Seite auswählen

Do có nhiều bài đăng trên báo Nhân Dân miền Nam, tôi được coi là một “cây bút” và được mời tham dự sinh hoạt Chi hội Văn nghệ Nam bộ, do đó có điều kiện tìm hiểu các hoạt động ở lĩnh vực này.

Sau tháng Tám 1945, ca nhạc tài tử bị cấm trong toàn Nam bộ với lý do “ủy mị có tác dụng xấu, làm sa sút, lung lạc tinh thần kháng chiến”. Hồi Pháp thuộc, tôi đã được học và rất thích tân nhạc, do đó tôi không quan tâm đến ca nhạc tài tử, dù nó bị giết chết tôi cũng không tiếc nuối. Năm 1950, khi đến các vùng nông thôn ở Cà Mau, Bạc Liêu, tôi mới biết làng nào cũng có người bị tù vì lén lút chơi ca nhạc tài tử. Cuối cùng các ông thầy đờn đành phải treo nhạc cụ lên giàn bếp. Hình thức sinh hoạt văn nghệ giải trí chủ yếu của nông dân bị cấm đã làm cho nông thôn Nam bộ buồn hiu.

Để lấp khoảng trống đó các nhạc sĩ tài tử đã sáng tạo hình thức “nói thơ Bạc Liêu” theo thể lục bát, nghe cũng “mùi mẫn”, nhưng né được sự quy chụp về quan điểm lập trường! Đề tài “nói thơ” bám vào nội dung phục vụ kháng chiến, như ca ngợi những cô vợ bộ đội thương nhớ chồng càng chăm lo tăng gia sản xuất. Thơ tự do, thơ mới cũng bị phê bình là “thiếu tính dân tộc”. Ở Nam bộ đi theo kháng chiến chỉ có hai văn nghệ sĩ có tên tuổi từ trước năm 1945 là nhà thơ Nguyễn Bính và nhạc sĩ Lê Trực (tác giả Tiếng Còi Trong Sương Đêm. Sau khi tham gia kháng chiến, ông lấy nghệ danh là Hoàng Việt). Hai người này chỉ là nghệ sĩ sáng tác chứ không có địa vị lãnh đạo. Nguyễn Bính là bậc thầy thể thơ lục bát và thơ bảy chữ, vào kháng chiến, ông làm nhiều bản trường ca theo thể thơ tự do rất hay, như “Đồng Tháp Mười” (ca ngợi truyền thống yêu nước của nhân dân vùng đất này), “Máu chảy trên đường phố” (Ca ngợi cuộc xuống đường của sinh viên học sinh Sài Gòn Chợ Lớn ngày 19 tháng 1 năm 1950), nhưng cả hai tác phẩm này không được giới lãnh đạo văn nghệ hoan nghênh. Số đông văn nghệ sĩ kháng chiến và người có cương vị lãnh đạo đều xuất thân từ cán bộ, bộ đội, vào kháng chíiến mới tập sự làm văn nghệ. Bộ môn viết nhạc có Nguyễn Ngọc Bạch (cha của tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu), Lưu Cầu, Quách Vũ, Trương Bỉnh Tòng, Trần Kiết Tường. Sau khi tập kết ra Bắc, Hoàng Hiệp mới xuất hiện với “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Ca sỹ thời này có Quốc Hương, Khánh Vân, Xuân Mai. Các nhà thơ có Việt Ánh, Nguyễn Hải Trừng, Hoàng Phố, Hoàng Tấn, Phường Viễn (tức Viễn Phương), Hà Mậu Nhai. Một người làm thơ hay nhứt Nam Bộ thời đó là Hoàng Tố Nguyên không được nhắc tới, có lẽ vì ông làm thơ tự do và thiếu sự rổn rảng của tiếng gươm khua! Đội ngũ viết văn có Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Phạm Hữu Tùng, Phạm Anh Tài (sau 1954 lấy bút danh Sơn Nam). Ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng mới xuất hiện. Viết kịch có Ngọc Cung, Trần Bạch Đằng, Lưu Chi Lăng.

Để đội ngũ văn nghệ sĩ tập sự này trở thành công cụ đắc lực của cách mạng, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đã mở lớp lý luận văn nghệ. Địa điểm lớp học tại lẫm lúa cũ của ông Cả Đài ở Đầm Cùng gần cuối mũi Cà Mau. Giảng viên là các ông Hà Huy Giáp ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Nguyễn Kim Cương phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục; Lưu Quý Kỳ chi hội trưởng Văn nghệ Nam bộ. Các bài giảng nhằm làm rõ tư tưởng Cụ Hồ trong lá thư gửi các họa sĩ năm 1951:

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Anh chị em là tiến sĩ trên mặt trận ấy.”

“… Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh.”

Cụ Hồ rất giỏi trong việc chọn nội dung và cách diễn đạt dễ được chấp nhận trong kho lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Stalin đã nêu ra cho văn nghệ sĩ Liên Xô thực hiện từ năm 1934: – Tính Đảng và nguyên tắc chỉ đạo – Nhân vật tích cực là những “con người mới”, những chiến sĩ đấu tranh, sáng tạo thế giới mới xã hội chủ nghĩa – Sự kết hợp phương pháp hiện thực với phương pháp lãng mạn cách mạng, từ cảm hứng anh hùng trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Vào thời điểm ấy, ở Việt Bắc các văn nghệ sĩ thời “tiền chiến” đang phản tỉnh xin từ bỏ những đứa “con hoang” của mình. Năm 1942 Hoài Thanh viết về thơ mới: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực”. Sau khi được trang bị quan điểm mác xít, Hoài Thanh tự phê bình: “Nhìn chung thơ mới chìm đắm trong buồn rầu, điên loạn, bế tắc. Đó là chưa nói đến phần hiển nhiên là sa đọa”. Phải mất hơn nửa thế kỷ, những văn nghệ sĩ ưu tú nhất của Đảng như Nguyễn Khải mới suy ngẫm lại: “Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề: căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh: công, nông, binh… Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập, thành giấy lộn cho con cháu bán cân”. (Tùy bút “Đi tìm cái tôi đã mất”. Ông dặn con mình, chỉ công bố sau khi bố qua đời, năm 2006). Đó là những chuyện mãi sau này, còn ở thời điểm 1950 – 1954, tôi cũng nghe theo Cụ Hồ, và vô cùng hăng hái phấn đấu, mong được trở thành “chiến sĩ trên mặt trận ấy”!

Ở lớp học này, trong buổi thảo luận bài nói của Cụ Hồ, bất chợt anh Phạm Hữu Tùng phát biểu lạc đề: “Tại sao lại cấm ca nhạc tài tử? Bao nhiêu nhạc cụ bị treo, thôn xóm buồn hiu, dân chúng bất bình?” Lớp học đàn tẻ lạnh bóng sôi lên, chia ra hai phe, tán thành cấm vào phản đối cấm nhạc tài tử, mất hai ngày vẫn bất phân thắng bại. Phe phản đối thay chiến thuật, không tranh cãi mà thức suốt đêm sáng tác lời mới cho nhạc tài tử như đóng thuế nuôi quân, đánh du kích. Soạn giả Ngọc Cung viết vở cải lương “Nợ nước tình nhà”. Sau đó tổ chức biểu diễn, mời cả lãnh đạo và giảng viên xem. Qua đêm diễn “bình cũ rượu mới”, số người yêu cầu xóa bỏ chủ trương cấm nhạc tài tử tăng áp đảo. Cuối năm 1951, luật sư Phạm Văn Bạch, chủ tịch Ủy ban Kháng chiến –  Hành chính Nam bộ ký văn bản “cho phép đồng bào mình được chơi vọng cổ, hát cải lương”!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (14): Vào đội ngũ báo nhân dân miền Nam

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (16): Bài hát tiểu đoàn 307 – Bị phê bình lai Tây!