Seite auswählen

Joe Biden đang mất điểm nghiêm trọng bởi chính sách Trung Đông của ông. Nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tổ chức ở thời điểm này và cuộc so găng Dân chủ-Cộng hòa diễn ra với hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump thì gần như chắc chắn Trump thắng cử – đó là nhận định chung của nhiều nhà quan sát.

“Cảnh báo đang gia tăng”

Sẽ là thiếu thận trọng nếu giới lãnh đạo thế giới bác bỏ khả năng Trump trở lại Tòa Bạch Ốc với nhiệm kỳ hai vào ngày 20 Tháng Giêng 2025. Để hiểu mối quan hệ quốc tế trong vài tháng tới, các nhà quan sát cần phải tính đến khả năng nhiệm kỳ thứ hai của Trump ảnh hưởng như thế nào đối với quyền lợi chính trị quốc gia họ. Các nhà lãnh đạo nước ngoài thừa nhận rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump thậm chí còn cực đoan và hỗn loạn hơn nhiệm kỳ đầu của ông.

Giới chức Nga và Trung Quốc đã công khai nói với các nhà phân tích rằng họ hy vọng Trump tái đắc cử. Với Nga, việc Trump trở lại nắm quyền có nghĩa phương Tây sẽ ít ủng hộ Ukraine hơn; với Trung Quốc, việc Trump trở lại đồng nghĩa với khả năng xảy ra rạn nứt trong các liên minh của Mỹ, đặc biệt với Nhật và Hàn Quốc, vốn giúp kiềm chế Bắc Kinh. Trong suốt nhiệm kỳ một, Trump thường xuyên bắt chính sách đối ngoại của Mỹ làm “con tin” cho những ý tưởng bất chợt của ông. Chẳng phải tự nhiên khi hiện tại một số nước Đông Âu và Pháp đang ráo riết thúc đẩy kết nạp Ukraine vào NATO càng sớm càng tốt.

Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại Waterloo, Iowa ngày 19 Tháng Mười Hai 2023. Các đảng viên Cộng hòa Iowa là những người đầu tiên chọn ứng cử viên đề cử của phe Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu ngày 15 Tháng Giêng 2024 (ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Với Trump, NATO không phải là liên minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ, dù lịch sử hơn bảy thập niên Hoa Kỳ gắn bó với NATO đã chứng minh ngược lại. Ông từng nói rằng NATO là nơi làm cạn kiệt ngân khố Mỹ chẳng khác gì “một đám ăn bám”. Gần đây, trang web tranh cử của Trump đưa ra một ý kiến mơ hồ: “Chúng ta phải hoàn tất quá trình mà chúng ta đã bắt đầu dưới sự điều hành của tôi nhằm đánh giá lại một cách cơ bản mục đích và sứ mệnh của NATO”. Cách nói bóng gió này đã tạo ra sự bất ổn và lo lắng giữa các đồng minh châu Âu và cả với những người Mỹ vốn ủng hộ vai trò đầu tàu trong chính sách đối ngoại của truyền thống Hoa Kỳ.

Trong bài báo vào thượng tuần Tháng Mười Hai 2023, The New York Times cho biết, các đại sứ châu Âu và đại diện các tổ chức nghiên cứu đã và đang tiếp cận những cộng sự thân tín của Trump để dò hỏi về chính sách của ông. Ít nhất có một đại sứ, Mikko Hautala của Phần Lan, thậm chí liên hệ trực tiếp với Trump và đề cao giá trị của đất nước mình đối với NATO với tư cách là thành viên mới.

Trong các cuộc phỏng vấn nhiều tháng qua, nhiều nhà ngoại giao hiện tại và trước đây của châu Âu (phát biểu với điều kiện giấu tên vì sợ bị Trump trả thù nếu ông thắng cử) cho biết “cảnh báo đang gia tăng” ở trong giới ngoại giao quốc tế và chính phủ họ lo ngại rằng sự trở lại của Trump không chỉ có nghĩa nước Mỹ sẽ bỏ lơ Ukraine mà Hoa Kỳ sẽ lảng xa châu Âu cũng như rút lui khỏi NATO.

James G. Stavridis, đô đốc hải quân bốn sao nghỉ hưu, từng là chỉ huy tối cao của NATO từ năm 2009 đến năm 2013, nhận định: “Ở châu Âu có nỗi lo sợ rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ dẫn đến việc Mỹ thực sự rút khỏi NATO. Đó sẽ là một thất bại to lớn về mặt chiến lược và lịch sử đối với đất nước chúng ta.”

Các cuộc phỏng vấn với giới ngoại giao hiện tại và trước đây cho thấy giới chức châu Âu hầu như không có ý tưởng về cách đối phó với Trump, ngoài việc áp dụng kịch bản tâng bốc ông. Các quốc gia nhỏ hơn có thể vuốt ve Trump bằng cách tăng đơn đặt hàng vũ khí Mỹ (như Ba Lan từng làm trong nhiệm kỳ một của Trump) hoặc thậm chí có những hành động… nịnh bợ bằng việc đề nghị dùng tên Trump đặt cho một căn cứ quân sự để đổi lấy việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện lâu dài trên đất mình.

 

Chiến lược xây dựng đồng minh của Biden chắc chắn đổ nát một khi Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Ảnh: Tổng thống Joe Biden cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tại Camp David ngày 18 Tháng Tám 2023 (Chip Somodevilla/Getty Images)

Make America (not) Great Again

The New York Times ngày 26 Tháng Mười Hai 2023 cho biết, Donald Trump đang lên kế hoạch thực hiện mạnh hơn những gì dang dở trong nhiệm kỳ đầu nhằm thay đổi chính sách thương mại của Mỹ nếu ông trở lại nắm quyền vào năm 2025 – trong đó có cả việc áp thuế mới đối với “hầu hết hàng hóa nhập khẩu”.

Dù chính quyền Biden giữ nguyên mức thuế mà Trump áp đặt đối với Trung Quốc, Trump phiên bản 2.0 có thể đi xa hơn, nỗ lực tách Mỹ khỏi Trung Quốc (cũng như phần còn lại của thế giới), trong bối cảnh mậu dịch song phương Mỹ-Trung trị giá $758 tỷ (hàng hóa và dịch vụ) vào năm 2022.

Trump cho biết ông sẽ “ban hành những hạn chế mạnh mẽ mới đối với quyền sở hữu của Trung Quốc” (“enact aggressive new restrictions on Chinese ownership”) đối với nhiều loại tài sản ở Mỹ, cấm người Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, và từng bước thực hiện lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu các danh mục hàng hóa do Trung Quốc sản xuất – như điện tử, thép và dược phẩm. “Chúng tôi sẽ áp đặt các hình phạt cứng rắn đối với Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác khi họ lợi dụng chúng tôi,” Trump tuyên bố tại cuộc vận động tranh cử gần đây ở Durham, New Hampshire.

Trump được tin là sẽ chơi rắn hơn với Trung Quốc (ảnh: Forrest Anderson/Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn, Robert Lighthizer, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trump nhiệm kỳ một và rất có thể đóng vai trò quan trọng trong nội các “Trump 2.0”, đã giải thích về chương trình thương mại của Trump. Về cơ bản, nghị sự thương mại của Trump sẽ dẫn Hoa Kỳ “thoát khỏi” sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và “đóng cửa” nước Mỹ chặt hơn: Mỹ sẽ tự sản xuất phần lớn những gì thị trường Mỹ tiêu thụ và thực hiện các giao dịch trực tiếp với từng nước (one-on-one dealings).

Trump từng thực hiện theo đường hướng trên ở cương vị tổng thống (nhiệm kỳ một), bao gồm áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, cản trở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nếu tái đắc cử, Trump sẽ vung tay mạnh hơn, dẫn với những hậu quả chấn động đối với thị trường việc làm trong nước Mỹ, tác động lên giá cả hàng hóa thị trường Mỹ lẫn thế giới, tạo ra những ảnh hưởng quan hệ ngoại giao và dẫn đến những xáo trộn hệ thống thương mại toàn cầu.

Thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ đang vận hành tốt. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3.7%; lạm phát hạ nhiệt đáng kể từ mức 3.7% sau đại dịch; khoảng 200,000 việc làm được tạo ra mỗi tháng và thị trường chứng khoán gần đạt mức cao kỷ lục.

Kế hoạch của Trump đang gây lo lắng đối với một số chuyên gia có quan điểm kinh tế truyền thống. Daniel M. Price, cố vấn kinh tế hàng đầu Tòa Bạch Ốc thời George W. Bush, gọi những kế hoạch của Trump là “thất thường và phi lý”. Theo Daniel M. Price, những gì Trump làm sẽ dẫn đến thiệt hại cho chính nước Mỹ, với những tổn thất hữu hình do chính người tiêu dùng và nhà sản xuất Hoa Kỳ gánh chịu.

Nhiều nghiên cứu kinh tế từng kết luận rằng chính sách thuế mà Trump áp đặt khi còn là tổng thống đã khiến xã hội Mỹ tổn thất nhiều hơn lợi ích mang lại. Nghiên cứu từ các nhà kinh tế tại Cơ quan Dự trữ Liên bang và Đại học Chicago cho thấy mức thuế mà Trump áp đặt đối với máy giặt vào năm 2018 chỉ tạo ra khoảng… 1,800 việc làm, trong khi mức giá trung bình mà người tiêu dùng trả cho máy giặt và máy sấy mới lại tăng lên $86 và $92 mỗi chiếc.

 

Bất chấp mức thuế mạnh của Trump, dữ liệu của Cơ quan điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm đã tăng lên $901 tỷ vào năm 2020, từ $735 tỷ năm 2016.

Với Trung Quốc, tại một cuộc vận động tranh cử gần đây, Trump cho biết ông sẽ tiến xa hơn trong việc áp đặt “loạt cải cách táo bạo để loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực quan trọng.” Năm 2022, Mỹ đã nhập $536.3 tỷ hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu $154 tỷ hàng hóa sang nước này. Trump nói rằng ông sẽ áp dụng “kế hoạch bốn năm để loại bỏ dần tất cả hàng nhập khẩu thiết yếu của Trung Quốc – mọi thứ, từ điện tử, thép đến dược phẩm”, cùng với các quy định mới để ngăn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời ngăn việc Trung Quốc mua tài sản Hoa Kỳ.

Riêng với Biden, từ khi vào Tòa Bạch Ốc đến nay, Biden đã “đánh” Trung Quốc rất mạnh, gần như trên mọi mặt trận. Chính phủ Biden đã cấm xuất khẩu một số công nghệ có ứng dụng quân sự sang Trung Quốc. Tháng Tám 2023, Tổng thống Biden đã ký lệnh cấm đầu tư mới của Mỹ vào những công ty Trung Quốc nào liên quan công nghiệp chất bán dẫn và máy tính lượng tử.

Tuy nhiên, với Trump như vậy là chưa đủ. Trump kêu gọi thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc bãi bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn và chính sách giảm thuế mà Mỹ dành cho Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Tháng Mười Hai 2023, một ủy ban Hạ viện cũng công bố một báo cáo lưỡng đảng kêu gọi thực hiện bước đi tương tự.

Theo một nghiên cứu được công bố vào Tháng Mười Một 2023 bởi Oxford Economics, do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung ủy quyền, việc thu hồi quy chế “tối huệ quốc” sẽ gây gián đoạn đáng kể cho nền kinh tế Mỹ. Người ta ước tính việc tăng thuế sẽ dẫn đến tổn thất $1.6 nghìn tỷ cho nền kinh tế Mỹ và mất đi 744,000 việc làm trong năm năm.

Trong hồi ký “No Trade Is Free” (Broadside Books phát hành Tháng Sáu 2023), Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế của Trump, thừa nhận rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc và những doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc luôn phản đối ý tưởng “chơi rắn” với Trung Quốc; rằng sự trả đũa không thể tránh khỏi của Trung Quốc nhằm gây tổn hại cho hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục “góp phần vào sự chia rẽ chiến lược” của hai nền kinh tế. Trong “No Trade Is Free”, Robert Lighthizer viết:

“Bất cứ ai thừa nhận rằng Trung Quốc là một vấn đề nhưng lại khẳng định rằng có một giải pháp kỳ diệu giúp xử lý vấn đề Trung Quốc mà không dẫn đến bất kỳ sự xáo trộn nào thì người ấy rất có thể là một kẻ nói dối, một kẻ ngốc, một kẻ hèn, một kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu hóa vô phương cứu chữa, hoặc (người ấy là) một sự kết hợp của những thứ như vậy”.

_________________

Gordon Brown (Th tướng Anh, 2007-2010) viết trên The Guardian ngày 7 Tháng Mười Hai 2023 (trích):

Năm nay bị chi phối bởi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, suy thoái kinh tế, bế tắc Trung Quốc-Mỹ, cuộc tấn công khủng bố của Hamas và chiến tranh Gaza. Tuy nhiên, dù những xung đột và bi kịch này đang gây chấn động thế giới, hai năm tới có thể khiến những diễn biến chính trị này trở nên trầm trọng hơn và thậm chí vượt qua tất cả, nếu mối đe dọa về nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump trở thành hiện thực. Vào thời điểm đang rất cần một lính cứu hỏa dập tắt ngọn lửa xung đột, người Mỹ và phần còn lại thế giới lại thấy một kẻ đốt phá trong Tòa Bạch Ốc. Không chỉ sự sống còn của nền dân chủ Mỹ sẽ có trong lá phiếu năm 2024 mà còn là sự ổn định và tiến bộ ở mọi nơi.

Donald Trump từng nhiều lần dọa rút Mỹ khỏi NATO (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump, mà ông ta trắng trợn tuyên bố sẽ trở thành nhà độc tài ngay từ ngày đầu tiên, sẽ là một thảm họa (…) Các chính sách của ông ấy dựa trên định kiến cá nhân và mong muốn trả thù: Trục xuất người vô gia cư khỏi thành thị, áp dụng án tử hình đối với những kẻ buôn bán ma túy, hợp pháp hóa việc “bắn bỏ” thậm chí những kẻ trộm vặt, cho hồi hương con cái của những người nhập cư bất hợp pháp mà ông ấy cáo buộc đã “đầu độc dòng máu đất nước chúng ta”, thanh trừng những học giả có tư tưởng tự do trong các thể chế giáo dục, và – điều mà ông nói rằng sẽ thực hiện đầu tiên – loại bỏ những gì ông gọi là “bọn sâu bọ” và “đám bội phản”, cụ thể là những quan chức chính phủ khước từ những chính sách kỳ quái của ông ấy (…)

Chương trình nghị sự quốc tế của ông ấy sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn của một thế giới vốn bất ổn. Ông ấy khoe mình sẽ chấm dứt cuộc chiến Ukraine trong vòng 24 giờ, chắc chắn bằng cách nhượng bộ Vladimir Putin (…) Tầm nhìn của Trump về “Nước Mỹ trên hết và duy nhất” là lời kêu gọi u ám đối với một nước Mỹ tách biệt và cô lập, với nhãn quan chính trị “tổng bằng không” (zero-sum) trong đó chỉ có ý tưởng “chúng ta đối đầu bọn chúng” (“us versus them”).

Ông ấy quan niệm một thế giới nơi các quốc gia cạnh tranh – như ông ấy từng làm với tư cách là một tay buôn bán bất động sản – là, để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, Mỹ chỉ có thể thắng khi các nước khác thua (…) Nhìn chung, ông ấy sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một thế giới đa cực và tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch, và với kế hoạch rút khỏi Ngân hàng Thế giới, IMF và Tổ chức Y tế Thế giới, những nỗ lực hợp tác quốc tế sẽ bị tan vỡ. Mỹ vốn có xu hướng hành động đa phương trong kỷ nguyên đơn cực, sẽ hành động đơn phương trong kỷ nguyên đa cực (…)

Xem thêm:

Nguyễn Hoàng Văn: Trump 2024: WWJD?*

Nếu Trump tái đắc cử: Những hệ quả đối với xung đột ở Gaza và Ukraina

 

 

RFI

Bầu cử tổng thống Mỹ chưa diễn ra, đảng Cộng Hòa vẫn chưa có ứng viên chính thức, nhưng chiếc bóng của Donald Trump đã phủ lên nhiều hồ sơ quốc tế lớn. Tại châu Á, các nước đồng minh của Mỹ phập phồng lo sợ Donald Trump trở lại cầm quyền. Ngược lại, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu và tổng thống Nga Vladimir Putin lại đặt cược nhiều vào chiến thắng của nhà tỷ phú địa ốc. Nhưng kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ là một thảm họa cho Liên Hiệp Châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan, tháng 12/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan, tháng 12/2019. SPUTNIK/AFP/File
QUẢNG CÁO

Năm 2024 vừa mới bắt đầu, nhưng « Donald Trump đã là nhân vật của năm 2024 », trang mạng France Inter ngày 02/01/2024 đã viết như thế ! Hiện tại, Donald Trump chưa phải là ứng viên chính thức, vì vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa sẽ chỉ bắt đầu vào ngày 15/01/2024 từ bang Iowa. Nhưng các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông Trump có nhiều lợi thế không chỉ với các đối thủ trong đảng mà cả với ông Joe Biden.

Theo Bernard Guetta1, nghị sĩ Châu Âu, thuộc nhóm nghị sĩ Renew, và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Nghị Viện Châu Âu, viễn cảnh Donald Trump trở lại cầm quyền là một mối đe dọa to lớn.

« Nếu nhân vật này vào được Nhà Trắng, trước hết ông ấy sẽ làm suy yếu hơn nữa nền dân chủ Mỹ. Đừng quên rằng, vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông ấy đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc Hội. Nhưng ngoài tấm bi kịch chính trị nội bộ của Mỹ, Donald Trump còn muốn phá vỡ Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu. Ông ấy muốn đúc kết một thỏa thuận với Vladimir Putin, sau lưng người dân Ukraina, sau lưng chúng ta, 27 nước thành viên Liên Âu. Đó thực sự không phải là một viễn cảnh vui vẻ chút nào ! »

Chiến sự ở Gaza : Cuộc chiến sinh tồn cho thủ tướng Israel ?

Nhưng rủi thay, « trên thế giới, có hai người điên cuồng đang trông đợi Trump trở lại Nhà Trắng : Benjamin Netanyahu ở Israel và Vladimir Putin ở Matxcơva », vị nghị sĩ Châu Âu này bình luận tiếp. Bất chấp con số nạn nhân cao, chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai tấn bi kịch, một ở dải Gaza và một tại Ukraina sẽ có ngày chấm dứt. Thủ tướng Israel và tổng thống Nga chỉ được lợi khi kéo dài thêm cuộc xung đột với hy vọng Donald Trump tái đắc cử.

Đối với nhân vật thứ nhất, nghị sĩ châu Âu giải thích : « Đương nhiên là Netanyahu phải tiếp tục cuộc chiến và thậm chí có thể mở rộng cuộc xung đột, bởi vì đối với ông ấy, đây là một sự bảo đảm cho sự sống còn, tôi muốn nói về mặt chính trị ». Kéo dài vô tận cuộc xung đột còn là cách tốt nhất để ông giữ được quyền miễn trừ tư pháp với tư cách người đứng đầu chính phủ.

Thủ tướng Israel hiện đang đối mặt với ba thủ tục tố tụng, được mở ra từ năm 2019 về tội tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin, những tội danh có thể dẫn đến án tù. Thế nên, theo nhà sử học Jean-Pierre Filiu2, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị, mục tiêu « xóa sổ » phe Hamas mà ông Netanyahu đề ra, ít có cơ may đạt được, chỉ mang tính khoa trương hơn là quân sự.

Liên Hiệp Châu Âu : Bên thiệt thòi nhiều nhất ?

Nhưng việc theo đuổi chiến sự trên dải Gaza không chỉ giúp Benyamin Netanyahu duy trì quyền lực tại Israel, mà còn nhằm làm suy yếu Joe Biden, vào lúc đảng Dân Chủ chưa bao giờ bị chia rẽ như lúc này. Trên thực tế, thủ tướng Israel luôn mong đợi sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump, vốn đã hậu thuẫn ông vô điều kiện từ năm 2017 đến năm 2020.

Hẳn người ta sẽ chưa quên bản Kế hoạch Hòa bình cho Cận Đông được tổng thống Donald Trump công bố ở Nhà Trắng ngày 28/01/2020 trước sự hiện diện của thủ tướng Israel Netanyahu mà không có đại diện Palestine.

Kế hoạch mang tên « Tầm nhìn » của Donald Trump cho phép Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái nằm rải rác trên khắp vùng Cisjordanie vào lãnh thổ Israel. Đổi lại, Tel-Aviv cam kết sẽ ngưng mở rộng các khu định cư. Người Palestine sinh sống trong các khu định cư Do Thái có bốn năm để quyết định đi hay ở lại với Israel. Trái lại, người tị nạn Palestine vẫn không được phép trở về Israel.

Kế hoạch này đã bị chỉ trích là « thiên vị, bất cân xứng » chỉ chiều theo ý muốn của thủ tướng Israel, « một thảm họa thứ hai » theo như đánh giá từ giới truyền thông Pháp vào thời điểm đó ! Do vậy, nếu duy trì được quyền lực từ đây đến tháng 11, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu sẽ bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump hơn là một Joe Biden đang nói đến giải pháp « Hai Nhà nước ».

Từ những quan sát trên, nghị sĩ châu Âu Bernard Guetta cảnh báo, nếu xung đột ở Gaza kéo dài cùng với sự trở lại của Donald Trump, chiến tranh có thể lan rộng ra toàn khu vực. Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa có nguy cơ đối mặt với những làn sóng di dân, các cuộc tấn công khủng bố ồ ạt và có nhiều nguy cơ bị lôi kéo vào xung đột ở Gaza.

Donald Trump trở lại: Thắng lợi cho tổng thống Nga !

Nhưng thủ tướng Israel không phải là người duy nhất tính đến nước cờ này. Vladimir Putin, người mà lãnh đạo Israel có mối quan hệ mật thiết hơn là với Joe Biden, cũng tin rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ là một thắng lợi cho nước Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Cuộc xung đột ở dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023 đã là « món lộc trời ban » cho tổng thống Nga. Chiến sự bùng nổ đẩy nước Mỹ của Joe Biden rơi vào trạng thái « tả xung hữu đột » và công luận quốc tế bị chuyển hướng sang Cận Đông. Donald Trump trở lại cũng đồng nghĩa với việc xoa dịu được  tư tưởng bài Nga và nhất là có thể cắt nguồn hậu thuẫn tài chính cho Ukraina.

Donald Trump, trong một cuộc vận động cho bầu cử sơ bộ, trước những người ủng hộ ông, từng tuyên bố : « Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến sau một ngày, trong vòng 24 giờ ! ». Theo giải thích của nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta, điều đó có nghĩa là, « ông ấy sẽ nói với ông Putin là “ông hãy giữ phần lãnh thổ mà ông đã chiếm được tại Ukraina, còn tôi sẽ ngưng hỗ trợ cho Ukraina. »

Đây cũng là cách diễn giải của nhà sử học quân sự Philips O’Brien3, trường đại học St-Andrews : « Điều ông sẽ làm là đề nghị hoặc buộc Ukraina nhượng lãnh thổ cho Putin. Tôi nghĩ ông tin rằng Putin là người mà ông có thể đàm phán. »

Ngay từ đầu cuộc xung đột, nếu như lưỡng đảng cho tới nay gần như nhất trí ủng hộ tài trợ cho quốc phòng Ukraina, thì Donald Trump luôn chất vấn về sự hậu thuẫn dành cho Kiev. Đây cũng không phải là điều gì mới mẻ. Trong quá khứ, khi còn tại nhiệm, nhà tỷ phú bất động sản này đã bị chỉ trích có mối quan hệ « nồng ấm » với nguyên thủ Nga. Ông còn bị cáo buộc đã đe dọa cắt nguồn viện trợ cho Kiev trừ phi chính phủ tổng thống Zelensky chịu tiết lộ những điều xấu xa về Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.

Theo đánh giá của Philips O’Brien, điều nguy hiểm ở đây là Donald Trump xem chính sách đối ngoại cũng như chính trị là « một con đường để trục lợi cá nhân ». Đối với ông, « NATO, đồng minh hay Ukraina đều không quan trọng. Tốt nhất hãy thực hiện một thỏa thuận có lợi cho Donald Trump ».

Cơ hội đắc cử tổng thống lần hai của Donald Trump ngày một lớn. Tại Mỹ, người dân bắt đầu mệt mỏi về những cuộc can thiệp quân sự. Các chiến dịch quân sự bên ngoài, từ Việt Nam cho đến Afghanistan, đều kết thúc bằng cái giá rất đắt cả về nhân mạng và vật chất. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy gần một nửa số người Mỹ được hỏi cho rằng chính phủ đã chi quá nhiều tiền để hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga. Và tỷ lệ này còn cao hơn đáng kể trong số các cử tri đảng Cộng Hòa.

Nguy cơ nước Mỹ trở lại với chủ nghĩa biệt lập ?

Chuyên gia về Mỹ Jérôme Viala-Gaudefroy4, trường đại học Khoa học Chính trị nhận định, Donald Trump trở lại Nhà Trắng còn đồng nghĩa với việc nước Mỹ quay về với chủ nghĩa biệt lập.

« Vladimir Putin ở Nga, rồi Tập Cận Bình ở Trung Quốc, chúng ta thấy rằng Trump thực sự đang thúc đẩy một làn sóng chủ nghĩa biệt lập tồn tại đặc biệt ở phe Cộng Hòa. Có một kiểu mệt mỏi vì chiến tranh, sau cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến ở Irak. Thực sự có mong muốn thoái lui này. Người ta nói rằng trước tiên chúng ta phải quan tâm đến biên giới của mình, những gì đang xảy ra trong nước và còn thế giới là chuyện của họ. Ukraina là vấn đề của châu Âu. Thậm chí, một số cố vấn của Trump còn chất vấn về sự tham gia của Hoa Kỳ vào NATO. Dù vậy, đối với Mỹ, liên minh này vẫn là một điều quan trọng vì Quốc Hội gần đây đã thông qua một nghị quyết buộc tổng thống phải có sự đồng ý của Quốc Hội và 3/4 lá phiếu Thượng viện để có thể rút khỏi NATO. »

Sự trở về của Trump còn hàm chứa nhiều rủi ro xảy ra hỗn loạn trên chính trường Mỹ như những gì từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu. Donald Trump chỉ sẽ làm những gì mình muốn, và « trong trường hợp này, mọi tiền lệ đều bị loại bỏ », ông Philips O’Brien cảnh báo. Nhưng một tình trạng hỗn loạn ở Mỹ, và một nền dân chủ Mỹ bị suy giảm, chính xác là điều mà ông Putin và nhiều kẻ thù khác của Mỹ đang mong đợi.

Tại châu Á, các đồng minh của Mỹ lo lắng trước nguy cơ Donald Trump đắc cử tổng thống. Những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tăng cường các mối quan hệ đồng minh, từ Tuyên bố Washington về liên minh quân sự Mỹ – Hàn, tuyên bố Camp David ba bên Mỹ – Nhật – Hàn và quan hệ đối tác công nghiệp quốc phòng AUKUS có nguy cơ không còn tồn tại trong quá trình chuyển đổi chính trị ở Washington.

Dù vậy, chuyên gia địa chính trị Bertrand Badie5, giáo sư danh dự trường đại học Khoa học Chính trị vẫn đưa ra chút tín hiệu lạc quan khi cho rằng người ta có xu hướng đánh giá thấp khả năng chống chọi mạnh mẽ của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày đầu năm 2024, ông phân tích :

« Mỹ không thay đổi chính sách đối ngoại dễ dàng như chúng ta nghĩ. Thậm chí chúng ta có chút xu hướng châm biếm nhiệm kỳ tổng thống Trump, đã thể hiện sự khác biệt với các đời tổng thống Mỹ khác bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng ngoạn mục, chẳng hạ như rút khỏi các tổ chức quốc tế, di dời đại sứ quán Mỹ ở Israel, và nhiều việc khác như rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân Iran…

Nhưng chưa bao giờ có bất kỳ thay đổi thực sự nào trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ ngoại trừ việc, cứ như chúng ta nói,  có một mong muốn, đã được khởi xướng từ thời Obama, là thoái lui khỏi các cuộc xung đột lớn trên thế giới.

Cho dù đó là Trump hay Biden, thì điều đó cũng giống nhau, ngay cả khi Biden tỏ ra nhạy cảm với cánh tả trong đảng Dân chủ ngày càng kêu gọi, nếu không ủng hộ người Palestine, thì ít nhất là trung lập hơn, và chúng ta đã thấy điều đó đặc biệt trong các cuộc bỏ phiếu gần đây tại Hội Đồng Bảo An.

Chính sách ngoại giao của Mỹ không thay đổi. Đây là mặt ổn định, mạnh hơn chúng ta nói mà các nhà bình luận không có thói quen nhắc đến. »

———- ********** ———-

Tham khảo :

1. Bernard Guetta : “Deux hommes attendent frénétiquement le retour de Trump : Netanyahou et Poutine”, France Inter ngày 01/01/2024.

2. « Le destin de l’Europe en 2024 se jouera à Gaza », Le Monde ngày 31/12/2023.

3. Is Trump a bigger threat to Ukraine than Putin in 2024? Channel 4 News, ngày 29/12/2023.

4. La présidentielle 2024 aux États-Unis : Donald Trump le retour ? TV5 Monde ngày 16/12/2023.

5. Quel impact des élections européennes et américaines sur les conflits à Gaza et en Ukraine? RFI ngày 01/01/2024.