Seite auswählen

Hội thảo quốc tế vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch

Hội thảo Nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch 18/9/2020. Photo Facebook Support Group for Human Rights for Vietnam.

Globalt Fokus, nhóm các tổ chức phi chính phủ tại Đan Mạch và các hội đoàn gốc Việt vừa tổ chức một cuộc hội thảo về tình hình nhân quyền Việt Nam, đồng thời vận động chính giới Đan Mạch tạo thêm nhiều áp lực để Hà Nội đảm bảo quyền của người lao động trong việc thực thi hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Từ thủ đô Copenhagen, bà Helena Hương Nguyễn, đại diện cho Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch, thành viên ban tổ chức cuộc hội thảo ngày 18/9 nói với VOA:

Các diễn giả và khách mời tại Hội thảo về Nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch ngày 18/9/2020. Photo Facebook Support Group for Human Rights for Vietnam in Denmark.

“Ân xá Quốc tế và một số các hội đoàn NGO, xã hội dân sự Đan Mạch trình bày về vấn đề nhân quyền qua nhiều khía cạnh. Dân biểu Quốc hội châu Âu của Đan Mạch Marianne Vind trình bày về Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EVFTA), theo đó từ ngày 1/1/2021 công nhân Việt Nam sẽ được thành lập công đoàn độc lập tại những nơi họ làm việc.

“Qua sự trình bày và các câu hỏi, mọi người đều xác nhận rằng tình hình nhân quyền Việt Nam rất tệ hại, và chính giới Đan Mạch, chính giới Âu châu cần phải quan tâm và đẩy mạnh hơn và theo dõi việc đáp ứng các yêu cầu trong Hiệp định EVFTA của Việt Nam, cũng như trong thỏa thuận giữa Việt Nam và Đan Mạch.”

 Trước đó, cũng trong tháng 9 này, Dân biểu Marianne Vind đã nêu ba vấn đề liên quan đến nhân quyền Việt Nam lên Uỷ ban Thương mại của Nghị viện EU: Ủy ban đã giải quyết các vấn đề nhân quyền như thế nào trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do với Việt Nam?; Ủy ban có thể giải thích cách thức theo dõi các diễn biến nhân quyền ở Việt Nam để duy trì các cam kết trong hiệp định?; Và trong tương lai, Ủy ban sẽ làm thế nào để đảm bảo rằng tác động của các hiệp định thương mại đối với quyền con người được xem xét ở một mức độ lớn hơn trước khi Uỷ ban ký kết các hiệp định thương mại?

Bà Helena Hương Nguyễn, một thành viên của tổ chức Việt Tân tại Đan Mạch, cho biết thêm:

Bà Vind mong muốn rằng từ nay tất cả những hội đoàn, tổ chức dân sự tại Đan Mạch có những báo cáo về nhân quyền, và tình trạng của các nghiệp đoàn lao động độc lập tại Việt Nam…để bà tiếp tục theo dõi và chất vấn Quốc hội châu Âu. Bà cho biết trước đó bà có viết thư gửi Quốc hội chất vấn rằng nếu Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện nhân quyền thì Quốc hội Âu châu sẽ có biện pháp gì, và sẽ tiếp tục chất vấn về vấn đề này.”

Bà Helena Hương Nguyễn cho viết thêm rằng cuộc hội thảo ngày 18/9 do Globalt Fokus, hiệp hội của hơn 80 các tổ chức phi chính phủ về xã hội dân sự tại Đan Mạch, và Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam và các hội đoàn của cộng đồng người Việt tại Đan Mạch, cùng tổ chức.

Theo thông tin của trang Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam, ngoài Dân biểu Nghị Viện Âu Châu Marianne Vind, còn có các diễn giả tham gia như bà Sara Brandt, cố vấn chính trị của Globalt Fokus, bà Elise Bangert, cố vấn chính trị và luật pháp của Amnesty International Denmark, và Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân chính trị Việt Nam hiện đang tị nạn tại Đức.

Nghị viên EU Marianne Vind và Luật sư Nguyễn Văn Đài tại hội thảo nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch, 18/9/2020. Photo Facebook Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch.

Hôm 20/9, Luật sư Nguyễn Văn Đài thuộc Hội Anh em Dân chủ phát biểu trên kênh YouTube của ông nêu nhận định về cuộc hội thảo nhân quyền tại Đan Mạch.

“Tại cuộc hội thảo Dân biểu Marianne Vind cho rằng EVFTA như là một công cụ hữu ích để EU thúc đẩy quyền thành lập nghiệp đoàn [độc lập] cho công nhân Việt Nam cũng các vấn đề nhân quyền khác. Bà nói rằng sẽ cùng các dân biểu EU ra một tuyên bố ủng hộ cho bất kỳ một tổ chức nghiệp đoàn nào của công nhân được thành lập tại Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2021 khi luật Lao động mới có hiệu lực.

“Đây là một sự cổ vũ tinh thần rất lớn khi mà công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty được thành lập tổ chức nghiệp đoàn của mình để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người lao động.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm rằng vào ngày 17/9 ông và các đại diện của Hội Đồng Truyền Giáo Đan Mạch, Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch đã có các cuộc gặp gỡ và làm việc với đại diện của Bộ Ngoại giao và Quốc hội Đan Mạch để vận động và thúc đẩy cho nhân quyền Việt Nam.

Theo bản tin VOA Tiếng Việt (23.09.2020) đã chỉnh sửa vào ngày 28.09.2020

Vận động cho TNLT Nguyễn Bắc Truyển trước Đối thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt

Ông Nguyễn Bắc Truyển trong lần bị bắt trước đây. Photo courtesy of danlentieng.net

Tổ chức Cứu người Vượt Biển (BPSOS) cho biết đang vận động cho viêc tham gia ký tên vào một lá thư chung gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Nội dung thư kêu gọi Hoa Kỳ đặt vấn đề với Việt Nam về trường hợp của TNLT, nhà hoạt động cho quyền tự do tín ngưỡng, ông Nguyễn Bắc Truyển. Ngày 6 tháng 10, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ một lần nữa trao đổi về dân chủ, nhân quyền qua Đối thoại Nhân Quyền thường niên giữa hai quốc gia này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch và CEO của BPSOS, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng lá thư chung sẽ được gửi đi vào thứ 2 ngày 28 tháng 9, để kịp thời cho các đại diện phía Hoa Kỳ đưa hồ sơ của ông Nguyễn Bắc Truyển lên bàn thảo luận.

Ông nói, “Trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển ở trong danh sách ngắn của Hoa Kỳ để đấu tranh đòi hỏi sự tự do cho những người trong danh sách đó. Gần đây nhất, Mục sư A Đảo của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đã được trả tự do vào ngày 18/9. Cho thấy sự lên tiếng của quốc tế có ảnh hưởng. Mục sư A Đảo cũng là 1 trong 8 người trong danh sách chúng tôi đưa ra để đề nghị Hoa Kỳ ưu tiên tranh đấu đòi trả tự do cho họ. Thực sư chúng tôi có danh sách có đến 250 TNLT và hơn nữa. Nhưng chúng tôi lọc ra tập trung vào 8-10 người, và Mục sư A Đảo là một, bây giờ đã được tự do, và người kế tiếp là ông Nguyễn Bắc Truyển”.

Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt: Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển (từ trái qua). RFA

Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, và là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị. Ông Truyển cùng ông Phạm Văn Trội, và ông Trương Minh Đức, những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 30/7/2017 và tuyên án 11 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tiến sĩ Thắng nói thêm, ít ai biết, ông Nguyễn Bắc Truyển là người đầu tiên phối hợp bàn tròn đa tôn giáo của Việt Nam được thành lập vào tháng 3 năm 2016. Ông Truyển tiếp tục duy trì vai trò cho tới ngày bị bắt, vì vậy BPSOS đã nhắm vào các thành viên bàn tròn cũng như lãnh đạo tôn giáo tại Hoa Kỳ và khắp nơi, cùng lên tiếng qua lá thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ông Thắng cho biết, “Ngoài ra ông Truyển còn là người sáng lập ra Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam bởi vì trong lĩnh vực về luật, ông Truyền là luật gia nghiên cứu về chống tra tấn ở Việt Nam cũng như của Công ước LHQ về chống tra tấn. Ông Truyển đã làm nhiều báo cáo về chống tra tấn, chẳng hạn như của những người H’mong, người Tây Nguyên, mà bị tra tấn đến chết, thì ông Truyển cũng là người lập hồ sơ chuyển lên Liên Hiệp Quốc rất nhiều lần. Do đó, khi bị bắt bớ và cả hai vợ chồng bị bách hại, Liên Hiệp Quốc xem như một cách trả thù vì đã báo cáo với họ”.

