Seite auswählen

Bên trong Wu Restaurant của người Việt, bán Sushi và các món ăn châu Á. Photo Song Chi

Người Việt ở Oslo, Na Uy, chủ yếu kinh doanh nhà hàng Sushi, nhà hàng Việt hay siêu thị Á Đông

Ðến Oslo, bạn có thể thấy khá nhiều nhà hàng Sushi – từ những cửa hàng nhỏ, take-away, cho tới những nhà hàng sang trọng có đủ chỗ ngồi cho 50, 60 thực khách, hoặc hơn.

Khi còn ở Oslo có lần tôi viết bài về các nhà hàng Sushi cho tờ Utrop, nhờ vậy mới khám phá ra một điều. Ðó là nếu thử tìm trên PROFF, một trang web chuyên tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp ở Na Uy, sẽ thấy có 187 quán và nhà hàng Sushi ở Oslo, trong đó 131 là của người Việt làm chủ. Nhưng theo Ole, một nhân viên đang làm việc tại PROFF, con số này có thể cao hơn — có thể lên tới khoảng 200 nhà hàng Sushi, trong đó khoảng 140 thuộc về người Việt, bởi vì có một số quán và nhà hàng bán Sushi kèm với những món ăn châu Á khác nhưng không đề Sushi trên cửa hiệu. Dù sao đi nữa thì cũng có khoảng 70% là nhà hàng của người Việt. Nghề bán Sushi ở Na Uy tuy có thể chưa phổ biến như nghề làm nail ở Mỹ, nhưng con số này xem ra cũng khá cao.

Ai cũng biết Sushi là một món ăn độc đáo của người Nhật. Tuy nhiên, cộng đồng người Nhật ở Oslo nhỏ, do đó ít tìm được người Nhật làm đầu bếp hay mở nhà hàng ở đây. Trong danh sách nhà hàng Sushi ở Oslo nói trên của PROFF, chỉ có 3 cái tên Nhật.

Nguyên nhân đầu tiên khiến cho Sushi trở thành món ăn phổ biến ở Oslo nói riêng, và ở Na Uy nói chung, có lẽ do Na Uy có cá hồi tươi ngon có thể ăn sống, rất hợp cho món Sushi.

Theo anh Vũ Trần, chủ Wu Restaurant, người đã theo nghiệp nhà hàng từ 20 năm nay nhưng mới bước vào nghề Sushi, thì từ năm 2005, tức trước đây khoảng trên 20 năm thôi, người Na Uy không biết nhiều về món Sushi. Ông Hong, một người Hoa có cổ phần trong chuỗi nhà hàng East Restaurant, là người đã làm cho món Sushi trở nên phổ biến thông qua chuỗi nhà hàng này. Rồi dần dần người Việt đua nhau mở nhà hàng Sushi. Ðối với những người Việt nhập cư ở Na Uy thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thế hệ 1.5, không nói giỏi tiếng Na Uy, khó tìm được việc làm, họ phải xoay sang tìm cách mở cửa hàng kinh doanh buôn bán. Việc mở một cái quán Sushi take-away (mang về) không cần nhiều vốn, và học làm món Sushi có vẻ như cũng không khó lắm. Chính vì vậy, đa phần các quán Sushi của người Việt nhỏ, bình dân, với các món Sushi được chế biến khá là đơn giản. Những nhà hàng to có đầu tư nhiều là của người Na Uy.

Có khá nhiều người Việt mở quán Sushi chỉ học nghề trong một thời gian ngắn. Thậm chí có người chỉ học từ việc xem clip trên youtube.

Trong khi đó, theo ông Seigo Sato, một trong mấy đầu bếp và chủ nhà hàng Sushi hiếm hoi người Nhật, không đơn giản để học được tay nghề làm món Sushi cho ngon. Ở Nhật phải mất hàng năm. Quan trọng nhất là khâu nấu và chế biến cơm: nấu làm sao cho mềm, dẻo, không khô, không vỡ nát; phải biết trộn giấm, đường, muối biển sao cho vừa miệng. Cá phải thật tươi; nước tương pha chế phải thật ngon. Bản thân ông Seigo Sato cũng mất cả chục năm để học nấu các món ăn Nhật Bản, trong đó có Sushi, trước khi bắt đầu mở nhà hàng ở Oslo 26 năm trước. Ông nhận xét, cách chế biến và cách ăn Sushi ở Oslo nhìn chung khác với ở Nhật. Ngay các loại cá cũng đã khác vì Nhật có nhiều loại cá, nhất là cá ngừ, còn Na Uy phổ biến nhất là cá hồi.

Anh Vũ Trần, người từng may mắn được làm việc với những đầu bếp giỏi về Sushi, trong đó có ông Sato, cũng đồng ý. Ðã từng đi ăn món Sushi ở Nhật, anh cho biết món Sushi của người Nhật trông đơn giản nhưng đòi hỏi phẩm chất cao, và tay nghề của người chế biến cũng phải cao.

Bây giờ Sushi đã trở thành món ăn phổ biến ở Na Uy. Những người chủ nhà hàng Sushi mà tôi tiếp xúc đều cho biết dân Na Uy là nguồn khách chính tại các nhà hàng của họ; kế đến là dân các nước Bắc Âu và phương Tây; thứ nữa mới là người châu Á. Còn dân từ Trung Ðông, Nam Á và châu Phi thì ít chuộng Sushi.

Dân Na Uy và các nước khác ăn Sushi do đầu bếp Việt chế biến vẫn thấy ngon như thường. Nhưng giả sử người Nhật từ Nhật đến mà nếm thử món Sushi đó bảo đảm họ sẽ không hài lòng; giống như người Việt mà ăn phở, bún bò do người Hoa nấu ở một số nhà hàng tại quận 13 ở Paris, hay ăn phở ở Anh do dân Anh nấu. Có lần người viết bài này vào một nhà hàng ở Leeds đề «Phở Việt» hẳn hoi nhưng chủ quán là người Anh, đầu bếp hình như cũng là người Anh. Chả có cái gì giống với món phở tuyệt vời ở quê hương cả!

Ngoài nhà hàng Sushi, người Việt sống ở Oslo còn mở nhà hàng Việt hoặc mở siêu thị bán thực phẩm nhập từ VN, Thái Lan, Trung Quốc, Hongkong. Chỉ riêng ở khu vực trung tâm đã có 6, 7 cái siêu thị do người Việt làm chủ. Gần như không thiếu món gì từ nước mắm, chao, cà pháo, mắm tôm, mắm ruốc, rau muống, rau lang, rau diếp, rau đay… cho tới phở khô, bún khô, lạp xưởng, tôm khô. Từ cái chổi, đôi đũa, bó nhang cho tới nồi cơm điện, nồi hấp v.v. Ngày Tết thì có bánh chưng bánh tét, củ kiệu, mứt… Có cả tờ lịch in hình Việt Nam treo tường cho vui mắt! Nhờ vậy, cộng đồng người Việt ở Oslo (khoảng hơn 6000 người) có thể nấu đủ thứ món ăn Việt cho đỡ nhớ mùi vị quê hương!

Song Chi, 7.11.2018

Nguồn: Trẻ

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen