Seite auswählen

(Kỳ 1)

 

Diễn Đàn Thế Kỷ

Cho đến khi tôi được đến với nước Nga thì cảm tưởng của tôi về nước này rất trái ngược nhau, vừa thân thiện, vừa ác cảm. Thân với nền văn học, ác cảm với chế độ chính trị đã qua của nó. Đó là nói một cách rất tổng quát, ngoài ra tôi chẳng biết gì cụ thể về đất nước và con người tại đó. Nếu nước Nga không thay đổi chế độ chính trị cách đây gần một thập niên thì chắc tôi khó lòng đến với nó được. Nhưng dù sao Nga vẫn là một thế giới riêng biệt trong thế giới ngày nay, và đến với nước Nga vẫn là một điều đầy háo hức, thậm chí hồi hộp.
Tôi đi Nga với một người bạn, và người đón chúng tôi ở Mạc Tư Khoa là một người bạn khác. Thủ tục giấy tờ nói chung không nhiều, nhưng cũng có thể gọi là nhiêu khê, nhất là khi so với cách đi từ Mỹ đến những nước Tây Âu, chỉ việc mua vé máy bay, bỏ giấy thông hành vào túi và ra đi, chẳng phải bận tâm về một thứ giấy tờ nào khác, ngoài giấy đô-la, dĩ nhiên. Nhưng Nga là một nước thuộc một hệ thống khác hẳn, độc tài, khép kín, đối đầu với Tây phương đằng đẵng bảy mươi năm, thì những gì đã thành thâm căn cố đế trong nếp liên hệ quốc tế dễ gì thay đổi trong vòng chưa đầy mười năm, việc đụng phải những thủ tục xa lạ thì không có gì là lạ. Từ hai tháng trước khi đi chúng tôi đã phải liên lạc với anh chị Nguyễn Minh Cần – Inna ở Moscow để nhờ “mời” chúng tôi qua Nga. Chữ “mời” trong ngoặc kép là chữ dùng cho thủ tục giấy tờ, còn thực tế thì anh chị Cần – Inna đã ngỏ ý muốn chúng tôi qua thăm Nga từ lâu. Sau khi nhận được bản “lý lịch” của chúng tôi, chị Inna phải đến Vụ Lãnh sự thuộc bộ Ngoại giao Nga để làm đơn xin mời chúng tôi sang, với lý do là công việc tôn giáo, vì anh chị đang hoạt động cho Hội Phật giáo Thảo Đường bên ấy. Vụ Lãnh sự nhận đơn, cấp một biên nhận có số, anh chị Cần phải cho chúng tôi biết ngay con số đó để chúng tôi kèm với đơn xin Visa gửi cho Tòa Lãnh sự Nga tại San Francisco, gần nơi chúng tôi ở nhất. Nhờ tìm trên Internet, chúng tôi biết được bây giờ có thể xin Visa đi Nga bằng thư chứ không cần đích thân đến Sứ quán hay Lãnh sự quán như trước kia. Với đơn từ tài liệu in ra từ Internet, chúng tôi hoàn tất hồ sơ, gửi Bưu điện lên San Francisco vào cuối tháng Năm, và hai tuần sau thì nhận được Visa gửi về.Về hình thức, Visa của Nga khác hẳn Visa các nước khác mà chúng ta thường thấy. Nó gồm một tờ giấy to màu xám, in toàn chữ Nga, ngay tên của mình cũng viết theo vần Nga, trên đó có dán hai tấm ảnh của người được cấp. Tuy không đọc được chữ Nga, nhưng tôi đoán biết đây là cả một hồ sơ an ninh của một người nước ngoài “xâm nhập” vào Nga. Dòng chữ tiếng Anh duy nhất người ta đọc được trên đó là lời căn dặn trong vòng ba ngày sau khi vào Nga, du khách phải trình diện với công an để được thị thực trên tấm Visa này. Đọc dòng chữ đó, tôi nghĩ đây có lẽ là những ấn chỉ của chế độ cũ còn lại, bây giờ vì tiết kiệm người ta vẫn dùng, chứ cái việc trình diện và chứng nhận thì chắc là không có nữa trong một nước Nga dân chủ. Đó là cái lầm đầu tiên của tôi về nước Nga. Giữa nhiều cái rất chung của thế giới ngày nay trên quả đất, Nga vẫn là một thế giới riêng. Hãy vào thám hiểm trong thế giới ấy.
Rời Los Angeles bằng máy bay của hãng Air France chiều ngày 01 tháng Bảy năm 2000, chúng tôi phải hạ cánh tại phi trường Charles De Gaulle, Paris, để thay máy bay. Có vẻ như là chuẩn bị cần thiết để vào một vùng đất lạ, nhưng thật ra Paris là giao điểm để gửi hành khách từ xa đi tiếp, theo những chuyến bay vùng. Sau một chuyến bay “lớn” từ châu Mỹ sang, hành khách đi đến các phi trường địa phương châu Âu đều phải đổi qua những chuyến nhỏ hơn. Chúng tôi đã bay 11 tiếng từ Los đến Paris với Boeing 747, bây giờ đi nốt ba giờ 45 phút nữa từ Paris đến Moscow, với máy bay Boeing 737. Sáu giờ chiều ngày 2/7 hạ cánh xuống phi trường Sheremetyevo của Moscow, trời mùa hè hãy còn sớm lắm, điều đầu tiên tôi để ý là chiếc máy bay của Hàng Không Việt Nam đậu trên phi trường, có vẻ là loại tàu Air Bus của Âu châu, trang trí đơn giản, chỉ một dòng chữ màu xanh trên nền trắng hai bên thân máy bay, và một lá cờ đỏ sao vàng tương đối nhỏ ở đằng đuôi. Theo thói quen thời chiến tranh lạnh, thấy một cái gì thuộc thế giới cộng sản thì đều rất tò mò, bây giờ tôi đứng trên đất Nga đã là thế giới tự do, nhìn thấy tàu bay của Hà Nội thì một cảm giác tò mò rất đột nhiên lại nổi lên. Dù là thế giới cộng sản bây giờ chỉ còn là cỏn con, nhưng dù sao cũng là thế giới, chẳng thế, ông Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã không đề nghị với Trung Quốc thành lập một “quốc tế” của dăm nước còn lại, chắc lại để… dắt năm châu đến đại đồng. Tôi nhìn máy bay của Hàng Không Việt Nam với cái tò mò thấy vật lạ bay từ cái “quốc tế” ly kỳ ấy ra, chứ đối với một người rời Việt Nam chưa đầy mười năm như tôi thì cái hãng hàng không ấy nào có xa lạ gì.
Cũng như tại mọi phi cảng khác, khách quốc tế phải xếp hàng chờ trình thông hành. Nhưng sự xếp hàng ở đây cũng có chỗ khác các nơi khác. Thứ nhất là ít nhân viên và nhân viên làm việc chậm, phải chờ hơi lâu. Thứ hai là luôn luôn có những người xé rào đưa ngang giấy tờ vào quầy, với một mảnh giấy nhỏ cua ai đó hoặc thì thào cái gì đó, thế là giấy tờ ấy được ưu tiên giải quyết, mặc kệ những người đang xếp hàng nóng ruột chờ nhích lên để đến lượt mình. Một ông du khách Mỹ không quen với lối làm việc unfair như thế liền lên tiếng phản đối, thì chỉ nhận được sự im lặng của những nhân viên người Nga. Sự im lặng như có vẻ muốn thay cho câu nói: “Biết rồi, khổ lắm! Nhưng đây là đất Nga, xin ngài nhớ cho điều đó.”
Đất Nga, đúng thế, đất của bảy mươi năm cai trị độc đoán, đối với nhân viên nhà nước người ta chỉ có quyền nghe lời một cách nhẫn nhục chứ không có quyền phản đối. Nhân viên công lực là đại diện cho một thế lực to lớn ẩn phía sau, lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào mọi diễn tiến của thế giới này với con mắt vừa nghi ngờ vừa kẻ cả, và những mảnh giấy nhỏ, những lời truyền miệng có giá trị hơn bất cứ thứ luật pháp thành văn nào.
Rồi cũng đến phiên mình. Đưa tờ khai viết sẵn từ trên máy bay, nhân viên khoanh tròn vào số tiền đô-la mà khách khai mang vào, đóng dấu chứng nhận bên cạnh, xem qua thông hành, nhất là tờ Visa, rồi cho qua. Không xét hành lý.
*
Anh Cần và Long, chồng của Lan Hương đón chúng tôi đưa về khách sạn trên chiếc xe Volga nhỏ và cũ của Long. Đây là xe sản xuất dưới thời Xô Viết, loại thông dụng để bán cho dân chúng, kiểu dáng đơn sơ, ít để ý đến khía cạnh mỹ thuật và tiện nghi. Mà nghĩ cũng đúng, có cạnh tranh với ai đâu mà phải làm ra những sản phẩm đẹp đẽ tiện nghi, một người dân xô viết trước kia muốn mua chiếc xe này phải làm đơn nộp cho nhà nước và chờ ít nhất… mười năm mới có xe. Trong một nền sản xuất mà nhà chế tạo có quá nhiều ưu thế như vậy với khách hàng, thì làm ra một chiếc xe chạy được là coi như tốt quá rồi. Thời nay thì dân chúng được thoải mái nhiều, trên đường phố thấy có nhiều xe hiệu nước ngoài, từ Mercedes, BMW của Đức đến Renault, Citroen của Pháp, từ Ford của Mỹ đến Toyota của Nhật đua nhau chạy bên cạnh phần lớn những chiếc xe cũ kỹ thô kệch thời xô viết. Các hãng xe Nga bây giờ vẫn còn sản xuất, và giá rẻ đến không ngờ: một chiếc Volga vào hạng sang nhất kéo ở hãng ra (kéo tức thời sau khi trả tiền, không phải chờ đợi một phút nào) chỉ vào khoảng bốn, năm nghìn đô-la, còn loại thường chỉ vào khoảng hai nghìn là có ngay một chiếc mới toanh. Giá xăng ở Nga cũng rẻ, có lẽ đây là nước duy nhất ở Âu châu có giá xăng tương đương với giá ở Mỹ.
Chúng tôi chạy thẳng về khách sạn của bộ Quốc Phòng. “Khách sạn của bộ Quốc Phòng,” nghe kinh quá, chắc nhiều độc giả hỏi chúng tôi làm cái gì mà nước Nga mời vào ở khách sạn đặc biệt thuộc giới quân sự của họ như thế. Chính tôi vào ở đây mà cũng phải buồn cười cho mình. Hơn một thập niên trước đây khi còn ở trong trại cải tạo bên cạnh núi Chứa Chan, Xuân Lộc, có khi nào tôi có thể tưởng tượng ra một chuyện hoang đường đến mức này: tôi đi từ Mỹ sang Nga với passport một công dân Mỹ, từ phi trường Mạc Tư Khoa về thẳng cư trú tại khách sạn của bộ Quốc Phòng Nga… Các biến đổi của thế giới đã hóa phép biến cái hoang đường như thế thành những chuyện rất đời thường, rất gần gũi, rất người. Chính cuộc chiến tranh lạnh đã chia hai thế giới, khiến người phía bên này nhìn về phía bên kia chỉ thấy đầy cái bí ẩn và cái ghê gớm, nào ngờ bí ẩn và ghê gớm ấy chỉ là những cái giả dối người ta đặt ra để hù dọa nhau, còn sự sống chân thật, con người tự căn bản thì đâu có khác gì nhau. Tôi ở khách sạn của bộ Quốc Phòng Nga chỉ đơn giản là vì khách sạn đó đã đi vào kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, giá rẻ, độ ba mươi đô-la một ngày, và nhất là lo chuyện thị thực trên Visa cho khách nước ngoài rất nhanh chóng. Té ra cái câu tiếng Anh dặn phải trình diện công an để thị thực trên Visa là một câu rất nghiêm chỉnh, không phải là điều rơi rớt lại từ thời cộng sản xa xưa như tôi đã nghĩ. Anh Cần chọn cho chúng tôi ở khách sạn này cũng chỉ vì ưu điểm thị thực nhanh giấy tờ cho khách — chỉ qua một đêm là xong tất cả — mà không cần trình diện gì cả.
Dù là kinh doanh nhận khách dân sự, khách sạn này vẫn là của bộ Quốc Phòng với tất cả cung cách nhà nước và quân sự của nó. Một tòa building độ hai mươi tầng, bề ngoài trông cũ kỹ, hơi u ám, nếu so với chức năng một nơi cần khoe vẻ hấp dẫn mỹ miều của mình để thu hút du khách. Nhân viên ngồi sau quầy có kính che chắn là các bà các cô, hầu hết không biết nói tiếng Anh, tất cả mọi giao dịch trả tiền, lấy phòng, trao giấy tờ… hoàn toàn anh Cần và Long lo hộ chúng tôi. Có lẽ ít du khách ngoại quốc nào biết đến khách sạn này để tự họ đến ở, trừ những người có sẵn bạn bè ở Nga như chúng tôi. Cách bài trí trang hoàng bên trong hơi “cứng,” chỉ vừa đủ để khỏi quá tẻ nhạt chứ không đưa lại một cảm quan mỹ thuật cho khách. Là sản phẩm của nhà nước xã hội chủ nghĩa, mà lại dành riêng cho giới quân sự, thì phong cách này là điều hiểu được. Nó không có một chút nào xa hoa sang trọng, nhưng đâu ra đấy, vừa đủ, sạch sẽ, tươm tất, giống như hình ảnh một quân nhân kiểu mẫu.
Chen nhau trong một cái thang máy rất hẹp, chúng tôi lên tầng thứ 12, việc đầu tiên là phải đi tìm phòng của người quản lý tầng 12 để nhận phòng, đồng thời cũng để nhận ra cái cách quản lý rất rườm rà, quan liêu và phí phạm trong hệ thống cộng sản cũ. Mỗi tầng khách sạn lại có thêm một phòng làm việc, với một bàn giấy có nhân viên ngồi đằng sau để lo việc quản lý mấy chục phòng của tầng ấy. Chúng tôi thuê phòng hai giường, nhưng khi vào phòng thì chỉ thấy có một cái giường cá nhân rất hẹp, và một cái xô-pha. Long lại phải chạy đi kiếm người quản lý, lát sau một người đàn bà đi vào với một ôm chăn gối, loay hoay biến cái xô-pha thành một cái giường thứ nhì. Thế là chúng tôi có một phòng ngủ hai giường, với phòng tắm riêng và tiện nghi căn bản tạm đủ. Tính chất đơn sơ, đơn điệu, vừa đủ, kiểu nhà binh (hay tu viện) vẫn là nét chính nơi đây, và riêng tôi, tôi lại thấy thích hợp với mình. Xa hoa mà làm gì, mình đến xứ này để đi tìm những cái khác, chứ đâu phải sự xa hoa của một nơi mình chỉ cần đặt lưng để ngủ qua đêm? Cả cái thành phố Mạc Tư Khoa trải dài dưới kia, cả cái nước Nga mênh mông nhiều bí ẩn mới là cái tôi ao ước được đến, tiếp xúc, tìm hiểu; công việc của tôi đâu có phải để đi so đo hơn kém về tiện nghi của một nước mới bước ra khỏi cơn kinh hoàng của lịch sử?
Lấy phòng xong xuôi, chúng tôi đi ăn tối ngay trong restaurant của khách sạn. Phòng ăn lớn, trần cao vút, hai dãy bàn đặt song song chạy dài, một đầu phòng là quầy rượu, đầu kia là một bức tranh lớn treo trên tường, và hình như ngay dưới là một cái sân khấu nhỏ. Vẻ uy nghi của gian phòng làm tôi liên tưởng đến những bữa tiệc hội quân với thành phần tướng tá cao cấp có thể đã có lần diễn ra ở đây. Những phái đoàn quân sự “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” trước đây dĩ nhiên rất nhiêu lần đã cư ngụ tại khách sạn này và đã dự “chiêu đãi” tại phòng ăn này. Suốt cuộc chiến của Việt Nam đã có biết bao phái đoàn quân sự của Bắc Việt đã đến đây. Ngay cả mới đây thôi, trước khi chúng tôi đến, một phái đoàn quân nhân cao cấp của Hà Nội vừa cư ngụ tại khách sạn này, hình như họ qua để thương lượng mua vũ khí tàu bè gì đấy. Ngày nay dĩ nhiên căn bản thương lượng đã đổi khác, không còn là anh em, mà là khách hàng, và trong chuyện họ nói với nhau biết đâu chẳng có những mục bí mật, ví dụ như “rửa tiền” chẳng hạng. Tính chất chung của những nước từ cộng sản đang chập chững đi vào nền kinh tế thị trường là thế lực Mafia rất mạnh, và có gì ngăn cản mafia của nước này thương lượng với mafia của nước kia trong những cuộc trao đổi mua bán như thế?
Chúng tôi đến hơi trễ, phòng ăn rất vắng, chỉ có một cặp vợ chồng người Nga đang ngồi ăn. Tôi hơi hồi hộp, vì đây là lần đầu tiên tôi ăn một bữa ăn Nga. Thức ăn một nước rất quan trọng đối với người lạ, đó là lời giới thiệu trực tiếp nhất sự sống hàng ngày, sản phẩm, nghệ thuật biến chế thức ăn, và có thể, cả nhân sinh quan của dân tộc ấy. Các nước Âu châu thì hình thức dọn bữa ăn đều giống nhau, dùng muỗng nĩa và ăn trên đĩa, và có lẽ một số món ăn cũng na ná như nhau, đều dùng bánh mì và cách nấu nướng các món thịt cá phần nhiều chỉ khác nhau về tiểu tiết.
Tôi được giới thiệu hai món thuần túy Nga, là xúp borsh và món xà-lách nga. Về món xà-lách, tôi hơi ngờ ngợ, ngày xưa ở Sài Gòn trong những tiệm ăn tây thấy trong thực đơn hay có món salade russe, có phải là món này không? Thập niên 60 tôi rất mê món này ở tiệm Chez Albert ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Sài Gòn, một món xà-lách thập cẩm trộn với kem sữa và tôm cua. Khi món xà-lách được mang ra, tôi thấy quả nhiên về hình thức đúng là món ngày xưa ở Sài Gòn. Dễ đến mấy chục năm, ít ra từ sau 1975, tôi mới có dịp nếm lại món mình thích, mà lần này may mắn thay, tại ngay thủ đô của nước gốc đã khai sinh ra nó. Nhưng khi ăn thì thấy hương và vị không giống như ngày xưa mình đã ăn, và tôi hiểu ngay chuyện tam sao thất bổn trên thế giới này, nhất là một món ăn được sao đi chép lại qua nhiều nước thì làm sao khỏi sinh ra những dị bản? Món salade russe của Sài Gòn, như tên gọi theo lối Pháp của nó, dĩ nhiên là do người Pháp mang vào: may ra đó chỉ mới là lần sao chép thứ nhất, do người Pháp trực tiếp bắt chước người Nga. Có gì bảo đảm người Pháp đã không thêm bớt gia vị để cho hợp với khẩu vị của mình hơn? Điều này nếu xảy ra, và tôi chắc là phải xảy ra, thì dị bản thứ nhất đã ra đời. Khi nó sang Việt Nam, các đầu bếp bản xứ tại đây gồm chủ yếu là người Việt Nam và người Tàu được người Pháp dạy cho, và khi làm món đó cho người bản xứ ăn thì một lần nữa phải điều chỉnh sao cho hợp miệng người Á đông. Bản sao đến đây chắc đã xa bản gốc khá nhiều rồi. Ở Sài Gòn tôi đã thưởng thức một phiên bản được sao chép ít ra đến hai lần, nay gặp bản gốc thì ngỡ ngàng là phải, thậm chí lúc mới nếm tôi còn nhăn mặt cho đây không phải là salade russe nữa kìa! Thô thiển hơn một tí, nhạt nhẽo hơn một tí, nhưng có lẽ đó đúng là cái “gu” gốc của người Nga.
Đây không phải là lần đâu tiên tôi trải qua kinh nghiệm này. Nhớ thời mới vào đi học ở Sài Gòn vào cuối thập niên 50, đầu 60, mỗi lần nhận được tiền ở nhà gửi cho thì thế nào tôi cũng đi ăn một bữa đồ tây, ở những tiệm cơm tây do người Việt hay người Tàu làm chủ, như Thanh Bạch, Chí Tài. Cũng không tốn kém gì nhiều, đó là những tiệm ngon giá rẻ, một miếng beefsteak giá mười đồng, chỉ nhích hơn tô phở chút đỉnh. Mà “cơm tây” của tôi lúc đó cũng chỉ có nghĩa là một đĩa bít-tếch với xà-lách hay mì ống, và một chai bia, ít khi dám mạo hiểm gọi những món lạ. Beefsteak của những tiệm đó đối với tôi thời ấy là ngon nhất, bổ nhất, kiến thức và sự sành sỏi khẩu vị về đồ ăn tây phương của tôi thời đi học hầu như chỉ có thế. Bỗng có một lần tôi được một người bà con dẫn đi ăn ở nhà hàng Continental ở đường Tự Do, trước thực đơn rắc rối toàn tiếng Tây của nhà hàng lớn nổi tiếng chính cống Pháp này thì tôi cũng không biết gọi gì hơn là bít-tếch xà-lách, dĩ nhiên với sự khuyến khích của ông anh họ nhiều tiền sành sõi thì tôi gọi thêm một đĩa xúp hành. Đến món thịt bò thì tôi thấy dở quá, lạt lẽo vô duyên, thua xa Thanh Bạch hay Chí Tài. Tôi không ngại ngùng bày tỏ ý kiến của tôi với ông anh, ổng cười:
“Vấn đề là cái ’gu’ thôi. Lâu nay chú chỉ quen cơm tây theo gu Việt Nam hay ba Tàu, nay ăn đồ tây chính cống thì thấy lạ. Thực ra beefsteak theo kiểu tây thì Continental là ngon nhất, đúng nhất, nghĩa là miếng thịt bò thật tươi, không ướp tẩm gì cả, chỉ chiên lên và ăn với gia vị muối và tiêu mà thôi. Như thế mới cảm thấy hết cái ngon ngọt của vị thịt tươi. Còn Thanh Bạch hay Chí Tài thì người ta đã ướp miếng thịt theo thói quen của người mình, ăn vào nghe mặn mòi và thơm hành tỏi thì người mình mới thích. Cơm tây kiểu đó đã bị lai căn theo gu Á đông, không còn đúng nữa. Tôi đã đi nhiều nơi, một món rất phổ thông của người Tàu là mì vịt, thế mà giữa Chợ Lớn, Hồng Kông, Đài Loan, Bangkok mỗi nơi vẫn một vị khác nhau, và tôi thì vẫn thích mì Lakay Nguyễn Tri Phương hơn cả. Quen rồi.”
Cách đây hơn mười năm, sau khi đi thăm Hà Nội, tôi đã có viết: “Có lẽ không thể một sớm một chiều mà có thể thưởng thức hết cái ý nhị của món ngon một xứ, nhất là các món dân gian. Phải quen với khí hậu, phong thổ, cách sống xứ ấy mới nắm bắt được cái ’thần’ của món ăn.” Cùng trong một nước đã vậy, huống hồ xa xôi cách trở như Nga với Việt Nam!
Nhưng khác với thức ăn vật chất, các món ăn tinh thần của người Nga, là nền văn học của họ, thì đã chinh phục thế giới từ lâu. Trong lãnh vực này, họ có những thức ăn siêu việt. Tâm hồn Nga thâm trầm lớn lao, đời nào cũng được nhà văn Nga bộc bạch trên tác phẩm của họ, và con người trên khắp thế giới rất thân thuộc với những Natacha, Pierre, các anh em nhà Karamasov, với anh chàng ngố, với Zhivago, Lara… mà đâu có cần phải đặt chân đến đất Nga!
(Còn tiếp)

(Kỳ 2)

Qua một đêm hoàn toàn không ngủ được vì thay đổi giờ, tôi bắt đầu ngày đầu tiên trên đất Nga, trái với điều lo của tôi, vẫn khỏe khoắn tỉnh táo như thường. Cái thân thể rất dễ mỏi mệt của tôi ở Hoa Kỳ khi sang đây dường như được tiếp một sức lực mới, từ thiên nhiên, từ khí hậu hay từ niềm hưng phấn được đến vùng đất ao ước bây lâu nay? Tôi nghĩ ngoài lý do tâm lý, có thể từ trường ở một đất hoàn toàn xa và lạ có ảnh hưởng lên sức khỏe của tôi. Trong khi chờ đợi anh Cần đến để hướng dẫn chương trình ngày hôm ấy, chúng tôi đi ăn sáng, ngay trong khách sạn. Phòng ăn điểm tâm không phải là nhà hàng chúng tôi ăn đêm hôm trước, đó là một phòng ăn nhỏ, kê chừng dăm bảy chiếc bàn phủ khăn cắm hoa rất lịch sự, nằm ở một tầng lầu khác. Tôi thấy đây là một ý rất hay của người thiết kế, khi tạo ra nơi ăn điểm tâm một khung cảnh khác hẳn vẻ uy nghi bề thế của nơi dọn các bữa chính: Phòng điểm tâm của một khách sạn nên là một nơi nhỏ nhắn thân mật, đượm đầy hương thơm của cà phê mới pha, nơi người phục vụ đến với khách trong cung cách của một người trong gia đình, săn sóc hỏi han khách về giấc ngủ đêm qua nơi một phòng ngủ lạ, và đề nghị vài món ăn sáng hợp với khẩu vị… Chúng tôi ăn bánh kẹp nóng, uống một tách cà phê khá ngon, nhìn ra bầu trời đang vần vũ mây hứa hẹn một ngày không mấy tươi sáng.
Nơi khách sạn tọa lạc không phải là nơi thị tứ, bây giờ trong buổi sáng trên cao nhìn xuống tôi mới nhận ra nó nằm giữa một… rừng cây. Bốn phía là cây xanh um kéo dài bất tận, thỉnh thoảng giữa cây ẩn hiện một tòa nhà, một building nhiều tầng nhưng những công trình xây cất ấy ẩn vào màu xanh của thiên nhiên chứ không ngạo nghễ chế ngự thiên nhiên. Nói Mạc Tư Khoa có nhiều công viên lớn trong thành phố là không đúng. Không phải thế, đó là một ý niệm khác, ở đây là: phần lớn thành phố tá túc trong một khu rừng, và chịu chi phối bởi những quy luật của tự nhiên, chứ không phải ngược lại. Rừng đây là rừng thật với sự phát triển hoang dã của nó, chứ không phải công viên mà trước đây ở Việt Nam Thế Lữ đã mượn lời con hổ mô tả rằng:
Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng cây trồng
Giải nước đen giả suối chẳng thông giòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Đất đai Nga mênh mông, ngay trong một đô thị lớn như Mạc Tư Khoa người ta vẫn thấy chưa việc gì phải lo lắng về các khoảng không gian. Trước đây người ta đã cho rằng nước Nga có bốn đại tướng khiến nước ngoài không xâm chiếm được, là sự Mênh mông, Mùa đông, Tuyết, và sự Lạnh giá, thì bốn đại tướng thiên nhiên ấy ngày nay vẫn còn nguyên đấy. Sự mênh mông là cái có thể bớt đi do sự phát triển của dân số và kỹ nghệ, ít nhất đối với các đô thị, nhưng ngay với Mạc Tư Khoa, các yếu tố nhân văn ấy xem ra chưa thấm vào đâu. Đất đai còn thừa thãi, người và cây ở chung. Công sở, trường học, vô số các cư xá dân chúng đêu nằm ẩn giữa những vạt rừng bạch dương thân thẳng cao vút đủ sức che lấp cả chiều cao của một cái building mười mấy tầng. Từ mặt sau của khách sạn, chúng tôi thấy trường đại học tổng hợp Mạc Tư Khoa với những tháp nhọn vươn lên khỏi tầng cây có vẻ huyền hoặc như hình ảnh thần thoại của lâu đài nằm giữa rừng.
Anh Cần không có xe hơi, mọi việc di chuyển của anh đều dựa vào xe buýt và xe điện ngầm. Như các nước Âu châu khác, hệ thống chuyên chở công cộng của Nga khá tốt. Các nước Tây Âu phải hoàn thiện hệ thống chuyên chở công cộng vì đất đai hẹp, không thể phát triển đủ đường sá để thỏa mãn nhu cầu đi xe hơi của tư nhân. Một nước như Pháp, các hãng xe sản xuất nhiều, còn nhập cảng thêm xe ngoại quốc, nhưng hình như người ta vẫn muốn hạn chế số xe hơi tư nhân lưu thông. Tình trạng không khí ô nhiễm cũng đã nặng nề lắm cho vùng đất có kỹ nghệ phát triển sớm nhất thế giới, từ cái thời mà nhiều vùng khác trên trái đất chưa biết đến “nhà máy” là cái gì, hoặc chỉ mới có thưa thớt, thì tại Tây Âu, các ống khói khổng lồ đã ào ạt tuôn chất độc lên trời rồi. Bây giờ người ta muốn hạn chế những ống khói tí hon mỗi ngày tiếp tục phun khói xăng bị đốt trên khắp các nẻo đường đất nước, nên chủ trương bớt số xe lưu thông chừng nào hay chừng nấy. Tại Pháp, muốn thi lấy bằng lái xe phải tốn ít nhất 1500 đô la, trong khi ở Mỹ lệ phí chỉ mấy chục bạc, điều đó cho thấy khuynh hướng khuyến khích hay không khuyến khích cá nhân tự cầm lái lấy một chiếc xe hơi. Tại Tây Âu lấy bằng lái tốn kém như thế, đường sá lại chật hẹp hay bị kẹt xe, chỗ đậu xe thì quá khó khăn, trong khi xe buýt và xe điện ngầm vừa nhanh, vừa đúng giờ vừa rẻ và ở đâu cũng có, thế thì tội gì không dùng phương tiện công cộng! Nhưng ở nước Nga trước đây tuyệt đại đa số dân chúng phải dùng phương tiện di chuyển công cộng vì không dùng nó thì chẳng biết dùng món gì khác.
Về giao thông, nước Nga có một thuận lợi giống như Mỹ là đất đai rộng, tiềm năng làm đường sá, chỗ đậu xe rất nhiều, nhưng lại khác Mỹ ở chỗ bảy chục năm qua theo chế độ xã hội, kinh tế không phát triển, chỉ loay hoay thỏa mãn những nhu cầu căn bản của dân chúng đã thấy đuối hơi. Một sản phẩm thông thường cho việc di chuyển là chiếc xe hơi mà đã được coi là một cái gì quá sức quan trọng, tư nhân muốn sở hữu một chiếc xe phải chờ mất mười năm, thì các tiêu chuẩn căn bản để người dân được sống một đời sống thoải mái bình thường có lẽ không bao giờ đạt được trong xã hội đó. Nga đã thế, nói gì đến Việt Nam miền bắc xã hội chủ nghĩa! Nhớ vào khoảng năm 1980, trong trại Thanh Cẩm (thuộc tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi được lệnh liệt kê những “nghề tay trái” mà chúng tôi biết (ngoài “nghề tay phải” là tay sai Mỹ ngụy). Độ nửa tháng sau khi nộp tờ khai, chúng tôi được tập họp để nghe nhận xét của cán bộ trại: “Anh nào cũng khai biết chụp ảnh và lái xe, đúng là tụi Mỹ nó đào tạo các anh để làm gián điệp. Không làm gián điệp thì biết những món ấy để làm gì?” Lúc nghe câu ấy, tôi cảm thấy lạnh cả sống lưng, vì không ngờ ở miền Bắc chế độ gọi là “xã hội” đã kéo đất nước và con người thụt lùi xa đến thế, và ngay cả trong giờ phút đang viết những dòng này, tôi vẫn còn liên hệ tình trạng xã hội đó với vị trí nghèo khổ mà Việt Nam hiện được xếp hạng trên thế giới.
Nhưng hãy trở về với ngày đầu tiên của chúng tôi trên đất Nga. Từ khách sạn, chúng tôi che dù lội mưa đi bộ cùng anh Cần sang khu phố bên kia đường để đổi tiền. Ở Mạc Tư Khoa, chắc mới bắt chước theo kiểu Tây Âu, có nhiều điểm đổi tiền ngoài các ngân hàng, nằm lẫn trong những khu buôn bán, rất tiện cho du khách. Đó không phải là chỗ đổi tiền tư nhân, mà như là đại lý cho các ngân hàng, giá thị trường tiền bạc được niêm yết rõ ràng, khách phải trình thông hành, và muốn đổi bao nhiêu cũng được.
Từ mái hiên của tiệm đổi tiền nhìn ra màn mưa nhỏ phơi phới, tự nhiên tôi có cảm tưởng đây là một cảnh mình đã trải qua, lâu rồi. Một khu phố lạ đìu hiu dưới trời mưa, đã bao nhiêu lần trong đời một người đã gặp? Ở đâu nhỉ, phải chăng tôi đã đứng dưới một mái hiên như thế này một ngày mưa dầm ở Huế khi còn ở tuổi học trò, hay trong cơn mưa rào rạt tại một tỉnh miền Tây, Cần Thơ hay Châu Đốc, và chắc chắn nhiều lần trước cửa cà phê Tùng ở Đà Lạt nhìn mưa bay mé đồi bên kia, và gần hơn cả, cách đây ba năm lần đầu tiên đến với vỉa hè mưa Paris mà nhớ tới Sài Gòn… Hình như bất cứ hè phố nào trên trái đất này dưới mưa cũng có thể thành một loại phố cũ hè xưa, gợi những hình bóng nào đã xa trong lòng một kẻ “lữ thứ.” Phố xá có thể khác nhau, địa điểm có thể cách xa nhau vạn dặm, nhưng màn mưa có khả năng xóa nhòa mọi ranh giới để chỉ còn giữ trong lòng ta một cảm tưởng chung rất cổ điển, một “nẻo quê chung” như câu thơ Huy Cận
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận muôn trùng ta đi.
Bên kia đường là khách sạn của bộ Quốc phòng nằm sâu vào trong, khuất sau rừng cây cao. Khu phố mà tôi đang đứng cũng không phải là nơi thị tứ, dù là ở giữa Moscow nó cũng lẻ loi như nơi tỉnh nhỏ. Một tiệm đổi tiền, một nhà thuốc, đôi ba chỗ bán tạp hóa, và đặc biệt trên mảnh đất trống trước dãy nhà, có mấy người bày bán một ít rau cải và trái cây có lẽ hái từ vườn nhà. Họ là những người đàn ông đàn bà đã có tuổi, đứng co ro trong tấm áo mưa, nét mặt thản nhiên chờ người hỏi mua như đây là một công việc tuy bất đắc dĩ nhưng cũng không phải là xa lạ đối với họ. Một thời trong chế độ trước loại công việc này từng được gọi là “kinh tế cá thể,” có khi bị cấm đoán khinh miệt, có khi được nới lỏng cho làm, và bây giờ thì họ hoàn toàn có quyền làm để đắp đổi cho nền kinh tế gia đình yếu kém trong thời kỳ “quá độ ngược vào chủ nghĩa tư bản” như hiện nay. Đất đai Nga còn quá rộng mà cứ phải khổ sở vì thiếu những sản phẩm do đất đai cống hiến cho con người thì cũng là điều lạ, chỉ có thể giải thích bằng cái chủ nghĩa xã hội ưu việt một thời của họ thôi.
Một số người Nga đi qua khu phố tôi đang đứng, có thể họ trên đường đi làm, hoặc ghé mua vài thứ lặt vặt. Tôi ngạc nhiên về phong cách của họ: ngoại hình cao lớn, đi đứng chững chạc, trang điểm kỹ lưỡng và ăn mặc chải chuốt, đầy vẻ trâm anh thế phiệt. Liên hệ những con người mình mới lần đầu thấy trước mắt với cái thế giới tinh thần và tư tưởng mà người Nga đã hiến cho thế giới qua văn học, đồng thời không quên là họ thuộc vào một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới, tôi không khỏi nhủ thầm trong bụng, ngay dưới cái hiên mưa ấy: “Đây quả là một dân tộc rất có phẩm cách.”
Dostoievski trong thế kỷ 19 đã tiên đoán nước Nga sẽ không tránh được một cuộc cách mạng. Trực giác của những nghệ sĩ lớn tiên cảm được những gì sẽ đến với dân tộc mình là điều vẫn xảy ra, nhất là khi họ cảm nhận được các mâu thuẫn lớn trong xã hội trước mắt. Và quả nhiên người Nga đã đủ sức để tạo nên một cuộc cách mạng, không những chỉ cho dân tộc Nga, mà còn cho cả thế giới nữa. Không có một tâm hồn lớn lao với một nét lãng mạn cũng rất lớn lao thì không thể làm nổi việc như thế. Nhưng người Nga cũng rất vĩ đại khi nhận ra mình đã lao vào một công cuộc sai lầm, sai lầm kinh khủng cho chính mình và cho nhân loại, thì cũng tự tay mình chứ không ai khác, làm một hành động nhanh chóng và dứt khoát để sửa chữa lại, dù cho cái sai lầm đã hằn quá sâu trên đất nước này đến độ giống như những vết tích hóa thạch trong các tầng địa chất. Nhưng không sao, không có lầm lẫn nào mà không chữa được, và con người kế tiếp nhau sống trên mặt địa cầu không bao giờ xơ cứng đến hóa đá. Nhất là đối với một dân tộc đầy tiềm năng và đầy cảm hứng như dân tộc Nga.
(Còn tiếp)

(Kỳ 3)

Sáng nay chúng tôi sẽ trả phòng khách sạn để khuya nay đi St Petersburg. Công dụng của khách sạn bộ Quốc Phòng đã hết: giấy tờ chúng tôi đã được công an thị thực xong xuôi. Sau khi đổi tiền, chúng tôi về lại khách sạn với một chiếc taxi kêu được trên đường. Ở Mạc Tư Khoa bạn có thể có thể đứng bên lề và ngoắc bất cứ chiếc xe nào chạy trong lòng đường, hễ nó tấp vào thì đó là taxi. Bởi vì ngoài số taxi chính thức không nhiều lắm mang dấu hiệu riêng trên mui, có vô số người tậu được xe cũ chạy kiếm khách trên đường. Tôi không biết làm ăn như thế họ có vi phạm luật lệ gì không, nhưng tất cả có vẻ công khai bình thường, không lén lút gì cả. Khi thấy chúng tôi khệ nệ mang mấy cái va li to tướng từ khách sạn ra, người tài xế taxi có vẻ bối rối. Tôi bảo anh ta mở cóp xe để xếp hành lý, thì hỡi ôi, cóp xe đầy những thanh gỗ vụn, không còn chỗ đâu mà cho va li vào nữa. Tôi không tin là giữa Mạc Tư Khoa ngày nay người ta còn đun nấu bằng củi, những thanh gỗ này chắc người tài xế nhặt ở đâu đó để dành sửa chữa vật dụng trong nhà hay ngoài vườn, hoặc để đốt lò sưởi vào mùa đông. Có lẽ vì không phải là dân lái taxi chuyên nghiệp, anh ta xớ rớ không biết giải quyết vấn đề hành lý ra sao, khiến tôi phải ra tay, nhét tất cả vào băng sau để người và va li cùng chen chúc rất là thân mật trên một chỗ ngồi. Rồi xe cũng lăn bánh được, và chúng tôi trực chỉ Niệm Phật Đường trụ sở của Hội Phật giáo Thảo Đường.
Cũng giống như nhiều ngôi “chùa” ở Mỹ trong thời kỳ đầu người Việt mới tới định cư, ngôi Niệm Phật Đường này cũng chiếm một đơn vị nhà ở, là appartment trong một chung cư nhiều tầng. Một phòng thờ, nơi để Phật tử đến tụng niệm làm lễ với đầy đủ bàn thờ và kinh sách theo kiểu một ngôi chùa Việt Nam, một căn bếp, và hai phòng ngủ để phòng đón khách phương xa, thường là các thầy từ các nước Tây phương — nước Tây phương chứ không phải Tây Phương Cực Lạc. Ý nghĩ hơi đùa bỡn vừa rồi nhắc tôi nhớ Nga vẫn là một nước thuộc phương Đông, và hình ảnh Tây phương trong đạo Phật đối với người đang ở nước này cũng không khác với người đang ở tại Việt Nam.
Nói đến Hội Phật Giáo Thảo Đường thì không thể không nhắc đến một con người rất đặc biệt, bà Inna Anatolieva Malkhanova, vợ của ông Nguyễn Minh Cần, một người Việt Nam tị nạn chính trị tại Nga từ bốn chục năm nay, mà trong chỗ thân mật trong bài này tôi xin gọi là anh chị. Và mặc dù đã gặp gỡ, trò chuyện với anh chị nhiều trong chuyến đi Nga vừa rồi, trong việc giới thiệu chị Inna ở đây tôi không thể không mượn rất nhiều đoạn của một nữ sinh viên Việt Nam du học tại Nga viết về chị. Bài viết của tác giả Tâm Diệu Hương (đăng trên tờ Viên Giác xuất bản tại Hannover, Đức Quốc vào số 102 Tết Mậu Dần) đã phản ảnh một cách trung thực và sâu sắc nhất con người của chị Inna.

Nhưng hôm nay […] tôi chỉ vẽ nên một cái nền cho một chủ đề hoàn toàn khác: khía cạnh con người trong việc thịnh suy, phát triển của một Hội đoàn, của một tập thể con người, và cụ thể hơn là vẽ nên bức chân dung của một người mà tôi vô cùng khâm phục, người đứng đầu Hội Phật Giáo của người Việt ở Nga. Đó là Inna Anatolieva Malkhanova. Vâng, bà là một người Nga, nhưng mang một tâm hồn rất Việt Nam, một lòng thương rộng vô bến bờ.
Vài nét về tiểu sử, sự nghiệp của chị Inna, vẫn mượn lời của Tâm Diệu Hương:
 
Cô sinh ngày 6 tháng 7 năm 1939. Năm 1957 cô thi vào khoa địa lý trường đại học tổng hợp Lomonosov. Cũng như tất cả mọi sinh viên khác, cô phải chọn một nước làm đề tài nghiên cứu viết luận án tốt nghiệp. Chỉ có điều thay vì chọn các nước châu Ầu có nhiều tài liệu nghiên cứu, vừa dễ vừa có cơ hội sang các nước đó thực tập, cô lại chọn một nước thật xa lạ là Việt Nam. Cũng chính nhờ cô là sinh viên duy nhất và đầu tiên nghiên cứu về địa lý Việt Nam nên năm 61-62 cô được sang Việt Nam lấy tài liệu. Đó là lần đầu tiên cô làm quen với tiếng Việt, với đất nước Việt Nam. Gần một năm đi lấy tài liệu tại các tỉnh khác nhau ở miền Bắc Việt Nam, cô đã hoàn thành hàng chục tấm bản đồ hết sức cặn kẽ về phân bố cây trồng nông nghiệp, gia súc, lúa, qua sản lượng trong nhiều năm ở Bắc. Những tấm bản đồ này đã là giáo khoa về địa lý Việt Nam cho các sinh viên nghiên cứu về kinh tế miền Bắc Việt Nam hồi đó.
 
Điều thú vị là ngay từ dạo đó, với một cái nhìn từ phía ngoài, cô đã viết luận án phó tiến sĩ về kinh tế địa lý Việt Nam với một góc độ hết sức khách quan, phê phán cách “cưỡng ép” nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp, phân tích những thiệt hại to lớn do cải cách ruộng đất gây ra đối với nông thôn. Những đánh giá của cô thật quá nên đã không được chính phủ Liên Xô hồi đó chấp nhận, năm 1970 cô đã phải bảo vệ luận án một cách bí mật, và bản lưu luận án cũng phải cất giữ tại kho lưu trữ sách bí mật thuộc thư viện quốc gia lớn nhất Liên Xô mang tên Lênin. Sau này có nhiều người khuyên cô nên sửa lại bản luận án cho phù hợp với “đường lối hữu nghị” hơn, như thế sách của cô sẽ được in và phát hành rộng rãi, cô chắc chắn sẽ thành một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam. Nhưng cô chỉ cười, cứ để những hạt bụi của thời gian phủ trên cuốn sách, sẽ đến một khi nào đó người ta sẽ lau chúng và trân trọng đặt lên bàn mà chiêm ngưỡng sự thật, còn cô không thể sửa cong ngòi bút của mình.
Nhưng xong luận án về địa lý, chị Inna lại chuyển sang một lãnh vực khác, vẫn Việt Nam: ngôn ngữ.
 
Trong suốt 16 năm từ 1971 đến 1986 giảng dạy tiếng Việt ở học viện các nước Á-Phi thuộc trường đại học tổng hợp Lomonosov, và sau này ở trường đại học quan hệ quốc tế của Bộ ngoại giao Nga, cô đã biên soạn hơn ba mươi đề tài khác nhau về kinh tế địa lý Việt Nam, hàng chục cuốn sách giáo khoa và từ điển quan trọng cho sinh viên. Những công trình lớn nhất của cô là những nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam, bộ từ điển Nga-Việt đồ sộ hai tập với tổng số 1352 trang, từ điển kinh tế chính trị Nga-Vỉệt, từ điển thuật ngữ thể thao Nga-Việt, giáo trình dạy phát âm tiếng Việt v.v…
 
… Tôi biết cô hết sức gần gũi đã hơn ba năm rồi. Tôi biết cô là người vô cùng tốt bụng, tôi biết cô dành nhiều tâm sức để cứu chó mèo hoang, tôi biết cô dành toàn bộ sự lo lắng cho hội Phật Giáo Thảo Đường. Nhưng chưa bao giờ tôi biết cô là một nhà khoa học hết sức nghiêm túc và sâu sắc.
Nhà khoa học nghiêm túc và sâu sắc ấy có một tâm đạo bao la. Phải làm một người vô thần từ thời trẻ (hay đúng hơn là phải theo “đạo vô thần” của các giáo chủ Marx-Lenin), tâm hồn chị vẫn mang một nỗi trống trải, thiếu thốn về mặt tâm linh, thậm chí có nhiều thời kỳ chị bị khủng hoảng. Cuốn sách tôn giáo đầu tiên chị được đọc là một cuốn Kinh Thánh rất xưa của bà nội chị còn giữ được, chúng tôi đọc thấy nhiều điều rất hay, nhưng mà cũng có những chỗ thấy khó đồng ý. Chẳng hạn, “ai không theo ta thì người ấy chống ta”, nghe không khác mấy cách nghĩ và làm của những người cộng sản. Nên thấy ngần ngại thế nào ấy.
Tuổi thanh xuân đầy thắc mắc và cảm hứng siêu hình của chị Inna đã đụng phải sa mạc khô cằn về tinh thần và ê chề về xã hội trong chế độ xô viết bấy giờ. Chị cho biết thời ấy đã âm thầm thành hình một quan niệm sống trong giới phụ nữ có học thức ở Nga: không lập gia đình. Lý do trực tiếp: gia đình Nga là một cõi địa ngục cho người phụ nữ. Có lẽ bắt nguồn từ thời phong kiến, người đàn ông Nga, theo chị, vẫn trút mọi gánh nặng gia đình trên vai người đàn bà, người vợ phải lo toan mọi thứ trong nhà, và đổi lại, luôn luôn gặp phải thái độ rất trịch thượng của người chồng, như đó là cái quyền trời cho của phái mày râu vậy. Chế độ cộng sản tuy nói nhiều về quyền bình đẳng này nọ, nhưng trong thực tế tình hình gia đình không những không cải thiện mà còn xấu hơn, vì ý thức cá nhân của con người ngày càng sút giảm, và tệ nghiện rượu trong dân chúng đã lên đến mức kinh khủng. Người đàn ông Nga uống rượu như hũ chìm, và chuyện chửi mắng đánh đập vợ thì xảy ra như cơm bữa. (Xin mở một dấu ngoặc để đưa ra một minh họa cho hiện tượng này: những năm sau 1975, nhiều đội bóng đá Liên Xô đã đến thi đấu tại Sài Gòn. Trong những giờ giải lao, cầu thủ Liên Xô giải khát bằng cách cầm nguyên chai rượu Lúa Mới, một loại rượu đế nặng, uống ừng ực. Dân nhậu chuyên nghiệp Sài Gòn thấy thế cũng phải lắc đầu le lưỡi). Đời sống của người phụ nữ Nga là một đời sống cam chịu nỗi bất công dằng dặc trong gia đình không biết khi nào mới thoát ra được.
Tôi hỏi chị Inna ngoài sự chống đối tiêu cực của một thiểu số trí thức bằng cách không lập gia đình, phụ nữ Nga có tổ chức tranh đấu cho quyền bình đẳng như tại Âu Mỹ không, thì chị trả lời rằng không. Không hề có mầm mống một tổ chức nào như thế trong xã hội. Có lẽ một phần do tính cam chịu thụ động cố hữu của phái nữ, phần nữa quan trọng hơn là chế độ cộng sản cấm đoán mọi hoạt động kiểu như thế. Trong một cơ chế phủ nhận mọi quyền sinh hoạt công dân thì làm sao một phong trào như thế cố thể nhen nhóm được?
Kịp đến thời perestroika nỗi khát khao tâm linh đã đưa chị đi nghe các mục sư Tin Lành người Mỹ và Nam Hàn giảng đạo, rồi đi theo Krishna-it của người Ấn Độ, rồi học thiền định với một ông người Ấn, nhưng chỉ thật sự cảm thấy đến gần đạo Phật khi đi nghe nhà sư Nhật Bản Terasava giảng, mặc dù chỉ hiểu lõm bõm qua những lời phiên dịch không trôi chảy. Phải chờ đến tháng Tư năm 1993, trong cuộc hội thảo về “Vấn đề nhân quyền cho Việt Nam” tại Mạc Tư Khoa, chị với anh Nguyễn Minh Cần mới lần đầu tiên được gặp các vị sư Việt Nam, là các thầy Minh Tâm từ Pháp sang, thầy Minh Tuyên từ Hoa Kỳ, và thầy Nguyên Lạc từ Canada đến. Các thầy đã khuyến khích, giúp đỡ để một tổ chức học Phật được ra đời.
Chúng tôi mời quý Thầy đến nhà. Hôm đó, chỉ có hai thầy Minh Tâm và Minh Tuyên đến, còn thầy Nguyên Lạc thì phải bay về Canada. Chẳng hiểu duyên may thế nào, khi hai Thầy đến nhà, tôi mới mạnh dạn xin hai Thầy tụng cho một bài kinh… Hai Thầy không từ chối. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng tụng kinh của quý Thầy Việt Nam ở trên đất nước Nga, ngay ở nhà mình, thật là xúc động thấm thía không thể tả dược… Đấy, tôi đã đến với đạo Phật như thế đó.
Sự “đến với đạo Phật” của anh chị Nguyễn Minh Cần-Inna không phải chỉ nhằm tìm lối giải thoát các bế tắc của riêng mình, mà còn nhằm đến người Việt tại Nga và cả người Nga nữa. Người Việt Nam tại Nga là một tập thể chịu nhiều khốn khổ, và mọi người ai nấy đều lao vào đường lo làm ăn, chẳng ai nghĩ đến những vấn đề tâm linh. Chúng tôi thấy cộng đồng Việt Nam ở đây rất đông, họ làm việc vất vả kinh khủng, bị bóc lột, bị áp bức nặng nề, tinh thần thì luôn luôn căng thẳng, họ sợ sệt đủ điều, sợ đủ hạng người, sợ bọn cướp “đầu đen,” sợ bọn trấn lột người Việt, sợ lưu manh Nga, sợ công an Nga, sợ sứ quán Việt Nam, sợ đủ thứ… thế mà về mặt tâm linh của họ thì hoàn toàn trống rỗng.
Chính vì thế anh chị đã cố hết sức đem đạo đến với họ, để lấp khoảng trống tâm linh đó, giúp họ an ổn tinh thần hơn, hướng về điều thiện hơn. Nếu nhu cầu ở miền Bắc Việt Nam là “Chùa là cái thiện của làng” thì ở Nga, nhất là người Việt ở Nga vốn phần lớn ra đi từ miền Bắc, thì vấn đề cũng y nguyên như thế, chỉ nặng nề thêm vì lâm vào một hoàn cảnh đặc biệt. Khoảng trống trong tâm khảm họ không phải chỉ có trong cuộc vật lộn mưu sinh kinh hoàng nơi xứ người, mà đã được thâm nhiễm từ lâu trên đất mẹ của họ, nơi mấy mươi năm qua luôn luôn được thôi thúc tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội với vũ khí duy nhất là cái đạo vô thần. Mảnh đất của mấy ngàn năm Phật giáo mà thoắt chốc trong cái kỹ thuật nghiền nát đời sống tinh thần của con người, đã tạo nên những đứa con “về mặt tâm linh hoàn toàn trống rỗng.”
Anh chị Cần-Inna và những người đồng chí hướng đã làm được một việc lớn lao, là phục hồi đời sống tâm linh cho những con người đã mất nó. Sứ quán Việt Nam tại Nga chẳng ưa gì công cuộc này, họ vẫn muốn tâm linh người Việt Nam càng rỗng càng tốt. Lại những ngón đòn phá hoại cổ điển: đe dọa, ngăn chặn người Việt đến với hội Phật Giáo Thảo Đường. Hầu như người cộng sản không xây dựng được một cái gì tích cực cho loài người trên mặt đất này, ngoài việc dựng nên những công tác phá hoại. Đó là khả năng xuất sắc duy nhất nằm trong bản chất của họ. Một thứ bản năng mang trong nó tính hủy diệt. Và cũng chính vì thế mà hội Phật Giáo Thảo Đường vẫn tồn tại và phát triển với đông đảo người Việt và người Nga đến với mình.
Anh Lê Đình Điểu, cựu chủ nhiệm báo Thế Kỷ 21, bị phát giác bệnh ung thư từ khoảng đầu năm 1998, qua đời vào tháng Năm năm 1999, có lẽ đã dùng hơn một năm nằm bệnh ấy để soát xét lại nhiều loại hoạt động đang diễn ra của người Việt khắp nơi. Trong lần gặp nhau cuối cùng trước khi anh vĩnh viễn đi vào hôn mê, anh đã nắm tay tôi và nói rằng: “Công việc tôn giáo anh Nguyễn Minh cần đang làm bên Nga là công việc đáng làm nhất hiện nay. Nên hỗ trợ tích cực những việc làm như thế.” Tôi tin thần thức của Điểu trong thời gian sắp ra đi ấy đã đạt mức độ trong suốt, có thể nhìn thấu thực chất của nhiều sự việc mà một người bận rộn lăn lộn trong đời không nhìn ra được. Khi tôi đến với đất Nga, gặp gỡ, trò chuyện với anh chị Nguyễn Minh Cần-Inna cùng những người bạn Việt Nam ở đấy, rồi thăm Niệm Phật Đường của hội Phật Giáo Thảo Đường, thì tôi mới thâm cảm tất cả những lời có thể coi là trối trăng của Điểu nói với tôi. Bạn với nhau từ thời Trung học, ra đời cùng hoạt động qua bao thời kỳ, tôi vẫn phục Điểu là người có cái nhìn xa, nhiều sáng kiến và tài tổ chức, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bạn nắm một vấn đề đúng một cách sâu xa như thế. Sâu thăm thẳm như chính tâm linh của mình hiển lộ ra lúc sắp lìa đời. Tâm linh của Điểu cũng chính là tâm linh của bao người Việt, đang trong cơn lận đận lao đao đâu đó trên quả đất này. Điểu đã dùng lần gặp nhau cuối cùng còn tỉnh táo ấy để mách bảo cho tôi điều Điểu đã thấy rất rõ, và biết có thể tôi chỉ mới thấy lờ mờ.

(Kỳ 4)

Quảng trường đỏ
Thời gian còn cho buổi chiều không nhiều, phải đi xem thành phố Mạc Tư Khoa một chút, và thế là từ ga, chúng tôi lại độn thổ (mượn tiếng của Nhất Linh trong cuốn Đi Tây) đi xe điện ngầm đến Quảng trường Đỏ. Thành Kremlin rất quen thuộc, từ xa đã nhận ra màu nâu thẫm của các bức tường và các nóc tháp chuông của nó. Lại nhớ đến ông Nhất Linh, ngày xưa đến Pháp, bỗng thấy sao nước Pháp đối với mình quen thuộc quá, sau mới biết ra là do đã xem hình ảnh và đọc về nước này quá nhiều. Tôi nay cũng vậy, mười mấy năm trong trại cải tạo đã xem biết bao là số tạp chí Spounik và những họa báo khác của Xô Viết có in hình ảnh quảng trưởng Đỏ và điện Kremlin, hình ảnh những ngôi sao trên các ngọn tháp quen thuộc với tôi đến nỗi năm 1989 lần đầu tiên nhìn thấy Tháp Rùa ở Hà Nội với cái ngôi sao trên nóc là tôi có thể liên hệ liền với kiểu mẫu gốc ở đây. Nếu cái ngôi sao bé nhỏ trên cái Tháp Rùa bé nhỏ giữa Hà Nội bé nhỏ trông đầy vẻ tội nghiệp của một sự sao chép ngoan ngoãn rất thiếu ý thức về dân tộc cũng như thẩm mỹ, thì các ngôi sao trên các tháp chuông Kremlin ngày nay tôi thấy trái lại vẫn đầy vẻ ngạo nghễ, vẻ mỹ thuật cũng như sức mạnh của dân tộc Nga. Nó nói lên một thành tựu đã một thời có thật, trong khi ngôi sao của Hồ Gươm thì biểu lộ rõ rệt một tinh thần vừa nô lệ vừa kệch cỡm.
Để có ý niệm về những ngôi sao của điện Kremlin, xin trích một đoạn trong một bài viết của Lan Hương, một phụ nữ trí thức Việt Nam hiện đang sống tại Mạc Tư Khoa:
(Trích từ cuốn sách Nước Nga dưới mắt người Việt của Lan Hương, Tân Văn xuất bản).
Quảng trường Đỏ là một cái sân rộng mênh mông lát đá, nằm sát chân tường phía đông của điện Kremlin, chiều dài theo hướng bắc nam là 650 m, chiều rộng 130 m. Lưng chừng theo chiều dài và dựa vào bức tường là lăng Lê-Nin, nhìn từ xa là một khối đá vuông vức màu nâu đỏ, không hài hòa với quần thể kiến trúc cổ kính của toàn khu vực. Cái tên Quảng trường Đỏ, mà lại là trung tâm của nước Nga, dễ khiến cho nhiều người nghĩ rằng đây là tên một công trình xây dựng của chế độ cộng sản, nhưng thật ra không phải thế, về cả tên gọi lẫn kiến trúc, sử Nga lần đầu tiên nhắc đến quảng trường này vào năm 1434, lúc bấy giờ có tên là Chợ Lớn (đây chỉ là tên dịch từ tiếng Nga, không có liên quan gì đến Chợ Lớn China Town của Sài Gòn cả). Sau nhiều biến thiên, tên Quảng trường Đỏ đến giữa thế kỷ thứ 17 mới ra đời, và dĩ nhiên chẳng dính dáng gì đến chủ nghĩa cộng sản, tiếng Nga cổ “Đỏ” có nghĩa là Đẹp hoặc Chính yếu. Những viên đá của quảng trường này đã nhiều lần thấm máu người, vì nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh quan trọng của lịch sử Nga, như thế kỷ 17 chống đội quân của Ba Lan và Litva, thế kỷ 19 đánh nhau với quân của Napoléon, rồi cuộc nổi dậy của người Bôn-sê-vich năm 1917… Trong thế kỷ 20, những buổi lễ chính thức của Liên Bang Xô Viết đều diễn ra ở đây, phía trên lăng Lê-Nin người ta xây thành một khu lễ đài để các lãnh tụ cộng sản đứng duyệt binh. Nhưng trong chế độ Cộng sản, Quảng trường Đỏ cũng một phần nào biến thành một nghĩa địa, vì ngay saụ lưng lăng Lê-Nin, dọc theo chân bức tường, người ta chôn các lãnh tụ cộng sản của Liên Xô, như Stalin, Chernhenko, Andropov…, ngoài ra còn có hai ngôi mộ tập thể chôn những người Bôn-sê-vich bị thiệt mạng trong cuộc cách mạng tháng Mười 1917, và tro xương của những người được phong anh hùng Liên Xô khác được gắn trên tường điện Kremlin. Những người đứng đầu đảng và nhà nước duy vật cũng muốn trang trí cho chế độ bằng những cái chết, hoặc cụ thể hơn, những xác chết. Nhưng dân Nga hẳn không muốn biến quảng trường lịch sử của họ thành nơi phong thánh cho một đảng phái như thế, nên có lẽ sớm muộn các nấm mộ kia, kể cả mộ Lê-Nin, cũng phải được cải táng đi nơi khác.
Một đầu Quảng trường Đỏ là ngôi giáo đường Chính Thống giáo với một khối các tháp chuông tròn theo hình củ hành mà đầu nhọn chĩa lên trời, cái lớn cái nhỏ chen chúc nhau, nhìn xa như một bụi hành sai củ vừa được nhổ dưới đất lên. Hình ảnh này khác hẳn các giáo đường Thiên Chúa giáo La Mã, chỉ gồm một hoặc hai tháp chuông nhọn như hai mũi tên lao vút lên trời. Tôi chưa có dịp tìm hiểu lịch sử sự thành hình và cả sự li khai của Chính Thống giáo với giáo hội gốc Vatican, nhưng khi đứng đây, giữa Quảng trường Đỏ và đối diện với ngôi giáo đường vuông vức sừng sững một khối vững chắc này, tôi hiểu là việc ấy phải xảy ra vì cái cá tính Nga quá mạnh bao phủ nơi này mà tôi không thể nào không cảm nhận thấy.
Nếu một nhà văn công giáo người Nhật Bản, Endo Shusaku, mãi đến hậu bán thế kỷ 20 mới đặt vấn đề tại sao chỉ có một phần trăm dân Nhật theo đạo Công giáo, và cho nhân vật của mình, Đại Tân, một chủng sinh qua tận Pháp để được đào tại thành linh mục, phát biểu: Sẽ có ngày tôi trở về Nhật Bản. Tôi sẽ đào sâu suy tư về một Ky Tô giáo ứng hợp với tâm thức Nhật Bản, thì có lẽ đối với dân tộc Nga vấn đề như thế đã được đặt ra và giải quyết từ lâu rồi. Chính Thống giáo có lẽ là câu trả lời cho vấn nạn một Kitô giáo ứng hợp với-tâm thức Nga. Cá tính Nga đã đủ mạnh để tự lập ra một hình thái tôn giáo riêng cho mình, tuy vẫn không ra ngoài đức tin vào Chúa Trời. Đối với một du khách chưa có dịp tìm hiểu sâu về con người và đất nước Nga, chỉ cần đứng ở Quảng trường Đỏ nhìn quanh bốn bên, người ấy sẽ phần nào cảm thấy linh hồn, phong cách Nga, và nhận ra ngay rằng trong cái kiểu thức trầm, chắc, hơi nặng nề ở đây mà lại có một kiến trúc thanh thoát bay vút lên không trung thì rõ ràng là không thích hợp.
Trời mùa hè dù đã năm giờ chiều nắng hãy còn cao, chúng tôi lại lấy xe điện ngầm để đi thăm nhà thờ Đấng Cứu Thế, một ngôi nhà thờ lạ, vừa mới xây dựng xong nhưng lại đã có từ rất lâu, sự tái sinh của nó là cả một câu chuyện ly kỳ về sự sống dậy của Con Người.
Ngay sau khi đánh đuổi quân Pháp ra khỏi của nước Nga vào năm 1812, Nga hoàng Alexandre Đệ nhất đã quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ vĩ đại “để tạ ơn Đấng Cứu Thế”. Năm năm sau, công trình bắt đầu với một dự án rất đồ sộ, nhưng sau bảy năm thi công, người ta mới phát giác ra đó không phải là một dự án khả thi, mọi chuyện ngừng lại. Mãi đến năm 1839, 27 năm sau chiến tranh với Pháp, việc xây đại giáo đường để tạ ơn chiến thắng mới chính thức bắt đầu lại tại một địa điểm mới và với một ông vua mới là Nicolai Đệ nhất. Trong lễ đặt viên đá đầu tiên tổ chức ngày 10 tháng 9 năm 1839, người ta không quên chuyển đến viên đá đầu tiên do tiên vương đã đặt trong lần xây nhà thờ không thành mấy mươi năm trước. Bốn mươi bốn năm sau, vào năm 1883 nhà thờ được khánh thành, lại với một vị vua khác nữa là Alexandre Đệ tam. Từ đó, nhà thờ Đấng Cứu Thế đã trở thành ngôi Đại Giáo Đường chính của cả nước, và trở thành không chỉ là một trung tâm tôn giáo, mà còn là một công trình văn hóa, kiến trúc và lịch sử nổi tiếng của nước Nga.
Đại Giáo Đường Đấng Cứu Thế năm 1905
Đại Giáo Đường đang bị nổ mìn năm 1931
Nhưng một điều không ai có thể ngờ là một công trình lớn lao và có dính líu nhiều đến lịch sử nước Nga như Đại Giáo Đường Đấng Cứu Thế, cuối cùng đã bị chế độ Cộng sản phá hủy. Kể từ năm 1928 người ta đã chuẩn bị dư luận cho việc ấy, và đến ngày 5 tháng 12 năm 1931 công việc phá hủy được tiến hành: một công trình vĩ đại được xây dựng trong 40 năm chỉ trong phút chốc, sau một loạt mìn nổ, đã biến thành đống gạch vụn. Kế hoạch của nhà nước là sẽ xây một cái Cung Xô Viết trên nền cũ (hẳn là đàng hoàng to đẹp gấp mười ngày xưa, sách của đảng ta thì đâu cũng một kiểu nói nhưvậy). Năm 1937 Cung Xô Viết bắt đầu xây dựng với một dự án đồ sộ: đó sẽ là một kiến trúc vĩ đại chưa từng thấy với một bức tượng Lênin cao 75 thước, sẽ là nơi họp Đại hội đảng và các buổi họp quan trọng. Nhưng không hiểu vì nguyên do gì, móng cứ bị thấm nước mãi, xây cái gì lên cũng bị sập, rồi thế chiến hai xảy đến, người ta đành bỏ dở công trình. Và vĩnh viễn Cung Xô Viết không bao giờ xuất hiện trên cái nền của đại giáo đường Đấng Cứu Thế. Năm 1960 để che dấu vết tích của một sự thất bại xem ra rất có ý nghĩa của những kẻ vô thần, người ta xây một cái bể bơi ngay nơi ấy.
Ở Việt Nam cũng có rất nhiều công trình tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp, nhưng thâm ý là triệt hạ những dấu vết của một nền văn hóa xưa. Làng tôi, làng Đông Bàn ở khu Gò Nổi miệt bắc của tỉnh Quảng Nam, có một cái đình xưa mà trong trí nhớ của một đứa bé là tôi hồi năm 1947 trước khi rời làng đi tản cư, thì lớn lắm, lớn như… cái đình vậy. Vì trường làng ở ngay cạnh đình nên dưới bóng mát của hai cây đa to tướng trước cổng đình, tôi cùng lũ bạn thôn quê của tôi đã biết bao lần bày ra đủ các trò chơi đùa. Nhưng đến năm đình chiến về lại làng xưa thì đình chỉ còn trơ cái nền, và những hình ảnh cùng kỷ niệm của thời thơ ấu đi học trường làng không còn gì bấu víu, cũng chóng phôi pha đi theo bước chân của gã thiếu niên đi học tại những đô thị. Rồi cuộc chiến tranh thứ nhì bắt đầu, tôi xa làng cho mãi đến khi ra khỏi trại cải tạo mới lại “tìm đường về chốn cố hương” vào cuối thập niên 1980. Đêm ở làng tôi ngủ tại nhà ông chú trong họ, dưới ánh đèn dầu, chú tôi kể cho tôi nghe những đổi thay, trong đó có chuyện liên quan đến cái đình, hay đúng hơn đến địa điểm xưa kia đình làng tôi đã tọa lạc.
“Cháu ạ, bắt đầu từ năm bảy lăm chính quyền cách mạng cải cách nhiều thứ. Làm thủy lợi, tổ chức cày cấy theo hợp tác xã, họ còn khuyên dân làng phá bỏ lũy tre đi, vì ‘vài năm nữa toàn dân làm nhà ngói để ở, tre sẽ chẳng có việc gì dùng nữa,’ họ nói như thế. Và họ tổ chức một trại chăn nuôi tập thể – chăn nuôi kiểu này thì từ trước đến giờ làng mình chưa hề có – ngay trong khuôn viên của đình làng, dùng nền cũ của đình làm nền chuồng nuôi heo. Thời gian đầu phấn khởi lắm, đàn heo cả trăm con sởn sơ lớn như thổi. Nhưng một hôm heo bắt đầu bị bịnh, thoạt đầu tưởng bịnh thông thường không đáng kể, không ngờ lây lan nhanh chóng, rồi ngã ra chết. Chết hàng loạt, chẳng bao lâu chuồng trại trống trơn. Dân làng chưa kịp bàng hoàng thì thật ghê quá, người trông coi việc chăn nuôi vẫn ở luôn trong khuôn viên đình cũng ngã bịnh và cả chính quyền lẫn dân chúng không ai nói đến chuyện tiếp tục công việc chăn nuôi tại đó nữa, có tổ chức ra cũng không ai dám lãnh, chuồng trại bỏ hoang bao nhiêu năm rồi…”
Ông chú già của tôi không có kết luận gì về chuyện linh thiêng hay thần thánh, nhưng cái ngụ ý của ông khi kể thì thấy rất rõ. Ông là người chứng kiến biết bao việc tế tự cùng những sinh hoạt tinh thần của quê tôi ngày xưa tại chốn đình làng. Ông cũng biết rằng rất nhiều thế hệ tổ tiên của làng này từ ít nhất vài thế kỷ qua đã đến nghe giảng sách tại đây. Trong ký ức của ông, đó là một mảnh đất thiêng, nơi kết tụ những năng lực tinh thần ưu tú nhất của cộng đồng người Việt đến cư ngụ tại địa phương này, vào một lúc nào đó trên bước đường Nam tiến, ông thấy không có lý do gì để phải căm thù chưởi rủa quá khứ như thế cả, như ông vẫn thường được nghe nào là “lạc hậu” nào là “phản động.” Với ông, đình làng là nơi luôn luôn phảng phất cả một quá khứ mênh mông của tiền nhân, nơi đặt định cả một nề nếp sống cho dân làng hết đời này đến đời khác.
Câu chuyện phá hủy đại giáo đường Đấng Cứu Thế của cộng sản Nga tại Moscow đã làm tôi liên tưởng đến việc phá hủy đình làng tôi và bao công trình văn hóa khác do những “học trò trung thành và xuất sắc” của cộng sản Nga thực hiện trên nước Việt Nam. Việc phá hủy ngôi thánh đường mà không bao giờ xây được Cung Xô Viết để thay thế giống như một câu chuyện ngụ ngôn về khả năng phá hoại của người cộng sản: họ chẳng bao giờ xây dựng được gì. Nhưng cái bãi hoang mà họ đã gây ra thì thực khủng khiếp.
Đại Giáo Đường mới, xây xong vào năm 2000
Nhưng điều tôi không ngờ nhất là trong buổi chiều ấy tại Mạc Tư Khoa tôi đã đứng chiêm ngưỡng say sưa đúng ngôi giáo đường ấy, ngay tại địa điểm ấy, như là một ảo ảnh hiện về từ quá khứ. Đã bảy mươi năm từ khi nó đổ sụp dưới sức tàn phá của mìn, hay đúng hơn, sức tàn phá của hệ ý thức cộng sản, và nay trong ánh chiều hè năm 2000 nó đã lại được khôi phục y nguyên như trong ngày khánh thành năm 1883, với những mái tháp tròn giát vàng chói lên rực rỡ. Một kỳ công của dân tộc Nga. Chỉ mới vào tháng Giêng năm 1995, đại Giáo chủ Aleksey II và quan chức chính quyền Moscou lại đặt viên đá đầu tiên cho công việc xây dựng, mà tháng Bảy năm 2000 ngôi đại giáo đường đã sừng sững trước mắt tôi như một công trình kiến trúc và nghệ thuật tuyệt hảo. Tại sao bao nhiêu sức mạnh của một chế độ độc tài trong suốt hơn nửa thế kỷ không xây nổi một cái “cung” cho họ, mà dân Nga khi đã thoát ách cộng sản chỉ cần có năm năm đã tái tạo được một di sản quý giá của tiền nhân? Những kỳ công chỉ thực hiện được với niềm khát khao bắt nguồn từ sức mạnh tinh thần đích thực. Chủ nghĩa cộng sản đã từng tỏ ra rất mạnh, nhưng không bao giờ có được nguồn sức mạnh đích thực ấy. Họ mạnh bằng cách khêu gợi bản năng, khích động căm thù và một gọng kềm siết chặt, loại sức mạnh dã thú tạm bợ mà nhân tính không thể chịu đựng được lâu dài. Quá trình làm người diễn ra hàng triệu năm để con người đạt đến trình độ “người” như ngày nay, lý thuyết cộng sản trong một chớp mắt của lịch sử muốn hủy những thành tựu hàng triệu năm ấy đi thì thật là viển vông!
(Còn tiếp)

 (Kỳ 5)

Sau bữa ăn tối thuần món Nga do chị Inna khoản đãi tại nhà, chúng tôi vội ra ga để đáp chuyến tàu đêm khởi hành lúc 11 giờ đi Saint Petersburg. Ga Mạc Tư Khoa rất lớn, không có người địa phương như anh Cần hướng dẫn thì chúng tôi khó lòng đến đúng sân ga để lên tàu kịp giờ. Tôi chưa bao giờ thấy một chuyến tàu như thế: tất cả các toa đêu là toa phòng ngủ, mỗi phòng gồm bốn giường, được trang bị và săn sóc chăn nệm sạch sẽ chu đáo như một khách sạn. Ba chúng tôi chiếm riêng một phòng, thật tiện quá vì không có người lạ xen vào, tôi nghĩ đây có lẽ do một “biệt nhãn” của người thiếu phụ bán vé trưa nay dành cho chúng tôi.
Đúng là một khách sạn lưu động. Tàu vừa chuyển bánh đã có “người phục vụ” mang khẩu phần ăn đến, gồm mỗi người một hộp đựng bánh sandwich, bánh mì, bơ, sữa chua, các bao cà phê và trà, và những phụ tùng ăn uống linh tinh khác, xem ra khá ngon lành và tươm tất. Đó là bữa ăn điểm tâm cho sáng hôm sau, nhưng trong đêm trường khách trằn trọc đói bụng khó ngủ thì dùng làm bữa ăn khuya cũng được lắm. Đầu mỗi toa có máy cung cấp nước sôi, bất cứ lúc nào cũng có thể pha trà hay cà phê.
Khác với những chuyến tàu bình thường luôn luôn sinh động vì các sinh hoạt của hành khách, cái khách sạn lưu động này dường như chìm ngay vào giấc ngủ sau khi rời ga. Các phòng đóng cửa kín, hành lang vắng ngắt không ai đứng nhìn phong cảnh bên ngoài. Người ta lên tàu này là ngủ ngay một giấc để sáng hôm sau xuống ga Saint Petersburg chứ không làm việc gì khác. Tàu đêm. Tôi nhớ lại những chuyến tàu đêm Sài Gòn – Nha Trang ngày xưa khi chưa có chiến tranh ở miền Nam cũng vui lắm chứ không quá im lìm như ở đây, dù là đi couchette người ta có thể lang thang xuống các hạng nhất, hạng nhì, hạng ba để… nhìn hành khách (nhiều khi do đó mà có những gặp gỡ rất là “kỳ ngộ”), hoặc đặc biệt vào toa hàng ăn sang trọng dành cho các hạng trên để ăn hay uống cà phê vào đêm khuya cũng là một cái thú vô song. Mỗi bàn ăn có một cái đèn mờ mờ, một bình hoa tươi, và nhà bếp có thể cung câp thức ăn nóng bất cứ lúc nào, thức ăn được nấu nướng thực sự của nhà hàng tây chứ không phải kiểu mì gói hay bánh mì sandwich, tạo cho khách một cảm tưởng thụ hưởng rất thư nhàn, cho chuyến đi thêm nhiều thi vị. Tàu đêm. Biết bao kỷ niệm của một thời trẻ tuổi khi còn được sống trong một đất nước bình yên. Hình ảnh những ga xép trong ánh đèn vàng vọt vụt qua như từ một trang tiểu thuyết, những bờ biển huyền ảo dưới ánh trăng, hoặc làng xóm yên ngủ nơi xa xa… Những chuyến về quê ăn tết, về quê nghỉ hè với tâm trạng rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui…
Tôi muốn tìm lại một chút cảm giác xưa trên con tàu lạ, bèn đi tìm toa restaurant. Tìm thấy, nhưng nhà hàng không bán. Một vài người phục phụ nằm ngủ khoèo trên ghế, trông buồn tênh, vắng ngắt. Tất cả đều ngủ, đây là một thế giới ngủ, trong tiếng xình xịch bất tận của con tàu chạy nhanh. Nhưng tôi không ngủ được. Đây chỉ mới là đêm thứ hai của tôi trên đất Nga, cơ thể còn chưa điều chỉnh kịp giờ giấc mới, lại thêm những cảm xúc quá dồi dào trong một ngày vừa qua. Tôi thức trong cái thế giới ngủ di động này, nhớ nghĩ mông lung về những ngày xưa, về những người bạn nay không còn, và về những xứ sở tôi sắp sửa đến trong chuyến đi này, Praha, Berlin, Paris, Lausanne…, về những người quen hay không quen tôi sẽ gặp, những cuộc gặp gỡ sẽ đến. Hai người bạn cùng phòng của tôi đã ngủ yên. Tôi ngồi dậy lặng lẽ nhìn qua cửa sổ, bỗng nhận ra một điều lạ mà khi nãy trong toa chưa tắt đèn tôi không thấy, đó là ngoài trời rất sáng, sáng đến độ tôi không thể gọi đó là đêm. Tôi có thể nhìn thấy cảnh vật bên ngoài như trong một đêm trăng sáng nhất, mặc dù đêm đó không có trăng. Nhưng ánh sáng ấy không giống ánh trăng, nó trắng nhờ nhờ như sữa loãng bao phủ khắp nơi. Đêm trắng! Tôi nhớ ra anh Cần có nói hiện tượng đêm trắng vào tháng Sáu vừa qua tại St Petersburg. Bây giờ mới đầu tháng Bảy, chắc hiện tượng ấy chưa dứt hẳn, mặc dù đêm sáng nhất thì đã qua rồi. Thân thể với bộ thần kinh tỉnh queo của tôi đang trôi đi trong một màu trắng đục trên một vùng đất cho đến nay đối với tôi hoàn toàn xa lạ.
Cung điện Mùa Đông
Chuyến tàu đêm từ Moscow đến St Petersburg lúc tám giờ sáng. Thật là vừa vặn cho một đêm đi couchette: ngủ một giấc đầy đủ, sáng dậy có thì giờ làm vệ sinh, rồi điểm tâm, cà phê cà pháo xong xuôi là tàu vừa tới ga. Ra khỏi cửa ga, chúng tôi đụng đầu ngay với một dãy dài những người bán hàng: họ đứng trên sân ga rộng, đối diện với cửa ra, rất trật tự theo một hình vòng cung, mỗi người cầm trên tay món hàng chào khách, như áo quần, khăn choàng, vải vóc… Tôi đi thong thả trước hàng dàn chào ấy như đi duyệt hàng quân danh dự đón tôi đến thành phố này, giữa người bán và người xem đều có nỗi phấn chấn vui vẻ của buổi sớm mai, trao nhau những nụ cười dễ chịu, dù ngôn ngữ chẳng hiểu nhau.
Anh Cần có người con gái út ở thành phố này, từ mấy hôm trước anh đã gọi điện thoại cho con nhờ giữ hộ phòng nơi một cái khách sạn gần nhà, vì thế từ ga chúng tôi kêu tắc xi về thẳng nhà Hằng. Đường phố cũ kỹ, nhiều nơi còn có cả ổ gà đọng từng vũng nước mưa từ đêm trước. Người tài xế tắc xi già, giống như đường sá ở đây, vừa lái xe vừa than vãn về nỗi nhọc mệt phải lao động ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi. “Thời buổi đảo lộn hết, đã về hưu rồi mà không tiếp tục cày thì không biết lấy gì mà sống…” Đây là một người đang gặp khó khăn và bất mãn với các thay đổi của đất nước Nga. Nhưng khi anh Cần hỏi ông có mơ ước trở lại chế độ cộng sản không, thì ông ta trả lời ngay: “Không, không bao giờ.” Tuy phải cực khổ trong cơn giao thời nhưng có lẽ ông ta cảm thấy cái tự do mà ông ta đang hưởng là cái “được” quá lớn lao trước kia ông không thể nào mơ tới.
Mấy con đường ổ gà đã khiến tôi liên tưởng đến sự kiện thành phố này là một cố đô, thường là một nơi bị quên lãng. Tiếng cố đô tạo một cảm giác buồn buồn. Một thời vàng son đã qua, thành quách và con người sống với cái bóng của dĩ vãng nhiều hơn là sự rực rỡ của hiện tại và hứa hẹn về tương lai. Từ một điểm cao nhìn xuống, cố đô Saint Petersburg với con sông Neva chảy qua trông phảng phất như kinh thành Huế. Dĩ nhiên đó chỉ là một cái nhìn rất tổng quát, từ xa, các chi tiết mờ nhạt đủ để làm niềm vương vấn cũ phủ lên cây cối, nhà cửa, sông nước… đủ để gợi nên cái khí vị chung của đất đế đô xưa, dù ở tại những nơi khác nhau trên thế giới.
Huế của chúng ta từ lâu cũng là cố đô, nhưng trước 1975 vẫn là một thành phố có sức sống và nhất là luôn luôn giữ được cái phong cách quý phái của mình, cả thành phố, nhà giàu cũng như nhà nghèo, đều có một vẻ sạch sẽ phong quang, cả con sông, hàng cây, cái cầu cho đến đồi núi đều tươm tất trong một hài hòa mỹ thuật. Huế đẹp và thơ là nhờ tâm hồn và cách sống tĩnh tại của người dân tại đây, đã được đào luyện trong nếp sống vương giả một cách thanh đạm trong khoảng một trăm năm mươi năm nơi đây chính thức là kinh đô cho cả nước. Nhưng khi tôi trở lại Huế vào năm 1989 trong một hình hài tơi tả sau mười mấy năm tù đày thì ngạc nhiên thấy Huế còn tơi tả hơn cả tôi. Một thành phố rách rưới, xuống cấp, bạc nhược, một nơi xinh đẹp nề nếp ở một trình độ cao là thế mà nay trở thành quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh. Một thứ văn hóa thấp kém, ô trược từ bên kia bờ Bến Hải tràn vào đã thay thế vẻ thanh tao thuở xưa. Buổi chiều nắng chang chang tôi ngao ngán nhìn mấy con bò đang gặm cỏ trên những bãi cỏ nay đã xơ xác tiêu điều đầy phân trâu bò bên bờ sông Hương chỗ gần cầu Tràng Tiền, thấy thấm thía cái tai hại của công việc phá hoại trong một bản năng u tối. Bất cứ điểm văn minh nào con người xây dựng được – cho dù rất cỏn con, như tạo một vườn cỏ xanh tươi cắt xén ngay ngắn bên bờ sông – cũng phải qua một quá trình dài trưởng thành để vươn đến cái hoàn bị, sự sống lành mạnh của mỗi thế hệ không gì khác hơn là cố giữ vững những thành tựu cũ để xây dựng nên những cái mới. Tạo ra một mớ ảo tưởng về một cái mới bánh vẽ để phá hoại không nương tay những thành tựu cũ chính là việc tự sát văn hóa, mà Huế cuối thập niên 80 đã phơi bày dưới mắt tôi như một nạn nhân thảm thương.
Từ việc thăm cố đô này mà lại nhớ đến cố đô kia. Đó chỉ là một chút lãng mạn do lòng hoài cựu. Dù sao cố đô Saint Petersburg cũng đã một thời đổi thành tên Leningrad, và sự thôi thúc của một đời sống thay đổi toàn diện cũng đã tạo cho thành phố này một nội dung khác, ít ra cũng tích cực hơn là một chốn cố đô hắt hiu những vang bóng một thời. Từ bao thập niên Leningrad vẫn là thành phố thứ nhì của Liên Bang Xô Viết sau Moscow. Ga xe lửa rộn rịp, mạng xe điện ngầm tối tân tấp nập, phố xá tràn ngập người vẫn là dấu hiệu của một đời sống tích cực, bên cạnh các đền đài xưa cũ lúc nào cũng đông khách đến thăm. Về điểm cái cũ và cái mới cùng tồn tại cạnh nhau, Saint Petersburg phần nào giống Paris. Có sự tương đồng trong kiến trúc, trong nghệ thuật, nhưng nếu những lâu đài và dấu tích lịch sử của Paris đã được giữ gìn và bảo trì liên tục suốt lịch sử của nó để trình diện khách thập phương trong một niềm hãnh diện bình thường như nó vẫn có từ hồi nào đến giờ thì tại đây, St Petersburg, có nhiều dấu hiệu ngỡ ngàng của tình trạng mới được phục chế. Phục chế con người, phục chế ý thức về văn hóa, phục chế chính các cơ sở kiến trúc quý giá đã một thời gian dài bị bỏ bê khi rẻ. Bắt đầu làm lại một nếp sinh hoạt truyền thống cũ thì sao khỏi sự gượng gạo, nhưng đó là điều bắt buộc để học lại cách sống đời thường sau bảy mươi năm dân tộc này bị dắt rẽ đi vào một lối đi khác với con đường nhân loại vẫn đi từ khi nó có mặt trên dương gian.
Nga hoàng Peter Đại đế đã xây dựng St Petersburg vào năm 1703, đến năm 1712 thành phố này chính thức trở thành kinh đô của nước Nga và giữ vị trí đầu não ấy mãi đến khi cuộc cách mạng vô sản thành công. Những người cộng sản thiên đô về Mạc Tư Khoa từ năm 1918, và đổi luôn tên St Petersburg thành Leningrad – thành phố mang tên Lenin, lãnh tụ cộng sản Nga thời bấy giờ. Nếu ngôi sao trên tháp Rùa Hà Nội một thời đã là bản sao một cách nghèo nàn tội nghiệp các ngôi sao trên đỉnh tháp tại công trường Đỏ, thì sự đổi tên Sài Gòn ra thành phố Hồ Chí Minh lại là một kiểu nhái theo đàn anh một cách chẳng ngượng ngùng của cộng sản Việt Nam, những người tự cho mình là học trò trung thành và xuất sắc của cộng sản Nga. Nhưng khi cái đầu não tạo ra tinh thần nô lệ ấy đã bị đập nát tại chính quốc, thì cái tên cũ Saint Petersburg đã ngay lập tức được phục hồi để thay thế tên Leningrad, biểu tượng cho sự lầm lẫn điên rồ gớm ghiếc nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Trong khi đó thì tại Việt Nam khuynh hướng chung trong dân chúng thích dùng tên cũ Sài Gòn hơn là tên mới, và thảng hoặc nếu có dùng thi người ta tự động loại bỏ bớt phần sau, chỉ gọi gọn lỏn là “thành phố” thôi, nên tuy đó là “thành phố mang tên bác” nhưng tên bác chỉ được hiểu ngầm.
St Petersburg là một thành phố đẹp mang nhiều nét cổ kính hùng tráng. Trải hơn hai trăm năm là kinh đô của vương triều một đế quốc Nga hùng mạnh, thành phố này mang trong nó nét huy hoàng và lớn lao riêng biệt. Con sông Neva chảy qua chứa đầy sức sống chứ không hiền dịu ẻo lả như sông Hương. Sông rộng, nước đầy ắp soi bóng những đền đài cung điện hai bên bờ. Sống ở miền Nam California bán sa mạc không có sông, tất cả nguồn nước sinh hoạt, kể cả để tưới cây – trong vườn, trong công viên hay những loại “cây dại” ven các xa lộ – đều dùng nguồn nước dẫn từ xa về, tôi vẫn luôn luôn mang một cảm giác “cằn cỗi” nơi chính mình và môi trường quanh mình. Một lần đi Washington DC, nhắm nhìn sông nước và nhất là cây cối bên đó, khi quay về miền Little Saigon của tôi, ngay khi chưa chạm mặt đất tôi đã cảm thấy chạm với sự khô cằn rồi. Đâu phải là vùng này thiếu cây cối, công viên đầy cây, ven đường đầy cây, nhưng khi đã ngắm nhìn những tàn cây xanh mướt lá ánh lên sự óng ả của vùng đất thủ đô rồi thì cây ở Quận Cam chỉ như “vạt tóc nâu khô” xơ xác so với mái tóc dày, mịn, mềm mại và sáng rực sức sống của vùng miền Đông kia. Nên khi đối diện với con sông Neva mênh mông đầy ắp nước đang thong thả tuôn ra biển Baltic cách đó không xa, lòng tôi nổi lên một nỗi rạo rực mê đắm như bắt gặp nguồn cội của sự tràn đầy, thênh thang. Tôi không hiểu gì về khoa phong thủy, nhưng khi đã đi qua những nơi như thành phố Hoa Thịnh Đốn hay St Petersburg thì cảm thấy được vì sao người ta chọn những nơi ấy để làm kinh đô cho những nước lớn như Hoa Kỳ hay Nga. Ngoài yếu tố vị trí và lịch sử, đó phải là nơi mà đất và nước tương tác nâng đỡ nhau để làm một tổng thể hài hòa phì nhiêu tươi nhuận. Kinh đô một nước phải là nơi đủ tiềm năng để đại diện và cưu mang linh hồn lẫn thể xác của quốc gia dân tộc đó, một điều khó lý giải một cách rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận qua sự độ lượng, vững vàng và phong phú của đất và nước một vùng. Một nơi như Hollywood – cũng ở vùng Nam California – chỉ có thể làm kinh đô điện ảnh, một loại kỹ nghệ sản xuất tổng hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, chứ chắc không ai nghĩ vùng đồi trọc thiếu nước ấy lại có thể là thủ đô của nước Mỹ được.
Cung Điện Mùa Đông nằm trên hữu ngạn sông Neva, nay là viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Hermitage. Thực ra Hermitage đã có mặt tại đây từ năm 1764 do nữ hoàng Catherine sáng lập như là một phòng sưu tập tranh riêng của mình, chỉ chiếm một phần nhỏ của cung điện. Dưới triều vua Nicolas I, Hermitage được tái thiết và mở rộng, biến thành một bảo tàng dành cho công chúng, vào năm 1852. Nhưng từ sau năm 1917, cả Cung Điện Mùa Đông trở thành bảo tàng, sau khi quân Bôn-sê-vích xông vào bắt tất cả thành phần chính phủ Nga hoàng đang làm việc tại đây.
Đây là bảo tàng nghệ thuật vào loại rất lớn, chiếm hầu hết các phòng của cung điện. Tính chất vương giả của kiến trúc triều đình xưa còn lưu lại rất rõ nét trên từng cái phù điêu, trên những cái cầu thang lên lầu uốn cong một cách tráng lệ, và phòng ốc cao vút, thênh thang, ở đây trưng bày rất nhiều danh họa của Tây Âu từ thời Trung cổ cho đến hiện đại, về điểm này thì Hermitage ở St Petersburg cũng không khác gì mấy với Louvre ở Paris. Nhưng các tác giả Nga cũng nhiều, và đặc biệt có cả mảng nghệ thuật của vùng Trung Á mà chúng ta ít khi được thấy ở những nơi khác.
Cây cột đá nguyên khối trong sân Cung điện Mùa Đông
Nhưng những tác phẩm bằng đá của Nga mới là cái thực sự làm cho tôi kinh ngạc và xúc động. Những công trình và nghệ phẩm bằng đá của Nga rất nhiều, hoặc lớn lao hoành tráng, hoặc tinh xảo lạ lùng, với các màu sắc đẹp chưa từng thấy. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ là trong thiên nhiên có chế tạo sẵn các loại màu sắc đẹp lạ như vậy, và đá lại có thể là một tặng phẩm đầy tình tứ đến thế của tạo hóa trao cho con người. Tôi biết chắc ngôn ngữ của tôi không đủ sức để mô tả các màu sắc trên các loại đá ở Nga, chỉ biết tán thán là nó phong phú và rực rỡ như từ một thế giới thần thoại bước vào thế giới loài người. Màu sắc được lai tạo của hoa tulip bên Hòa Lan đã là lạ, có thể coi là kỳ quan cho nhãn giới của con người, nhưng đó là loại màu sắc phô diễn sớm nở tối tàn, trong khi tiếng nói màu sắc của đá thì vừa rực rỡ vừa thâm trầm hùng tráng một cách vĩnh cữu. Trong cuộc tiến hóa hàng triệu triệu năm của quả đất, sự pha chế nên những khối đá và màu sắc của chúng có lẽ đã diễn ra âm thầm và đầy tình cờ, thiên niên kỷ này thêm chất A, trăm ngàn năm khác do một đột biến nào đó lại có chất B trộn vào, rồi nhiệt độ khi lên khi xuống khiến cho hình thù và sắc màu trở nên thiên biến vạn hóa. Nhưng tất cả muôn ngàn biến hóa đó đều diễn ra trong câm lặng và tối tăm, trong một nguyên khối im lìm ôm chặt. Chỉ khi có bàn tay của con người nhúng vào thì hình dáng và màu sắc mới mở ra. Giống như lịch sử của trái đất hay vũ trụ này: không có sự hiện diện của con người thì đâu có gì? Không Thượng Đế, không Ngọc Hoàng, không Thiên Tào Bắc Đẩu, không thiện không ác, không cả thế giới hữu hình lẫn vô hình… tất cả đều xuất hiện với con người và đều là sản phẩm của con người. Chưa có con người với nhân tính dần dần thành hình qua một quá trình rất dài thì tất cả đều là mù tối, giống như muôn màu sắc tuyệt diệu nằm im lìm hàng triệu năm giữa lòng trái núi đá.
Nhưng mà người Nga đã mó vào đá, và đã hóa phép ra vô số kỳ công. Sao đất nước này lại có lắm thứ tài nguyên đặc biệt này đến thế? Vừa cứng vừa nặng vừa kềnh càng, phải đổ bao nhiêu công sức ra mới thưởng thức được cái phẩm cách ẩn giấu khó khăn của nó. Bạn có đứng bên cạnh cây cột đá cao vút nguyên khối trên sân của Cung Điện Mùa Đông bạn mới bàng hoàng tự hỏi làm sao “cắt” nguyên một khối đá to lớn như thế từ trong núi, rồi gọt đẽo, rồi vận chuyển qua bao đường bộ đường sông để đem về đây nguyên vẹn dựng lên đứng sừng sững như muốn nhờ khối đá nói hộ cho một loại ý chí của con người. Bạn có đối diện với những vách ốp đủ loại đá màu sắc hài hòa, những bình, những vại, mâm bồng với đường kính từ một đến hai ba mét bằng đá khổng tước, bích ngọc, lam ngọc, hoàng ngọc… những bức khảm đá, những cây cột đá mỗi cây một màu vây tròn lấy các tháp gác chuông… bạn sẽ có cảm giác không chỉ đối diện một bức tranh hài hòa với màu sắc hoàn toàn thiên nhiên, mà còn có cảm tưởng như đang nghe, vâng nghe rất rõ, một khúc giao hưởng vang lừng kỳ bí phát ra nơi từng phiến đá, những tiếng vi vu vang âm vẳng đến từ hàng triệu năm tồn tại. Đá là loại vật liệu nguyên chất xưa cũ nhất, chỉ đá mới có thể cho chúng ta nghe về quá khứ mịt mù thẳm sâu của quê hương quả đất này. Hãy lắng nghe, thì sẽ nghe được tiếng nói đó của một thứ quá khứ khó tưởng tượng nổi, nó dài hơn lịch sử của loài người nhiều, khi đứng chiêm nghiệm trước một khối đá đã được con người phả vào một linh hồn, và từ đó, một ngôn ngữ.
Chỉ sau khi đi thăm Hermitage và nhà thờ Saint Isaac tại đất cố đô này tôi mới có dịp khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới lạ đối với tôi: đó là đá của người Nga. Phải nói rằng người Nga rất thích đá, dĩ nhiên là đá quý, nhất là tầng lớp quý tộc và trí thức thì hình như thật sự có nỗi đam mê cái đẹp vừa ẩn tàng, vừa hiển lộ này. Đây là cái đẹp đòi hỏi phải có sự tham dự tối đa của bàn tay con người, vừa phải có sức mạnh, sự khéo léo, và cả nghệ thuật nữa, mới làm bộc lộ ra được. Giống như triển lãm hoa, hằng năm có nhiều cuộc triển lãm đá ở Nga, thu hút rất đông người đến xem. Nước này có rất nhiều loại ngọc và đá quý, từ kim cương, hồng ngọc, bích ngọc, cương ngọc (corundum)… cho đến khổng tước thạch (malachi), mã não thạch (agat), lam bảo thạch (còn gọi lam ngọc – saphia) v.v… Những loại đá thông dụng như đá hoa cương (granit), cẩm thạch (marbre) v.v… đa dạng, đủ các màu sắc với các loại vân kỳ ảo thì nhiều vô số kể. Vùng núi Ural là nơi tập trung đủ loại đá quý, còn ở vùng Baltic thì hổ phách rất nhiều, thậm chí có khi sau một lần biển động, người ta ra bờ biển, nếu may mắn có thể nhặt những tảng, những hòn hổ phách lớn do sóng đẩy vào bờ. Đi mua đồ kỷ niệm ở Nga, bạn nên lưu ý đến những vòng đeo cổ cho phụ nữ kết bằng đá, màu sắc và hình dáng phong phú một cách không ngờ, nhưng đó chỉ là những dạng thu nhỏ cái phong phú vô cùng mênh mông về đá quý của xứ này. Tôi nhớ trong Hermitage có một phòng trang trí toàn bằng đá Khổng tước (màu lông công), óng ánh, huyền ảo như có một bầy công đang phùng xòe đuôi và cánh ra mà đón tiếp mình. Anh Cần kể cho tôi ở Hoàng Thôn, tức Làng Vua (một địa điểm trong vùng phụ cận St Petersburg), trong một cung điện có một phòng Hổ phách (chắc là đá ốp và vật dụng trong phòng toàn bằng hổ phách) rất nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi quân phát xít Đức đã cướp nguyên cả phòng mang về Đức, nhưng rồi nó biến mất luôn, sau chiến tranh người Nga ra sức truy tầm mà không hề thấy dấu vết. Ngày nay trong thời kỳ hậu cộng sản, chính quyền và dân chúng Nga đang cố gắng phục chế lại phòng hổ phách quốc bảo lộng lẫy và lừng lẫy một thời. Nhiều nhà kinh doanh Nga, và cả các cá nhân và tổ chức ở Đức cũng đã đóng tiền giúp cho công cuộc phục chế này.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen