Seite auswählen

18 tù nhân lương tâm trong số hàng trăm người bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến tại Việt Nam. (Hình: HRW)

 

Đảng CSVN vẫn lầm lũi “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN’ theo kiểu con tắc kè đổi màu theo khung cảnh sống chung quanh.

Nhiều báo nhà nước tại Việt Nam đăng tải lại bản tin tuyên truyền của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Bảy, về cuộc họp lần thứ nhất của “Ban chỉ đạo xây dựng đề án ‘Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.”

“Ban chỉ đạo” này gồm 21 thành viên trong đó có 8 “ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư” mà ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là “trưởng ban chỉ đạo”. Cốt lõi của “đề án” là làm thế nào vạch đường để đảng CSVN tồn tại và tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nhân dân qua việc “nghiên cứu sửa đổi hệ thống pháp luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”

Tìm cách thích nghi với tình hình trong và ngoài nước của từng thời kỳ để tồn tại diễn ra sau mỗi kỳ đại hội đảng CSVN vốn là nhu cầu thường xuyên của đảng CSVN. Nó đã từng được viết trong “Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 rồi tiếp tục được sửa đổi, điều chỉnh tiếp ở kỳ đại hội đảng năm 2011. Gần đây nhất, khi đảng CSVN họp đại hội XIII đầu năm 2021 cũng được thấy “tiếp tục xác định việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” để “đổi mới hệ thống chính trị”.

“Đổi mới” kiểu CSVN không phải là “xóa bài làm lại” hay từ bỏ quyền lực độc tài đảng trị mà là làm thế nào để tiếp tục nắm chặt được quyền lực, cha truyền con nối, một hình thức cai trị phong kiến kiểu mới.

Bản tin nói trên của TTXVN viết rằng việc “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN” có các yêu cầu “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo các cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước. Yêu cầu thứ hai là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định với quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.”

Tuy gọi là “có sự phân công rành mạch” nhưng lại “phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước” chỉ được hiểu theo nghĩa những kẻ cầm đầu đảng CSVN ngồi trên đầu guồng máy nhà nước để chỉ ngược chỉ xuôi, không được làm khác cái lệnh “ở trên,” tức của đảng. Cho nên, báo chí tuyên truyền CSVN đã lên án những người đòi “tam quyền phân lập” với lời lẽ thậm tệ.

Suốt bao năm qua, không ít lần guồng máy thông tin tuyên truyền CSVN, như tờ báo mạng của đảng CSVN ngày 11 Tháng sáu 2020, đưa tin “phát hiện hàng trăm văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn”.

Chính lời ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản Qui phạm Pháp luật của Bộ Tư pháp CSVN kêu ca trong một cuộc hội thảo cùng ngày. Mấy năm trước cũng đã thấy nhiều lần kêu ca như vậy, và vẫn tái diễn.

Mới đây, ngày 6 Tháng Sáu 2021, trang “chinhphu.vn” thuật lời ông thứ trưởng Bộ Tư Pháp CSVN Phan Chí Hiếu là “ Qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh, cần sửa đổi, bổ sung góp phần giải phóng nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.”

 

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị Công an bắt đi buổi tối ngày 6 Tháng Mười, 2020. (Hình: Facebook)

Luật Hình sự CSVN qua mấy lần sửa đổi, những điều khoản kết tội người dân từ “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88), “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”(258) đến “hoạt động nhằm lật đổ…” (điều 79) của Bộ Luật Hình sự 1999 lời lẽ mơ hồ, giải thích sao cũng được, chỉ đổi số từ 79 (thành điều 109), điều 88 (thành điều 117), và 258 thành điều 331) của Luật Hình sự 2015.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ dân chủ Tây Phương và ngay cả cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đều không ít lần lên án CSVN là luật lệ phản dân chủ, phản nhân quyền.

Bà Ngô Bá Thành, một luật sư thời VNCH sau theo cộng sản, được cho làm “đại biểu quốc hội,” thất vọng vì cái “pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bà từng phải kêu lên là “Ở Việt Nam ta có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.”

Bây giờ, cái loa tuyên truyền của đảng CSVN đang hô hào “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững”. Câu nói của bà Ngô Bá Thành ngày xưa, nay vẫn còn đúng.

 

Theo Người Việt

(05.07.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen