Seite auswählen

Anh Quốc xác nhận cử hàng không mẫu hạm mang theo chiến đấu cơ F-35 đến Biển Đông

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Gavin Williamson ngày 11/02/2019 xác nhận : Luân Đôn sẽ phái hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông. Hàng không mẫu hạm của Anh sẽ mang theo một đội chiến đấu cơ F-35 hỗn hợp của cả Anh và Mỹ.

Theo đài truyền thông Mỹ CNBC, trong phát biểu tại viện nghiên cứu quân sự RUSI tại Luân Đôn, bộ trưởng Quốc Phòng đã xác nhận một lần nữa quyết định cử hàng không mẫu hạm đến Biển Đông từng được loan báo từ năm 2018, giải thích thêm rằng Anh Quốc cần phải thể hiện rõ ràng « quyền lực cứng – hard power » và « khả năng tiêu diệt địch thủ – lethality » vừa để bảo vệ lợi ích của Anh Quốc trong vùng, vừa để nhấn mạnh thực tế theo đó Mỹ là đối tác thân cận nhất của Anh.

Ông Williamson không tiết lộ thời điểm triển khai cụ thể chiếc HMS Queen Elizabeth qua Biển Đông, nhưng cho biết là hàng không mẫu hạm Anh sẽ mang theo một số lượng đáng kể chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ và Anh.

Theo Hải quân Hoàng gia, những máy bay phản lực từ Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth sẽ từ đó cất cánh tuần tra bầu trời trên Biển Đông.

Ý tưởng về việc cử hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth đến Biển Đông đã được cựu ngoại trưởng Boris Johnson gợi lên hồi tháng 7/2017, với một thời điểm dự trù là năm 2021.

Thời gian gần đây, cùng với một số nước khác như Pháp, Nhật, Úc…, Anh Quốc ngày càng xác định rõ ý muốn dấn thân vào Biển Đông, bất chấp các động thái hăm dọa của Trung cộng.

Gần đây nhất là vào tháng 1/2019, khinh hạm Anh HMS Argyll đã tập trận chung với khu trục Mỹ USS McCampbell ở Biển Đông, sau khi chiếc McCampell hoàn tất một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 8/2018, Hải Quân Anh cũng cho tàu đổ bộ tấn công HMS Albion, chở theo lực lượng thủy quân lục chiến, di chuyển gần khu vực Hoàng Sa.

Cuối năm 2018, chính bộ trưởng Quốc Phòng Williamson cho biết ý định xây dựng một căn cứ quân sự ven Biển Đông, có thể tại Brunei hoặc Singapore.

Theo RFI

13.02.2019

Hải quân Hoàng gia Anh điều siêu hàng không mẫu hạm tuần tra Biển Đông

Siêu hàng không mẫu hạm HMS QUEEN ELIZABETH. (Ảnh: ukdefencejournal.org.uk)

Vương quốc Anh sẽ triển khai siêu hàng không mẫu hạm duy nhất của họ tới Biển Đông, con tàu mang tên nữ hoàng Anh, HMS Queen Elizabeth (R08).

HMS Queen Elizabeth gồm những chiếc máy bay tàng hình Lockheed Martin F-35B, và hải đoàn hạm đội xung kích của nó sẽ tới tuần tra Biển Đông đang tranh chấp cùng với Hải quân Hoa Kỳ trong năm 2020, theo Ibtimes.

Công bố này đã xác nhận một lời hứa của Vương quốc Anh được đưa ra vào tháng 12 năm 2016, rằng Hải quân Hoàng gia sẽ bắt đầu “Hoạt động Tự do hàng hải” (FONOPs) tại Biển Đông.

HMS Queen Elizabeth có trọng tải 65.000 tấn dự kiến sẽ hoạt động toàn bộ vào năm 2020. Phần cánh hàng không mẫu hạm bao gồm 40 máy bay, bao gồm một phi đội máy bay tàng hình F-35B có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng.

Tờ Ibtimes nhận định, các cuộc tuần tra của con tàu – chắc chắn sẽ khiến Trung cộng “phẫn nộ” – sẽ củng cố quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trên vùng biển tranh chấp này.

Bức ảnh chụp từ trên không, cho thấy Trung cộng gần như đã hoàn thành việc biến 7 rạn san hô mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa thành pháo đài, nhằm thống trị Biển Đông đang tranh chấp. (Ảnh: Inquirer.net)

Anh cũng bày tỏ mối quan ngại về những hạn chế đối với tự do hàng hải trong khu vực khi Trung cộng đã nhân tạo hóa một chuỗi gồm 7 hòn đảo, trong số đó phần lớn đã trở thành căn cứ quân sự với các phương tiện cho máy bay chiến đấu phản lực, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, lắp đặt các trạm radar và những con tàu chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson hôm thứ Hai xác nhận tàu HMS Queen Elizabeth sẽ đi vào Biển Đông. Ông lưu ý rằng Vương quốc Anh là nhà đầu tư lớn thứ hai trong khu vực và nó phải thể hiện “quyền lực cứng” và “khả năng sát thương” để bảo vệ những lợi ích của họ.

Đại Kỷ Nguyên

13.02.2019

Mã Lai kêu gọi các nước Đông Nam Á bảo vệ lãnh thổ trước Trung cộng

Chuẩn thủ tướng Mã Lai, Anwar Ibrahim phát biểu tại Viện Quốc tế về Tư tưởng Hồi giáo ở Herndon, Virginia, ngày 10.02.2019 Courtesy of BenarNews

Ông Anwar Ibrahim, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad, mới đây lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những hành động gây hấn của Trung cộng ở Biển Đông.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Viện Quốc tế về Tư tưởng Hồi giáo ở Virgina, Mỹ, hôm 10/2, ông Anwar nói rằng Mã Lai đã lấy lập trường bảo vệ lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông.

“Lựa chọn tốt nhất là làm việc cùng các quốc gia nhỏ khác ở ASEAN để bảo vệ lập trường an ninh của mình, đặc biệt là bởi vì chúng tôi không thể trông đợi Hoa Kỳ trong tình hình hiện tại có thể tích cực hơn trong khu vực”, ông Anwar phát biểu tại diễn đàn.

Mã Lai là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Brunei và Phi Luật Tân hiện đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung cộng, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích vùng nước qua đường đứt khúc 9 đoạn.

Mã Lai là nước từ trước đến nay hiếm khi lên tiếng hay có hành động mạnh để phản đối những hành động xây lấp đơn phương các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ở Biển Đông do Trung cộng tiến hành.

Tuy nhiên, nước này trong các năm qua cũng phải đối đầu với việc tàu chiến của Trung cộng đi vào bãi Luconia do Mã Lai kiểm soát.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Trung cộng, nhất là trong việc cho ngưng các dự án hạ tầng cơ sở lên đến hàng chục tỷ đô la do Trung cộng đầu tư vì quan ngại các dự án không thực sự hiệu quả trong khi lại khiến Mã Lai mắc nợ quá nhiều.

RFA
12.02.2019

Bất chấp Bắc Kinh đe dọa và cưỡng ép: Hoa Kỳ sẽ tuần tra Biển Đông cùng đồng minh và đối tác

Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông và sẽ cùng các đối tác và đồng minh thực hiện nhiệm vụ, Zing dẫn nguồn từ USNI News.

U.S.Navy

Theo USNI News, nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 12/2, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương, cho biết:

“Bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với dấu ấn Trung cộng, do Trung cộng lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua“.

Chứng minh rõ ràng nhất cho việc Trung cộng mở rộng tầm ảnh hưởng là cách quốc gia này sử dụng các đảo trên Biển Đông để biện minh cho các yêu sách mở rộng lãnh thổ.

Luật pháp quốc tế không công nhận những động thái này và hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) là phương pháp để Trung cộng biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh, ông Davidson nói thêm.

Hoạt động tự do hàng hải cũng thể hiện cho các quốc gia khác biết Mỹ cam kết tham gia vào khu vực.

“Mỹ có đồng minh và đối tác tại khu vực, bao gồm Anh, Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Canada, Pháp, tất cả, dù ở hình thức này hay hình thức khác đều triển khai hoạt động tại Biển Đông, và tôi cho rằng điều đó thể hiện cộng đồng quốc tế sẵn sàng đẩy lùi Trung cộng“, Đô đốc Davidson khẳng định. 

Trung cộng hiện đưa ra yêu sách đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển chiến lược với các tuyến đường hàng hải quốc tế và giàu tài nguyên.

Ngày 11/2, hai tàu khu trục Mỹ USS Spruance và USS Preble tiến vào áp sát Đá Vành Khăn đang bị Trung cộng chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo chí Mỹdẫn lời người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho rằng hoạt động này nhằm “thách thức các tuyên bố hàng hải vô lý và bảo vệ việc tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”.

Sputnik News

13.02.2019

Anh hối thúc phương Tây tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương

Tàu HMS Queen Elizabeth vào cảng Portsmouth ở Portsmouth, miền nam nước Anh hôm 16/8/2017 AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) ở London hôm 11/2/2019 rằng, các đồng minh phương Tây phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh cứng để củng cố lợi ích, như nước Anh đang chuẩn bị đưa hàng không mẫu hạm mới tới Thái Bình Dương.

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin trong cùng này, theo đó ông Williamson nhấn mạnh rằng “nếu các quốc gia phương tây không can thiệp để chống lại sự khiêu khích từ nước ngoài thì quốc gia mình sẽ gặp nguy cơ bị xem không hơn gì con hổ giấy.”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson xác nhận kế hoạch điều siêu hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh tới Thái Bình Dương – nơi Trung cộng đang gây bất bình vì những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Anh sẽ tham gia chiến dịch cùng các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ cả Anh và Mỹ. Anh cũng nhiều lần khẳng định ý định tăng cường các hoạt động ở Thái Bình Dương và mới tiến hành một chiến dịch chung với Mỹ.

Thông điệp cứng rắn của ông Williamson được đưa ra giữa lúc Hải quân Mỹ đang thúc đẩy các hoạt động ở biển Đông. Hôm 11/2/2019, các tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng tại khu vực Biển Đông.

Hồi tháng 1, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã gia nhập với tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ trong một đợt diễn tập 6 ngày ở biển Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi tàu USS McCampbell hoàn thành một chiến dịch tự do hàng hải khác gần quần đảo Hoàng Sa vốn bị Trung cộng chiến đóng trái phép ở biển Đông.

Hồi năm 2017, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson, đã nói rằng siêu hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi tàu được đưa vào hoạt động.

RFA
12.02.2019

Biển Đông : 12 tàu ngầm Pháp giúp Úc chiếm ưu thế trước Bắc Kinh

Xưởng đóng tầu ngầm Cherbourg, vùng Normandie, Pháp. Ảnh chụp ngày 11/09/2018.CHARLY TRIBALLEAU / AFP

Các báo Pháp hôm 11/02/2019 chú ý đến một thời sự quốc tế nổi bật, việc hợp tác quốc phòng Pháp – Úc bước sang giai đoạn mới, sau khi hai bên ký kết hợp đồng 12 tàu ngầm chiến đấu. Các vũ khí mới giúp cho Úc có ưu thế quân sự so với Trung cộng, đặc biệt tại vùng Biển Đông.

Theo bài « Pháp và Úc khảm vào đá một thỏa thuận trong ngành tầu ngầm », sau gần ba năm đàm phán, Canberra hôm nay, 11/02/2019, chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp, do hãng Naval Group sản xuất, với tổng trị giá 50 tỉ đô la. Hợp đồng dày 1.400 trang, quy định một cách rất chi tiết hàng loạt lĩnh vực, như bản quyền công nghiệp, bảo hành, trao đổi công nghệ, cung ứng nguyên liệu hay các quy định về phạt…, cho phép hai bên tránh được các hiểu lầm trong thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm. Paris cũng cam kết sẽ hỗ trợ tập đoàn Naval Group trong hợp đồng đóng tầu ngầm cho Úc.

Hợp đồng nói trên được xác định là bất di bất dịch, bất kể biến động chính trị tại Úc. Toàn bộ 12 tàu ngầm sẽ được lắp đặt trên đất Úc, cho phép tạo thêm 3.000 công ăn việc làm tại chỗ. Khoảng 1.100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của phía Úc có thể tham gia sản xuất thiết bị. Chiếc đầu tiên dự kiến hạ thủy vào năm 2032.. Tiếp theo đó, cứ hai năm một lần Úc sẽ có thêm một tàu ngầm do Pháp chế tạo.

Đối với Naval Group, việc ký kết hợp đồng với Úc mang lại niềm tự hào lớn cho tập đoàn. Theo một số giới chức của Naval Group, hợp đồng tầu ngầm này sẽ mang lại cho Hải quân Úc ưu thế tại vùng biển Đông Nam Á.

Ưu thế vượt trội của tầu ngầm Pháp

Bài viết « Căn cứ Hải quân Cherbourg hoạt động hết công suất » của Les Echos giải thích lý do khiến Pháp giành thắng lợi trong hợp đồng này trước hai đối thủ nặng ký khác, Đức và Nhật. Theo Les Echos, với ba tầu ngầm hạt nhân tấn công Barracuda đang được chế tạo tại cơ sở đóng tàu Cherbourg (được dùng làm nguyên mẫu cho 12 chiếc tầu hợp đồng với Úc), Paris đã cho Canberra thấy ưu thế vượt trội về tốc độ, về khả năng ít gây tiếng ồn, cũng như thời gian hoạt động độc lập dưới nước. Tàu ngầm mà Pháp dự kiến đóng cho Úc cũng cần đến một tổ lái ít người hơn, 4 thành viên so với khoảng 15 người cho tầu Rubis thế hệ trước.

Bài « Pháp – Úc : Mối quan hệ chiến lược tại Thái Bình Dương » của Les Echos nhấn mạnh : hiện tại Úc đã trở thành đồng minh mật thiết nhất của Pháp tại khu vực Thái Bình Dương. Việc Pháp giúp Úc chế tạo tầu ngầm là một trong các phương tiện để tăng sức mạnh quân sự, nhằm cân bằng lại đà quân sự hóa hiện nay của Trung cộng ở Biển Đông, cũng như ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh thách thức liên minh chiến lược do Hoa Kỳ đứng đầu tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, như nhận định của nhà phân tích Malcolm Davis, tại Australian Strategic Policy Institute.

Sức mạnh gia tăng của Trung cộng chính là nhân tố khiến Pháp và Úc xích gần nhau. Vẫn theo nhà phân tích Úc Malcom Davis, Pháp có thể sẽ giữ một vai trò lớn hơn hiện nay tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong trường hợp có các khủng hoảng lớn, ví dụ như « một xung đột quân sự tại Đài Loan, ở Biển Đông, hay trên bán đảo Triều Tiên, Úc có thể yêu cầu Pháp hỗ trợ, trong một hoạt động quân sự hỗn hợp ».. Hiện tại, Hoa Kỳ đã có nhiều đồng minh quân sự trong khu vực, như Nhật Bản và Hàn Quốc, và quan hệ đối tác đang được siết chặt với Phi Luật Tân, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam.

RFI

11.02.2019

Trung cộng phản ứng việc tàu chiến Mỹ áp sát Đá Vành Khăn

Đá Vành Khăn, nơi Trung cộng đã tiến hành các công trình xây dựng để khẳng định yêu sách chủ quyền. Hai tàu chiến Mỹ đã áp sát khu vực này vào ngày 11/2/2019.

Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 11/2 tỏ ra tức giận sau khi 2 tàu chiến Mỹ đi đến gần các đảo mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Telegraph dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo thường nhật rằng các tàu này đã đi vào khu vực mà “không được phép của Trung cộng”.

Trước đó, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Hoa Kỳ cho biết hai tàu chiến Mỹ đã đi vào khu vực gần các đảo mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vào ngày 11/2, một động thái được cho là có nhiều khả năng “chọc giận” Bắc Kinh vào thời điểm mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng căng thẳng vì tranh chấp thương mại.

Viên chức giấu tên nói với Reuters rằng hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường đã đi vào phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam và Phi Luật Tân đều có tuyên bố chủ quyền.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh mà Washington nói là nhằm hạn chế tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược, nơi hải quân Trung cộng, Nhật Bản và một số hải quân Đông Nam Á hoạt động.

Washington cho rằng Trung cộng đang quân sự hóa Biển Đông bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên các đá và đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung cộng bảo vệ các công trình xây dựng của mình với lý lẽ “tự vệ chính đáng” và đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã gây ra căng thẳng trong khu vực bằng cách điều tàu chiến và máy bay quân sự đến gần các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cũng đang ngày càng căng thẳng vì những tranh chấp trong cuộc chiến thương mại. Hiện hai bên đang cố gắng đạt được thỏa thuận trước thời hạn ngày 1/3, thời điểm Mỹ dự kiến áp đặt mức thuế quan mới, tăng từ 10% lên 25%, lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ đôla của Trung cộng.

Căng thẳng trong quan hệ thương mại đã khiến cho cả Mỹ lẫn Trung cộng thiệt hại hàng tỷ đôla và gây xáo trộn thị trường tài chính toàn cầu.

VOA

11.02.2019

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen