Seite auswählen

07-06-2020 

NLD

Với một cuốn từ điển chính tả mà lại phạm quá nhiều lỗi như vậy là không thể chấp nhận

Đó là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên – ThS Hà Thị Quế Hương, NXB ĐHQG Hà Nội – 2017). Sách có 718 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, in 5.000 cuốn, giá bìa 185.000 đồng; đơn vị liên kết và phát hành: Công ty TNHH MTV TM – DV Văn hóa Minh Long.

Mặc dù được nhóm tác giả biên soạn khá công phu nhưng sách vẫn mắc nhiều sai sót, nhầm lẫn rất khó chấp nhận. Ví dụ: nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D… Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả…

Từ điển chính tả sai chính tả ! - Ảnh 1.

Bìa cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” có nhiều sai sót

 

Sau đây là một số ví dụ:

A. Sai chính tả do không phân biệt được sự khác nhau giữa phát âm và chữ viết; không hiểu nghĩa từ nguyên hoặc chưa thật sự nhuần nhuyễn về tiếng Việt (nội dung in đậm trong ngoặc kép, sau số mục là nguyên văn của từ điển. Phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):

1. “BÀN: bàn hoàn (tv. bàng hoàng)”.

Không phải “bàn hoàn” “tv” (thường viết) là “bàng hoàng”. Đây là hai từ Việt gốc Hán có tự hình và nghĩa khác nhau. Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Vietlex): “bàn hoàn • 盤桓 đg. 1 [cũ, vch] quấn quýt không rời; 2 [cũ, vch] nghĩ quanh quẩn không dứt”; “bàng hoàng • 徬徨 t. ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa”.

2. “BÁNH: bánh dày”.

Viết đúng là “bánh GIẦY” hoặc “bánh GIÀY” (tên gọi bánh theo cách chế biến “giày”, “xéo” cho nát nhuyễn ra).

Không có sách từ điển tiếng Việt hoặc từ điển chính tả nào trong số hàng chục cuốn chúng tôi có trong tay ghi nhận “bánh dày” (từ đây, với những lỗi “có một không hai” này, sẽ được đánh ký hiệu [K] ở cuối đoạn trao đổi).

3. “BƠI: bơi chải”.

Viết đúng là “bơi TRẢI” (vì “trải” là một loại thuyền nhỏ, dài, dùng trong các cuộc thi bơi thuyền).[K]

4. “CHAI: con chai; canh chai”.

Việt Nam không có “đặc sản” nào như vậy. Phải chăng ý soạn giả muốn nói tới “con trai” (trong “Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”?) và món “canh trai” nấu bằng thịt của loài nhuyễn thể này?[K]

5. “CHẦY: chầy chật”

HTC: Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương).[K]

6. “CHÉO: chéo ngoe; bắt chéo chân”.

Viết đúng là “tréo ngoe” (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia); trong khi “chéo” chỉ là những đường xiên cắt nhau.[K]

7. “CHỈNH: chỉnh chu”.

Viết đúng là “CHỈN chu”. Vì “chỉn” nghĩa là vốn, thật (Đạo trời, báo phục chỉn ghê, Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi – Kiều).[K]

8. “CHIỀU: xuôi chiều mát mái”.

Viết đúng là “xuôi CHÈO” (chèo = chèo thuyền), đối với “mát MÁI” (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái.[K]

9. “CÔNG: xung công”.

Viết đúng là “SUNG công” 充公, vì sung 充 là từ Việt gốc Hán = nhận thêm, nhập vào.[K]

10. “DẰNG: dằng xé; dằng níu”.

Viết đúng là “giằng xé”; “giằng níu”.[K]

11. “DÀY: dày trông mai đợi”.

Viết đúng là “RÀY trông mai đợi” = Nay trông mai đợi. Vì “rày” có nghĩa là “nay”, nên thường thấy mô hình rày/nay mai như: rày nắng mai mưa; rày đây mai đó; rày/nay trông mai đợi…[K]

Ở mục “DÀY”, hàng loạt từ như “dày vò”, “dày xé”, “dày xéo”, “dây dày”, “voi dày ngựa xéo” đều sai chính tả. Theo đây, viết chuẩn phải là “GIÀY vò”, “GIÀY xé”, “GIÀY xéo”, “dây GIÀY”, “voi GIÀY ngựa xéo” (đúng ra là “voi giày ngựa XÉ”)[K]

12. “DÃY: dãy nảy”.

Viết đúng là “GIÃY nảy” (“giãy” trong “giãy đạp”, không phải “dãy” trong dãy bàn ghế).[K]

13. “DẪY (cv. dãy) dẫy dụa; dẫy nẩy”.

Viết đúng là “GIẪY giụa”, “GIẪY nẩy”. Soạn giả sai ở cả hai mục “DÃY nảy” và “DẪY nẩy”, chứng tỏ không phải sự cố.[K]

14. “DẤU: dấu diếm”.

Viết đúng là “GIẤU GIẾM” (“giấu” trong “giấu kín”; không phải “dấu” trong “dấu vết”).[K]

15. “DỞ: dở trò”.

Viết đúng là “GIỞ trò” (“giở” trong “giở ra”; không phải “dở” trong “dở dang”).

16. “DỤC: dục dịch”.

Tiếng Việt không có khái niệm này. Không lẽ soạn giả muốn hướng dẫn viết từ “RỤC RỊCH”?[K]

17. “GIÂY: giây dưa”.

Viết đúng là “DÂY dưa” (dây của cây dưa). Vì “dây dưa” bò lan, nhánh nọ đẻ nhánh kia, nên có một nghĩa bóng chỉ “anh em họ hàng xa”. Ví dụ: “Hai nhà ấy có dây dưa gì với nhau đâu!” (tương tự “dây mơ rễ má”). Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) ghi nhận: “dây dưa • Dây cây dưa. Nghĩa bóng: Họ hàng xa; lôi-thôi không dứt”.[K]

18. “MA: ma chơi”.

Viết đúng là “ma TRƠI”. “Trơi” ở đây là dối, có mà không thật. Thế nên người Thanh Hóa gọi thằng bù nhìn giữ dưa là “thằng trơi dưa” = thằng người giả giữ dưa. Cũng như “ma trơi” là ánh lửa lập lòe thường xuất hiện ở bãi tha ma vào những đêm mưa thâm gió bấc, khi ta đến gần thì vụt tắt tựa như ảo ảnh, có hình sắc mà như không.[K]

19. “QUỐC: trứng quốc”.

Không lẽ soạn giả muốn nói tới trứng của một loài chim có tên là “CUỐC”?[K]

20. “SAO: thôi sao”.

“Thôi XAO” 推敲 mới có nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥宿池中樹,僧敲月下門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi 推 = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao 敲 = gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao 敲.Sau này “thôi xao” 推敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa. Viết “thôi SAO” là vô nghĩa.[K]

21. “SẺ: sẻ đàn tan nghé”.

Viết đúng là “sẩy/sểnh đàn tan nghé”. Vì “sẩy” hay “sểnh” mới có nghĩa là hụt, lạc, lỡ, mất (như “sẩy/sểnh nạ quạ tha”; “sẩy miệng buột lời”). Viết “SẺ” là vô nghĩa.

22. “SUẤT: chiết suất”.

Mục “CHIẾT” lại thấy ghi nhận cả “chiết SUẤT” + “chiết XUẤT”, khiến độc giả chẳng biết đâu mà lần. Ví dụ nếu “chiết suất” (vật lý) thì đúng, còn “chiết suất” (công nghiệp) với nghĩa tách để lấy tinh chất từ thảo mộc hoặc một hỗn hợp chất nào đó thì sai. Kiểu biên soạn thiếu khoa học này còn thấy ở rất nhiều mục từ khác.

23. “SỬ: xét sử”.

Viết đúng là “xét XỬ”. Vì “XỬ” 處 là từ Việt gốc Hán, có nghĩa xử hình án; còn “SỬ” 使 lại có nghĩa là khiến, sai khiến (viết “xét SỬ” có thể bị suy diễn thành: xét hỏi + sai khiến, ép cung). Cũng như phải viết “XỬ án” 處案 chứ không phải “SỬ án”.[K] 

Nhiều lỗi nặng đến khó tin

 

Các tác giả có những nhầm lẫn giữa cách viết từng tồn tại hoặc “không chuẩn với chính tả chuẩn”, cùng nhiều nhầm lẫn khác

Chúng tôi tiếp tục dẫn ra những ví dụ sai chính tả của cuốn sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên – ThS Hà Thị Quế Hương; NXB ĐHQG Hà Nội – 2017).

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 1.

24 – “TÁNG: táng gia bại sản” 

Viết đúng là “TÁN gia”. Vì “TÁN” 散 là từ gốc Hán, có nghĩa tiêu tan, mất mát. Tán gia bại sản 散 家 敗 產 = gia đình tan nát, tài sản tiêu tan (Dị bản gốc Hán: khuynh gia bại sản – 傾 家 敗 產).

25 – “TRƯỜNG: xa trường” 

Viết đúng là “SA trường”. “Sa trường” 沙 場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “SA trường” 沙 場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường.[K]

26 – “TRƯỞNG: trưởng bạ”

Viết đúng là “Chưởng bạ”, vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌 簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; cũng như “chưởng ấn” 掌 印 = người giữ ấn tín. Có thể do nhóm soạn giả thu thập trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân).

27 – “XẨY: xẩy chân; xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp” 

Mục “XẨY” có ba từ ngữ đều sai cả. “XẨY” (hay xảy) là dùng trong “xảy ra” (sự việc), khác với “SẨY” nghĩa là mất mát, rơi rụng, lỡ hụt, lìa tan… Ví dụ, “Sẩy vai xuống cánh tay”, “Sẩy miệng, buột lời”, “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Con cá sẩy là con cá to”… Theo đây, viết đúng phải là “SẨY chân”, “SẨY đàn tan nghé”, “SẨY nhà ra thất nghiệp”.[K]

28 – “XẢY: xảy đàn tan nghé; xảy tay” 

Lỗi “S” thành “X” lặp lại ở mục này, chứng tỏ cái sai của các soạn giả không phải là “sơ sảy”. 

29 – “XẺ: xẻ cơm nhường áo”

Viết đúng phải là “SẺ cơm nhường áo”. Vì “SẺ” đây chính là “sẻ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”.

30 – “XỈ: xỉ mắng; xỉ nhục”

Viết đúng phải là “SỈ mắng”, “SỈ nhục” 恥 辱, vì “SỈ” 恥 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã.[K]

31 – “XỈA: xưng xỉa”

Viết đúng là “SƯNG SỈA”. Đây là từ ghép đẳng lập: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như sỉa chân, mặt sưng mày sỉa).[K] 

32 – “XOA: xít xoa”

Viết đúng là “xuýt xoa” (“XUÝT” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hay tiếc nuối…).[K] 

33 – “REO: reo rắc”

Viết đúng là “gieo rắc” – từ ghép đẳng lập: “gieo” đồng nghĩa với “GIEO” trong “gieo hạt” + “RẮC” trong “rắc hạt”.[K] 

34 – “XOÀI: xóng xoài”

Viết chuẩn là “SÓNG SOÀI”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”). 

35 – “TRỪU: trừu mến”

Viết đúng là “TRÌU mến”. Vì “TRÌU” biến âm của “TRÍU”, nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) mục “trìu mến” hướng dẫn xem “tríu-mến”: Trìu-mến, yêu-thương như ghiền (nghiện) hơi, khiến quấn-quýt một bên luôn: Đem lòng tríu-mến”.[K]

36 – “XỌM: già xọm” 

Viết đúng là “già sọm” (SỌM = gầy, già yếu, hom hem).[K] 

37 – “XỘ: xừng xộ”

Viết đúng là “sừng sộ”, vì “SỪNG” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.[K]

38 – “XỚI: xới chọi gà” 

Viết “SỚI” mới đúng. Vì “sới” trong “SỚI chọi gà” chính là “sới” trong “sới vật”, “sới võ”, mà Vietlex giảng là: “khoảng đất được bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim để tranh giải trong ngày hội”.[K] 

39 – “XUẤT: khinh xuất” 

Viết đúng là “khinh suất” 輕 率. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” 輕 = xem nhẹ; “SUẤT” 率= hấp tấp, không thận trọng.

40 – “XỨ: xứ bộ” 

Chỉ có “SỨ bộ”, không có “XỨ bộ” (Vietlex: “sứ bộ” 使 部 d. [cũ] phái đoàn đi sứ thời phong kiến”).[K]

41 – “XỰC: mũi xực lên; thơm xực”. 

Viết đúng là “SỰC lên”, “thơm SỰC”.[K]

Trở lên là gần 60 lỗi ở dạng sai chính tả đơn thuần, trong đó phần lớn là những lỗi nặng. Dĩ nhiên, đây không phải là tất cả những lỗi mà chúng tôi đã phát hiện, hay những lỗi có trong sách.

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 2.
“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 3.
“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 4.

Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” lại sai nhiều lỗi chính tả. Trong ảnh: Vài trang có lỗi chính tả tiêu biểu

B – Nhầm lẫn giữa cách viết cũ từng được ghi nhận, với “chính tả chuẩn” hiện hành:

Ở phần “Lời nói đầu”, nhóm soạn giả ghi rõ: “Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng.” (HTC nhấn mạnh).

Tuy nhiên, trong thực tế, nhóm soạn giả đã đánh đồng, hoặc nhầm lẫn giữa cách viết từng tồn tại hoặc “không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”, với “chính tả chuẩn [… theo chính âm và chính tả tiếng Việt]”. Ví dụ:

 – “GIỘP (cv. rộp): giộp da, giộp lưỡi, giộp nước sơn >< bỏng giộp”.

– “GIA: gia giết (cv. da diết)”.

“Giộp”, “gia giết” là cách viết cũ. Bởi vậy, lẽ ra nên hướng dẫn “thường viết” hoặc “nên viết” “RỘP”, “DA DIẾT”…, thì soạn giả lại hướng dẫn “cũng viết” “RỘP”, “cũng viết” “DA DIẾT”, biến cách viết cũ, không chuẩn, thành cách viết chuẩn và ngược lại. 

Thậm chí, mục “DÔ hướng dẫn viết “dã dượi” (đây là cách viết cũ, có được từ điển ghi nhận nhưng không có nghĩa là “chính tả chuẩn”). Đến mục “RÔ, lại hướng dẫn viết “rã rượi”, đặt người dùng sách vào sự may rủi khi tra cứu. Bởi lẽ, cùng trong một sách nhưng chỗ này thì đúng, còn chỗ khác thì sai (tình trạng này khá nhiều trong sách).

C – Nhầm lẫn hai từ đồng nghĩa với một từ có hai dạng chính tả: 

Ở phần “Phụ lục 3 – Danh sách các từ ngữ có hai dạng chính tả đều được chấp nhận trong tiếng Việt” (50 trang), một số dạng như: “biệt tăm – bặt tăm”; “bột phát – bộc phát”… có thể chấp nhận được. Song, phần lớn soạn giả nhầm lẫn, đánh đồng những cặp từ gần nghĩa, đồng nghĩa không hoàn toàn trong mọi trường hợp với “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “bàn hoàn – bàng hoàng”; “đại thụ – đại thọ”; “đông nghịt – đông nghẹt”; “mất lòng – mích lòng”… Thực tế, “mất lòng” và “mích lòng” là hai từ không đồng nghĩa hoàn toàn. Ví như có thể viết “mất lòng dân”, chứ không viết “mích lòng dân”. 

Tương tự, hàng loạt từ láy và không láy bị soạn giả xếp vào “các từ ngữ có hai dạng chính tả”, như: “tôi tối – tối”; “trăng trắng – trắng”; “vun vút – vút”… Những cặp từ này không phải hai dạng chính tả. Ví dụ: “vun vút” là nhanh và liên tiếp, còn “vút” chỉ là nhanh…

Một cuốn tiểu thuyết hơn 700 trang mà bạn đọc vấp phải khoảng 50 lỗi sai chính tả có gọi là nhiều không? Dĩ nhiên là nhiều, và rất khó chấp nhận. Với một cuốn từ điển chính tả có cùng số trang, với yêu cầu phải “khuôn vàng thước ngọc” mà lại phạm chừng gấp đôi, gấp ba số lỗi ấy, thì lại càng khó chấp nhận, đúng hơn là không thể chấp nhận! 

 

HOÀNG TUẤN CÔNG

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen