Seite auswählen

Xem Bụi Luận (phần 1)

Từ văn hóa tới giáo dục:

từ phản diện tới phản biện

Mồ côi khổ lắm con ơi
Đói cơm ai biết, lỡ lời ai phân.
Từ mồ côi tới bụi đời, chỉ vài bước, lạc loài chỉ vài bước là lang thang, mất cha
mất mẹ chỉ vài bước là đầu đường xó chợ, mất mát gia đình là mất đi mái ấm, rồi
mất luôn cả cuộc đời.
Câu chuyện trẻ bụi đời hình như còn sâu hơn cả chuyện mất mát thân bằng quyền
thuộc, nó bắt đầu bằng chuyện đang đi trên đất bằng bỗng chốc rơi xuống vực
thẳm; đang đứng ngồi thoải mái bỗng dưng bị vật ngã xuống đất, chưa hết đang
lăn dưới đất thì bị vất ra ngoài đường. Bị vất đi vì bị xem như: đồ bỏ!
Mồ côi khổ lắm con ơi, bắt đầu từ đây, từ khổ thường trực, khổ hằng ngày, hằng
giờ, bị đầy ải ngay trong miếng ăn thức uống, mà thường nhật là thường khi: cơm
hẩm cháo hiu, với bao nghịch cảnh ngày ngủ đêm ăn, vì bụi đời là nhận họa kiếp
của thể xác bị vùi dập, bị tùy thuộc hoàn toàn vào «con quỷ bản năng»: đói ăn
khát uống!
Đói cơm ai biết, nói lên một cái đe dọa kinh hoàng của kiếp người là: đói! Mà còn
bao đe dọa kẻ bị đói chung quanh ngữ pháp: ai biết? Vì không ai biết tức là không
ai trông nom, không trông cậy vào ai được. Đói cơm ai biết? Nhưng kẻ bụi đời
biết đói hằng ngày, bị đói đày đọa, đói vật vã, đói cho tới khi quỵ gục, trong «quy
luật tuyệt đối của vô thường thô bạo»: sống nay chết mai. Mà bụi đời thì bị gắn
thêm một tên riêng rất tàn nhẫn trong ngữ văn, rất nhẫn tâm trong ngữ pháp: sống
bờ chết bụi!
Lỡ lời ai phân, nói lên hai chuyện: cái nổi của sự mất giáo dục và cái chìm của trẻ
bụi đời là kẻ mất dạy! Không có gia đình thì làm gì có gia giáo để có gia phong.
Đã mất giáo dục gia đình thì sẽ mất luôn giáo dục học đường, như vừa mất đạo lý
của cha mẹ, tổ tiên, lại vừa mất kiến thức trường học làm nên tri thức của công
dân, chỉ còn lại phản xạ của kẻ ăn bờ ở bụi, quây quần với những kẻ chỉ biết mạnh
được yếu thua.
Sao chỉ một câu lục bát: «Mồ côi khổ lắm con ơi, đói cơm ai biết, lỡ lời ai phân»,
mà nhân vị bị vùi giữa nhân thế, nhân tính bị lạc giữa nhân sinh, mất trắng nhân
bản, mất trọn nhân nghĩa, ngày ngày nhận ra nhân phẩm của mình chỉ là: bụi!

Đem con bỏ chợ
Đem con bỏ chợ, vì cha mẹ nuôi không nổi, hay vì cha mẹ không muốn nuôi, hoặc
vì cha mẹ không nhận, bởi vì cha mẹ muốn tránh tai tiếng… cha mẹ có quá nhiều
lý do để: đem con bỏ chợ, mà giữa chợ rồi thì nhân kiếp của con là kiếp: thí! Thí
cho chợ! Thí cho người! Thí cho đời! Thí cho bụi đời… Động từ thí này thật rùng
rợn!
Sống sót được giữa chợ, thì đứa trẻ bụi đời có lúc ngồi lại bình tâm mà suy nghĩ
xem mình còn mất gì nữa không ngoài cha mẹ, ngoài gia đình, ngoài mái ấm…
đứa trẻ bụi đời mất nhiều thứ lắm:
 Cha mẹ hiền để phúc cho con, nó mất vĩnh viễn cơ may nhận phúc của
cha mẹ, nó bơ vơ một thân một mình, nó lần mò đi tìm phúc đức của cha
mẹ trong vô vọng, mồ côi bụi đời đã mất đi mọi dấu vết của cha mẹ rồi,
mà lại khi tìm ra được cha mẹ, thì cha lẫn mẹ không nhận, không đón,
không mong mình thì sao? Đừng bắt trẻ bụi đời mồ côi phải học, phải
nghe, phải nhận loại giáo dục này: con hơn cha nhà có phúc, nghe tàn
nhẫn lắm!
 Trẻ cậy cha, già cậy con, mà con không cha như nhà không nóc, nghịch
cảnh là người cha của trẻ bụi đời thường là vô danh, bặt vô tăm tích, vì
khi mình còn là bầu thai, thấy người đàn bà là mẹ mình có thai, lại cao
bay xa chạy, nếu sống với loại cha này thì bụi đời sẽ thành bụi bẩn. Vì
loại cho này bẩn tự não tới tim, từ da tới mặt… Nếu cha của trẻ bụi đời
không vô danh, nhưng đang sống với một người đàn bà không phải mẹ
của mình, với con cái của ông ấy, bà ấy, mà nếu mình lạc vô loại gia đình
kiểu này thì có lẽ bụi đời sẽ thành bụi đen. Còn nếu tìm ra được mẹ thì
sao? Thì cũng tương tự như vậy: mẹ không nhận, không đón, không
mong, mẹ đã có chồng khác rồi, mẹ lại có các đứa con mới, mẹ phải
lo cho chúng; bụi đời giờ thì có thể sẽ thành bụi nhục!

 Chú như cha, dì như mẹ, chuyện này nửa hư, nửa thực: nếu chú, dì mà thế
được cha mẹ, thì mình đâu có thành trẻ bụi đời! Chỉ khi còn cha còn mẹ
thì câu này mới đúng, chớ cha mẹ mất rồi, hoặc cha mẹ bỏ mình rồi thì
nhiều thành ngữ, ca dao, dân ca… loại này dường như nghe không đúng
nữa, có khi làm trẻ bụi đời «chói tai, cay mắt» vì nó «chướng tai, gai
mắt»; kiểu như: sẩy cha còn chú, sẩy mẹ ấp vú dì. Ai mà lỡ lâm cảnh bụi
đời rồi, thì nếu chú không cho lại gần, thì làm sao dì cho ấp vú!
 Con cái ở đâu, ông bà ở đó, câu này vừa là con ngươi, vừa là hải đăng của
đạo thờ ông bà, ông bà gần con cháu để «ông bà phù hộ độ trì cho con
cháu»; nhưng nó nhẫn tâm làm sao với các trẻ bụi đời không cha, không
mẹ, không ông, không bà, không nhà, không cửa… Mà cấu trúc của ngữ
pháp ở đâu, đi cùng với ở đó, như cặp song đôi, luôn song hành cùng
nhau, không rời nhau, nghe cũng tàn nhẫn lắm với tất cả các trẻ bụi đời
mồ côi, nghe xong như bị «đứt ruột»!
Bạn ơi, hãy thận trọng ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp của bạn mỗi lần bạn nói
chuyện, bạn dạy dỗ, bạn giáo dưỡng trẻ bụi đời, nên mỗi lần nói chuyện với
chúng, bạn nên «uống lưỡi (hơn) bảy lần», vì «lời nói chẳng mất tiền mua,
lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau», đừng bắt trẻ bụi đời phải nghe những câu,
những chữ làm chúng: xót ruột, đau lòng, khổ tâm … ông bà dạy mình không
sai đâu bạn ạ: «giữ miệng như giữ nút bình»!

Nhất con nhì cháu thứ sáu người dưng
Nhất con nhì cháu thứ sáu người dưng, làm người dưng có khi không được làm:
hạng thấp, hàng kém, mà còn là hạng cuối, hạng bét trong một văn hóa thân tộc
khép kín, người dưng thì không có lối ra cổng vào như người nhà, trong loại giáo
dưỡng này thì người dưng không những là người lạ, mà còn là người «không đáng
quan tâm» theo kiểu nói vô cảm hiện nay. Nên từ văn hóa tới giáo dục, người ta
xem người dưng như người mà ta nên phải: lạnh lùng, mà không nên có xúc cảm
gì, thế nên mới có câu: người dưng nước lã; đã là người dưng thì khó trông mong
gì vị tha, đừng mong cầu gì về rộng lượng, chớ mong chờ gì về chuyện «rộng
lòng», trong cõi này thì không sao một đứa trẻ mồ côi bụi đời có thể được chấp
nhận, có thể «lọt vào» được.
Cháu mười đời hơn còn hơn người dưng, cái quan hệ thân tộc thành quan hệ thống
tộc, nó bền bỉ, nó dài lâu, cháu mười đời mà sao còn rất dai dẳng; nhưng tại sao lại
khép rào đóng cửa với người dưng? Tại sao chuyện thân tộc bền vững là chuyện
hay, chuyện đẹp, sao không làm cho nó cao hơn, sâu hơn, nhất là sao không làm
cho nó xa hơn để tiếp người dưng? Để mở-lòng-rồi-mở-cửa mà đón người dưng,
đón trẻ bụi đời (đưa bụi vào đời để hiểu đời)! Đây đâu phải là chuyện vô bổ, nó là
chuyện nhân tâm làm nên nhân tính mà!
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, đây là chuyện tái tạo gia đình
mà xã hội học đặt tên là: tái sản suất xuyên thế hệ, nơi mà ông bà, cha mẹ thấy con
cháu giống mình từ nhân diện tới nhân dạng thì vui lắm, đây là lẽ thường vì là
chuyện có thể hiểu được quan hệ máu mủ. Nhưng trên đời này, có nhiều cách
giống nhau lắm, nếu giống nhau kiểu: con vua thì được làm vua, con sải nhà chùa
thì quét lá đa, thì đây là loại tái sản suất xuyên thế hệ dựa trên bất công, loại này
có trong xã hội chỉ làm ta lợm giọng, vì nó lấy bất bình đẳng để tạo ra bất công.
Trong thảm kịch của Việt tộc hiện nay con quan thì được làm quan trong một chế
độ độc tài với cha làm quan nhưng rất bất tài, sinh ra các đứa con trong một hệ
thống giáo dục học giả-thi giả-bằng giả với mua điểm bán thi, để mua bằng bán
cấp, và sau đó cha cùng con sẽ cùng nhau thực hiện mua chức bán quyền, rồi lần
mò đến buôn dân bán nước cho Tàu tặc. Chuyện lợm giọng giờ đã thành chuyện
buồn nôn, trong một chế độ độc đảng để độc trị nhưng vô minh trong quản trị.
Điếm lộ trong gian kiếp!
Vậy sao không thấy cái hay, cái đẹp, cái lành, cái tốt của người dưng? Vì nhân thế
muôn màu, nhân sinh muôn vẻ, nhân tình muôn dạng trong nhân loại mà! Có đa
nguyên là có đa trí, đa tài, đa lực, đa hiệu, đa năng; cũng như có người dưng là có
đa diện, đa dạng, đa sắc… Vì nhân tính biết dựa trên nhân từ biết giúp kẻ bơ vơ,
vì nhân đạo biết dựa vào nhân tâm biết cứu người lạc lõng, bụi đời, để tạo nên
nhân nghĩa biết làm nền cho nhân hậu (ăn ở có hậu). Vì không ai giàu ba họ,
không ai khó ba đời mà! Vì sông có khúc, người có lúc mà!
Sống với người, nơi cõi người, thì đừng quên người nhé!

Khác máu tanh lòng
Khác máu thì là chuyện hiểu được vì không cùng huyết thống, nhưng sao lại phải
tanh lòng với người dưng, với người lạ, nhất là với kẻ đang bơ vơ trong mồ côi,
đang bụi đời trong cõi người? Một câu mới đọc tưởng là xuôi nghĩa, nhưng khi
đọc kỹ để giải luận thì thấy nhân tâm ta bất ổn, ngẫm thật kỹ thì nhận ra nhân tính
ta bất an.
Khác nhau vì khác máu, khác người vì không cùng gia đình, thân tộc, chớ có gì
đâu mà phải: tanh lòng với kẻ lạ, người ngoài? Cụm từ tanh lòng rùng rợn quá!
Tanh lòng là nguội lòng, mà nguội tới độ tanh, tức là không ngửi được, không
chấp nhận được, không sống chung được… có cái gì bất ổn trong cụm từ tanh
lòng này, tự đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành tới đạo đức giữa người với người khi
sống phải chấp nhận nhau, có chấp nhận nhau mới tôn trọng lẫn nhau được.
Cái bất ổn có ngay trong câu nói của kẻ thốt lên câu này, họ hoàn toàn chịu trách
nhiệm về câu chữ, về ngôn ngữ, về khẩu nghiệp của họ! Chớ chẳng có ai khác vào
đây tha lỗi hay nhận tội cho họ cả. Họ gạt người lạ, họ vất người dưng ra đường,
họ ruồng rẫy trẻ mồ côi, họ xua đuổi trẻ bụi đời khi thốt ra câu: khác máu tanh
lòng, thì chính người nghe thấy sự bất ổn trong tri thức của họ, thấy được sự bất
an trong nhận thức của họ.
Người nghe câu này thấy nhân sinh quan chật hẹp, thiếu vị tha ngay trong nhân
tính không rộng lượng của họ; người nghe câu này thấy thế gian quan chật chội,
thiếu khoan dung ngay trong nhân vị không khoan hồng của họ; người nghe câu
này thấy vũ trụ quan bé xíu thiếu từ bi ngay trong nhân đạo không nhân dạng của
họ. Vì họ sống ở cõi người mà mắt họ hí như mắt lương, tim họ bé như hạt cát,
nên miệng họ khép như con rít! Họ sống mà không mở cửa, mở lòng, vì họ không
cho phép kẻ khác, người lạ vào cõi của họ; vậy thì làm sao họ lớn, cao, sâu, rộng
lên được ngay trong chính nhân từ của họ, vậy thì làm sao họ hay, đẹp, tốt, lành
được được ngay trong chính nhân phẩm của họ.

Chúng ta chỉ mong muốn là khi họ đứng trước trẻ mồ côi, ngồi trước trẻ bụi đời,
họ đừng nói thêm những câu này:
 Anh em hạt máu sẻ làm đôi, họ đừng khoe khoang anh em họ, mà làm đau
lòng trẻ mồ côi, trẻ bụi đời.
 Máu nào thắm thịt nấy, họ đừng ca ngợi gia đình họ, mà làm bầm gan trẻ
mồ côi, trẻ bụi đời.
 Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn, họ đừng tôn vinh thân tộc họ, mà làm
đứt ruột trẻ mồ côi, trẻ bụi đời.
 Máu chảy ruột mềm, họ đừng thăng hoa thân quyến họ, mà làm lộn não
trẻ mồ côi, trẻ bụi đời.
 Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy, họ đừng tự kiêu thống tộc họ mà làm tím
mật trẻ mồ côi, trẻ bụi đời.
Chúng ta chỉ mong sao là khi họ đứng trước trẻ mồ côi, ngồi trước trẻ bụi đời, họ
đừng nói những thành ngữ, ca dao… loại này, và nếu họ không giúp gì được trẻ
mồ côi, trẻ bụi đời, thì họ không được quyền chưởi bới, lăng mạ, sỉ nhục chúng!

Đêm đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Đêm đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con, những ai có cha có
mẹ; rồi sau đó bị mất cha, mất mẹ, nghe câu này thì bầm ruột tím gan; những ai
còn cha, còn mẹ, lo-đứng-lo-ngồi là một ngày kia, cha mình, mẹ mình phải rời cõi
đời này, thì hãy thương cha mẹ hơn đi. Ý thức còn cha mẹ tạo nên nhận thức một
ngày kia phải mất cha, mất mẹ, cả hai ý thức và nhận thức dựng lên tri thức của
mỗi chúng ta về hai đấng sinh thành, hai giá trị thiêng liêng loại hàng đầu trong
đạo lý làm người, trong luân lý muốn nên người. Nhưng những trẻ mồ côi rất sớm,
những trẻ bụi đời còn ít tuổi, mất cả cha lẫn mẹ, hay bị cha mẹ bỏ đi, bỏ rơi thì
chúng không có ý thức, nhận thức, tri thức này, đây là một thiệt thòi, biến khuyết
điểm chuyện không cha, vắng mẹ thành khuyết tật mà chúng phải mang cả đời,
mang đến trọn kiếp.
Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẫu từ, câu này đẹp vô
cùng với những ai còn mẹ, nhận ra sự hy sinh của mẹ, sau đó làm mẹ và sẽ có
nhận thức là mình cũng đã sẵn sàng làm mẹ, mình cũng sẽ biết hy sinh như mẹ.
Nhưng câu này trở nên khó hiểu với với một đứa trẻ bụi đời, bị vất ra đường thuở
nào, mà nó không sao hình dung nổi về sự hy sinh của một người mẹ, vì nó nghĩ
nếu mẹ nó hy sinh đúng nghĩa thì nó đâu có thành: bụi đời! Nên câu này cũng rất
tối nghĩa cho những đứa trẻ mồ côi, nó không thấy mẹ, hoặc thấy quá ít thì làm
sao lại bắt nó phải hình dung ra sự hy sinh như non, như núi của mẹ nó. Ngôn từ
thông thường của chúng ta là ngôn ngữ của những kẻ có cha, có mẹ, có nhà, có gia
đình… nên hẳn nhiên là có: máu chảy tới đâu ruột đau tới đó. Những ngữ văn,
ngữ pháp đối với chúng ta rất rõ nghĩa, rất sáng ý: tay đứt ruột xót, trở nên lạ lẫm
tới lạnh lùng, nó tối chữ nên mờ nghĩa đối với trẻ mồ côi, với trẻ bụi đời.
Bạn ơi, ngôn ngữ thật bình thường làm nên đạo đức làm con như: Tu đâu cho
bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu; nó trở nên kỳ quặc, có khi quái lạ
đối với trẻ mồ côi, với trẻ bụi đời. Vì khi thành bụi đời là bị mất đạo đức làm con;
chưa hết những đứa trẻ này còn mất luôn tình cảm nhớ thương các đấng sinh thành
đã qua đời: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Nhưng trong đám trẻ này, có đứa khi xưa, thuở nọ, có biết, có sống chung một
thời gian với cha mẹ, thì chúng thấm thía vô cùng các loại câu này: Chiều chiều
xách giỏ hái rau/ Ngó lên mả mẹ, ruột đau chín chiều… Chúng hát cho điếng lòng,
cho bầm gan, cho tím ruột câu này: Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi/ ngó không
thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương. Các bạn đọc kỹ nhé: ngó ngược ngó xuôi là kiếp
bụi đời, ngó (mà) không thấy mẹ là kiếp: bụi biết đau bạn à!

Đắng cay cũng thể ruột rà
Ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng
Đắng cay cũng thể ruột rà/ Ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng, thật rõ nhưng
cũng thật lạ: đắng cay mà ruột rà thì được, thì nhận, thì cán đáng, thì kham luôn;
còn ngược lại ngọt ngào cho lắm, tức là đã thật ngọt ngào mà đã là người dưng thì
không được, thì không nhận, thì gạt đi à? Sao lạ vậy? Sao cùng trong một nhân thế
mà lãnh thổ phân khắt chia khe vậy? Sao cùng một nhân sinh mà biên giới lại
khắc nghiệt vậy? Sao cùng một nhân kiếp mà đối xử với nhau nguội lạnh như vậy?
Lá rụng về cội, thì giành cho những ai biết, những ai có quê cha đất tổ, nên mới
được biết, mới được có nơi: chôn nhau cắt rún. Còn mà đã mồ côi, đã thành bụi
đời thì phải biết ngược lại: sống nay chết mai, vì mang kiếp chết gởi sống nhờ, vì
đã là bụi thì phải: sống bờ chết bụi!
Đời cha trồng cây đời con ăn quả là giành cho những ai có cha, có mẹ, có anh chị
em, có gia đình, có nhà cửa… Còn đã mồ côi, đã thành bụi đời thì có khi phải biết
câu ngược lại: Đời cha ăn mặn đời con khát nước, cha hoặc mẹ đã lỡ ăn mặn thì
kiếp bụi đời là kiếp chết khát! Khát nhân từ, khát nhân tâm, khát nhân nghĩa; khát
luôn nhân vị, nhân phẩm, nhân đạo…
Con đâu cha mẹ đấy là hạnh phúc của gia đình, của cha mẹ, của con cái, chưa hết
còn có luôn đạo thờ ông bà trong mọi gia đình của Việt tộc: con cái ở đâu ông bà
ở đấy. Cả hai làm nên một đường thẳng xuyên thế hệ mỗi cá thể trong gia đình,
không ai lẻ loi, không ai lạc đàn, vì không ai bỏ rơi ai, không ai để ai phải chịu
cảnh bụi đời cả. Còn tình đoàn kết, chí tương trợ giữa anh em kiểu Việt thì khỏi lo
ra: anh em khinh trước, làng nước khinh sau, vì ai cũng biết đi việc làng giữ lấy
họ, đi việc họ lấy anh em. Nên: đường thẳng xuyên thế hệ này chính là đường
thẳng liên kết gia tộc, có tên rất đẹp và có hậu: con liền với ruột, nên thật dễ hiểu
câu: chim có tổ, người có tông. Có kẻ còn muốn nói cho thật rõ: người nhận họ,
chó nhận hơi.
Còn đã là mồ côi, đã thành bụi đời thì không sao nói được các loại câu chữ này, vì
nói ra chỉ đau lòng cõi bụi! Vì sống bụi thì phải chuẩn bị kiếp: sớm nở tối tàn! Vì
kiếp bụi đời là kiếp đàn đứt dây rồi!

Chim xa bầy, thương cây nhớ bạn
Người xa người tội lắm người ơi!
Khi bạn hát bên võng, bên nôi để ru con của bạn ngủ: «Chim xa bầy, thương cây
nhớ bạn/ Người xa người tội lắm người ơi!», bạn hát nhẹ nhàng, thoái mái, rồi bạn
thấy con bạn dần vào giấc ngủ, ngủ thảnh thơi, giấc ngủ ngoan hiền. Nhưng có lần
tôi thấy một người lớn trong một trại mồ côi, ru một đứa trẻ mới năm sáu tuổi đã
bụi đời, cũng câu này: “Chim xa bầy, thương cây nhớ bạn/ Người xa người tội lắm
người ơi!”, tôi thấy đứa trẻ từ từ rơi nước mắt, chỉ vài phút sau là nó khóc dàn
dụa! Nó khóc, nó làm tôi “mít ướt” theo, nhớ lại hôm đó tôi cũng khóc như: con
nít!
Không khóc sao được! Bộ chỉ có con nít mà phải là mồ côi, rồi bụi đời, mới được
quyền khóc thôi sao, khi “được” hay “bị” ru câu này; người lớn và “già đầu”
như tôi cũng được quyền khóc khi nghe câu này. Bạn ơi, đừng bao giờ “xấu hổ”,
đừng bao giờ “mắc cỡ”, đừng bao giờ “hổ thẹn” khi nghe lời ru buồn, lời ru làm
ta đau, thì bạn cứ khóc bạn à! Có gì “nhục nhã” đâu! Có gì “đáng cười” đâu khi
thấy người khác khóc. Tại đây, triết học nhập nội cùng tâm lý học, xã hội học
nhập lực cùng nhân học, tất cả là một, để giải thích chuyện khóc là chuyện:
thương tâm làm nên nhân tâm! Mà tổ tiên Việt dặn con cháu Việt rất đúng là khi
người ta nói: “trúng tim đen” của mình, mà mình muốn khóc: thì cứ khóc!
Cuối thế kỷ qua, khi cả khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc
thuật như rừng thẳm, nhạc lý như đại dương, có sáng tác tổ khúc Bầy chim bỏ xứ,
nói sâu, nói cao, nói rộng, nói xa thân phận lưu vong của Việt kiều bỏ xứ, xa xứ,
biệt xứ, mong ngày về với đồng bào, với quê hương, mà mỗi lần tôi nghe là tôi
khóc! Mà tôi chỉ muốn nghe một mình để: khóc cho đã! Có lần nhạc sĩ tới nhà tôi
tại Paris, ông hỏi tôi ngay: “Toi nghe Bầy chim bỏ xứ của moi, toi thấy sao? Thích
không? Cảm động không?”. Tôi trả lời cho sư phụ mình vô cùng thành thật, và
sau hơn 20 mươi năm, tôi thấy câu này tuyệt đối thành thật: “Nghe xong khóc quá
trời!”. Phạm Duy không tha, hỏi sâu hơn: «Vậy toi thích câu nào nhất trong tất cả
các bài trong tổ khúc?» Tôi biến câu trả lời thành thật của mình thành chuyện
“moi gan, moi ruột” cho chính tôi: “Cháu thích nhất câu: Tuyết rơi lả chả là chà,
như chim lạc tổ, như ma lạc mồ”. Bạn ơi, đây là tâm trạng lưu vong, đi dễ khó về,
vì đi xa nên dễ lạc của Việt kiều bạn à! Hôm đó tôi ngồi thật lâu với nhạc sĩ Phạm
Duy để giải thích là: “Việt kiều loại như cháu đây, chỉ là trẻ bụi đời: sống là bụi
đời! chết là oan hồn! Chính ca từ của bác giúp cháu nhận thức được là cháu chỉ
là trẻ bụi đời, như bao trẻ bụi đời mà chúng ta đang gặp trên quê hương chúng ta.
Cháu phải cảm ơn bác”. Phạm Duy nhìn tôi thật lâu…
Câu chuyện bụi đời không xa lạ đâu bạn à! Nó gần gũi, nó “ruột rà” lắm với thân
phận của tất cả con dân Việt: làm bụi trong chiến tranh, giờ thì làm bụi dưới bạo
quyền… Số kiếp bụi đời luôn mồ côi như: chim lạc đàn… suốt đời làm kiếp: chim
tìm đàn!

Cha đời cái áo rách này
Mất chúng mất bạn cũng mày áo ơi
Cha đời cái áo rách này/ Mất chúng mất bạn cũng mày áo ơi, người ta nhận ra
ngay kẻ bụi đời với quần áo rách rưới, còn trẻ bụi đời thì nhiều lúc không có quần
áo gì cả, còn tệ hơn người rừng. Bạn ơi, nhân dạng qua nhân ảnh khi được quần
áo bao bọc, thì quần áo đã làm được chuyện bảo vệ bề ngoài cho nhân cách, có ít
nhiều dính dáng tới nhân phẩm, vì để bụi vào đời của mình thì nhân vị xem như đã
thành bụi!
Đói cho sạch rách cho thơm, là chuyện thường ngày cha mẹ dặn chúng ta khi ra
đường, khi phải đối nhân xử thế, thì thơm và sạch vừa là nhân dạng, vừa là nhân
cách của mỗi chúng ta. Vậy mà khi một đứa trẻ rơi vào cõi bụi đời, thì thơm và
sạch là ước muốn mỗi ngày, là ước mơ cả đời của chúng; nên ai đang còn cha, còn
mẹ, còn nhà… thì đừng chê, mắng, rủa, chửi trẻ bụi đời là không thơm và không
sạch, là rách rướt và bẩn thỉu… nên hãy cẩn trọng! Vì kẻ nhục mạ người khác là
không thơm và không sạch, thì miệng của kẻ đó đã không lành, và lưỡi của kẻ đó
đã không sạch.
Giấy rách phải giữ lấy lề, là đạo lý của gia giáo, mà cũng là luân lý trong xã hội
giành cho những ai có cha, có mẹ, có gia đình, vùa được giáo dục vừa hưởng giáo
dưỡng… cùng chỉ bảo cho nhau là phải tìm mọi cách giữ nhân phẩm bằng cách
bảo vệ nhân vị; còn ngược lại nếu đã rơi vào cảnh bụi đời thì nhiều khi có áo rách
để che thân mà không phải trần truồng đã là một cơ may. Còn chuyện giữ lấy lề, là
giữ nhân cách để nhân dạng không bị vùi dập, nên chuyện giữ lấy lề thật là khó,
vì đã là bụi rồi, tức là đã rách tả tơi, đã nát tơi bời, đã tan thành bụi rồi, thì còn đâu
lề, còn đâu lễ để mà giữ! Có những thành ngữ cứ tưởng nó mang giá trị vĩnh hằng
để muôn đời cứ lấy ra xài (và xài lúc nào cũng được), thì đây là chuyện không
đúng, có khi là không đàng hoàng, không tử tế trong họa cảnh của trẻ bụi đời. Hãy
thật cẩn thận bạn nhé!
Khéo ăn thì no khéo co thì ấm, câu này giúp ta vượt thoát khó khăn, vượt thắng
trầm luân, vì nó mang nhân trí để ứng xử với nhân thế, nó tương đối hóa cái tuyệt
đối của chuyện đói, chuyện lạnh là hai thử thách kinh hoàng của kiếp người, vậy
mà nó nửa đúng, nửa sai trong kiếp bụi đời. Vì kiếp này là ngày đói-đêm lạnh, cho
nên các khó khăn, các thăng trầm, các thử thách đều được “bình thường hóa” bởi
trẻ bụi đời, chúng biến thành cái tuyệt đối của đói và lạnh, rồi chúng biến thành
bình thường luôn cả cái thuở nào phải ra sức, phải gắng sức, phải cố sức lắm mới
tương đối hóa được. Vì sống-sót-rồi-sống-còn trong kiếp bụi đời là đã “bình
thường hóa”được địa ngục trần gian rồi!

Hơn nhau tấm áo mảnh quần
Thả ra mình trần, ai cũng như ai
Hơn nhau tấm áo mảnh quần/ Thả ra mình trần, ai cũng như ai, đây là câu
chuyện tiền của, vật chất, tài chính… luôn là câu chuyện trầm trọng của kiếp
người, vì không cơ sở kinh tế thì xem như trắng tay, mà kẻ trắng tay sẽ dễ mang
kiếp bụi, vì rất dễ thành bụi đời! Mà đã thành bụi đời rồi thì các hiểm họa khác sẽ
tới, đầu đường xó chợ vì không chốn nương thân; rồi dầm mưa dãi nắng trong tứ
cố vô thân!
Nghèo hèn giữa chợ ai chơi/ Giàu trong hang núi nhiều người hỏi thăm; đây là
thói đời bình thường, nơi đây tư cách làm thấp đi nhân cách của những ai xem
trọng tiền của, vật chất, tài chính… cùng lúc nó làm mất đi luôn phong cách trong
phương cách đối nhân xử thế của họ. Câu chuyện: nhân cách, tư cách, phong cách
thật lạ, không có phong cách thay đời hành thiện, thì đừng mong có tư cách cứu
nhân độ thế; và không có phong cách lại không có tư cách, thì xem như đã bị mất
đi phần lớn nhân cách rồi! Trong xã hội Việt hiện nay, mà tỷ phú đô la là trọc phú
giữa đời lại tự xưng tên đại gia, qua khoe của, khoe tiền, làm trò phung phí trong
vương giả (rất giả). Loài trưởng giả học làm sang (để quên đi là mình vô học) này
nhìn mà không thấy, có khi thấy lại làm lơ trước bi cảnh lầm than của dân chúng,
trước họa cảnh nheo nhóc của đồng bào, giữa cực cảnh của trẻ bụi đời thì nhân
cách của loại tỷ phú mà trọc phú thích trác vàng lên thân để làm đại gia, thì chúng
còn thấp hơn bụi đời, chúng là bụi bẩn, bụi nhơ: trọc kiếp trong điếm lộ!
Ở đời ở kiếp chi đây/ Xem nhau như bát nước đầy thì hơn, đây là câu chuyện thật
hay, giúp kẻ trắng tay, người trắng kiếp, cụ thể là giúp trẻ bụi đời qua cơn hoạn
nạn; và đạo lý của Việt tộc không những là chính đạo mà còn là minh đạo, trong
cái liêm chính làm nên cái liêm sỉ đã có cái thông minh làm nên cái thông thái, đó
là: xem nhau như bát nướcđầy. Bạn ơi, bát nước đầy là bát nước chưa bị đổ, chưa
bị rơi xuống đất, mà rơi xuống đất rồi thì không ai uống được nữa; bát nước đầy
còn là bát nước chưa vơi, nên chúng ta có thể chia nhau mà uống, để cùng nhau
sống còn trong nhân sinh đầy thử thách, trong nhân thế đầy thăng trầm, trong nhân
tình đầy trắc trở này. Khi gặp trẻ mồ côi đang lạc lõng giữa phố thị, khi nhìn thấy
trẻ bụi đời đang quỵ gục trên đường phố, vỉa hè, bạn nhớ lại câu này nhé, nhân
phẩm của bạn sẽ được thăng hoa.
Thức khuya mới biết đêm dài/ sống lâu mới biết con người có nhân, đây là câu
chuyện thật sâu, vì tâm từ bi, lòng vị tha, tính rộng lượng làm nên tình thương là
nội chất làm nên nhân phẩm sâu và cao, rộng và xa trong nhân kiếp, phải sống lâu
mới thấy, mới hiểu, mới nhận ra để bảo vệ nhân vị của ta, mà cũng để phục hồi
nhân cách kẻ đang chịu cảnh bụi đời. Không chỉ có kẻ bụi đời mới chịu cảnh sống
bờ chết bụi, mà tất cả chúng ta đều chịu quy luật sống nay chết mai; nên tổ tiên
Việt rất sáng suốt khi khuyên con cháu: bền người hơn bền của, nên ông bà ta rất
tỉnh táo khi khuyên con cái: vì tình vì nghĩa, ai vì dĩa xôi đầy. Bụi đời cần người,
cần tình, cần nghĩa để thoát kiếp bụi!

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan, đây là bi nạn của
dân oan, họa cảnh của trẻ bụi đời, chính là tai họa của Việt tộc hiện nay, với lãnh
đạo độc đảng sinh ra độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng không biết quản trị, dùng
độc quyền để lạm quyền. Chúng chung chia với tà quyền tham quan bòn rút dân
tộc qua tham nhũng, lại chống lưng cho ma quyền tham đất vì tham tiền biến dân
chúng một sớm một chiều thành dân oan, có bao trẻ bụi đời hiện nay là nạn nhân
của ba lực lượng quỷ ám trong trộm, cắp, cướp, giựt giữa ban ngày này: tà nghiệp
trong điếm lộ!
Trống chùa ai đánh thùng thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng, đây là lý
lịch, diện mạo (chân dung quyền lực) của bọn lãnh đạo độc đảng, tà quyền tham
quan, ma quyền tham đất. Chúng lòn lách như âm binh để tránh luật, né luật, khi
không thoát luật, thì chính chúng sẽ xé luật, xóa luật, vì bản chất của chúng chính
là phản xạ của chúng, mà ông bà ta đã dặn con cháu phải thận trọng: kẻ khó được
vàng người sang cướp lấy, mà người sang đây là có kẻ có quyền để lạm quyền.
Chúng sống nhờ hành vi bẩm sinh của chúng là trộm, cắp, cướp, giựt mà chúng
hay tráo đổi khái niệm, cướp chúng gọi là cất (kẻ khó được vàng người sang cất
lấy) nên tổ tiên Việt dặn dò con cháu phải nhận diện ra chúng: Ăn no rồi lại nằm
khì/ Mặc cho dân xiết, khốn nguy nhọc nhằn.
Người sao kẻ quạt người hầu/ Người sao nắng dãi mưa dầu long đong, đây là hình
ảnh của bất bình đẳng, trong xã hội Việt hiện nay, đó chính là nhân ảnh của bất
công với bọn cướp có kẻ quạt người hầu, với dân đen trong nắng dãi mưa dầu, với
dân oan long đong, có trẻ bụi đời trong địa ngục hiện tiền bị tạo ra bởi bọn trộm,
cắp, cướp, giựt này! Trong quy luật bụi đời thì tha phương cầu thực, tức là tha
phương từng ngày và cầu thực từng giờ; trong khi đó thì bọn âm binh lãnh đạo
độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất thì đã để của cải bòn rút của
dân lành bên phương Tây rồi.
Nhưng ông bà ta cũng dặn chúng ta: không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, vì
đời người là nắng sớm chiều mưa, nhất là luật nhân quả là có thật, vì nhân nào
quả nấy, đây không phải là chuyện mê tín, mà là chân lý của cuộc sống. Nhưng ai
liêm sỉ khi nghiên cứu, điều tra, khảo sát, điền dả, phân tích, giải thích hiện tượng
trẻ bụi đời trong xã hội học, thì đừng quên quy luật đạo lý mà tổ tiên Việt đã giáo
dưỡng cho dân tộc Việt về hành vi bất lương, hành động bất chính: ăn một miếng
tiếng một đời, đây chính là nhân học đạo lý làm nên nền móng cho triết học đạo
đức. Vì trộm, cắp, cướp, giựt tiền bạc của chính đồng bào mình thì: khó nuốt trôi
lắm!

Xem Bụi Luận (phần 3)

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).