TNLT Nguyễn Bắc Truyển hiện bị giam tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam. Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức Quốc cho biết, ông Truyển bị tuyên án nặng nề, 11 năm tù, vì những hoạt động đào tạo cho tín đồ về quyền tự do tôn giáo, cũng như những nỗ lực cho các gia đình TNLT:

“Đến năm 2017 khi an ninh bắt ông Truyển, thì họ cũng có hỏi tôi về vai trò của ông Truyển trong HAEDC. Tôi nói ông Truyển chỉ tham gia ngắn thôi.

Mức án nặng không phải là vì ông Nguyễn Bắc Truyển là sáng lập viên của HAEDC, mà do những việc làm của ông đối với Giáo hội PGHH, bởi vì khi đó ông cư trú ở tỉnh Đồng Tháp và ông giúp cho PGHH rất nhiều. Vì những công việc nâng đỡ, không để cho giáo hội đó bị sụp đổ bởi sự đàn áp bắt bớ từ nhà cầm quyền Việt Nam.

Thứ hai, khi ông tham gia vào Hội Ái hữu TNLT, thì ông cũng hoạt động rất tích cực, tìm kiếm những nguồn lực tài trợ giúp đỡ cho các gia đình TNLT, cũng nhưng con cái của họ trong vấn đề học bổng. Tôi biết lúc đó thì hầu hết rất nhiều gia đình TNLT đang có con học phổ thông hay đại học, thì đều được Hội Cựu TNLT cấp học bổng. Đó là những lý do mà an ninh họ biết, nhưng không đưa vào trong hồ sơ. Họ chỉ có căn cứ một điều duy nhất là ông là sáng lập viên của HAEDC, và ông chịu mức án 11 năm tù.”

Luật sự Đài cho biết, ông Truyển hiện được sự bảo trợ của đại diện Quốc hội Đức. Từ năm 2019 ông Truyển cũng được Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế (USCIRF), bà Anurima Bhargava bảo trợ thông qua Dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo. Ngày 13/8 vừa qua, 65 nghị sĩ thuộc gần 30 quốc gia trên toàn cầu đã ký lá thư chung gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Truyển.

Luật sư Đài nhận định, thời điểm trước cuộc Đối thoại Nhân quyền, dự kiến sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 6 tháng 10, là thời điểm thuận lợi để nhắc nhở các viên chức ngoại giao về trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển.

Ông nói, “Nếu như Việt Nam có thiện chí với phía Hoa Kfy, thì họ sẽ trả tự do cho anh Truyển hoặc một vài người, bao giờ cũng xảy ra trước các cuộc đối thoại. Vì kinh nghiệm của bản thân tôi, trong những năm tháng tôi ngồi tù lần đầu tiên từ năm 2007-2011, phía Bộ Công an họ hỏi, ‘Anh có muốn trả tự do không? Chỉ có hai điều kiện, một là chúng tôi thả tự do cho anh đi nước ngoài, hai là anh sẽ nhận tội thì chúng tôi trả tự do cho anh ngay lập tức’. Thì tôi không hiểu tại sao họ lại chọn thời điểm đó để vào trong nhà tù mặc cả với tôi điều đó. Sau đó tôi mới biết là cố cuộc đối thoại với Việt Nam và Hoa Kỳ, hoặc EU. Thông thường là họ muốn thả tự do trước sự kiện đó”.

Mục sư  A Đảo, vị lãnh đạo Tin lành người Thượng được thả tự do vào ngày 18/9 vừa qua, một năm trước khi mãn án tù 5 năm vì cáo buộc “Tổ chức người khác trốn, đi nước ngoài”.

Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm 18/9 ra thông cáo báo chí ca ngợi việc Việt Nam trả tự do cho Mục sư A Đảo, đồng thời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.

Ts Thắng nói, nếu như chính phủ Việt Nam cho rằng họ thả Mục sư A Đảo như vậy là đủ, thì các tổ chức, những nhà đấu tranh cho nhân quyền phải nỗ lực hơn nữa.

“Chúng tôi không nghĩ rằng Việt Nam hiện đang nghĩ đến chuyện thả trả tự do cho ông Nguyễn Bắc truyển trước cuộc đối thoại, vì họ tin rằng chỉ cần thả Mục sư A Đảo là đủ rồi, để mà chứng tỏ cho Hoa kỳ là họ có thiện chí. Họ nghĩ rằng ngưng ở đó là đủ rồi. Chính vì lý do đó mà chúng tôi vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chấp nhận sự nhượng bộ tí ti đó. Mà phải quyết tiếp tục những trường hợp khác, và ưu tiên hàng đầu là trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển”.

Cũng theo Ts Thắng, cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam vòng này sẽ không như các lần trước, và tổ chức của ông vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để không cho phép Việt Nam có những lời hứa hẹn hoặc bịa ra những lý do cho sự đàn áp của chính quyền.

“Chúng tôi đề nghị với Hoa Kỳ phải có những hồ sơ rất cụ thể, dù nó nhỏ, dù nó ít, nhưng phải giải quyết đến tận nơi tận gốc một cách cụ thể. Thì tôi tin rằng năm nay sẽ có một không khí khác hơn từ phía Hoa Kỳ khi ngồi xuống đối thoại với Việt Nam”.

RFA (22.09.2020)

Vụ nổ bom trụ sở CA: Gần 200 năm tù cho nhóm Triều Đại Việt

NGUỒN HÌNH ẢNH,ẢNH CHỤP MÀN HÌNH. Gần 200 năm tù cho nhóm Triều Đại Việt trong phiên sơ thẩm ngày 22/9/2020

Phiên xử sơ thẩm kéo dài 2 ngày nhóm Triều Đại Việt kết thúc trưa 22/9 với tổng số năm tù lên tới gần 200 năm cho 20 bị cáo.

Người chịu án nặng nhất là ông Nguyễn Khanh (sinh năm 1964 tại Bình Dương), 24 năm tù, 5 năm quản chế, và phải bồi thường tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Ông Khanh bị tuyên hai tội danh là “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.

Các bị cáo khác nhận mức án từ 2 năm đến 18 năm tù.

Trẻ nhất trong số 20 bị cáo sinh năm 1993, lớn tuổi nhất sinh năm 1952. Hai người trong số này là dân tộc thiểu số S’Tiêng. Bị cáo đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An, Đắk Nông, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bình Dương, chủ yếu làm lao động tự do.

Theo cáo trạng, 20 bị cáo có liên hệ với tổ chức Triều Đại Việt ở Canada. Ngày 20/6/2018, họ đã làm bom tự chế và cho nổ ở ba địa điểm khác nhau tại Việt Nam, gồm trụ sở công an tỉnh Hậu Giang; trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; tại một cột điện ở Kiên Giang.

Các vụ nổ không gây thương vong, nhưng vụ ở trụ sở công an phường 12 khiến hai người bị thương nhẹ, thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng.

Cáo trạng cũng cho hay “đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức “Triều đại Việt” thực hiện với mục đích, chủ trương lôi kéo, tập hợp người Việt ở trong và ngoài nước tham gia nhằm lật đổ chế độ nhà nước Việt Nam”.

Tại tòa, Viện Kiểm sát nhận định hành vi của các bị cáo là “đặc biệt nghiệm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội; trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia”.

‘Mức án quá nặng’

BBC

Ngay sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa miễn phí cho 2 trong số 20 bị cáo, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ‘tòa đã đi vô trọng tâm vấn đề, chỉ ra cái sai của các bị cáo’, nhưng ‘mức án quá nặng’.

Luật sư Miếng nói:

“Khi tòa chỉ ra cái sai, phần lớn các bị cáo đều chấp nhận. Đúng là các bị cáo đã có một số hành động không thể chấp nhận được, như mua thuốc nổ, chế tạo, đặt bom. Trong này có một số người bản thân họ không có ý niệm rõ ràng về bạo lực khi theo nhóm Triều Đại Việt… Nhưng mức án tòa đưa ra quá cao, nhất là với bị cáo đầu vụ (24 năm tù), cộng với khoản tiền bồi thường, khiến cho mức độ răn đe quá kinh khủng.”

Có gia đình như ông Nguyễn Khanh, cả bố và con đều chịu án tù nặng, từ 17 – 24 năm.

“Tất nhiên về mặt luật pháp, tòa đã thực thi quyền mà pháp luật cho phép. Nhưng để kêu gọi người ta hối cải thì mức án quá cao như vậy gần như đã tước bỏ cơ hội hối cải của các bị cáo. Chẳng hạn như với gia đình ông Nguyễn Khanh, cả hai bố con đều chịu mức án rất nặng. Do đó tình trạng có thể nói rất bi thảm.”

“Những vụ án chính trị khác, những người đầu vụ, đứng đầu một tổ chức chính trị cũng chỉ 15 năm tù thôi. Những người có vị trí chính trị, chức vụ thì cũng chỉ 12 năm thôi.” Luật sư Miếng nhận xét.

Cũng theo luật sư Miếng, các bị cáo hành động như vậy vì mục đích cá nhân, do họ nhận được tiền gửi về, chứ không vì mục đích chống phá hay khủng bố. Họ cũng làm theo yêu cầu một cách miễn cưỡng. Cụ thể là khi chế tạo và đặt bom, nhóm này đã cố gắng làm giảm thiểu rủi ro tối đa mức độ nguy hiểm. Không có thiệt hại về người. Vụ nổ khủng khiếp nhất là vào 20//2018 ở trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh thì thiệt hại khoảng 400 triệu, chỉ có 2 người bị thương rất nhẹ. Và các vật liệu dùng làm bom cũng không có độ sát thương lớn.

Luật sư Miếng xác định rằng ông không ủng hộ sử dụng bạo lực, nhất là bom đạn hay khủng bố, trong đấu tranh nhân quyền, dân chủ.

Báo Việt Nam nói gì?

Theo báo VOV, tại tòa, các bị cáo đã “thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai trái của bản thân”.

Theo báo Công an Nhân Dân, các bị cáo nhận chỉ đạo từ Ngô Hùng (đang bị truy nã quốc tế) của tổ chức ‘Triều đại Việt’ để khủng bố nhằm lật đổ chính quyền.

Báo này viết rằng tổ chức “Triều đại Việt” thường xuyên đăng tải các video livestream trên mạng xã hội “nhằm tuyên truyền, nói xấu Đảng, nhà nước, đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa, lôi kéo và chỉ đạo mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ, gây nổ tại trụ sở cơ quan nhà nước, công an…”

Từ tháng 11/2017 đến khi bị phát hiện, Ngô Hùng đã “lôi kéo và chuyển tiền tài trợ cho Nguyễn Khanh, Nguyễn Tấn Thành và 15 người khác” để thực hiện hành vi “khủng bố” tại TP.HCM, Hậu Giang, Kiên Giang…

Từ khi tham gia tổ chức “Triều đại Việt”, ông Khanh đã nhận của Ngô Hùng 144 triệu đồng và 600 CAD, vẫn theo báo Công an Nhân Dân.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Khanh khai tại tòa rằng vì hoàn cảnh khó khăn nên họ mới “nghe theo lời dụ dỗ của tổ chức phản động nhằm mục đích lấy tiền lo cho gia đình chứ không hề có ý định chống phá nhà nước”.

BBC (22.09.2020)

Việt Nam kết án chủ mưu vụ ‘khủng bố chống chính quyền nhân dân’ 24 năm tù

Nguyễn Khanh, người bị kết án đứng đầu tổ chức các vụ “khủng bố chống chính quyền nhân dân” bị Toà án Nhân dân TPHCM tuyên 24 năm tù hôm 22/9.

Việt Nam hôm 22/9 tuyên án 24 năm tù đối với người bị cáo buộc đứng đầu tổ chức các vụ “khủng bố chống chính quyền”, trong đó có vụ nổ bom tấn công một trụ sở công an phường cách đây hai năm.

Theo truyền thông trong nước, Toà án Nhân dân TPHCM xét xử 20 bị cáo liên quan đến các vụ mà công an Việt Nam nói là “khủng bố”, trong đó 17 người bị tuyên phạt với tội danh “chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ,” được cho là dưới sự tài trợ của nhóm Triều Đại Việt có trụ sở ở Canada, để tấn công một trụ sở công an.

Nguyễn Khanh, người bị cáo buộc chỉ đạo nhóm “khủng bố” trụ sở Công an phường 12 quận Tân Bình, nhận mức án cao nhất, 24 năm tù, cho hành vi mà TAND TPHCM cho là “đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia,” theo VnExpress. Bị cáo 56 tuổi bị kết án 20 năm tù cho tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và 4 năm tù cho tội danh “chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ.”

Hai bị cáo được cho là nhận nhiệm vụ “phát triển tổ chức ở miền Tây,” Dương Bá Giang và Nguyễn Minh Tấn, bị phạt mỗi người 18 năm tù, trong khi ba người khác – gồm Vũ Hoàng Nam, Dương Khắc Minh và Phạm Trần Phong Vũ – mỗi người lĩnh 17 năm tù vì trực tiếp gây nổ trụ sở công an, theo cáo trạng được các trang mạng trong nước trích dẫn.

Những người còn lại bị tuyên phạt từ 2 đến 12 năm tù về một trong hai tội danh trên.

Phiên toà kéo dài hai ngày là vụ xét xử mới nhất trong một loạt những vụ án lớn gần đây được đưa ra xét xử trong giai đoạn Việt Nam đang thắt chặt an ninh trước thềm Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản.

Vụ xét xử ngay trước đó diễn ra vào tuần trước tại Hà Nội đối với 29 người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, trong đó hai người bị kết án tử hình về tội “giết” ba công an khi đang làm nhiệm vụ giữa lúc bố ráp khu làng hồi tháng 1 vừa qua. Trước đó vào tháng 4, một người đàn ông bị kết án 11 năm tù với các buộc “đặt bom khủng bố” tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho các bị cáo trong vụ xét xử hôm 22/9 tại TPHCM, nhận định trên trang Facebook cá nhân rằng các bản án giành cho các bị cáo trong vụ án “Triều đại Việt” là “khủng.”

Nói với Reuters, LS Miếng cho rằng các bản án được tuyên tại toà là “quá nặng nề.”

Bộ Công an trước đây cho biết rằng những bị cáo này đã nhận tiền của nhóm lưu vong Triều Đại Việt, mà công an Việt Nam coi là chống chính quyền, để mua chất nổ và kíp nổ cho “hoạt động khủng bố nhằm lật đổ nhà nước Việt Nam.”

Vẫn theo Bộ Công an, những người này đã cho nổ hai quả bom tại đồn cảnh sát phường 12 ở quận Tân Bình, làm 3 người bị thương.

Thông tin trên trang web chính thức của Bộ Công an nói rằng nhóm Triều Đại Việt do Ngô Văn Hoàng Hùng làm “Tổng tư lệnh,” mà theo công an Việt Nam, là người đã “vượt ngục” bỏ trốn sang Canada vào năm 1982. Bộ này cho rằng nhóm Triều Đại Việt cũng tiến hành các cuộc đánh bom ở các địa điểm khác, và với phương châm “đốt sạch”, “giết sạch”, và “phá sạch”. VOA không thể liên lạc với nhóm Triều Đại Việt để xin bình luận về những nhận định trên của Bộ Công an.

VOA (22.09.2020)

Đối tượng bị cho lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thuộc danh sách bí mật nhà nước độ tuyệt mật!

Giáo xứ Song Ngọc vào ngày 22/08/19 dâng Thánh Lễ và thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân đã và đang bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt ở Việt Nam.  Courtesy: Facebook Nguyễn Đình Thục

Phát biểu tại Hội nghị triển khai quyết định số 960 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước diễn ra vào ngày 22/9, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khi nói về những điểm mới của Quyết định 960 đã cho rằng trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm kích động người dân chống phá chính quyền, làm bất ổn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước…

Do đó, Quyết định 960 đã bổ sung quy định “văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia” là bí mật nhà nước độ tuyệt mật.

Trao đổi với RFA tối 23/9, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ hơn:

“Quyết định 960 này quy định một danh mục để cho các cơ quan, tổ chức, cũng như cá nhân biết được để sử dụng những tài liệu theo đúng quy định của pháp luật. Đây là những tài liệu những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm phạm chủ quyền quốc gia sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Thứ hai là trong thực hiện đường lối chiến lược, chính sách, đối sách, những quy trình xử lý đối với những vấn đề phức tạp tín ngưỡng tôn giáo nhà nước chưa công khai mà anh công khai cái này thì Việt Nam sẽ xử lý về tội làm lộ bí mật nhà nước theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đây là những tài liệu tuyệt mật.”

Nói rõ hơn, Luật sư Hậu cho biết chính phủ Hà Nội ban hành Quyết định 960 ngày 7/7/2020 về những danh mục nhà nước trong đó các thông tin là bí mật nhà nước được phân ra thành bí mật nhà nước ở độ tuyệt mật, tối mật, và mật. Quyết định này được bổ sung cho Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Ông nói:

“Vừa rồi Quốc hội có ban hành Luật bảo vệ bí mật nhà nước tại kỳ họp VI thông qua ngày 15/11/2018 gồm 5 chương và 28 điều. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Trong đó có một số quy định lập, thẩm định và ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, cũng như gia hạn danh sách bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian tính từ độ mật của nhà nước đến hết thời hạn sau đây ví dụ như tuyệt mật là 30 năm, tối mật là 20 năm, và mật là 10 năm. Thời gian bảo vệ bí mật về hoạt động có thể ngắn hơn nếu xác định cụ thể tài liệu đó.”

Trong khi đó, với kinh nghiệm hoạt động cho tự do tôn giáo trong nhiều năm, Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội của Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại đưa ra nguyên nhân mà ông cho rằng chính phủ Hà Nội bổ sung quy định mới cho Quyết định 960 là:

“Theo tôi Quyết định 960 này để răn đe giới đấu tranh tôn giáo. Họ chuẩn bị sẽ có cuộc bố ráp, bắt bớ, đàn áp hay tù đày những nhà vận động hay đấu tranh cho tự do tôn giáo. Bởi vì chế độ độc tài toàn trị căn bản, đối với chủ nghĩa Marx-Lenin thì họ biện chứng duy vật vô thần, họ coi tôn giáo là thuốc phiên nên thường những nước xã hội chủ nghĩa, những nước cộng sản chủ nghĩa không tôn trọng vấn đề tự do tôn giáo tín ngưỡng. Vì vậy những nước này vi phạm về đàn áp tôn giáo tín ngưỡng.”

Hòa Thượng Thích Không Tánh bên đống đổ nát của Chùa Liên Trì Courtesy photo

Vẫn theo Hòa thượng Thích Không Tánh, chính vì những vấn đề như ông vừa nêu mà các chức sắc tôn giáo vì lương tâm và lương tri phải nói lên, vận động đấu tranh để đòi hỏi cho nhà nước, chế độ thật sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng theo các công ước quốc tế mà chính Nhà nước Việt Nam đã ký kết.

Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng những vận động, đấu tranh, kêu gọi để cho đất nước được tiến bộ phát triển thì lại bị chính phủ Hà Nội coi đó là sự chống phá, âm mưu lật đổ. Ông nói:

“Cho nên người ta cứ nói thế lực thù địch, tham vọng quyền lực chính trị để kết vô nhưng thực ra theo tôi thì những người tu hành tôn giáo họ bị áp bức, không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bắt người ta phải nô lệ, biến những người tu hành thành công cụ tuyên truyền những chính sách của chế độ nhà nước. Nếu tu sĩ đó không theo làm công cụ, bình phong cho chế độ thì họ kết vô tội âm mưu lật đổ, chống phá đảng, nhà nước, thế lực thù địch.”

Xác nhận thực tế nêu trên, ông Võ Văn Bửu, cựu tù nhân Phật giáo Hòa hảo cho hay:

“Nói tóm lại Nhà nước Việt Nam rất gian xảo, họ bắt tù những tín đồ tôn giáo không bao giờ họ ghép vô vấn đề liên quan tôn giáo mà họ bịa ra những tội không chấp nhận được, chẳng hạn như gây rối trật tự công cộng hay chống người thi hành công vụ. Hai bản án tôi 9 năm trong 2 lần tù thì họ bắt tôi tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng chứ không bao giờ họ ghép vào vấn đề liên quan đến tôn giáo. Thật sự mà nói thì (tôi đã) tổ chức phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản họ đàn áp tôn giáo nhưng mà họ muốn né những tội liên quan vấn đề tôn giáo để cho các nước yêu chuộng tự do trên quốc tế không chế tài hay áp đặt họ vi phạm về vấn đề tự do tôn giáo.”

Cựu tù nhân tôn giáo Võ Văn Bửu cũng cho rằng chính phủ Hà Nội ngày càng ra nhiều điều luật nhưng chủ yếu có lợi cho phía nhà cầm quyền và ngày càng xâm phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế – USCIRF đã công bố phúc trình thường niên 2020 về tù nhân tôn giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam trong năm 2019.

Trong phúc trình nêu rõ chính phủ Hà Nội cầm tù hàng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm cổ súy cho tự do tôn giáo.

Bên cạnh đó, USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt – CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 vừa qua cho hay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng khi tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng được cho ngày càng nghiêm trọng.

RFA (22.09.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen