Seite auswählen
27.01.2021

 

vietnamese-american-trump-supporters-oc

 

Hơn 74 triệu người Mỹ (46.9%) đã bỏ phiếu cho Trump trong bầu cử 2020. Họ nhìn thấy gì và trông đợi gì ở Trump? Bài viết này thử phân tích những lý do chính của những cử tri bỏ phiếu cho Trump và của cả những người ở Việt Nam ủng hộ Trump trong bầu cử 2020 tuy họ không được phép bỏ phiếu.

Trước hết ta hãy tìm hiểu bối cảnh chính trị Mỹ và thế giới ngày nay.

Những thay đổi của nước Mỹ và thế giới trong vài thập niên qua

1) Toàn Cầu Hóa

Toàn cầu hóa có từ lâu, cả ngàn năm trước, xẩy ra trên nhiều khía cạnh: chính trị, văn hóa, nhưng trong bài này tôi chỉ nói đến toàn cầu hóa về kinh tế. Ở khía cạnh này, toàn cầu hóa là sự phối hợp nguyên vật liệu, kỹ thuật, dịch vụ, tư bản, nhân lực trên phạm vi toàn cầu để hướng tới cùng một sản phẩm đầu ra. Thu nhỏ lại, nó giống như một dây chuyền sản xuất xe hơi của Henry Ford đầu thế kỷ 20, có sự tính toán về nguyên liệu thô, nhân lực và tài lực trong hệ thống. Vì có sự phối hợp trong khâu sản xuất, phân phối và tiêu thụ, tránh những rào cản như thuế khóa địa phương, toàn cầu hóa đưa lại lợi ích tối đa cho những người, tổ chức hay quốc gia trong dây chuyền sản xuất và cả tiêu thụ này. Mỹ là quốc gia lãnh đạo dây chuyền hưởng lợi lớn nhất. Một chiếc iPhone SX MAX sản xuất với giá bán hiện nay là $1250, công ty Apple hưởng lợi nhuận $500 (40% giá bán). Trunq Quốc với khối dân 1.4 tỉ dân chính thức gia nhập WTO năm 2001, nhưng đã tham gia toàn cầu hóa sớm hơn nhiều, ngay sau khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền. Mọi nước tham gia đều có lợi trong dây chuyền toàn cầu hóa. Ở Mỹ, toàn cầu hóa gần với các chánh sách nền (platform) của đảng Cộng Hòa, vốn chủ trương tự do mậu dich không rào cản, hơn là của đảng Dân Chủ. Việt Nam cũng có lợi dù tham gia không phải từ đầu, mà ít ra là sau 1986.

Tiến trình toàn cầu hóa xẩy ra với tốc độ nhanh trong ba bốn thập niên gần đây. Bộ mặt của nhiều quốc gia có sự thay đổi lớn hơn sự thay đổI trong cả đôi ba trăm năm trước đó. Ở Việt Nam ta có thể thấy sự thay đổi đến chóng mặt trong nếp sống, nghề nghiệp, diện mạo đô thị từ vài chục năm nay. Xem thêm [1].

Với nước Mỹ nó ảnh hưởng thế nào? Những người trong các ngành nghề cổ điển sẽ có sự cạnh tranh từ những quốc gia khác trong dây chuyền đưa đến thất nghiệp hoặc tái phối trí vào các ngành nghề khác. Ta sẽ nói thêm về ảnh hưởng của toàn cầu hóa với nước Mỹ trong phần sau.

2) Thế giới đa cực và sự canh tranh của nước Mỹ

Yếu tố thứ hai là thế giới đa cực và sự cạnh tranh của nước Mỹ trong bối cảnh mới này.

Thế chiến 2 kết thúc, nước Mỹ nổi trội như một cường quốc hàng đầu của thế giới tự do trong khi Âu Châu còn đang vật lộn với tái thiết, sau những đổ nát tang thương của chiến tranh. Xe hơi Mỹ là hình ảnh sự phồn thịnh của quốc gia. Nhiều di dân, lể cả những tầng lớp ưu tú của cựu thế giới, đổ về miền đất đầy cơ hội này. Một người Mỹ tốt nghiệp trung học tìm được việc làm ở một hãng xe hơi có thể như cầm chắc tương lai không thất nghiệp. Sản phẩm Mỹ, dịch vụ Mỹ là hạng nhất thế giới, không có cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo thời gian các quốc gia khác dần dần vươn lên và cạnh tranh với Mỹ, trên nhiều địa hạt. Nước Nhật đe dọa kỹ nghệ xe hơi của Mỹ. Âu Châu, như Đức, Pháp, với các sản phẩm kỹ nghệ và tiêu dùng. Lúc Liên Xô và khối Đông Âu tan rã đầu thập niên 90, thế giới bắt đầu tiến về đa cực. Các quốc gia Á Châu (Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ…), Âu Châu (Liên Âu), Nam Mỹ (Brazil) bắt đầu vẽ lại bàn cờ thế giới. Về kinh tế, Mỹ gặp sự cạnh tranh gay gắt.

Nước Mỹ đối phó với sự cạnh tranh này thế nào? Nếu giới tinh hoa của Mỹ có thể đưa dân chúng Mỹ vào những lãnh vực thế giới chưa cạnh tranh được (như không gian, hàng không, kỹ thuật cao, điện toán…) và dân Mỹ vẫn còn tinh thần dấn thân mạo hiểm thì được. Tiếc thay điều đầu không xẩy ra, khi không có một chính sách quốc gia, về thuế khóa quốc gia chẳng hạn khuyến khích các đại công ty trong việc này, và điều thứ hai cũng không xẩy ra. Các đại học hàng đầu của Mỹ có rất nhiều sinh viên ngoại quốc, đến rồi đi. Nhiều người Mỹ thiếu tinh thần cố gắng và trở thành ích kỷ. Khi ngân sách quốc gia nợ nần chồng chất và các quỹ an sinh xã hội đã bị cảnh báo sẽ bị vỡ trận sớm, mọi chính sách như tăng thuế đều bị phản đối kịch liệt nên khó có một chính phủ nào có can đảm đưa ra để giải quyết việc này trên bình diện quốc gia hầu củng cố vị trí nước Mỹ trong thế giới đa cực. Xem thêm [2].

Do đó vì toàn cầu hóa và sự cạnh tranh của thế giới, có một phần đáng kể người Mỹ bị thụt lại phía sau. Họ vẫn mơ ước được quay lại thời vàng son của nước Mỹ, đầy những cơ hội vươn lên so với mặt bằng của phần còn lại trên thế giới.

3) Những thách đố lớn nước Mỹ phải đương đầu

Yếu tố thứ ba cũng không kém quan trọng là những thách đố lớn về quân sự, kinh tế và y tế nước Mỹ phải đương đầu trong hai thập niên qua.

Năm 2001, nước Mỹ bị khủng bố Hồi giáo tấn công. Cuộc chiến tại Afghanistan và hai năm sau đó tại Iraq là hai cuộc chiến tốn kém và không có kết quả rõ rệt cho đến tận ngày nay. Đến 2008, Mỹ và phần lớn thế giới lại bị cuộc khủng hoảng tài chánh lớn nhất kể từ sau Đại Khủng Hoảng cuối thập niên 20s của thế kỷ trước. Và đầu năm 2020, Mỹ và phần lớn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của cơn đại dịch COVID-19. Cho tới nay dù đã có thuốc chủng, kinh tế vẫn còn trị trệ hay sụt giảm so với thời tiền đại dịch.

Trong hai thập niên này, Trung Quốc, đối thủ quan trọng của Mỹ, hầu như ít bị ảnh hưởng của cả ba điều này: không bị cuốn vào chiến tranh tốn kém, không bị khủng hoảng tài chánh, và bị ảnh hưởng tương đối nhẹ bởi đại dịch. Sự che giấu của họ trong đại dịch bị nhiều nước lên án, kêu gọi điều tra nhưng tôi cho là không dễ dàng và nằm ngoài phạm vi bài viết này. Đa số các kinh tế gia đều cho là nếu không có biến cố lớn gì xẩy ra, Tổng sản Lượng Quốc Gia (GDP) Trung Quốc với dân số gần gấp bốn lần nước Mỹ, sẽ đuổi kịp GDP của Mỹ cuối thập niên này. Điều này càng làm tăng sự e dè với Trung Quốc của người Mỹ, nhất là những người gốc Việt và người Việt Nam, vốn đã có kinh nghiệm cay đắng với ngàn năm Bắc thuộc. Xem thêm [3].

4) Sự đắc cử của Obama vào chức vụ Tổng Thống Mỹ

Một yếu tố quan trọng nữa là sự đắc cử của một người da màu đầu tiên, ông Obama, vào chức vụ Tổng Thống Mỹ năm 2008.

Những cuộc đấu tranh của người da màu vào thập niên 60s do mục sư Martin Luther King khởi xướng đã mang lại quyền lợi hơn cho người da đen trong giáo dục, bầu cử, bình đẳng trước pháp luật và giảm bớt kỳ thị chủng tộc. Hiện nay người da đen chiếm 12.6% (người gốc Á chiếm 4.8%) của dân số Mỹ so với người da trắng 72.5%. Việc Obama được bầu làm tổng thống năm 2008 đã khơi lại tranh chấp chủng tộc khi nhiều người da trắng cảm thấy sự tự tôn của họ trước sắc tộc da đen mà họ vẫn coi là thấp kém hơn, bị tổn thương nặng nề. Nhiều tin bịa đặt về Obama cho đến nay vẫn còn được nhiều người tin.

Các phong trào Tea Party và sau nay Caucus Freedom trong quốc hội Mỹ, cũng dựa vào nghị trình của đảng Cộng Hòa và thường đối kháng với nghị trình của đảng Dân Chủ. Sự kỳ thị chủng tộc từ đó lại mang thêm màu sắc đảng phái. Một số người sắc tộc thiểu số cũng đứng về phía sắc tộc da trắng trong cuộc tranh chấp chủng tộc này. Hiện tượng này nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã có một số lý giải. Xem thêm [4].

5) Sự phát triển của internet và mạng xã hội

Internet và mạng xã hội làm vai trò của truyền thông theo nghĩa cổ điển bớt quan trọng. Trước đây, một người bình thường ít có dịp cầm bút, nay thì họ có thể trao đổi bằng chữ viết với người khác hàng ngày. Thậm chí có những người, tuy không phải là ký giả hay văn thi sĩ, xem việc tương tác với người khác như một nghề nghiệp, vì nhiều công ty trả tiền cho người có trương mục (hay tài khoản) nếu có số người đáng kể ghé thăm trương mục. Tất cả những điều này làm cho vấn đề tin giả càng có động cơ và phổ thông hơn.

Các công ty thiết lập mạng xã hội được miễn trừ trách nhiệm, với điều khoản 230 của đạo luật Thông Tin Chính Trực (Communications Decency Act – CDA) năm 1996 trong trường hợp những thông tin có thể bị kiện tụng được đăng tải trên mạng xã hội. Lúc đầu điều khoản này nhằm vào các thông tin có nội dung dâm ô và trong khi nó miễn trừ trách nhiệm khi bị kiện tụng, nó cũng khuyến khích các công ty mạng xã hội này nên có trách nhiệm sàng lọc thông tin dựa theo phán đoán của họ. Các công ty mạng xã hôi sàng lọc bằng cách cảnh báo, hủy bỏ thông tin hay thậm chí khóa trương mục người tiêu thụ. Họ sàng lọc ít quá hay nhiều quá? Ngày nay nếu xét về thông tin nguy tạo đầy dẫy trên mạng xã hội, nhiều người có cảm tưởng họ sàng lọc ít quá. Có lẽ cần có những luật lệ, những cơ cấu độc lập hơn là giao cho chính những công ty mạng xã hội lo việc này.

Những Lý Do Ủng Hộ Hay Bỏ Phiếu cho Trump Trong Bầu Cử 2020

Một người ủng hộ (hay bỏ phiếu cho) Trump trong bầu cử 2020 có thể vì một (hay nhiều) lý do sau đây:

a) Họ chọn chánh sách nền của đảng Cộng Hòa

Nói chung đây là những người xưa nay có truyền thống ủng hộ đảng Cộng Hòa. Chánh sách nền của đảng Cộng Hòa thường là (có thay đổi theo thời gian)

– Chủ trương chính phủ nhỏ, ít can thiệp vào đời sống của người dân. Ít có những chương trình an sinh xã hội. Quyền tự do cá nhân được đề cao hơn những luật lệ xã hội. Dễ dãi trong việc kiểm soát súng đạn.

– Về kinh tế trong và ngoài nước, chủ trương ít rào cản, luật lệ, tư bản tự do lưu thông.

– Chủ trương giảm chi tiêu chính phủ, cố gắng cân bằng ngân sách quốc gia. Muốn tránh hay làm giảm nợ nần quốc gia.

– Khe khắt với những thay đổi xã hội như đồng tính, sắc tộc, cải thiện khoảng cách giàu nghèo. Muốn có những luật lệ nghiêm hơn về phá thai.

Nói chung đảng Cộng Hòa thường ủng hộ việc giữ nguyên trạng (status quo). Chánh sách nền của đảng Dân Chủ thì ngược lại. Trump là ứng cử viên Cộng Hòa nên nhiều người chọn Trump để nước Mỹ thi hành đường lối mà họ ủng hộ.

Tuy quan niệm chính trị của tôi gần với đảng Dân Chủ hơn, tôi tôn trọng những người bỏ phiếu cho Trump khi đây là lý do duy nhất của họ. Tôi thành thật nghĩ rằng nước Mỹ cần có sự cân bằng trong chánh sách, nghiêng về tả quá thì cần sức kéo từ hữu và ngược lại.

b) Họ là những người bị thụt lùi trong bối cảnh mới của nước Mỹ

Trong những người ủng hộ Trump, đây có lẽ là nhóm đông nhất. Họ mong có một chính phủ nào khôi phục lại được vị thế hàng đầu không có cạnh tranh của nước Mỹ trên thế giới. Họ có thể là người làm việc trong những công nghiệp bị thụt lùi lại vì bị cạnh tranh trong thời toàn cầu hóa với hâm nóng toàn cầu, thí dụ như các công nghiệp khai mỏ, sán xuất nguyên vật liệu, kỹ nghệ xe hơi. Họ cũng có thể là một người cảm thấy vị thế sắc tộc da trắng của mình không đóng vai quyết định nữa trên nước Mỹ. Họ thường có học vấn thấp hơn trung bình nên trở ngại trong việc thích ứng với toàn cầu hóa, trong sự canh tranh của nước Mỹ với thế giới. Trump đến với họ năm 2016, hứa hẹn nước Mỹ trở về chính sách cô lập (trong nhiều hứa hẹn khác) và họ nhìn qua đó như tìm lại hình ảnh nổi bật của nước Mỹ trên bàn cờ thế giới. Tiếc thay thế giới đã đi quá xa, không còn như năm sáu mươi năm trước nữa. Mọi sự rút lui trên bàn cờ thế giới sẽ tạo cơ hội cho những tay chơi kinh nghiệm hơn Trump nhiều. Tại hội nghị APEC, Peru, tháng 11/2016 sau khi Trump với chủ trương rút khỏi TPP đắc cử trước đó gần hai tuần, thủ tướng John Key của New Zealand nói trắng ra “TPP là về việc nước Mỹ chứng tỏ sự lãnh đạo khu vực Á Châu. Chúng tôi mong muốn nước Mỹ ở trong vùng. Nhưng cuối cùng nếu nước Mỹ không có ở đó, khoảng trống phải được điền khuyết. Và Trung Quốc sẽ điền khuyết khoảng trống này.”

Làm sao thuyết phục những người ủng hộ Trump vì lý do này? Hay nhìn một cách khác, có cách nào giúp đỡ họ không? Không dễ. Một chánh sách thực hiện được điều này cần một sự đoàn kết và nỗ lực mọi giới, giàu cũng như nghèo. Ngay cả ý tưởng về một lợi tức căn bản (basic income) mà nhiều quốc gia đang thử nghiệm cũng là điều nên cứu xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên trong bài này, tôi không nói về các biện pháp giải quyết, chỉ trình bày vấn đề là có một phần đáng kể người Mỹ nghĩ về thời vàng son nước Mỹ trong quá khứ như vậy, bất mãn với hiện tại và ủng hộ cho mọi hứa hẹn thay đổi của chính trị gia như Trump.

c) Họ thích các chánh sách kinh tế giảm thuế, bỏ luật lệ cùa Trump

Bất cứ một chánh sách kinh tế mới nào của nước Mỹ đều có những người có lợi nhiều hơn hay thiệt hại hơn về mặt kinh tế. Nếu một ngành kinh tế thí dụ dầu mỏ hay khai thác kim loại được chú trọng, những người làm trong những ngành này được hưởng lợi. Nếu dịch vụ thông tin giảm (dịch vụ thông tin chỉ tăng 4.3% từ 01/2017 đến 06/2018 18 tháng thời Trump so với tăng 12.5% của 18 tháng trước đó thời Obama thì những người làm việc ngành đó thời Obama hưởng lợi nhiều hơn thời Trump. Một thí dụ khác là nêu giảm thuế 1% cho mọi mức thuế thì người giàu có lợi hơn người nghèo vì 1% lợi tức của người giàu khác với 1% lợi tức của người nghèo.

Mọi đường lối điều hành quốc gia của cựu TT Trump đều là ngắn hạn. Mặc dù kinh tế Mỹ đầu năm 2017 vẫn đang chạy đều (thất nghiệp 4.7%), ông đã dùng những biện pháp ngắn hạn (giảm thuế lợi tức cá nhân và đại công ty, bãi bỏ nhiều luật lệ về tài chánh và môi trường, thúc ép giảm lãi xuất ngân hàng) có tác dụng thu hút cử tri và tác động ngắn hạn lên kinh tế nhưng sẽ có tác dụng xấu trên đường dài. Một số thành phần dân chúng được hưởng lợi nhưng đa số sẽ bị thiệt hại, nhất là thế hệ tương lai.

d) Họ thích chính sách di dân của Trump

Nói chung họ cho rằng nước Mỹ đã dễ dãi với di dân bất hợp pháp trong quá khứ, cho rằng di dân bất hợp pháp chỉ ăn bám, lợi dụng nước Mỹ. Họ bằng lòng với chỉ tiêu nhận tị nạn rất thấp của nước Mỹ thời Trump vì nước Mỹ không có trách nhiệm với thế giới, thế giới phải tự lo. Có lẽ tiềm ẩn sâu xa của lý do này là sự ích kỷ không muốn chia sẻ. Điều khôi hài là nhiều người ủng độ Trump ca tụng Trump vực lại “nền kinh tế bị Obama tàn phá”, nghĩa là họ cho rằng dân Mỹ ngày nay giàu hơn, nhưng họ lại cổ võ cho chánh sách khép cửa với việc giúp phần còn lại của thế giới còn nghèo khó hay đang gặp tai ương. Những lạm dụng sự giúp đỡ di dân hợp pháp của các cấp chính quyền Mỹ cũng như vấn đề tội ác của di dân bất hợp pháp bị phóng đại để họ an tâm với những chính sách về di dân của hành pháp Trump. Không, những chính sách khắc nghiệt như tách rời trẻ em khỏi cha mẹ của di dân bất hợp pháp là quá sức tàn bạo, theo cặp mắt của nhiều thuyền nhân từng là di dân bất hợp pháp đến các nước Đông Nam Á vài chục năm trước.

Chính sách với di dân cần cân nhắc kỹ, tìm được đồng thuận càng nhiều càng tốt. Thiết nghĩ, di dân và người tị nạn, khi được nhận vào Mỹ với mức độ có kiểm soát, sẽ thay máu mới cho quốc gia.

e) Họ thích hình ảnh giàu sang, vợ đẹp, con cái thành đạt của Trump

Họ nghĩ rằng Trump là tỉ phú, giỏi kinh doanh, giỏi làm giàu sẽ mang tài này làm giàu cho họ và nước Mỹ. Dù chuyện vợ con không dính líu gì nhiều đến việc điều hành quốc gia, họ hay lấy hình ảnh của vợ chồng, con cái ông như mẫu mực thành đạt, dù sự “thành đạt” của con cái Trump được nhiều người có cách đánh giá khác họ.

Tuy nhiên tôi không nghĩ đây là lý do chính cho những người ủng hộ Trump. Nó chỉ là hệ quả khi họ chọn Trump vì một trong những lý do khác. Vấn đề là khi họ nhìn lãnh đạo quôc gia qua hình ảnh giàu sang, vợ đẹp, con cái “thành đạt” nghĩa là những hình ảnh cá nhân chứ không phải những chính sách quốc gia thì họ dễ thành “cuồng”. Ở đây, chữ “cuồng” là không sử dụng lý trí, như những người cuồng tín trong các tà phái. Hình (vẽ) Trump ôm lá cờ Mỹ, thậm chí hình Trump cùng chúa Jesus, cũng được những người này chuyền nhau như một thần tượng mới.

f) Họ cho rằng Trump là người chống Trung Quốc và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nhất trong các Tổng Thống Mỹ.

Một số người lớn tuổi, trải qua chiến tranh Việt Nam, nghĩ rằng đảng Dân Chủ mềm yếu với Cộng Sản, còn đảng Cộng Hòa cứng rắn vơi Cộng Sản. Nay thì nhiều thông tin về chiến tranh Việt Nam đã được công khai. Một số người cực đoan hơn, đồng hóa đảng Dân Chủ với đảng Cộng Sản. Khi Trump bắt đầu đánh thuế nhập khẩu lên các mặt hàng Trung Quốc cách đây hơn 2 năm, họ cho rằng thời điểm tổng thống Mỹ đương đầu với Trung Quốc đã tới và họ trở thành người ủng hộ nhiệt liệt.

Với tôi, Trump là người được chuẩn bị ít nhất cho chức vụ tổng thống Mỹ. Ông ta không có kiến thức và kinh nghiệm để lãnh đạo quốc gia, không có thói quen học hỏi, thích làm theo ý mình và chọn giải pháp ngắn hạn trong tất cả mọi vấn đề quốc gia quan trọng. Do đó chức vụ các cố vấn của ông, các bộ trưởng quan trọng trong nội các đều không ổn định, thay đổi nhiều nhất trong các đời tổng thống Mỹ.

Đối phó với Trung Quốc để giữ vị trí hàng đầu của nước Mỹ không dễ dàng. Chỉ xem chuyện chiến tranh tại một nước nhỏ là Afghanistan, với sự đồng tình của tất cả các đồng minh mà gần hai mươi năm sau tình hình cũng chưa khả quan, huống chi Trung Quốc là một nước lớn đang thách đố vị trí hàng đầu của Mỹ. Sức mạnh và những điểm yếu của Trung Quốc mỗi thời gian mỗi khác, không phải là bất biến để áp dụng cùng một chiến thuật đối phó trong mọi thời gian.

Theo tôi, Mỹ cần một chiến lược dài hạn nhất quán, bên trong thì đoàn kết quốc gia, bên ngoài thì bắt tay chặt chẽ với đồng minh. Nhưng Trump không làm thế. Bên trong thì Trump dán nhãn cho đối lập, truyền thông khác ý là “kẻ thù của nhân dân”, bên ngoài thì gây chiến tranh thương mại với các đồng minh truyền thống, mong tìm được nhượng bộ kinh tế của họ để có thể khoe với dân Mỹ là thực hiên được “America First”. Thế thì ta có thể dự đoán được kết quả của thương chiến Mỹ Trung đi đến kết cục nào, khi cán cân thương mại chênh lêch còn nặng hơn trước và Trung quốc đã mở rộng ảnh hưởng hơn từ khi có thương chiến đến nay.

Kết Luận

Trong một xứ sở dân chủ, ủng hộ người này người kia, đảng này đảng nọ là chuyện hết sức bình thường. Chuyện không bình thường mà tôi muốn nói ở đây là vấn đề thông tin ngụy tạo tràn lan trong bốn năm qua, nhất là từ ngày bầu cử Nov 03, 2020 và thái độ cực đoan đi kèm như một hệ lụy.

Vì một trong những lý do bên trên, nhất là lý do b) (thụt lùi trong toàn cầu hóa) và f) (nghi Trump chống Trung Quốc), nhiều người đã không tin vào những định chế hiện hành của nước Mỹ, trong đó có truyền thông. Họ chạy sang những nguồn tin cực đoan, lá cải như Breitbart News, OANN, NewsMax (với cử tri gốc Việt hoặc người Việt là The Epoch Times/Đại Kỷ Nguyên, NTD TV…) thậm chí họ có thể tự làm những tin ngụy tạo. Họ tin theo Trump và những người trong Team Trump như Rudy Giuliani, Lin Wood hay Sidney Powell hơn.

Một thí dụ là chuyện gian lận trong bầu cử tổng thống năm 2020. Những ai biết về hệ thống bầu cử của nước Mỹ, lập danh sách cử tri, phòng phiếu, máy bỏ phiếu, đếm phiêu, kiểm tra phiếu tất cả đều có hàng trăm con mắt quan sát. Cho tới nay chưa bao giờ có gian lận bầu cử quy mô có hệ thống, làm ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tồng thống nào. Một tổ chức cánh hữu, The Heritage Foundation, đã cho biết từ 1979 đến 2019, trong hàng vạn cuộc bầu cử ở mọi cấp ở nước Mỹ, chỉ có một số lượng rất nhỏ những gian lận, hầu hết ở cấp thành phố và quận hạt. Chỉ nghe theo lời một ông cựu chủ sòng bài và Team Trump, họ nhất định tin là có gian lận bầu cử, có âm mưu gian lận dùng máy bỏ phiếu Dominion. Ở xứ tự do văn minh như Mỹ, khi có bằng cớ gian lận bầu cử, người ta mang ra tòa. Chỉ xem kết quả hơn 60 vụ kiện của Team Trump, ta có thể khẳng định lại một điều là không có gian lận bầu cử quy mô có hệ thống có thể thay đổi kết quả, chuyển từ Trump thắng thành Biden thắng.

Sau đó, bao nhiêu tin vô căn cứ, theo thuyết âm mưu QANon về những chuyện thế lực ngầm, họ chuyến tay những tin tức về phó tổng thống Mike Pence, Tối Cao Pháp Viện, quân đội sẽ lật ngược thế cờ cho Trump. Họ thật sự tin và mong muốn chuyện đảo chánh như các nước đang phát triển, chỉ vì niềm tin vô căn cứ là Trump bị ăn cắp cuộc bầu cử? Khi những chuyện này không xẩy ra, họ cho là Trung Quốc mua chuộc hết.

Nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 đã bắt đầu. Có rất nhiều việc phải làm phải làm. Những người từng ủng hộ Trump trong kỳ bầu cử vừa qua đừng để bị lạc trong mê cung tin giả nữa. Và với những cử tri gốc Việt hay những người ở Việt Nam, khi ưu tư về những bước đi sắp tới của Trung Quốc, càng nên tỉnh táo, tìm hiểu sự thật để có phản ứng thích hợp. Đừng tự ru ngủ mình, chửi kẻ thù mà không tự nâng sức mạnh của mình. Và đừng chụp mũ lẫn nhau là bị Trung Quốc mua chuộc. Trung Quốc chưa mạnh đến độ có đủ tiền mua một nửa nước Mỹ như vậy.

Mặc Lý

(22/01/2021)

Da Màu

Tham khảo

[1] Toàn Cầu Hóa và COVID-19, Mặc Lý, Diễn Đàn Thế Kỷ, tháng 4, 2020

https://www.diendantheky.net/2020/04/mac-ly-toan-cau-hoa-va-covid-19.html

[2] Social Security Trust Fund will Run Out of Money by 2035, Barron’s. April 22, 2019

https://www.barrons.com/articles/social-security-deficit-reserves-check-benefits-payroll-tax-51555958282

[3] Chinese economy to overtake US ‘by 2028’ due to Covid, BBC, Dec 26, 2020

https://www.bbc.com/news/world-asia-china-55454146

[4] Good” Refugees, “Bad” Refugees: A Conversation in Paris with Viet Thanh Nguyen, LA Review of Books, Sep 24, 2018

https://lareviewofbooks.org/article/good-refugees-bad-refugees-a-conversation-in-paris-with-viet-thanh-nguyen/

[5] Former New Zealand PM John Key on Trump, China and the TPP, South East Asian Globe, South East Asia Globe, Apr 2017

https://southeastasiaglobe.com/john-key/

[6] The Trump jobs era really is different, Quart, Aug 02, 2018

https://qz.com/1347200/the-jobs-created-under-trump-are-different-than-under-obama/?fbclid=IwAR3WfGS0O7Uau39rep_es_x_QhvJyI-Ont3ajxnwk1l0G4sEEruql2L7j6Y

[7] The truth about Undocumente Immirants and Taxes, The Atlantic, Sep 12, 2016

https://www.theatlantic.com/business/archive/2016/09/undocumented-immigrants-and-taxes/499604/

[8] Undocumented Immigration and Rates of Crime and Imprisonment: Popular Myths and Empirical Realities, Ruben G. Rumbaut, Police Foundation, Appendix D, May 21, 2009

https://www.policefoundation.org/wp-content/uploads/2015/06/Appendix-D_0.pdf

[9] The Heritage Foundation
https://www.heritage.org/voterfraud

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen