Seite auswählen

4.8.2020

Trung Quốc muốn tăng “căn cứ pháp lý” cho yêu sách Tứ Sa, cho thấy không chịu thay đổi khi bị nhiều nước phản đối về Biển Đông, theo các chuyên gia.

Trung Quốc mới đây công bố bản sửa đổi “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa” ban hành từ năm 1974. Trong văn bản này, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa”. Tây Sa là tên gọi trái phép Trung Quốc dùng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vùng hàng hải này là khu vực nằm giữa hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là “vùng ven biển”, thay cho cụm từ “vùng biển ngoài khơi” trước đây. Bản quy tắc mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/8.

Nói với VnExpress về ý đồ của Trung Quốc khi có động thái mới này, Phó giáo sư Vũ Thanh Ca, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bắc Kinh dùng “một mũi tên để bắn trúng 4 đích”.

Thứ nhất, Trung Quốc muốn tạo cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý vùng nước quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam theo “quy chế quản lý vùng ven biển”.

Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP HCM, cũng cho rằng Bắc Kinh muốn biến khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam thành khu vực nội thuỷ của Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Thứ hai, Trung Quốc muốn củng cố yêu sách Tứ Sa bằng cách nội luật hóa nó. Ông Ca cho hay sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách bổ sung yêu sách Tứ Sa để tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với một vùng nước trên Biển Đông còn rộng hơn “Đường lưỡi bò”.

Yêu sách Tứ Sa được thực hiện bằng cách sử dụng đường cơ sở thẳng quần đảo, là đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể ngoài cùng của 4 nhóm đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Với đường cơ sở thẳng này, Trung Quốc coi vùng nước phía trong quần đảo Hoàng Sa là vùng nước quần đảo theo chế độ nội thủy. Trung Quốc cũng coi quần đảo Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Do đó Trung Quốc coi vùng nước nằm phía bắc quần đảo Hoàng Sa chồng lấn với EEZ tính từ đường cơ sở của đảo Hải Nam, làm cho vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam trở thành “vùng ven biển”.

Thứ ba, Trung Quốc muốn tạo tiền lệ để thể chế hóa yêu sách Tứ Sa với các quần đảo và bãi ngầm khác trên Biển Đông.

Thứ tư, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng việc các nước phản đối các yêu sách biển sai trái của Trung Quốc không làm Bắc Kinh thay đổi. Theo ông Ca, Trung Quốc cho thấy sẽ tiếp tục thực hiện hoá các yêu sách phi pháp của mình, khiến các quốc gia liên quan nản lòng, chấp nhận chia sẻ vùng biển thuộc chủ quyền của mình cho Bắc Kinh.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng thời gian qua số quốc gia tham gia vào “cuộc chiến công hàm” gia tăng. Các nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đã gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các nước ngoài khu vực như Mỹ, Australia cũng có động thái tương tự, cho rằng các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là “bất hợp pháp” và “không phù hợp” với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng Trung Quốc có thể “đáp trả” ASEAN, sau khi lãnh đạo các nước thành viên ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN cuối tháng 6, bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc cũng dường như muốn gửi thông điệp đến Mỹ, rằng Bắc Kinh không dễ xuống thang trước các áp lực của Mỹ, khi căng thẳng Mỹ – Trung đang gia tăng mạnh mẽ.

Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản, cho rằng động thái mới của Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa là “phản ứng” với việc Mỹ tăng cường các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOP), các cuộc diễn tập của Mỹ với sự tham gia của Nhật Bản và Australia.

Nagy lưu ý Trung Quốc đang tăng cường sử dụng cuộc chiến pháp lý để đạt được yêu sách ở Biển Đông, thay vì dùng vũ lực hay cải tạo các đảo nhân tạo.

“Bắc Kinh đang thể hiện mình sẽ củng cố các yêu sách bằng luật riêng của Trung Quốc”, Nagy nói.

Các thực thể trong nhóm đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh:AFP.

Về giá trị pháp lý trong quy định mới của Trung Quốc, Phó giáo sư Ca, hiện công tác tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khẳng định quy định của Bắc Kinh liên quan đến Hoàng Sa hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc không phải là một “quốc gia quần đảo” nên việc nước này tuyên bố đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, để nối hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa, là sai trái. Theo UNCLOS, “quốc gia quần đảo”, được tạo thành bởi một hay nhiều quần đảo, mới được phép sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm phía ngoài các đảo ngoài cùng và các rạn san hô nổi của một quần đảo.

Với thuật ngữ “vùng ven biển” (coastal) thay vì “vùng biển ngoài khơi” (offshore), ông Ca cho biết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để tạo ra “vùng ven biển” như Trung Quốc quy định. Cũng theo UNCLOS, các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có EEZ và thềm lục địa. Phán quyết của PCA năm 2016 đã giải thích rõ khái niệm “phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng”, tuyên bố rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ là các đảo đá, không có EEZ và thềm lục địa. Ông Ca cho hay, đối chiếu các lập luận của PCA đối với các đảo trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể thấy rằng các đảo này với các điều kiện tự nhiên của nó trước đây chưa bao giờ có một cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà và các hoạt động kinh tế chỉ thuần túy là các hoạt động khai thác tài nguyên, do đó Hoàng Sa không có EEZ và thềm lục địa.

Phó giáo sư Ca lưu ý các luận điểm trên của UNCLOS đã được nêu rõ trong các công hàm của Việt Nam và Australia gửi đến LHQ. Trong văn bản cuối tháng 3/2020, Việt Nam khẳng định “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”. Trong Công hàm ngày 23/7 của Australia, nước này cho biết “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc ‘nhóm đảo’ trên Biển Đông, gồm cả ‘Tứ Sa’, các quần đảo ‘lục địa’ hay ‘xa bờ’. Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng như vậy”.

“Quy định mới của Trung Quốc là một bước đi tiếp theo trong chiến thuật diễn giải sai trái UNCLOS, để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông”, ông Ca khẳng định.

Dự báo hành động sắp tới của Bắc Kinh, ông Ca cho rằng Trung Quốc có thể tiếp tục thể chế hoá các tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; gia tăng căng thẳng trên Biển Đông để tiếp tục đe doạ các nước liên quan.

Ông Hoàng Việt cũng cảnh báo Trung Quốc có thể đưa ra các quy định tương tự ở các khu vực đang kiểm soát, gồm 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, nếu các nước không phản đối đủ mạnh. Đồng thời, Bắc Kinh có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở quần đảo Hoàng Sa.

Theo Tiến sĩ Nagy, Trung Quốc sẽ tiến nhanh hòng giành “ưu thế tối đa” trong tất cả các vấn đề ở Biển Đông trước khi đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN, để có thể tỏ ra “nhượng bộ”.

“Các nước ASEAN nên thận trọng về điều này khi đàm phán COC với Trung Quốc”, Nagy lưu ý.

Nguồn: vnExpress

Biển Đông: Âm mưu mới của Bắc Kinh để kiểm soát hành chính Hoàng Sa

 

Ảnh minh họa: Nhóm đảo Thất Liên Tự thuộc quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Ảnh minh họa: Nhóm đảo Thất Liên Tự thuộc quần đảo Trường Sa (Biển Đông). AFP
Trọng Nghĩa
Kể từ ngày 01/08/2020, một phiên bản sửa đổi quy định hàng hải của Trung Quốc có từ năm 1974, định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm trọn từ tay Việt Nam cũng từ năm 1974, bắt đầu có hiệu lực. Theo các chuyên gia phân tích, sự kiện này là một bước mới của Trung Quốc nhằm siết chặt thêm quyền kiểm soát trên các vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đang tranh chấp với nước khác.

Ý đồ dùng luật Trung Quốc áp đặt trên các vùng tranh chấp

Theo một số nhà quan sát được tờ báo Hồng Kông trích dẫn, động thái mới này của Bắc Kinh phản ánh ý đồ “đưa càng nhiều vùng tranh chấp càng tốt vào trong quyền kiểm soát” của Trung Quốc.

Bản quy định mang tên chính thức là “Các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra tàu biển trong các tuyến nội địa”. Đáng chú ý là từ ngữ “nội địa” dùng ở đây.

Khu vực gây tranh cãi chính là vùng mà Trung Quốc gọi là “Khu vực hàng hải Hải Nam – Tây Sa” – Tây Sa tên Bắc Kinh đặt cho Hoàng Sa – nằm giữa 2 điểm cực đông và cực tây trên đảo Hải Nam và 3 điểm ở cực đông, tây và nam quần đảo Hoàng Sa.

Theo Trương Khiết (Zhang Jie), một chuyên gia về Biển Đông ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, động thái kể trên của Bắc Kinh có lẽ là nhằm tăng cường quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa bằng cách sử dụng các luật trong nước.

Đối với chuyên gia Trung Quốc này: “Cho dù điều đó không trực tiếp nhắm tới việc tăng cường quản lý, thế nhưng tác dụng trên thực tế cũng không khác gì”.

Mục tiêu củng cố thêm quyền khống chế Biển Đông

Collin Koh, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc đại học công nghệ Nanyang Technological University (Singapore) cũng tán đồng quan điểm nêu trên.

Theo ông, động thái của Trung Quốc “không phải điều đáng ngạc nhiên, nhất là sau khi Bắc Kinh đã thông báo thành lập hai quận hành chính để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa”.

Trong một tin nhắn twitter ngày 01/08, chuyên gia Singapore nhắc lại rằng việc Trung Quốc thay đổi từ ngữ để chỉ vùng biển nằm giữa Hải Nam và Hoàng Sa đã được tiến hành từ đầu năm nay, nhưng nay mới có hiệu lực. Mục tiêu “chắc chắn là nhằm củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh” trên vùng biển này.

Cũng trên Twitter, một nhà quan sát Biển Đông khác cho rằng động thái của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm đẩy mạnh giao thông liên lạc và du lịch giữa Hải Nam và Hoàng Sa, mà còn mang ý nghĩa rộng hơn là kể từ nay, tàu biển Trung Quốc có thể thoải mái đi đến Hoàng Sa vì vùng biển đó chỉ là vùng “ven bờ”. Đây chính là thủ đoạn để gia tăng quyền khống chế Biển Đông.

Bước mới sau khi thành lập hai quận đảo quản lý Hoàng Sa và Trường Sa

Việc ban hành quy định mới về hàng hải, xem các tuyến hàng hải giữa  Hải Nam và Hoàng Sa là các tuyến nội địa của Trung Quốc là một bước phát triển mới của quyết định đầy tranh cãi công bố tháng Tư vừa qua, thành lập hai quận đảo riêng rẽ để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong bài phân tích ngày 12/05/2020, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, đã cho rằng quyết định đó của Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.

Trong trường hợp Hoàng Sa, theo AMTI, Trung Quốc có thể thông qua đơn vị hành chính mới này, thúc đẩy việc tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan, một thủ đoạn có tính khiêu khích nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện, qua đó áp đặt chủ quyền trong thực tế.

Đối với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học Viện Quốc phòng Úc (Đại Học New South Wales), hành động của Trung Quốc biến Hoàng Sa thành một huyện của Trung Quốc là một hành vii bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Trong bài phân tích ngày 19/04, giáo sư Thayer nêu bật việc Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Hoàng Sa thông qua võ lực vào tháng Giêng năm 1974, và luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua chinh phục.

Những hành vi bị lên án là phi pháp

Động thái quyết đoán mới của Trung Quốc được ghi nhận vào lúc Bắc Kinh đang gặp sự phản đối ngày càng mạnh của quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Vào tháng Bẩy vừa qua, Hoa Kỳ và Úc đã ra tuyên bố, khẳng định rằng các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông đều phi pháp vì không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Và gần đây hơn, trong một công hàm gởi lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 29/07, Malaysia nhắc lại lập trường bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời phản đối việc Trung Quốc khẳng định rằng Kuala Lumpur không có quyền thiết lập thềm lục địa ở vùng phía bắc Biển Đông.

Chiến lược sử dụng luật lệ trong nước để bành trướng

Theo SCMP, cộng đồng quốc tế đã cực lực chỉ trích Trung Quốc vào lúc nước này đẩy mạnh chiến lược sử dụng luật lệ trong nước để đòi chủ quyền trên các vùng tranh chấp và bành trướng trong khu vực.

Ví dụ, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã thiết lập 7 tòa án hàng hải mới, một được đặt ở “thành phố Tam Sa”, về mặt hành chính là đơn vị trực thuộc tỉnh đảo Hải Nam.

Qua năm 2013, Bắc Kinh sáp nhập một số cơ quan hàng hải vào lực lượng Hải Cảnh mới, và đến năm 2017, Tòa Án Tối Cao Trung Quốc tự tuyên bố mở rộng quyền hạn ra mọi vùng thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc, kể cả các vùng biển.

Nguồn: RFI

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen