Seite auswählen

Hiếu Gray/Người Việt (thực hiện)

Đoan Trang/Người Việt (chuyển ngữ)

Đầu bếp Tu David Phu. (Hình: Facebook Tu David Phu)

LOS ANGELES, California (NV) – Đầu bếp Tu David Phu trong gian bếp của mình, mang vóc dáng của một võ sĩ đạo hơn là một nghệ nhân chuyên về ẩm thực. Hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhưng nói lên con người của anh, một đầu bếp người Mỹ gốc Việt.

Sự khác biệt này được thể hiện trong các món ăn của đầu bếp Tu David Phu, do ảnh hưởng từ thời niên thiếu lớn lên trong cộng đồng người Việt ở Oakland, California, và qua thời gian được đào tạo chính thức tại các nhà hàng hạng sang như Acquerello, Chez Panisse.

Đầu bếp Tu David Phu vừa hoàn thành “Season 15” của chương trình truyền hình thực tế “Top Chef” đang rất ăn khách trên đài truyền hình Bravo. Anh cũng hoàn thành một bộ phim tài liệu ngắn “Bloodline,” nói về việc thân phụ mẫu anh đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thời kỳ trưởng thành cho đến khi anh trở thành môt đầu bếp nổi tiếng.

Đầu bếp là công việc gắn bó suốt cuộc đời anh để mang hương vị Việt đi khắp thế giới.

Tu David Phu là đầu bếp từng đoạt nhiều giải thưởng về ẩm thực, chia sẻ công việc và các dự án sắp tới của anh, trong cuộc phỏng vấn do phóng viên Hiếu Gray của nhật báo Người Việt thực hiện sau đây.

Hiếu Gray: Vì sao anh muốn làm đầu bếp?

Đầu bếp Tu David Phu: Tôi là người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên ở Oakland. Cha mẹ tôi là người tị nạn. Chúng tôi bắt đầu gần như không có gì cả. Trong không gian ẩm thực, nếu câu chuyện mà các đồng nghiệp của tôi kể với đầy ắp những thực phẩm dinh dưỡng, những món ăn thịnh soạn, thì với tôi, hoàn toàn ngược lại.

Ký ức về món ăn thời thơ ấu của tôi là… canh xương gà. Lúc còn nhỏ, xương gà là thứ mà ở các quầy thịt trong chợ người ta đem cho chứ không bán. Không ai lấy thì người ta cũng vứt đi thôi. Vậy mà, nếu hôm nào may mắn, tôi được mẹ nấu cho món canh xương gà. Xui xẻo thì bữa ăn của chúng tôi chỉ có cơm trắng, hoặc mì gói mà thôi.

Hồi nhỏ, tôi làm gì có được những loại thực phẩm đậm chất dinh dưỡng, đa dạng để có thể chọn lựa như bây giờ. Điều ấy khiến tôi bị ám ảnh, mất hết cảm xúc về thực phẩm. Thức ăn phải bắt nguồn từ mọi thứ, mà yếu tố tình cảm đóng vai trò quan trọng, giúp mình ăn ngon miệng, nhưng với môi trường sống của tôi lúc ấy, điều đó trái ngược. Như một lẽ tự nhiên, tôi… lăn vào bếp như một cách… di tản.

Hiếu Gray: Kinh nghiệm khi là “Top Chef” của Bravo, như thế nào?

Đầu bếp Tu David Phu: Được trong danh sách “Top Chef” thật là tuyệt vời. Đó là một kinh nghiệm quý giá mà qua đó tôi nhận biết thêm về những hạn chế và ranh giới của mình. Với kinh nghiệm ấy, tôi sẽ có thể làm lại trong tích tắc. Ngoài kinh nghiệm, tôi còn có được cơ hội đóng góp câu chuyện về nguồn gốc và gia đình mình trên một sân chơi mang tầm cỡ quốc tế như “Top Chef.” Tôi rất trân trọng điều đó.

Hiếu Gray: Anh có thể bật mí một chút về những dự án sắp tới không?

Đầu bếp Tu David Phu: Tôi đang thực hiện nội dung kỹ thuật số với một số thương hiệu trên các mạng truyền thông xã hội (như IG, TikTok, YouTube).  Tôi cũng vừa bắt đầu kênh YouTube “Nấu ăn với Chef Tu.” Hiện thời tôi đang quay một loạt “clip” để bắt đầu đăng lên vào mùa Xuân. Trang web thương mại điện tử của tôi www.tumamispices.com thành công đáng kinh ngạc suốt thời gian qua.

Hiện giờ tôi đang tiếp tục tìm cơ hội để thực hiện, hoặc dẫn chương trình truyền hình theo chủ đề, tường thuật những câu chuyện về ẩm thực mà tôi chưa từng kể cho ai.

Hiếu Gray: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công việc của anh như thế nào?

Đầu bếp Tu David Phu: Giống như các đồng nghiệp của tôi trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, năm 2020 đối với tôi cực kỳ khó khăn. Nhưng vì trong năm 2019, tôi có nhiều buổi diễn thuyết và nấu ăn riêng cho khách hàng, nên cũng dành dụm được một khoản tiền tiết kiệm cho năm 2020.

Hồi Tháng Giêng, 2020, chúng tôi được tài trợ đầy đủ để quay hai chương trình truyền hình “First Kitchen” và “Try This.” Đến Tháng Hai tôi đính hôn. Tháng Ba thì đại dịch COVID-19 tấn công Hoa Kỳ. Mọi hoạt động bị ngừng trệ. Chúng tôi mất hết tiền tài trợ cho các chương trình truyền hình. Tất cả các hợp đồng biểu diễn sự kiện và các chương trình có tôi xuất hiện, đều bị hủy bỏ. Suốt năm 2020, chồng sắp cưới của tôi và tôi tiêu sạch bách tiền tiết kiệm, lấy luôn tiền làm đám cưới cho tiêu dùng, để có thể…sống sót.

Cũng nhờ trong thời gian đại dịch, tôi có thời gian để học các kỹ năng mới như chụp ảnh thức ăn và thương mại điện tử. Kết quả là sự ra đời của www.tumamispices.com, và các mối quan hệ đối tác với những thương hiệu trên các kênh ẩm thực mà tôi giữ vai trò cố vấn như Mark Levinson, Right Rice, Trex [Wagyu]…

Hiếu Gray: Là một đầu bếp gốc Việt, anh có thể chia sẻ chút kinh nghiệm, đặc biệt với tư cách là một nhân tố của cộng đồng người Việt di cư?

Đầu bếp Tu David Phu: Đối với tôi, cộng đồng người di cư phức tạp hơn nhiều so với cộng đồng người Do Thái, và cũng khá mới ở Hoa Kỳ. Trong các cuộc đối thoại, tôi nói không nên dùng những từ như “chính xác.” Các từ ngữ như “chính xác” gây mâu thuẫn, vì nó tạo ra những câu chuyện xoay quanh về nguồn gốc. Lịch sử thế giới phức tạp hơn nhiều. Và tất cả những thứ tồn tại trong thế giới phức tạp của chúng ta đều luôn xuất phát từ nhiều nguồn gốc. Ví dụ, một người tuyên bố rằng “Phở” “chính xác” là chỉ có phở bò. Thế còn phở gà thì sao?

Nếu xem xét các tỉnh, thành phố, và vùng miền khác nhau ở Việt Nam, tôi thấy công thức nấu phở cho thấy sự tiếp cận ở mỗi nơi. Do đó, theo quan điểm của tôi, các thuật ngữ như “chính xác” là mâu thuẫn, vì nó tạo ra một câu chuyện kỳ lạ về nguồn gốc. Con người, văn hóa và truyền thống của người di cư thay đổi theo thời gian, theo vị trí địa lý. Với thế giới ẩm thực, mình không thể mô tả lịch sử của nó, nếu không có những câu chuyện về người di cư.

Đầu bếp Tu David Phu sẽ dạy một lớp học nấu ăn trực tuyến như một phần hoạt động của Hiệp Hội Nhà Báo Người Mỹ Gốc Á – Los Angeles, Chapter’s Kitchen Conversation Series, vào lúc 6 giờ chiều (giờ California) ngày Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, qua Zoom.

Để biết thêm thông tin, xin vào trang web https://aajalakitchenconversation.eventbrite.com. [đ.d.]

Người Việt