Seite auswählen

Một trong những chữ thú vị nhất trong tiếng Anh là chữ “elite”, vì ý nghĩa của nó không chỉ đa dạng mà còn mang tính thời sự không chỉ ở nước ngoài mà còn ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có người dùng khái niệm elite (tinh hoa) để biện minh cho nhu cầu xây nhà hát ở Thủ Thiêm, và chủ trương này bị phản đối kịch liệt. Hiểu được ý nghĩa mới của chữ elite sẽ hiểu tại sao người ta khinh bỉ những kẻ tự nhận là elite.

Cũng như nhiều chữ khác mang tính văn hóa trong tiếng Anh, chữ elite có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Tiếng Pháp có chữ “élite”, và chữ này trong thực tế xuất phát từ tiếng Pháp cổ “eslite” (thế kỉ 12). Và, eslite thì lại có xuất xứ từ tiếng Latin “eligere”, có nghĩa là chọn lọc. Trước đây, elite trong tiếng Anh chỉ là danh từ, nhưng đến giữa thế kỉ 19 thì nó lại được sử dụng như là một tính từ. Trong tiếng Anh, chữ elite chỉ xuất hiện trên giấy in từ năm 1920. Như vậy, dù chữ này (elite) tương đối cổ, nhưng trên giấy tờ thì nó chỉ mới xuất hiện gần 100 năm thôi.

 Chữ elite được dịch sang tiếng Việt là ‘tinh hoa’, ‘tinh túy’, ‘tinh tú’, ‘cao cấp’. Và, cách dùng trong báo chí phổ thông có thể hiểu là chỉ những người thuộc tầng lớp có học thức cao hoặc có địa vị cao trong xã hội (như địa vị chính trị, địa vị kinh tế, địa vị nghệ thuật). Khi những người cầm quyền Sài Gòn muốn xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm, một trong những người ủng hộ là chồng một cô ca sĩ, và người này cũng dùng khái niệm ‘tinh hoa’ để biện minh: “Nếu Việt Nam không có tầng lớp tinh hoa, quý tộc có hiểu biết và nếp sống văn minh như người dân các nước phát triển, thì ai sẽ là người dẫn dắt dân tộc Việt trở thành quốc gia giàu có, văn minh, sánh vai với các nước khác trong khu vực và trên thế giới?” Tóm lại, elite trong tiếng Việt được hiểu là tinh hoa, và thành phần elite là những người đi tiên phong ‘dẫn dắt dân tộc’, tức là một thành phần thượng tầng xã hội đáng quí và đáng kính.

 Nhưng trong thực tế chữ elite hiểu theo nghĩa trên có lẽ hơi phiến diện. Ở đây, tôi không bàn Việt Nam có hay không có giai tầng tinh hoa và quí tộc, mà chỉ bàn về ý nghĩa của chữ elite trong tiếng Anh. Chữ elite không hẳn có nghĩa ‘tốt’ như trên, mà trong thực tế nó còn là một cách chửi, một cách mỉa mai.

 Elite: tố chất và quyền lực

 Cách tốt nhất để hiểu một chữ trong tiếng Anh là tham khảo những từ điển chuẩn như Oxford. Từ điển Oxford định nghĩa elite là “the choice part of flower (of society or any body of persons)”, tức là tinh chất của hoa — hay ‘tinh hoa‘. Từ điển Oxford định nghĩa elite qua hai nghĩa liên quan đến khả năng và quyền lực (1):

 (a) elite chỉ một nhóm người chọn lọc có khả năng cao hơn hoặc tố chất tốt hơn tất cả những người còn lại trong xã hội. Chẳng hạn như báo chí hay viết câu đại khái như “China’s scientific elite” chỉ những người có địa vị cao trong hệ thống khoa học China. Trong các hiệp hội khoa học, những người đạt đẳng cấp “Fellow” được xem là ‘elite’ của hiệp hội đó, hay trong các tập san khoa học, những kẻ ngồi trong hội đồng biên tập có quyết định đến ‘vận mệnh’ của công trình nghiên cứu cũng được gọi là ‘elite’.

(b) elite là một nhóm người có quyền lực và ảnh hưởng lớn đến xã hội. Quyền lực và ảnh hưởng có thể đến từ vai vế trong hệ thống chính trị cầm quyền, và ảnh hưởng cũng có thể xuất phát từ sự giàu có và học vị. Cũng có thể hiểu elite như là ‘chóp bu‘. Ví dụ như báo chí phương Tây hay viết “the ruling elite wants to reform our economy”, tức là ‘bọn cầm quyền chóp bu muốn cải cách nền kinh tế chúng ta.’

 Một chữ có liên quan hay biến thể của elite là “elitist”. Chữ elitist theo từ điển tiếng Anh có nghĩa là những người tin rằng xã hội nên được dẫn dắt bởi những kẻ trong giai tầng elite. Hiểu theo nghĩa này thì anh chàng phu quân của cô ca sĩ kia được xem là “elitist” vậy.

 Elite: tính từ

Elite cũng có thể là tính từ, và nếu là tính từ nó có nghĩa là “the best, the most skilled, the most experienced people of a larger group” (tốt nhất, kĩ năng tinh nhuệ nhất, kinh nghiệm cao nhất). Chẳng hạn như “an elite unit” có thể hiểu là một đơn vị tinh nhuệ. Dĩ nhiên, trong hệ thống giáo dục, một “elite university” phải được hiểu là trường đại học danh giá nhất, nổi tiếng nhất, thường được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng đại học thế giới. Chẳng hạn như các đại học trong nhóm Go8 của Úc được xem là “elite universities”.

 Elite: những kẻ ăn hại

 Trong những cuộc bàn luận khoa học hay chính trị, thỉnh thoảng tôi nghe người ta dùng cách nói kiểu “That is a typical vew of an elite” để bác bỏ ý kiến của người phát biểu. Sau này, có dịp tìm hiểu tôi mới biết hóa ra chữ elite còn có ý nghĩa xấu! Thật vậy, cũng giống như nhiều chữ trong tiếng Anh, ý nghĩa của elite cũng bị “đột biến” theo thời gian, và bây giờ nó còn bao hàm ý nghĩa có khi hoàn toàn đối nghịch với nghĩa truyền thống (2).

 Khi dùng trong văn cảnh tiêu cực, chữ elite còn có nghĩa là những kẻ xấu nhất, những giai tầng chỉ làm hại xã hội. Cổ tổng thống Richard Nixon là gọi những kẻ trong truyền thông, khoa bảng, và điện ảnh Hollywood chuyên chỉ trích ông là “elite”. Chữ elite do đó nó còn được dùng để mỉa mai những kẻ “ăn hại.”

 Bàn luận về chữ elite theo ý nghĩa mới, tôi thấy bài của Susan Jacoby trên New York Time (3) là hay nhất. Theo đó, sự đột biến của chữ elite diễn ra từ những 40 năm trước. Khi nói kẻ nào đó có ý kiến kiểu elite (hiểu theo nghĩa tính từ — elite opinion) thì đó cũng là cách nói ý kiến đó xa rời thực tế, vô dụng, tào lao, thậm chí … ngu xuẩn. Theo bài báo vừa kể, bà Hilly Clinton dùng mệnh đề “elite opinion” để bác bỏ những ý kiến trái chiều của những ai chỉ trích chính sách kinh tế của bà.

 Chữ elite còn được dùng với hàm ý khinh bỉ, và cách dùng này xuất phát từ thập niên 1950 ở bên Mĩ. Thời đó, trong các đại học những kẻ thuộc nhóm thiểu số theo đuổi những chủ đề nghiên cứu hiếm (như nghiên cứu về vai trò của phụ nữ hay người thiểu số) được xem là nhóm ‘dung nạp’ (inclusionary), còn những kẻ thuộc nhóm đa số với bằng cấp cao chót vót và giữa địa vị quan trọng trong khoa học xem những chủ đề đó là vớ vẩn, và họ được gán cho cái nhãn hiệu “elitist”.

 Một trong những người dùng ý nghĩa của chữ elite một cách khinh bỉ nhất là Tổng thống Donald Trump. Thật ra, ông chưa bao dùng chữ elite, mà chỉ dùng ý của nó. Những người chỉ trích và chê bai ông Trump nhiều nhất có lẽ là giới báo chí và các giáo sư đại học mà Nixon từng gọi bằng danh từ elite hay elitist. Nhưng theo suy nghĩ của Trump thì những kẻ elitist đó có những suy nghĩ và niềm tin xa rời xã hội; xã hội không còn tin họ nữa. Truyền thông thì đặt điều nói dối. Bọn làm khoa học cũng gian dối chả kém. Bọn nghệ sĩ vẫn còn sống trong cái ‘cocoon’ tưởng tượng do chính họ tạo ra. Một trào lưu mới đang hình thành chống lại những kẻ trong giai tầng elite và elitist, mà Trump là một đại diện tiêu biểu. Trong tranh cử, ông Trump xem phe đối phương là elite, còn ông là người của đại chúng, người sẽ định nghĩa lại ý nghĩa của chữ elite trong thế kỉ 21 như là những kẻ ăn hại mà “làm tàng”. Trump trở thành một loại quân vương thế kỉ 18, tự tin với một viễn kiến cá nhân bao trùm từ A đến Z, và viễn kiến đó có thể thay đổi như nhịp tim! Ông không cần đến bọn elite, vì ông nghĩ họ không hiểu ông. Ngược lại, bọn elite vẫn đánh giá ông theo những chuẩn mực mà họ tạo ra và không nhận ra rằng công chúng không còn tin vào họ nữa. Không phải ngẫu nhiên mà một nhóm ủng hộ ông Trump nói rằng những kẻ elite (ý nói phe bà Clinton) vẫn chưa hiểu tại sao họ thất cử (the elite still don’t undertand how they lost). Sự bất đồng giữa hai bên là ở chỗ đó: một bên thì đang diễn tiến rất nhanh và đang định nghĩa lại những chuẩn mực mới, và một bên thì vẫn bám lấy chuẫn mực cũ.

Quay lại định nghĩa elite ở Việt Nam như là ‘tinh hoa’, tôi thấy cũng có vài điều cần bàn. Hiểu theo nghĩa một nhóm cầm quyền thì rõ ràng nước nào, kể cả Việt Nam, đều có giai tầng tinh hoa. Nhưng hiểu theo ý nghĩa tố chất cao thì Việt Nam có lẽ thiếu giai tầng tinh hoa, bởi vì những người cầm quyền và những kẻ giàu có [ví dụ] không hề được công chúng nể phục vì họ làm giàu qua lợi dụng những mối quan hệ và lợi dụng những người nghèo. Có lẽ chữ elite hay tạm gịi là ‘tinh hoa’ ở Việt Nam cũng có thể hiểu theo nghĩa tiêu cực. Thật vậy, tôi nghĩ đối với đa số người Thủ Thiêm bị mất đấy — à không, ‘cướp đất’ mới đúng — thì những kẻ nói đến giai tầng tinh hoa để biện minh cho chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng có thể hiểu theo ý nghĩa thứ hai của chữ elite, tức là những kẻ ăn hại và tàn phá xã hội.

GS Nguyễn Văn Tuấn, 10.11.2018

 ====

 (1) https://en.oxforddictionaries.com/definition/elite

 (2) https://www.economist.com/johnson/2010/10/27/elite-the-insult

 (3) https://www.nytimes.com/2008/05/30/opinion/30jacoby.html

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen