Mục lục
Danh ca Lệ Thu tiết lộ nhiều điều bất ngờ trong show diễn cuối trước khi qua đời vì COVID-19
1.3.2021
TPO – Từng là giọng ca đắt giá ở phòng trà Sài Gòn trước 75, cố danh ca Lệ Thu nhận lương tháng không tưởng. Một ông chủ vũ trường muốn mời Lệ Thu về hát cho mình, khi bà đang độc quyền ở một nơi khác, đã đưa ra mức lương: 1 triệu đồng/tháng khiến nữ danh ca choáng váng. Lương cao đến mức đủ để bà tậu villa.
Music Box số 26, chính là lần trình diễn cuối cùng của danh ca Lệ Thu, trước khi ra đi vì COVID. Bà xuất hiện trong chương trình của Thúy Nga với thần thái tươi vui, khỏe khoắn, giọng hát đầy nội lực. Tại đây, bà đã hát live một số ca khúc làm nên “thương hiệu” như Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Chiều tím (thơ: Đinh Hùng, Nhạc: Đan Thọ)…
Ở tuổi 78, Lệ Thu chia sẻ: Bà không phải hạ tông khi hát, xưa hát tông nào nay vẫn thế, vẫn lên cao không gặp khó khăn. Với bà, tuổi tác chỉ là con số. Bà không cho rằng, có tuổi thì hát dở đi mà khẳng định, thời gian làm cảm xúc khi truyền tải bài hát trở nên đậm đà hơn. Bà thích chọn những bài hát khó và chỉ hát những bài nào hợp với mình (không có nghĩa những bài không hợp với bà là dở).
Những tháng ngày COVID hoành hành khắp thế giới, Lệ Thu chủ yếu đàn, hát ở nhà. Bà vốn không nấu ăn tại nhà nhưng trong thời gian dịch bệnh, Lệ Thu cũng phải vào bếp, món tủ của bà là cá kho riềng. Chính việc nấu nướng đã khiến bà gặp phải tình trạng tăng cân chút ít, như cách bà nói vui “nở những chỗ không cần thiết”.
Trong Music Box số 26, Lệ Thu xuất hiện cùng hai ca sỹ khách mời khác, họ cùng nhau ôn lại thời sôi nổi của phòng trà Sài Gòn trước đây. Giọng ca Lệ Thu thường gắn với những tình khúc buồn. Ít ai biết rằng, trước đây Lệ Thu chỉ toàn hát nhạc ngoại quốc. Bà được đồng nghiệp cùng thời đánh giá: Hát nhạc Tây rất hay. Một trong những ca khúc Lệ Thu hay hát và hát hay ngày ấy chính là “Domino”.
Lệ Thu là giọng ca được săn đón của Sài Gòn trước 75. Bà từng ký với vũ trường Tự Do, với mức lương tháng 1 triệu đồng, tại thời điểm ấy, 1 lạng vàng chỉ có giá 12 ngàn đồng: “Lúc đó Queen Bee có 7 tầng lầu, tôi ngạc nhiên sao mình đi bộ lên 7 tầng lầu vẫn hát hay được. Bây giờ thì chịu chết. Khán giả đông lắm, người ta đứng không còn chỗ. Một lần hát xong, tôi đi về thấy ông Cường, chủ vũ trường Tự Do đựng canh ở dưới, ông ấy xin số nhà, số điện thoại của tôi. Sau đó, ông ấy đến nhà mời tôi về Tự Do hát. Tôi bảo: Tôi đang hát bên này. Lương tôi lớn lắm. Ông Cường đáp: Không sao. Đợi hết giao kèo thì sang Tự Do hát. Tôi trả cô 1 triệu đồng. Tôi nghe mà choáng hồn. Lương công chức cao cấp hồi ấy có 32 ngàn/tháng. Một con gà có 5 đồng hay 50 đồng gì đó, tôi không nhớ chính xác. Mỗi lần lĩnh lương tôi phải kéo bao bố về”, danh ca kể. Bà sử dụng lương vào việc tậu villa: “Ngay lập tức tôi mua cái villa giá 11 triệu, ở số 60 Đặng Dung”.
Cũng trong dòng hồi tưởng về phòng trà xưa, Lệ Thu nhớ vụ nổ vũ trường năm 1971, bà may mắn thoát chết: “Số của tôi vẫn còn nặng nợ với trần gian. Lẽ ra, giờ trình diễn là 9 giờ đúng. Hôm đó, sửa soạn make up xong rồi, ông xã không hiểu vì chuyện gì lại gây lộn, đã gây lộn thì mình phải gây qua gây lại, trễ giờ. Chưa bao giờ ông ấy gây lộn. Đúng lúc định đi thì một người bạn của mẹ tôi tới bù lu bù loa từ ngoài cửa: Chị ơi, con Thu nó chết rồi. Trong khi tôi đang ở trong phòng. Thì ra bác ấy ở ngay bar Hồ Điệp, bên cạnh vũ trường Tự Do. Bác tưởng giờ đó tôi đang hát. Nhờ “ông nội” gây lộn nên thoát chết”.
Lệ Thu nhận mình là người có mắt nhìn ra người nổi tiếng. Chính bà là người mời Tuấn Ngọc tham gia cuốn băng “Tứ Quý” do bà thực hiện khoảng năm 1971, khi đó Tuấn Ngọc chưa phải tên tuổi đình đám: “Lúc đó Tuấn Ngọc hát “Love story” hãy còn ngọng lắm, nhưng tôi chấp nhận, vì tôi biết Tuấn Ngọc sẽ nổi”, giọng ca “Xin còn gọi tên nhau” nói.
Trong lần trình diễn cuối cùng ở Music Box số 26, Lệ Thu cũng tiết lộ lý do vì sao sau đó không còn chung đường với Trịnh Công Sơn, cho dù bà là người hát nhạc Trịnh trước Khánh Ly: Do độc quyền với vũ trường, phòng trà. Khi Lệ Thu nói với Trịnh Công Sơn: Anh ơi, Thu phải chia tay vụ này (tức vụ hát du ca cùng Trịnh). Trịnh Công Sơn rất buồn. Nhưng sau đó, một “nàng thơ” mới xuất hiện như một định mệnh, thế chỗ Lệ Thu, chính là danh ca Khánh Ly.
Ngày trước, nhiều sinh viên thầm thương trộm nhớ Lệ Thu, muốn nghe Lệ Thu hát, song họ quá nghèo nên không dám mơ tới “ngôi sao”. Trước câu hỏi của đồng nghiệp thế hệ sau: Thời ấy, có nhạc sỹ nào tán Lệ Thu không? Bà cười: “Nhiều lắm. Nhưng không bật mí được. Vì người ta đã có gia đình hết rồi, mình nói thì đổ bể hết”. Nữ danh ca còn hài hước hỏi lại: “Tôi như thế này mà chả lẽ không ai tán?”.
Danh Ca Lệ Thu – Lần Trình Diễn Cuối Cùng | Music Box #26
28.02.2021
Thúy Nga
Music Box #26 | Lệ Thu, Phương Hồng Quế, Trần Thái Hòa | Chiều Tím
1. Trăng Sơn Cước (Văn Phụng, Văn Khôi) Lệ Thu, Phương Hồng Quế, Trần Thái Hòa 3:55
2. Xin Còn Gọi Tên Nhau (Trường Sa) Lệ Thu 17:41
3. Thuyền Viễn Xứ (Phạm Duy, thơ: Huyền Chi) Trần Thái Hòa 27:17
4. Sao Em Vô Tình (Nguyễn Hữu Sáng) Phương Hồng Quế 35:40
5. Chiều Tím (Đan Thọ, thơ: Đinh Hùng) Lệ Thu 54:44
6. Làm Sao Mà Quên Được (Phạm Duy) Trần Thái Hòa 1:03:38
7. Ai Cho Tôi Tình Yêu (Trúc Phương) Phương Hồng Quế 1:12:06
8. Biết Bao Giờ Trở Lại (Ngô Thụy Miên) Trần Thái Hòa 1:31:48
9. Mưa Sàigòn, Mua Hà Nội (Phạm Đình Chương, thơ: Hoàng Anh Tuấn) Lệ Thu, Phương Hồng Quế, Trần Thái Hòa 1:40:18
Executive Producers: PAUL HUỲNH & MARIE TÔ
Director: PAUL HUỲNH
Technical Director: KEN NGUYỄN
Lighting Director: MINH NGUYỄN
Vocal Recording: HỒ DZƯƠNG
Mix: JOHN TOMLINSON
Audio A2: ROLAND CASIQUIN, JR
Production Coordinator: JOHN NGUYỄN
Cameras: DUY TÍN PHẠM
Brothers Band:
HOÀNG BẢO (Keyboard)
ADIN (Drums)
DŨNG ĐÀLẠT (Guitar)
NGỌC TRÁC (Guitar)
HẢI ĐINH (Bass)
HOÀNG CÔNG LUẬN (Violin)
Make-Up: HƯƠNG VŨ
Editor: KEN NGUYỄN – PAUL HUỲNH
Xin cảm tạ PHẠM LÊ CHÍ CƯƠNG – ANDREW THẠCH – NHẠC SĨ THÁI THỊNH – Nghệ Sĩ TRẦN QUỐC BẢO đã cung cấp những hình ảnh & tài liệu quý báu cho chương trình Music Box 26
Lần cuối cùng Khánh Ly gặp danh ca Lệ Thu
Lệ Thu mất, Khánh Ly gọi cho Quang Thành báo tin. Bà liên tục kêu “Thu ơi”, hoảng loạn, phản ứng giống hệt thời chồng mất. Bà bàng hoàng đến mức không biết phải làm gì, xoay xở thế nào.
VietNamNet liên hệ danh ca Khánh Ly vào 23h ngày 16/1 (khoảng 7h ngày 16/1 ở California). Bà cho biết vừa thức trắng đêm qua, hơn 20 tiếng không chợp mắt.
Từ xưa, khi xảy ra những biến cố gia đình, bà đã bị chứng mất ngủ, phải uống thuốc ngủ. Sau này khi cuộc sống cân bằng lại, chứng mất ngủ của bà tạm ổn định hơn. Tuy nhiên sự ra đi của danh ca Lệ Thu khiến Khánh Ly căng thẳng, một lần nữa tìm đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ.
Trong tất cả nghệ sĩ song ca, Khánh Ly luôn luôn tâm đắc nhất Lệ Thu. “Tôi và chị Thu còn một lời hẹn tháng 4 về Việt Nam hát cho Vòng tay nhân ái và 2 đêm ở Nhà hát Lớn TP.HCM. Tháng 11 năm ngoái, tôi mang cá ngon tặng chị Thu, còn nói chị ráng giữ gìn sức khỏe để năm sau đi chương trình…”, bà nói.
Hay tin Lệ Thu nhập viện đầu tháng 12/2020, Khánh Ly sững sờ không tin nổi. Đợt trước, có tin sai danh ca Lệ Thu qua đời, bà mừng thầm nói với ca sĩ Quang Thành: Em ơi, thường ai bị đồn qua đời sẽ càng sống lâu, sống thọ hơn đó. Chị hồi xưa cũng bị đồn qua đời đây này!
6 tuần Lệ Thu nằm viện rồi mất, Khánh Ly hỏi han tình hình của đàn chị hằng ngày. Hôm nào Lệ Thu thở tốt là bà vui, hôm nào đàn chị thở yếu bà lại lo. Tia hy vọng cuối cùng là chiếc máy trợ thở rồi cũng không giúp được Lệ Thu. Khánh Ly không hiểu vì sao chuyện này lại xảy đến với Lệ Thu.
Trước lúc Lệ Thu mất, nghe tin có lịch tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, Khánh Ly gọi cho Quang Thành hỏi: Em chọn nhạc cho chị với chị Lệ Thu ngay đi, tháng 4 đến nơi rồi, nhanh lắm em à! Bởi lẽ, danh ca phải tiêm ngừa thì con gái mới cho đi diễn. Quang Thành bỗng hỏi: Chị Thu nằm một chỗ như vậy thì tiêm làm sao? Khánh Ly còn nói rằng khi Lệ Thu khỏe lại, cơ thể sẽ tự có miễn dịch, không cần tiêm nữa.
Lệ Thu từng nói với một người rằng cô yêu Khánh Ly, đề nghị người đó không phê bình Khánh Ly trước mặt cô. |
Không ngờ chỉ một tiếng sau, Khánh Ly lại gọi cho Quang Thành nói đứt quãng: Thành ơi, chị Thu mất rồi, chị phải làm sao đây?, bà liên tục kêu “Thu ơi”. Phản ứng của bà giống hệt thời chồng mất. Bà bàng hoàng đến mức không biết phải làm gì, xoay xở thế nào.
Ký ức về Lệ Thu trong Khánh Ly chảy qua như cuốn phim. Thời mới vào nghề, Khánh Ly lận đận, mãi 8 năm sau gặp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới nổi tiếng.
Bà kể: “Chị Lệ Thu nổi tiếng từ sớm. Nếu Thái Thanh có Phạm Duy, Khánh Ly có Trịnh Công Sơn, Lê Uyên có Phương thì Lệ Thu bước vào nghề độc lập, không cậy nhờ ai. Tôi đang lang thang ở Đà Lạt thì chị Lệ Thu đã là giọng hát nữ hoàng ở phòng trà Sài Gòn”.
Ngập ngừng một lát, bà nói thêm: “Chị Lệ Thu hát nhạc ông Trịnh trước cả tôi. Chỉ khi hát chung với chị, sự tự tin của tôi tiêu biến. Chị hát đến độ chuẩn mực, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này, trong đó có tôi. Thường ca sĩ nổi tiếng nhờ bài hát nhưng với chị Thu, bài hát nổi tiếng là nhờ chị hát. Những bài nào chị hát hay rồi thường tôi không hát lại nữa”.
Từ trái sang: Khánh Ly – Lệ Thu – Thái Thanh. Bộ ba danh ca huyền thoại giờ chỉ còn Khánh Ly. |
Trước đây, khán giả hay đồn đoán Lệ Thu và Khánh Ly không ưa nhau vì “một rừng không thể có hai hổ”. Các show vừa và nhỏ hầu như chỉ mời Lệ Thu hoặc Khánh Ly đơn giản vì họ không mời 2 ngôi sao cùng dòng nhạc cũng như không đủ tiền trả cùng lúc 2 người. Vì thế, tin đồn cứ thế râm ran mấy chục năm.
Sự thật, trong thâm tâm, Khánh Ly không xem mình ngang hàng mà xem Lệ Thu ở trên mình một bậc. “Chị Lệ Thu là đàn chị, mà đã là đàn chị thì không so sánh. Hát chung với chị Lệ Thu, tôi chỉ được thêm chứ không mất đi thứ gì. Hồi chị sang Mỹ, tôi là người ký giấy bảo lãnh”, bà nói.
Trước đây, trong một talkshow, Lệ Thu và Khánh Ly từng nói về sự ra đi của cố danh ca Thái Thanh. Bất ngờ, Khánh Ly nói: “Có những mất mát có thể bù đắp, nhưng cũng có sự mát mát không thể nào bù đắp. Nếu một ngày nào đó chị Lệ Thu nghỉ hát, vị trí ấy mãi mãi không có ai thế vào được. Chúng tôi gọi chị Lệ Thu là “Tiếng hát vàng mười” là có lý do cả. Trong tất cả lời mời tôi hát, người tôi luôn mong ước hát chung là chị Lệ Thu”.
Lệ Thu & Khánh Ly – Lần Song Ca Cuối Cùng Tại Hải Ngoại | The Jimmy TV
17.1.2021
Cám ơn anh Kenny Nguyên đã cho phép Jimmy TV sử dụng video clip này trích từ Liveshow Khánh Ly chủ đề Tạ Ơn được tổ chức tại San Jose vào tháng 11 năm 2019.
Danh ca Lệ Thu: Sự nghiệp lẫy lừng, đời tư lận đận
Sau Thái Thanh, Lệ Thu cũng giã từ cõi tạm. Liệu sau thế hệ vàng ấy, âm nhạc Việt Nam còn có thể tìm lại một “Tiếng hát vàng mười” như Lệ Thu?
Đằng sau danh hiệu “Tiếng hát vàng mười”…
Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. 10 tuổi, bà theo gia đình di cư vào Sài Gòn, theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers.
Kỳ thực, cô nữ sinh Bùi Thị Oanh khi ấy không hề có ý định theo nghiệp ca sĩ. Năm 1959, trong lần đi ăn sinh nhật ở nhà hàng Bồng Lai, được bạn bè vận động, Bùi Thị Oanh đánh liều lên sân khấu hát ca khúc Tà áo xanh (khi ấy có tên Dang dở) – một tình khúc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn.
Lệ Thu thời trẻ. |
Tiếng hát của cô nữ sinh Oanh khiến vị giám đốc nhà hàng đắm đuối. Ông nhận ra đây là giọng trời phú nên hết lời thuyết phục theo nghề ca sĩ. Ban đầu, Bùi Thi Oanh từ chối vì biết gia đình chắc chắn phản đối; song vì ông chủ tuyên bố ký độc quyền với phòng trà của mình cùng mức lương hấp dẫn 1 triệu đồng/tháng nên đã nhận lời, lấy tên là Mộng Thu. Sau đó vì thấy chữ “Mộng” quê mùa quá mới đổi thành Lệ Thu.
Như vậy, vốn dĩ, cái tên Lệ Thu không được bà đặt có chủ đích. Đơn giản là, để giấu bố mẹ đi hát, bà chọn bừa một cái tên. Giới văn nghệ Sài Gòn khi ấy chia làm hai cách hiểu: Thứ nhất, “lệ thu” có nghĩa là “nước mắt mùa thu”.
Người tiêu biểu cho cách hiểu này là cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ông viết ca khúc Nước mắt mùa thu tặng riêng Lệ Thu trong đó có ca từ: Nước mắt mùa thu khóc than một mình / Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh / Giọng ca buồn bã vào trong đời úa.
Bên cạnh đó, chính Lệ Thu lại thích cách giải nghĩa thứ hai, tức “lệ” có nghĩa là đẹp, “lệ thu” là mùa thu đẹp đẽ, mỹ lệ.
Song dù với nghĩa nào, trùng hợp một cách kỳ diệu, 60 năm sự nghiệp của Lệ Thu luôn gắn chặt hoặc với các tình khúc buồn, giai điệu đẹp (lệ); hoặc với các ca khúc về mùa thu (thu). Các nhạc phẩm bất hủ qua giọng hát Lệ Thu có: Xin còn gọi tên nhau; Thu sầu; Mùa thu chết; Thu, hát cho người; Hương xưa… Nhà văn Mai Thảo nhận định: “Lệ Thu bất tử với Hương xưa”.
Nói thêm về Lệ Thu và nhạc Trịnh, khán giả chỉ công nhận 2 nàng thơ của cố nhạc sĩ là Khánh Ly và Hồng Nhung. Nhưng thực tế, giới chuyên môn nhận định, Lệ Thu xứng đáng là người hát nhạc Trịnh hay thứ nhì chỉ sau Khánh Ly và nhỉnh suýt soát hơn Ngọc Lan. Trịnh Công Sơn từng nói, Lệ Thu hát bài Hạ trắng của ông hay nhất.
Ngoài bài Nước mắt mùa thu của Phạm Duy kể trên, ít ai biết, bài Lệ đá trứ danh (thơ: Hà Huyền Chi; nhạc: Trần Trịnh) cũng được “biếu không” Lệ Thu.
Nói để thấy, vốn dĩ, với giọng hát trời phú, Lệ Thu đã mang định mệnh của một ngôi sao. Từ khán giả bình dân đến giới chuyên môn, giới nhà văn, nhà báo Sài Gòn thập niên 60 – 70 đều mê đắm bà. Lệ Thu hát toàn phòng trà, vũ trường top đầu.
Đời tư Lệ Thu có nhiều nốt trầm đẫm lệ
Sau này, khi định cư Mỹ, Lệ Thu từng bước tiến đến đỉnh cao trong sự nghiệp. Lệ Thu cùng Thái Thanh và Khánh Ly vượt lên trên cả hàng danh ca, là bộ ba huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam.
Trái với sự nghiệp lẫy lừng, đời tư Lệ Thu có nhiều nốt trầm đẫm lệ. Ba cuộc hôn nhân của bà lần lượt tan vỡ vì lấy nhầm chồng trăng hoa, bạc bẽo. Khán giả đồn đoán những bài thu ca thê lương bà hát đã vận vào đời danh ca.
Sau 3 lần đò, Lệ Thu thôi tìm bạn đời. Các con gái trưởng thành, có gia đình riêng, bà lại sống một mình an nhiên, tĩnh tại. Bà cô đơn nhưng không cô độc, thi thoảng buồn nhưng không bi quan. Ca sĩ Quang Thành nói, trước mọi người, Lệ Thu luôn giữ nụ cười trên môi và trong ánh mắt. Song biết đâu, chỉ là bà giỏi giấu nỗi buồn sâu kín vào trong.
Sự nghiệp Lệ Thu trải dài hơn 60 năm nhưng bà chưa từng chịu cảm giác hẩm hiu xuống dốc. Một số bầu show hải ngoại thông tin cho VietNamNet, Lệ Thu vẫn là ngôi sao đến cuối đời, giữ vị trí đặc biệt trong các chương trình lớn nhỏ.
Lệ Thu an nhiên tuổi thất thập cổ lai hy. |
Lệ Thu vốn giọng nữ trung trầm (mezzo-alto), giọng bà thời trẻ ít khào nhưng vẫn đanh, sắc lạnh, có đủ vang – rền – nền – nẩy tuyệt vời. Về già, màu giọng bà tối dần, khào hơn, sâu và lạnh thêm, như tải cả một đời mình vào từng câu hát.
Người chị cả của bộ ba nữ danh ca huyền thoại là Thái Thanh ra đi đầu tiên, giờ đến Lệ Thu giã từ cõi tạm. Khán giả lo lắng Khánh Ly sẽ buồn, sốc, nhất là ca sĩ Quang Thành kể, danh ca luôn miệng gọi “Thu ơi” khi hay tin dữ. Liệu sau thế hệ vàng ấy, âm nhạc Việt Nam còn có thể tìm lại một “Tiếng hát vàng mười” như Lệ Thu?
Lê Thị Mỹ Niệm
Băng Nhạc Lệ Thu 1 Tiếng Hát Lệ Thu Tác Phẩm Để Đời – Thu Âm Trước 1975
https://www.youtube.com/watch?v=qGMqE6Ez2kE
Băng Lệ Thu 2 – Tứ Quý | Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Tuấn Ngọc (1971)
Băng nhạc do Lệ Thu thực hiện năm 1971, với 4 nghệ sĩ cùng 4 nhạc sĩ hòa âm. Nguồn rongcanlc@hdvietnam. Âm thanh rất tốt nhưng một số bài bị cụt vì thiếu băng.
Xem thêm các bìa băng ở Instagram
http://instagr.am/quannhaccu
và lời giới thiệu ở Bãi rác
http://fb.com/bairackhonghoi
Lệ Thu – hòa âm Văn Phụng
00:00 Chiều tím (Đan Thọ)
04:26 Mái tóc dạ hương (Nguyễn Hiền)
09:55 Mắt biếc (Cung Tiến)
15:08 Yêu (Văn Phụng)
19:49 Mộ khúc (Xuân Diệu – Phạm Duy)
Duy Trác – hòa âm Lê Văn Thiện
24:36 Thuở ban đầu (Phạm Đình Chương)
28:53 Dạ tương sầu (Nhật Bằng)
33:27 Du mục (Trịnh Công Sơn)
38:23 Đường em đi (Phạm Duy)
42:27 Tơ sầu (Lâm Tuyền)
Khánh Ly – hòa âm Duy Hải
45:58 Vì tôi là linh mục (Nguyễn Tất Nhiên – Nguyễn Đức Quang)
50:47 Nghìn trùng xa cách (Phạm Duy)
55:03 Cho lần cuối (Lê Uyên Phương)
01:00:05 Còn gì nữa đâu (Phạm Duy)
01:04:57 Mưa rơi (Phạm Duy)
Tuấn Ngọc – hòa âm Minh Phúc
01:09:19 Chuyện tình (Love Story) (Phạm Duy)
01:13:33 Ru em (Trịnh Công Sơn)
01:18:44 Chiều tưởng nhớ (Lan Đài)
01:23:42 Bài không tên số 5 (Vũ Thành An)
01:28:07 Bao giờ biết tương tư (Ngọc Chánh – Phạm Duy)