Seite auswählen

Tuệ Vân 

Đầu năm gặp một người bạn thân mà đã lâu không gặp, có lẽ cũng khoảng chừng gần một năm. Qua các buổi trò chuyện, nghe bạn chia xẻ nhiều điều, về cuộc đời, về suy nghĩ cũng như cách sống mà thấy lâng lâng trong ý tưởng. Hôm đưa bạn ra phi trường, trên đường về nhà mở radio trên xe ra nghe. Đài PBS nói về đủ mọi loại tin tức nhưng chủ yếu xoay quanh tin mà mọi người đang chú ý. Đó là việc chính phủ Biden thông báo ý định tăng mức lương tối thiểu của người lao động lên 15 đô la một giờ. Việc này sẽ có hiệu lực trước mắt tại các cơ quan chính phủ liên bang. Riêng tại các tiểu bang thì việc tăng mức lương tối thiểu này theo tỉ lệ hàng năm như thế nào, thì sẽ tùy thuộc vào sự ấn định của từng nơi, dựa theo tình hình thực tế của địa phương. Nhưng đến năm 2025 thì có lẽ toàn nước Mỹ sẽ áp dụng quy định tăng mức lương tổi thiểu này để giúp người lao động không gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống, ngoài ra cũng để tạo điều kiện giúp xóa bỏ đi phần nào đi tỉ lệ người nghèo đói trong xã hội. Trong đề tài này đài PBS phỏng vấn cả hai bên chịu ảnh hưởng của việc tăng lương nói trên: những người lao động đang vất vả mưu sinh mà đồng lương không đủ lo cho gia đình, cũng như những người chủ các thương nghiệp nhỏ đang bị áp lực trong tính toán làm sao buôn bán có lời. Kết luận rút ra là người chịu ảnh hưởng chính của việc tăng mức lương tối thiểu này thật ra không hẳn là những người chủ, mà là người tiêu thụ vì chi phí tăng lương được cộng vào giá thành của sản phẩm.

 

Nhớ những ngày đầu mới qua Mỹ đi làm lương chỉ có hơn hai đô la một giờ. Khi mức lương tối thiểu tăng lên hơn ba đô la là mừng lắm. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy vì giá cả sinh hoạt đời sống lại bị gia tăng theo việc tăng của mức lương tối thiểu. Kết cục người lao động để tồn tại thì phải dè sẻn, phải ở chật, phải đi xe cũ, phải mặt đồ on sale/ giá rẻ, vân vân. Nhưng chính những sự vất vả, áp lực đó đã giúp cho những người lao động có ý chí cương quyết vượt qua mọi khó khăn. Họ, ngày đi làm đổ mồ hôi, đêm cố gắng vượt qua sự mệt mỏi của thể xác để đi đến trường học trong mong ước ra trường sẽ có một công việc tốt hơn, sẽ kiếm được nhiều tiền và xây dựng được cuộc sống có thể giúp cho bản thân và gia đình mai sau.

Niềm tin đem ý chí,” đó là một khẩu hiệu trong những khẩu hiệu mà một trong những người từng “nghèo thật nghèo” đã hay nhắc nhở bản thân mỗi khi tuyệt vọng muốn bỏ cuộc. Và nhắn nhủ này thật sự có giúp cho người đó, để thấy rằng điều gì cũng có cái giá của nó. Không nghị lực, không cương quyết, không chịu đựng vất vả thì sẽ không có được sự thành công của một ngày tương lai.

 

Những người thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam vào thập niên 80s trước đây hay di dân hiện tại trên nước Mỹ, khởi đầu ai cũng đi lên từ sự khó khăn. Những công việc đầu tiên của họ thường là với mức lương tối thiểu hay dưới mức tối thiểu, tuy nhiên hầu như ai cũng đều chấp nhận mức lương này một cách tự nhiên, xem đó là một phương tiện để tồn tại, để có cơ hội đi vào đời sống của Mỹ, để tìm hiểu, để học hỏi, để có kinh nghiệm, và để xác định xem bản thân mình muốn gì? Khi đã có đủ sự hiểu biết để xoay trở, những người có ý chí sẽ thấy rằng cuộc sống vất vả hiện tại của họ chỉ là nấc thang đưa bước họ đi lên.

Do đó vấn đề quan trọng không phải là ở sự tăng mức lương cơ bản lao động mà là ở những điều kiện phúc lợi mà chính quyền cung cấp trong xã hội cho những ai hợp điều kiện để đón nhận. Thí dụ như cho thẻ medicare khám sức khỏe miễn phí, học college miễn phí, hay những sinh viên nghèo trình độ học khá/giỏi sẽ nhận được học bổng để chi tiêu cho sách vở trong mỗi khóa học, vân vân.

Ý chí cầu tiến và sự cố gắng chấp nhận vất vả để vươn lên của những người di dân lập nghiệp ở một đất nước tự do bắt đầu từ bậc thang thấp nhất là điều có thể hiểu được. Và ngược lại chính những nỗ lực chật vật để vượt qua các cơ hội, dù nhỏ này mở ra cho họ, cũng là những đóng góp trở lại cho xã hội mà họ đang tìm cách hòa nhập. Những đóng góp này không chỉ là lao động chẩy mồ hôi mà cũng là những lao động trí óc đủ mọi mặt từ văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đến nghệ thuật… khiến cho đất nước Hợp Chủng Quốc ngày càng đa diện, phong phú và hùng mạnh.

Nhìn vào thành phần những người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam vào thập niên 80s và qua bản thân gia đình con cái họ hiện nay, có thể thấy được đây là một điển hình. Những người tỵ nạn này từ những ngày đầu được chính quyền Hoa Kỳ chấp nhận cho vào Mỹ, đa số họ đã làm những công việc lao động nặng nhọc. Những phúc lợi xã hội mà họ nhận được không phải là những bố thí phí phạm mà là những nhân tố tạo điều kiện và giúp phát huy tối hảo khả năng đóng góp của họ và con cái gia đình họ vào xã hội mà đã cưu mang họ. Ngày nay, đã có không ít những người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam ngày xưa đó, bản thân, gia đình và con cái của họ đã và đang đóng góp vào nhiều mặt của xã hội Hoa Kỳ. Chúng ta cần thấy rõ như vậy để loại bỏ được tư tưởng đầy mặc cảm “người Mỹ trắng da vàng” trong một số người Việt đối với những di dân đến sau chúng ta.

 

Tóm lại, giấc mơ Mỹ Quốc của người Việt tỵ nạn cộng sản đã đem đến cho chúng ta sự thành công trong cuộc sống. Nhưng để niềm hạnh phúc này được trọn vẹn chúng ta hãy đưa bàn tay cùng san sẻ “giấc mơ Mỹ Quốc” của những ngày xa xưa đến những ai đang cần đến nó. Nghị lực, sự tự tin, quyết tâm, hiểu biết và nhân ái, chính là chìa khóa đưa đến hạnh phúc và sự an lạc trong cuộc sống của một con người.

 

Tuệ Vân
Ngày 17 tháng 2 năm 2021.

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen