Seite auswählen

Phạm Nguyên Trường

Văn Việt

Mục lục

Chữ cái A

 

 

1. Absolutism – Quân chủ chuyên chế

Chế độ quân chủ tuyệt đối, là chính thể mà nhà vua nắm thực quyền. Chế độ này không có hiến pháp. Chế độ quân chủ chuyên chế đã có mặt từ thời cổ đại và phát triển mạnh tại các quốc gia phong kiến phương Đông. Chế độ này thịnh hành ở các nước châu Âu vào thế kỷ XIX.

Chế độ quân chủ chuyên chế cổ đại coi quân chủ tương đương với thần thánh, quân chủ là hình ảnh của thần thánh ở trần thế, lời của quân chủ là ý muốn của thần thánh vì quân chủ là người duy nhất có thể gặp và nói chuyện với thần thánh. Và dân chúng phải phục tùng quân chủ như phục tùng thần thánh. Ở Ai Cập cổ đại, Pharaoh được coi là hình ảnh của thần Bầu trời trên trần thế. Hình ảnh trên bia đá Bộ luật Hammurabi, vị vua này đang tiếp nhận ý muốn của thần Công lý Shamash,…. Sang thời phong kiến, đặc biệt ở các nước Á Đông, ví dụ Trung Quốc, Việt Nam, chế độ quân chủ chuyên chế mang tính chất thế tục hơn, nhưng nhà vua vẫn được coi là Thiên tử, thần dân phải tuyệt đối trung thành, đến mức: “Quân xử thần từ, thần bất tử bất trung”. Một ví dụ điển hình về chế độ quân chủ chuyên chế châu Âu là nước Pháp dưới triều vua Louis XIV. Các vua Pháp trước thời Louis XIV đã xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở một mức độ nào đó, nhưng Louis XIV mở rộng hơn hẳn. Vào đầu thế kỷ XVIII, tất cả những người bảo hoàng và phê bình trên khắp nước Pháp và châu Âu đều coi uy quyền của ông là độc đoán. Chế độ quân chủ chuyên chế của ông cũng được các nước Nga, Phổ và Áo noi theo.

2. Accountability – Trách nhiệm giải trình

Đòi hỏi người đại diện trả lời về cách sử dụng quyền lực và thực thi nhiệm vụ cũng như hành động trước những lời phê bình. Trong đạo đức và quản trị, trách nhiệm giải trình, có nguồn gốc Latin là accomptare (giải thích), là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ hay những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình khi được yêu cầu. Là một khía cạnh trong ngành quản trị, nó là trung tâm của các cuộc thảo luận liên quan đến các vấn đề trong khu vực công, các bối cảnh phi lợi nhuận và tư nhân (doanh nghiệp) và cá nhân. Trong vai trò lãnh đạo, trách nhiệm giải trình là sự ghi nhận và giả định về trách nhiệm đối với hành động, sản phẩm, quyết định và chính sách bao gồm cả việc quản lý, quản trị, và thực hiện trong phạm vi vai trò hay vị trí làm việc, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, giải thích và chịu trách nhiệm về hậu quả.
Trong quản trị, nó thường được mô tả như là một mối quan hệ giải trình giữa các cá nhân, ví dụ A có trách nhiệm giải trình đối với B khi A có nghĩa vụ thông báo cho B (trong quá khứ hay tương lai) về hành động và quyết định của A, để biện minh cho chúng, và phải chịu hình phạt trong trường hợp có hành vi sai trái.

3. Activist – Nhà hoạt động

Nhà hoạt động là người có niềm tin mạnh mẽ rằng có thể thực hiện được những thay đổi trong lĩnh vực chính trị và xã hội và tìm cách thực hiện những thay đổi như thế. Các nhà hoạt động là những người tình nguyện, làm việc trong các đảng phái chính trị, các nhóm hoặc tổ chức dân sự.

4. Additional member system

( sẽ hoàn thiện khi soạn về tổ chức bầu cử.)

5. Administrative law  Luật hành chính

Luật hành chính là bộ phận luật pháp quản lí hoạt động của các cơ quan hành chính của chính quyền. Hoạt động của cơ quan chính phủ có thể bao gồm việc hoạch định chính sách, xét xử, hoặc thực hiện một chương trình nghị sự về quản lý cụ thể. Luật hành chính được coi là một nhánh của luật công. Là một bộ phận luật pháp, luật hành chính liên quan đến việc ra quyết định của các đơn vị hành chính của chính phủ (ví dụ tòa án, ban hoặc ủy ban) thuộc một chương trình quy định quốc gia trong các lĩnh vực như luật cảnh sát, thương mại quốc tế, sản xuất, môi trường, thuế, phát thanh, nhập cư và vận tải. Luật hành chính đã mở rộng rất nhiều trong thế kỷ XX, khi các cơ quan lập pháp khắp thế giới đã tạo ra nhiều cơ quan của chính phủ để điều chỉnh các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị trong tương tác của con người với nhau. Luật dân sự thường có các tòa án đặc biệt, các tòa hành chính, xem xét các quyết định này.

6. Adversary politics – Chính sách kình địch

Đấy là khi xảy ra bất đồng sâu sắc giữa các chính đảng lớn. Trái ngược với chính sách đồng thuận. Chính sách kình địch xảy ra khi một đảng (thường không nằm trong chính phủ) có quan điểm trái ngược (chí ít là khác) với quan điểm của đảng kia (thường là chính phủ) ngay cả khi về mặt cá nhân họ đồng ý với cách làm của chính phủ. Thuật ngữ này được S. E. Finer trình bày trong cuốn Adversary Politics and Electoral Reform (1975).

7. Affirmative action – Chính sách nâng đỡ

Chính sách trong đó màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được một doanh nghiệp hoặc chính phủ đưa vào xem xét để tăng các cơ hội cho một bộ phận của xã hội. Chính sách nâng đỡ được thiết kế để tăng số lượng người từ các nhóm nhất định trong các doanh nghiệp, tổ chức và các lĩnh vực khác trong xã hội mà họ có lịch sử đại diện thấp. Nó thường được coi là một phương tiện chống lại sự phân biệt đối xử đã ăn sâu vào thâm căn cố đế chống lại một nhóm cụ thể trong xã hội.
Ở Việt Nam chính sách nâng đỡ được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục dành cho đồng bào thiểu số hoặc vùng sâu, vùng xa.
Ở Mỹ, chính sách nâng đỡ đã xuất hiện vào những năm 1960 như một cách để thúc đẩy cơ hội bình đẳng giữa các nhóm khác nhau trong xã hội. Nó được phát triển như một cách để thực thi Đạo luật Dân quyền năm 1964, nhằm tìm cách loại bỏ sự phân biệt chủng tộc tại thời điểm đó. Ngày nay, chính sách nâng đỡ có cả những người ủng hộ mạnh mẽ và các nhà phê bình bảo thủ.

8. Agenda-setting theory – Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự

Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự do Max McCombs và Donald Shaw đưa ra trong công trình nghiên cứu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968. Thiết lập chương trình nghị sự là một lý thuyết khoa học xã hội; nó cũng cố gắng đưa ra dự đoán. Lý thuyết cũng cho thấy rằng phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn dân chúng, bằng cách thường xuyên nói với họ rằng nên nghĩ về cái gì. Tức là, nếu một tin tức nào đó được nói đi nói lại và nhấn mạnh thì dân chúng sẽ coi vấn đề này là quan trọng hơn.
Thiết lập chương trình nghị sự là tạo ra nhận thức xã hội và những mối quan tâm về các vấn đề nổi bật bởi các phương tiện truyền thông. Đồng thời, Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự mô tả những biện pháp mà truyền thông đại chúng tìm cách gây ảnh hưởng đến khan thính giả và lập ra hệ thống phân cấp về mức độ phổ biến tin tức. Hai định đề cơ bản làm nền tảng cho hầu hết các nghiên cứu về thiết lập chương trình nghị sự:
– báo chí và truyền thông không phản ánh đúng thực tế; họ chọn lọc và định hình thực tế;
– tập trung truyền thông vào một số vấn đề và chủ đề khiến công chúng cho rằng những vấn đề đó quan trọng hơn các vấn đề khác.

Tóm lại, đây là khoa học hoặc nghệ thuật kiểm soát chương trình nghị sự nhằm làm gia tăng đến mức tối đa khả năng mang lại kết quả mà mình mong muốn.

9. Aggregation – Hợp thể hóa

Các chính đảng đưa các đòi hỏi chính trị thành những đường lối hành động khác nhau để lựa chọn. Đây là một phần trong cách tiếp cận theo lối chức năng trong nghiên cứu chính trị.

10. Agrarian parties – Các đảng nông dân

Các đảng phái đại diện cho nông dân từng là những đảng phái mạnh trong nhiều hệ thống chính trị phương Tây, nhưng vai trò của họ hiện nay đã giảm. Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tỉ lệ dân cư nông nghiệp trong cử tri giảm mạnh, các đảng nông dân cảm thấy khó mà giữ được cơ sở cử tri, một số đảng tự giải tán hoặc trở thành các đảng đại diện cho thành phần cử tri rộng rãi hơn. Quyền lợi của nông dân được đại diện bởi các tổ chức nông dân toàn quốc có liên hệ chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp, ví dụ như ở Vương quốc Anh và Đức. Các đảng nông dân có vai trò quan trong ở các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển) và ở những nước dân chủ mới ở Đông và Trung Âu (Hungary và Ba Lan).

11. Aid – Viện trợ

Trong quan hệ quốc tế, viện trợ (còn được gọi là viện trợ quốc tế là chuyển giao tài nguyên một cách tự nguyện từ nước quốc gia này sang quốc gia khác.
Viện trợ có thể được sử dụng cho một hoặc một số mục đích: Có thể là tín hiệu của sự chấp thuận về ngoại giao, hoặc nhằm củng cố liên minh quân sự, tưởng thưởng cho chính phủ vì hành vi mà nhà tài trợ mong muốn, mở rộng ảnh hưởng văn hóa của nhà tài trợ, cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho nhà tài trợ nhằm khai thác tài nguyên trong quốc gia nhận viện trợ, hoặc để có được hưởng những tiếp cận thương mại khác. Các quốc gia có thể cung cấp viện trợ vì mục đích ngoại giao và nhân đạo.
Cá nhân, tổ chức tư nhân hoặc chính phủ đều có thể cấp viện. Biện pháp viện trợ được sử dụng rộng rãi nhất là “Viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Viện trợ có thể trên cơ sở song phương: nước đã phát triển cung cấp viện trợ cho nước đang phát triển hoặc thông qua tổ chức đa phương như Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc hay các khoản mà Ngân hàng thế giới (WB) cho các nước đang phát triển vay, v.v.

12. Alienation – Chuyển nhượng/Tha hóa

Nghĩa gốc của nó là về quan hệ với sở hữu. Một người có thể alienate (chuyển nhượng) tài sản cho một người khác hay chuyển nhượng cho tổ chức. Trong thế kỉ XVII người ta chuyển trọng tâm của thuật ngữ này từ tài sản vật chất sang phi vật chất, ví dụ các quyền. Các nhà tư tưởng như Grotius và Locke cho rằng chuyển nhượng một số quyền hoặc quyền lực là điều kiện tiên quyết để có xã hội chính trị. Theo nghĩa này, chuyển nhượng là nền tảng của lý thuyết khế ước xã hội.
Trong thế kỉ XVIII, một số nhà tư tưởng, trong đó có Paine lại khẳng định rằng một số quyền là không thể chuyển nhượng (inalienable) và việc mất những quyền này – từ bỏ hoặc để cho người ta tước đoạt trái với ý chí của mình – là đánh mất một phần quan trọng nhất của nhân tính. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ tuyên bố quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền không thể chuyển nhượng.
Quan điểm của Hegel và Marx về alienation (ở đây có nghĩa là tha hóa) có ý nghĩa quan trọng nhất đối với lý thuyết chính trị. Hegel tin rằng mục đích của lịch sử là xóa bỏ dần khoảng cách giữa ý thức của một người cụ thể và ý thức phổ quát, cho đến khi cả hai hòa nhập làm một. Theo Hegel, khoảng cách này là thành phần trung tâm của và tất yếu của tha hóa. Vì vậy, lịch sử là câu chuyện bước tiến của nhân loại nhằm xóa bỏ sự tha hóa đó. Đối với Hegel, tha hóa là khái niệm xuyên suốt lịch sử.
Marx chấp nhận quan niệm vừa nói của Hegel, nhưng không chấp nhận việc Hegel nhấn mạnh vào ý thức vì hai lý do chính. Thứ nhất, nó ngụ ý rằng tha hóa bắt nguồn trong từng cá nhân, trong khi Marx cho rằng tha hóa bắt nguồn từ điều kiện sống – “tổng hòa các quan hệ xã hội” – mà cá nhân bị mắc vào. Thứ hai, quan điểm của Hegel làm cho cá nhân phải chịu trách nhiệm giải thoát mình khỏi tha hóa, vì chỉ cần ý chí cá nhân là đủ. Marx cho rằng muốn không còn tha hóa thì phải thay đổi điều kiện sản xuất vật chất, từng cá nhân không thể làm được thay đổi như thế. Marx cho rằng chỉ có hoạt động của một giai cấp đặc biệt thì mới khắc phục được tha hóa. Chỉ có phương thức sản xuất tạo điều kiện cho người ta làm việc một cách tự do và sang tạo thì nhân cách của người sản xuất mới được thể hiện trong sản phẩm mà người đó làm ra. Đấy cũng là hình thức tha hóa, nhưng là tha hóa tích cực. Nó chỉ có thể tồn tại ở nơi và khi con người được tự do sáng tạo. Khi sản xuất chưa được tự do và sáng tạo thì không thể tránh được những thành tố tiêu cực của tha hóa. Ví dụ, trong chủ nghĩa tư bản, công việc trong nhà máy (do quá trình phân chia lao động) đã biến lao động từ hoạt động xã hội thành hoạt động cá nhân, làm cho công nhân trở thành xa lạ/tha hóa với nhau. Công việc trong nhà máy lặp đi lặp lại, không cần sang tạo, làm mất tính người. Người công nhân bị tha hóa khỏi tiềm năng của mình. Theo Marx, thay thế chủ nghĩa tư bản là điều kiện tiên quyết để vượt qua những thành tố tiêu cực của tha hóa.
Nhiều người cầm bút sau Marx tiếp tục viết về tha hóa, đáng chú ý là trong triết học hiện sinh (Satre), trong tâm lý xã hội (Erich Fromm).

13. Alternative vote

 sẽ hoàn thiện khi soạn về tổ chức bầu cử.

14. Altruism – Vị tha

Vị tha hay Chủ nghĩa Vị tha là nguyên lý hay hành động quan tâm tới lợi ích của người khác. Đây là một đức hạnh truyền thống ở nhiều nền văn hóa và là một khía cạnh nền tảng của rất nhiều truyền thống tôn giáo, mặc dù khái niệm “người khác” ở đây có thể khác nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Chủ nghĩa vị tha là ngược lại tính ích kỷ.
Vị tha khác với nghĩa vụ và lòng trung thành. Vị tha là động cơ cung cấp một thứ gì đó có giá trị cho người khác chứ không phải cho mình, trong khi đó nghĩa vụ tập trung vào bổn phận tinh thần đối với một cá nhân cụ thể nào đó (ví dụ một ông vua) hay với một tập thể (ví dụ, chính phủ). Chủ nghĩa vị tha thuần túy là sự hy sinh một điều gì cho người khác (ví dụ hy sinh thời gian, tiền bạc, của cải) mà không kỳ vọng sẽ được nhận bồi thường hay lợi ích, dù là trực tiếp, hay gián tiếp (ví dụ được ghi nhận cho hành vi ban ơn).
Khái niệm này có một lịch sử lâu dài trong tư tưởng triết học và đạo đức. Thuật ngữ này được sáng tạo vào thế kỷ XIX bởi nhà xã hội học và nhà triết học khoa học Auguste Comte, và đã trở thành một chủ đề chính cho các nhà tâm lý học (đặc biệt là các nhà nghiên cứu tâm lý học tiến hóa), các nhà sinh học tiến hóa và các nhà đạo đức học. Trong khi ý tưởng về lòng vị tha từ một lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các phương pháp khác nhau và tập trung của các lĩnh vực này luôn dẫn đến các quan điểm khác nhau về lòng vị tha. Nói một cách đơn giản, lòng vị tha là quan tâm đến phúc lợi của người khác và hành động để giúp đỡ họ.
Hiện vẫn có nhiều tranh cãi liên quan tới việc liệu chủ nghĩa vị tha thực sự có tồn tại hay không. Thuyết vị kỷ tâm lý cho rằng không có hành động chia sẻ, giúp đỡ hay hy sinh nào có thể được coi là vị tha hoàn toàn, bởi người thực hiện sẽ nhận được phần thưởng về bản chất chính là sự hài lòng cá nhân. Ngưởi ta cũng phân biệt lòng vị tha có đi có lại và vị tha phổ quát. Người vị tha có đi có lại hành động vì có lợi cho những người mà họ hàm ơn hoặc kì vọng là những người kia sẽ đền đáp lại mình. Lòng vị tha phổ quát là một trong những khái niệm đạo đức chính của đạo Phật và Ki tô giáo, vị tha vô điểu kiện.

15. Amenity – tiện nghi

Trong lĩnh vực bất động sản và nhà ở, tiện nghi là một cái gì đó được coi là gia tăng lợi ích cho tài sản và do đó làm tăng giá trị của nó. Tiện nghi hữu hình có thể bao gồm số phòng và đặc điểm phòng khách và các tiện nghi như thang máy, wi-fi, nhà hàng, công viên, khu vực chung, bể bơi, sân golf, câu lạc bộ sức khỏe, nhà hát hoặc phòng chứa phương tiện truyền thông, đường dành cho xe đạp hoặc nhà để xe, trong khi các tiện nghi vô hình có thể bao gồm những lĩnh vực như giao thông công cộng, phong cảnh dễ chịu, các hoạt động gần đó và mức độ tội phạm thấp. Về mặt môi trường, tiện nghi có thể bao gồm không khí sạch hoặc nước sạch, hoặc chất lượng của bất kỳ hàng hóa môi trường nào khác có thể làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của cư dân hoặc làm tăng phúc lợi về mặt kinh tế của họ. Tiện nghi cũng có thể dưới dạng tiện nghi di động.

16. The American Enlightenment – Phong trào Khai sáng ở Mỹ 

Là giai đoạn lên men trí tuệ trong 13 thuộc địa ở châu Mỹ kéo dài từ thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII, dẫn đến cuộc Cách mạng Mỹ và thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Phong trào Khai sáng ở Mỹ chịu ảnh hưởng của phong tào Khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVII và triết lý bản địa Mỹ. Theo James MacGregor Burns, tinh thần của phong trào Khai sáng Mỹ đã mang lại cho lý tưởng Khai sáng hình thức thiết thực, hữu ích trong cuộc sống của quốc gia và dân tộc.
Phong trào Khai sáng áp dụng lập luận khoa học vào kĩnh vực chính trị, khoa học và tôn giáo. Phong trào này thúc đẩy lòng khoan dung tôn giáo và khôi phục văn học, nghệ thuật và âm nhạc, coi đây là những ngành học quan trọng cần phải đưa vào các trường đại học. Các trường đại học theo lối Mỹ “kiểu mới” được thành lập như King College New York (nay là Columbia University) và College Philadelphia (nay là University of Pennsylvania). Yale College và College of William & Mary đã được cải tổ. Tong nhiều chương trình giảng dạy ở đại học, người ta đã lấy triết lý đạo đức phi giáo phái thay thế cho thần học. Thậm cí các trường đại học của Thanh giá như College of New Jersey (nay là Princeton University) và Harvard University cũng đã cải tổ chương trình giảng dạy để đưa vào triết học tự nhiên (khoa học), thiên văn học hiện đại và toán học.
Chủ tịch của các trường đại học, trong đó có các nhà lãnh đạo tôn giáo Thanh giáo như Jonathan Edwards, Thomas Clap, và Ezra Stiles, và các nhà triết học đạo đức thao Anh giáo như Samuel Johnson và William Smith là những đại diện nổi bật nhất của phong trào Khai sang Mỹ. John Adams, James Madison, Thomas Paine, George Mason, James Wilson, Ethan Allen, Alexander Hamilton, và học rộng như Benjamin Franklin và Thomas Jefferson là những nhà tư tưởng chính trị hàng đầu. Các nhà khoa học hàng đầu là Benjamin Franklin, vì những công trình nghiên cứu việc về điện, William Smith vì việc tổ chức và quan sát về sao Kim, Jared Eliot vì những công trình trong ngành luyện kim và nông nghiệp, nhà thiên văn học David Rittenhouse trong ngành thiên văn học, toán học, Benjamin Rush trong y học, Charles Willson Peale trong lịch sử tự nhiên và Cadwallader Colden vì những công trong lĩnh vực thực vật và vệ sinh thành phố. Jane Colden, con gái của Colden, là nhà thực vật học nữ đầu tiên làm việc tại Mỹ. Bá tước Rumford là một nhà khoa học hàng đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực nhiệt.

17. American Revolution – Cách mạng Mỹ

Cuộc Cách mạng Mỹ là cuộc nổi dậy của thuộc địa của Anh ở châu Mỹ trong giai đoạn từ năm 1765 đến năm 1783. Những người yêu nước tại mười ba thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ vớ sự giúp đỡ của Pháp đã đánh bại quân đội Anh trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ (1775–1783) và lập nên nhà nước mới có tên là Hợp Chúng Quốc (The United States of America).
Bắt đầu từ đạo Luật Tem, năm 1765, các thuộc địa Mỹ tuyên bố “không có đại diện thì không nộp thuế”. Vì không có đại diện trong Nghị viện Anh, các thuộc địa này không chấp nhận để Quốc hội Anh đánh thuế. Các cuộc biểu tình liên tục leo thang, dẫn đến Cuộc thảm sát ở Boston năm 1770 và đốt tàu Gaspee ở Rhode Island năm 1772, sau đó là Tiệc trà Boston, tháng 12 năm 1773, trong đó, những người yêu nước đã phá hủy một lô hàng trà bị đánh thuế. Người Anh phản ứng bằng cách phong tỏa Cảng Boston, sau đó ban hành là một loạt đạo luật có tính trừng phạt nhằm bãi bỏ quyền tự trị của Thuộc địa Vịnh (Massachusetts Massachusetts Bay Colony). Những thuộc địa khác đứng lên ủng hộ Massachusetts và cuối năm 1774, tại Hội nghị Thuộc địa, những người yêu nước đã thành lập chính của mình nhằm điều phố những nỗ lực trong cuộc kháng chiến chống lại Vương quốc Anh; những người thực dân khác tiếp tục giữ liên kết với nhà vua Anh và được gọi là những người Bảo hoàng hoặc Tories.
Căng thẳng bùng ra thành trận chiến giữa dân quân yêu nước và chính quyền Anh khi quân đội của vua George tìm cách chiếm và phá hủy đồ quân dụng của người Mỹ ở Lexington và Concord, ngày 19 tháng 4 năm 1775. Sau đó, cuộc xung đột leo thang thành chiến tranh, trong đó những người yêu nước và quân Pháp (đồng minh của lực lượng này) chiến đấu chống lại quân Anh và lực lượng bảo hoàng, kéo dài từ năm 1775 đến năm 1783. Từng ban trong mười ba thuộc địa đều thành lập Hội đồng hàng tỉnh (Provincial Congress) và giành quyền lực từ tay chính quyền thuộc địa cũ và đàn áp phe Bảo hoàng và chiêu mộ binh sĩ cho Quân đội Lục địa do Tướng George Washington chỉ huy. Quốc hội Lục địa tuyên bố rằng George là ông vua chuyên chế, dẫm đạp lên quyền của những người thực dân Anh, và ngày 2 tháng 7 năm 1776, tuyên bố các thuộc địa là các bang tự do và độc lập. Lãnh đạo lực lượng yêu nước nêu cao triết lý chính trị của chủ nghĩa tự do và chế độ cộng hòa, bác bỏ chế độ quân chủ và quý tộc. Họ cũng tuyên bố rằng tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng.
Quân đội Lục địa mới được thành lập đã buộc binh lính Anh rút khỏi Boston vào tháng 3 năm 1776, nhưng mùa hè năm đó, quân Anh chiếm thành phố New York và bến cảng của thành phố này và giữ được vị trí chiến lược này cho đến cuối cuộc chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn Hải quân Anh phong tỏa các hải cảng và chiếm được các thành phố khác, nhưng họ không đánh bại được lực lượng của Washington. Lực lượng yêu nước đã không chiếm Canada vào mùa đông năm 1775-76, nhưng đã buộc quân Anh phải đầu hàng trong Trận Saratoga, tháng 10 năm 1777. Quân Anh đầu hàng là tác nhân chính thúc đẩy Pháp tham chiến (đồng minh của Mỹ) với một đội quân đông đảo, hải quân pháp đe dọa tấn công thẳng vào nước Anh. Trận Saratoga này cũng thúc đẩy Tây Ban Nha đứng về phía Mỹ. Chiến tranh đã chuyển sang các bang miền Nam với sự giúp đỡ của lực lượng bảo hoàng, đầu năm 1780, quân Anh do Charles Cornwallis chỉ huy đã buộc đạo quân ở Charleston, Nam Carolina, đầu hàng, nhưng không tìm được đủ những người tình nguyện dân sự trong lực lượng bảo hoàng nên không thể kiểm soát được lãnh thổ. Cuối cùng, mùa thu năm 1781, lực lượng liên quân Pháp-Mỹ đã buộc đội quân Anh thứ hai tại Yorktown đầu hàng. Chiến tranh kết thúc. Hiệp ước Paris được ký ngày 3 tháng 9 năm 1783, chính thức chấm dứt cuộc xung đột và khẳng định sự chia tách hoàn toàn quốc gia mới khỏi Đế quốc Anh. Hoa Kỳ chiếm gần như toàn bộ vùng lãnh thổ phía đông sông Mississippi và phía nam Ngũ Đại Hồ Lớn, nước Anh tiếp tục giữ được Canada, còn Tây Ban Nha thì chiếm được Florida.
Cuộc cách mạng đã đưa tới những kết quả quan trọng: Hoa Kỳ độc lập và giữ quan hệ kinh tế hữu hảo với Anh, thông qua bản Hiến pháp, thành lập chính phủ liên bang tương đối, trong đó có tổng thống dân cử, ngành tư pháp độc lập và quốc hội lưỡng viện, Thượng viện đại diện cho các bang và Hạ viện đại diện cho dân chúng. Sau cách mạng, khoảng 60.000 người bảo hoàng di cư sang các vùng lãnh thổ do Anh chiếm đóng, chủ yếu là tới Canada, nhưng phần lớn vẫn ở lại Hoa Kỳ.

18. Amicus curiae – Thân hữu của tòa án

Từ này có gốc từ chữ Latin, amo, nghĩa lả “tôi yêu”, “tôi thích”. Thân hữu của toàn có thể làm chứng tại tòa án, hành động như những cố vấn không vụ lợi hoặc trình bày quan điểm của dân chúng hay tổ chức, những người không liên quan trực tiếp tới phiên tòa, nhưng có thể bị ảng hưởng bởi phán quyết của tòa. Tòa án Hoa Kỳ thường sử dụng biện pháp này.
Amicus curiae hay được dùng cùng danh từ tiếng Anh brief (nghĩa là lời chỉ dẫn, văn bản pháp lý, bản tóm tắt) thành “amicus curiae brief” hay gọn là “amicus brief“. Amicus brief là văn bản, lời góp ý của một bên thứ ba, không liên quan quyền lợi trực tiếp đến vụ việc nhưng có “quan ngại sâu sắc”, gửi cho tòa án để giúp tòa có thêm thông tin để xử lý vụ việc. Có thể dịch là “góp ý amicus curiae”.

19. Amnesty International (AI) – Ân xá quốc tế

 Ân xá Quốc tế là tổ chức phi chính phủ quốc tế, Peter Benenson, luật sư người Anh, thành lập năm 1961 Ân xá Quốc tế nhằm mục đích củng cố mọi quyền căn bản của con người như đã nêu trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc. Với niềm tin đó, Ân xá hoạt động nhằm:
– Giải phóng mọi tù nhân lương tâm (prisoner of conscience, khái niệm này dùng để chỉ một người bị tù vì thực hành niềm tin của họ một cách hoà bình, hơi khác với cách hiểu thông thường về tù chính trị);
– Bảo đảm các phiên toà diễn ra công khai và công bằng;
– Bãi bỏ tử hình và mọi hình thức tra tấn và đối xử tàn bạo với tù nhân;
– Chấm dứt những sự khủng bố, giết chóc và mất tích cưỡng bức;
– Giúp đỡ những người xin tị nạn chính trị;
– Hợp tác với các tổ chức cùng mục đích chấm dứt vi phạm nhân quyền;
– Nâng cao cảnh giác về mọi sự vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Năm 1977, Ân xá Quốc tế được trao tặng Giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới.

20. Treaty of Amsterdam – Hiệp ước Amsterdam

Tên chính thức là Treaty of Amsterdam amending the Treaty on European Union, the Treaties establishing the European Communities and certain related acts (Hiệp ước Amsterdam sửa đổi Hiệp ước về Liên minh châu Âu, các Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu và một số hành vi liên quan nhất định), được ký ngày 2 tháng 10 năm 1997 và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5 năm 1999; nó đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho Hiệp ước Maastricht, ký năm 1992.

Theo Hiệp ước Amsterdam, các quốc gia thành viên đã đồng ý chuyển một số quyền lực từ chính phủ quốc gia sang Nghị viện châu Âu trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm lập pháp về nhập cư, áp dụng luật dân sự và hình sự, và ban hành chính sách đối ngoại và an ninh (foreign and security policy – CFSP), cũng như thực hiện những thay đổi về thiết chế để mở rộng khi các quốc gia thành viên mới gia nhập EU.
Hiệp ước này là kết quả của những cuộc dàm phán kéo dài, được khởi động ở Messina, Italy, ngày 2 tháng 6 năm 1995, gần 40 năm sau khi Treaty of Rome (Hiệp ước Rome) được kí kết, và kết thúc ở Amsterdam ngày 18 tháng 6 năm 1997. Sau khi chứng thức kí Hiệp định, ngày 2 tháng 10 năm 1997, các nước thành viên tiến hành phê chuẩn và Nghị viện châu Âu tán thành ngày 19 tháng 11 năm 1997.

21. Amendment – Sửa đổi/Tu chính

Là sửa đổi mang tính chính thức luật, hợp đồng, hiến pháp hoặc các văn bản pháp lý khác. Từ này có xuất xứ từ từ amend, nghĩa là thay đổi để tốt lên. Có thể đưa thêm, rút bớt hoặc cập nhật những thỏa thuận này. Người ta thường sửa đổi khi thấy làm như thế thì tốt hơn là soạn thảo văn bản mới.
Các hợp đồng thường được sửa đổi khi thị trường thay đổi. Ví dụ, hợp đồng ghi là chuyển hàng mỗi tháng một lần có thể sửa thành chuyển mỗi tuần một lần.
Có thể kể một số tu chính án hiến pháp nổi tiếng như Tu chính án Hiến pháp Đầu tiêm của Hoa Kỳ bổ sung quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do báo chí; Tu chính án Hiến pháp Thứ ba của Ireland tạo điều kiện cho nước này tham gia Liên minh châu Âu, Tu chính án Hiến pháp của Đức như là một phần trong quá trình tái thống nhất nước Đức.

22. Anarchy/Anarchism – Vô chính phủ

 Vô chính phủ là một hệ tư tưởng triết học chính trị bao trùm các học thuyết và thái độ ủng hộ việc loại bỏ tất cả các chính quyền cưỡng ép, nghĩa là nhà nước. Trong các ngôn ngữ châu Âu, thuật ngữ vô chính phủ xuất phát từ tiếng Hy Lạp: “anarcho”, nghĩa là “không có người cai trị” do “an – không có” và từ “arche-cai trị). Đây là quan điểm rằng xã hội có thể và nên được tổ chức mà không cần nhà nước cưỡng ép”. Những người vô chính phủ cụ thể có thể có những quan điểm khác nhau về việc chủ nghĩa vô chính phủ phải bao gồm những tiêu chí nào và họ thường không thống nhất được với nhau về những tiêu chí này. Không có một quan niệm mang tính định nghĩa duy nhất nào mà tất cả những người vô chính phủ đều đồng ý, ngoài việc tất cả đều bác bỏ chính phủ cưỡng ép.
Vô chính phủ là triết lý chính trị ủng hộ các xã hội tự quản dựa trên các thiết chế tự nguyện. Những xã hội này thường được mô tả là xã hội không có nhà nước, mặc dù một số tác giả đưa ra định nghĩa cụ thể hơn: Các thiết chế dựa trên các hiệp hội tự do không phân cấp. Chủ nghĩa vô chính phủ cho rằng nhà nước là không đáng mong muốn, không cần thiết hoặc có hại. Trong khi bài nhà nước là tư tưởng trung tâm, chủ nghĩa vô chính phủ kéo theo thái độ chống đối thẩm quyền hoặc tổ chức phân cấp trong tất cả các mối quan hệ giữa người với người, chứ không chỉ giới hạn trong hệ thống nhà nước.
Các trường phái tư tưởng vô chính phủ có thể khác nhau về cơ bản, từ chủ nghĩa cá nhân cực đoan đến chủ nghĩa tập thể toàn diện. Chủ nghĩa vô chính phủ thường được coi là hệ tư tưởng cánh tả cực đoan; phần lớn kinh tế học vô chính phủ và triết lý luật pháp vô chính phủ phản ánh diễn giải theo lối chống nhà nước của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tập thể, Chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ. Một số người vô chính phủ theo chủ nghĩa cá nhân đồng thời là những người xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản trong khi một số người cộng sản vô chính phủ lại đồng thời là người theo chủ nghĩa cá nhân hoặc những người ích kỷ. Một số người vô chính phủ về cơ bản là phản đối mọi dạng cưỡng ép, trong khi những người khác ủng hộ việc sử dụng một số biện pháp cưỡng ép, trong đó có cách mạng bạo lực, trong quá trình tiến tới tình trạng vô chính phủ.
Từ những năm 1890, thuật ngữ chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) được người ta sử dụng như từ đồng nghĩa với chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) và cho đến năm 1950, ở Hoa Kỳ, hầu như chỉ được sử dụng theo nghĩa này. Năm đó, những người theo chủ nghĩa tự do “cổ điển” ở Hoa Kỳ bắt đầu gọi mình là những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và từ đó, cần phải phân biệt triết lý cá nhân chủ nghĩa và ủng hộ tư bản của họ với chủ nghĩa vô chính phủ xã hội chủ nghĩa. Do đó, triết lý cá nhân chủ nghĩa và ủng hộ tư bản thường được gọi là chủ nghĩa tự do hữu khuynh còn chủ nghĩa vô chính phủ xã hội chủ nghĩa thì được gọi là chủ nghĩa xã hội tự do cá nhân, chủ nghĩa tự do cá nhân xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa tự do cá nhân tả khuynh và chủ nghĩa vô chính phủ tả khuynh. Những người theo chủ nghĩa tự do hữu khuynh lại được chia thành những người ủng hộ nhà nước tối thiểu và những người theo chủ nghĩa tư bản vô chính phủ. Bên ngoài những nước nói tiếng Anh, chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) thường bị người ta coi là chủ nghĩa vô chính phủ tả huynh.

23. Anarcho‐syndicalism – Chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ

Đây là một nhánh của chủ nghĩa vô chính phủ, có ảnh hưởng tương đối mạnh ở Pháp hồi đầu thế kỉ XX và ở Tây Ban Nha trong thời nội chiến.
Chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ là triết lý chính trị và trường phái tư tưởng vô chính phủ coi chủ nghĩa công đoàn cách mạng hay chủ nghĩa công đoàn là phương pháp để người lao động trong xã hội tư bản giành quyền kiểm soát kinh tế và do đó kiểm soát ảnh hưởng trong xã hội rộng lớn hơn. Những người theo phái công đoàn coi lý thuyết kinh tế của họ là chiến lược nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự hoạt động và như một hệ thống kinh tế hợp tác thay thế với các giá trị dân chủ và sản xuất hướng tới đáp ứng nhu cầu của con người.
Các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ là đoàn kết, hành động trực tiếp (hành động mà không có sự can thiệp của các bên thứ ba như chính trị gia, quan chức và trọng tài) và dân chủ trực tiếp, hoặc tự quản của công nhân. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa công đoàn là xóa bỏ hệ thống tiền lương, coi đó là chế độ nô lệ ăn lương. Do đó, lý thuyết công đoàn vô chính phủ thường tập trung vào phong trào lao động.
Những người theo phái công đoàn vô chính phủ coi mục đích chính của nhà nước là bảo vệ tài sản tư nhân, và do đó, bảo vệ đặc quyền kinh tế, xã hội và chính trị, không cho phần lớn công dân của mình được hưởng độc lập vật chất và quyền tự chủ xã hội do độc lập về kinh tế mà ra.

24. Anglo‐Saxon Capitalism – Chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon

Mô hình Anglo-Saxon hay Chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon capitalism (gọi như thế vì được thực hành ở các nước nói tiếng Anh như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Australia và Ireland) là mô hình tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong những năm 1970, trên nền tảng của trường phái kinh tế học Chicago. Tuy nhiên, khởi nguồn của nó là từ thế kỉ XVIII, ở Vương quốc Anh, dưới ảnh hưởng của tư tưởng của nhà kinh tế học Adam Smith.

Đặc điểm chính của mô hình này là ít quy định về quản lý và thuế khóa thấp, lĩnh vực công cung cấp ít dịch vụ. Mô hình này còn có nghĩa là quyền sở hữu tài sản tư nhân được pháp luật bảo đảm, buộc thi hành hợp đồng, dễ dàng trong việc làm ăn cũng như có ít rào cản đối với thương mại tự do.

25. Animal Rights – Quyền của động vật

Quyển của động vật là ý tưởng cho rằng tất các các con vật đều có quyền sống và những quyền lợi căn bản nhất của chúng nên được quan tâm tương tự như quyền lợi của con người. Nghĩa là các con vật cũng có quyền được đối xử như những cá thể riêng biệt, với những ước muốn và nhu cầu của chúng chứ không phải là tài sản vô tri vô giác. Những người ủng hộ quyền của động vật khẳng định rằng không được coi động vật là tài sản hoặc được sử dụng làm thực phẩm, quần áo, đối tượng nghiên cứu, giải trí hoặc dung làm sức kéo. Nhiều truyền thống văn hóa trên khắp thế giới như Jainism, Đạo giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Thần đạo và Thuyết vật linh cũng tán thành một số hình thức của quyền động vật.

26. Antarctic Treaty – Hiệp ước Nam Cực

Hiệp ước Nam Cực và các hiệp định liên quan, gọi chung là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực (gọi tắt là ATS), là các hiệp ước điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các quốc gia đối với châu Nam Cực, châu lục duy nhất trên Trái Đất không có người bản địa sinh sống. Căn cứ theo mục đích của hệ thống hiệp ước, châu Nam Cực được định nghĩa là toàn bộ vùng đất và khối băng phía Nam 60 độ vĩ Nam.
Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào năm 1961 và có 47 quốc gia thành viên bảo vệ châu Nam Cực vì mục đích tự do nghiên cứu khoa học và nghiêm cấm các hoạt động quân sự trên châu lục này. Hiệp ước Nam Cực là điều ước quốc tế kiểm soát vũ trang đầu tiên được thiết lập trong thời Chiến tranh Lạnh. Từ tháng 9/2004, Ban thư ký Hiệp ước Nam Cực có trụ sở tại Buenos Aires, Argentina.
Hiệp ước bắt đầu được các quốc gia ký kết tham gia vào ngày 1/12/1959 và chính thức có hiệu lực từ ngày 23/6/1961. Những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết hiệp ước là những nước tích cực hoạt động trong Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (International Geophysical Year – IGY) 1957-1958 và sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ về hội nghị đàm phán về chính hiệp ước này. Lúc đó, 12 quốc gia có quan tâm rõ ràng đến khu vực này, trong đó có Argentina, Australia, Bỉ, Chile, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Nam Phi, Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ. Các quốc gia này đã thiết lập hơn 50 trạm nghiên cứu tại châu Nam Cực. Hiệp ước là một biểu hiện ngoại giao thành công cho việc hợp tác hoạt động cũng như khoa học ở khu vực này.
Mục tiêu chính của hệ thống hiệp ước là đảm bảo lợi ích của toàn nhân loại tại châu Nam Cực được duy trì và sử dụng riêng cho các mục đích hòa bình và tránh biến khu vực này thành mâu thuẫn hoặc tranh chấp quốc tế. Hiệp ước nghiêm cấm bất cứ biện pháp có tính chất quân sự nhưng quân đội vẫn được cho phép xuất hiện trong khu vực này.

27. Anthropocentrism – Chủ nghĩa duy con người

Anthropocentrism có xuất xứ từ hai từ Hy Lạp cổ là “ánthrōpos – con người” và “kéntron – trung tâm”, là niềm tin cho rằng con người là thực thể quan trọng nhất trong vũ trụ. Chủ nghĩa này diễn giải hay đánh giá thế giới dựa trên các giá trị và kinh nghiệm của con người. Quan điểm này còn được gọi là lấy con người là trung tâm, lấy con người là gốc, coi con người là ngoại lệ hay sự ưu việt của con người. Một số nền văn hóa đặc biệt thể hiện rõ nét quan điểm này.
Chủ nghĩa duy con người đã được một số nhà bảo vệ môi trường thừa nhận, như tác phẩm Confessions of an Eco-Warrior của Dave Foreman và Green Rage của Christopher Manes, nói rằng vì sao loài người chiếm ưu thế và cần “khai thác” phần lớn Trái Đất. Chủ nghĩa duy con người cũng được nhiều người cầm bút khác cho là nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng sinh thái, quá tải dân số, và sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật.

28. Anthropology – Nhân loại học

Nhân loại học là ngành nghiên cứu nhiều khía cạnh của loài người trong các xã hội quá khứ và hiện tại. Nhân loại học xã hội và nhân loại học văn hóa nghiên cứu các chuẩn mực và giá trị xã hội. Nhân học ngôn ngữ nghiên cứu về cách mà ngôn ngữ tác động tới đời sống xã hội. Nhân loại học sinh học hay nhân loại học hình thể nghiên cứu về sự phát triển sinh học của con người.
Khảo cổ học, lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nhân loại trong quá khứ thông qua khảo cứu các chứng tích thể lý, được coi là một nhánh của nhân loại học tại Hoa Kỳ, trong khi tại châu Âu, nó được coi là một ngành riêng biệt hoặc được nhóm vào ngành khác như lịch sử.
Trong các tiếng châu Âu, thuật ngữ “nhân loại học” bắt nguồn từ các từ trong tiếng Hy Lạp là anthropos có nghĩa là “con người” và logos có nghĩa là “nghiên cứu”.
Nhân loại học thường được phân ra thành 4 phân ngành cơ bản là
a. Nhân học hình thể (physical anthropology)
b. Nhân loại học văn hoá-xã hội (socio-cultural anthropology) tổng hợp từ hai nhánh nghiên cứu từ Mỹ và Anh là Nhân loại học văn hoá (cultural anthropology) và Nhân loại học xã hội (social anthropology). Ngành Dân tộc học, đặc biệt là ở Việt Nam, thường được coi như tương đương với phân ngành nhân học loại văn hoá-xã hội. Tuy nhiên, lưu ý rằng mục tiêu của hai ngành học về cơ bản là khác nhau.
c. Khảo cổ học (archeology) và
d. Nhân loại học ngôn ngữ (Linguistic anthropology).

Khoảng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, nhiều phân ngành mới đã hình thành như nhân học ứng dụng. Nhân học ứng dụng tập hợp các nhà nhân loại học làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Họ tìm cách ứng dụng các lý thuyết nhân học vào giải thích và giải quyết các vấn đề cụ thể: lĩnh vực phát triển, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế và sức khỏe… Điều này tạo ra các phân ngành của nhân học ứng dụng như Nhân loại học y tế; Nhân loại học sinh thái và môi trường; Nhân loại học kinh tế; Nhân loại học đô thị; Nhân loại học phát triển; Nhân loại học giáo dục.

Tuy có những khác biệt về đối tượng, mục đích và cách tiếp cận nghiên cứu cụ thể nhưng tất cả các phân ngành của nhân loại học đều có quan hệ với nhau, đều cố gắng tìm hiểu bản chất sinh học và văn hoá của con người, đều nhấn mạnh tới vai trò của văn hoá và các phương pháp tiếp cận được áp dụng đều mang tính so sánh. Một trong số các phương pháp thường dùng trong nghiên cứu là Dân tộc ký.

29. Anti‐Ballistic Missile Treaty (ABM) – Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo

Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo là hiệp ước được ký kết giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, nhằm mục đích hạn chế việc sử dụng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trong khu vực phòng vệ chống lại các tên lửa mang vũ khí hạt nhân. Vào ngày 26 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev đã ký hiệp ước ABM. Hiệp ước này có hiệu lực trong 30 năm, từ năm 1972 đến năm 2002. Vào ngày 13 tháng 6 năm 2002, Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp ước.
Hiệp ước ABM đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, ra đời vào thời điểm khi cuộc chạy đua vũ trang đã lên tới đỉnh điểm, khi kho vũ khí hạt nhân đã lên tới con số hàng chục nghìn đầu đạn, hiệp ước ABM có thể coi là hòn đá tảng duy trì sự cân bằng hạt nhân giữa hai siêu cường Liên Xô – Mỹ, từ đó hình thành thế ổn định chiến lược toàn cầu, đặt nền móng cho việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sau này.
Điểm mấu chốt trong Hiệp ước ABM là quy định hạn chế quy mô các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Trong khi không đề cập đến thực trạng kho vũ khí hạt nhân của đôi bên, hiệp ước ABM tập trung vào việc giới hạn hệ thống chống tên lửa, chỉ cho phép Liên Xô và Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ với không quá 100 tên lửa đánh chặn xung quanh thủ đô Moskva và Washington D.C.. Với số lượng hạn chế như vậy, mặc dù Liên Xô và Mỹ không ngừng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng trên thực tế, chất không bên nào có khả năng chống trả các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương, nó buộc cả hai bên phải kiềm chế, bởi bất cứ hành động thiếu thận trọng nào trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa với việc tự sát.
Hiệp ước ABM còn quy định Liên Xô và Mỹ không được nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa mới ngoài những gì đã có, từ đó mà giảm đến mức tối đa sức ép chạy đua vũ trang do nguy cơ xuất hiện những hệ thống chống tên lửa mới có khả năng vô hiệu hóa tiềm năng hạt nhân của đối phương.

30. Anomie – Loạn chuẩn

Anomie có xuất từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là: “an – thiếu vắng” và “nomos – luật lệ”. Do đó, có thể hiểu đây là khái niệm chỉ sự rối loạn, sự vô tổ chức do các cá nhân không tuân thủ các qui tắc, các chuẩn mực xã hội hay có thể gọi là loạn chuẩn. Loạn chuẩn có thể xảy ra do xung đột của các hệ thống niềm tin và phá vỡ các liên kết xã hội giữa cá nhân và cộng đồng.

31. Anti-clericalism – Phong trào chống giáo quyền

Chủ nghĩa chống giáo quyền là chống lại quyền lực của tôn giáo, điển hình là trong các vấn đề xã hội hoặc chính trị. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa chống giáo quyền chủ yếu chống lại ảnh hưởng của Công giáo La Mã. Chủ nghĩa chống giáo quyền có liên quan đến chủ nghĩa thế tục, tức là phong trào tìm cách đưa nhà thờ khỏi mọi khía cạnh của đời sống công cộng và chính trị, và việc can thiệp của nhà thờ vào cuộc sống hàng ngày của công dân.
Một số người phản đối giới giáo sĩ trên cơ sở suy đồi về đạo đức, các vấn đề về thiết chế và/hoặc bất đồng trong lý giải tôn giáo, ví dụ, trong Cải cách Tin lành. Chủ nghĩa chống giáo quyền đã trở thành hiện tượng cực kỳ bạo lực trong cuộc Cách mạng Pháp vì các nhà cách mạng nói rằng nhà thờ đóng vai trò nòng cốt trong các hệ thống áp bức. Nhiều giáo sĩ đã bị giết, các chính phủ cách mạng Pháp cố gắng kiểm soát các linh mục bằng cách biến họ thành nhân viên nhà nước.
Chủ nghĩa chống giáo quyền xuất hiện ở Châu Âu Công giáo trong suốt thế kỷ XIX, và sau đó ở Canada, Cuba và Mỹ Latinh, dưới những hình thức khác nhau.

32. Anti-globalization movement – Phong trào chống toàn cầu hoá

Phong trào chống toàn cầu hoá là một phong trào xã hội phê phán toàn cầu hóa kinh tế. Phong trào này cũng thường được gọi là phong trào công lý toàn cầu, phong trào thay đổi toàn cầu hóa, phong trào chống lại những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, phong trào toàn cầu chống doanh nghiệp hay phong trào chống toàn cầu hóa tân tự do.
Những người tham gia phong trào này cùng phản đối các tập đoàn lớn, đa quốc gia có quyền lực chính trị không được kiểm soát – thông qua các hiệp định thương mại và các thị trường tài chính không ai kiểm soát nổi. Cụ thể, các công ty bị cáo buộc tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm các điều kiện và tiêu chuẩn an toàn lao động, giảm tiêu chuẩn tuyển dụng lao động và bồi thường, giảm các nguyên tắc bảo vệ môi trường và xâm phạm tính toàn vẹn của cơ quan lập pháp, xâm phạm độc lập và chủ quyền quốc gia.
Nhiều nhà hoạt động chống toàn cầu hóa không phản đối toàn cầu hoá nói chung và kêu gọi các hình thức hội nhập toàn cầu với nhiều đại diện dân chủ hơn, thúc đẩy nhân quyền, thương mại công bằng, phát triển bền vững và do đó, cho rằng thuật ngữ “chống lại toàn cầu hóa” có thễ dẫn tới hiểu lầm.

33. Antisemitism – Chủ nghĩa bài Do Thái

Chủ nghĩa bài Do Thái là thái độ thù địch hoặc thành kiến, hay phân biệt đối xử đối với người Do Thái, được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ căm ghét cá nhân cho đến các hành động khủng bố bạo lực được thể chế hóa. Ví dụ cực đoan nhất của hiện tượng này là hệ tư tưởng của chủ nghĩa Phát xít của Adolf Hitler – dẫn đến cuộc diệt chủng người Do Thái ở châu Âu, gọi là Holocaust. Chủ nghĩa bài Do Thái thường được coi là một hính thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Mặc dù, trước thế kỉ XIX, thuật ngữ này chưa thông dụng, nhưng hiện nay nó cũng được áp dụng cho các sự kiện chống Do Thái trong quá khứ. Những vụ bức hại đáng chú ý: Vụ thảm sát ở Rhineland (miền Tây nước Đức) trước cuộc Thập tự chinh Thứ nhất năm 1096, Đạo luật trục xuất người Do Thái khỏi Anh năm 1290, các vụ thảm sát người Do Thái Tây Ban Nha năm 1391, những cuộc bức hại của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha, trục xuất khỏi Tây Ban Nha năm 1492, những vụ tàn sát do dân Cossack tiến hành ở Ukraine từ 1648 đến 1657, nhiều vụ giết hại và cướp bóc Do Thái (gọi là pogrom) trong Đế quốc Nga từ năm 1821 đến năm 1906, sự kiện Dreyfus ở Pháp ở Pháp từ năm 1894 đến năm 1906, Holocaust ở những nước châu Âu bị Đức xâm lược trong Thế chiến II, chính sách bài Do Thái của Liên Xô; chính sách bài Do Thái của Ả Rập và các nước Hồi giáo tạo ra cuộc di cư (gọi là exodus) của người Do Thái khỏi các nước Ả Rập và Hồi giáo.

34. Anti-system party – Đảng chống hệ thống

Đảng chống hệ thống là đảng chính trị muốn thay đổi hoặc phá hủy hệ thống chính trị đang là môi trường hoạt động của nó. Trong những năm 1950 và 1960 nhiều người sử dụng thuật ngữ này để mô tả các đảng phát xít, cộng sản. Hiện nay ít người sử dụng thuật ngữ này, vì được cho là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt là, từ năm 1945, hầu hết các đảng cộng sản không còn là đảng chống lại hệ thống, theo bất kỳ ý nghĩa nào của thuật ngữ này.

35. ANZUS – Khối ANZUS

ANZUS là khối quân sự bao gồm Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, được kí kết vào năm 1951. Mục tiêu là hợp tác phòng thủ trước các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương, tuy nhiên ngày này nghĩa này được hiểu rộng ra với bất kỳ cuộc tấn công nào trên thế giới. Ban đầu đây là hiệp ước đầy đủ giữa cả ba nước. Tuy nhiên sau cuộc tranh cãi giữa Mỹ và New Zealand về quyền cập cảng New Zealand của các tàu chiến vũ trang hạt nhân Mỹ năm 1984 thì hiệp ước không còn hiệu lực giữa Mỹ và New Zealand nữa. Mặc dù vậy hiệp ước vẫn còn hiệu lực giữa New Zealand và Úc. Năm 2000, Hoa Kỳ lại mở các cảng của mình cho Hải quân Hoàng gia New Zealand, và dưới thởi tổng thống Bill Clinton ở Hoa Kỳ và chính phủ của Helen Clark ở New Zealand, các nước đã thiết lập lại hợp tác song phương về quốc phòng và an ninh vì hòa bình thế giới.
Các hoạt động của khối quân sự này chủ yếu diễn ra giữa hai nước Mỹ và Úc. Các cơ quan phụ trách hệ thống phòng thủ của cả hai nước thường tham gia các cuộc họp thường niên. Cuộc họp này do tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương và tổng chỉ huy lực lượng phòng vệ quốc gia của Australia đứng đầu và chủ trì. Ngoài ra còn có các cuộc thảo luận dân sự và quân sự thường xuyên ở cấp thấp hơn. Các cuộc họp hàng năm bàn về vấn đề phòng thủ của ANZUS diễn ra giữa bộ ngoại giao hai nước, viết tắt là AUSMIN.
Khác với NATO, ANZUS không có cơ cấu phòng thủ phối hợp hay lực lượng chuyên biệt nào. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Australia thường tiến hành các hoạt động chung khá đa dạng. trong đó có tập trận chung trên biển, đối phó với tình huống đổ bộ, tham gia trao đổi và huấn luyện sĩ quan, chuẩn hóa trang thiết bị và học thuyết quân sự. Hai nước cũng tham gia tổ chức vài cơ sở phòng thủ ở Australia, chủ yếu là các trạm mặt đất cho vệ tinh tình báo và trạm thu thập thông tin tình báo từ Đông Nam Á và Đông Á, đây là một phần của hệ thống ECHELON.
Trong lịch sử, 3 nước đã cùng nhau tham gia nhiều vụ việc như chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên, phong trào ly khai ở Malaysia, ly khai của Đông Timo, xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố.

36. Apartheid – Chính sách phân biệt chủng tộc ở Nam Phi trước đây

Chính sách phân biệt chủng tộc trước đây ở Nam Phi và Tây Nam Phi (Namibia): Phân chia chủng tộc giữa thiểu số người da trắng và phần đông dân số người da đen. Đảng Quốc gia Nam Phi (National Party) đã tiến hành chính sách Apartheid trong chiến dịch tranh cử của họ cho cuộc bầu cử năm 1948. Đảng Quốc gia Nam Phi thắng cử, Apartheid đã trở thành chính sách chính trị tại Nam Phi từ năm 1948 tới năm 1990. Nói rộng ra, thuật ngữ này hiện đang được sử dụng cho các hình thức phân biệt chủng tộc có hệ thống, được thành lập bởi các cơ quan nhà nước trong một quốc gia, chống lại các quyền và xã hội dân sự của một nhóm nào đó của công dân, do định kiến về dân tộc. Theo chính sách này, người da trắng có địa vị xã hội cao nhất, rồi đến người châu Á, người da màu, cuối cùng là người da đen.

Chính sách phân biệt chủng tộc gây ra làm sóng phản kháng mạnh mẽ ở trong nước và trên trường quốc tế, kết quả là đã tạo ra phong trào xã hội toàn cầu có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất torng thế kỉ XX. Từ những năm 1950, nhà cầm quyền đã phản ứng trước một loạt các cuộc nổi dậy và phản đối bằng cách cấm cố và bỏ tù các nhà lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc. Khi tình trạng bất ổn lan rộng và trở nên căng thẳng hơn, hoạt động quân sự tiếp tục leo thang, các tổ chức nhà nước đàn áp tàn bạo hơn. Cùng với các biện pháp trừng phạt được cộng đồng quốc tế áp dụng đối với Nam Phi, làm cho chính phủ ngày càng khó khăn, không thể tiếp tục duy trì chế độ này. Cải cách chế độ phân biệt chủng tộc trong những năm 1980 không dập tắt nổi phong trào chống đối, tổng thống Frederik Willem de Klerk bắt đầu quá trình xóa bỏ phân biệt chủng tộc với việc trả lại tự do cho các cố vấn của Mandela và một số tù nhân chính trị khác trong tháng 10 năm 1989; năm 1990 ông bắt đầu đàm phán để chấm dứt tệ phân biệt chủng tộc mà đỉnh cao là cuộc bầu cử dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994, với chiến thắng của Đại hội Dân tộc Phi (ANC) do Nelson Mandela lãnh đạo. Mặc dù chế độ phân biệt chủng tộc đã chính thức bị bãi bỏ, nhưng hậu quả kinh tế và xã hội của chính sách này còn kéo dài cho đến tận ngày nay.

37. Apparat – Bộ máy

Apparat là từ gốc Nga, có nghĩa là bộ máy quản lí hành chính nhà nước. Trong tiếng Anh người ta dùng để chỉ bộ máy quan liêu đặc quyền đặc lợi, vô danh nhưng có quyền sinh quyền sát của đảng cộng sản, các thành viên của bộ máy này được gọi là apparatchiki. Trong diễn ngôn thời Liên Xô cũ, từ này không phải lúc nào cũng có nghĩa tiêu cực. Đấy có thể là các ủy ban của Hội đồng Bộ trưởng hay các ủy ban của nhà nước như Tổng cục kế hoạch (Gosplan), Tổng cục vật tư – Kĩ thuật (Gossnap) – các cơ quan ban hành các quy định và hướng dẫn cho những cơ quan khác (cá bộ) – là những cơ quan có trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Nhâm viên của các bộ này được gọi là khozyaystvenniki.

38. Apparentement – Liên minh giữa các đảng

Ở Pháp, pháp luật công nhận liên minh giữa các đáng phái (L’apparentement). Trước cuộc bầu cử cơ quan lập pháp năm 1951, các đảng trung tâm đang cầm quyền áp dụng những thay đổi trong hệ thống bầu cử nhằm giảm thiểu áp lực từ hai cánh chính trị cực đoan là Gaullist và cộng sản, cả hai đều chống đối chế độ và đều kì vọng là sẽ được lợi nhờ hệ thống bầu cử theo tỉ lệ – đảng mạnh nhất giành được nhiều ghế nhất. Bằng cách thay đổi luật cho phép thành lập liên minh hay L’apparentement các đảng trung tâm có thể gom phiếu bầu và giành được tối đa số ghế và có đa số đại biểu trong cơ quan lập pháp.

39. Appeasement – Chính sách nhượng bộ

Nhượng bộ về vật chất và chính trị cho những thế lực độc tài nhằm tránh cuộc xung đột có thể xảy ra. Thuật ngữ này chủ yếu được dùng trong chính sách ngoại giao của các đời Thủ tướng Anh Ramsay MacDonald, Stanley Baldwin và nổi tiếng nhất là Neville Chamberlain với Đức Quốc xã và phát xít Italy từ 1935 đến năm 1939
Đầu những năm 1930, những nhượng bộ như vậy được coi là tích cực vì người ta chưa quên những tàn phá và thiệt hại cả về nhân mạng lẫn tài sản do Thế chiến I gây ra, đồng thời có một số người nghĩ rằng đã không công bằng khi Hiệp ước Versailles cư xử với Đức một cách đầy thù hận và cho rằng chủ nghĩa phát xít là lực lượng chống cộng có ích, cần phải tận dụng. Tuy nhiên, khi Hiệp ước Munich được kí kết, Đảng Lao động và một ít người bất đồng chính kiến theo phái bảo thủ như Thủ tướng tương lai Winston Churchill, Bộ trưởng Ngoại giao War Duff Cooper, và Thủ tướng tương lai Anthony Eden đã đứng lên phản đối. Chính sách nhượng bộ được giới thượng lưu Anh, trong đó có hoàng gia, các doanh nghiệp lớn, Viện nguyên lão và các phương tiện truyền thông như BBC và tờ The Times ủng hộ.
Khi ngày càng có nhiều những lời cảnh báo về sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, Chamberlain sử dụng bộ máy kiểm duyệt để kiểm soát dư luận. Sau khi Hiệp ước München – giữa Đức, Anh, Pháp và Italy được kí vào ngày 30 tháng 9 năm 1938, Chamberlain tuyên bố rằng ông đã bảo vệ “hòa bình cho thời đại chúng ta”.
Chính sách tránh chiến tranh với Đức đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của các học giả, chính trị gia và ngoại giao trong suốt 70 năm qua. Các nhà sử học có nhiều ý kiến trái chiều, từ phê phán việc để cho nước Đức của Adolf Hitler phát triển quá mạnh, cho đến đánh giá rằng Chamberlain không có sự lựa chọn nào khác và đã hành động dựa theo những lợi ích tốt nhất của nước Anh. Năm 2019 nhà sử học Andrew Roberts khẳng định: “Hiện nay, ở Anh, quan điểm được nhiều người chấp nhận là họ đã đúng vì chí ít là đã cố gắng… Nước Anh không tham chiến suốt nhiều tháng trời, thừa nhận rằng chưa sẵn sàng đối đầu trực diện với Đức trong chiến trận. Nước này ngồi yên và theo dõi cuộc xâm đổ bộ vào nước Pháp, sau đó 4 năm mới hành động”.

40. Appellate jurisdiction

 – Thẩm quyền của tòa án cấp cao được xem xét lại phán quyết của một tòa cấp dưới.

41. Apportionment – Phân bổ ghế trong cơ quan lập pháp

Phân bổ ghế cho các khu vực hoặc các đảng phái trong hệ thống bầu cử theo tỉ lệ.

Phân bổ theo lãnh thổ là quá trình điều chỉnh lại số ghế cho các đơn vị nhằm phản ánh sự thay đổi dân cư. Theo hiến pháp Mỹ, ghế tại hạ viện cho từng bang cứ 10 năm lại được điều chỉnh một lần (sau điều tra dân số). Ủy ban Biên giới ở Anh cứ 12 đến 15 năm lại điều chỉnh một lần.

42. Appropriation – Phân bổ ngân sách

Phân bổ ngân sách là các quan chức phân bổ tiền bạc cho những mục đích nhất định. Cơ quan lập pháp kiểm soát việc thu và chi ngân quỹ được coi là đòi hỏi cốt lõi của chế độ dân chủ. Vế lý thuyết nghị sĩ không có chân trong chính phủ trong Viện Thứ Dân ở Anh có thể cắt hoặc bác bỏ đề nghị phân bổ ngân sách, nhưng họ không có quyền đề xuất ngân sách khi chưa được nhánh hành pháp đồng ý. Ở Hoa Kỳ không có những hạn chế như thế, cơ quan lập pháp hoàn toàn kiểm soát việc phân bổ ngân sách (trừ khi bị Tổng thống phủ quyết) là tường thành bảo vệ cho quyền lực của nhánh lập pháp.

43. Approval voting – Bỏ phiếu tán thành

Bỏ phiếu tán thành là hệ thống bầu cử với một người chiến thắng, trong đó mỗi cử tri có thể chọn bao nhiêu ứng cử viên cũng được. Người được nhiều người chọn nhất là người chiến thắng.

44. Arab-Israeli conflict – Xung đột Ả Rập-Israel 

là những hành vi thù địch và căng thẳng chính trị đã kéo dài khoảng một thế kỷ. Nó liên quan tới việc thành lập Nhà nước Israel hiện đại, cũng như việc thành lập và độc lập của nhiều quốc gia Ả Rập trong cùng thời kỳ, và mối quan hệ giữa các nước Ả Rập và Israel.
Một số người sử dụng thuật ngữ “Xung đột Trung Đông” để chỉ vấn đề này; tuy nhiên, đây là vùng đã xảy ra nhiều cuộc xung đột không có sự tham gia của Israel. Từ năm 1979, nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran (không phải quốc gia Ả Rập, không nổi bật trên bản đồ thế giới) cũng dính líu vào cuộc xung đột này.
Dù chỉ xảy ra trên một diện tích địa lý và với số lượng thương vong khá nhỏ, cuộc xung đột đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế cũng như sự chú ý của giới ngoại giao trong nhiều thập kỷ, có lẽ bởi trữ lượng dầu mỏ to lớn trong vùng, dù Israel không có bất kỳ mỏ dầu nào, Liban cũng như Chính quyền Palestine cũng không có. Hơn nữa, nhiều quốc gia, cá nhân và các tổ chức phi chính phủ từ khắp nơi trên thế giới đều cảm thấy mình có liên quan tới cuộc xung đột này vì những lý do như quan hệ văn hóa và tôn giáo với Đạo Hồi, văn hóa Ả Rập, Kitô giáo, Do Thái giáo hay Văn hóa Do Thái, hay vì ý thức hệ, nhân quyền, chiến lược hay các lý do tài chính khác.
Vì Israel là một chế độ dân chủ với hệ thống báo chí tự do, truyền thông được phép tiếp cận cuộc xung đột và nhờ thế cuộc xung đột cũng được tường thuật nhiều hơn. Một số người coi cuộc xung đột Ả Rập-Israel là một phần của cuộc xung đột giữa các nền văn minh lớn hơn giữa Thế giới phương Tây và Ả Rập hay Thế giới Hồi giáo. Những người khác cho rằng sự liên quan tôn giáo là một vấn đề khá mới trong cuộc xung đột này. Cuộc xung đột này đã gây ra tình trạng thù địch và nhiều cuộc tấn công lẫn nhau từ phía những người ủng hộ (hay được cho là ủng hộ) từ các bên đối nghịch tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

45. Arab League – Liên đoàn Ả Rập

Liên đoàn Ả Rập, tên chính thức là Liên đoàn Các quốc gia Ả Rập, là tổ chức khu vực của các quốc gia Ả Rập nằm tại và xung quanh Bắc Phi, Sừng châu Phi và bán đảo Ả Rập. Tổ chức được thành lập tại Cairo vào ngày 22 tháng 3 năm 1945 với sáu thành viên: Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Iraq, Jordan, Liban và Syria. Yemen gia nhập vào ngày 5 tháng 5 năm 1945. Hiện nay, Liên đoàn có 22 thành viên, song quyền tham gia của Syria bị đình chỉ kể từ tháng 11 năm 2011 do đàn áp của chính phủ nước này trong Nội chiến Syria.
Mục tiêu chính của Liên đoàn là “thắt chặt quan hệ giữa các quốc gia thành viên và phối hợp, hợp tác, nhằm đảm bảo độc lập và chủ quyền, và nhằm xem xét một cách tổng quát các công việc và lợi ích của các quốc gia Ả Rập”.
Thông qua các tổ chức như Tổ chức Giáo dục, Văn hoá và Khoa học của Liên đoàn Ả Rập (ALECSO) hay Hội đồng Thống nhất Kinh tế Ả Rập (CAEU), Liên đoàn Ả Rập tạo thuận tiện cho các chương trình chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và xã hội nhằm thúc đẩy các lợi ích của thế giới Ả Rập. Nó còn là một diễn đàn cho các quốc gia thành viên hợp tác trong lĩnh vực chính sách, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, nhằm giải quyết một số tranh chấp trong nội bộ các nước Ả Rập và hạn chế các xung đột. Liên đoàn có vai trò là nền tảng cho việc soạn thảo và ký kết nhiều văn kiện có tính bước ngoặt nhằm xúc tiến hội nhập kinh tế; điển hình là Hiến chương cùng hành động kinh tế Ả Rập, phác thảo nguyên tắc về các hoạt động kinh tế trong khu vực.
Mỗi quốc gia thành viên có một phiếu trong Hội đồng Liên đoàn, và các quyết định chỉ có tính rằng buộc đối với các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ. Các mục tiêu của liên đoàn vào năm 1945 là nhằm củng cố và hợp tác về các chương trình chính trị, văn hoá, kinh tế và xã hội của các thành viên và hòa giải các tranh chấp giữa họ với nhau hoặc giữa họ với bên thứ ba. Hơn nữa, việc ký kết thoả thuận về Hợp tác Quốc phòng và Kinh tế chung vào ngày 13 tháng 4 năm 1950 cam kết rằng các bên ký kết sẽ hợp tác về các biện pháp phòng thủ quân sự. Đến tháng 3 năm 2015, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập tuyên bố thành lập Lực lượng Ả Rập chung nhằm mục tiêu chống lại chủ nghĩa cực đoan và các mối đe doạ khác đối với các quốc gia Ả Rập. Quyết định đạt được trong khi một chiến dịch quân sự quyết liệt diễn ra tại Yemen. Việc tham gia kế hoạch là tự nguyện, và can thiệp vũ trang chỉ diễn ra theo yêu cầu của một trong số các quốc gia thành viên. Nguyên nhân đằng sau việc thành lập lực lượng này là tình trạng quân sự hoá gia tăng trong khu vực, gia tăng các cuộc nội chiến, cũng như các phong trào khủng bố, được quốc gia Vùng Vịnh giàu có tài trợ.
Đến đầu thập niên 1970, Hội đồng Kinh tế của Liên đoàn Ả Rập đề xuất về việc thành lập Phòng Thương mại Ả Rập chung tại các quốc gia châu Âu. Sau đó, các chính phủ Ả Rập quyết định thành lập Phòng Thương mại Ả Rập tại Anh với nhiệm vụ “xúc tiến, khuyến khích và tạo thuận lợi cho mậu dịch song phương” giữa thế giới Ả Rập và đối tác mậu dịch chủ yếu của họ là Anh Quốc.

46. Aristocracy – Chế độ quý tộc

Aristocracy là từ gốc Hy Lạp (aristokratía) có xuất xứ tù hai từ “aristos – tuyệt hảo” và “kratos – cai trị”, nghĩa là chính quyền của những người tốt nhất, là hình thức chính phủ mà quyền lực nằm trong tay giai cấp cai trị không lớn, có nhiều đặc quyền đâc lợi.
Trong thực tế, chế độ quý tộc thường dẫn đến chính phủ cha truyền con nối, sau đó quốc vương cha truyền con nối bổ nhiệm các quan chứa mà họ cho là phù hợp. Tuy nhiên, những người Hy Lạp cổ đại như Aristotle và Plato, sử dụng thuật ngữ này nhằm mô tả hệ thống mà chỉ những công dân tốt nhất, được lựa chọn thông qua một quá trình lựa chọn cẩn thận, sẽ trở thành người cai trị, và nguyên tắc cha truyền con nối đã bị cấm, trừ khi con cái của những người cai trị hoàn thành nhiệm xuất sắc nhất và có những phẩm chất làm cho người đó trở thành người cai trị thì phù hợp hơn các công dân khác. Nguyên tắc cha truyền con nối có liên quan nhiều hơn đến Chính thể đầu sỏ (Oligarchy), một hình thức quý tộc bị tha hóa – một ít người cai trị, nhưng đấy không phải là những người tốt nhất. Plato, Socrates, Aristotle, Xenophon và người Sparta coi chế độ quý tộc (hình thức cai trị lý tưởng do số ít nắm quyền) tốt hơn là hình thức cai trị lý tưởng do nhiều người nắm quyền (Dân chủ), nhưng họ cho rằng chế độ quý tộc tha hóa (Oligarchy) tồi tệ hơn chế độ Dân chủ bị tha hóa. Niềm tin này bắt nguồn từ giả định cho rằng quần chúng chỉ có thể tạo ra chính sách trung bình, trong khi những người giỏi nhất có thể tạo ra chính sách tốt nhất, nếu họ thực sự là người giỏi nhất.
Khi thuật ngữ này mới xuất hiện, người Hy Lạp cổ đại cho rằng đấy là sự cai trị của những công dân có trình độ tốt nhất và thường dùng nó làm đối trọng với chế độ quân chủ – do một người cá nhân. Sau này, chế độ quý tộc thường được coi là sự cai trị của một nhóm đặc quyền đặc lợi – tầng lớp quý tộc – và đối lập với chế độ dân chủ.

47. Arms control – Kiểm soát vũ khí

Kiểm soát vũ khí là một thuật ngữ nói về các biện pháp hạn chế vũ khí trên bình diện quốc tế nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, dự trữ, phổ biến và sử dụng vũ khí loại nhỏ, vũ khí thông thường và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kiểm soát vũ khí thường được thực hiện thông qua con đường ngoại giao nhằm tìm cách áp đặt những biện pháp hạn chế đối với những nước đồng ý tham gia thông qua các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế, mặc dù nó cũng có thể bao gồm những nỗ lực của một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nhằm thực thi những hạn chế đối với quốc gia không đồng ý tham gia.

Các hiệp ước và hiệp định kiểm soát vũ khí thường được coi là biện pháp nhằm tránh các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, đi ngược lại các mục tiêu của quốc gia và hòa bình trong tương lai. Một số hiệp ước được sử dụng nhằm ngăn chặn việc phổ biến một số công nghệ quân sự (như vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ tên lửa) để đổi lấy sự đảm bảo cho các nước có khả phát triển những công nghệ này rằng họ sẽ không trở thành nạn nhân của những công nghệ đó. Ngoài ra, một số hiệp định về kiểm soát vũ khí áp dụng nhằm hạn chế thiệt hại do chiến tranh gây ra, đặc biệt là cho dân thường và môi trường, tức là thiệt hại đối với tất cả những người tham chiến, dù bên nào chiến thắng thì cũng thế.
Trong khi các hiệp ước về kiểm soát vũ khí được nhiều người ủng hộ hòa bình coi là công cụ then chốt trong cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh, trong khi các nước tham gia hiệp thường coi là biện pháp đơn giản nhằm hạn chế chi phí cho việc phát triển và chế tạo vũ khí, và thậm chí giảm chi phí liên quan đến chiến tranh. Kiểm soát vũ khí thậm chí có thể là biện pháp duy trì khả năng gây chiến, vì những vũ khí làm cho chiến tranh trở thành quá tốn kém và phá hủy đến mức không thể được sử dụng làm công cụ để thực thi chính sách của quốc gia.

48. Arms races – Chạy đua vũ trang

Chạy đua vũ trang là khi hai hoặc nhiều quốc gia tham gia vào việc cùng gia tăng hoặc ganh đua với nhau số lượng “những người được trang bị vũ khí” cũng như “vũ khí, khí tài”. Có thể nói đơn giản rằng đấy là cuộc cạnh tranh giữa hai hoặc nhiều quốc gia để có lực lượng vũ trang vượt trội bên kia; cuộc cạnh tranh liên quan đến sản xuất vũ khí, gia tăng lực lượng quân sự và có công nghệ quân sự vượt trội.
Thuật ngữ này cũng được sử dụng để mô tả tình huống cạnh tranh leo thang kéo dài, trong đó mỗi bên dều tập trung vào việc vượt qua đối thủ.

49. Arrow’s Impossibility theorem – Định lý bất khả thi của Arrow

Định luật bất khả thi của Arrow là thuyết lựa chọn xã hội minh họa những sai sót của các hệ thống bỏ phiếu xếp hạng. Xin xem xét ví dụ sau:
1. 45 phiếu A> B> C (45 người thích A hơn B và thích B hơn C)
2. 40 phiếu B> C> A (40 người thích B hơn C và thích C hơn A)
3. 30 phiếu C> A> B (30 người thích C hơn A và thích A hơn B)
Ứng cử viên A có nhiều phiếu bầu nhất, vì vậy A sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, nếu không có B, C sẽ là người chiến thắng, vì nhiều người thích C hơn A. (A sẽ có 45 phiếu và C sẽ có 70). Kết quả này là một minh chứng cho định luật của Arrow.

50. ASEAN – Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á 

(tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines, nhằm biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn trong những nước thành viên. Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng tất cả những nỗ lực đều lâm vào bế tắc vào giữa thập niên 1980. Phải đợi đến năm 1991, khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do, thì Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN mới hình thành. Hàng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (trừ Đông Timor và Papua New Guinea chưa kết nạp, hiện đang giữ vai trò quan sát viên).
ASEAN có diện tích đất 4,46 triệu km², chiếm 3% tổng diện tích đất của Trái Đất, và có dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới. Vùng biển của ASEAN có diện tích gấp ba lần so với vùng đất. Năm 2018, tổng GDP ước tính của tất cả các quốc gia ASEAN lên tới xấp xỉ 2,92 nghìn tỷ USD.Nếu ASEAN là một thực thể duy nhất thì quốc gia đó sẽ xếp hạng 10 trong số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Nga, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Brazil, Anh, và Ý. Dự kiến đến năm 2030, thực thể này sẽ đứng thứ 4 thế giới.
Vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) được thành lập.

50. Asiatic mode of production – Phương thức sản xuất châu Á

Phương thức sản xuất châu Á là một khái niệm của Marx, lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm “Góp phần phê phán chính trị – kinh tế học” của ông – xuất bản tại Luân Đôn năm 1859, trong đó, Marx đã cho rằng “Về đại thể có thể coi các Phương thức sản xuất Châu Á, cổ đại, phong kiến, tư bản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế – xã hội”.
Theo Marx, sản xuất vật chất được tiến hành bằng một phương thức nhất định. Và phương thức sản xuất (PTSX) là cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người. Mỗi xã hội được đặc trưng bằng một PTSX nhất định. PTSX đóng vai trò quyết định đối với tất cả các mặt của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Sự thay thế kế tiếp nhau của các PTSX trong lịch sử quyết định sự phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao.
Trong sản xuất, con người có “quan hệ song phương”: một mặt là quan hệ giữa người với tự nhiên, tức là lực lượng sản xuất; mặt khác là quan hệ giữa người với người, tức quan hệ sản xuất. PTSX chính là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất ở một trình độ nhất định và quan hệ sản xuất tương ứng.
Phương Đông là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Những nền văn minh lớn nhất được biết đến đều nằm ở phương Đông. Những nền văn minh đó không chỉ có tầm vóc lớn tương đương với dân số và phạm vi không gian của nó, chúng có một nội dung mạnh mẽ, bề dày văn hóa – lịch sử độc đáo và những thành tựu trên mọi lĩnh vực vô cùng rực rỡ. Phương Đông khác biệt với Hi Lạp, La Mã, các nền văn minh châu Mỹ như Inca, Maya hay những nền văn minh nào đó ở phần còn lại. Bởi vì xã hội phương Đông dựng xây trên nền tảng nông nghiệp lúa nước vì thế nó đã tự quy định cho mình một định hướng phát triển khác so với phương Tây. Do điều kiện kinh tế này các xã hội phương Đông cũng trở nên khác biệt tương đối. Hiện nay trong xã hội phương Đông, phương thức sản xuất châu Á vẫn tồn tại đan xen với các phương thức tiên tiến khác. Việc nghiên cứu xã hội phương Đông không thể không chú ý đến phương thức sản xuất châu Á, đến các đặc trưng của nó.
Sự phân chia Thế giới thành phương Đông và phương Tây trong lịch sử phản ánh sự tiếp cận trên quy mô toàn cầu tiến trình phát triển của xã hội loài người. Theo khái niệm của người Hy Lạp, phương Đông là những quốc gia nằm ở phía mặt trời mọc, ngược lại phương Tây bao gồm các quốc gia nằm ở phía mặt trời lặn. Đông Bắc Phi là nơi Nhà nước xuất hiện đầu tiên (khoảng 3.500 – 3.000 trước Công Nguyên). Các khu vực tiếp theo có sự ra đời của nhà nước từ rất sớm là Tây Nam Á, Nam Á và Đông Á. Như vậy, ngoại trừ Ai Cập ở Bắc Phi, các nhà nước còn lại đều xuất hiện ở khu vực châu Á. Vì vậy, 4 nhà nước ở châu Á còn được gọi là phương Đông, còn các nhà nước xuất hiện muộn hơn ở châu Âu là phương Tây.
Tóm lại, phương Đông – phương Tây trước hết là 2 khái niệm hoàn toàn mang tính quy ước, nhưng đây là quy ước khoa học để tiếp cận với quá trình hình thành và phát triển của thế giới.

51. Athenian democracy – Chế độ dân chủ ở Athens

Chế độ dân chủ ở Athens phát triển ở thành phố Athens, nước Hi Lạp cổ đại, bao gồm thành phố Athens (gọi là polis –thành bang) và vùng phụ cận vùng lãnh thổ Attica, khoảng năm 500 Tr. CN. Chế độ dân chủ Athens là một trong những nền dân chủ đầu tiên được biết đến và có lẽ là nền dân chủ quan trọng nhất trong thời cổ đại. Những thành phố Hy Lạp khác cũng thiết lập chế độ dân chủ, phần lớn noi theo mô hình Athens, nhưng không chế độ dân chủ nào được ghi chép kĩ lưỡng như của Athens.
Hi Lạp thời đó bao gồm mấy trăm thành phố độc lập với nhau, mỗi thành phố lại có một vùng nông thôn bao bọc xung quanh. Khác với Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, và các nước hiện đại khác, những quốc gia-dân tộc, hiện đang bao trùm toàn thế giới ngày nay, các nhà nước có chủ quyền lúc đó ở Hy Lạp chỉ là những quốc gia-thành phố (city-states). Quốc gia-thành phố nổi tiếng nhất trong thời cổ đại, cũng như sau này, là Athens. Năm 507 trước Công nguyên, người dân Athens áp dụng một hệ thống chính quyền nhân dân, tồn tại được gần hai thế kỷ, tức là cho đến khi thành phố này bị nước láng giềng phương Bắc là Macedonia chinh phục.
Chính người Hi Lạp – mà có thể là người Athens – đã sáng chế ra thuật ngữ democracy hay demokratia từ từ demos của Hi Lạp tức là dân chúng, và kratos, tức là cai trị. Điều lí thú là trong khi ở Athens từ demos thường ám chỉ toàn thể người dân thành phố Athens, nhưng đôi khi nó lại chỉ có nghĩa là người bình dân hoặc chỉ là người nghèo mà thôi. Từ dân chủ, xem ra, đôi khi được giới phê bình quý tộc sử dụng như một thứ hình dung từ, biểu thị thái độ miệt thị của họ đối với những người bình dân đã giành được quyền kiểm soát chính phủ mà trước đây họ vẫn giữ. Dù sao mặc lòng, từ demokratia đã được người dân Athens và những người Hi Lạp khác sử dụng cho chính quyền của Athens cũng như chính quyền của nhiều thành phố khác ở Hi Lạp cổ đại.
Trong số những chế độ dân chủ của Hi Lạp lúc đó thì chế độ của Athens là quan trọng nhất và vượt xa những chế độ dân chủ khác. Cả lúc đó cũng như hiện nay, đây là chế độ được biết rõ nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất đối với triết lí chính trị và thường được người đời sau coi là trường hợp điển hình của quyền tham gia của công dân hay như một số người gọi là chế độ dân chủ tham gia (participatory democracy) .

52. Australian ballot – Bỏ phiếu kín

Bỏ phiếu kín là phương pháp bỏ phiếu trong đó lựa chọn của cử tri trong một cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý được giữ bí mật (vô danh), giúp ngăn ngừa các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến cử tri như hăm doạ hay đút lót. Tuy nhiên, bỏ phiếu kín cũng có thể làm gia tăng việc mua phiếu bằng cách trả tiền cho những người ủng hộ đi bầu cử và trả tiền cho những người phản đối không đến bầu, từ đó giảm bớt chi phí mua phiếu.
Trong thế giới hiện đại, một trong những hình thức bỏ phiếu kín thường gặp nhất là in sẵn những lá phiếu trên đó có tên của các ứng cử viên. Các điểm bỏ phiếu sẽ cung cấp những lá phiếu này cho cử tri để họ bí mật lựa chọn. Cách bỏ phiếu này được thiết kế để tránh sự thiên vị và ngăn không cho người khác biết được cử tri nào đã bầu cho ai.

53. Autarky – Chế độ tự cấp tự túc

Thuật ngữ này thường được sử dụng cho các nhà nước, xã hội hay hệ thống kinh tế của xã hội đó. Chể độ tự cấp tự túc là khi xã hội sống hoặc tiếp tục các hoạt động của mình mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài hoặc thương mại quốc tế. Nền kinh tế tự cung tự cấp không có bất kỳ giao dịch nào với thế giới bên ngoài, các nhà kinh tế học gọi là “nền kinh tế khép kín”, trước đây thường gọi là “bế quan tỏa cảng”. Chể độ tự cấp tự túc, theo nghĩa chính trị không nhất thiết chỉ là hiện tượng kinh tế, ví dụ, chể độ tự cấp tự túc về quân sự sẽ là một nhà nước có thể tự vệ mà không cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác, hoặc có thể sản xuất tất cả vũ khí của mình mà không cần nhập khẩu từ bên ngoài.

54. Authoritarian personality – Nhân cách độc tài/độc đoán

Nhân cách độc tài/độc đoán là muốn người khác người phục tùng vô điều kiện và tôn trọng mà không hề nghi ngờ quyền lực của mình, được thể hiện qua việc áp bức những người dưới quyền. Thuật ngữ này thường được áp dụng cho những người có thái độ quá nghiêm khắc và áp bức đối với cấp dưới.

55. Authoritarianism – Chế độ chuyên chế

Chủ nghĩa chuyên chế là hình thức chính quyền với quyền lực tập trung trong tay một nhóm người và quyền tự do chính trị bị hạn chế. Các chế độ chuyên có thể là độc đoán (autocratic) hoặc đầu sỏ (oligarchic), và có thể chế độ độc đảng hoặc do giới quân nhân nắm quyền.
Định nghĩa ngắn gọn nhất: chính phủ chuyên chế không có các cuộc bầu cử trực tiếp, tự do và có tính cạnh tranh cho các cơ quan lập pháp, không có các cuộc bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp, tự do và cạnh tranh nhánh hành pháp hoặc cả lập pháp lẫn hành pháp. Được định nghĩa một cách bao quát: các quốc gia chuyên chế là những quốc gia không có các quyền tự do dân sự như tự do tôn giáo, hoặc đất nước mà chính phủ và phe đối lập không thay nhau cầm quyền sau các cuộc bầu cử tự do.
Các quốc gia chuyên chế có thể có các thiết chế dân chủ trên danh nghĩa, như các đảng chính trị, cơ quan lập pháp và các cuộc bầu cử, được quản lý nhằm kéo dài chế độ chuyên chế; do đó, chế độ độc tài có thể tiến hành các cuộc bầu cử gian lận, không có tính cạnh tranh. Từ năm 1946 đến giữa những năm 1970, ti lệ của các quốc gia độc tài trong hệ thống chính trị quốc tế gia tăng, nhưng sau đó đã giảm.

56. Authority – Thẩm quyền

Thẩm quyền là quyền hay khả năng, hoặc cả thẩm quyền lẫn khả năng của một người hoặc nhóm người trong việc buộc những người khác phải chấp nhận một đề nghị hay quy định mà không cần phải thuyết phục, mặc cả hay vũ lực. Các thuật ngữ thẩm quyền (authority) và quyền lực (power) đôi khi được như những từ đồng nghĩa, nhưng như thế là không chính xác. Thuật ngữ thẩm quyền là tính chính danh về mặt chính trị, nó cung cấp và biện minh cho quyền (right) thực thi quyền lực (power) của chính phủ; còn quyền lực (power) nói về khả năng thực hiện mục tiêu đã được ủy quyền; như vậy, thẩm quyền là quyền ban hành quyết định và tính chính danh trong việc ban hành các quyết định pháp luất và ra lệnh thực thi các quyết định đã ban hành.

57. Autogestion – Tự quản lý tổ chức

, còn được gọi là quản lý lao động và tự quản lý của người công nhân. Xem thêm mục Industrial Democracy (Dân chủ trong công nghiệp).

58. Autonomous Republic – Nước cộng hòa tự trị

Liên Xô bao có nhiều nước cộng hòa tự trị, đấy là các nước cộng hòa mang tên một dân tộc chiếm đa số nào đó, và về nguyên tắc có quyền rút ra khỏi liên bang. Liên bang Nga hiện nay cũng có một số nước cộng hòa tự trị nhưng không có quyền rút ra khỏi liên bang; ngoài ra cò có các khu vực tự trị với những đặc điểm về lịch sử và địa lí, nhưng không phải là trên cơ sở sắc tộc. Nhiều quốc gia vì muốn duy trì toàn vẹn lãnh thổ trước những đòi hỏi về tự quyết hoặc độc lập của dân tộc bản địa hay sắc tộc đôi khi áp đặt hoặc đề nghị cho quyền tự trị giới hạn đến những khu vực như vậy. Trung Quốc và nhiều nước khác có những khu vực tự trị như thế. Trước đây, Việt Nam cũng có khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc (giải thể năm 1975).

59. Autonomy – Tự chủ/tự trị

Tự chủ/tự trị là khả năng đưa ra quyết định sáng suốt, không bị người khác ép buộc. Người tự chủ là người có thể hành động theo suy nghĩ của mình. Các tổ chức hoặc thiết chế tự trị là các tổ chức độc lập hoặc tự quản. Quyền tự chủ còn có nghĩa là mức độ tự quyết của nhân viên khi làm công việc của mình, tự chủ trong trường hợp này được cho là làm cho người lao động hài lòng hơn khi làm việc.

60. Ayatolla 

– trong Hồi giáo Shia Ayatollah là giáo sĩ cấp cao, chuyên gia trong nghiên cứu luật học, kinh Coran, triết học và thường giảng dạy trong các tu viện Hồi giáo, có thẩm quyền thực hiện các quyết định pháp lý đối với các tín đồ và giáo sĩ trong phạm vi của luật Hồi giáo.

Chữ cái B

1. Ba’athism 

– Ba’athism có nghĩa là “phục hưng”, một ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa của người Arab, thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhà nước duy nhất trong thế giới Ả Rập dưới quyền lãnh đạo của đảng tiền phong. Xã hội theo ý thức hệ Ba’athism tìm kiếm sự khai sáng và phục sinh văn hóa, giá trị và xã hội Ả Rập. Ý thức hệ này ủng hộ việc thiết lập nhà nước độc đảng và bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên chính trị. Ba’athism dựa trên các nguyên lí của chủ nghĩa dân tộc Ả Rập, chủ nghĩa Đại Ả Rập và chủ nghĩa xã hội Ả Rập. Đây là hệ tư tưởng thế tục. Nhà nước Ba’athist ủng hộ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, ủng hộ việc nhà nước nắm các đỉnh cao chỉ huy trong nền kinh tế, nhưng phản đối tịch thu tài sản tư nhân. Trong ý thức hệ Ba’athist, chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội nhà nước hay bình đẳng về kinh tế; những người Ba’athists khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất để làm phát triển thế giới Ả Rập thành khu vực tự do và thống nhất.

2. Back – Bencher – Ghế sau 

trong Viện Thứ dân của Anh (House of Commons), dành cho các thành viên bình thường của Quốc hội, những người không có bất cứ chức vụ gì trong chính phủ và hay trong các đảng đối lập.

3. Balance of Power – Cân bằng quyền lực

Cân bằng quyền lực là một trong những thuật ngữ lâu đời nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Thuật ngữ này có ảnh hưởng quan trọng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia, đồng thời cũng giải thích nguyên nhân dẫn đến sự thiết lập những trật tự thế giới mới. là một trong những thuật ngữ lâu đời nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Khi tiếp cận theo nghĩa là một nguyên tắc, thì “cân bằng quyền lực” là trạng thái của hệ thống quốc tế mà ở đó không có một quốc gia nào có sức mạnh áp đảo so với các quốc gia khác. Trạng thái này có thể được thiết lập thông qua việc tạo ra một thế đối lập với quốc gia hoặc nhóm quốc gia mạnh nhất bằng việc hình thành một đối thủ hoặc một liên minh có sức mạnh tương đương. Ý tưởng đàng sau cân bằng quyền lực khá đơn giản. Các nước sẽ lưỡng lự trước việc khởi động chiến tranh với một đối thủ có khả năng chiến đấu và chiến thắng ngang bằng (đối xứng) với mình vì nguy cơ thất bại là khá cao. Khi một nước hoặc liên minh các nước mạnh hơn hẳn so với các quốc gia thù địch (bất đối xứng), xác suất xảy ra chiến tranh là khá cao.

4. Balkanization – Balkan hóa 

hay đọc theo phiên âm tiếng Việt Ban-căng hóa, là thuật ngữ địa chính trị để chỉ quá trình chia cắt một vùng hay một nước thành những vùng hay nước nhỏ hơn, mà thường thù nghịch hay không hợp tác với nhau. Từ này cũng được dùng để chỉ sự tan rã của một tập thể như công ty, trang mạng…
Thuật ngữ Balkan hóa xuất phát từ việc bán đảo Balkan vốn hầu hết nằm dưới quyền cai trị của Đế chế Ottoman bị phân tách trong thời kỳ từ đầu thế kỷ XIX thành những quốc gia nhỏ độc lập. Năm 1829 Hi Lạp tuyên bố độc lập; năm 1878 đến lượt Montenegro, Serbia và Rumani; năm 1908 là Bungari. Từ Balkan hóa xuất hiện trong thời gian này. Nam Tư sau các cuộc nội chiến, cuối thế kỉ XX, lại chia ra thành Bosna và Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia, nhà nước Kosovo cũng đã được một số quốc gia công nhận.
Balkan hóa cũng đã xảy ra ở các vùng đất khác, như ở châu Phi trong những năm 1950 và 1960 sau khi các đế chế thuộc địa của Anh và Pháp ở đây tan rã. Đầu thập kỷ 1990, quá trình Balkan hóa diễn ra ở Liên Xô, dẫn tới việc thành lập các quốc gia như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan, trong đó có nhiều quốc gia bất ổn do có sự pha trộn sắc tộc, dẫn tới bạo lực giữa các sắc tộc.

5. Ballot – Lá phiếu

Lá phiếu được sử dụng trong cuộc bầu cử, đây là một mảnh giấy hay một quả bóng nhỏ được dùng trong cuộc bỏ phiếu kín. Mỗi cử tri có một lá phiếu. Trong các cuộc bầu cử đơn giản nhất, một lá phiếu có thể là một mẩu giấy đơn giản mà mỗi cử tri viết tên một ứng cử viên, nhưng các cuộc bầu cử vào các cơ quan nhà nước, hoặc cơ quan công cộng, người ta thường sử dụng các lá phiếu được in sẵn để bảo vệ bí mật phiếu bầu. Cử tri bỏ phiếu bầu vào hòm ở địa điểm bỏ phiếu.

6. Banana Republic – Cộng hòa chuối 

là thuật ngữ khoa học chính trị dùng để chỉ quốc gia có nền chính trị bất ổn ở Mĩ Latin với nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm nhất định nào đó, ví dụ như chuối, khoáng sản,…. Xã hội trong nước cộng hòa chuối thường phân hóa thành tầng lớp lao động đông đảo nhưng nghèo khổ và một tầng lớp thống trị gồm các thương gia, chính trị gia và tướng lĩnh giàu có. Bọn quả đầu thống trị này kiểm soát khu vực khu vực sản xuất sơ khai của nền kinh tế bằng cách bóc lột sức lao động của nhân dân; như vậy, cụm từ cộng hòa chuối là một thuật ngữ mang thái độ miệt thị đối với nền độc tài hèn hạ, xúi dục và ủng hộ cho văn hóa lót tay, lại quả, bóc lột các đồn điền nông nghiệp diện rộng, đặc biệt là trong khai thác chuối.
Trong lãnh vực kinh tế, cộng hòa chuối là quốc gia có nền kinh tế theo chủ nghĩa tư bản nhà nước, mô hình kinh tế mà đất nước đang hoạt động như một doanh nghiệp thương mại tư nhân để tìm kiếm lợi nhuận độc quyền của giai cấp thống trị. Sự bóc lột như vậy được thực hiện bằng sự thông đồng giữa Nhà nước và những công ty độc quyền kinh tế được hưởng ân huệ, trong đó lợi nhuận thu được từ việc khai thác theo lối tư nhân đối với các vùng đất công cộng là sở hữu tư nhân, trong khi nhà nước phải thanh toán các khoản nợ phát sinh từ đó.

7. Banzhaf index – chỉ số Banzhaf

Chỉ số Banzhaf hay còn gọi là chỉ số quyền lực Banzhaf, được đặt theo tên John F. Banzhaf III, đôi khi cũng được gọi là chỉ số Penrose–Banzhaf; hoặc Chỉ số Banzhaf–Coleman, là chỉ số được xác định bởi xác suất thay đổi kết quả của cuộc bỏ phiếu/biểu quyết trong trường hợp quyền biểu quyết không nhất thiết được chia đều giữa những người biểu quyết hay các cổ đông. Để hiểu phương pháp chỉ số Banzhaf, xem Leech (1988, 2003), Crama và Leruth (2007), Levy (2009, 2011), Levy và Szadfarz (2012).

8. The Barnett formula

 là cơ chế được Bộ Tài chính Vương quốc Anh sử dụng để tự động điều chỉnh chỉnh lượng các khoản chi tiêu công được phân bổ cho Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales nhằm phản ánh những thay đổi về mức chi tiêu được phân bổ cho các dịch vụ công cộng ở Vương quốc Anh. Công thức áp dụng cho nhiều lĩnh vực, nhưng không phải tất cả, trong ngân sách của các chính phủ trong năm 2013-2014, nó áp dụng cho khoảng 85% tổng ngân sách của Quốc hội Scotland.

9. Base-Superstructure – Cơ sở hạ tầng – Thượng tầng kiến trúc

Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là những yếu tố có quan hệ biện chứng với nhau trong phép duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đây là hai yếu tố quan trọng trong học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội.
Cơ sở hạ tầng trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, là tổng hợp những quan hệ sản xuất tạo thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định. Thông thường, cơ sở hạ tầng của một xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định bao gồm ba loại quan hệ sản xuất: quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư, quan hệ sản xuất mầm mống (tương lai) – trong đó, quan hệ sản xuất thống trị quy định, chi phối các quan hệ sản xuất còn lại.
Cần phân biệt thuật ngữ cơ sở hạ tầng này với tư cách là phạm trù triết học với thuật ngữ cơ sở hạ tầng thường sử dụng, đó là cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng trong đời sống như điện, đường, trường, trạm… chúng chủ yếu sử dụng là nền tảng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và nó thuần túy là vật chất hữu hình.
Kiến trúc thượng tầng hay Thượng tầng kiến trúc là một khái niệm trong chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx và Ph .Ăng-ghen đưa ra dùng để mô tả toàn bộ hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội cùng với các thiết chế chính trị-xã hội tương ứng, được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định. Theo đó, kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, v.v. cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội, v.v.
Cơ sở hạ tầng quyết định
Cơ sở hạ tầng quyết định nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng, nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng là sự phản ánh đối với cơ sở hạ tầng. Tương ứng với một cơ sở hạ tầng sẽ sản sinh ra một kiến trúc thượng tầng phù hợp, có tác dụng bảo vệ cơ sở hạ tầng đó.
Tính chất của kiến trúc thượng tầng là do tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị về mặt chính trị và đời sống tinh thần của xã hội.
Các mâu thuẫn trong kinh tế, xét đến cùng, quyết định các mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị tư tưởng; cuộc đấu tranh giai cấp về chính trị tư tưởng là biểu hiện những đối kháng trong đời sống kinh tế. Tất cả các yếu tố của kiến trúc thượng tầng như nhà nước, pháp quyền, triết học, tôn giáo, v.v. đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định.
Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng còn thể hiện ở chỗ: cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn, kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi theo.
Cơ sở hạ tầng quyết định sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng, những biến đổi trong cơ sở hạ tầng tạo ra nhu cầu khách quan phải có sự biến đổi trong kiến trúc thượng tầng; do đó sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng là sự phản ánh đối với sự biến đổi của cơ sở hạ tầng. Tính chất phụ thuộc của kiến trúc thượng tầng vào cơ sở hạ tầng có nguyên nhân từ vai trò quyết định của kinh tế đối với toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Tuy cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng, nhưng đó không phải là sự phù hợp một cách giản đơn, máy móc. Toàn bộ kiến trúc thượng tầng, cũng như các yếu tố cấu thành nó đều có tính độc lập tương đối trong quá trình vận động phát triển và tác động một cách mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng.
Tác động trở lại
Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng diễn ra theo hai chiều. Nếu kiến trúc thượng tầng tác động phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan thì nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, nếu tác động ngược lại, nó sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, kìm hãm phát triển xã hội.

10. Bay of Pig – Vịnh Con Lợn

Sự kiện Vịnh Con Lợn (còn có tên là La Batalla de Girón, hoặc Playa Girón ở Cuba), là chiến dịch đổ bộ thất bại ở bờ biển phía tây nam Cuba năm 1961 do những người Cuba lưu vong có tư tưởng chống Cộng được CIA huấn luyện nhằm lật độ chính phủ của Fidel Castro.
Kế hoạch được tiến hành vào tháng 4 năm 1961, chưa đầy ba tháng kể từ khi John F. Kennedy nhậm chức tổng thống Hoa Kì. Quân đội Cuba, được sự huấn luyện và trang bị từ các quốc gia thuộc Cộng sản, đã đánh bại đội quân lưu vong trong vòng ba ngày. Quan hệ Cuba – Hoa Kì đã xấu còn tiếp tục tồi tệ hơn sau đó với Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

11. Behaviourism – Chủ nghĩa hành vi

Chủ nghĩa hành vi là cách tiếp cận mang tính hệ thống nhằm tìm hiểu hành vi của con người và động vật. Chủ nghĩa hành vi là trường phái tâm lý học cho rằng quan sát một cách khách quan hành vi, được đo bằng phản ứng trước các kích thích là đối tượng nghiên cứu phù hợp duy nhất (của cả con người lẫn động vật) và là nền tảng duy nhất của lý thuyết của họ, mà không cần viện dẫn tới cần viện đến cá sự kiện sinh lý bên trong hay những cấu trúc có tính giả thiết như tinh thần.

Chủ nghĩa hành vi còn là phong trào trong khoa học chính trị, nhấn mạnh rằng chỉ cần phân tích hành vi có thể quan sát được của các tác nhân chính trị. Trường phái này có nhiều cơ sở chung với chủ nghĩa hành vi trong tâm lý học. Trường phái này xuất hiện trong những năm 40 của thế kỉ trước và giữ thế thượng phong ở Hoa Kì cho đến đầu những năm 70.

12. Belfast Agreement – Hiệp ước Belfast

Hiệp ước Belfast hay còn gọi là Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh (Good Friday Agreement) là thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hoà Ireland, Chính phủ Vương quốc Anh và các đảng phái ở Bắc Ireland kí ngày 10 tháng 4 năm 1998.
Hiệp ước này chấm dứt giai đoạn bạo động của cuộc xung đột ở Bắc Ailen từ những năm 1960 và đưa cuộc xung độ sang giai đoạn tìm kiếm sự đồng thuận về chính trị. Mặc dù sau khi kí kết, đâu đó vẫn diễn ra một số hành động bạo lực, nhưng dân chúng không còn ủng hộ nữa và bạo lực không còn leo thang.
Các cuộc trưng cầu dân ý riêng ở Cộng hoà Ireland và Bắc Ailen đã xác nhận thỏa thuận.

13. Benelux

Benelux là tên khu vực ở châu Âu, gồm 3 nước nằm cạnh nhau là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Tên gọi Benelux được ghép chữ đầu trong tên gọi của 3 quốc gia Belgium (Bỉ), Netherlands (Hà Lan) và Luxembourg. Tên này được dùng để chỉ Liên minh Thuế quan Benelux từ năm 1958. Công dân của 3 nước này được tự do đi lại không cần visa, công dân của các nước khác khi đã nhập cảnh một trong ba nước này cũng có quyền làm như vậy.

14. Berlin Wall – Bức tường Berlin

Bức tường Berlin (tiếng Đức: Berliner Mauer), được xây dựng năm 1961 và được Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức gọi là “Tường thành bảo vệ chống phát xít”, nhưng dân chúng Cộng hoà Liên bang Đức lại gọi là “Bức tường ô nhục” là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin với phần phía Đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức. Khoảng 5.000 người đã tìm cách vượt qua bức tường để sang Tây Berlin, khoảng từ 86 đến 200 người đã bị phía Đông Đức giết hại khi tìm cách vượt qua bức tường này.

15. Beveridge – Báo cáo Beveridge

Bản báo cáo về chính sách xã hội của Anh có nhan đề “Bảo hiểm xã hội và các dịch vụ liên kết” do Huân tước William Beveridge chuẩn bị cho chính quyền liên minh thời chiến, được công bố vào tháng 11 năm 1942, có ảnh hưởng rất lớn trong việc tạo ra nhà nước phúc lợi ở Vương quốc Anh.

16. Bharatiya Janata Party – Đảng Bharatiya Janata 

viết tắt là BJP hay còn gọi là Đảng Nhân dân Ấn Độ là một chính đảng của người Hindu và dành thắng lợi lớn trong cuộc Tổng tuyển cử Ấn Độ, 2014 để thành lập Chính phủ do ông Narendra Modi làm thủ tướng.
Mục tiêu của đảng là tập trung vào các vấn đề kinh tế và thương mại, không chú trọng các vấn đề xã hội và tôn giáo.
Trong cuộc bầu cử năm 2014, Đảng Bharatiya Janata đã giành được thế đa số tại hạ viện với 286/543 ghế. Liên minh do BJP dẫn đầu có được tới 325 ghế để thành lập chính phủ mới. Đây là chiến thắng vang dội nhất của BJP trong một cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ trong vòng 30 năm qua. Đảng BJP đã chiếm được đa số, giúp cho Modi không phải đàm phán liên minh với các đảng nhỏ và thành lập chính phủ liên hiệp, do đó, họ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tự quyết các chính sách. Đây là lần đầu tiên trong vòng 25 năm một chính đảng tại Ấn Độ giành đủ đa số tuyệt đối để có thể thành lập chính phủ độc lập.

17. Bicameralism – Cơ quan lập pháp lưỡng viện

Cơ quan lập pháp bao gồm hai viện khác với cơ quan lập pháp chỉ gồm một viện duy nhất (unicameralism) và cũng khác với một số cơ quan lập pháp có ba hoặc nhiều viện. Tính đến năm 2015, chưa đến một nửa cơ quan lập pháp quốc gia trên thế giới là lưỡng viện.
Thường thì, các nghị sĩ của hai viện được bầu hoặc lựa chọn theo các phương pháp khác nhau, và các quốc gia cũng có những cách bầu chọn khác nhau. Cách làm như thế thường làm cho hai viện có thành phần nghị sĩ rất khác nhau.
Việc ban hành luật pháp đòi hỏi phải được đa số nghị sĩ trong cả hai viện chấp thuận. Trong trường hợp như, cơ quan lập pháp có thể được gọi là ví dụ điển hình của lưỡng viện hoàn hảo. Tuy nhiên, trong nhiều hệ thống đại nghị và bán tổng thống, viện mà nhánh hành phải phải chịu trách nhiệm báo cao có thể bác bỏ dự luật của viện kia và có thể được coi là một ví dụ về lưỡng viện không hoàn hảo. Một số cơ quan lập pháp nằm ở giữa hai vị trí này, một viện chỉ có thể bác bỏ dự luật của viện kia trong những trường hợp nhất định.

18. Bilateral – Quan hệ song phương/Chủ nghĩa song phương

Quan hệ song phương là các mối quan hệ chính trị, kinh tế hoặc văn hóa giữa hai quốc gia có chủ quyền. Nó trái ngược với chủ nghĩa đơn phương hoặc đa phương, là hoạt động của một quốc gia duy nhất hoặc hợp tác giữa nhiều quốc gia với nhau. Khi các quốc gia công nhận nhau là quốc gia có chủ quyền và đồng ý quan hệ ngoại giao, họ tạo ra mối quan hệ song phương. Các quốc gia có quan hệ song phương sẽ trao đổi các cơ quan ngoại giao như đại sứ quán để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại và hợp tác.
Các hiệp định kinh tế, như hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), được ký kết giữa hai quốc gia, là ví dụ thường thấy của quan hệ song phương. Thông qua quan hệ song phương, các quốc gia có thể có được các thỏa thuận và nghĩa vụ phù hợp, chỉ áp dụng cho các quốc gia ký kết mà thôi

19. Bill – Dự luật

Dự luật là tuyên bố chính thức về một đạo luật mới đang được thảo luận trước khi thông qua. Thường thấy những cách nói/viết như sau: Dự luật đã được sửa đổi, dụ luật đã được Quốc hội thong qua để trở thành luật hoặc dự luật đã bị bác bỏ.

20. Bill of attainder – còn gọi là act of attainder or bill of penalties 

là lệnh do cơ quan lập pháp ban hành, tuyên bố rằng một người hoặc một nhóm người đã phạm tội và trừng phạt họ mà không cần tòa án. Luật của cơ quan lập pháp có thể tước quyền công dân, tước quyền sở hữu tài sản (và do đó, quyền chuyển cho người thừa kế), tước danh hiệu quý tộc, và, thậm chí là tử hình người được cho là có tội.

21. Bill of rights – Tuyên ngôn nhân quyền

Tuyên ngôn nhân quyền của Mĩ là 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mĩ. Mười tu chính án này đã được phê chuẩn và trở thành Đạo luật Nhân quyền (hay Mười điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Mĩ) vào năm 1791. Các tu chính án này hạn chế quyền lực của Chính phủ liên bang, bảo vệ quyền của tất cả công dân, những người sinh sống và du khách trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong các quyền được liệt kê mà các tu chính án này đảm bảo có: tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do tôn giáo; quyền được mang vũ khí của người dân; tự do hội họp; tự do kiến nghị; và các quyền không bị lục soát và tịch thu vô lí; không bị hình phạt tàn bạo và bất bình thường; và tự buộc tội do bị ép buộc. Tuyên ngôn nhân quyền cũng hạn chế quyền của Quốc hội bằng cách cấm Quốc hội ban hành luật về thành lập tôn giáo và bằng cách cấm Chính phủ liên bang tước quyền sống, quyền tự do hay tài sản của bất cứ người nào mà không thông qua tố tụng pháp luật.

22. Bipartisanship – Thỏa thuận lưỡng đảng

Thỏa thuận lưỡng đảng là tình huống chính trị trong hệ thống lưỡng đảng (ở Mĩ và một số nước phương Tây khác), trong đó các đảng chính trị đối lập với nhau tìm được nền tảng chung để đi tới thỏa hiệp.

23. Black caucus – Nhóm người da Đen trong Quốc hội Hoa Kì,

là nhóm gồm hầu hết các nghị sĩ Phi trong Quốc hội Hoa Kì. Nhóm nghị sĩ này nói rằng mục tiêu của họ là “gây ảnh hưởng tích cực đến tiến trình của các sự kiện sao cho phù hợp với người Mĩ gốc Phi và những sắc dân khác có trải nghiệm và ở trong những tình huống tương tự”, và “công bằng hơn cho những người gốc Phi trong thiết kế và nội dung của các chương trình và dịch vụ trong nước và quốc tế”. Ba ưu tiên trước mắt của họ thu hẹp khoảng cách về cơ hội trong giáo dục, đảm bảo chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho tất cả người Mĩ, tập trung vào việc làm và an ninh kinh tế, đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người, lương hưu cho tất cả người Mĩ, tăng quỹ phúc lợi và tăng công bằng trong chính sách đối ngoại.

24. Black Panthers – Đảng Báo Đen

Đảng Báo Đen là một tổ chức chính trị xã hội cách mạng được các sinh viên theo đường lối Marxist là Bobby Seale (Chủ tịch) và Huey Newton (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) thành lập vào tháng 10 năm 1966 tại Oakland, California. Đảng này hoạt động ở Hoa Kỳ từ năm 1966 đến năm 1982, với các chi bộ nhiều thành phố lớn và các chi bộ quốc tế ở Vương quốc Anh vào đầu những năm 1970, và ở Algeria từ 1969 đến 1972. Khi được thành lập, ngày 15 tháng 10 năm 1966, hoạt động cốt lõi của Đảng Báo Đen là các đội tuần tra của công dân công khai mang theo vũ khí nhằm theo dõi hành vi của các sĩ quan của Sở Cảnh sát Oakland và thách thức sự tàn bạo của cảnh sát trong thành phố.

25. Black Power

 – Phong trào ủng hộ các quyền công dân và quyền lực chính trị cho người da đen. Black Power là khẩu hiệu chính trị và tên được gán cho các hệ tư tưởng khác nhau với mục đích là giành quyền tự quyết cho những người Mĩ gốc Phi. Phong trào này hoạt động rầm rộ vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, nhấn mạnh niềm tự hào chủng tộc và tạo ra các thiết chế chính trị và văn hóa của người da đen nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy lợi ích tập thể và thúc đẩy các giá trị của người đen.
Phong trào này thể hiện một loạt các mục tiêu chính trị, trong đó có chống áp bức chủng tộc, thành lập các tổ chức xã hội và nền kinh tế tự cung tự cấp, với các hiệu sách, hợp tác xã, trang trại và phương tiện truyền thông do người da đen làm chủ. Tuy nhiên, phong trào đã bị chỉ trích vì tách ra khỏi dòng chính của phong trào dân quyền và ủng hộ cho việc tách biệt chủng tộc và thiết lập ưu thế của người da đen đối với các chủng tộc khác.

26. Black Section – Nhóm da đen

Nhóm không chính thức trong Công Đảng (Vương quốc Anh, trong những năm 1980s), đại diện cho quyền lợi của người da đen trong các khu vực bầu cử.

27. Block Grant – Trợ cấp theo khối

Trợ cấp theo khối (Hoa Kỳ) là những khoản tài trợ cụ thể của chính phủ liên bang cho các tiểu bang và chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ các chương trình với những mục đích rộng lớn khác nhau, như thực thi pháp luật, dịch vụ xã hội, y tế công cộng và phát triển cộng đồng. Chính phủ liên bang ít giám sát các khoản tài trợ theo khối và cho các tiểu bang được linh hoạt trong việc thiết kế và triển khai các chương trình.

28. Block Vote 

– Sẽ hoàn thiện khi soạn về hệ thống bầu cử.

29. Bolivarian Revolution 

– Cách mạng Bolivar là tiến trình chính trị ở Venezuela do cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez, người sáng lập Phong trào Cộng hòa thứ năm và sau đó là Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV) lãnh đạo. Cuộc cách mạng Bolivar được đặt theo tên của Simón Bolívar, một nhà lãnh đạo cách mạng người Venezuela và người Mỹ Latin, đầu thế kỷ XIX, nổi bật trong các cuộc chiến tranh giành độc lập của người Mỹ gốc Tây Ban Nha nhằm giành độc lập cho hầu hết miền bắc của Nam Mỹ khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha. Theo Chávez và những người ủng hộ khác, Cách mạng Bolivar tìm cách xây dựng một liên minh liên Mỹ để thực hiện chủ nghĩa Bolivar, chủ nghĩa dân tộc và một nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo.

30. Bolshevism – Chủ nghĩa Bolshevik

Niềm tin và hành động của những người Bolshevik. Bolshevik (tiếng Nga: большеви́к, xuất sứ từ bolshinstvo – đa số) là những thành viên của phe đa số (Bolshevik) của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (RSDLP) theo đường lối Marxist tách ra khỏi phe thiểu số (Menshevik, xuất xứ từ men’shinstvo – thiểu số). Việc chia rẽ diễn ra tại Đại hội Đảng năm 1903 và cuối cùng đã trở thành Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi chia rẽ, Đảng Bolshevik đã được đặt tên là RSDLP(b) (tiếng Nga: РСДРП(б)), trong đó chữ “b” là viết tắt của “Bolshevik”. Ngay sau khi giành được chính quyền, tháng 11 năm 1917, đảng này đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) (РКП(б)) và được mọi người biết đến với tên gọi Đảng cộng sản kể từ thời điểm đó, tuy nhiên, cho đến mãi năm 1952 đảng này mới bỏ chữ “Bolshevik” khỏi tên gọi của mình. Những người Bolshevik đã giành được chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917 và thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô).

31. Bonarpatism – Chủ nghĩa Bonaparte 

(tiếng Pháp: Bonapartisme) lịch sử chính trị Pháp, chủ nghĩa Bonaparte có hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, nó dùng để ám chỉ những người có mục đích phục hưng Đế chế Pháp dưới triều đại Bonaparte, triều đại do Napoléon I thành lập khi lên ngôi hoàng đế Pháp năm 1804. Và năm 1852, Napoléon III (cháu trai Napoléon I) thiếp lập Đệ nhị đế chế Pháp. Theo nghĩa rộng, nó dùng để nói đến những phong trào chính trị mang tư tưởng ủng hộ nhà nước tập quyền do một lãnh đạo có bàn tay sắt đứng đầu, trên cơ sở chủ nghĩa dân túy. Về mặt lý thuyết, chủ nghĩa Bonaparte được điều chỉnh dựa trên các quy tắc có từ thời cách mạng Pháp 1789, cho phù hợp với những quy tắc của triều đình do Napoléon I thành lập, hay nói cách khác, hợp thức hóa việc thâu tóm quyền lực vô hạn độ của ông ta. Chủ nghĩa Bonaparte bắt đầu hình thành sau khi Napoléon I bị đày ra đảo Elba. Những người ủng hộ Bonaparte giúp ông lấy lại quyền lực, việc này dẫn đến sự kiện Vương triều Một trăm ngày (1815) của Napoleon. Một số người không chấp nhận thất bại của Napoléon I hay Đại hội Viên vẫn tiếp tục mang tư tưởng Bonaparte, lợi dụng điều đó Napoléon III, lên ngôi hoàng đế và thành lập Đệ nhị đế chế Pháp.

32. Boundary Commission – Ủy ban Biên giới quốc gia

Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan xác định ranh giới giữa các quốc gia.
Ở Việt Nam Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Nhiệm vụ của Ủy ban Biên giới quốc gia là tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; dự thảo điều ước quốc tế xác định biên giới quốc gia và các vùng biển Việt Nam; phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng trời, các vùng biển, các đảo, các quần đảo; các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời và các vùng biển của Việt Nam với các nước láng giềng; chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia hoặc liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Ủy ban Biên giới quốc gia còn có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định dự thảo thông tư và các văn bản khác về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
Đồng thời xây dựng, đề xuất chủ trương, quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ; đề xuất chủ trương và xây dựng đề án, hồ sơ pháp lý để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ trước các cơ quan tài phán quốc tế; thực hiện hợp tác quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật; đối thoại về các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan và các đối tác khác; chủ trì, phối hợp quản lý việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về biên giới, lãnh thổ tại Việt Nam.

33. Bourgeoisie – Giai cấp tư sản

Bourgeoisie là một từ tiếng Pháp có liên quan mật thiết với sự tồn tại của các thành phố được công nhận bởi các điều lệ đô thị của mình, do đó không có tư sản “bên ngoài các bức tường của thành phố”. Hiện nay, đây là giai cấp được các định về mặt xã hội học, là những người có vốn văn hóa và tài chính nhất định, nằm trong tầng lớp trung lưu hoặc trung lưu lớp trên: thượng lưu, trung lưu và tiểu tư sản, gọi chung là “giai cấp tư sản”; là tầng lớp trung lưu giàu có và sang trọng đồi đầu với giai cấp vô sản. Trong triết học Marx, giai cấp tư sản là giai cấp xã hội sở hữu phương tiện sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa thời hiện đại và quan tâm về mặt xã hội của họ là giá trị của tài sản và sự giữ gìn đồng vốn nhằm bảo đảm cho việc duy trì vị trí kinh tế độc tôn của mình trong xã hội. Trong khi đó, Joseph Schumpeter nhận thấy sự kết hợp của các yếu tố mới vào giai cấp tư sản đang mở rộng, đặc biệt là các doanh nhân chấp nhận rủi ro để tạo ra quá trình đổi mới cho các ngành công nghiệp và nền kinh tế thông qua quá trình phá hủy sáng tạo, là động lực thúc đẩy cỗ máy tư bản chủ nghĩa.

34. Boycott – Tẩy chay

Tẩy chay là hành động tự nguyện vá có chủ ý về việc không sử dụng, không mua, hay không làm việc với tổ chức, cá nhân, hoặc quốc gia nhằm thể hiện thái độ chống đối, thường là vì lý do chính trị, đạo đức, xã hội hay môi trường. Tẩy chay có thể hiểu như là cuộc đấu tranh bất bạo động. Khi tẩy chay trở thành luật của một quốc gia thì người ta gọi là trừng phạt

35. Brandt report – Báo cáo Brandt

Báo cáo Brandt là báo cáo do một Ủy ban độc lập, với Willy Brandt (cựu Thủ tướng Đức) làm chủ tịch vào năm 1980, để xem xét các vấn đề phát triển quốc tế. Báo cáo này cung cấp nhận thức về sự khác biệt vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế ở hai bán cầu Bắc và Nam.
Báo cáo Brandt trước hết cho thấy khoảng cách lớn về mức sống ở hai bán cầu Bắc và Nam và do đó, cần phải chuyển giao mạnh mẽ nguồn lực từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Các quốc gia phía Bắc cực kỳ giàu có do buôn bán sản phẩm chế tạo, trong khi các quốc gia phía Nam nghèo đói do buôn bán hàng hóa trung gian (bán thành phẩm) với thu nhập thấp. Ủy ban Brandt vạch ra hình thức an ninh toàn cầu mới. Ủy ban này xây dựng các luận cứ của mình trên quan điểm đa nguyên, tức là kết hợp một số hiểm họa về xã hội, kinh tế, chính trị cùng với các hiểm họa quân sự cổ điển.
Hai mươi năm sau, năm 2001, Báo cáo Brandt đã được cập nhật bởi James Quilligan, từng là Giám đốc Thông tin của Ủy ban Brandt trong giai đoạn 1980 – 1987. Báo cáo cập nhật này được đặt tên là “Phương trình Brandt”.


36. Bretton Woods System
 

– Hệ thống Bretton Woods. Hệ thống Tiền tệ Quốc tế được lập năm 1944 tại Hội nghị quốc tế gồm 44 nước tại Bretton Woods, New Hampshire (Hoa Kỳ). Kết quả của hội nghị này là việc thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (được biết phổ biến là Ngân hàng Thế giới – World Bank) và tỷ giá hối đoái cố định, một ounce vàng có giá 35 USD, tồn tại mãi đến thập niên 1970. Thỏa thuận ban đầu, trở thành luật tại Hoa Kỳ năm 1945, được bổ sung năm 1971, khi hệ thống hối đoái theo mệnh giá được thay thế bởi hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi.

37. Brinkmanship – Chính sách “bên miệng hố chiến tranh”

Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hoạt động nhằm thu được kết quả có lợi bằng cách đẩy các sự kiện nguy hiểm đến bờ vực của cuộc xung đột thực sự. Đây là chính sách trong nền chính trị quốc tế, trong lĩnh vực đối ngoại, quan hệ lao động và chiến lược quân sự liên quan đến đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và kiện tụng với số tiền mất mát là rất cao. Đẩy tình huống tranh chấp đến bờ vực thu được thành công bằng cách buộc đối thủ rút lui và nhượng bộ. Đấy là thông qua những hành động ngoại giao để tạo ấn tượng rằng một bên sẵn sàng sử dụng các phương pháp quyết liệt chứ không nhượng bộ. Thuật ngữ này gắn liền với tên tuổi ngoại trưởng Mỹ, John Dulles, trong những năm đầu của chính quyền Eisenhower 1953-1956. Dulles đã tìm cách ngăn chặn cuộc xâm lược của Liên Xô bằng cách cảnh báo rằng giá phải trả có thể là vụ trả đũa ồ ạt nhắm vào các mục tiêu của Liên Xô.

38. British National Party – Đảng Quốc gia Anh

Đảng Quốc gia Anh là đảng chính trị, phát xít, cực hữu ở Vương quốc Anh, được thành lập vào năm 1982. Đảng này đặt trụ sở ở Wigton, Cumbria. Nhà lãnh đạo hiện nay là Adam Walker. Đây là một đảng nhỏ, không có đại diện được bầu ở bất kỳ cơ quan nào của chính phủ Anh. Đảng này thu được thành công lớn nhất vào những năm 2000, khi có hơn năm mươi ghế trong chính quyền địa phương, một ghế trong Hội đồng thành phố London và hai ghế ở Nghị viện Châu Âu.

39. Budgeting – Dự thảo ngân sách

Dự thảo ngân sách là công cụ quan trọng trong quản lí tài chính công, nó là cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lí của nhà nước.
Ngân sách là kế hoạch tài chính trong một khoảng thời gian xác định, thường là một năm, là tổng số tiền được phân bổ cho một mục đích cụ thể và tóm tắt các khoản chi tiêu dự định cùng với các đề xuất về cách đáp ứng những khoản chi tiêu này. Nó có thể bao gồm thặng dư ngân sách, cung cấp tiền để sử dụng tại thời điểm trong tương lai hoặc thâm hụt trong đó chi nhiều hơn thu.

40. Bureaucracy – bộ máy quan liêu

Bộ máy quan liêu là thuật ngữ dùng để chỉ 1) cơ quan chính phủ không do dân bầu và 2) nhóm người xây dựng chính sách quản lí hành chính. Về mặt lịch sử, bộ máy quan liêu là một cơ quan quản lý hành chính của chính phủ với các quan chức không do dân bầu. Hiện nay, bộ máy quan liêu là hệ thống hành chính quản lý một thiết chế lớn nào đó. Cơ quan quản lý hành chính công ở nhiều nước gia là ví dụ về bộ máy quan liêu, cơ cấu tổ chức theo thang bậc trong các công ty cũng là bộ máy quan liêu.
Nhà xã hội học người Đức Max Weber khẳng định rằng bộ máy quan liêu là cách thức tổ chức hiệu quả và hợp lý nhất hoạt động của con người và các quy trình có hệ thống và hệ thống phân cấp là cần thiết nhằm duy trì trật tự, tối đa hóa hiệu quả và loại bỏ mọi sự thiên vị. Mặt khác, Weber cũng coi bộ máy quan liêu tự tung tự tác là đe dọa đối với tự do cá nhân. Bộ máy quan liêu hiện đại có bốn đặc điểm: phân cấp (phạm vi hoạt động và phân công lao động rõ ràng), tính liên tục (cơ cấu trong đó các quan chức được hưởng lương toàn thời gian và thăng tiến), phi cá tính (luật lệ và quy tắc hoạt động được quy định từ trước chứ không được hành động tùy tiện) và có chuyên môn (các quan chức được chọn theo phẩm chất, đã được đào tạo và có quyền tiếp cận kiến thức).

Chữ cái C

1. Cabinet – Nội các.

Nội các là cơ quan gồm có các thành viên cấp cao của chính phủ, đại diện cho nhánh hành pháp. Tại một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia sử dụng Hệ thống Westminster (Hệ thống Westminster là hệ thống nhà nước dân chủ đại nghị theo mô hình chính trị của Vương quốc Anh), nội các quyết định chung các chính sách và hướng đi chiến thuật của chính phủ, đặc biệt là các vấn đề quan hệ đến luật lệ mà Nghị viện đã thông qua. Tại các quốc gia theo tổng thống chế như Hoa Kỳ, vai trò chính yếu của nội các là một hội đồng cố vấn chính thức của nguyên thủ quốc gia. Theo cách này, tổng thống nhận ý kiến và cố vấn cho các quyết định sắp tới. Vai trò thứ hai của các viên chức nội các là điều hành các cơ quan thuộc nhánh hành pháp hay các bộ.

Tại đa số quốc gia, trong đó có các quốc gia sử dụng hệ thống Westminster, các bộ trưởng nội các được bổ nhiệm từ trong số các thành viên đương nhiệm của nhánh lập pháp và họ vẫn là thành viên của nhánh lập pháp trong lúc phục vụ trong nội các. Tại các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia theo tổng thống chế thì ngược lại – các thành viên nội các không thể là các nhà lập pháp đương nhiệm, và nếu nhà lập pháp nào được bổ nhiệm vào nội các thì phải từ chức trước khi nhận nhiệm sở mới trong nội các.
Trong đa số chính phủ, thành viên nội các được gọi là bộ trưởng, và mỗi thành viên giữ chức vụ khác nhau của chính phủ. Vai trò hàng ngày của đa số thành viên nội các là phục vụ trong vai trò người đứng đầu một bộ phận của bộ máy quan liêu quốc gia mà tất cả các nhân viên khác trong bộ đó phải báo cáo cho mình. Quy mô của các nội các trên thế giới thì khác nhau tuy đa số có khoảng chừng từ 10 đến 20 bộ trưởng. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa mức độ phát triển của một quốc gia và quy mô nội các: Trung bình, quốc gia càng phát triển hơn thì nội các càng nhỏ.

2. Cadre – Cán bộ

Cán bộ là một nhóm nhỏ những người đã được huấn luyện, là hạt nhân của tổ chức quân sự, chính trị hay kinh doanh.

3. Cadre Party – Đảng cán bộ

Đảng cán bộ là những đảng bao gồm chủ yếu là các nhóm tinh hoa của những người hoạt động chính trị – hình thành và phát triển ở châu Âu và Mỹ trong thế kỉ XIX.

4. Campaign for Nuclear Disarmament – Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân

Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân (CND) là tổ chức ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương của Anh, giải trừ vũ khí hạt nhân trên trường quốc tế và quản lý vũ khí quốc tế chặt chẽ hơn bằng các hiệp định như Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, phản đối hành động quân sự có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân,vũ khí hóa học hoặc sinh học và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Anh.

5. Canvassing – Vận động/Tiếp xúc trực tiếp với cử tri

Vận động cử tri là sự khởi đầu một cách có hệ thống những liên hệ trực tiếp với từng người, thường được sử dụng trong các chiến dịch chính trị. Vận động có thể được thực hiện vì nhiều lý do: Vận động chính trị, gây quỹ ở cơ sở, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng…v.v. Những người đi nhà vận động tới từng nhà tiếp xúc trục tiếp với người dân. Vận động được các đảng chính trị và các nhóm ủng hộ việc giải quyết một vấn đề nào đó thực hiện tìm những người ủng hộ, thuyết phục những người còn do dự và đưa thêm người vào danh sách thông qua việc đăng ký cử tri.
Canvassing cũng có thể là tiếp xúc với người dân trong khu dân cư do cơ quan thực thi pháp luật thực hiện trong quá trình điều tra. Đây là biện pháp tiếp cận có hệ thống để phỏng vấn cư dân, thương nhân và những người khác đang ở gần khu vực của tội phạm và có thể có thông tin hữu ích.

6. Capitalism – Chủ nghĩa tư bản

Chủ nghĩa tư bản là hệ thống kinh tế dựa trên quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất và hoạt động vì lợi nhuận. Những đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản gồm có: Tài sản tư nhân, tích lũy tư bản, lao động được trả công, trao đổi tự nguyện, hệ thống giá và thị trường cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, từng chủ sở hữu của cải, tài sản hoặc khả năng sản xuất trên thị trường tài chính và thị trường vốn tự quyết định và đầu tư, trong khi giá, phân phối hàng hóa và dịch vụ chủ yếu được quyết định bởi cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ.
Các nhà kinh tế học, các nhà kinh tế chính trị học, các nhà xã hội học và nhà sử học đã áp dụng những quan điểm khác nhau trong công trình phân tích về chủ nghĩa tư bản và đã công nhận những hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Đấy là chủ nghĩa tư bản laissez-faire hay chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản phúc lợi và chủ nghĩa tư bản nhà nước. Những hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản thể hiện những mức độ khác nhau của thị trường tự do, sở hữu công cộng, rào cản đối với cạnh tranh tự do và các chính sách xã hội mà nhà nước áp dụng. Hầu hết các nền kinh tế tư bản hiện nay là các nền kinh tế hỗn hợp, kết hợp các yếu tố của thị trường tự do với sự can thiệp của nhà nước và trong một số trường hợp, còn có cả kế hoạch hóa kinh tế nữa.
Các nền kinh tế thị trường đã tồn tại dưới nhiều hình thức chính phủ và ở nhiều thời điểm, địa điểm và nền văn hóa khác nhau. Xã hội tư bản hiện đại, được có đặc điểm chủ yếu là quan hệ xã hội dựa trên đồng tiền: Giai cấp công nhân đông đảo làm việc để nhận tiền công, cùng với giai cấp tư sản sở hữu các phương tiện sản xuất với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Những người phê phán chủ nghĩa tư bản cho rằng nó đưa quyền lực vào tay giai cấp tư sản, chiếm thiểu số, giai cấp này sống nhờ vào việc bóc lột giai cấp công nhân, chiếm đa số; nó quan tâm trước hết tới lợi nhuận hơn là lợi ích xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; và là một động cơ của bất bình đẳng, tham nhũng và bất ổn kinh tế. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản khẳng định rằng phương thức sản xuất này cung cấp các sản phẩm tốt hơn và luôn luôn đổi mới nhờ cạnh tranh, chuyển của cải tới tất cả những người sản xuất, thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên và phân cấp quyền lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng suất và thịnh vượng có lợi cho xã hội.

7. Carpet-bagger

Trong lịch sử Hoa Kỳ, carpet-bagger (kẻ gói thảm hoặc kẻ mang túi) là một từ có ý tiêu cực, nói tới những người miền Bắc hoạt động đầu cơ chính trị tại miền Nam trong giai đoạn Tái thiết sau khi miền Nam thua. Cụm từ này từ chữ tiếng Anh: Carpet bag là cái túi cho người đi du lịch làm từ chất liệu vải in tương tự thảm phổ biến tại Mỹ và châu Âu trong thế kỷ XIX hoặc những gói làm bằng thảm chứa đựng hành lý mà những người này đem theo khi họ di chuyển đến miền Nam. Nó có dụng ý rằng những người này chỉ là những kẻ lợi dụng thời cơ, không có ý định ở lại lâu dài, mà chỉ muốn bóc lột người bản xứ.
Sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ khi Liên minh miền Nam Hoa Kỳ thua, ở miền Nam có nhiều chức vụ lãnh đạo bị bỏ trống, nhiều người cơ hội trở thành thị trưởng hoặc nắm chức vụ cao hơn trong chính quyền, với sự đồng thuận của chính phủ trung ương. Cụm từ này cũng được dùng cho những nhà chính trị di chuyển đến tiểu bang khác để có cơ hội nâng cao địa vị.
Ngày nay, cụm từ này được các nhà sử học sử dụng một cách ít tiêu cực hơn, và cũng được áp dụng cho những người không liên quan đến thời kỳ này.

8. Caste- Đẳng cấp

Đẳng cấp hình thức phân tầng xã hội với đặc điểm chỉ kết hôn trong nội bộ đẳng cấp, truyền lại cho đời sau lối sống, trong đó có nghề nghiệp, địa vị xã hội trong hệ thống phân cấp, và tương tác xã hội đã trở thành truyền thống. Đấy là sự phân chia xã hội Ấn Độ giáo thành các nhóm xã hội rất khắt khe, bắt nguồn từ lịch sử cổ đại của Ấn Độ và tồn tại cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ đã bị suy giảm do kết quả của quá trình đô thị hóa và các chính sách nâng đỡ các đẳng cấp thấp kém.

9. Catroism – Chủ nghĩa Castro

Chủ nghĩa Castro được xây dựng trên các tư tưởng và lý thuyết Marxist do Che Guevara và Raúl Castro và Fidel Castro, những người lãnh đạo cuộc Cách mạng Cuba, thúc đẩy. Tương tự như tất cả những người theo chủ nghĩa Lenin, những người Castroist tin rằng nhà nước tư bản chủ nghĩa phải bị lật đổ để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhưng thay vì lãnh đạo quần chúng thông qua đảng tiên phong (quan điểm của Lenin), họ tin vào lý thuyết dựa trên chủ nghĩa dân túy, với cuộc chiến tranh du kích, khủng bố có giới hạn và hành động anh hùng của một nhóm nhỏ các chiến sĩ chống lại giới quyền uy sẽ truyền cảm hứng cho quần chúng tham gia cùng họ.
Quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp nước ngoài và chia lại ruộng đai là một trong những nguyên lý của Castroism là bằng chứng khi các nhà cách mạng Cuba đuổi các doanh nghiệp Hoa Kỳ ra khỏi nước này. Trước khi Fidel giành được quyền lực, 70% đất đai Cuba nằm trong tay người nước ngoài. Castro tiến hành cải cách nông nghiệp, chia lại ruộng đất. Các công ty dầu mỏ của Mỹ sau đó bị quốc hữu hóa. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách cắt giảm phần lớn hạn ngạch nhập khẩu đường từ Cuba. Đáp lại tất cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ và cuối cùng tất cả các doanh nghiệp đã bị quốc hữu hóa.
Dưới sự lãnh đạo của Fidel, tỷ lệ người biết đọc biết viết của Cuba đạt xấp xỉ 100%, trong khi trước cách mạng chỉ là khoảng 40%. Cuba có tỷ lệ bác sĩ/bệnh nhân cao nhất thế giới. Bình đẳng về giới và sắc tộc là nguyên lý quan trọng của Castroism.

10. Catastrophe Theory – Lý thuyết thảm họa

Lý thuyết thảm họa cung cấp cho chúng ta phân loại mang tính hệ thống về những thay đổi đột ngột từ trạng thái ổn định này sang trạng thái ổn định kia, áp dụng cho những hiện tượng khác hẳn nhau, ví dụ, nước đóng thành bang, sự sụp đổ của một đế chế, kim loại cong vênh hay bạo loạn trong nhà tù. Lý thuyết này được phát triển vào năm 1965, và được Christopher Zeeman và những người khác áp dụng vào các môn khoa học xã hội trong thập kỉ sau đó, nhưng sau năm 1974 đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Lý thuyết này hấp dẫn những người không phải là các nhà toán họa chuyên nghiệp vì hai lý do. Thứ nhất, nó là một phần cùa môn toán học vế các bề mặt, topology, mà những người không phải là nhà toán học chuyên nghiệp có thể hiểu được nhờ trực giác. Thứ hai, lý thuyết thảm họa cung cấp cho chúng ta lời giải thích về những thay đổi gián đoạn và sự phân ly triệt để từ những điều kiện ban đầu gần như giống hệt nhau, dường như khó giải thích nếu chỉ tuân theo truyền thống Newton, và người ta cho rằng đây là những hiện tượng đặc thù trong lĩnh vực xã hội và chính trị.

11. Catholic Parties – Các đảng Công giá0

Các đảng Công giáo là các đảng phái tìm cách thúc đẩy chương trình và chính sách của Giáo hội Công giáo La Mã. Vì người theo Giáo hội Công giáo thường là người nghèo và sùng đạo, các chương trình của đảng Công giáo thường có tính bảo thủ trong những vấn đề xã hội mà Giáo hội rao giảng và ủng hộ việc tái phân phối của cải, và nói chung là hơi tả khuynh trong những vấn đề kinh tế.

12. Caucus – Cuộc họp kín của ban lãnh đạo tổ chức chính trị

Cuộc họp kín là cuộc họp của những người ủng hộ hoặc thành viên của một đảng chính trị hoặc phong trào cụ thể. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Hoa Kỳ, nhưng đã lan sang Australia, Canada, New Zealand, Nam Phi và Nepal. Ở trong nền chính trị và chính phủ Hoa Kỳ, caucus có vài nghĩa liên quan với nhau: thành viên của các đảng chính trị hay các nhóm có thể gặp gỡ nhằm phối hợp hành động, lựa chọn chính sách hay chọn ứng cử viên cho chức vụ nào đó.

13. Caudillismo

, là hệ thống thống trị và xã hội, dựa trên sự lãnh đạo của một người có bàn tay sắt, hình thành sau các cuộc chiến tranh giành độc lập từ Tây Ban Nha ở Mỹ Latinh thế kỷ XIX. Từ caudillo trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “người lãnh đạo”, được sử dụng để nói về người đứng đầu các lực lượng không chính quy, nắm quyền cai trị một vùng lãnh thổ.

14. Central Bank – Ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương (có khi gọi là ngân hàng dự trữ, hoặc cơ quan phụ trách về tiền tệ) là cơ quan quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia/nhóm quốc gia/vùng lãnh thổ và chịu trách nhiệm thi hành chính sách tiền tệ, cung cấp tiền và quy định lãi suất của quốc gia hay của liên minh tiền tệ, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại. Mục đích hoạt động của ngân hàng trung ương là ổn định giá trị của đồng tiền quốc gia, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ. Các ngân hàng trung ương ở hầu hết các quốc gia phát triển đều là những tổ chức độc lập, không bị chính trị can thiệp vào, tuy nhiên, vẫn bị các cơ quan hành pháp và lập pháp kiểm soát ở mức độ nào đó.
Ngân hàng trung ương có thể có những chức năng sau đây:
– thực thi chính sách tiền tệ.
– ban hành lãi suất chính thức – nhằm quản lý lạm phát và tỷ giá hối đoái quốc gia – và đảm bảo rằng lãi suất và tỷ giá có hiệu lực
– kiểm soát toàn bộ việc cung tiền của quốc gia
– là ngân hàng của chính phủ và ngân hàng của ngân hàng
– quản lý dự trữ ngoại hối và dự vàng của quốc và trái phiếu Chính phủ
– điều tiết và giám sát lĩnh vực ngân hàng

15. Central Committee – Ban chấp hành trung ương

Ban chấp hành Trung ương là tên gọi của cơ quan hành chính thường trực của các đảng cộng sản – cầm quyền hay không cầm quyền trong thế kỷ XX và của các quốc gia cộng sản còn sót lại trong thế kỷ XXI, tương tự như ban giám đốc. Ban chấp hành trung ương thường được bầu từ các đại biểu tham dự đại hội toàn quốc của đảng. Ở những quốc gia mà đảng cộng sản nắm được quyền lực nhà nước, Ban chấp hành Trung ương là cơ quan ban hành quyết định của đảng, trong giai đoạn giữa hai đại hội, và thường bầu ra Bộ Chính trị. Trong các đảng Cộng sản không cầm quyền, Ban chấp hành Trung ương thường được hiểu là cơ quan ban hành quyết định trong giai đoạn giữa hai kì đại hội sau khi quá trình tập trung dân chủ đã dẫn đến quan điểm thống nhất trong toàn đảng.
Ở Hoa Kỳ, hai đảng lớn cũng có Ban chấp hành toàn quốc của đảng Dân chủ (Democratic National Committee) và Ban chấp hành toàn quốc của đảng Cộng hòa; đây là những cơ quan lãnh đạo của các tổ chức này ở cấp quốc gia, cũng như các ban chấp hành địa phương.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (viết tắt là BCH hoặc BCHTƯ) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam giữa 2 kỳ Đại hội, các Ủy viên Trung ương Đảng được bầu bởi Đại hội Đại biểu toàn quốc 5 năm 1 lần. Đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam bầu và số lượng Ủy viên do Đại hội quyết định. Năm 1976 sau Đại hội IV thì số Ủy viên là 101 người. Đến Đại hội VIII thì số Ủy viên tăng lên 170. Ban Chấp hành Trung ương khóa X gồm 160 Ủy viên chính thức và 41 Ủy viên dự khuyết. Đến Đại hội XI (01/2011) gồm 175 Ủy viên chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết. Tại Đại hội XII (01/2016) có 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

16. Central Intelligence Agency – Cơ quan Tình báo Trung ương Mĩ

Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) là cơ quan tình báo quan trọng của Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ, có nhiệm vụ thu thập, xử lí và phân tích các thông tin tình báo có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là thông qua hoạt động tình báo do con người tiến hành. Là thành viên chính của Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ (IC), CIA có nhiệm vụ phải báo cáo thông tin cho Giám đốc Tình báo Quốc gia (Director of National Intelligence) cũng đồng thời cung cấp các thông tin tình báo quan trọng cho tổng thống và nội các của Hoa Kỳ.
Tổng hành dinh của CIA nằm ở Langley, Virginia, phía Tây Thủ đô Washington, D.C. Nhân viên của cơ quan hoạt động từ các Đại sứ quán của Hoa Kỳ và nhiều địa điểm trên khắp thế giới.
Khác với FBI với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ, CIA không có lực lượng thực thị pháp luật trong nước mà chủ yếu tập trung vào hoạt động thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài và bị giới hạn việc thu thập thông tin tình báo ở trong nước.
Trước đạo luật cải tổ hệ thống tình báo vào chống khủng bố của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2004, Giám đốc CIA là người đứng đầu Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ; ngày nay, CIA dưới quyền của Giám đốc Tình báo Quốc gia.
CIA có ba hoạt động chính thức:
– Thu thập thông tin về chính phủ của các nước ngoài, công ty và cá nhân nước ngoài.
– Phân tích dữ liệu đó cùng với các Cơ quan thu thập tình báo khác của Hoa Kỳ với mục đích nhằm cung cấp đánh giá về Tình báo An ninh Quốc gia đến các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ.
– Chịu sự chỉ đạo từ Tổng thống Hoa Kỳ, thực hiện giám sát các hoạt động mật và các hoạt động chiến thuật bởi nhân viên của chính Cơ quan, bởi binh sĩ của Quân đội Hoa Kỳ hoặc là các đối tác của Cơ quan.
Dựa vào ngân sách của Cơ quan trong Năm tài chính 2013, CIA có năm ưu tiên:
– Chống khủng bố, ưu tiên hàng đầu, được xác định qua Cuộc chiến Với Khủng bố đang diễn ra.
– Ngăn sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt với mục tiêu khó nhất là Triều Tiên.
– Cảnh báo các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về các sự kiện quan trọng quốc tế.
– Phản gián, với Trung Quốc, Nga, Iran, Cuba và Israel được mô tả là các mục tiêu ưu tiên.
– Tình báo mạng.

17. Central-local relation – Quan hệ trung ương-địa phương

Trong các nước theo chủ nghĩa đa nguyên ở phương Tây, tất cả các chính quyền trung ương đều đứng trước vấn đề nan giải: (1) làm sao tổ chức được việc đưa và kiểm soát chính sách công trong “đất nước”, nằm ngoài các cơ quan trung ương đóng ở thủ đô ; và (2) cho phép công dân ở địa phương, hoặc giới tinh hoa địa phương quản lý việc cung cấp dịch vụ công trong khu vực của mình đến mức độ nào. Tóm lại, chính quyền trung ương phải giải quyết vấn đề về quản lý và chính trị theo khu vực. Đây là, hoặc nên là, chủ đề về quan hệ địa phương-trung ương. Đây là một vấn đề nan giải của cả hệ thống liên bang và không theo liên bang. Ở đây chỉ hệ thống không liên bang, thường được gọi là hệ thống nhất thể (unitary).
Về quản lý hành chính, chính quyền trung ương có một số lựa chọn. Việc cung cấp dịch vụ công tại có thể được giao cho các văn phòng của trung ương đóng tại địa phương, hoặc giao cho các cơ quan bao gồm người dân địa phương do chính quyền trung ương lựa chọn, hoặc do chính quyền địa phương bầu ra, hoặc kết hợp một số lựa chọn này. Lựa chọn khác là trung ương giám sát các cơ quan cung cấp chính sách vừa nói. Giám sát (hoặc kiểm soát) có thể được phân chia giữa các cơ quan trung ương có liên quan nằm ở thành phố thủ đô, hoặc các quan chức được trung ương chỉ định tới các khu vực khác nhau trong nước, hoặc cho các cơ quan trung ương cụ thể (và bộ trưởng) chịu trách nhiệm về các vùng cụ thể ở trong nước.
Quan hệ trung ương-địa phương thường bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiều yếu tố chính trị. Một số chính quyền trung ương có thể cố gắng giám sát một cách chi tiết việc làm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền địa phương do dân bầu. Phương tiện kiểm soát quan trọng nhất là tài chính: nguồn thu của chính quyền địa phương và sự phụ thuộc của họ vào các khoản trợ cấp từ trung ương. Chiến lược khác là chuyển dịch vụ công cộng địa phương sang khu vực tư nhân và cho phép các lực lượng thị trường hoạt động như cơ chế kiểm soát. Người ta làm như thế là do ý thức hệ hoặc đơn giản vì kiểm soát chi li việc làm của chính quyền địa phương là một nhiệm vụ phức tạp, tốn thời gian và khó.

18. Censorship – Kiểm duyệt

Kiểm duyệt là kiểm soát những điều có thể nói, viết hoặc xuất bản dưới bất kỳ hình thức nào – do chính phủ hoặc bởi các quyền lực không chính thức thực hiện, và có nghĩa là nỗ lực để áp nhằm áp đặt quan điểm và hành vi phù hợp. Kiểm duyệt từng là chuẩn mực trong hầu hết các xã hội và trong hầu hết các giai đoạn lịch sử thành văn, và còn tồn tại ở hầu như khắp mọi nơi cho đến tận ngày nay. Hai hình thức kiểm duyệt chính liên quan đến đạo đức và chính trị. Kiểm duyệt tôn giáo bao gồm cả đạo đức lẫn chính trị. Lộng ngôn bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa và do đó, là vô đạo đức, trong khi dị giáo là lời rao giảng hoặc nghe theo cách giải thích khác với giáo lý thịnh hành; kiểm duyệt, và bức hại, đã được được sử dụng rộng rãi để đàn áp cả vô đạo đức và dị giáo, đặc biệt là trong những nước theo Kitô thời Trung cổ và Cải cách, khi các chức năng của nhà thờ và nhà nước gắn bó mật thiết với nhau. Các phong trào tôn giáo vẫn có ảnh hưởng ở nhiều quốc gia trong việc duy trì luật pháp với mục đích là bảo vệ đạo đức công cộng.
Kiểm duyệt chính trị bằng cách che giấu thông tin có chủ ý chắc chắn đã có ngay cả trong những cộng đồng chính trị đầu tiên trong lịch sử. Sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng chắc chắn mở rộng khả năng cho kiểm duyệt. Một khu vực, đấy là an ninh quốc gia, mà tất cả các quốc gia đều nắm quyền kiểm duyệt. Kiểm duyệt mâu thuẫn với một số giá trị quan trọng nhất của chế độ dân chủ tự do, như tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhưng, ngay cả hầu hết các quốc gia cũng tự do đòi hỏi áp dụng một số biện pháp kiểm soát đối với những tài liệu được công bố, ngay cả, để bảo đảm quyền riêng tư và không bị bôi nhọ, và ngăn chặn việc phổ biến những quan điểm cực đoan, như hận thù chủng tộc. Trong khối Liên Xô trước đây nhà nước tìm cách kiểm soát tất cả các ấn phẩm. Không chỉ có vấn đề an ninh quốc gia và người bất đồng chính kiến bị kiểm duyệt, mà ngay cả những tin tức cơ bản, ví dụ, thảm họa hàng không cũng thường bị cấm. Tương tự như sự lan tràn các ấn phẩm và xóa mù chữ làm cho xã hội phi dân chủ cần phải kiểm duyệt chính trị, công nghệ truyền thông hiện nay làm cho kiểm duyệt trở thành vô ích. Việc ngày càng có nhiều người sử dụng Internet làm cho tất cả các nỗ lực nhằm kiểm soát thông tin trở thàng hầu như bất khả thi.

19. Central Europe – Trung Âu

Trung Âu, đôi khi được gọi là Trung-Đông Âu, là một khái niệm chứ không chỉ là thuật ngữ địa lý. Thông thường, khu vực bao gồm chủ yếu là “ba nước lớn” thuộc khối Cộng sản trước đây ở châu Âu là Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc và hiện nay là Cộng hòa Séc và Slovakia. “Trung Âu”, trước đây được gọi là Đông Âu, khi nói về phần châu Âu của khối Xô Viết. Về mặt khái niệm, ý tưởng cho rằng những nước này và một nước nhỏ bé khác có một số đặc điểm chung chứ không chỉ là sự gần gũi về địa lý do cùng nằm trong khối Xô Viết, hiện nay đã không còn đúng nữa.
Biên giới của các nước Trung Âu được xây dựng sau Hiệp ước hòa bình Versailles năm 1919. Hiệp ước này nói tới ý tưởng trao trả độc lập cho các dân tộc ở những khu vực mà gần như luôn luôn bị những dân tộc khác, chủ yếu là Đế quốc Áo-Hung và Đế chế Nga. Các quốc gia này tồn tại trong khoảng 20 năm sau khi được trao trả độc lập, nhưng đã nhanh rời khỏi lý tưởng của các chế độ dân chủ tự do của Hòa ước Versailles. Sau Thế chiến II, các nước này liên kết với Liên Xô và cùng tách ra vào năm 1989.
Vấn đề quan trong đối với khu vực này là các nước ở đây có thể tiếp tục quá trình chuyển đổi dân chủ. Tư cách thành viên trong bất kì tổ chức quốc tế do phương Tây thành lập, đặc biệt là NATO (mà một số đã đạt được) và Liên minh châu Âu, là lý tưởng, và người ta đang tìm cách tạo ra một tiếng nói chung về nặt chính trị cho khu vực này.

20. Centralization – Trung ương tập quyền

Centralisation or centralization (see spelling differences) is the process by which the activities of an organisation, particularly those regarding planning and decision-making, framing strategy and policies become concentrated within a particular geographical location group. This moves the important decision-making and planning powers within the center of the organisation.
Trong lĩnh vực chính trị trung ương tập quyền là tập trung quyền lực của chính phủ và sức mạnh chính trị về thủ đô và ở cấp quốc gia, khác hẳn sự chia sẻ quyền và trách nhiệm giữa chính quyền quốc gia, chính quyền khu vực và địa phương. Có mối tương quan mạnh mẽ giữa trung ương tập quyền và quy mô lãnh thổ. Thời gian gần đây, ở những nơi có những tiếng nói phản đối việc tập trung quá nhiều về thủ đô đã dẫn đến việc củng cố các chính đảng trong các khu vực, và quyền lực về cho các cơ quan dân cử. Có giới hạn sao cho việc phân cấp thực sự, vượt quá giới hạn đó sẽ trở thành chế độ liên bang, vì, nói cho cùng chính phủ quốc gia chịu trách nhiệm về chính sách và có trách nhiệm giải trình trước cử tri về sai lầm của mình.

21. Charisma – Sức cuốn hút của lãnh tụ

Charisma ban đầu là khái niệm thần học, nghĩa đen là “quà tặng của ân sủng”, thuộc tính của các vị thánh trong thần học Công giáo. Max Weber sử dụng từ này để mô tả một trong ba biểu hiện chính của quyền lực chính trị. Đối với Weber sức cuốn hút là phẩm chất cá nhân, đấy là sức hấp dẫn và sức mạnh nội tâm, có thể truyền cảm hứng để tạo ra lòng trung thành chính trị sâu sắc trong đám đông dân chúng. Do đó, các nhà lãnh đạo có sức cuốn hút giành được sự ủng hộ của những người theo họ vì lý do hoàn toàn mang tính cá nhân hơn là chính sách cụ thể nào mà họ ủng hộ, hoặc vì những lãnh tụ nàu là người cai trị “chính danh” do kế thừa theo truyền thống. Gandhi, Nasser, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Hồ Chí Minh, Hitler là những người dường như có thể thu được sự ủng hộ của quần chúng vì có khả năng này. Danh sách này có một số người, trong đó có Hitler, có sức cuốn hút là do tính cá nhân chứ không phải là đạo đức. Về mặt chính trị, khó khăn lớn nhất, như Weber đã chỉ ra: Nhà lãnh đạo có sức cuốn hút có thể xây dựng được quốc gia hay đảng phái xung quanh ông ta, nhưng sau họ, ai sẽ là người lãnh đạo, ai sẽ là người thừa kế? Dường như các tổ chức do lãnh tụ có sức cuốn hút quần chúng có thể chỉ tồn tại trong thời lâu nếu có những nguyên nhân thực tế hoặc truyền thống ủng hộ, hoặc nếu người ta tiếp tục phát triển được những lực lượng này.

22. Chilling Effect – Hiệu ứng gây cóng

Hiệu ứng gây cóng là thuật ngữ do các luật sư hiến pháp Hoa Kỳ đưa ra để mô tả tác động tiềm ẩn mà một điều luật cụ thể hoặc học thuyết hiến pháp có thể có, cao hơn ảnh rõ ràng của nó trong các tòa án. Trong bối cảnh pháp lý, hiệu ứng gây cóng là ngăn cản hoặc không khuyến khích việc thực thi các quyền tự nhiên và pháp lý bằng cách đe dọa đưa ra tòa. Quyền thường bị hiệu ứng gây cóng đè nén là quyền tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp Hoa Kỳ.

23. Christian Democracy – Dân chủ Kitô giáo

Dân chủ Kitô giáo là một hệ tư tưởng chính trị xuất hiện ở châu Âu, thế kỷ XIX, dưới ảnh hưởng của giáo huấn xã hội Công giáo, cũng như Neo-Calvinism. Tư tưởng chính trị của Dân chủ Kitô giáo ủng hộ cam kết đối với các nguyên tắc thị trường và những biện pháp can thiệp có giới hạn vào thị trường. Đây là sự kết hợp giữa các tư tưởng dân chủ hiện đại và các giá trị Kitô giáo truyền thống. Sau Thế chiến II, các phong trào của Tin lành và Công giáo đóng một vai trò trong việc hình thành chế độ dân chủ Kitô giáo. Dân chủ Kitô giáo tiếp tục có ảnh hưởng ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, mặc dù nó cũng có mặt ở các nơi khác trên thế giới.
Trên thực tế, dân chủ Kitô giáo thường được coi là phái trung-hữu về các vấn đề văn hóa, xã hội và đạo đức, và là người ủng hộ chủ nghĩa bảo tồn xã hội, nhưng cũng được coi là trung-tả đối với các vấn đề kinh tế và lao động, quyền công dân, và chính sách đối ngoại cũng như môi trường.
Trên thế giới, nhiều đảng dân chủ Kitô giáo là thành viên của Quốc tế Dân chủ Trung dung (Centrist Democrat International) và một số tham gia Liên minh Dân chủ Quốc tế (International Democrat Union). Các đảng dân chủ Kitô giáo lớn gồm có Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (Christian Democratic Union of Germany), Đảng Nhân dân Áo (Austrian People’s Party), Đảng Dân chủ Kitô giáo Chile (Christian Democratic Party of Chile), Đảng Dân chủ Kitô giáo Hà Lan (Dutch Christian Democratic Appeal), Đảng Dân chủ nhân dân Thụy Sĩ (Christian Democratic People’s Party of Switzerland) và Đảng Nhân dân Tây Ban Nha. (Spanish People’s Party).

24. Christian Socialism – Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo 

Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo không phải là phong trào có tổ chức hay hệ tư tưởng đặc biệt. Đây là thuật ngữ được dung để mô tả những người hoặc nhóm người hay thái độ thỉnh thỏang lại xuất hiện ở châu Âu. Luận điểm trung tâm của Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo là Kitô và chủ nghĩa xã hội cùng có chung một số giá trị quan căn bản và các Kitô hữu nên thể hiện thái độ chính trị đối với đức tin của mình bằng cách ủng hộ một vài hình thức xã hội chủ nghĩa nhất định. Đồng thời, những người theo phái này còn khẳng định rằng Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo cung cấp cho chủ nghĩa xã hội nền tảng đạo đức mà một số phiên bản của chủ nghĩa xã hội, ví dụ, chủ nghĩa Marx chính thống, không có. Bình đẳng, hòa bình, tình hữu ái, không có cạnh tranh và bác bỏ hệ thống thang bậc và quyền lực là những giá trị được những người theo Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo cùng chia sẻ.
Quan hệ giữa những người theo Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo và những người theo phong xã hội chủ nghĩa khác luôn luôn nằm trong tình trạng căng thẳng và phái xã hội chủ nghĩa cánh tả thường nghiêng về chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần và đối kháng với tôn giáo. Vì thế chủ nghĩa xã hội của những người theo Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo, nói chung, có tính ôn hòa và phi cách mạng, gần gũi với phong trào Fabianvà Đảng Lao động Anh (British Labour Party).

25. Christianity – Kitô giáo

Vai trò chính trị của Kitô giáo mỗi nước mỗi khác và đang ngày càng giảm trong các chế độ dân chủ phương Tây vì cử tri ngày càng ủng hộ các chính đảng không dựa vào bất kì tôn giáo nào. Ở những nơi Kitô còn giữ được vai trò chính trị nào đó thì vai trò đó thường được thể hiện trong hai khía cạnh. Thứ nhất, xung đột giữa các phe phái giáo sĩ và phe chống giáo sĩ, từng diễn ra một cách khốc liệt ở Pháp và vẫn có vai trò quan trọng ở Italy. Thứ hai, xung đột giữa các đảng chính trị đại diện cho các giáo phái khác nhau. Đấy là các đảng theo Công giáo và Tin lành. Ngay cả ở những nước không có các đảng mang danh Kitô giáo, chính trị và tôn giáo vẫn có thể liên kết với nhau, và một số liên kết có thể trở nên mạnh mẽ hơn. Các chính đảng ở các nước khác nhau như Australia, Canada và Anh vẫn có xu hướng lôi kéo các nhóm tôn giáo cụ thể. Cho đến gần đây, đa số người Công giáo La Mã ở Anh đều bầu cho Đảng Lao động (Labour Party), trong khi Đảng Bảo tồn thường được những người theo Anh giáo ủng hộ. Ở một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, đáng chú ý nhất là Bắc Ireland, xung đột giữa các giáo phái Kitô giáo là cơ sở để thiết lập các liên kết chính trị. Tuy nhiên, trong các chế độ dân chủ mới xuất hiện ở Đông Âu mới, Chính trị Kitô giáo lại ngả sang cánh hữu.
Kitô giáo, như một tôn giáo, được coi là không đưa người ta tới bất kì quan điểm chính trị cụ thể nào, và mặc dù có nhiều tín đồ trên thế giới, tôn giáo này có lực lượng chính trị tương đối yếu. Ở những nước có các đảng Kitô giáo, ví dụ, nước Đức, các đảng này có xu hướng trở thành các đảng bảo tồn chính thống (xem Dân chủ Kitô giáo). Ở châu Âu, các phong trào hòa bình cấp tiến thường được dẫn dắt bởi hoặc chịu nhiều ảnh hưởng của các phong trào Kitô giáo, trong khi ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng Kitô hữu theo phái “tái sinh” phần lớn là những người theo phái bảo tồn, không chỉ về các vấn đề đạo đức, như phá thai, mà còn về một loạt vấn đề chính trị khác.

26. Capital Punishment – Án tử hình

Mặc dù án tử hình là hiện tượng phổ biến trong lịch sử và, mặc dù mà đôi khi rất nhiều tội lỗi được coi là đáng bị tử hình, việc phản đối, đòi bải bỏ án tử hình không phải là hiện tượng mới xuất hiện gần đây như một số người đang nghĩ. Cuối thế kỉ XVIII, một số nước châu Âu đã bãi bỏ án tử hình, chí ít là trong một số giai đoạn nào đó. Ngay cả ở Hoa Kỳ, hiện là chế độ dân chủ tự do ở phương Tây còn xử tử tội phạm, từ lâu, một số bang đã bãi bỏ, hoặc ít nhất là hạn chế, hình phạt tử hình. Hai bang Michigan và Wisconsin đã bãi bỏ án tử hình từ giữa thế kỉ XIX. Tuy nhiên, cho đến nửa mãi sau thế kỉ XX, hầu hết các nước thuộc đủ màu sắc chính trị khác nhau vẫn cho rằng giết người là hợp pháp nếu họ vi phạm một số điều luật nào đó, ngay cả trong thời bình. Những xã hội tự do nhất trong thời hiện đại thường cho phép áp dụng án tử hình, ít nhất là về mặt lý thuyết, trong giai đoạn chiến tranh. Sau Thế chiến II, nhiều nước châu Âu đã bãi bỏ án tử hình. Hiện này, bãi bỏ án tử hình là một trong những đòi hỏi đối với những nước muốn gia nhập EU. Đầu thế kỷ XXI, khoảng 90 quốc gia đã chính thức bãi bỏ án tử hình, và có lẽ 20 nước khác đã không xử tử người nào trong một thời gian dài, đến mức có thể coi là những nước, trên thực tế, đã bãi bỏ án tử hình. Cụ thể là, những nước thoát ra khỏi giai đoạn độc tài kéo dài, sau năm 1989 đã nhanh chóng coi án tử hình là bất hợp pháp, Nam Phi gần như bãi bỏ án tử hình ngay sau kết thúc chế độ apartheid.
Bên ngoài các nước dân chủ tự do đã phát triển và ổn định, án tử hình vẫn được sử dụng rất rộng rãi và thường được áp dụng không những đối với các tội chống lại con người; ví dụ, nhiều nước châu Á áp dụng án tử hình cho cả những tội liên quan đến ma túy. Ở một số khu vực theo Hồi giáo dường như là tôn giáo ủng hộ về mặt văn hóa các vụ hành quyết (xem Shari‘a); trong các khu vực khác, ví dụ, một số quốc gia vùng Caribbe vẫn tin tưởng vào tác dụng răn đe của việc hành quyết. Việc phản đối án tử hình thường do giới trí thức tinh hoa dẫn dắt. Ngay cả ở châu Âu, dư luận thường ủng hộ tư tưởng về khôi phục án hình hơn là những người phản đối kì vọng: Trong một số cuộc thăm dò ý kiến 70% công chúng nước Anh muốn khôi phục án tử hình đối với một số tội phạm giết người.

27. Citizenship – Quyền công dân

Quyền công dân là quyền được làm công dân của một cộng đồng xã hội, chính trị, hoặc quốc gia. Cốt lõi của quyền công dân là địa vị pháp lý, mặc dù các nhà lý luận chính trị ngày càng có gắng đưa khái niệm trở lại với ý nghĩa trước đó, khi khái niệm này, theo quan điểm của họ, có ý nghĩa bao quát hơn. Là địa vị pháp lý, việc trao quyền công dân làm cho người ta có các quyền trong hệ thống chính trị mà họ đang sống. Ít nhất là có quyền cư trú và tham gia vào các cơ chế chính trị của nhà nước, thông qua bầu cử. Đấy cũng là địa vị bình đẳng về mặt pháp luật với tất cả những công dân khác và do đó, quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật, mà Tuyên ngôn Nhân quyền của Mĩ gọi là quyền bình đẳng và thủ tục tố tụng chuẩn mực. Trong hầu hết các chế độ dân chủ tự do hiện đại, quyền công dân cũng đảm bảo sự bảo vệ những quyền và quyền tự do dân sự khác, không phải tất cả trong số đó có thể có sẵn cho những người có quyền ở lại trong nước. Thần dân có ít quyền hơn công dân. Thần dân là người trung thành với chủ quyền chính trị nhưng không có quyền tham gia vào quá trình ban hành quyết định của hệ thống. Thần dân có thể có các quyền khác, ví dụ, quyền được nhà nước bảo vệ khi ở nước ngoài, nhưng thần dân không có quyền tham gia vào lĩnh vực chính trị.
Khái niệm quyền công dân xuất phát từ các chế độ dân chủ Hi Lạp và Cộng hòa La Mã. Đối với người Hi Lạp, công dân là một trong những tinh hoa tham gia một cách bình đẳng với nhau trong xã hội mà phần lớn dân chúng, bao gồm phụ nữ, nô lệ và kiều dân không có những quyền như thế. Phụ nữ, nô lệ và kiều dân cũng không có trách nhiệm gì: Chỉ công dân tham gia quân đội và làm nhiệm vụ bảo vệ xã hội.
Gần đây đã có một số người tuyên bố rằng khái niệm đầy đủ về quyền công dân kéo theo nghĩa vụ bao trùm hơn: Quan tâm đến quyền lợi chung và ý thức về mục đích và giá trị chung của xã hội. Do đó, quyền công dân không chỉ là định hướng cá nhân, trong đó người ta không có nghĩa vụ nào khác ngoài những nghĩa vụ đã được pháp luật quy định . Do đó, các lý thuyết gia theo phái cộng đồng tìm cách đặt quyền công dân vào một tập hợp các ưu tiên của giá trị quan, chứ không chỉ coi là một khái niệm mang tính thủ tục đơn thuần.

28. Civic Culture – Văn hóa công dân

The Civic Culture or The Civic Culture: Political Attitudes and Democracy in Five Nations (Văn hóa công dân hay Văn hóa công dân: Thái độ chính trị và chế độ dân chủ trong năm quốc gia) là tác phẩm chính trị học của Gabriel Almond và Sidney Verba, xuất bản năm 1963. Tác phẩm này nói rằng, trong các nước khác nhau, văn hóa chính trị khác nhau rất nhiều – đấy là nói về mức độ khuyến khích niềm tin vào thẩm quyền chính trị và tạo điều kiện cho các công dân bình thường tham gia hoạt động chính trị. Văn hóa công dân lý tưởng là nền văn hóa, trong đó các tư tưởng chính trị và giá trị quan của công dân hòa hợp với quyền bình đẳng chính trị và sự tham gia; chính phủ được coi là đáng tin và hành động lợi ích công cộng. Khá cần với khái niệm của Hi Lạp cổ điển về thành bang, và gần với mô tả của Aristotle về con người như một “động vật chính trị”. Trên thực tế, ý thức về ‘năng lực công dân này đã được tìm thấy thay đổi đáng kể, theo các yếu tố như giai cấp và giáo dục, ngay cả trong các quốc gia gần như tiếp cận lý tưởng của nền dân chủ tự do. Hơn nữa, Gabriel Almond (sinh năm 1911) và Sidney Verba (sinh năm 1932), các tác giả của The Civic Văn hóa, nhận thấy rằng nó thay đổi rất nhiều theo hiệu quả và sự ổn định của chế độ dân chủ được khảo sát. Nó cao ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tương đối thấp ở Ý và cận biên ở Mexico (không phải ở thời gian, một nền dân chủ, nhưng thay vào đó là một nhà nước độc đảng khá tự do). Tuy nhiên, như tỷ lệ tham gia chính trị thực tế ở khắp mọi nơi rất thấp, đó là không rõ ràng rằng nhận thức của người dân về năng lực chính trị của họ có nghĩa là rất nhiều.

29. Civil Defence – Bảo vệ dân sự

Bảo vệ dân sự là nỗ lực bảo vệ công dân của quốc gia (thường không phải là những người tham gia chiến đấu) trước các cuộc tấn công quân sự và thiên tai. Bảo vệ sử dụng các nguyên tắc của hoạt động khẩn cấp: Phòng ngừa, giảm thiểu, chuẩn bị, ứng phó hoặc sơ tán khẩn cấp và tái thiết. Các chương trình bảo vệ dân được thảo luận ngay từ những năm 1920 và được triển khai ở một số nước trong những năm 1930 khi mối đe dọa chiến tranh và ném bom không ngày càng gia tăng. Những biện pháp bảo vệ dân sự được nhiều nước áp dụng khi người ta nhận thức được mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trọng tâm của bảo vệ dân sự đã chuyển từ bảo vệ trước những cuộc tấn công quân sự sang các tình huống khẩn cấp và thảm họa. Khái niệm mới được mô tả bằng một số thuật ngữ, mỗi thuật ngữ lại có ý nghĩa cụ thể của mình, như quản lý khủng hoảng, quản lý tình trạn khẩn cấp, chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp, lập kế hoạch dự phòng, và bảo vệ dân sự.
Bảo vệ dân sự rất quan trọng vì chỉ cần những khoản đầu tư tương đối nhỏ, tăng dần theo năm tháng, có thể ngăn ngừa, không để hàng triệu người bị chết vì đói, rét và bệnh tật. Theo lý thuyết vốn con người trong kinh tế học, người dân của đất nước có giá trị hơn tất cả đất đai, nhà máy và các tài sản khác cộng lại. Nhân dân xây dựng lại đất nước sau khi bị phá hủy, và do đó, là tác nhân cực kì quan trọng đối với an ninh kinh tế của đất nước. Đất nước cần phải bảo vệ người dân của mình. Theo tâm lý học, điều quan trọng là người dân cảm thấy là họ đang kiểm soát số phận của chính mình, và việc chuẩn bị cho những tình huống bất thường bằng những biện pháp bảo vệ dân sự có thể giúp làm cho dân chúng an tâm.

30. Civil Disobedience – Bất tuân dân sự

Bất tuân dân sự là các hoạt động hoặc tuyên bố công khai không tuân theo một số luật lệ nhất định, bất tuân yêu cầu và mệnh lệnh của chính phủ, hoặc của lực lượng chiếm đóng nước ngoài. Bất tuân dân sự đôi khi được gọi là phản kháng bất bạo động.
Henry David Thoreau, với tác phẩm Bất tuân dân sự (Civil Disobedience) đã làm cho thuật ngữ này trở nên thịnh hành ở Mĩ và nhiều nơi khác trên thế giới, mặc dù trước đó rất lâu đã có nhiều vụ bất tuân dân sự rồi. Có thể kể những vụ bất tuân dân sự lớn sau đây: Ai Cập trong cuộc đấu tranh chống lại quân Anh trong cuộc cách mạng 1919, phong trào phản kháng bất bạo động ở Ấn Độ (chiến dịch của Gandhi để giành độc lập từ Đế quốc Anh), trong cuộc cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc và ở Đông Đức nhằm lật đổ chính phủ cộng sản của họ, ở Nam Phi trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc, trong Phong trào Dân quyền Mỹ… Martin Luther King Jr. một trong những lãnh tự của phong trào dân quyền Mỹ những năm 1960 nói: “Bất kỳ người nào vi phạm luật mà lương tâm nói với anh ta là bất công và sẵn sàng chấp nhận hình phạt bằng cách đi tù để khơi dậy lương tâm của cộng đồng về sự bất công của pháp luật là thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với luật pháp tại thời điểm đó”.

 

Chữ cái E

140. Ecocentrism – Chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung. 

Ecocentrism, từ hai từ Hi lạp: oikos, “nhà” và kentron, “trung tâm” là thuật ngữ được sử dụng trong triết học chính trị sinh thái ám chỉ hệ thống các giá trị lấy thiên nhiên làm trung tâm (chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung), tương phản với hệ thống các giá trị với lấy con người làm trung tâm (xem mục Anthropocentrism – Chủ nghĩa duy con người). Người ta thường dùng niềm tin mang tính bản thể luận và tuyên bố đạo đức để biện minh cho hệ thống các giá trị lấy thiên nhiên làm trung tâm. Niềm tin mang tính bản thể luận cho rằng không có bất kỳ sự phân chia thực sự nào giữa con người và tự nhiên-không-có-con-người để khẳng định rằng con người hoặc (a) là hữu thể duy nhất có giá trị nội tại hoặc (b) có giá trị nội tại lớn hơn tự nhiên-không-có-con-người. Do đó, tuyên bố đạo đức là sự bình đẳng về giá trị nội tại giữa con người và tự nhiên-không-có-con-người, hay “chủ nghĩa quân bình sinh quyển”.

Những người ủng hộ coi chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung là thách thức quyết liệt thái độ duy con người tồn tại từ lâu và đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa, khoa học và chính trị phương Tây. Chủ nghĩa duy con người cho rằng tự nhiên phải phục vụ cho tiện ích của con người, và do đó, chỉ để đáp ứng nhu cầu của con người mà thôi. Ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung tin rằng phải có nền đạo đức lấy tự nhiên làm trung tâm để bảo vệ thế giới tự nhiên. Những người phê phán chủ nghĩa dĩ tự nhiên vi trung khẳng định rằng quan điểm này mở cửa cho nền đạo đức chống lại con người, tạo ra nguy cơ hi sinh phúc lợi của con người nhân danh “điều tốt đẹp hơn” nhưng không được định nghĩa một cách rõ ràng.

141. Ecology – Sinh thái học.

Thuật ngữ oekologie được nhà sinh học người Đức, Ernst Haeckel, nghĩ ra vào năm 1866 dựa trên từ gốc Hy Lạp là oikos “trong nhà” và logos “môn khoa học” hay “môn khoa học nghiên cứu ngôi nhà tự nhiên”. Ernst Haeckel cũng định nghĩa sinh thái học là “khoa học nghiên cứu quan hệ giữa sinh vật và môi trường của chúng”, hiện vẫn được nhiều người chấp nhận.

Các chủ đề mà các nhà sinh thái học quan tâm thường là đa dạng sinh học, phân bố của các sinh vật, cũng như sự cạnh tranh giữa chúng bên trong và giữa các hệ sinh thái.

Các hệ sinh thái thường được nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau từ cá thể và các quần thể cho đến các hệ sinh thái và sinh quyển. Sinh thái học là môn khoa học đa ngành, nghĩa là dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau.

142. Economic and Monetary Union – Liên minh kinh tế và tiền tệ. 

Liên minh kinh tế và tiền tệ là thuật ngữ chỉ một nhóm chính sách với mục đích hội tụ nền kinh tế của các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu trong ba giai đoạn.

Mỗi giai đoạn lại làm cho quá trình hội nhập kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Một nước nào đó phải tham gia vào giai đoạn thứ ba thì mới được phép sử dụng đồng euro làm đồng tiền chính thức của nước mình. Như vậy, giai đoạn thứ ba đồng nghĩa với khu vực đồng euro. Tiêu chí hội tụ đồng euro là tập hợp các yêu cầu mà quốc gia phải đáp ứng thì mới được tham gia khu vực đồng euro. Yếu tố quan trọng là tham gia ít nhất là hai năm Cơ chế Tỷ giá hối đoái Châu Âu (“ERM II”), trong đó các đồng tiền của nước ứng cử viên chứng minh được khả hội tụ kinh tế bằng cách giữ độ lệch được giới hạn so với tỷ giá được đặt ra so với đồng euro.

143a. Economic man – Con người kinh tế. 

Theo nghĩa hẹp, con người kinh tế là người duy lí và ích kỉ, nhưng theo nghĩa rộng thì đấy là người duy lí, nhưng không nhất thiết phải là người ích kỉ. Theo nghĩa rộng, con người kinh tế luôn luôn tuân theo các tiên đề hành động trong lí thuyết kinh tế học dòng chính. Ở mức sâu nhất, đấy là các quy tắc về tính truyền ứng (transitivity), kiên định, trọn vẹn (completeness) của lựa chọn. Truyền ứng nghĩa là nếu tôi tích A hơn B và thích B hơn C thì tôi phải thích A hơn C. Kiên định nghĩa là nếu tôi chọn A chứ không phải B thì tôi sẽ tiếp tục chọn A chứ không chọn B mỗi khi tôi đứng trước sự lựa chọn giống hệt như thế, trong những hoàn cảnh giống hệt như thế. Trọn vẹn (completeness) nghĩa là với bất kì món hàng hóa A và B (dịch vụ, cơ hội) nào, tôi đều có thể có ba lựa chọn: thích A hơn, thích B hơn và bàng quan với cả hai. Ở mức độ ít trừu tượng hơn, con người kinh tế được cho là người bao giờ cũng thích có nhiều hơn, bất kể đấy là món hàng gì, với lợi ích biên ngày càng giảm.

Những tiên đề này vẫn còn đang tranh cãi. Các nhà tâm lí học đã chứng minh rằng người ta thường không tuân theo tính truyền ứng (transitivity) và kiên định trong khi lựa chọn nếu “khuôn khổ” lựa chọn đã thay đổi. (Ví dụ, người ta có thể chấp nhận trò chơi khi họ được bảo rằng có hai lựa chọn: không mất gì và được; nhưng không chấp nhận trò chơi khi họ được bảo rằng có hai lựa chọn: không mất gì và mất). Trọn vẹn (completeness) là đòi hỏi phi thực tế. Không phải lợi ích biên lúc nào cũng giảm. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích thuật ngữ con người kinh tế vì người ta giả định rằng đấy là con người ích kỉ, nhưng thực ra tiên đề lí thuyết kinh tế không ám chỉ như thế. Con người kinh tế rộng rãi tối đa hóa lợi ích của mình, nhưng nếu ủng hộ tiền cứu đói làm cho anh ta cảm thấy hạnh phúc hơn bất kì cái gì khác thì anh sẽ ủng hộ cứu đói. Con người kinh tế hẹp hòi tối đa hóa của cải của anh ta. Nói chung, kinh tế học bị tấn công vì cho rằng phần lớn dân chúng là (thậm chí tệ hơn, nên là) những con người kinh tế hẹp hòi, các nhà kinh tế học tự bảo vệ mình bằng cách tuyên bố rằng con người kinh tế thực ra là con người kinh tế rộng rãi. Tuy nhiên, cả hai bên đều không nhất quán khi sử dụng thuật ngữ này.

143b. Effectiveness of Government – Tính hiệu quả của chính phủ. 

Vấn đề tính hiệu quả của chính phủ đã và đang làm cho nhiều chính phủ phương Tây lo lắng. Nhiều nhà quan sát, thường là các chính trị gia bảo thủ, tuyên bố rằng nhà nước hiện đại đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đấy là kết quả của cái mà một số người cầm bút gọi là “quá tải”. Người ta nói rằng đấy là kết quả của việc chính phủ can thiệp vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, những lĩnh vực mà chính phủ không thể tạo được bất kỳ tác động thực sự nào lên những vấn đề quan trọng nhất; đồng thời lại gây ra những tác động tiêu cực, trong đó có tăng các khoản chi tiêu công và làm cho nhiều người hoài nghi khi những kỳ vọng của họ không được đáp ứng. Ở Hoa Kỳ, trong những năm thực hiện chương trình “Xã hội Vĩ đại”, 1964–1968, dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson, vai trò của chính phủ liên bang trong chính sách xã hội đã phình ra rất lớn, nhưng sau đó là giai đoạn co lại vì người ta nhận thấy rằng nghèo đói dường như vẫn lan tràn như mọi khi và một số vấn đề (ví dụ, tội phạm) thậm chí còn trở nên gay gắt hơn. Thái độ hoài nghi về vai trò của chính phủ liên bang (xem chủ nghĩa tân bảo thủ) mà chương trình này tạo ra đã dẫn đến việc là người ta không còn muốn chi những khoản đầu tư công khi chưa có bằng chứng rõ ràng rằng nó sẽ tạo ra khác biệt có thể đo lường được đối với vấn đề mà người ta quan tâm. Do muốn thấy hiệu quả rõ ràng của chính phủ nên người ta không còn muốn giải quyết những vấn đề trong các lĩnh vực khó khăn, ví dụ, các vấn đề xã hội và y tế, và thích chuyển trách nhiệm về những vấn đề này cho các cơ quan và tổ chức không nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính phủ. Trong khi đó, người ta vui vẻ chấp nhận các vấn đề của chính sách đối ngoại vì dường như hoạt động của chính phủ trong lĩnh vực này đã cho thấy những kết quả tích cực, trong một khoảng thời gian có thể dự đoán được. Sự khác biệt rõ ràng như thế giữa cách tiếp cận với hai lĩnh vực chính sách khác nhau chứng tỏ phần lớn đều không thích thay đổi từng bước một – thay đổi chính sách từng bước một và liên tục đo lường kết quả – và ủng hộ giải pháp đầy tham vọng, được tiến hành trên diện rộng. Tuy nhiên, trên khắp thế giới người ta đều đã đồng ý rằng nhà nước nên hạn chế can thiệp và hoạt động của xã hội, nhất là sau khi phần lớn các đảng Xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu đã từ bỏ chế độ dân chủ xã hội để ủng hộ chính sách gọi là New Labour của Vương quốc Anh hay chính sách Con đường Thứ ba, làm cho tất cả các chính phủ trở nên khiêm tốn khi đặt ra mục tiêu và kỳ vọng. Ngoài ra, lòng nhiệt tình ủng hộ với chính sách đối ngoại cũng đã giảm, vì từ cuối thế kỉ XX, các chính phủ phương Tây đã nhận thức được rằng cam kết của ở bên ngoài đã gặp nhiều trở ngại to lớn.

144. Egalitarianism – Chủ nghĩa bình quân. 

Chủ nghĩa quân bình hay chủ nghĩa bình quân là học thuyết nói rằng tất cả công dân trong cùng một nước phải được hưởng các quyền và đặc quyền giống hệt nhau. Tuy nhiên, có nhiều giải thích trái ngược nhau về việc thực hiện cam kết này trên thực tế. Có thể phân biệt ba luồng tư tưởng chính. Thứ nhất, chủ nghĩa quân bình chắc chắn có nghĩa là tất cả những người trưởng thành đều được hưởng các quyền chính trị giống hệt nhau. Những khác biệt về hoàn cảnh xã hội, tôn giáo, sắc tộc và những khác biệt khác không được tạo ra bất bình đẳng trong việc tiếp cận với cận chính trị, quyền bầu cử và bình đẳng trước pháp luật. Đây là định nghĩa tối thiểu về chủ nghĩa bình quân và được chấp nhận trên lý thuyết và thường là cả trên thực tế, ở hầu hết các chế độ dân chủ phương Tây và nhiều hình thức nhà nước khác. Thứ hai, chủ nghĩa quân bình cũng có thể liên quan tới bình đẳng về cơ hội, có nghĩa là, dù một người được sinh ra trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội như thế nào, người đó cũng sẽ có cơ hội, như tất cả những người khác, trong việc phát triển tài năng của họ và giành được bằng cấp, và khi xin việc làm, họ sẽ được xem xét hoàn toàn trên cơ sở tài năng và bằng cấp, chứ không dựa trên, ví dụ, trường mà họ đã học hoặc địa vị xã hội của cha mẹ họ. Quan niệm này, ít nhất, cũng đòi hỏi phải có hệ thống giáo dục và phúc lợi xã hội đủ sức đào tạo và cung cấp cho những người kém may mắn nhất để họ có thể cạnh tranh bình đẳng với những người có hoàn cảnh xuất thân thuận lợi hơn. Trong khi, có thể nói rằng không có nhà nước hiện đại nào thực sự đạt được mục tiêu này, nhưng nhiều nỗ lực đã được thực hiện theo hướng đó và tất cả mọi người đều ủng hộ quan điểm này trên lời nói. Các chính phủ cam kết thực hiện bình đẳng về cơ hội ngày càng nhận ra rằng chiến lược của họ bị chính sự thiếu nhiệt tình học tập của những người mà họ tìm cách giúp đỡ cản trở. Thứ ba, quan điểm nghiêm ngặt nhất về chủ nghĩa quân bình đòi hỏi không chỉ bình đẳng về cơ hội, mà bình đẳng thực sự về của cải vật chất và, có lẽ, ảnh hưởng chính trị. Hầu hết các quốc gia đều không cho rằng bình đẳng toàn diện như thế là khả thi về mặt lí thuyết, chứ chưa nói là đáng ao ước. Trong các xã hội cộng sản, nơi mà lí tưởng này được coi là mục đích, thì lại rõ ràng là không có bình đẳng (xem mục Giai cấp mới). Hầu hết các nhà tư tưởng phi-Marxist đều khẳng định rằng tình trạng bình đẳng như thế phải đánh đổi bằng mất tự do trên diện rộng, và sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế, vì người ta không có động cơ phấn đấu.

145. Election – Bầu cử. 

Bầu cử là phương pháp lựa chọn một hay một số người trong số các ứng viên cho một chức vụ hay cơ quan nào đó, bầu cử đã trở thành phương pháp lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị và quản lí trên toàn thế giới. Ngay cả những mước được mọi người cho là độc tài hoặc quân phiệt cũng sử dụng các cuộc bầu cử gian lận nhằm che giấu cơ chế lựa chọn chính trị thực sự của họ.

Các cuộc bầu cử có thể được thực hiện theo những kỹ thuật khác nhau. Phiếu bầu có thể được phát cho từng người, như trong hầu hết các cuộc bầu cử quốc gia; phát cho tập thể (ví dụ, phái đoàn các nước ở Liên Hợp Quốc) hoặc các đơn vị (ví dụ, các chi nhánh của công đoàn). Thủ tục bỏ phiếu có thể là bí mật, công khai hoặc thậm chí được ghi lại và công bố, như trong các cơ quan lập pháp. Phiếu bầu có thể được tính theo một trong cả chục phương pháp khác nhau, từ đại diện theo tỷ lệ đến đơn giản nhất là hệ thống đa số nhiều-phiếu-nhất-thắng (xem hệ thống bỏ phiếu). Trong lịch sử, bầu cử chỉ là một trong rất nhiều phương pháp lựa chọn và mãi tới thế kỉ XX, bầu cử mới thành phương pháp giữ thế thượng phong. Không có liên hệ tất yếu giữa bầu cử và dân chủ, việc lựa chọn các nhà lãnh đạo ở các nước độc đảng cũng thông qua các cuộc bầu cử, mặc dù cử tri có thể chỉ là một số nhân vật đứng đầu trong đảng.

146. Electoral College – Đại cử tri đoàn.

Đại cử tri đoàn là cơ chế bầu chọn gián tiếp tổng thống và phó tổng thống Hoa Kì. Đại cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri (electors) cứ bốn năm lại họp một lần để bầu tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ. Các đại cử tri tổng thống được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ngày được gọi theo truyền thống là “ngày bầu cử” (ngày thứ 3, sau ngày thứ 2, của tuần đầu tiên của tháng 11 hằng năm), nhưng trên thực tế, đây mới chính là những người sẽ bầu trực tiếp tổng thống và phó tổng thống chứ không phải người dân bình thường. Các đại cử tri họp tại các tòa nhà quốc hội bang nhà của mình vào ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thư tư lần thứ hai trong tháng 12 và vì thế không phải là một cuộc họp toàn quốc. Tại 51 cuộc họp (50 tiểu bang và đặc khu Columbia (District of Columbia:Washington, D.C. ), được tổ chức cùng ngày, các đại cử tri cùng bỏ phiếu. Chính vì có sự tập hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm nên mới có định nghĩa kỹ thuật là đại cử tri đoàn, mặc dù 51 nhóm này thực sự không tập hợp về chung một nơi để bầu cử. Hệ thống đại cử tri đoàn, giống như một đại hội toàn quốc, là nhân tố gián tiếp trong tiến trình bầu tổng thống.

Số phiếu đại cử tri của mỗi bang bằng tổng số thượng nghị sĩ (luôn luôn là hai) và số hạ nghị của bang đó; riêng đặc khu Columbia có ba phiếu đại cử tri mặc dù không đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tại mỗi bang, các cử tri phổ thông bầu chọn một danh sách gồm các ứng cử viên đã được chọn sẵn cho vị trí đại cử tri. Tuy nhiên, trên lá phiếu bang được thiết kế giống như là các cử tri phổ thông đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống. Đa số bang dùng cách gọi là lá phiếu vắn tắt mà trong đó khi một lá phiếu bỏ cho một đảng nào (thí dụ như Dân chủ hoặc Cộng hòa) thì được xem là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri thuộc đảng đó. Tại những bang này, hiếm khi ngoại lệ, một đảng sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Maine và Nebraska chọn đại cử tri bằng phương pháp được gọi là Phương pháp Maine, trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau và như thế số phiếu đại cử tri của bang bị chia ra tại hai bang này. Hiếm có trường hợp một đại cử tri không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử tổng thống thuộc đảng của mình; những người như thế được gọi là “đại cử tri không trung thành” (faithless elector).

Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp hai viện để tuyên bố người đắc cử. Nếu một ứng cử viên tổng thống nhận được 270 (cho đến năm 2009) hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống, người chủ tọa (thường là phó tổng thống đương nhiệm) tuyên bố ứng cử viên đó là tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên phó tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố tương tự là phó tổng thống đắc cử.

Quy trình chọn Đại cử tri

Để trở thành Đại cử tri, một người cần trải qua hai vòng bầu cử. Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống.

Vòng 1

Không có quy định thống nhất về phương thức lựa chọn đại cử tri trên toàn quốc mà mỗi bang có một quy định riêng. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng. Đây là những người có đóng góp nhiều cho Đảng hoặc các quan chức dân cử của bang hoặc lãnh đạo của Đảng đó hoặc là người có quan hệ chính trị hoặc cá nhân với ứng viên tổng thống của đảng mình.

Vòng 2

Cử tri phổ thông sẽ cùng lúc chọn ra tổng thống và đại cử tri. Việc này thực hiện trên cùng 1 lá phiếu tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu, (nếu có thì tên sẽ nằm dưới tên ứng viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang. Tuy nhiên cũng xuất hiện tình trạng tiếng nói của đại cử tri không phản ánh đúng quan điểm của cử tri phổ thông khi đại cử tri không giữ cam kết ủng hộ ứng cử viên Tổng thống như sự lựa chọn của cử tri phổ thông.

Chỉ trích

Việc kết quả cuộc bầu cử của đại cử tri không phản ánh đúng kết quả của của cuộc phổ thông đầu phiếu làm cho mô hình bầu cử này gặp một số chỉ trích. Có nhiều người đã nêu lên những phương cách khác thay thế để bầu chọn tổng thống. Vấn đề này lại được đem ra bàn cãi theo sau kỳ Bầu cử Tổng thống năm 2000 khi ứng cử viên Đảng Dân chủ là Al Gore giành đa số phiếu phổ thông nhưng lại thất bại giành đa số phiếu của đại cử tri đoàn.

Ở các bang, ứng viên nào giành được nhiều nhất phiếu đại cử tri thì giành được toàn bộ phiếu của cử tri đoàn. Đây được gọi là nguyên tắc “Được ăn cả, ngã về không” (the winner takes all). Điều này khiến cho về mặt lý thuyết một ứng ứng cử viên chỉ cần giành được 142 phiếu đại cử tri ở 11 bang có nhiều đại cử tri nhất là đã có thể trúng cử (28/55 ở California, 18/34 ở Texas, 16/31 ở New York, 14/27 ở Florida, 11/21 ở Illinois, 11/21 ở Pennsylvania, 11/20 ở Ohio, 9/17 ở Michigan, 8/15 ở Georgia, 8/15 ở Bắc Carolina và 8/15 ở New Jersey – Tổng số phiếu đại cử tri ở 11 bang này là 271/538 phiếu, đủ để trở thành Tổng thống). Từ khi hình thành hệ thống đại cử tri đã xuất hiện 157 đại cử tri có lá phiếu ngược với lá phiếu họ đã cam kết với cử tri phổ thông trước đó. Có 21 bang không có quy định bắt buộc Đại cử tri phải trung thành với lời cam kết.

147. Electoral Systems – Hệ thống bầu cử (Wahlsysteme).

Có hai nhóm hệ thống bầu cử được sử dụng trong các các chế độ dân chủ hiện đại.

Hệ thống đa số đơn giản (Mehrheitswahl) hay còn gọi là nhiều phiếu nhất là thắng (FPTP – first-past-the-post voting). Ứng cử viên có nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ người khác là người thắng cuộc Phương pháp này được sử dụng ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada và trong những tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới. Đây là hệ thống được sử dụng không chỉ để bầu chọn ứng cử viên mà còn bầu cả chính phủ. Trên thực tế, không có chính phủ Anh nào được thành lập đã nhận được một đa số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 1935; tuy nhiên, hầu hết các chính phủ này chiếm đa số, đôi khi lớn, số ghế trong Viện thứ dân.

Một biến thể của đa số đơn giản hệ là hệ thống bỏ phiếu lần thứ hai (Two-round system, Stichwahl), được sử dụng ở Pháp. Ở đây ứng cử viên chỉ được tuyên bố đã được bầu trong lần bỏ phiếu đầu tiên nếu họ nhận được đa số phiếu bầu (nghĩa là 50% + 1 phiếu). Ở những khu vực bầu cử không có ứng viên nào nhận được 50%+ phiếu (trên thực tế, khoảng hai phần ba tổng số các khu vực bầu cử xảy ra hiện tượng này), thì sau đó một tuần người ta sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu thứ hai, trong đó chỉ những ứng viên đạt hơn 12,5% trong lần bỏ phiếu đầu tiên, nếu không tự nguyện rút lui, là được tham gia. Một biến thể khác của hệ thống đa số đơn giản là bầu cử thay thế. Trong hệ thống này, cử tri đánh dấu ứng cử viên mình lựa chọn theo thứ tự ưu tiên và kết quả sẽ được phân định bằng việc đếm số phiếu của các ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên này. Người đắc cử theo chế độ bầu cử thay thế phải nhận được ít nhất 50% tổng số phiếu tại khu vực bầu cử của mình. Chế độ bầu cử thay thế được sử dụng để bầu các thành viên của hạ viện Australia, tổng thống Ấn Độ, nghị sĩ của hội đồng lập pháp ở Ấn Độ, tổng thống Ireland và một số nước khác.

Hệ thống đại diện theo tỉ lệ (PR: Proportional representation, Verhältniswahl): Đây là hệ thống bầu cử phổ biến nhất trong những nền dân chủ lâu đời, là hệ thống được cố ý thiết lập để tạo ra sự tương ứng chặt chẽ giữa tỉ lệ của tổng số phiếu bỏ cho một đảng trong kì bầu cử với tỉ lệ với số ghế mà đảng đó giành được trong cơ quan lập pháp. Thí dụ, đảng được 53% phiếu bầu sẽ giành được 53% số ghế. Cách thức bầu cử như thế thường được gọi là hệ thống bầu cử đại diện theo tỉ lệ (PR-proportional representation).

Hệ thống này có ba biến thể chính. Phổ biến hơn cả là hệ thống Danh sách (List system), theo đó, cử tri lựa chọn các ứng viên từ danh sách do các chính đảng cung cấp; số ứng cử viên đắc cử của một đảng sẽ phải tỷ lệ thuận đúng với tỷ lệ tổng số phiếu dành cho các ứng viên của đảng đó trên toàn bộ phiếu bầu.

Thứ hai là hệ thống tỉ lệ danh sách hỗn hợp (Mixed Member Proportional, personalisierte Verhältniswahl) – được sử dụng ở Đức, Italy và gần đây là ở New Zealand – một số ứng cử viên, ví dụ: một nửa, được bầu theo danh sách PR trong toàn quốc, số còn lại được bầu từ các đơn vị bầu cử mà mỗi đơn vị chỉ được bầu một ứng cử viên. Những người ủng hộ hệ thống bầu cử này cho rằng nó đảm bảo được một phần tính chất tỷ lệ của hệ thống PR, nhưng, tương tự như hệ thống FPTP, nó lại có khả năng tốt hơn hệ thống PR thuần túy trong việc hình thành được một phe đa số trong nghị viện (nên dễ tránh được những bế tắc thường có trong việc thông qua các dự luật của hệ thống PR thuần túy – ND).

Một hệ thống PR rất hay được các nhà chính trị học ủng hộ nhưng lại ít được áp dụng là hệ thống bầu cử có thể chuyển giao một lần (single tranferable Vote – STV, Übertragbare Einzelstimmgebung), ngoại trừ Ireland, nơi người ta áp dụng hệ thống này từ năm 1921. Cũng như hệ thống bầu cử lựa chọn (AV, Approval voting, Wahl durch Zustimmung) được mô tả bên trên, ở đây cử tri cũng xếp loại các ứng cử viên. Nhưng khác với hệ thống AV, STV được áp dụng trong các đơn vị bầu cử được lựa chọn nhiều đại biểu. STV có phương pháp kiểm phiếu quá phức tạp, không thể mô tả ở đây được. Nhưng phương pháp này bảo đảm rằng những ứng cử viên xếp loại cao nhất sẽ thắng cử và dẫn đến một sự phân phối ghế trong nghị viện với tỷ lệ khá tương đồng với số phiếu các đảng thu được. Mặc dù dường như cử tri ở Ireland hài lòng với hệ thống STV, nhưng chắc là sự phức tạp đã khiến cho loại hình này không được sử dụng ở những nơi khác.không nhất thiết phải là đa số tuyệt đối – trên 50%).

PR đối chọi với FPTP. Như nói bên, người ta vẫn còn tranh luận về vấn đề hệ thống bầu cử nào đáp ứng tốt nhất yêu cầu: bầu cử vừa tự do vừa công bằng. Những người phê phán FPTP khẳng định rằng, nói chung, hệ thống này không vượt qua được trắc nghiệm về đại diện công bằng, đôi khi kết quả còn quá kém nữa. Thí dụ, trong cuộc bầu cử Nghị viện Anh vào năm 1997, đảng Lao động chiếm được 64% số ghế trong Nghị viện – một đa số lớn nhất trong lịch sử nghị viện thời hiện đại, nhưng đảng này lại chỉ giành được có 44% số phiếu bầu mà thôi. Trong khi đó, đảng Bảo thủ với 31% số phiều bầu lại chỉ được có 25% số ghế, còn đảng Tự do hẩm hiu với 17% số phiếu lại chỉ chiếm được có 7% số ghế! (Ứng viên của các đảng khác giành được 7% phiếu bầu và 4% số ghế trong quốc hội).

Nếu thế, tại sao các nước dân chủ với hệ thống FPTP không chuyển sang hệ thống PR? Vì một lí do là chúng ta không thể phớt lờ được sức nặng của lịch sử và truyền thống ở những nước như Anh và Mỹ, nơi những hệ thống này đã thắng thế ngay từ khi bắt đầu có chính thể đại diện. Mỹ cho ta một thí dụ rất rõ về vấn đề này. Hệ thống bầu cử FPTP của Mỹ có thể đưa tới việc tước bỏ quyền đại diện công bằng của những người Mỹ gốc Phi thuộc nhóm thiểu số khá lớn trong các cơ quan lập pháp bang hay ngay tại hạ viện toàn liên bang. Và để bảo đảm rằng cử tri người Mỹ gốc Phi có thể có ít nhất một vài đại diện trong cơ quan lập pháp bang hay tại Quốc hội, các nhà lập pháp và các thẩm phán đôi khi đã phải cố tình vẽ lại ranh giới khu vực bầu cử nhằm tạo ra một khu vực có đa số cử tri là người Mỹ gốc Phi. Hình thù những khu vực bầu cử như thế đôi khi chẳng có liên quan gì tới địa lí, kinh tế hay lịch sử. Trong khi đó, nếu với hệ thống bầu cử kiểu PR và nếu người Mỹ gốc Phi quyết định bỏ phiếu cho ứng viên Mỹ gốc Phi của họ thì họ sẽ có đại diện tỉ lệ thuận với số dân của họ: trong bang có thí dụ 20% cử tri da đen chắc chắn sẽ có khoảng 20% ghế do người da đen nắm, nếu đấy là lựa chọn của họ.

Nhưng nếu thế, tại sao PR lại không được chấp nhận? Chủ yếu là vì thái độ thù địch với hệ thống bầu cử PR ở Mỹ lan rộng đến nỗi cả các nhà làm luật lẫn các thẩm phán đều không dám coi nó là một giải pháp để giải quyết tình trạng bất công trong bầu cử do việc sắp xếp khu vực bầu cử và vấn đề phân biệt chủng tộc gây ra. Nhưng sau này người ta đã sử dụng những luận cứ có lí hơn nhằm củng cố cho những định kiến mang tính lịch sử đầy ưu ái đối với hệ thống bầu cử FPTP. FPTP thường được người ta bảo vệ chỉ vì nó gây bất lợi cho các đảng thứ ba và bằng cách đó, nó giúp cho việc hình thành hệ thống lưỡng đảng. Ngược lại, kết quả thường thấy của hệ thống bầu cửa kiểu PR lại là hệ thống đa đảng. Đặc biệt, trong các nước dân chủ nói tiếng Anh, hệ thống lưỡng đảng được người ta ưa chuộng hơn nhiều, còn hệ thống đa đảng thì bị ghét bỏ và coi thường. Nhưng hệ thống nào tốt hơn?

Đã có một cuộc tranh luận lớn diễn ra xung quanh những ưu điểm tương đối của hệ thống lưỡng đảng và đa đảng. Nói chung, lợi thế của mỗi hệ thống lại phản ánh những điều bất lợi của chính nó. Ví dụ, một trong những lợi thế của hệ thống lưỡng đảng là nó làm giảm khó khăn cho cử tri bằng cách rút sự lựa chọn của họ xuống còn hai. Nhưng theo quan điểm của những người ủng hộ hệ thống bầu cử đại diện theo tỉ lệ (PR) thì việc giảm một cách quyết liệt cơ hội lựa chọn như thế sẽ gây tổn hại một cách nghiêm trọng quyền tự do lựa chọn của cử tri. Các cuộc bầu cử vẫn có thể diễn ra một cách hoàn toàn tự do, họ bảo, nhưng vì những cuộc bầu cử đó đã phủ nhận quyền đại diện của những nhóm thiểu số rồi cho nên nhất định là không còn tính chất công bằng nữa.

Chính quyền hiệu quả. Những người ủng hộ hệ thống lưỡng đảng ủng hộ hệ thống bầu cử FPTP vì nó còn mang lại hệ quả sau đây nữa. Bằng cách gia tăng được quy mô đa số của đảng thắng cử trong cơ quan lập pháp, FPTP gây khó khăn cho đảng thiểu số trong việc hình thành liên minh có đủ sức ngăn chặn đảng đa số thực hiện cương lĩnh của mình – hay như những nhà lãnh đạo đa số thường nói: “thực hiện sự ủy quyền của nhân dân” cho họ. Và, với tính chất đa số đã được tăng cường như thế trong cơ quan lập pháp, lãnh đạo của đảng (chiếm đa số) luôn có đủ số phiếu để thông qua những kế hoạch của đảng ngay cả khi một số đảng viên chạy sang phe đối lập. Do đó họ lập luận rằng, hệ thống bầu cử FPTP làm cho chính quyền đáp ứng được tiêu chí hiệu quả. Ngược lại, trong một số nước, hệ thống bầu cử kiểu PR lại tạo ra quá nhiều đảng và liên minh luôn cạnh tranh và xung đột với nhau trong nghị viện tới mức rất khó hình thành liên minh đa số và những liên minh này cũng rất không ổn định. Kết quả là hiệu quả của chính phủ giảm đi trông thấy. Italy thường được đưa ra làm ví dụ minh họa cho tình trạng này.

Nhưng những người ủng hộ hệ thống bầu cử FPTP lại thường lờ đi sự thật là trong một số nước với hệ thống PR, nhiều chương trình cải cách rộng lớn đã được thực hiện bởi đa số có tính ổn định trong nghị viện và đa số đó thường là liên minh của hai hay ba đảng. Thực ra, một số nền dân chủ với hệ thống bầu cử PR, như Hà Lan và các nước vùng Scandinavia, hiện đang là những mẫu hình thành công rõ ràng của sự kết hợp giữa những cuộc cải cách mang tính thực dụng và sự ổn định.

148. Élite (Élitism) – Từ đa nghĩa: 1. Giới tinh hoa. 2. Bọn ăn trên ngồi trốc/ăn hại

Đây là một trong những chữ thú vị nhất trong tiếng Anh, vì ý nghĩa của nó không chỉ đa dạng mà còn mang tính thời sự không chỉ ở nước ngoài mà còn ở Việt Nam.

1. Giới tinh hoa. Chữ Élite được dịch sang tiếng Việt là “tinh hoa”, “tinh túy”, “cao cấp” và, cách dùng trong báo chí phổ thông có thể hiểu là chỉ những người thuộc tầng lớp có học thức cao hoặc có địa vị cao trong xã hội, trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, khoa học- nghệ thuật.

Điểm chung của tất cả các lý thuyết về giới tinh hoa (Élitism) là niềm tin cho rằng tất cả các hệ thống chính trị, không phụ thuộc vào ý thức hệ chính thức, đều do giới tinh hoa chính trị nắm quyền. Hai nhà khoa học xã hội Italy, cuối thế kỷ XIX, Pareto và Mosca là những người khởi xướng lý thuyết tinh hoa hiện đại. Trong khi chứng minh rằng xã hội phải được cai trị bởi giới tinh hoa, Pareto (1848-1923) và Mosca (1858-1941) muốn phá bỏ niềm tin (của chủ nghĩa Marx) rằng một ngày nào đó sẽ xuất hiện xã hội phi giai cấp, mọi người hoàn toàn bình đẳng về chính trị. Nhưng, trớ trêu là, sau đó, những người cầm bút với quan điểm Marxist đã sử dụng chính mô hình này nhằm bác bỏ thái độ tự phụ của các xã hội dân chủ tự do phương Tây. Trong khi Pareto coi chế độ dân chủ đương đại là giả tạo, thì Mosca, cùng với thời gian, đã thay đổi quan điểm của mình và cuối cùng chấp nhận quan điểm cho rằng dân chủ có thể khả thi dưới dạng một hệ thống, trong đó những nhóm tinh hoa cạnh tranh với nhau tham gia tranh cử để các cử tri bầu hay không bầu mình. Tuy nhiên, Mosca không bao giờ rời xa quan điểm chính được tóm tắt trong tuyên bố nói rằng đại biểu quốc hội không phải là người do nhân dân bầu ra, mà là người được bạn bè sắp xếp để anh ta được bầu.

Các lý thuyết về giới tinh hoa đã được một số nhà tư tưởng đầu thế kỉ XX, đặc biệt là Schumpeter (1883-1950) và một trong những học trò của Mosca, Roberto Michels (1876-1936) phát triển thêm. Trong khi trình bày nguyên tắc bất di bất dịch về tập đoàn chính trị đầu sỏ, Michels tìm cách chứng minh rằng ngay cả Đảng Dân chủ Xã hội Đức (Social Democratic Party of Germany – SPD), một đảng xã hội chủ nghĩa lâu đời nhất ở Châu Âu thực ra là phi dân chủ và luôn luôn phản bội quyền lợi của các thành viên thuộc giới lao động trong đảng của mình. Trong những năm 1930, Schumpeter đã vạch khuôn khổ mà sau này Robert Dahl (1915-2014) và những người khác gọi là mô hình đa nguyên. Ông coi chế độ dân chủ là hệ thống, trong đó, các nhóm tinh hoa cạnh tranh với nhau trong ban lãnh đạo đảng nhằm tranh giành quyền lực thông qua các cuộc bầu cử; nhưng không những không lên án tình trạng này, mà ông còn nhấn mạnh rằng những người bình thường không thể, và thực sự không nên, có quyền gì thêm ngoài quyền được tham gia bầu cử. (Mãi sau này, Anthony Downs (1930-), trong mô hình lựa chọn duy lý của nền chính trị đảng, mới tìm cách chứng minh rằng tình trạng này không ảnh hưởng đến bản chất dân chủ của nền chính trị phương Tây). Nhiều nhà bình luận tả khuynh đã tìm cách chứng minh rằng các chế độ dân chủ phương Tây được cai trị các nhóm tinh hoa đầy sức mạnh hoặc các nhóm dựa trên giai cấp thống trị, và hoàn toàn phi dân chủ; nhưng, tất nhiên, các nhà bình luận này tin tưởng rằng bãi bỏ chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến bình đẳng chính trị.

Các lý thuyết gia về giới tinh hoa không có quan điểm chung trong khi tìm cách giải thích tính tất yếu của giới tinh hoa. Pareto sử dụng lý thuyết tâm lý phức tạp, gắn kết với quan điểm bi quan về khả năng của con người trong việc sử dụng lý trí trong đời sống xã hội; Mosca và Michels dựa chủ yếu dựa vào lý thuyết về bản chất của tổ chức và bộ máy quan liêu tương tự như Max Weber (1864-1920); Schumpeter tin tưởng rằng quần chúng dễ bị kích theo theo tâm lý đám đông…v.v.. Các nhà khoa học chính trị không thỏa thuận được với nhau về tính chính xác của các lý thuyết về giới tinh hoa hoặc tình huống mà họ mô tả là có đáng mong muốn hay không. Tuy nhiên, rất ít người phủ nhận sự kiện là có một số bằng chứng tỏ rằng xã hội nào cũng có giới tinh hoa.

2. Bọn ăn trên ngồi trốc/Ăn hại. Trong các xã hội độc tài hoặc độc đảng toàn trị, nhóm người có quyền lực và ảnh hưởng lớn đến xã hội cũng được gọi là Élite. Đấy là những người có vai vế trong bộ máy cầm quyền, những người có liên hệ họ hàng hay bạn bè với những người trong bộ máy cầm quyền (thường gọi là tư bản thân hữu), những nhà khoa học, văn nghệ sĩ tìm cách biện hộ cho nhà cầm quyền. Họ là những người có quyền lực và ảnh hưởng nhưng không phải là “tinh hoa” hiểu theo nghĩa là “tốt đẹp”. Élite cũng có thể được dịch là “chóp bu”, ví dụ, “bọn cầm quyền chóp bu muốn cải cách nền kinh tế của chúng ta”.

Khi dùng trong văn cảnh tiêu cực, chữ Élite còn có nghĩa là những kẻ xấu xa nhất, những giai tầng chỉ làm hại xã hội. Cổ tổng thống Richard Nixon gọi những kẻ trong truyền thông, khoa bảng, và điện ảnh Hollywood chuyên chỉ trích ông là “Élite.

Chữ Élite còn được dùng với hàm ý khinh bỉ, và cách dùng này xuất phát từ thập niên 1950. Thời đó, trong các đại học những người thuộc nhóm thiểu số theo đuổi những chủ đề nghiên cứu hiếm hoi (như nghiên cứu về vai trò của phụ nữ hay người thiểu số) được xem là nhóm “dung hợp” (inclusionary), còn những người thuộc nhóm đa số với bằng cấp cao chót vót và giữ địa vị quan trọng trong khoa học xem những chủ đề đó là vớ vẩn, và họ được gán cho cái nhãn hiệu “Élitist.

149. Eminent domain – Quyền trưng thu (Recht der Enteignung). 

Quyền của nhà nước, nhân danh xã hội, thu hồi tài sản tư nhân mà không cần phải được chủ nhân đồng ý. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong luật pháp về quyền sở hữu và kế hoạch hóa ở Hoa Kì. Hiến pháp Hoa Kì được hình thành trên quan điểm của những người như Locke, Grotus, Pufendorf và những người khác, những người cho rằng nhà nước có thể và phải thu hồi tài sản công nếu có nhu cầu, nhưng phải có trách nhiệm bồi hoàn cho chủ sở hữu một cách công bằng. Người ta cho rằng quyền của cả nhà nước và chủ sở hữu đều xuất phát từ pháp quyền tự nhiên. Đòi hỏi về chuẩn mực tố tụng và bồi hoàn công bằng được ghi trong Tu chính án Thứ năm.

Chữ cái I

252-254

252. Iron Law of Oligarchy – Qui luật muôn đời của chế độ đầu sỏ. 

253. Iron Law of Wages – Quy luật sắt về tiền công. 

254. Irredentism – Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ. 

255-256

255. Islam – Hồi giáo. 

256. Islamic Fundamentalism – Chính thống Hồi giáo. 

257-258

257. Islamic Politics – Chính trị Hồi giáo. 

258. Isolationism – Chủ nghĩa biệt lập. 

259-262

259. Jacobinism – Chủ nghĩa Jacobin. 

260. Jacobitism – Phong trào ủng hộ vua James II. 

261. J-Curve – Đường cong J. 

262. Jim Crow Law – Luật Jim Crow. 

263-265

263. Joint Committee – Ủy ban hổn hợp. 

Gemeinsamer Ausschuss

264. Jubilee 2000 

265. Judaism – Do Thái giáo.

Chữ cái J

266-268

266. Judicial Activism/Judicial Restraint – Tính tích cực của thẩm phán/ Kiềm chế của thẩm phán. 

267. Judicial Review – Tái thẩm tư pháp. 

268. Judiciary – Cơ quan tư pháp. 

269-272

269. Junta – Chế độ độc tài quân sự 

270. Jurisprudence – Luật học. 

271. Jury – Bồi thẩm đoàn (Lý thuyết). 

272. Justice – Công lý/Công bằng. 

272. Just War- Chiến tranh chính nghĩa.

Chữ cái K

273-276

273. Kemalism – Chủ nghĩa Kemal. 

274. Khmer Rouge – Khmer Đỏ. 

275. Kibbutz – Hợp tác xã. 

276. Kinship – Quan hệ họ hàng. 

277-279

277. Kitchen Cabinet – Nhóm cố vấn thân cận của thủ tướng hay tổng thống

278. Korean War – Chiến tranh Triều Tiên. 

279. Kulak

Chữ cái L

280-282

280. Labour Movement – Phong trào lao động. 

281. Labour Party – Công đảng. 

282. Labour Theory of Value – Lí thuyết giá trị lao động. 

284-287

284. Laissez-Faire – Tự do kinh tế. 

285. Lamarckism – Thuyết Lamarck. 

286. Lame Duck – Vịt què. 

287. Land Reform – Cải cách ruộng đất. 

288

288. Language – Ngôn ngữ.

289-291

289. Law and Order – Luật pháp và trật tự. 

290. Leadership – Khả năng lãnh đạo. 

291. Leadership selection – Lựa chọn ban lãnh đạo. 

 

292-294

292. League of nations – Hội Quốc Liên

293. Left – cánh tả 

294. Legislatures – Cơ quan lập pháp.

295-297

295. Legitimacy – Chính đáng/chính danh

296. Legitimation Crisis – Khủng hoảng tính chính danh

297. Leisure Class – Tầng lớp tiêu dùng phô trương.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen