Seite auswählen

Hàng trăm gia đình người Việt sống trên thuyền ở Biển Hồ bị Cam Bốt (Kampuchia) xua đuổi, chạy về Việt Nam thì cũng bị nhà cầm quyền CSVN ngăn cấm.

Làng người Việt trên sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh bị nhà cầm quyền Cam Bốt giải tỏa. (Hình: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)

Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 5 Tháng Bảy viết về hoàn cảnh nghiệt ngã của hàng trăm gia đình người Việt Nam suốt nhiều chục năm qua sinh sống trên những chiếc nhà nổi trên Biển Hồ bị nhà cầm quyền Cam Bốt ra lệnh giải tỏa.

Hồi đầu Tháng Sáu vừa qua, nhà cầm quyền Cam Bốt ra lệnh giải tỏa hết tất các xóm nhà nổi và bè cá, hầu hết là người Việt Nam, trên các sông Mekong, sông Tonle Sap (thường gọi là Biển Hồ) và Tonle Bassac trong vòng bảy ngày.

Lệnh vừa kể được thông báo đột ngột khiến khoảng 1,000 gia đình người Việt trở tay không kịp.

Một số tháo dỡ nhà chạy lên bờ nhờ có chút ít tiền và có thẻ ngoại kiều, một số khác chống thuyền theo dòng Mekong chạy về Việt Nam thì bị nhà cầm quyền CSVN chặn ở biên giới, khu vực đối diện với tỉnh An Giang, lấy cớ không phải “công dân” nên cấm nhập cảnh, nhất là trong lúc nhà cầm quyền các địa phương đang bối rối với việc đối phó với đại dịch COVID-19.

“Tôi sinh ra tại Biển Hồ nhưng nhà cầm quyền địa phương nói Cam Bốt không còn là quê hương của tôi nữa.”

SCMP dẫn lời một người tên Bạch Bài nói như vậy khi ngồi chồm hổm ở mũi ghe nhỏ bé của anh cắm sào ở khu vực Leuk Daek, cách phía Nam thủ đô Phnom Penh khoảng 100km, trong lúc cả ba đứa con anh ăn bún và xin tiền nhà báo.

“Tôi không có tiền, không có thuốc trị bệnh, và nhà tôi gần hết gạo… Việt Nam, làm ơn mở lòng bác ái, cho phép con dân trở về quê cha đất tổ.”

Lời của Bài kêu cứu sau khi anh bị nhà cầm quyền CSVN đuổi quay trở lại hai tuần lễ trước.

Hoàn cảnh của gia đình Bách Bài giống như 15 triệu người khác trên thế giới, không được nước sở tại hay quê hương gốc gác của họ nhìn nhận là công dân. Vì là những người “vô tổ quốc,” họ không được hưởng bất cứ một thứ quyền lợi gì.

Theo số liệu của nhà cầm quyền Cam Bốt, số người Việt Nam sống tại nước này khoảng 180,000 nhưng một số người cho rằng con số có thể cao hơn nhiều.

“Trục xuất người ta đột ngột khi dịch COVID-19 đang cao điểm ở Cam Bốt khiến sức khỏe cũng như quyền sinh sống của họ đối diện nguy hiểm.” Naly Pilorge, giám đốc địa phương của tổ chức Licadho nói với báo SCMP.

Một trẻ em đứng tại cửa của căn nhà trên sông ở Cam Bốt. (Hình: Mladen Antonov/AFP/Getty Images)

Ngày 20 Tháng Sáu, tờ Thanh Niên ở Sài Gòn thuật lời ông Sim Chy, chủ tịch hội Khmer-Việt Nam, cho hay: “Chính quyền Phnom Penh đã cho phép các hộ dân di dời đến ấp Kruos, phường Samrong, quận Prek Pnov, cách trung tâm Phnom Penh khoảng 18 km. Tính đến ngày 19 Tháng Sáu, có gần 200 hộ với hơn 300 nhà bè và bè nuôi cá được di dời về đây. Bên cạnh đó, khoảng 150 hộ di dời về neo tạm thời tại huyện Leuk Daek, tỉnh Kandal, gần cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, tỉnh An Giang.”

Tuy nhiên, ông Chy lai cho hay: “Chính quyền tỉnh Kampong Cham gần Phnom Penh vừa ra thông báo mới, yêu cầu các hộ dân sống ở các nhà nổi trên sông Mê Kông tại tỉnh này phải di dời trong vòng 10 ngày, tính từ ngày 18 Tháng Sáu.”

Ngày 1 Tháng Năm, tờ Tuổi Trẻ viết rằng: “Từ 0 giờ 45 đến 2 giờ 30 khuya 1 Tháng Năm, lực lượng Biên Phòng An Giang và Đồng Tháp đã liên tục phát hiện và ngăn chặn 28 Việt kiều trốn từ Cam Bốt đi trên 14 ghe, vỏ lãi định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trên sông Tiền.”

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời đồn trưởng biên phòng nói: “Những hộ này là bà con gốc Việt sống ở Biển Hồ của Cam Bốt, nhưng dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì nhóm người này định về Việt Nam. Họ không phải là công dân Việt Nam nên chúng tôi tuyên truyền, giải thích và không cho họ nhập cảnh vào Việt Nam.”

Trước đó, hôm 29 Tháng Tư, ông Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình khi đến An Giang đã thúc giục nhà cầm quyền địa phương phải là “lá chắn thép” ngăn chặn “nhập cảnh trái phép.”

Nhà cầm quyền Cam Bốt giải tỏa các làng nổi người Việt Nam ở Biển Hồ lấy cớ làm mất thẩm mỹ, sang năm tới, họ sẽ là nước tổ chức đại hội thể thao Đông Nam Á “Sea Games.” Hai năm trước cũng đã từng có lệnh trục xuất rồi lại dịu xuống.

 

Theo Người Việt (06.07.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen