Seite auswählen

Xã hội dân sự – Cuộc chiến kéo dài với chế độ chính trị độc tài.

Xã hội dân sự độc lập là tiền đề cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh, sự vắng mặt hoặc sự suy giảm tương đối của nó nằm trong các thể chế chính trị bệnh hoạn.

Xã hội dân sự là mạng lưới các nhóm, cộng đồng có quan hệ công dân liên kết bởi các lợi ích chung cùng hoạt động và độc lập với nhà nước. Xã hội dân sự (XHDS) là những thành phần quen thuộc của các chế độ tự do và dân chủ. Thuật ngữ xã hội dân sự hàm chứa nguyện vọng đạo đức, chính trị. Đối với người ủng hộ, xã hội dân sự độc lập là tiền đề cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh, sự vắng mặt hoặc sự suy giảm tương đối của nó nằm trong các thể chế chính trị bệnh hoạn.

Các xã hội dân sự được hình thành trong nhiều chế độ từ cổ đại. Việt nam đã có tổ chức xã hội, hội đoàn, nghiệp đoàn, đảng phái chính trị từ đầu thế kỷ 20 khi khái niệm dân chủ và quyền công dân được người Pháp đưa vào xứ thuộc địa này, không phải như người ta nói đó là từ ngữ sáo rỗng trong âm mưu diễn biến hòa bình mới được đưa vào VN vài năm trước đây hòng khuynh loát chế độ.

Luôn luôn có quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự.

Các nhà quản lý chế độ độc tài nhận thức được rủi ro mất quyền kiểm soát nhà nước nếu xã hội dân sự được phép phát triển và hoạt động tự do, vì vậy, họ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chận quá trình phát triển các xã hội dân sự này xảy ra, hoặc tạo ra các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu. Tilly (Skocpol, 1999) đã chứng minh hiện tượng này thông qua sự phát triển của các quốc gia ở Tây Âu vài thế kỷ qua. 

Cũng theo Tilly, các quốc gia dân chủ được sinh ra bởi các cuộc đấu tranh giữa nhà nước và các xã hội dân sự, trong đó nỗ lực kìm hãm xã hội dân sự của nhà nước không thành công; nhà nước độc tài phải lùi bước, nới lỏng sự kìm hãm, khắc nghiệt việc chấp nhận một số quyền tự do là kết quả cuộc vật lộn với các xã hội dân sự, không phải từ lòng nhân từ, vì dân, vì nước. 

Công Đoàn Đoàn Kết thành lập trong chế độ cộng sản Ba Lan đòi hỏi những yêu cầu thiết yếu, thực tế của công nhân lập tức gặp sự đàn áp tàn khốc bởi chính phủ độc tài. Sự đối kháng mãnh liệt đưa đến thắng lợi của công nhân trong công đoàn, dẫn đến thay đổi toàn diện chế độ độc tài, chuyển qua chế độ dân chủ. 

Đối với xã hội dân chủ lành mạnh, các tổ chức xã hội dân sự độc lập có khả năng tự điều chỉnh quyền lợi của họ phù hợp với cộng đồng, không bị chính quyền xem là lực lượng đối kháng, mà giúp chính phủ nhìn rõ thực trạng, nhu cầu của xã hội. Nhà nước dân chủ cấu thành từ các xã hội dân sự có khả năng và trách nhiệm hoàn thành các đòi hỏi chính đáng mà các tổ chức xã hội không giải quyết được, có thể là xung đột giữa hai hay nhiều nhóm XHDS, có thể là dung hoà lợi ích của các cộng đồng trong một xã hội quốc gia hay quốc tế. Sự giúp sức hỗ tương giữa các tổ chức xã hội dân chủ và chính quyền giúp giải quyết các vấn nạn mà XHDS không có khả năng tự giải quyết và một mình chính phủ cũng không giải quyết được

Chính phủ các quốc gia chậm phát triển, thiếu dân chủ, độc tài luôn cho rằng họ đã nắm quyền lực tối thượng thì phải có mặt trong mọi lĩnh vực xã hội, các tổ chức xã hội dân sự không được phép độc lập với nhà nước, hay nói cách khác, chỉ có nhà nước mới có quyền sinh ra các tổ chức XHDS, các tổ chức này phải chịu sự nuôi nấng, chi phối của nhà nước 

Luật Việt Nam về Tổ chức xã hội cho thấy rõ chính quyền kìm hãm các tổ chức xã hội dân sự (*). Trang web luatduonggia. viết:

Ở nước ta có 5 loại tổ chức xã hội gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

  1. Tổ chức chính trị
  • Đây là tổ chức mà các thành viên sinh hoạt theo khuynh hướng chính trị cụ thể và nhất định.
  • Chỉ được phép công khai thừa nhận nếu quyền lực nhà nước thuộc về một lực lượng nhất định (nguyên văn)
  • Gia nhập tổ chức qua hình thức bầu cử bởi tổ chức này là đại diện của một giai cấp/ lực lượng xã hội nhất định.
  • Nước ta có một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng cộng sản Việt nam với nhiệm vụ cốt lõi là giành và giữ chính quyền.
  • Tổ chức chính trị xã hội.
  • Đây là tổ chức đại diện cho các tầng lớp trong xã hội với hoạt động của nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, cơ sở chính quyền nhân dân.
  • Ở nước ta hiện nay có 06 tổ chức chính trị xã hội, gồm có: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam.
  • Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp 
  • Đây là tổ chức được thành lập theo sáng kiến của nhà nước, hoạt động chặt chẽ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Có vai trò trong việc hỗ trợ nhà nước giải quyết một số vấn đề xã hội.
  • Hoạt động theo cơ chế tự quản, cơ cấu do nội bộ tổ chức quyết định và hoạt động mang khuynh hướng quyền lực chính trị và tự nguyện.
  • Tổ chức tự quản
  • Đây là tổ chức thành lập theo sáng kiến của nhà nước, dưới sự quản lý bởi cơ quan nhà nước. Nhằm thực hiện nhiệm vụ tự quản ở phạm vi nhất định các công việc mà nhà nước không trực tiếp quản lý
  •  
  • Các tổ chức khác

Được thành lập theo các tiêu chí khác nhau như sở thích, nghề nghiệp…chẳng hạn như tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, hội nuôi chim, cây cá cảnh…

Ngoài các tổ chức XHDS con đẻ kể trên, chính phủ thành lập các hiệp hội dân sự tôn giáo như Cao Đài chi phái 1997, các ủy ban đoàn kết tôn giáo, ủy ban đoàn kết công giáo, giáo hội Phật giáo VN… Nhà nước lãnh đạo và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để định hình thái độ và quan điểm của công chúng (Jamal, 2007). Các tổ chức XHDS khác, ngay cả các tôn giáo không được nhà nước chấp nhận đều bị đàn áp.

Các quốc gia độc tài sử dụng sức mạnh vượt trội của họ so với sức mạnh của các tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát, đàn áp và thao túng sự phát triển của xã hội dân sự hầu duy trì tình trạng chuyên quyền của họ (Jamal, 2007). Họ cố gắng bóp nghẹt xã hội dân sự, từ chối các quyền dân sự và chính trị của công dân như quyền biểu đạt, quyền lập hội, v.v. Không có những quyền căn bản này, xã hội dân sự khó có thể tự hình thành, củng cố sức mạnh. 

Mặt khác, chính quyền độc tài cố gắng kiểm soát sinh kế của mọi người. Nhà nước muốn mở rộng khu vực công, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước càng nhiều càng tốt. Họ thậm chí cố gắng kiểm soát các tập đoàn tư nhân. Hình thức ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ mang dáng dấp của sự kiểm soát kinh tế toàn dân. Trung Quốc, và Việt nam chẳng hạn, thành lập các chi bộ đảng trong các doanh nghiệp, xí nghiệp quốc doanh hay cổ phần. 

Tổng công đoàn lao động hay công đoàn lao động cơ sở được dựng nên bởi nhà nước nghiêng về lợi ích của nhà nước và chủ nhân, kể cả chủ nhân ngoại quốc và nhằm kiểm soát công nhân (**). Những cộng đồng và các thành phần chính trị muốn xây dựng xã hội dân sự có một nền văn hóa phù hợp (Almond và Verba, 1966), hay họ muốn thành lập các hiệp hội có vẻ không phù hợp với quyền lợi của nhà nước, (Putnam, 1994), có thể bị trấn áp bởi các tổ chức dân sự giả hiệu GONGO, A government-organized non-governmental organization như Hiệp Hội Thanh Niên, Mặt Trận Tổ Quốc v..v. 

Thâm hiểm hơn chính phủ thành lập các hiệp hội dân sự (Cao Đài 1997) do nhà nước lãnh đạo và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để định hình thái độ và quan điểm của công chúng (Jamal, 2007). Cũng theo Jamal, chính quyền độc tài cũng có thể tưởng thưởng cho một tổ chức XHDS để có sự ủng hộ và trung thành của họ với chính phủ. Ban lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine sử dụng mối liên hệ của họ với viện trợ nước ngoài để thưởng cho các nhóm chính trị và xã hội dân sự trung thành với họ (Jamal, 2007). 

Điều gì khiến nhà nước nới lỏng các hạn chế đối với sự phát triển của các hiệp hội dân sự? Điều gì làm cho quá trình dân chủ hóa dễ chấp nhận hơn đối với cả các nhà quản lý nhà nước và xã hội dân sự? Đó là nội dung của bài viết sau. “Đừng bao giờ nghĩ rằng một nhóm nhỏ không làm gì được để thay đổi xã hội.”

Ngô Thái Văn 

__________________

Ghi chú:

(*)https://luatduonggia.vn/cac-loai-to-chuc-xa-hoi/

(**)Thường là các chủ nhân này người Á Châu. Giới chủ nhân thuộc các nước tây phương dân chủ không bị mua chuộc bởi chính phủ hay nghiệp đàn lao động được dựnng nên bởi chính phủ. Mới đây sự rút lui của Apple ra khỏi VN là một bằng chứng.

VNTB (27.08.2020)

Luật sư kiến nghị về thông tin ông Trịnh Bá Tư tuyệt thực

Ông Trịnh Bá Tư là một trong số ba người thuộc gia đình bà Cấn Thị Thêu cùng bị bắt một lượt vào ngày 24/6/2020. Cả ba đều bị khởi tố chung với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật hình sự hiện hành.

Tuy bị khởi tố chung tội danh, bị bắt giữ chung một ngày, nhưng người anh là ông Trịnh Bá Phương lại bị khởi tố bởi cơ quan tố tụng TP. Hà Nội chung với bà Nguyễn Thị Tâm, cũng là một dân oan cùng trú tại Dương Nội.

Tương tự như người anh Trịnh Bá Phương của mình, ông Tư thường hay lên tiếng về những vấn đề của xã hội, nhất là vấn đề giải tỏa đền bù đất đai mà chính bản thân gia đình ông là nạn nhân. Cho đến thời điểm trước khi bị bắt vào hạ tuần tháng 06/2020, thì các ông thường xuyên đề cặp đến vụ án Đồng Tâm mà xã hội đang rất quan tâm và cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với chính quyền.

Vụ án của ông và mẹ là bà Cấn Thị Thêu đang trong giai đoạn điều tra. Cả hai đều bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an Tỉnh Hòa Bình.

Thượng tuần tháng 07/2020, phản hồi lại việc đăng ký bào chữa của luật sư, thì cơ quan tiến hành tố tụng ở Hòa Bình đã có văn bản chấp thuận để người bào chữa tham gia vụ án từ khi kết thúc giai đoạn điều tra.

Ngày 24/08/2020, gia đình ông Trịnh Bá Tư được thông tin cho biết ông ấy đang tuyệt thực trong trại tạm giam từ khoảng gần 20 ngày qua, ít nhất từ ngay sau ngày 06/08/2020. Nếu tin này là đúng đắn, thì ắt hẳn sự tuyệt thực của ông Tư có nguyên do và đồng thời, cũng sẽ gây tác động không tốt đến với sức khỏe của ông ấy.

Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Tư, chúng tôi thật sự lo lắng cho sức khỏe của ông ấy, nhất là cùng với nguyên do bất thường nào đã khiến ông ấy phải chọn cách thức phản ứng quyết liệt bằng tuyệt thực.

Thế nên, văn bản dưới đây là để luật sư kiến nghị cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ và có biện pháp xử lý phù hợp nếu thông tin ông Trịnh Bá Tư tuyệt thực là có thật.

Thật sự, chúng tôi vẫn mong thông tin về ông Trịnh Bá Tư chỉ là hoang tin…

Đặng Đình Mạnh

Tiếng Dân (27.08.2020)

Tín đồ Việt Nam cầu nguyện cho nạn nhân bạo hành vì tôn giáo, niềm tin

Đan viện Thiên An, Thừa Thiên Huế. Photo Facebook BPSOS Vietnam Advocacy

Các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau ở Việt Nam vừa tổ chức buổi cầu nguyện cho các nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin.

Ngày 28/5/2019, Đại Hội đồng LHQ thông qua quyết định lấy ngày 22/8 hàng năm làm Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin.

Hòa thượng Thích Thiện Minh ở thành phố Hồ Chí Minh, thành viên của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người từng bị chính quyền Việt Nam giam cầm 26 năm tù, chia sẻ với VOA về buổi lễ được tổ chức ở thiền thất tư gia:

“Chúng tôi và quý Phật tử rất nhiệt tình hưởng ứng cho Ngày tưởng niệm này, mặc dầu buổi lễ không được đông lắm vì dịch bệnh COVID-19.

“Chúng tôi cũng có nhã ý kêu gọi đồng bào Phật tử trong và ngoài nước cùng nhau hưởng ứng lời kêu gọi này, cũng như liên thông cùng với quý chức sắc của các tôn giáo khác để cầu nguyện chung trên khắp mọi miền đất nước.”

Hòa thượng Thích Thiện Minh nêu ước nguyện thông qua Ngày tưởng niệm năm nay:

“Chúng tôi có ước muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, những quốc gia cầm quyền độc tài, độc đoán, có hành động bạo ngược, áp bức, bách hại…hãy nên suy xét lại, để quay về với nẻo thiền, gột sạch tư tưởng bất lành để dân sinh có quyền tự do tôn giáo và niềm tin.”

Từ Thừa Thiên Huế, Linh mục Andrew Nguyễn An Dũng thuộc dòng Biển Đức phát biểu tại lễ cầu nguyện trực tuyến Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin hôm 23/8 do BPSOS tổ chức.

“Trên thế giới vẫn còn nhiều nước có các vị lãnh đạo sống trong ốc đảo của sự hận thù, độc tài và gian dối.

“Tại Việt Nam, chính quyền đã thuê côn đồ đánh chiếm đất đai thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, Huế. Họ đóng cọc, làm rào, chửi rủa, xúc phạm đến các đan sĩ.”

USCIRF ra thông cáo bảo trợ cho nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF

Từ thủ đô Washington DC, Tiến sĩ James Carr, Uỷ viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), góp lời cầu nguyện tại buổi cầu nguyện chung trực tuyến, dành lời cầu nguyện cho Đan Viện Thiên An, và các tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam. Ông Carr phát biểu qua lời của người phiên dịch:

“Tôi muốn chúng ta dùng dịp này cùng nhấn mạnh một điều rằng cho dù chúng ta đến từ khắp nơi trên thế giới với nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng quyền tự do tôn giáo thuộc về tất cả mọi người.

“Tôi và đồng nghiệp của tôi cùng đang làm việc để củng cố quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Việt Nam có số tù nhân lương tâm vì tôn giáo cao.

“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến sự việc xảy ra tại Đan viện Thiên An.”

Ông Carr và một ủy viên khác ở USCIRF đang bảo trợ cho tù nhân tôn giáo A Đảo và Nguyễn Bắc Truyển.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Kim Phượng, một tín đồ Hòa Hảo và là vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, phát biểu:

“Chồng tôi là người bảo vệ quyền tự do tôn giáo, hỗ trợ cho các tôn giáo thiểu số bị bách hại. Chính vì vậy, vợ chồng tôi đã bị trả thù, nhiều lần bị tấn công, hành hung bằng bạo lực…Chồng tôi bị kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản thúc với tội danh vu cáo.

“Nhân dịp Ngày tưởng niệm Nạn nhân bị bạo hành vì Tôn giáo và Niềm tin do LHQ khởi xướng, tôi kính mong mọi người cùng hiệp thông dâng lời cầu nguyện cho chồng tôi và các tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo như Bùi Văn Trung, Bùi Văn Thâm, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Thị Hồng Hạnh và các nạn nhân tôn giáo khác.”

Các Tín hữu Cao Đài Thủ Thiêm kỷ niệm Ngày Quốc tế dành cho các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin.

Từ Thành Phố Raleigh, North Carolina, mục sư Tin lành A Ga phát biểu tại lễ cầu nguyện chung:

“Xin dâng lời cầu nguyện cho những người anh em ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên đang ngày đêm đối diện với những khó khăn từ phía chính quyền Việt Nam: bắt bớ, tra tấn, tù đày…”

Linh mục Peter Trần Đình Lai, người đứng đầu Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Hà Tĩnh, nói với trang The Union of Catholic Asian News hôm 21/8 rằng tự do tín ngưỡng đang bị vi phạm nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Ông cho biết các tín đồ bị tước đoạt phương tiện kiếm sống, thực hành đức tin và truyền bá phúc âm, trong khi những người khác bị chỉ trích và bị gán ghép một cách hung hăng.

VOA (26.08.2020)

Việt Nam sẽ buộc Facebook, Google tuân thủ pháp luật nước này

Ứng dụng Facebook có thể được dùng trên các thiết bị khác nhau. Reuters

Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều luật quảng cáo, đặc biệt là với các hoạt động quảng cáo trên Facebook và Google.

Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 26 tháng 8 nói rõ, Bộ TT&TT đề xuất các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội có phát sinh doanh thu tại Việt Nam phải nộp thuế và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong số đó, có luật về quảng cáo, luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Để quản lý, Bộ TT&TT yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải thông báo thông tin liên hệ với bộ này khi cung cấp dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Google. Việc báo cáo được thực hiện định kỳ 12 tháng/lần hoặc theo yêu cầu đột xuất của Cục Phát thanh, truyền hình & thông tin điện tử (Bộ TT&TT). Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng phải tuân thủ quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Luật An ninh mạng.

Cũng theo dự thảo nghị định sửa đổi, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên internet có trách nhiệm phải kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo, bảo đảm không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo.

Với người có nhu cầu quảng cáo, họ sẽ không được đăng, phát sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật. Những người này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo khi ký kết hợp đồng với các nền tảng, dịch vụ xuyên biên giới.

Tại buổi làm việc do Bộ TT&TT tổ chức hôm 25 tháng 6 năm 2019 nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố, doanh nghiệp dù trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

RFA (26.08.2020)

Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư được cho là đang ‘tuyệt thực 20 ngày’

Hôm 26 Tháng Tám, ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, đến trại giam Công An tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu tin con trai ông, nhà hoạt động Trịnh Bá Tư, được cho là đang tuyệt thực 20 ngày.

Ông Tư, 33 tuổi, cùng anh trai và mẹ bị bắt hôm 24 Tháng Sáu, với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117, Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.

Ông Trịnh Bá Tư (thứ hai, phải) bị bắt hôm 24 Tháng Sáu, 2020. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

Lần gần nhất ông Tư mua đồ trong trại giam được ghi nhận là ngày 6 Tháng Tám.

Ông Khiêm yêu cầu được gặp mặt hay ít nhất là gọi điện thoại cho con trai nhưng bị cán bộ trại giam khước từ.

Theo một bài của nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang, trên trang cá nhân thì những người bị bắt vì các tội liên quan đến “an ninh quốc gia” không bao giờ được gặp thân nhân, gia đình, luật sư một khi cơ quan điều tra chưa cho phép.

“Một khi đã bị bắt, họ sẽ gần như bị biệt giam luôn cho đến khi cơ quan điều tra đã hoàn tất công việc và có thể tự tin chắc chắn là mình đã nắm ưu thế tuyệt đối trước ‘đối tượng.’ Gia đình sẽ chẳng được biết gì về tình trạng sức khỏe, tinh thần… của người bị giam giữ,” tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” viết trên trang cá nhân.

Lên tiếng về việc ông Trịnh Bá Tư được cho là đang tuyệt thực, bà Trần Thị Nga, cựu tù nhân lương tâm, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, nói trong một Facebook live phát hôm 26 Tháng Tám: “Khi một người tù đã phải dùng chính mạng sống của mình để đấu tranh bằng cách tuyệt thực, họ phải có lý do, quyền sống đang bị trại giam cướp đoạt. Bản thân tôi là người đi tù ra, tôi biết mức độ đàn áp của trại giam kinh khủng như thế nào. Hồi còn bị tạm giam ở trại giam Công An tỉnh Hà Nam, tôi đã phải đấu tranh bằng cách tuyên bố nếu trại giam không giải quyết vấn đề của mình thì tôi sẽ tuyệt thực, tọa kháng. Vì đằng nào cũng chết, nếu họ tước đoạt quyền của mình, cái chết từ từ với mình còn kinh khủng hơn cái chết do tuyệt thực…”

Bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, cùng hai con trai Trịnh Bá Phương (giữa) và Trịnh Bá Tư, trước khi bị bắt. (Hình: Facebook Trịnh Bá Tư)

Thời điểm ba người trong nhà ông Tư bị bắt, công luận suy đoán nguyên do thật sự là nhà cầm quyền CSVN muốn ngăn chặn việc ông Tư và ông Phương thường xuyên đưa tin về diễn biến vụ Đồng Tâm trên mạng xã hội. Nhờ trang cá nhân của hai ông này mà cộng đồng mạng cập nhật được những tin tức mới về tình hình của bà Dư Thị Thành, quả phụ của ông Lê Đình Kình và là người thiệt mạng trong cuộc tấn công võ trang của nhà cầm quyền CSVN hôm 9 Tháng Giêng.

Hiện chưa rõ phiên tòa xử anh em ông Tư và bà Cấn Thị Thêu, trong lúc phiên tòa xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm dự trù diễn ra hôm 7 Tháng Chín tại Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội.

Cũng cần nói thêm, trại giam Công An tỉnh Hòa Bình từng bị công luận phản đối khi có tin thầy giáo Đào Quang Thực, tù nhân lương tâm chống Formosa bị tuyên phạt 13 năm tù, “bị bỏ đói và đánh đập” ở đây. Ông Thực sau đó qua đời khi đang thọ án tại trại giam số 6 Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hồi Tháng Mười Hai, 2019. 

Người Việt (26.08.2020)

Toà án cộng sản chuẩn bị đưa 29 dân oan Đồng Tâm ra xét xử

Tin Vietnam.- Báo Vnexpress ngày 25 tháng 8 năm 2020 loan tin, Toà án Cộng sản Hà Nội dự trù sẽ mang 29 người dân Đồng Tâm ra xét xử vào ngày 7 tháng 9 tới.

Theo báo Vnexpress, ông Trương Việt Toàn, phó Chánh án Toà án Hà Nội sẽ làm chủ phiên toà, và phiên toà sẽ diễn ra trong 10 ngày. Toà án Cộng sản cáo buộc 25 người dân Đồng Tâm với tội danh giết người và hình phạt cao nhất có thể là tử hình, 4 còn lại bị cáo buộc tội chống người thi hành công vụ với hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Dư luận cho rằng, sự tàn ác của nhà cầm quyền Cộng sản không chỉ dừng ở chỗ cướp đất dân, ra tay giết ông Lê Đình Kình  – người có công với cách mạng một cách dã man, mà nó còn thể hiện được sự dối trá đến tột cùng qua bản cáo trạng trên.

Theo SBTN (25.08.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen