Seite auswählen

DƯƠNG THÀNH TÂN

1.4.2019

”..Một tổ chức hiệu quả không cần ai ai cũng phải giỏi mọi nơi hay mọi lúc, nếu cái sở đoản của người này có thể bù lắp bằng cái sở trường của người khác. Nếu biết cộng hưởng sức mạnh của đồng đội, thậm chí cũng không cần đến cả người cầm đầu giỏi giang…”

lanhdao01

Tôi không đồng ý với những giải pháp về vấn nạn chia bè kết phái trong tổ chức của fber Ngà Thi Bich Nguyen. Chị viết:

Làm sao để bỏ tính chia bè kết phái?

1. Học hỏi để thu nạp kiến thức, làm cho bản thân có được sự hiểu biết nhất định để từ đó có thể nhìn nhận vấn đề một cách trung thực, khách quan, suy luận có logic, khoa học.

2. Con người không thể gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc, nhưng không nên vì yêu ghét mà bao che hoặc phủ nhận hoàn toàn một người khác. Ta cần chậm rãi lại trong suy nghĩ khi tiếp nhận thông tin về một việc, một người nào đó. Trước khi phán xét ai đó, ta cần đặt câu hỏi cho bản thân có phải vì mình ghét họ nên mình vội nghĩ họ sai không? Hay trước khi bênh vực một ai ta cũng đặt câu hỏi người này đã nói, viết đúng chưa, đúng sai như thế nào?

3. Luôn đặt sự thật lên trên tôn giáo, tín ngưỡng, cảm xúc và cả bản thân. Có thế thì ta mới có thể học cách trở thành người công chính, tự chủ, độc lập và tự do trong tư duy.

 
Bản thân tôi cho đây là một cách nhìn đậm tính Việt Nam:  

Hễ thất bại trục trặc thì quy lỗi cho cá nhân mà không quy lỗi vì hệ thống hay vì cách thức tổ chức.

Nhưng sự thành bại của một tổ chức phức tạp hơn sự trông cậy vào tính tốt xấu của từng cá nhân. Cũng một cá nhân đó, có lúc thì họ phản ứng rất có trách nhiệm và hòa đồng, rồi có lúc ngược lại. Tại sao?
Vì con người luôn luôn thay đổi theo từng trạng huống. Xin kể lại kết quả bất ngờ về cuộc sống bầy đàn:

Các nhà sinh vật học làm thí nghiệm, họ đưa loài chuột vào một môi trường sống đặc biệt, ở trong một cái chuồng thật dài, một bên là đất khô sống được, chính giữa là hồ nước và bên kia là một hệ thống cấp phát thực phẩm.

Muốn được miếng ăn thì chuột phải bơi qua vũng nước để lấy đồ ăn mang về. Nhưng loài chuột lại rất sợ nước. Mới đầu thì chần chừ, lúc đói quá nên phải đi lội đi tìm thức ăn. Mười con hết cả mười.

Sau đó các nhà thí nghiệm gom năm ba con chuột sống chung với nhau. Tự nhiên có một số chuột chịu bơi và một số chuột lại không chịu bơi, cứ canh me ở mép bờ vũng nước để giựt đồ ăn của các con khác mang về.

Sự lý thú ở đây, là khi các nhà khoa học gom các con chuột chịu bơi vào một nhóm, thì tự nhiên trong nhóm chịu làm lại nảy sinh ra một số chuột trước đó làm việc mưu sinh, sau này lại chây ỳ trộm của, cứ giành giựt thành quả của kẻ khác. (*)

Ngược lại, khi gom lại toàn các chuột chây ỳ này vào một nhóm. Thì cũng trong đám chây ì này, vì đói quá, vài con lại hy sinh, chịu bơi kiếm đồ ăn này cho cả nhóm.

Chuột không hoàn toàn giống 100 % như con người, nhưng vẫn có thể rút ra những bài học đáng suy gẫm, tác giả đã nhắc nhở chuyện này cho mấy anh chị em và những người năng nổ trong đảng Dân Chủ Đa Nguyên:

Trong một nhóm làm việc mà công tác thông tin không được thông suốt và không phân phối nhiệm vụ rõ ràng, mình càng làm nhiều chừng nào, thì người khác càng làm ít lại bấy nhiêu!

Và trường họp này đã xảy ra.”Chuột” H và P bơi lội càng nhiều thì “chuột” Dương Thành Tân hoạt động càng ít. Một phần vì chuột H và P bơi giỏi quá và kiếm ăn dễ quá. Nên chuột Dương Thành Tân vốn đã chây ỳ, nay càng chây ỳ thêm!

Thay vì chỉnh sửa cá nhân như Voi (tên khác của Ngà Thi Bich Nguyen) đề nghị, tại sao chúng ta không thử thay đổi hệ thống? 

Ai cũng biết hệ thống tổ chức của cộng sản làm lụn bại quốc gia, dân tộc giỏi riết rồi cũng thành một dân tộc dở. Nhưng có hệ thống nào thay đổi kết hợp những người dở thành một tổ chức giỏi hay không?? 

Đạt hiệu quả bằng cách chỉnh sửa Hệ Thống

Cách đây ba năm, nước Bỉ bị đánh bom khủng bố, quân đội trong tình trạng báo động, vì phải thi hành nhiều nhiệm vụ quá nên thiếu hụt nhân sự, bèn kêu gọi những cựu quân nhân về trở lại trong các lực lượng trừ bị, rồi ai có thời gian, đóng góp được gì thì đóng góp. Tác giả bài viết này là một nhân sự trong số đó. 

Mới sáng sửa soạn quân trang để đi vào trại, mở mail ra, giựt mình vì thấy có cấp trên chỉ định mình làm toán tưởng, team leader. Nhiệm vụ là chỉ huy toán quân đi tuần tiểu ở các nơi trọng yếu của quốc gia.

Vốn là một người thấm nhuần văn hóa vâng dạ của Việt Nam, tôi rất sợ chức tước. Chức tước kèm theo trách nhiệm. Theo văn hóa Việt Nam thì trách nhiệm của cấp trên là phải hứng chịu luôn cái sai trật của cấp dưới. Trong quá khứ, tôi luôn luôn tìm cách từ chối.

Mấy năm nay, tổ chức mà tôi gia nhập, THDCĐN có xung đột nội bộ, người đứng đầu (đã bị truất phế) cho là lỗi cấp dưới, nhưng chúng tôi cho là lỗi của cấp trên!

Chúng tôi đã nghiền ngẫm và thử nghiệm các loại tổ chức lẫn quản trị. Hiện nay chúng tôi đã triển khai mô hình nhóm tự quản dựa theo lý thuyết Đa Nguyên (tạo điều kiện thông thoáng rồi trao quyền lực tối đa cho những cá nhân hay nhóm nhỏ). Dù vấp phải những lủng củng và mất mát ban đầu, sau đó tổ chức cũng vận hành êm xuôi. Khi thành công với 1 tổ chức chính trị, tôi tò mò tự hỏi có còn hiệu quả trong môi trường khắc nghiệt của quân đội ?  Thôi thì đây là dịp thử nghiệm, cờ đã đến tay thì phất. Tôi viết thơ cho đồng đội :

– Sẽ hành xử ngang nhau như một tổ chức dân chủ, có chuyện gì thì cùng bàn để cùng giải quyết, dù tôi là team leader nhưng chúng ta vẫn sẽ quyết định chung!

Lực lượng trừ bị, danh xưng có vẻ oai phong, nhưng thật ra là một đơn vị gán ghép từ nhiều thành phần của mọi binh chủng và ngành nghề. Vì vướng bận công ăn việc làm mà không có thời gian rảnh rỗi giống nhau nên lại phải lấy quân từ nhiều tiểu đội, đến nỗi không biết ai là ai và ai có thể làm gì. Chỉ huy một toán quân ô hợp như thế là một điều không dễ dàng.

Khi lên xe đến địa điểm hành quân, tôi nhắc lại với những tay lính chưa từng phục vụ trong đơn vị tác chiến:

– Sức mạnh của một đội ngũ không phải là giỏi tay nghề hay hiểu biết cá nhân cao, mà nằm ở trong sự gắn bó của đồng đội.

Với những người vừa mới làm lính vài ba ngày, tôi nói thêm :

– Ở đây không có lỗi lầm cá nhân, chỉ có lỗi lầm tập thể. Thông báo cho đồng đội lỗi lầm càng sớm thì càng dễ khắc phục hậu quả.

Trong một không khí phóng khoáng mà cấp bậc chỉ là tượng trưng, thành viên nào cũng được xem như bình đẳng và tiếng nói của họ đều có trọng lượng. Sự gắn bó đến tự nhiên sau vài tiếng đồng hồ như một nhóm đã quen biết và làm việc với nhau từ thuở nào!

Khi gắn bó thì làm gì cũng được, ngay cả giải quyết những lỗi lầm. Và những lỗi lầm đầu tiên lại bắt đầu từ bản thân tôi, người cầm đầu, từ đọc lộn bản đồ đến ăn nói lọng cọng trong máy truyền tin… Lạ lùng thay, tôi chẳng nghe ai trách móc gì. Những người khác xem như là tự nhiên phải có và xúm lại giải quyết hộ. Tất nhiên là đến phiên họ phạm lỗi, thì những người trong team cũng làm như thế. Suốt tám ngày hành quân, toán chúng tôi cùng giải quyết với nhau mọi vấn đề, nên chẳng có sự việc nan giải nào phải báo cáo lên cấp trên, chẳng có hục hặc gì, chẳng hề to tiếng mà cũng chẳng hề buồn phiền gì với nhau.

Khi hệ thống làm những người dở thành một tổ chức giỏi

Nhiều người cho rằng tổ chức giỏi thì cá nhân cũng phải giỏi, nhưng thật ra không hoàn toàn đúng. Trong toán tôi có một anh lính bị sâu răng và chưa chữa dứt. Hễ đi nhanh một chút là bị đau như lấy búa đập vào hàm. Chúng tôi phân công cho đi trước, tùy ý bước nhanh hay chậm, những đồng đội khác lần lượt theo sau. Thế mà mang 35 kg súng đạn lẫn áo giáp, có ngày đi tuần đến 18 km mà cả nhóm tỉnh queo như đi dạo. 

Cái dở của tôi là ăn nói lọng cọng với cấp trên (và chỉ với cấp trên thôi nghe, hình như đây là đặc tính của người Việt Nam?) dù biết xử dụng máy điện đàm đắt tiền và dùng mật ngữ quân đội. Người đồng đội khác ăn nói rõ ràng, không sợ cấp bậc chức tước nhưng không biết thao tác những nút bấm radio. Hai thằng “què” hợp tác thành người có hai chân khỏi cần chống nạn!

Một tổ chức hiệu quả không cần ai ai cũng phải giỏi mọi nơi hay mọi lúc, nếu cái sở đoản của người này có thể bù lắp bằng cái sở trường của người khác. Nếu biết cộng hưởng sức mạnh của đồng đội, thậm chí cũng không cần đến cả người cầm đầu giỏi giang. Sau vài ngày làm việc chung với nhau, tôi đề nghị mỗi thành viên luân phiên nhau làm nhiệm vụ của toán trưởng, các người khác sẽ trông chừng và nhắc nhở. Thế là nhiều anh lính mới lại có dịp làm những công việc cao hơn cấp bậc của mình. Trong không khí lành mạnh không có sát phạt ghìm ghề lỗi lầm cá nhân của nhau, những tân binh này lại thực hiện nhiệm vụ rất xuất sắc. Phần thưởng lớn nhất của tôi là đến lúc chấm dứt hành quân, tụi lính bàn tính và giàn xếp để có thể ở cùng team với tôi trong cuộc hành quân sắp tới.

Kết Luận

Dù được các anh chị em nhắc nhở có tội viết dong dài, ở đây xin gói ghém lại một nhận định sai lầm mà lắm thành viên trong những tổ chức đấu tranh thường vấp phải. Hễ đổ vở hay thất bại thì cứ miết đổ lỗi cho cá nhân. Rồi kêu họ phải thay đổi thành thế này hay thế nọ. 

Thay vì làm vậy, xin tạo lập ra những phong cách làm việc mà ai ai cũng được chấp nhận như chính họ. Sau đó tạo một không khí phóng khoáng mà mỗi cá nhân đều “sử dụng” được cái tài năng của người khác.

Câu nói thường nghe thì 1 thằng Tây không bằng 1 thằng Ta, nhưng hợp năm ba người lại thì Ta không bằng Tây. Một trong những lý do khiến chúng ta dở vì chỉ tìm những giải pháp ở mức cá nhân mà không tìm giải pháp ở trong nhóm làm việc, hay xa hơn, ở trong ngay hệ thống tổ chức. Để xóa lời nguyền này, chúng ta nên chuyên sâu về cách thức tổ chức, đừng mất thời gian với những lỗi lầm lặt vặt cá nhân. 

Dương Thành Tân

(*) https://www.fred4.com/role-rats

30.6.2019

«…Vì không nắm vững cách thức tổ chức theo những quy tắc dân chủ, nhiều tổ chức lận đận èo uột suốt mấy chục năm dài, hễ cứ phát triển được một thời gian rồi xảy ra xung đột nội bộ gây ra những cuộc ra đi. Điều đáng lưu ý là không một cá nhân nào ra đi tay không…»

tochuc_hoanhao

Khi một tổ chức săm soi tìm cách giải quyết những lủng củng nội bộ, làm sao phân biệt được đâu là lỗi lầm cá nhân và đâu là lỗi lầm của tổ chức ?

Tưởng chừng khó nhưng thật ra rất dễ nhận diện vấn đề này :

Hễ cá biệt và ít ỏi là lỗi của cá nhân. Hễ số nhiều và lập lại thường xuyên là lỗi của tổ chức!

Nếu một khúc đường thi thoảng bị đụng xe thì do lỗi cá nhân. Nếu nơi ấy xảy ra tai nạn thường xuyên là do chính cấu trúc con đường.

Nếu chỉ một vài quan chức cộng sản tham nhũng thì là lỗi lầm cá nhân. Nhưng nếu xảy ra trên phương diện rộng, ở mọi nơi và ở mọi lúc, là lỗi của chính quyền cộng sản.

Nếu vài ba cá nhân hục hặc trong tổ chức đấu tranh mà ra đi thì đó là lỗi của những người đó. Nhưng nếu thường xuyên và trải rộng thì nên nhìn lại cách thức vận hành của tổ chức. Trong phạm vi bài này, xin mổ sẻ một vấn đề then chốt mà mọi tổ chức đấu tranh phải vượt qua để phát triển.

Hiện tượng phe nhóm làm tổ chức lận dận

Ước muốn của mọi tập thể, gồm cả các tổ chức chính trị lẫn bất lợi nhuận, là thành viên trung thành với tổ chức hơn là trung thành với nhau. Nếu có bất hòa, thì thành viên phải bênh vực tổ chức hơn là bênh vực cho nhau. Nhưng ước mơ “cao đẹp” này không phù hợp với thực tế. Nhu cầu kết hợp giữa cá nhân với nhau là một sự tự nhiên không thể tránh. Khi đủ điều kiện, những nhóm người này có thể kết lại thành phe nhóm và có những quyết định riêng, đôi khi trái ngược với sự an bài của cấp trên. Dần dần họ sẽ hoạt động độc lập. Tùy theo cách thức ứng xử của cấp trên, nhẹ thì đưa đến cãi vã, nặng thì xung đột và đổ bể. Thậm chí ngay cả lật đổ ban bệ lãnh đạo nếu hội tụ được đủ số lượng nhân sự.

Sức mạnh của tổ chức xuất phát từ sự gắn bó.

Nếu tổ chức đấu tranh nào đã khốn đốn vì từng gặp xung đột trong nội bộ thì xin tìm hiểu thêm về những lắt léo về tâm lý trong tổ chức:

Nhiều người lầm tưởng rằng sức mạnh của một tổ chức nằm trong sự kỷ luật sắt đá hoặc là số lượng đông đảo. Nhưng sức mạnh của mọi tập thể, đầu tiên và quan trọng nhất, là do sự gắn bó của những thành viên với nhau. Khi họ gắn bó thì sẽ có những kết quả tự nhiên kèm theo là tin tưởng lẫn nhau, kỷ luật cá nhân, phối hợp ăn khớp, thông tin chạy đều… vân vân. Sự gắn bó của vài ba cá nhân lại thành một tổ nhóm là tình cảm tự nhiên và bền chặt nhất trong những tình cảm khác của một tổ chức .

Nguy hiểm của việc xem phe nhóm như là kẻ thù trong nội bộ

Trong một tổ chức chính trị, mang tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhưng không được tổ chức theo hình thức bình đẳng (một vài người có quá nhiều quyền hành mà những người khác chỉ là kẻ thừa hành) thì phe nhóm là sự nguy hiểm mà cấp lãnh đạo độc đoán muốn xóa bỏ. Thay vì đối đầu với kẻ thù, họ lại đối đầu với nhau!

Những nhóm nhỏ gắn chặt với nhau có thể phản đối mệnh lệnh của nhóm lãnh đạo. Thông thường thì sự xung đột bắt đầu với những sự kiện cỏn con, lắm khi vì hiểu lầm, rồi vì không được giải quyết thỏa đáng nên dần dần nghiêm trọng đến mức không thể hàn gắn.

Khi phải thường xuyên xử lý những lục đục trong nội bộ thì tổ chức không còn khả năng đối đầu với những nguy hiểm ở bên ngoài. Hễ có xung đột là trước sau gì cũng có cuộc ra đi, và thường thì không phải một cá nhân mà cả nhóm. Cộng sản khỏi cần đánh phá, các thành viên triệt hạ nhau tận tình và hiệu quả hơn gấp mấy lần kẻ thù !

Lợi thế khi xem nhóm nhỏ như là sức mạnh của tổ chức, Teamwork.

Dẹp bỏ hiện tượng phe nhóm cho bằng được trong tổ chức không phải chỉ cách xử lý duy nhất. Nhiều đơn vị kinh tế lẫn NGO lại xem kết nối của thành viên vào những nhóm nhỏ như thế mạnh quan trọng nhất của tập thể. Nếu khai thác đến nơi đến chốn, thì đây là sức mạnh vô biên để phát triển và vượt qua các tổ chức khác. Công ty Amazon đã tổ chức như thế. Họ hạn chế số lượng nhân sự khi làm việc chung và họp hành, (mà họ gọi là cuộc họp-pizza, vừa đủ nhân sự để ăn một cái bánh pizza). Họ để ý rằng đông nhân sự trong một cuộc họp là lý do đưa đến công việc bị trì trệ, vì không thể trao đổi thẳng thắng và chân tình bằng những cuộc họp chỉ có 5,6 người. Với những cải tiến khác, tưởng chừng như nhỏ nhặt trong việc tổ chức, thế mà dần dần họ đánh bại những đối thủ nặng ký và lâu năm.

Ai đã từng là lính tác chiến, Cộng Sản hay Cộng Hòa, chắc phải công nhận rằng nếu bị hô hào họ hy sinh cho tổ quốc thì chưa chắc họ đã làm. Tổ quốc là một cái gì trừu tượng, gồm cả những kẻ ăn trên ngồi trước, những người lạ mặt lạ tên, kẻ đâm lưng chiến sĩ, những nhân vật mà họ ghét cay ghét đắng… Nhưng nếu họ phải hy sinh cho đồng đội, những kẻ đã chia cơm sẻ áo với mình thì họ lại sãn sàng, và thực hiện rất tự nhiên.

Chiến lược gia Lidell Hart đã viết về tâm trạng lính tráng:
Trong mỗi người lính đều có hai tình yêu thiêng liêng: Tổ quốc và gia đình. Tình yêu cho gia đình lúc nào cũng mãnh liệt hơn là tình yêu cho tổ quốc. Tài hoa của người cầm quân là làm cách nào để những người lính này xem đồng đội cũng như một gia đình. Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì hoá ra họ cũng hy sinh cho đơn vị, và rộng hơn là hy sinh cho tổ quốc.

Kinh nghiệm của Đảng Dân Chủ Đa Nguyên

Là một đảng phái chính trị, qua những kinh nghiệm đau đớn, thành công lẫn thất bại, chúng tôi nhận thấy rằng sự tàn phá và thiệt hại ghê gớm nhất của mọi tổ chức chính trị Việt Nam đấu tranh cho dân chủ không có nguồn gốc từ sự phá hoại của cộng sản. Mà vì do xung đột nội bộ. Trong đó hơn 3/4 sự ra đi là vì thành viên xung đột với ban bệ lãnh đạo. Ban bệ lãnh đạo, chính họ cũng phải thu nhỏ thành một nhóm; phe nhóm có quyền lực!

Dù có thành tâm và thiện chí, nhưng vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề mà thường thiếu thời gian, chuyên môn, thông tin… nên thường có những quyết định thiếu xót. Dù có quyền hành như bàn thảo lẫn chỉnh sữa nội quy, nắm giữ tài chánh, được quyền thưởng phạt… nhưng cũng vì thế mà phe nhóm quyền lực này mắc phải sai lầm nhiều hơn những nhóm khác. Nói thẳng ra, họ cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, lắm tài lắm tật, mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ.

Mặt khác, những thói quen cá nhân tầm thường bỗng trở thành lỗi lầm to tát khi trở thành lãnh đạo. Chẳng hạn như một thành viên hay có thói quen làm việc bằng đối thoại trực tiếp. Khi trở thành lãnh đạo, nếu chỉ sử dụng cách thức này để liên lạc thì sẽ dẫn đến thiếu sót, mất nhiều thời gian mà thông tin được công bố đồng đều, những cuộc họp kéo dài với tình trạng độc thoại, tốn kém thời gian lập đi lập lại….

Cấp dưới ở tại hiện trường, có đầy đủ thời gian lẫn thông tin nhưng không có quyền quyết định nên bị bức xúc. Rốt cuộc, trong mọi tổ chức chính trị đấu tranh cho dân chủ, thành phần dễ gây ra xung đột và dễ làm chia rẽ tổ chức nhất là ban bệ lãnh đạo!

Mô hình tổ chức dựa vào ý chí tự do và dân chủ.

Thưa các tổ chức và các cá nhân có ý muốn gia nhập vào những tổ chức đấu tranh,

Nếu cứ theo mô hình quyền lực từ trên xuống, với những hệ lụy kèm theo, ban bệ lãnh đạo làm việc bị quá tải nên xảy ra sai lầm, rồi khi bị sai lầm thì không có thời gian chỉnh sữa. Chúng ta có nhiều cách thức tổ chức thông minh hơn.

Thay vì tìm mọi cách để triệt hạ các phe nhóm thì nên tạo điều kiện để cho các nhóm làm việc, teamwork, phát triển và làm việc hiệu quả.

Để áp dụng và khai thác teamwork thì ban bệ lãnh đạo phải chấp nhận từ bỏ quyền lực, nhường quyền quyết định cho những nhóm khác có đủ chuyên môn. (Điều mà không phải tổ chức hay lãnh đạo nào cũng làm được). Mặt khác, cũng phải bãi bỏ vai vế chức tước để phát huy hết khả năng của mọi người :

A. Người đưa ý kiến cũng là một trong những người thi hành (không nên nói để người khác, hoặc nhóm khác làm)

B. Gom những người muốn triển khai cùng một dự án thành một teamwork không quá 6,7 người để có thể hoạt động một cách dân chủ. Sau đó rồi cứ để nhóm này tự do đơm bông kết trái. Nếu có xung đột thì  cũng dễ dàn xếp và đi đến thỏa thuận mau chóng trong nhóm nhỏ.

C. Ban bệ lãnh đạo không can thiệp vào những gì nhóm đó đã quyết định và thực hành. (Vì ban bệ lãnh đạo cũng chỉ là một teamwork, thiếu khả năng giải quyết mọi trường hợp đến nơi đến chốn).

Kết luận, để từ phe nhóm tiêu cực trở thành Teamwork tích cực

Vì kém hiểu biết về cách thức tổ chức theo những quy tắc dân chủ, nhiều tổ chức lận đận èo uột suốt mấy chục năm dài, hễ cứ phát triển được một thời gian rồi xảy ra xung đột nội bộ gây ra những cuộc ra đi. Điều đáng lưu ý là không một cá nhân nào ra đi tay không. Tùy theo sự quan hệ và đống góp của họ trong tổ chức, khi ra đi thì sẽ mang theo những người mà họ đã từng gắn bó. Riết rồi đối phó với “tệ nạn phe phái” và những sự ra đi đã trở thành trọng tâm hàng đầu của tổ chức.

Xin đừng tìm mọi cách để triệt tiêu phe nhóm vì đó là một nhu cầu gắn bó đã có từ khi con người biết sống chung với nhau để chống lại nguy hiểm của thiên nhiên từ thời ăn lông ở lỗ. Hiện tượng phe nhóm xuất hiện từ khi có quyền lực. Khi một số người muốn áp chế quyền hành lên những người khác, thì tự nhiên sẽ có nhu cầu cá nhân chống lại sự áp đặt này.

Thay vì vậy, xin xem sự gắn bó giữa những cá nhân với nhau là nền tảng của tổ chức. Nhờ sự gắn bó này, chúng ta có thể đơn giản hóa nhiều văn kiện, có thể viết cương lĩnh ngắn gọn, đúc kết nội quy vào vài câu. Nếu có xung đột thì cũng xảy ra ở mức cá nhân với cá nhân mà tổ chức không bị mất mát trầm trọng.

Dần dần chúng ta mới có những tổ chức mạnh để đương đầu với cộng sản, áp dụng và thực thi đúng đắn tinh thần dân chủ đa nguyên.

ban_lanhdao

Dương Thành Tân

Thông Luận

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen