Seite auswählen

Lê Đình Lượng

Lê Đình Lượng, sinh năm 1965, cư trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, là một nhà bất đồng chính kiến, chú họ của luật sư Lê Quốc Quân, một trong những luật sư nhân quyền và nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng trong nước.

Bị bắt

Ông Lượng bị bắt hôm 24/7/2017 theo Điều 79, tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, cùng ông Thái Văn Hòa trong khi đi trên đường về sau khi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. ông Hòa trình bày, “Chúng tôi đang đi xe thì thấy hai chiếc ô tô bảy chỗ và 10 chiếc xe máy với công an mặc thường phục. Họ chặn xe, đánh đập rồi cho tôi và anh Lượng lên hai xe khác nhau. Về đến trụ sở công an ở Vinh thì họ thả tôi về nhưng tôi không thấy anh Lượng. Không biết họ đưa anh đi đâu.” Trước khi bị bắt, gia đình cho biết ông Lượng đã nhiều lần bị đánh đập uy hiếp bởi an ninh địa phương.

Ông Lê Đình Lượng bị tấn công hồi 2015 sau khi đi thăm cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật

Hoạt động

Quan điểm người thân
luật sư Quân cho biết, ông Lượng “đúng nghĩa là một nhà hoạt động địa phương”. “Chú tôi là một cựu chiến binh ở biên giới phía bắc năm 1983. Ông từng phải đóng chốt ở đỉnh núi ngay biên giới với Trung Quốc, nấp trong hầm ẩm thấp. “Ông có tinh thần rất yêu nước. Ông chỉ hoạt động ở mức địa phương thôi nhưng ông rất đau đáu với chuyện quốc tế dân sinh, chuyện Trung Quốc xâm lược biển đảo. “Vào thứ Bảy, hay Chủ Nhật hay ngày lễ, ông cầm các biểu ngữ, băng rôn ông tự làm, đi dọc đường cùng một số anh em phản đối Formosa, bảo vệ biển đảo…”
“Ông rất tích cực trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho người dân.”

Luật sư Quốc Quân kể ông Lượng đã có nhiều hoạt động đấu tranh như quyền sinh con thứ ba của người dân, việc bắt đóng phí giáo dục, tiêu biểu là việc thu phí sản lượng nông nghiệp. “Trong việc thuế phí nông nghiệp, chính quyền tại địa phương quê tôi đã áp đặt một số sản lượng lên người dân dù luật pháp quy định được miễn. Chú tôi cùng một số anh em đấu tranh, cơ bản là được sự ủng hộ của người dân để lên xã phường đòi tiền. Chính ông chủ tịch xã phải thừa nhận và đền bù,” “Chú tôi có những hoạt động rất hữu ích và rất hay cho người nông dân. Người dân họ mách nhau, họ không đóng phí, những nơi khác họ cũng bắt đầu lật luật ra xem. Những cựu chiến binh bạn ông ấy cũng hỏi han cách thức để đấu tranh.” Ông Lượng hay giúp họ làm đơn để khiếu nại, hay cũng như đòi quyền lợi. “Tôi thấy việc ông ấy làm là việc rất tiến bộ, có gì mà phản động?” Luật sư nói, “Giờ thấy ông bị bắt, tôi cảm thấy rất thương cảm và bất công.”

Bà Nguyễn Thị Quý, vợ của ông Lê Đình Lượng cho biết: “Đối với tôi, chồng tôi là người tuyệt vời nhất. Chồng tôi đấu tranh cho bản thân, cho gia đình, cho dân làng, cho xã hội và cho sự thật. Tôi có thấy cái gì sai đâu,” bà Quý nói. “Chồng tôi đấu tranh chồng tôi chỉ mất thời gian, mất công thôi. Nhà tôi chỉ mất công yêu nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí. Thế thì có gì sai?” (Cựu chiến binh chống TQ, ông Lê Đình Lượng bị bắt)

Phản đối việc bắt giam

Hôm 26/7/2018, thông cáo do Luật sư Nguyễn Văn Đài và Hội Anh em Dân chủ phát đi từ Đức, ghi: “Tất cả các hoạt động của ông Lê Đình Lượng được mô tả trong cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An chỉ thể hiện quyền tự do hoạt động đảng phái chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của ông ấy.”

“Các hoạt động đó nhằm tiến tới dân chủ hóa Việt Nam, xây dựng chế độ chính trị dân chủ đa đảng, ở đó mọi quyền lực chính trị đều thuộc về nhân dân. Và chỉ trong chế độ chính trị dân chủ đa đảng, Nhân dân mới thực sự có quyền lực để lựa chọn, quyết định và xây dựng lên chính quyền nhân dân.”

“Hội Anh em Dân chủ yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Lê Đình Lượng.”

Phiên án sơ thẩm

Ngày 16/8/2018, tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Báo chí trong nước

Báo Nghệ An viết về phiên tòa: “Qua quá trình xét xử, nhận thấy Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân, tòa án tuyên phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và bình luận: “Lợi dụng cái gọi là “bảo vệ môi trường”, Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…,”

Quan điểm luật sư

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho BBC biết là “Ông Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố.”

“Có thể mức án 20 năm tù, ngoài khung đề nghị 17 năm tối đa của Viện Kiểm sát, dành cho ông Lượng là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh đấu.” “Rất tiếc là những phiên tòa thế này chưa thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Nghĩa là bản án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng cũng như kết quả thẩm tra chứng cứ tại tòa.”, “Còn trong phiên tòa hôm nay thì cả hai nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời khai về ông Lượng trong hồ sơ.”

Quan điểm của các tổ chức nhân quyền quốc tế

Trước phiên xử một hôm, thông cáo của Ân Xá Quốc Tế (AI), trích lời bà Clare Algar, giám đốc Điều phối Toàn cầu của AI, cho biết: “Chỉ vì đã vận động một cách ôn hòa cho những người ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường mà ông Lê Đình Lượng có thể phải đối mặt với án tù. Đây rõ ràng là một vụ án bất công và mang tính chính trị và cần phải bị bãi bỏ. Ông Lê Đình Lượng cần phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bày tỏ trong thông cáo của tổ chức này: “Cuộc trấn áp mang tính hệ thống của chính quyền Việt Nam với giới bất đồng đã không ngăn được các nhà hoạt động dũng cảm như Lê Đình Lương tham gia vận động cho nhân quyền và dân chủ.” và cho là: “Chính quyền Việt Nam nên hiểu rằng việc ngăn người dân thực thi các quyền cơ bản của họ là không hiệu quả.” (Ông Lê Đình Lượng bị 20 năm tù, án cao nhất cho giới đấu tranh)

Nhận xét về bản án

LS Nguyễn Văn Đài: Tôi cho rằng đây là một bản án bất công, mang tính trù dập và khủng bố đối với ông Lê Đình Lượng, một người hoạt động chính trị đối lập ôn hoà tại Việt Nam. Bản án này không chỉ nhằm vào cá nhân ông Lê Đình Lượng mà nó còn gửi thông điệp những người hoạt động chính trị khác. Tôi cực lực phản đối bản án này….theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì trong quá trình xét xử, thái độ của ông Lê Đình Lượng đã làm những người ngồi trong phòng kín theo dõi phiên toà hết sức tức giận. Và họ đã ra tay quá nặng với ông Lê Đình Lượng. (LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’)

Phiên tòa phúc thẩm Nghệ an

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/10/2018, hàng trăm người dân tại giáo xứ của ông Lượng cũng đã kéo đến cả một góc đường, vì “họ nghĩ là phiên tòa công khai thì họ sẽ được vào dự”. Tuy nhiên chỉ có vợ, con trai và con dâu của ông Lượng được vào sau khi có sự can thiệp vất vả của phía luật sư.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, ông Lượng, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, “luôn rất ôn hòa, hết sức bình thản, nhẹ nhàng, lúc nào cũng gần như đang cười, mặc dù cương quyết không nhận tội.” Hội đồng xét xử lại không những không giảm án mà lại bổ sung hình phạt đó là cấm đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang trong 5 năm.
Ông Mạnh cho biết thêm về ông Lượng, „tại huyện Yên Thành, ông ấy được xem như là một lãnh tụ tinh thần,” “Ông đã làm rất nhiều điều có ích cho người dân, tranh đấu với chính quyền về những bất công tại địa phương. Và rất có thể điều đó đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền.”

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Đài: “Ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu.”

Theo báo Nghệ An, Lê Đình Lượng là “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố ‘Việt Tân'” Tờ báo địa phương cho rằng ông Lượng đã tuyên truyền, lôi kéo những người dân “có tư tưởng chống đối ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân”. “Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về ‘vai trò người lãnh đạo’ và ‘truyền thông báo chí’, do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam. (Y án 20 năm tù giam cho Lê Đình Lượng)

Quan điểm

Ông Lê Đình Lượng: “Việc của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do dân chủ”. (Lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án)

Paulus Lê Sơn viết: Ông Lê Đình Lượng nói với tôi thế này: “Niềm tin của chúng ta sẽ cứu chúng ta và cứu đất nước này”.

Nếu không có những người như Lê Đình Lượng dám dấn thân hi sinh thì ngọn lửa yêu quê hương tự do có lan tỏa và đốt nóng được lòng dạ vô thường?

“Khi chúng ta đã xác định con đường chúng ta chọn, thì dù bản án có như thế nào chăng nữa cũng không làm cho chúng ta run sợ, vì chính chúng ta đang sống, đang hành động là sống và hành động trong lý tưởng, trong Đức Tin cho một quê hương Việt Nam trường tồn thịnh trị, một đất nước không có cộng sản, thay vào nơi đó là tình yêu, lòng khoan dung và hòa bình cho mỗi người dân Việt”. (Lê Đình Lượng: Niềm tin sắt đá vào một tương lai tốt đẹp là thiết yếu)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen