Seite auswählen

Sau 10 năm thương thảo giữa Việt Nam và Âu châu, cân nhắc các khía cạnh pháp lý và giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn, vào ngày 12.02.2020 vừa qua, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng, EVFTA, hiệp định thương mại tự do đã được được Nghị viện Liên Âu chính thức thông qua. Quyết định này đã gây chia rẽ sâu sắc không những giữa những nhà đấu tranh cho nhân quyền, tự do trong nước và  người Việt chống cộng tại hải ngoại mà còn giữa những đảng phái chính trị, dân biểu tại quốc hội Âu châu.

Iuliu Winkler , vị dân biểu người Rumani thuộc đảng cánh hữu Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đã bỏ phiếu thuận cho rằng thương mại dựa trên luật lệ có lợi hơn trong việc nâng cao các tiêu chuẩn nhân quyền của EU ở quốc gia Đông Nam Á này hơn là không có luật cũng chẳng có giao thương…

Một trong số 192 người bỏ phiếu chống là bà Phó chủ tịch Nghị viện Heidi Hautala, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan thì có quan điểm ngược lại: „Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị, nhưng vẫn chỉ nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền. Một mặt, Việt Nam đã cải thiện luật lao động, nhưng đồng thời luật hình sự củaViệt Nam ngăn cản việc thực thi hiệu quả các quyền này. Khi tán thành Hiệp ước, Nghị viện Âu châu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng các đòi hỏi phát triển bền vững, nhân quyền và xã hội dân sự độc lập thực sự được đáp ứng. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không cung cấp những đảm bảo này…“

Được biết Đảng Xanh và nhóm cánh tả GUE tại quốc hội Âu châu vào đầu tuần đã yêu cầu hoãn lại cuộc bỏ phiếu nhưng không thành công (đề nghị này được 121 phiếu thuận, 231 phiếu chống, 12 vắng mặt).

Tính đến ngày 10.02., tổng cộng có 68 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã cùng ký vào một tuyên bố chung kêu gọi các nghị sĩ của Quốc hội châu Âu (EP) không phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên hiệp châu Âu (EU) với Việt Nam (EVFTA), vì tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn “đáng lo ngại.” Cách đây 1 tuần, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cùng 27 tổ chức NGO khác cũng có một thư ngỏ kêu gọi EP không thông qua hiệp định trước khi Hà Nội cải thiện nhân quyền. 

 EVFTA rất quan trọng với cả EU và cộng sản Việt Nam. EU hy vọng hiệp định sẽ cho phép củng cố vị thế của khối này tại thị trường Việt Nam, quốc gia có trên 95 triệu dân trong khi EU là thị trường xuất cảng lớn của Việt Nam. Giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều đạt gần 48 tỉ euro mỗi năm, thêm vào đó là 4 tỉ dịch vụ. Do đó chúng ta có thể hiểu được vì sao đa số dân biểu đã đồng bỏ phiếu ủng hộ cho hiệp định này. Câu nói „đồng tiền thì không dơ bẩn và không cần có lương tâm“ đúng hơn lúc nào hết!

Về phía trong nước, ngoài đảng cộng sản hiện đang cầm quyền cũng có nhiều người (mặc dù) đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền nhưng lại ủng hộ và vui mừng khi hiệp định thương mại được thông qua.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên Facebook cá nhân bày tỏ, Liên Âu phê chuẩn với số phiếu cao đã cho thấy: Thế lực muốn phá EVFTA trong ĐCSVN đã thất bại!  Ông tin rằng, khi EVFTA được thông qua sẽ có những ràng buộc nhân quyền nhiều hơn, và EVFTA sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Trung cộng.

Luật sư Lê Công Định cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng  EVFTA và EVIPA sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung cộng, nhờ đó từng bước giải thoát vận mệnh dân tộc khỏi chiếc vòng kim cô mà Trung Cộng đang gắn trên đầu đảng cầm quyền hiện nay.(Lê Công Định)

Riêng tại Âu châu, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Chính Trị Âu châu (CĐNVTNCT-ÂC) từ nhiều tháng qua đã nỗ lực vận động, viết kiến nghị thư, gửi tài liệu vi phạm nhân quyền, luật lao động của Việt Nam đến các vị dân biểu quốc hội Âu châu (tổng cộng hơn 700 vị) để yêu cầu không thông qua hiệp định. CĐNVTNCT-ÂC đã biểu tình tại Brüssel (Bỉ) khi uỷ ban INTA họp khuyến nghị việc biểu quyết  hiệp định và đây cũng là tổ chức người Việt duy nhất có mặt biểu tình tại Straßburg (Pháp) ngày 11.02.2020 bên ngoài trụ sở nghị viện và đồng thời có mặt bên trong chứng kiến cuộc tranh luận quyết liệt và nảy lửa, không khoan nhượng  giữa các đảng phái và dân biểu thuộc quốc hội Âu châu.

„Hơn 4 triệu đảng viên Cộng sản phải „vật vã“ , tìm mưu hèn, kế bẩn, và gian manh kéo dài hơn 10 năm, mới có được sơ bộ cuộc ký kết, thỏa ước EVFTA này. Chúng ta chỉ làm việc, góp sức vài tháng mà đã giành được những thắng lợi: 232/ 401 phiếu trắng và chống. Buộc Cộng sản Hà Nội phải tuân thủ những căn bản trong nhiều điều, khoản của Hiệp ước. Đồng thời, chúng sẽ còn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Liên hiệp Âu châu và các thành viên trong tổ chức CĐNVTNCT Âu châu. Thắng lợi bước đầu, không làm chúng ta kiêu căng. Khó khăn do khách quan không thể cản ngăn chúng ta lùi bước. Cuộc tranh đấu vì sự thật và công lý, chính nghĩa nhất định thắng độc tài Cộng sản…“. (Lê Trần Tỉnh – Tổng thư ký CĐNVTNCT-ÂC)

Người Việt hải ngoại đã làm hết sức mình, bây giờ (đến lượt ai) phải làm gì nữa?  Thiết nghĩ bây giờ đã đến lúc người Việt quốc nội phải cùng hành động, nhất là những người tin tưởng vào hiệu ứng tốt đẹp, đầy triển vọng của hiệp định (như Ts Nguyễn Quang A). Ai cũng biết, nhà cầm quyền Hà Nội luôn tận dụng những kẽ hở luật lệ trong các vấn đề mang tính cách chiến lược của quốc tế nhằm đảm bảo quyền lợi lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy bị ràng buộc về những điều khoản nhân quyền, luật lao động trong hiệp định nhưng bọn chúng sẽ cố tình câu giờ, luồn lách trong việc cải thiện, thực thi nhân quyền và dân quyền.

Thật sự không sai khi nói rằng, vận mệnh quốc gia, sự thay đổi của đất nước, sự tồn vong của đảng và chế độ cộng sản ở Việt Nam giờ nằm trong tay các tổ chức, đảng phái chính trị và người dân Việt Nam.

„Nhưng vận mệnh của một quốc gia, muốn lớn mạnh, không thể chờ đợi vào các gợi ý từ bên ngoài. Bao giờ các sức ép không chỉ đến từ các đối tác mà còn phải đến từ dân“. (Huy Đức)

Theo quan điểm lạc quan của luật sư Nguyễn văn Đài thì khi Hiệp định tự do thương mại song phương EVFTA giữa Việt Nam và EU được các bên phê chuẩn và có hiệu lực thi hành sẽ mở ra một tiến trình để xóa bỏ chế độ độc đảng cộng sản tại Việt Nam. Vấn đề là các tổ chức, đảng phái chính trị của người Việt ở trong và ngoài nước nắm bắt cơ hội như thế nào để vận động và tổ chức cho Nhân dân đứng lên đấu tranh xóa bỏ chế độ cộng sản.(Nguyễn văn Đài)

Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh tại Canada thì kết luận nhẹ nhàng hơn:  “người dân Việt Nam cần phải sáng suốt là bằng cách nào chúng ta có thể lợi dụng được hiệp ước này để tạo được không gian chính trị, xã hội được rộng mở hơn và để cho Nhà nước Việt Nam tôn trọng những quyền cơ bản của người dân nhiều hơn.”…

Ông Nguyễn Đắc Kiên cũng đưa ra quan điểm rất rõ ràng: „Cũng như Trung Hoa đại lục, dân tộc Việt Nam phải thay đổi. Nhưng chính thể Việt Nam sẽ không tự thay đổi. Những hiệp định như EVFTA hay CPTPP v.v… cùng lắm chỉ có thể tạo ra lực kéo, lực tác động bổ trợ bên ngoài, muốn buộc chính thể Việt Nam hiện nay phải thay đổi, không thể dựa vào đâu khác ngoài chính nội lực của quốc dân Việt Nam. Chính người dân Việt Nam phải là người thúc đẩy và lèo lái quá trình thay đổi này.“(Nguyễn Đắc Kiên)

Viết thư ngỏ, kiến nghị gửi khắp các cơ quan nhà nước, lên tiếng phản đối suông trên mạng, trả lời, phát biểu ý kiến qua các phương tiện truyền thông quốc tế…: Những cách đó không còn hữu hiệu và thực tế nữa. Thông qua thương mại với Âu châu sẽ có nhiều cơ quan, phái đoàn từ Âu châu trực tiếp làm việc với/tại  Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho những tổ chức dân sự Việt Nam và các cá nhân đấu tranh có trình độ vận động thành lập các tổ chức tư vấn pháp luật cho công nhân, cho các hãng xưởng về luật lao động, nghiệp đoàn đồng thời tiếp tay các cơ quan hữu trách của EU giám sát việc thi hành các Hiệp định thương mại tự do tại Việt Nam, đặc biệt là những cam kết của nhà nước csVN trong việc thực thi nhân quyền.

Đó là những công việc chúng ta (người dân) phải làm hiện nay; nếu còn muốn thấy một đất nước Việt Nam tự do, hùng cường.

Người Munich (14.02.2020)

Phái đoàn Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Chính Trị Âu châu do bác sĩ Nguyễn Quốc Nam biểu dương trước trụ sở quốc hội Âu châu tại Straßburg trong ngày biểu quyết về EVFTA (11.02.2020).

Phóng sự về sự kiện QH ÂC phê chuẩn EVFTA tại Straßburg (Strasbourg):

RFA: https://www.youtube.com/watch?v=5FM9hex0uOQ

SBTN: https://www.youtube.com/watch?v=gVwYx79RKJg

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen