Seite auswählen

Der Spiegel

Dịch giả: Phạm Vũ Mai

13-6-2020

Kinh tế gia nổi tiếng người Mỹ, Nouriel Roubini (1), không tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng. Ông cho rằng thực trạng tồi tệ sẽ tạo ra một mùa hè của những cuộc biểu tình ở Mỹ và năm tháng khó khăn ở châu Âu.

Tạp chí DER SPIEGEL: Thưa ông Roubini, đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu phải suy sụp, hàng triệu người phải mất việc làm. Cuộc khủng hoảng này có nghiêm trọng như cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 hay không?

Kinh tế gia Roubini: Cuộc suy thoái lần này thậm chí còn kinh khủng hơn thời đó. Phải mất nhiều năm, kể từ năm 1929, toàn bộ cuộc khủng hoảng mới hiện rõ rệt. So với ngày nay, cuộc suy thoái hiện tại giống như một thảm họa diễn ra chậm rãi. Nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ trong vài tuần và chỉ riêng ở Mỹ, hơn 40 triệu người thất nghiệp. Nhiều người tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng, nhưng đó là một lời ngụy biện.

Tạp chí DER SPIEGEL: Ông không tin vào sự phục hồi kinh tế hình chữ V với các gói kích thích kinh tế khổng lồ hay sao? Chẳng phải 2,5 triệu việc làm mới đã được tạo ra ở Mỹ vào tháng Năm.

Kinh tế gia Roubini: Tất nhiên, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Nhưng nó sẽ không phải là thực tế, mà là một ảo tưởng. Nền kinh tế đã giảm mạnh đến mức sự phục hồi nhẹ là lẽ đương nhiên. Nhưng điều đó không thể bù đắp cho toàn bộ cuộc khủng hoảng. Ngay cả vào cuối năm 2021, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ ở dưới mức đầu năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì ở mức 16% hoặc 17% – trong cuộc khủng hoảng tài chính 1930s thì tỉ lệ này chỉ 10%. Việc làm mới trong tháng 5 chỉ là 2,4 triệu sau khi 42 triệu người đã mất việc trong vài tháng qua. Và tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hơn nhiều so với thống kê chính thức.

Tạp chí DER SPIEGEL: Thị trường chứng khoán rõ ràng nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác, khi các cổ phiếu đã giao dịch ở mức tương tự đầu năm.

Kinh tế gia Roubini: Thị trường chứng khoán đang tự lừa mình. Các nhà đầu tư đang cược sẽ có các gói kích thích kinh tế lớn hơn và cuộc phục hồi kinh tế hình chữ V. Nhưng đối với người Mỹ, điều đó không có ý nghĩa gì.

Tạp chí DER SPIEGEL: Từ khi nào người Mỹ không quan tâm đến thị trường chứng khoán?

Kinh tế gia Roubini: Trên Phố Wall, các tập đoàn lớn đặt ra quy luật, đặc biệt là các ngân hàng và tập đoàn công nghệ. Họ sẽ sống sót qua cuộc khủng hoảng vì chính phủ sẽ không bao giờ để họ phải phá sản. Họ sẽ sa thải công nhân, cắt giảm chi phí và cuối cùng, họ sẽ kiểm soát thị trường thậm chí nhiều hơn trước. Nhưng những gì chúng ta gọi là “Main Street”, cụ thể là các công ty vừa và nhỏ, không thể làm điều đó. Họ vừa phá sản. Tôi ước tính rằng mỗi nhà hàng thứ hai ở thành phố New York sẽ phải đóng cửa, nhưng McDonald, sẽ tồn tại. Nhưng đó không phải là tất cả.

Tạp chí DER SPIEGEL: Còn gì nữa không?

Kinh tế gia Roubini: 10% người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ 80% tài sản thị trường chứng khoán, trong khi 75% không sở hữu cổ phiếu nào cả. Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang, 40% người Mỹ không có 400 đô la tiền mặt để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp. Chúng ta đang trải qua trường hợp khẩn cấp ngay bây giờ. Cơ chế suy đồi và mọi người đang xuống đường vì nó.

Tạp chí DER SPIEGEL: Ý của ông là các cuộc biểu tình sau khi cảnh sát giết chết ông George Floyd cũng có yếu tố xã hội?

Kinh tế gia Roubini: Tất nhiên rồi! Trong khu vực tôi sống, Bowery ở Lower Manhattan, ba phần tư số người biểu tình là người da trắng. Nhiều người trong số họ còn trẻ và sinh sống ở đô thị, thuộc tầng lớp Precariat vốn đang thay thế tầng lớp lao động truyền thống, còn được gọi là “giai cấp vô sản,” ở các nền kinh tế dịch vụ tiên tiến. “Precariat” bao gồm các công nhân tạm thời, dịch giả tự do, những người làm việc theo giờ, nhà thầu – mặc dù họ thường có bằng đại học. Những người thường xuyên không có công việc toàn thời gian sẽ không nhận được trợ cấp của chính phủ sau ba tháng. Những người này sau đó sẽ không có khả năng trả tiền thuê nhà, thanh toán hóa đơn, và điện và nước sẽ bị cắt. Đó sẽ là một mùa hè dài, nóng đối với họ.

Tạp chí DER SPIEGEL: Điều đó phải chăng sẽ làm giảm đáng kể cơ hội tái đắc cử của Donald Trump?

Kinh tế gia Roubini: Đúng vậy. Nhưng Joe Biden sẽ phải giành chiến thắng với một khoản cách lớn để Donald Trump tự mình rời khỏi Nhà Trắng. Nhưng tôi dự đoán rằng, đó không phải là điều sẽ xảy ra. Hoặc là Trump sẽ vừa đủ số phiếu để giữ chức tổng thống, mặc dù sự ủng hộ của tầng lớp lao động da trắng với ông ta đang suy yếu dần. Hoặc Trump sẽ thua bởi số phiếu rất sít sao, nhưng sẽ không chấp nhận kết quả.

Tạp chí DER SPEGEL: Và ông thật sự tin rằng Trump sẽ tự nhốt mình trong Nhà Trắng?

Kinh tế gia Roubini: Tất nhiên rồi. Trump không nhờ Tòa án Tối cao, như Al Gore, để đếm lại số phiếu nếu kết quả ở một số quận không cách xa nhau là mấy. Ông Trump sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc, Nga, người da đen, hoặc người nhập cư và hành động như một kẻ độc tài của một nước cộng hòa chuối (banana republic). Ông Trump sẽ kêu gọi những người ủng hộ mình dùng vũ trang – có đủ những kẻ phát xít vũ trang da trắng như thế. Ông Trump cũng sẽ thường xuyên nhắc nhở họ Tu chính án Thứ 2 (Second Amendment) – cho phép người Mỹ sở hữu vũ khí.

Tạp chí DER SPIEGEL: Đó sẽ là một kịch bản nghiệt ngã. Trump cũng có thể sẽ đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang về sự phát triển kinh tế. Ông ta muốn thấy Fed hạ lãi suất thấp hơn nữa.

Kinh tế gia Roubini: FED đã làm tất cả những điều mà họ không phải làm. FED đã cứu các ngân hàng, nhà đầu tư, quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài sản bằng cách bơm tiền vào thị trường. Đó là đúng đắn trong ngắn hạn nhằm tránh giảm phát. Nhưng nợ công hiện cao đến mức chính phủ và các công ty chỉ có thể tự tái cấp vốn khi lãi suất ở mức cực thấp. FED phải bảo đảm điều đó bằng cách mua trái phiếu và do đó tăng giá và giảm lãi suất. Về lâu dài, FED sẽ không thoát ra khỏi chuỗi hành động này. FED đang ở trong tình trạng tương tự như tất cả các ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới.

Tạp chí DER SPIEGEL: Ý của ông là các ngân hàng trung ương đã mất tính độc lập?

Kinh tế gia Roubini: Hoàn toàn đúng. Hãy xem: Vào tháng 12 năm 2018, Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang FED là Jerome Powell tuyên bố rằng ông sẽ tăng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán (balance sheet) bằng cách ngừng mua trái phiếu. Kết quả là, thị trường chứng khoán sụt giảm 20%. Ông Powell nhanh chóng rút lại lời tuyên bố và hiện tại bảng cân đối kế toán của Fed tăng gấp đôi so với lúc đó. Về lâu dài, điều này sẽ dẫn đến lạm phát.

Tạp chí DER SPIEGEL: Làm thế nào điều đó có thể xảy ra khi rất nhiều người đang thất nghiệp và nền kinh tế không thực sự khởi sắc?

Kinh tế gia Roubini: Bởi vì chúng ta sẽ trải qua một cú sốc tiêu cực ở phía cung. Nghe có vẻ chuyên môn, nhưng nó rất dễ giải thích.

Tạp chí DER SPIEGEL: Xin mời tiếp tục.

Kinh tế gia Roubini: Toàn cầu hóa đã khiến chi phí lao động và sản xuất giảm thấp trong nhiều năm, giá như là do 2,5 tỷ lao động giá thấp từ Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng toàn cầu hóa đã vượt qua đỉnh điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính, và đại dịch COVID-19 đã đẩy mạnh khuynh hướng này. Chúng ta đang chứng kiến ​​sự tái quốc tế hóa, sự tan rã của chuỗi cung ứng, và một cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tạp chí DER SPIEGEL: Vì vậy, ông nghĩ giá thành sẽ tăng ở mọi lĩnh vực?

Kinh tế gia Roubini: Ví dụ về công nghệ 5G: Nokia và Ericsson đắt hơn 30% và hiệu quả thấp hơn 20% so với Huawei. Vì thế, nếu một quốc gia quyết định chống lại Huawei để mở rộng 5G, vốn có đủ lý do về mặt an ninh, thì giá thành của tất cả các loại sản phẩm, từ dịch vụ 5G đến lò nướng bánh và lò vi sóng với chip 5G, sẽ tự động gia tăng. Và điều đó cuối cùng dẫn đến lạm phát.

Tạp chí DER SPIEGEL: Nhưng sau đó lãi suất sẽ phải tăng.

Kinh tế gia Roubini: Theo sách giáo khoa thì đúng là như vậy, nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Nếu không, các tiểu bang và các công ty sẽ thổi ngân sách và bảng cân đối kế toán của họ thành từng mảnh.

Tạp chí DER SPIEGEL: Ông có ngạc nhiên về số tiền mà người châu Âu đang bất ngờ huy động để ổn định nền kinh tế của họ không?

Kinh tế gia Roubini: Thực sự không. Mục tiêu cuối cùng là duy trì khối EU. Nếu không có sự đoàn kết, cụ thể là Ý, sẽ sụp đổ và rời khỏi khu vực tiền tệ chung. Sau đó mọi chuyện sẽ kết thúc.

Tạp chí DER SPIEGEL: Liên quan đến gói viện trợ trị giá 500 tỷ euro mà Đức và Pháp đang hy vọng sẽ tập hợp, Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz, đã nói đến “thời điểm Hamilton” của châu Âu, nhắc đến Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ là Alexander Hamilton, người đã đặt nền tảng tài chính cho Mỹ. Ông Scholz có phóng đại không?

Kinh tế gia Roubini: Tất nhiên, ông ấy đang phóng đại. Gói viện trợ là tốt, nhưng hai điều kiện tiên quyết quan trọng đang thiếu ở liên bang châu Âu: Thứ nhất, việc liên kết các khoản nợ – nợ Ý vẫn là nợ Ý. Và thứ hai, một ngân sách chung có quy mô đáng kể, tức là 20% hoặc 30% tổng sản phẩm quốc nội và không chỉ là 2% như hiện nay.

Tạp chí DER SPIEGEL: Theo tiêu chuẩn của Đức, các quyết định của chính phủ Đức mang tính cách mạng.

Kinh tế gia Roubini: Ông không thể luôn nói “không” với mọi thứ! Berlin không thể chống lại thực tế là ngân sách EU đang tăng lên và Ngân hàng Trung ương ECB đang đóng một vai trò lớn hơn và khi mọi thứ đang đi xuống. Lúc đó châu Âu sẽ chết! May mắn thay, Thủ tướng Angela Merkel đã kịp nhận ra những hiểm họa. Bà ấy rất nổi tiếng vào lúc này đến mức bà có thể giải quyết được chúng. Tôi nghi ngờ điều này vẫn có thể xảy ra dưới quyền của người kế vị, bất kể là ai sẽ trở thành người lãnh đạo đảng và thủ tướng.

Tạp chí DER SPIEGEL: Nhưng cuộc khủng hoảng tiếp theo đang rình rập: Brexit. Người Anh sẽ lại yêu cầu gia hạn thời gian chuyển tiếp?

Kinh tế gia Roubini: Tôi thường xuyên nói chuyện với các đại diện của chính phủ Anh và có cảm tưởng rằng họ rõ ràng đang nhắm đến một Brexit cứng rắn. London không muốn có một thỏa thuận thương mại miễn phí như thỏa thuận giữa EU và Canada, và chính phủ Anh thực sự muốn cắt giảm rõ ràng. Điều đó tất nhiên là điên rồ. Các xe tải sẽ xếp hàng tại biên giới hải quan, thị trường chứng khoán châu Âu sẽ giảm mạnh, nền kinh tế Anh cũng vậy, và nền kinh tế châu Âu cũng sẽ giảm, mặc dù không cùng mức độ.

Tạp chí DER SPIEGEL: Có điều gì mang lại cho ông hy vọng không?

Kinh tế gia Roubini: Hy vọng? Tôi phải suy nghĩ. Thật tốt khi các chính phủ đã phản ứng rất nhanh và rộng lớn trước cuộc đại dịch và hậu quả của nó. Nhưng nếu không thì sao? Tôi sợ rằng những năm 2020 sẽ được đánh dấu bởi sự hủy diệt và thảm họa. Có lẽ nền kinh tế toàn cầu sẽ bền vững hơn sau đó. Nhưng bây giờ, nó sẽ rất ảm đạm.

Nguồn: Tiếng Dân

____

Tác giả: Nouriel Roubini, 62 tuổi, là một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất thế giới. Ông nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại đại học Havard. Ông hiện là giáo sư kinh tế tại Stern School of Business ở New York, và là một trong số ít người dự đoán sự bùng nổ của bong bóng bất động sản Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008. Ông cũng nằm trong số những người cảnh báo sớm rằng COVID-19 sẽ làm tê liệt nền kinh tế.