Seite auswählen

Economist

Người dịch: Phan Sinh

Và ưu thế của Trung cộng không lớn như người ta nghĩ.

Trong 45 năm xung đột trước đây, Mỹ và Liên Xô đã đụng độ nhau qua các cuộc chiến uỷ nhiệm quanh thế giới. Nhưng điểm nóng nhất trong chiến tranh lạnh lại là châu Âu, nơi Liên Xô không ngừng lo ngại các chư hầu sẽ quay lưng rời khỏi quỹ đạo, còn Mỹ thì lại sợ đồng minh nhân nhượng, mềm yếu.

Lần này, xung đột giữa Trung cộng và Mỹ, may thay, có điểm khác. Một điều tạo nên khác biệt là lực lượng quân sự của hai phe không đối đầu trực diện trên một chiến tuyến cụ thể nào, dù rằng Đài Loan và Bắc Hàn đều ở tuyến đầu cuộc cạnh tranh giữa hai phe suốt mấy thập niên qua. Tuy vậy, giữa hai cường quốc so găng vẫn có một vùng tranh chấp trọng yếu, và đó chính là Đông Nam Á. Khu vực này cũng không có các chiến tuyến rõ ràng, nhưng chính sự nhập nhằng đó càng khiến cuộc cạnh tranh thêm phức tạp.

Người dân Đông Nam Á đều thấy Mỹ – Trung là hai thái cực, lôi kéo nước mình về hai phía đối nghịch. Không phải vô tình mà người biểu tình chống quân đội đảo chính ở Miến Điện mới đây đã giương cao biểu ngữ lên án Trung cộng hậu thuẫn cho tướng tá đảo chính, và cùng lúc, họ kêu gọi Mỹ can thiệp. Các chính phủ cũng cảm thấy áp lực phải chọn phe.

Năm 2016, tổng thống Phi Luật Tân, ông Rodrigo Duterte, lớn tiếng loan báo rằng nước ông “tách khỏi Mỹ”, và thay vào đó, ông cam kết quy thuận Trung cộng. Việc Trung cộng tuyên bố hầu hết Biển Đông đều nằm trong hải phận của họ trong khi Mỹ phản đối tuyên bố này, đã dẫn đến những tranh cãi nảy lửa tại ASEAN (Hiệp hội Các nước Đông Nam Á), là nơi Trung cộng đang tìm cách thu phục.

 

Hai lý do

Cuộc giằng co này sẽ này càng căng thẳng, bởi hai lý do chính. Lý do đầu tiên, Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược khổng lổ đối với Trung cộng. Vì Đông Nam Á nằm ở cửa ngõ Trung cộng, ngay trên trục đường chuyên chở dầu hoả và nguyên liệu đến Hoa lục và chuyên chờ hàng hoá thành phẩm từ Trung cộng ra thế giới bên ngoài. Trong khi về phía đông, Trung cộng bị án ngữ bởi Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, là những đồng minh cứng của Mỹ, thì Đông Nam Á lại là khu vực có vẻ ít thù nghịch hơn, có thể mở lối vào cả Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương, cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự. Chỉ có cách trở thành một cường quốc chiếm thế thượng phong ở Đông Nam Á, thì Trung cộng mới giải quyết được hội chứng sợ bị bao vây của mình.

Nhưng, Đông Nam Á không đơn giản chỉ là một điểm trạm trên lộ trình đến những nơi khác. Lý do thứ hai khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung cộng sẽ khốc liệt hơn, đó là Đông Nam Á, tự thân nó, đang ngày càng trở thành một khu vực quan trọng hơn trên thế giới. Đây là nơi có đến 700 triệu dân, hơn cả Liên minh châu Âu, hơn cả châu Mỹ La Tinh, và hơn cả Trung Đông. Nền kinh tế của Đông Nam Á, nếu xem như một quốc gia, là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau khi điều chỉnh giá cả sinh hoạt, chỉ sau Trung cộng, Mỹ và Ấn Độ.

Và Đông Nam Á lại đang phát triển nhanh. Kinh tế của Nam Dương và Mã Lai đã tăng trưởng ở mức 5-6% trong một thập niên, Phi Luật Tân và Việt Nam cũng tăng trưởng 6-7% cùng kỳ. Các nước nghèo trong khu vực, như Miến Điện và Cam Bốt, còn tăng trưởng nhanh hơn nữa. Đối với những nhà đầu tư đang tìm cách thoái lui khỏi Trung cộng thì Đông Nam Á trở thành một trung tâm sản xuất được ưa thích hơn. Người tiêu dùng tại Đông Nam Á hiện đang giàu lên, đủ để tạo thành một thị trướng hấp dẫn. Tóm lại, về cả thương mại lẫn địa chính trị, Đông Nam Á đang là một chiến lợi phẩm đáng thèm khát.

 

Lợi thế và vấn đề

Trong hai đối thủ, Trung cộng có vẻ sẽ là kẻ chiếm được chiến lợi phẩm. Trung cộng hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực và bơm vào nhiều tiền đầu tư hơn Mỹ. Ít nhất một quốc gia Đông Nam Á là Cambodia, trên thực tế gần như đã trở thành chư hầu của Trung cộng. Và không nước nào trong khối sẵn sàng qua mặt Trung cộng bằng cách công khai đứng về phe Mỹ trong rất nhiều những cuộc tranh chấp của hai siêu cường.

Tuy nhiên, dù rằng Đông Nam Á có quan hệ gần gũi với Trung cộng, quan hệ này vẫn chứa nhiều vấn đề. Đầu tư của Trung cộng tuy rộng rãi, nhưng có trở ngại. Các công ty Trung cộng thường bị tố cáo tội tham nhũng và huỷ hoại môi trường. Nhiều công ty thích đưa công nhân từ Trung cộng sang hơn là dùng người địa phương, khiến lợi ích kinh tế địa phương suy giảm. Đó là chưa kể sự bất an do thói quen đáng ngại khi Trung cộng hay dùng đòn phép hạn chế thương mại và đầu tư để trừng phạt những nước nào không làm vừa lòng họ.

Trung cộng cũng làm láng giềng hoảng sợ khi thường xuyên chứng tỏ sức mạnh quân sự. Họ chiếm đóng và xây dựng trên các bãi đá và rạn san hô ở Biển Đông, họ quấy nhiễu tàu bè Đông Nam Á khi đánh cá hoặc khai thác dầu trong vùng biển kề cận, đó là nguồn gốc những căng thẳng của hầu hết mọi quốc gia trong khu vực, từ Việt Nam đến Nam Dương. Trung cộng cũng duy trì quan hệ với các lực lượng nổi dậy chống chính phủ dân cử ở Myanmar, và trong quá khứ họ từng chống lưng cho các lực lượng du kích trong toàn vùng.

Thái độ hiếu chiến như thế đã khiến Trung cộng không được ưa thích tại Đông Nam Á. Những cuộc bạo loạn chống Trung cộng từng nổ ra ở Việt Nam. Nam Dương, quốc gia có dân số theo Hồi giáo đông nhất thế giới, từng chứng kiến những cuộc biểu tình vì đủ lý do, từ phản đối di dân Trung cộng trái phép đến phản đối Trung cộng ngược đãi người thiểu số Hồi giáo ở nước họ. Ngay ở nước Lào nhỏ bé, một nước độc tài cộng sản, nơi công chúng phản kháng là chuyện chưa nghe nói đến, vậy mà những phàn nàn về việc Trung cộng ăn trên ngồi trốc đã trở thành chuyện hàng ngày. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có lẽ sẽ không dám công khai phê phán Trung cộng, vì sợ bị phạt bằng hậu quả kinh tế, nhưng họ cũng rất ngại trở nên quá dễ dãi với Trung cộng, vì sợ dân trong nước phẫn nộ.

Việc Trung cộng tìm cách thống trị Đông Nam Á không phải là việc đương nhiên sẽ thành. Tuy các chính phủ Đông Nam Á không hề muốn huỷ bỏ thương mại với Trung cộng cũng như hoặc các khoản đầu tư từ người láng giềng lắm tiền, nhưng họ cũng muốn điều mà Mỹ muốn, đó là hoà bình, ổn định và một trật tự dựa trên luật pháp, trong đó không phải Trung cộng cứ muốn gì là được nấy với các đòn phép của kẻ mạnh. Như các cường quốc bậc trung khác, các nước lớn ở Đông Nam Á sẽ tìm cách tự bảo vệ, và tìm ra những quyền lợi nào họ có thể rút tỉa được từ hai gã khổng lồ đang tranh chấp để tạo ảnh hưởng với họ.

 

Sân chơi thiên tử

Để giúp Đông Nam Á tránh bị cuốn vào quỹ đạo của Trung cộng, Mỹ nên khuyến khích họ thận trọng trước các lựa chọn và kiến tạo những đối trọng với Trung cộng. Có một cách là gắn kết nội khu chặt chẽ hơn nữa, tức là làm cho mức độ kinh doanh và đầu tư giữa các quốc gia Đông Nam Á với nhau vượt qua mức độ kinh doanh với Trung cộng. Một cách nữa là thắt chặt quan hệ với các nước châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc – là nước mà khối ASEAN đã đúng đắn khi duy trì quan hệ tốt. Nhưng, quan trọng hơn hết là Mỹ không nên mắc bẫy, đẩy các nước Đông Nam Á vào thế buộc phải chọn phe. Đó là điều mà các nước Đông Nam Á sẽ kiên quyết phản đối.

 

Nguồn:

The rivalry between America and China will hinge on South-East Asia

Leaders (Economist, 27.02.2021)

 

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen