Seite auswählen

LHQ cảnh báo Việt Nam về việc trấn áp mạng xã hội trong dịch Covid-19

Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR).

Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR).

Hôm 3/6, Liên Hiệp Quốc lên tiếng báo động về trình trạng vi phạm quyền tự do biểu đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và  Trung cộng.

Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), cho biết trong một thông cáo rằng các quốc gia này đã gia tăng việc bắt bớ người dân một cách tùy tiện khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch, với cáo buộc là loan truyền “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội.

“Kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhà chức trách ở Việt Nam loan báo có hơn 600 người dùng Facebook đã bị triệu tập, thẩm vấn liên quan đến việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và nhiều bài viết đã bị xóa”, thông cáo viết.

Văn phòng OHCHR cho biết thêm rằng tính đến thời điểm này, có ít nhất 2 người ở Việt Nam bị tuyên án hay khởi tố hình sự với mức án 9 tháng tù giam và phạt hành chính hơn 1.000 đôla vì đăng tải thông tin bị cho là “sai lệch” về dịch Covid-19.

Mã Phùng Ngọc Phú tại phiên tòa ngày 11/05/2020. Photo VietnamNet

Mã Phùng Ngọc Phú tại phiên tòa ngày 11/05/2020. Photo VietnamNet

Trước đó, truyền thông Việt Nam cho biết vào ngày 11/5, một toà án ở Cần Thơ đã tuyên phạt 9 tháng tù đối với Mã Phùng Ngọc Phú, 28 tuổi, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, vì đã đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết “xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, nhà nước và thông tin sai lệch” về dịch Covid-19.

Tương tự, vào ngày 19/4, Công an tỉnh Hậu Giang đã bắt giam bà Đinh Thị Thu Thủy, 38 tuổi, với cáo buộc lợi dụng dịch Covid-19 để “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Trong khi đó, Bộ Công an Việt Nam cho rằng: “Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh”.

Thêm hai người bị bắt vì ‘chống nhà nước’ trên Facebook

LHQ ghi nhận tại  Trung cộng có hơn một chục trường hợp chuyên gia y tế, học giả và công dân bình thường dường như đã bị giam giữ, và trong một số trường hợp bị buộc tội, vì công bố quan điểm của họ hoặc chia sẻ thông tin khác với quan điểm của nhà nước về tình hình Covid -19, hoặc những người lên tiếng chỉ trích phản ứng của Chính phủ về sự bùng phát của dịch bệnh.

Thông cáo của LHQ viết: “Trong thời điểm khó khăn do đại dịch gây ra, các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và công chúng phải được phép bày tỏ ý kiến về chủ đề cực kỳ trọng yếu này đối của lợi ích công chúng.”

VOA (04.06.2020)

Tình trạng đàn áp tự do ngôn luận đáng báo động trong mùa dịch COVID-19

Hình minh hoạ. Từ trái sang: Nhà văn Phạm Thành, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt trong tháng 4 và tháng 5, năm 2020.

Từ trái sang: Nhà văn Phạm Thành, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt trong tháng 4 và tháng 5, năm 2020.Photo: RFA

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), bày tỏ lo ngại trước tình trạng đáng báo động về đàn áp tự do ngôn luận ở các khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, trong mùa dịch COVID-19.

Theo thông cáo báo chí của LHQ phát đi ngày 3 tháng 6, trong mùa đại dịch COVID-19, bà Bachelet cho biết đã chứng kiến sự kiểm duyệt thông tin chặt chẽ hơn ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng việc bắt giam người dân khi họ lên tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch với cáo buộc cho việc loan truyền thông tin sai lệch thông qua báo chị và mạng xã hội.

Cụ thể, các báo cáo từ nhà chức trách ở Việt Nam cho thấy đã triệu tập hơn 600 người dùng Facebook vì các bài đăng trực tuyến thông tin về dịch bệnh COVID-19. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và bị đề nghị xóa bài viết. Tính đến thời điểm này, có ít nhất 2 người bị tuyên án hình sự vì đăng thông tin bị cho là sai lệch về dịch COVID-19 với mức án 9 tháng tù giam và phạt hành chính hơn 1,000 USD.

Thông cáo của LHQ nêu những lo ngại về mức độ nghiêm trọng trong việc đàn áp thông tin và việc tuyên án đối với các trường hợp liên quan đến quyền thực hiện tự do ngôn luận trực tuyến và ở đời thực.

Bà Michelle Bachelet kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy để cho dân nước mình như các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà hoạt động và người dân nói chung được tự do bày tỏ ý kiến về các chủ đề quan trọng đối với lợi ích công cộng.

RFA (03.06.2020)

Việt Nam: Hàng chục ngàn hội đoàn mà vẫn không giúp xã hội cởi mở

Võ Ngọc Ánh

Bản quyền hình ảnhMANAN VATSYAYANA/GETTY IMAGESImage captionHọc sinh Việt Nam tại một trường trung học tại Hà Nội hôm 26/5

Việt Nam đang có hàng chục ngàn hội khác nhau trong sự chi phối của các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước. Trong khi người dân không dễ để thành lập hội theo mong muốn của mình. Đây là vấn đề đến lúc cần một giải pháp.

Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có độ mở chỉ sau Singapore. Nhưng về mặt xã hội, Đảng Cộng sản vẫn muốn kiểm soát mọi việc.

Học hỏi từ chính mình

Ngày 16/4 vừa rồi, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng, Bộ Tư Pháp thông báo, luật về hội sẽ không được đưa ra thảo luận trong năm nay và cả năm đến. Chính quyền đã nợ người dân luật này từ hiến pháp đầu tiên của họ từ năm 1946 đến nay.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị vào năm 1982.

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đang áp dụng, quy định, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định“.

Tuy nhiên, người dân vẫn không được tự do lập hội vì chưa có luật. Nhà cầm quyền cố tình nợ, đồng nghĩa với người dân bị cướp đi quyền lợi chính đáng của mình.

Tôi không nghĩ là hiện nay Việt Nam không có khả năng để soạn thảo luật này theo tiêu chuẩn tiến bộ. Lý do chính nằm ở chỗ, đảng Cộng sản lo sợ khi có luật sẽ thách thức sự độc quyền chi phối xã hội của bộ máy cầm quyền hiện nay.

Thế nhưng ta cần thấy Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, trở thành một nước có thu nhập trung bình nhờ bỏ cách nhà nước trói buộc, kiểm soát, chi phối mọi hoạt động kinh tế. Sự cởi mở trong quản lý giúp kinh tế Việt Nam phát triển trong hơn 30 năm qua. Mức tăng trưởng của nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ mở ở lĩnh vực này của chính quyền Việt Nam.

Việt Nam nên học hỏi chính mình từ việc mở cửa kinh tế để áp dụng mở cửa các lĩnh vực xã hội. Tạo điều kiện trên khung pháp luật cho người dân được quyền tham gia vào các hoạt động của cuộc sống, quản lý quốc gia. Mà trong đó luật về hội là vô cùng cần thiết.

Hội thực thụ sẽ giúp cân bằng quyền lợi

Việc người dân được phép lập hội độc lập tạo sự cân bằng quyền lợi, quyền lực giữa người dân với nhà nước, đảm bảo sự phát triển hài hòa của quốc gia.

Có luật về hội tiến bộ sẽ phá bỏ sự độc quyền của các hội được thành lập bởi nhà nước như hiện nay. Người dân được quyền chọn lựa tham gia vào hội thích hợp với mục đích, nguyện vọng của họ.

Vì chưa có luật, nên hội nào có tính cạnh tranh với các hội được thành lập bởi nhà nước, phản biện lại nhà cầm quyền phải hoạt động ngoài luật pháp, không được thừa nhận. Người dân không có sự tự do chọn lựa trong việc thành lập, tham gia vào hội, hoặc tổ chức thích hợp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chẳng hạn, Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất của người lao động được phép hoạt động, có tổ chức từ trung ương đến cơ quan, công ty… Tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong nhiều năm qua, chưa có cuộc biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động, phúc lợi nào được tổ chức này phát động. Dù đa số các cuộc phản đối, biểu tình của công nhân sau đó đều cho thấy sự cần thiết, buộc bên sử dụng lao động phải đồng ý cải thiện toàn bộ, hoặc một phần.

Điều này cũng đúng tất cả các hội đang được chính quyền ưu ái, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Sinh viên, Hội Nhà báo, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em…

Đôi khi, các tổ chức hội, hiệp hội này được tham vấn trong các chính sách của chính quyền. Tuy nhiên, họ thường không thể phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của đối tượng mình đại diện, nhưng lại thỏa hiệp, phục vụ, trả ơn cho ý chí của đảng cộng sản.

Chính bởi sự độc quyền của các tổ chức mang danh dân sự, thực chất là cơ quan ngoại vi của giới cầm quyền dẫn đến các tổ chức này hoạt động không hiệu quả. Dù nhân sự, trụ sở, tiền bạc của các tổ chức này trong điều kiện Việt Nam không nhỏ.

Do đó, các tổ chức hội đang có, bị nhà nước chi phối có chức năng như một cơ quan trang trí hơn hoạt động thực tiễn. Kiểm soát hơn đảm bảo cho quyền lợi của đối tượng hướng đến.

Hội là ‘bãi đáp’ của cựu quan chức

Tờ trình dự án luật về hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, tháng 10/2015 cho thấy: “Đến cuối năm 2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động trên cả nước và 52.082 địa phương). Con số các hội hoạt động trên toàn quốc vào năm 1986 có 30 hội, năm 1990 có 100 hội, năm 2002 có 240 hội. Những năm gần đây mỗi năm có khoảng trên 10 hội, hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc được cấp phép thành lập”.

Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (viết tắt, Liên hiệp hội) hiện nay có 142 hội thành viên, 79 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tại các tỉnh, thành.

Một thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam là Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2019, có 48 hội thành viên, với gần 58 ngàn gần hội viên. Số lượng hội thành viên thuộc các liên hiệp hội tỉnh, thành thường không khác nhau nhiều.

Nghị định 45/2010/NĐ-CP đang quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội từ trung ương, đến địa phương, nhưng trên thực tế để có phép thành lập được hội, hiệp hội thường phải dựa vào các mối quan hệ cá nhân.

Bởi thế, hồi tháng 11/2019, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải than, “90% thứ trưởng của bộ này trước khi về hưu đều xin thành lập hội, hoặc hiệp hội và xung phong làm chủ tịch”.

Trước đó, năm 2016, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói lên thực tế, “Thứ trưởng cứ về hưu là xin thành lập hội, làm chủ tịch, rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả biên chế“.

Vì chưa có luật nên để thành lập được hội thường phải trực thuộc một cơ quan của nhà nước, phải có đơn vị chủ quản, dựa vào các mối quan hệ cá nhân. Vì thế những hội có tên gọi, hoạt động phản biện độc lập với chính quyền sẽ không dễ được thành lập.

Do đó, ở Việt Nam không khó để thành lập được Hiệp hội Bất động sản; Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ; hoặc về chính sách Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư; Hội Trí thức; Hiệp hội Nhà vệ sinh… Tuy nhiên, chính quyền sẽ không cho phép thành thành lập hội dân oan, hội nhân dân đấu tranh chống tham nhũng…

Bản quyền hình ảnhTED ALJIBE/GETTY IMAGESImage captionHai nữ lực sĩ Việt Nam (trái) trong cuộc chạy đua tại Manila, Philippines 12/2019

Việc Hội Nhà báo Độc Lập thành lập vào năm 2014, không cần sự cấp phép, lên tiếng nói phản biện độc lập, thách thức quyền lực… đã trở thành cái gai trong mắt của chính quyền. Dẫn đến trang web hoạt động của hội này liên tục bị đánh phá. Phó chủ tịch hội này nhà báo Nguyễn Tường Thụy, bị bắt giam ngày 23/5 vừa rồi. Sáu tháng trước, chủ tịch của hội này, nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đã bị bắt.

Ngoài những hội được cấp ngân sách trực tiếp bởi cơ quan chủ quản Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em… Nhiều hội hoạt động được qua sự chia việc từ cơ quan nhà nước có liên quan, hoặc phân việc để làm đầy hồ sơ trước khi trình ký duyệt, ban hành.

Từ năm 2014 – 2019, Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh cùng các hội thành viên trực thuộc đã tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho 638 dự án về lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải… tại địa bàn. Đây cũng là cách làm của các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp hội các tỉnh, thành để có kinh phí.

Theo tôi, chất lượng khoa học, chuyên môn trong các tư vấn, phản biện kiểu này thường không cao. Bởi họ không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu sâu hơn, hoặc phản biện quá căng để lần sau không được giao. Tôi đã từng tham dự nhiều hội đồng tư vấn, phản biện kiểu này để cảm nhận được điều đó.

Liên hiệp hội Việt Nam có chức năng tập hội đội ngũ trí thức, được giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tuy nhiên, ‘lớp sơn’ tôn trọng, đề cao kiến thức, chuyên môn qua việc cho thành lập các hội, thu hút nhiều hội viên không che được mục đích thật sự của nhà cầm quyền muốn kiểm soát trí thức. Mục đích sau cùng, kiểm soát trí thức lên tiếng nói phản biện độc lập khi các vị này đã về hưu.

Việc chậm trễ trong việc có luật về hội, gây khó khăn trong việc thành lập các hội độc lập chính quyền Việt Nam vẫn đang độc quyền trong cả xã hội dân sự.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Võ Ngọc Ánh, sinh năm 1978 ở Quảng Nam, hiện đang sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

BBC (04.06.2020)

Việt Nam: Giải quốc tế cho NXB Tự Do ‘không chịu kiểm duyệt’

Bản quyền hình ảnhNXB TỰ DOImage captionCác ấn phẩm của NXB Tự Do chủ yếu về chính trị, xã hội và luật pháp.

Hiệp hội Xuất bản Quốc tế đã trao giải thưởng Prix Voltaire năm 2020 cho Nhà xuất bản Tự Do, tổ chức ‘không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam’.

Đây là giải thưởng nhằm thúc đẩy tự do xuất bản trên thế giới, đặc biệt là hoạt động xuất bản trong điều kiện bị kiểm duyệt và đe dọa.

Do dịch Covid-19 cũng như việc nhiều người được trao giải nằm trong danh sách cấm xuất ngoại của các quốc gia, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) đã tổ chức công bố trực tuyến vào hôm 3/6.

Trong phần giới thiệu, IPA cho biết Nhà xuất bản Tự Do ra đời “như là một thách thức trực tiếp đối với chính sách kiểm soát ngành xuất bản của chính phủ và nhằm đưa các tác phẩm phi hư cấu của các tác giả bất đồng chính kiến đến người đọc tại nước này“.

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngay sau lễ trao giải, đại diện NXB Tự do, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang nói: “Giải thưởng là sự động viên tinh thần to lớn lúc này, khi phong trào dân chủ trong nước cũng như ở Mỹ, Hong Kong hay trên thế giới đang bị đe dọa. Cá nhân tôi cảm thấy vui, tự hào vì trước giờ phong trào dân chủ ở Việt Nam cũng có nhiều giải thưởng nhưng đa phần là giải cá nhân, chưa có giải thưởng tập thể mang tầm quốc tế”.

Mạng lưới blogger Việt Nam có đạt giải thưởng nhưng là của người Việt hải ngoại. Năm 2011, nhà thơ Bùi Chát cũng nhận được giải thưởngtừ IPA nhưng với tư cách cá nhân và khi đó chưa có phong trào xã hội dân sự Việt Nam. Cho nên đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho một tập thể từ khi phong trào xã hội dân sự nổi lên ở Việt Nam”, bà Trang lý giải.

Bản quyền hình ảnhNXB TỰ DOImage captionNhà báo, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang cũng là người phát ngôn của NXB Tự do cùng ấn phẩm Chính trị bình dân do NXB Tự Do phát hành

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Tự Do, nhà xuất bản này liên tục bị sách nhiễu dưới nhiều hình thức.

Trang Facebook bị xóa, website bị tấn công, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa, những người giao sách cho nhà xuất bản bị bắt, thẩm vấn.

“Đối với Nhà xuất bản Tự Do, giải thưởng này là tưởng thưởng của nỗ lực, can đảm của mọi người từ khi thành lập. Trong suốt thời gian đó, các thành viên chưa có một phút nào bình yên, phải sống triền miên trong tình trạng căng thẳng. Tất cả mọi người đều chịu đựng rất nhiều. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục sứ mệnh là nâng cao dân trí, chiến đấu vì quyền tự do xuất bản, quyền được đọc của người Việt Nam.”, bà Đoan Trang cho hay.

Nhà xuất bản Tự Do được thành lập vào ngày 14/2/2019, là nhà xuất bản độc lập hoạt động tại Việt Nam. Với tinh thần “tự do thông tin, lan tỏa tri thức”, hoạt động chính của Nhà xuất bản Tự Do là xuất bản các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt, định hướng từ phía nhà nước.

Tháng 12 năm 2019, báo Công an Nhân dân có bài nói: “Tổ chức gọi là “Nhà xuất bản Tự do” vi phạm tất cả các quy định trên của pháp luật Việt Nam. Đây thực chất là công cụ, tổ chức của nhóm hoạt động đội lốt “xã hội dân sự”.”

Bản quyền hình ảnhNXB TỰ DOImage captionÔng Martin Patzelt, một nghị sỹ Đức đang đọc sách của Nhà xuất bản Tự Do.

Hiệp hội Xuất bản Quốc tế là một tổ chức quốc tế chuyên về xuất bản sách và báo chí có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ, được thành lập năm 1896 với hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền xuất bản. Giải thưởng Prix Voltaire nhằm tôn vinh hoạt động xuất bản tự do, một phần quan trọng của tự do ngôn luận.

Các ứng viên được đề cử giải Prix Voltaire thường xuất bản tác phẩm gây tranh cãi bất chấp áp lực, đe dọa, sách nhiễu từ chính phủ hoặc các nhóm lợi ích tư nhân. Ứng cử viên cũng có thể là nhà xuất bản có hoạt động nổi bật trong việc duy trì các giá trị tự do để thực hiện xuất bản và tự do ngôn luận.

“Nhà xuất bản là một cá nhân, tập thể hoặc tổ chức cung cấp cho người khác phương tiện để chia sẻ ý tưởng của họ dưới dạng văn bản, bao gồm cả thông qua nền tảng kỹ thuật số”, IPA định nghĩa.

Giải năm nay được trao kèm với tiền thưởng 10.000 Franc Thụy Sĩ (khoảng 242 triệu đồng).

Được đề cử giải Prix Voltaire 2020 còn có NXB Avesta Yayinlari (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Chong Ton Sin, NXB Gerakbudaya/SIRD (Malaysia) và NXB Maktaba-e-Daniyal (Pakistan).

BBC (03.06.2020)

Ai bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực tại Việt Nam?

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/06/image-2.jpg

Đe dọa, khủng bố nhà báo

Phóng viên Nguyễn Vương của Báo VTC News, thường trú tại Huế, vào hôm 1/6 cho biết nhận cuộc gọi điện thoại từ ông Hồ Văn Hải, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thiên An. Ông Hải đã đe doạ phóng viên Nguyễn Vương do viết bài phản ánh việc công ty làm lễ khởi công dự án sân golf khi chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý được phê duyệt. Trong cùng ngày 1/6, Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông thôn Ngày nay ở Hải Phòng, bà Vũ Thị Hải gửi đơn đến công an địa phương và các cơ quan báo chí phản ánh bị kẻ xấu khủng bố bằng cách đổ chất bẩn vào nhà rạng sáng ngày 31/5. Bà Vũ Thị Hải cho rằng việc làm này của kẻ lạ mặt nhằm mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần, cản trở tác nghiệp báo chí của mình, vì thời gian gần đây bà và đồng nghiệp đã viết các bài phản ánh tiêu cực, sai trái ở một số đơn vị tại địa phương.

Đài RFA ghi nhận đây là hai vụ việc mới nhất được truyền thông quốc nội loan tin. Trong năm 2019, vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung hồi cuối tháng 9 gây chú ý dư luận trong và ngoài nước. Nhà báo Kiều Đình Liệu bị nhóm 3 thanh niên đánh tại một quán cà phê đến mức phải nhập viện, sau khi ông phát hiện hai xe ô tô chở gỗ hộp lớn và đã gọi điện cho Hạt trưởng cùng Hạt phó Hạt kiểm lâm Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để thông báo sự vụ. Mặc dù, ngay sau vụ việc này xảy ra, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo báo chí thúc giục giới chức Việt Nam phải tìm và trừng phạt những kẻ đã hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu; đồng thời mặc dù Công an thành phố Pleiku được nói là nhanh chóng vào cuộc điều tra nhưng cho đến nay vẫn chưa có công bố nào đến với công luận liên quan vụ việc được điều tra đến đâu.

Bên cạnh đó, hai vụ nhà báo bị thiệt mạng mà không rõ nguyên nhân là nhà báo Tôn Phúc của Tạp chí Dạy và Học Ngày nay và nhà báo Hải Đường của Báo Pháp luật TP.HCM cũng chưa được cơ quan chức năng thông báo về kết quả điều tra. Nhà báo Tôn Phúc được phát hiện chết, khi thi thể của ông được thấy trôi dạt gần khu vực bến phà Cát Lái, ở quận 2, TP.HCM vào tháng 8/2019. Còn nhà báo Hải Đường được tìm thấy xác trên sông Hồng hồi tháng 6/2018.

Từ Đà Nẵng, nhà báo Lê Hải lên tiếng với RFA về những vụ việc như vừa nêu xảy ra cho giới phóng viên, nhà báo tại Việt Nam: “Thật ra việc đó ở Việt Nam là chuyện bình thường, chuyện xảy ra hàng ngày. Bây giờ người bảo vệ quan trọng nhất là người có tiền.”

“Thế lực ngầm” khống chế truyền thông trung thực

Về cái chết của nữ nhà báo Hải Đường, Đài RFA từng được người trong giới xã hội cho biết là do doanh nghiệp gây ra và đút tiền cho chính quyền để làm ém nhẹm vụ việc, xác định nạn nhân chết là do ngạt nước và không phải điều tra. Nhà báo Lê Hải nêu dẫn chứng về những thế lực khống chế truyền thông ở Việt Nam là những doanh nghiệp, là những nhóm lợi ích mà ông gọi là “người có tiền” có thể định đoạt số phận của nhà báo và thậm chí cả các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam. 

“Ví dụ như vừa rồi Báo Phụ nữ TP.HCM đưa tin về Tập đoàn Sun Group thì sau đó bị Bộ Thông tin-Truyền thông phạt 55 triệu và đình bản báo online 1 tháng. Dư luận cho rằng khi bài báo ra đời thì Tập đoàn Sun Group hoàn toàn không có ý kiến gì phản đối hết. Nếu như nói sai thì dứt khoát họ phải lên tiếng rồi, thậm chí họ kiện. Nhưng mà họ không kiện. Vậy lý do gì mà Bộ Thông tin-Truyền thông lại phạt? Việc này không theo một kiểu gì hết.” 

Từ Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Ngọc Già tiếp lời liên quan vụ việc Báo Phụ nữ TP.HCM: “Câu chuyện của Tòa soạn Báo Phụ nữ TP.HCM vừa rồi bị đình bản và bị phạt tiền vì đã dám động chạm đến Tập đoàn Sun Group thì nó vẽ lên cảnh chung của những người làm báo hiện nay ở một tình thế có thể nói rằng xã hội không còn phân biệt về lẽ phải, về đạo đức mà nó chỉ quan tâm đến tình trạng đó là sự thắng thua trên mặt trận thông tin truyền thông.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh giới lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam thao túng truyền thông, đặc biệt vào những dịp trước thềm Đại hội Đảng nhằm mục đích đấu đá quyền lực và lợi ích. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định tình hình của giới làm báo tại Việt Nam càng ngày càng tội tệ và trở nên càng nguy hiểm hơn: 

“Báo chí của Việt Nam không tuân theo chuẩn mực của báo chí quốc tế. Thứ hai là không có luật pháp và thứ ba là bị chính trị hóa trầm trọng để phục vụ cho sự đấu đá của nội bộ người Cộng sản Việt Nam, chứ cũng không phải phục vụ cho chế độ nữa. Bởi vì báo chí phục vụ cho chế độc độc đảng toàn trị thì nó cũng còn một chuẩn mực tối thiểu. Hiện nay báo chí bị dẫn đến một tình trạng hỗn loạn, hỗn mang và có thể nói là tình trạng hỗn độn. Người ta không biết một cái lề nào hết. Hồi trước còn gọi là ‘lề trái’, ‘lề phải’. Còn bây giờ coi như những nhà báo còn lương tri thì cảm thấy bế tắc và như là đi vào trong rừng rậm mà không có lối ra trong nghề làm báo.”

Nhà báo được bảo vệ bởi ai?

Nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút của tờ Thoibao.de ở Đức từng phải trình báo với Sở Cảnh sát Berlin về việc ông bị dọa giết do đưa tin Chính quyền Việt Nam đứng phía sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về nước hồi năm 2018. Nhà báo Lê Trung Khoa cho RFA biết sau khi làm việc với phía Cảnh sát Đức thì ông được thông báo biện pháp bảo vệ cá nhân ông được nâng lên. Còn tại Việt Nam, nhà báo Đỗ Cao Cường, từng bị dọa giết do đưa tin không qua kiểm duyệt về các vấn đề ô nhiễm môi trường, khẳng định nhà báo cất tiếng nói trung thực, phản ánh tiêu cực xã hội thì gọi nôm na là “một mình chống mafia”: 

“Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy.”

Hồi tháng 2 năm nay, gia đình ký giả Lê Hà, chủ kênh Tiếng Dân Tivi, một kênh Youtube độc lập lên tiếng đòi quyền lợi cho người dân, bị truy sát khiến mẹ và vợ ông phải nhập viện điều trị. Vào tối ngày 2/6, Đài RFA liên lạc với ký giả Lê Hà để hỏi thăm thông tin về diễn tiến vụ việc vừa nêu và được ông cho biết: “Tiến trình vụ án đó thì cơ quan điều tra của Công an tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành các bước tố tụng theo quy định. Sắp tới đây chuẩn bị thực nghiệm điều tra để làm theo các bước tố tụng đó. Đối với gia đình của Lê Hà thì cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện tiến trình đúng quy định.” 

Ký giả Lê Hà chia sẻ rằng tuy vụ việc gia đình ông bị truy sát được công an điều tra đúng quy định nhưng ông không thể phủ nhận tình trạng các nhà báo kể cả làm việc trong cơ quan báo chí quốc doanh hay nhà báo độc lập đều không được bảo vệ. Thậm chí, theo quan điểm cá nhân ông thì Chính quyền Việt Nam đã không tôn trọng và thực thi theo pháp luật và Hiến pháp Việt Nam lẫn những điều quy định về báo chí của Liên Hiệp Quốc trong việc bắt giữ và cầm tù giới cầm bút, như mới nhất là bắt giữ nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành và nhà báo Nguyễn Tường Thụy.

Những nhà báo cất lên tiếng nói trung thực ở Việt Nam, đất nước bị xếp vào vị trí thấp trong bảng tự do truyền thông thế giới, cùng khẳng định rằng dù bị đe dọa, hành hung, bắt bớ, tù đày thì họ vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một nhà báo, như nhà báo Đỗ Cao Cường khẳng khái tuyên bố rằng “Giết tôi rồi hãy bắt tôi im lặng!”.

RFA (03.04.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen