Trạm liên lạc 23 khi tôi là trạm trưởng đóng ở Cái Nước gần Sở Y tế do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm giám đốc. Hồi này ông nổi tiếng với chủ trương kết hợp Đông Tây Y để điều trị bệnh (Đông y chủ yếu là thuốc Nam), vận động xóa bỏ cầu tiêu ven sông rạch, làm hố xí có hầm chứa phân bên cạnh, đặc biệt là hướng dẫn tập dưỡng sinh. Cán bộ nhân viên Sở Y tế Nam bộ quý trọng ông giám đốc ở cách cư xử: khi đi công tác xa, ông thay phiên chèo xuồng để anh cần vụ cũng được nghỉ ngơi. Mỗi ngày ông dành hai tiếng đồng hồ chài cá. Anh cần bộ bơi xuồng, ông Hưởng quăng chài, có hôm được cả gánh cả, ăn không hết phải cho hàng xóm. Tôi thường xuyên xin cá của ông, dần dà quen thân, gọi ông theo cách gọi của cán bộ nhân viên của sở: bác Ba! Trong số người gọi ông là bác Ba có chị y sĩ Hạnh, đến năm 1954, sau khi bác Ba gái qua đời, chị Hạnh được ông “đề bạt” lên em Hạnh rồi trở thành vợ. Dù chị đã được “thay bậc đổi ngôi” tôi vẫn gọi hai người như cũ: bác Ba, chị Hạnh. Sau khi tập kết ra Bắc, ông lên bộ trưởng và ngày trở lại miền Nam ông đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông.
Xứ ủy và Trung ương cục miền Nam nhiều lần gợi ý ông vào Đảng Cộng sản, nhưng ông vẫn từ chối “xin được tham gia kháng chiến như một người yêu nước ở ngoài mọi đảng phái”. Cuối năm 1953, được biết ông đã xin vào Đảng, tôi tò mò đến thăm và hỏi chuyện này. Ông kể, 3/1953 Stalin qua đời. Trung ương Cục miền Nam long trọng tổ chức lễ truy điệu mời các chánh phó giám đốc các sở, ban, ngành cấp Nam bộ đến dự. Ông Lê Duẩn đọc điếu văn. Ông Lê Đức Thọ khóc nức nở. Các vị lãnh đạo của Đảng có mặt đều nói lên lòng biết ơn và thương tiếc vị lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cảm nhận một “tình cảm đại đồng” cao đẹp mà ông chưa từng biết: những người dị chủng, chưa từng gặp mặt, vậy mà họ lại thương yêu, than khóc, đau đớn như mất người ruột thịt! Đẹp quá! Ngay sau khi rời lễ truy điệu Stalin, ông làm đơn xin vào Đảng.
Tôi hiểu tâm trạng đó của ông. Bởi vì sau khi nghe tin Stalin qua đời, một anh lính ở ngoài Đảng như tôi cũng ngậm ngùi. Thời ấy các cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản cho rằng Liên Xô là thành trì hòa bình, dân chủ của nhân loại. Đại nguyên soái Stalin là khắc tinh của bọn đế quốc sài lang. Các lãnh tụ đảng Cộng sản Việt Nam là những chiến sĩ tiên phong tiếp bước theo con đường của Stalin khai mở độc lập tự do cho Việt Nam. Phải đến thời Internet, tôi mới biết Stalin là tên độc tài, đồ tể. Tôi nghĩ việc phong thánh cho cộng sản Việt Nam chính là de Gaule với chủ trương tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Bảo Đại trong hồi ký Con Rồng Việt Nam cũng tỏ ra rất hận đối với ông ta. Và lớp chúng tôi tình nguyện đi kháng chiến giành độc lập, lúc nào cũng mong ước trở thành đảng viên Cộng sản chỉ vì tin rằng Đảng này yêu nước. Năm 1950 chi bộ Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ đã gợi ý tôi làm đơn xin vào Đảng, nhưng khi đọc lý lịch thì năm sinh ghi là 1935 không đủ tuổi nên gác lại (thực ra tôi sinh năm 1932). Xin kể thêm chuyện một trí thức khác của Nam bộ kháng chiến, ông luật sư Nguyễn Thành Vĩnh xin vào Đảng. Sau 30/4/1975, tôi được bầu làm Phó ban Pháp chế của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (trưởng ban là ông Huỳnh Ngọc Chi giám đốc Sở Tư pháp). Cụ Nguyễn Thành Vĩnh là chánh án tòa án thành phố, do đó sinh hoạt trong ban Pháp chế và thường trò chuyện với tôi. Một lần tôi hỏi ông về con đường đã đưa một đại địa chủ, một luật sư giàu có như ông trở thành đảng viên Cộng sản. Ông cho rằng trước hết là lòng yêu nước khiến ông có đủ gan rời bỏ cuộc sống giàu sang yên ấm đi vô bưng tham gia kháng chiến. Đã là cán bộ kháng chiến nhưng ông vẫn ngại ngần khi tiếp xúc với đảng viên Cộng sản vì nghĩ họ là những người rất sắt máu. Lúc cơ quan ông đóng ở Đồng Tháp Mười, quân Pháp mở một trận càn lớn. Lần đầu tiên bị săn đuổi, ông hoảng sợ chạy rất sâu vào cánh đồng lau sậy ngút ngàn. Sau khi giặt rút rất lâu, ông vẫn không hay biết, anh em cơ quan lùng sục réo gọi, ông mới dám tìm lối trở về.
Khi về tới đình làng, ông biết giặc Pháp bắn chết gần 10 người. Anh em dân quân mang người chết xếp trên một dãy chiếu trái trước sân đình. Một người đang bưng mặt khóc nức nở là ông Lê Duẩn, bí thư Trung ương Cục. Ông rất ngạc nhiên, hóa ra ông cộng sản gộc này cũng biết khóc, vậy là đáng yêu quá! Ngày đêm ấy, ông viết đơn xin vào Đảng và sáng hôm sau đến đưa trực tiếp cho ông Lê Duẩn.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (19): Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và vụ án đường Barbier
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (21): Giơ hai ngón tay hẹn hai năm gặp lại!