tuổi, qua đời ngày 12 Tháng Tám, 2012 tại California. Bài báo cuối cùng của ông là bài Kinh Động Vũ Trụ trên mạng ngày 19 Tháng Bảy, 2012 nói về các nhà thiên văn Mỹ đã tạo ra một loại máy khám phá những bí mật của Hỏa Tinh. Sau năm 1975, ông bị bắt đi tù 12 năm, ông qua Mỹ năm 1992.

Trong bài góp ý với Đại Hội Truyền Thông Hải Ngoại hồi Tháng Tư, 2003 tại California, nhà báo còn nói, học vấn giản dị là sự tích lũy kinh nghiệm. Trau dồi kiến thức không nhất thiết chỉ ở trường học mà ở trường đời. Nghề báo là môi trường tốt nhất cho sự học. Hành nghề báo chí phải học mãi cho tới già. Nghề này là một nghề tự do, không ai đòi hỏi bằng cấp hay giấy phép. Có kiến thức rộng mới có tư duy sâu sắc, luận bàn chín chắn. Phương châm của người làm báo: “Vô tư, trung thực, tôn trọng độc giả. Chúng tôi đưa tin, độc giả phán xét.” Không ai có quyền quyết định giùm người đọc.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà báo chuyên nghiệp sống với nghề báo, làm báo từ năm 1948. Năm 1965 được cử làm tổng thư ký Việt Nam Thông Tấn Xã thời VNCH. Cố nhà báo thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Nhật. Ông từng đi tu nghiệp về báo chí tại hãng thông tấn Kyodo, Jiji, nhật báo Mainichi ở Nhật. Theo ông, độc gỉa là người đọc báo, khán thính giả các đài phát thanh, truyền hình, trên Internet. Nhà báo Sơn Điền còn chuyên viết về khoa học không gian, phân tích thời cuộc cho một số báo ở Sài Gòn với bút hiệu Việt Lang Quân và cũng dịch thuật tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Nghệ Khuông, và Gia Cát Thanh Vân từ chữ Hán.

Ông cho biết thêm cái khó nhất của nghề báo là dễ mắc sai lầm vì phải chạy đua với đồng nghiệp, cộng thêm với sự hăng say của nghị luận trong tư tưởng. Kỹ thuật truyền tin càng mau lẹ, càng dễ mắc sai lầm. Ông nói, nắng mưa là bệnh của trời, làm sai là bệnh của người thế gian. Vấn đề là có biết nhìn nhận những sai lầm đó để sửa chữa hay không? Đừng có tự cao tự đại, đừng cho mình là rốn của vũ trụ vì độc giả có người giỏi hơn, sáng suốt hơn các ký giả và nên nhớ rằng sự hiểu biết của mình còn thấp kém. Và “đừng tự coi mình không bao giờ lầm lẫn. Không biết thì học thêm không có gì xấu.”

Tinh thần trách nhiệm

Cũng trong bài góp ý nói trên, nhà bình luận thời cuộc lão thành Việt Lang Quân còn viết trong lãnh vực nghị luận, những mục bình luận, xã luận hay phân tích thời cuộc cũng chỉ là những ý kiến cá nhân nêu ra để độc giả tùy nghi tham khảo chớ không thể là những bài xách động hay coi như kim chỉ nam cho độc giả phải theo. Nói lãnh đạo dư luận là coi thường sự phán đoán của dư luận. Dùng báo chí để vận động quần chúng là đúng, còn nếu dùng báo chí để lãnh đạo dư luận là không hợp thời. Trong nghề truyền thông, tuy chúng ta có những khác biệt về quan điểm, nhưng lại có một nền tảng chính trị vững chắc. Đó là tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Về báo chí và đạo đức, ông cho rằng nó nằm trong những đạo lý thông thường về nhân phẩm và tư cách của con người. Cái đạo đức của tôi có khi không giống cái đạo đức của anh. Tuy nhiên, tất cả tùy thuộc vào chữ “tâm,” nơi chứa toàn bộ năng lượng con người. Đó là tinh thần trách nhiệm. Ông nhắc đến một nhân vật của nhà văn Khái Hưng trong cuốn Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Đó là Trần Quang Ngọc, một tráng sĩ trong thời Mạt Lê chống lại nhà Nguyễn Tây Sơn. Trần Quang Ngọc giả làm nhà sư hoạt động chung với nữ hào kiệt tài sắc vẹn toàn Nhị Nương. Tình chiến hữu sâu đậm nhưng vẫn trong sáng. Có người hỏi, Quang Ngọc đáp: “Ta nhờ chiếc áo cà sa này để tranh đấu thì không nên làm cho nó nhọ nhem đi.”

Người làm báo có nên gắn bó vào một tổ chức nào không? Theo nhà báo Sơn Điền, “người làm báo chuyên nghiệp nên độc lập về chính trị.” Khi có mối liên hệ có thể khó giữ được sự vô tư và trung thực. Vô tư ở đây không có nghĩa như một tấm hình chụp hay một cuốn phim thời sự mà vô tư là để có sự quân bình tránh những thiên lệch. Ông nói thêm: “Độc lập không có nghĩa là trung lập. Trung lập chỉ là một thủ đoạn nhất thời, một nhu cầu hoàn cảnh, ở một cá nhân chỉ biểu hiện cho sự thiếu khả năng suy xét để xác định lập trường.” Tuy nhiên, các ký giả có quyền gia nhập bất cứ tổ chức nào có khuynh hướng chính trị hợp với lập trường riêng của mình.

Nhà báo lão thành Sơn Điền xác nhận: “Cũng như mọi ngành nghề khác, nghề báo có những nỗi vinh nhục, lúc vui lúc buồn. Thực tế cho thấy nghề viết báo buồn nhiều hơn vui. Sống bằng ngòi bút thật đạm bạc, không ai làm nghề viết báo, viết văn mà giàu được. Chẳng những thế, nguời viết nhiều khi còn mang họa vào thân dưới những chế độ độc tài, thiếu tự do dân chủ. Nếu vậy tại sao làm báo lâu như vậy? “Chính tôi cũng tự hỏi tôi. Có lẽ vì ngoài nghề viết báo tôi không biết làm nghề gì để kiếm sống nuôi gia đình. Và cũng có lẽ vì sự say mê lý tưởng và những giá trị cao quý của nghề làm báo.”

Ông tự nhận, những ký giả già thường hay nhìn đến tương lai nhiều hơn quá khứ. Từ lâu tôi đã nghĩ đến những thế hệ kế tiếp. Tôi tin rằng những thế hệ đi sau vẫn có nhiều khả năng và tài giỏi hơn những thế hệ đi trước. Về kiến thức tổng quát, con em chúng ta đang sống trong một môi trường tốt nhất cho sự học hỏi. Còn về kiến thức kỹ thuật báo chí, ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác, không thiếu những trường dạy làm báo để con em chúng ta học hỏi nếu họ muốn đi vào nghề báo. Những trường dạy làm báo ở Mỹ tốt hơn và hiện đại hơn những trường dạy làm báo sơ khai trước đây ở miền Nam Việt Nam.

Nền tảng báo chí Việt Nam

Trong buổi chúc thọ 88 tuổi của nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh tại San Jose, California, ngày 3 Tháng Sáu, 2009 ông cho biết việc cải cách kỹ thuật viết tin tại Việt Tấn Xã thời VNCH đã chuyển đổi nền tảng báo chí Việt Nam. Ông nói: “Đến năm 1965, ông Nguyễn Ngọc Linh từ Mỹ về làm tổng giám đốc, ông cử tôi làm tổng thư ký tòa soạn. Đây là thời điểm đáng chú ý nhất, vì ông Linh đã chuyển đổi nghề báo ở Việt Nam đã cũ theo thời Pháp, sang nghề báo có cách viết tin cũng như kỹ thuật sang nghề báo có tính quốc tế hiện đại. Ông gọi tôi lên văn phòng ông và bàn với tôi về sự chuyện đổi đó. Ông muốn tổ chức một lớp huấn luyện phóng viên cấp tốc ngay tại Việt Tấn Xã.

Nhà báo Sơn Điền nói tiếp: “Tôi ghi ơn ông Linh ở điểm này vì tôi phụ trách lớp huấn luyện đó nên tôi được ông dạy tôi và cho tôi sách để học về nghề báo hiện đại ở Mỹ cũng như nghề báo nói chung ở các nước tân tiến trên thế giới.Vài tháng sau, hai trường đại học là viện đại học Vạn Hạnh và trường Chính Trị Kinh Doanh ở Đà Lạt cũng mở phân khoa cử nhân báo chí bốn năm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có trường đại học báo chí và tôi được mời làm giáo sư. Các sinh viên được đào tạo đã góp phần xây dựng nền tảng nghề báo hiện đại của Việt Nam.” Kể từ đó, làng báo miền Nam trong các bản tin và các bài tường thuật – về hình thức- đều chiụ ảnh hưởng của sự chuyển đổi này.

Sau năm 1975, báo chí cộng sản cũng rập theo cách viết tin nêu trên. Nhà báo Tống Văn Công, bút danh Thiện Ý, từng làm tổng biên tập ba tờ báo Lao Động Mới, Người Lao Động, và Lao Động, tác giả cuốn Đến Già Mới Chợt Tỉnh, xác nhận điều này qua bài Xa Lộ Thông Tin Báo Chỉ Còn Lề Phải nhân ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam 21 Tháng Sáu. Trong bài báo viết ngày 15 Tháng Sáu, 2009, ông còn cho rằng, Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức, và một số người làm báo thời trước, “là ông thầy đã góp phần to lớn đổi mới báo chí cách mạng Việt Nam.” Các bài báo của họ “có cách viết mới mẻ gần với sự thật hơn” nhưng không ai đánh giá đúng công lao của họ. Thiện Ý Tống Văn Công từ ngày 25 Tháng Hai, 2014 đã chia tay với đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cũng trong trong buổi chúc thọ do cựu sinh viên và cựu nhân viên Việt Tấn Xã tổ chức, nhà báo Sơn Điền còn cho biết ông vào nghề báo là sự tình cờ, trong khi lúc còn niên thiếu chỉ ước mơ trở thành một nhà khoa học suốt ngày cặm cụi trong phòng thí nghiệm. Năm 1948, trốn về Hà Nội, đang ở nhà bồng con và tập dịch cuốn “The Good Earth,” ông gặp lại ông Trần Việt Sơn. Ông bạn họ Trần cho ông cuốn “ABC du Journalisme” của Pháp và huớng dẫn ông vào nghề báo. Cái nghề vừa làm vừa học. Ân nhân của ông qua đời vì các chứng bệnh trong khi ở tù và cuốn sách bị mất đi vì chuyện bài trừ văn hóa “đồi trụy” năm 1977- 1978. Lúc đầu ông chỉ làm người phiên dịch các bản tin của thông tấn xã Pháp (AFP).

Thành lập Việt Tấn Xã

Đến năm 1952, nhà báo Sơn Điền cho biết tiếp, “đang làm thông tín viên chiến tranh cho Pháp Tấn Xã – từ năm 1951 ở Huế – tôi vào Sài Gòn, làm phóng viên cho Việt Tấn Xã, cơ quan vừa mới được người cầm đầu văn phòng AFP ở Sài Gòn, ông Norjeu giúp chính quyền, do ông Trần Văn Hữu làm thủ tướng, thành lập thông tấn xã Việt Nam. Năm 1954, cụ Ngô Đình Diệm trở về nước, tôi với tư cách phóng viên ra tận phi trường Tân Sơn Nhất đón cụ, được cụ cho tôi bài diễn văn đầu tiên của cụ để đăng trên Việt Tấn Xã. Năm 1956, cụ Ngô lên làm tổng thống, tôi trở thành phóng viên đặc trách Phủ Tổng Thống đi theo cụ trong mọi cuộc kinh lý.” Sau năm 1963, tôi trở về Văn Phòng Việt Tấn Xã ở Sài Gòn làm trưởng ban Pháp Ngữ.

Nhà báo Sơn Điền còn cho hay, tổng giám đốc đầu tiên của Việt Tấn Xã là cụ Đoàn Quang Tấn, thạc sĩ văn phạm tiếng Pháp. Từ năm 1952 đến năm 1953, ông Nguyễn Văn Tâm làm thủ tướng, ông Hoàng Văn Cơ, từ Pháp về làm tổng thư ký đầu tiên của Việt Tấn Xã. Tổng giám đốc cuối cùng là cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, lìa đời ngày 3 Tháng Ba, 2016 trên phi cơ đến Manila, Philippines, dự các buổi hội thảo về Biển Đông, và tổng thư ký cuối cùng là nhà báo Bùi Ngọc Dung, mất tích trên đường vượt biên thời thập niên 1980. Theo nhà báo Từ Nguyên, Quốc Trưởng Bảo Đại có ký một sắc lệnhh số 36 TT ngày 19 Tháng Chín, 1949 tại Hà Nội ấn định việc tổ chức cơ quan thông tấn cho quốc gia Việt Nam do Bộ Thông Tin điều hành.

Tổng thư ký Việt Tấn Xã chịu trách nhiệm ba ấn bản Anh, Pháp, Việt, với hơn trăm nhân viên. Cơ quan này hoạt động như một tòa soạn, nhân viên coi nhau như anh em một nhà. Ai cũng kính trọng, quý mến nhà báo Sơn Điền và gọi ông bằng “anh.” Sau năm 1975, ông bị đi tù 12 năm ở Gia Trung, Pleiku, cùng với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ khác như với Nguyễn Sĩ Tế, Mặc Thu Nguyễn Đức Sinh, Dzõan Quốc Sĩ. Những người bạn đồng tù với ông đều thừa nhận tư cách và sự hiểu biết của ông. Hai ông bà sang Mỹ đoàn tụ với các con năm 1992 ở San Jose, lúc đó đã hơn thất thập, ông không dừng bút mà tiếp tục viết cho mục Trước Thời Cuộc cho đến khi hết ngồi viết nổi. Người bạn đời mất trước ông bảy năm.

Tại sao không an dưỡng với tuổi già mà viết nhiều vậy? Ông nói vì có mối sầu vong quốc. Ông mượn lời nhà văn Cao Hành Kiện được gỉải Nobel năm 2000 để trả lời: Viết cho dịu đi những nỗi thống khổ trong lòng. Để theo dõi thời sự, ngoài xem TV, Internet ông còn đọc nhiều loại sách báo ngoại quốc.Theo ông, báo mà không có tin tức thì không thể là báo.Tuy báo đọc không thể có tin sốt dẻo, đưa tin nhanh bằng “tin nóng” của CNN, CBS, NBC, ABC… hay Headline News của mấy đài phát thanh, báo đọc sẽ không thua báo nhìn (TV), báo nghe (radio) và sẽ không biến mất. Tin nhanh cần, nhưng báo đọc cung cấp nhiều chi tiết làm nổi bật ý nghĩa thực sự của tin. Điều này chỉ có thể có với thời gian và lời bình của các nhà phân tách thời sự.

Ra hải ngoại, năm 2007 ông cho xuất bản tuyển tập “Những Mùa Xuân Trở Lại” và năm 2009 cuốn “Tâm Pháp Khí Công.” Cụ Sơn Điền qua đời nhưng không mất, chỉ mờ dần thôi như câu nói của Đại Tướng Douglas Mac Arthur “Old soldiers never die, they just fade away.” Trong cuốn “Tâm Pháp Khí Công,” nhà bình luận thời cuộc cho biết nhờ tập luyện như những điều viết trong sách, tinh thần và thể xác ông còn kháng kiện, làm việc bình thường sáu, bảy tiếng đồng hồ một ngày, trừ Chủ Nhật, “tôi chỉ làm có bốn tiếng.” Ông còn kể lại hồi trẻ ông cũng có học võ Thiếu Lâm, ở Nhật học “Kiếm đạo” (Kendo), tìm hiểu về Nhu Đạo, Thiền, nghiên cứu về Yoga, Hiệp Khí Đạo (Aikido) và Thái Cực Đạo của Nam Hàn. Ngoài ra, ông còn để ý đến nhiều phương pháp luyện công, luyện khí bắt nguồn từ sự khai sáng của Đạt Ma Tổ Sư ở chùa Thiếu Lâm, liên quan tới Phật pháp. [đ.d.]