Seite auswählen

Chiều 8/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi liên quan đến việc ngày 7/7, truyền thông Hong Kong đưa tin tàu nghiên cứu “Đại học Tôn Trung Sơn” sẽ được đưa tới Biển Đông, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong tháng 10/2021 nhằm “thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp với vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với công ước của LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị, bà Hằng nhấn mạnh.

Trước đó truyền thông Trung cộng đưa tin, tàu nghiên cứu mang tên Đại học Trung Sơn dự kiến thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Biển Đông vào tháng 10. Con tàu được đóng tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam Thượng Hải, nơi chế tạo tàu sân bay thứ hai và thứ ba của Trung cộng.

Hồi giữa năm 2019, tàu Địa chất Hải dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung cộng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2019, nhóm tàu này rời đi. Đây cũng là quãng thời gian tàu Trung cộng hoạt động phi pháp kéo dài nhất tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động nhóm tàu nói trên của Trung cộng.

Đất Việt (09.07.2021)

 

 

 

Biển Đông: Mỹ tố Trung cộng ‘leo thang song song’

Ảnh minh họa: Youtube/SCMP.

Việc 16 máy bay quân sự Trung cộng bay gần không phận Mã Lai vào cuối tháng 5 cùng với việc các tàu tuần duyên Trung cộng quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi Mã Lai vào đầu tháng 6, đã được xem là một phần của nỗ lực “leo thang song song” của Bắc Kinh đối với các quốc gia trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, theo đánh giá của một tổ chức tư vấn Mỹ.

Một báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) công bố hôm thứ Năm, cho biết, những bất đồng giữa Trung cộng và các quốc gia có tranh chấp ở Đông Nam Á đang tiếp diễn, bất chấp những động thái gần đây nhằm đẩy nhanh việc đưa ra quy tắc ứng xử trên tuyến đường thủy tranh chấp. AMTI trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS có trụ sở ở Washington.

Dữ liệu của AMTI cho thấy, một tàu tuần duyên của Trung cộng hoạt động gần mỏ khí đốt Kasawari ngoài khơi bang Sarawak của Mã Lai vào ngày 4/6 – ngay sau khi một tàu lắp đặt đường ống do Mã Lai thuê đã đến khu vực này. 

Trước đó, vào ngày 31/5, Mã Lai đã gấp rút điều máy bay phản lực đánh chặn 16 máy bay vận tải quân sự của Trung cộng trong một cuộc tuần tra không báo trước mà Lực lượng Không quân Hoàng gia Mã Lai cho rằng đã gần như xâm phạm không phận Mã Lai, và khiến các chuyến bay dân sự trong khu vực gặp nguy hiểm.

AMTI cho biết, con tàu lắp đặt ống mà Mã Lai thuê ban đầu đã bị một tàu hải cảnh lớp Zhaolai mang số hiệu 5403 theo sát như hình với bóng, trước khi nó được thay bằng tàu hải cảnh CCG 5303. 

Sự xuất hiện của hai con tàu Trung cộng 5403 và CCG 5303 được cho là nhằm phản đối hoạt động lắp đặt đường ống của Mã Lai, và hoạt động tuần duyên của Trung cộng dường như ngày đang tiếp tục tiến gần hơn tới mỏ khí đốt.

Theo báo cáo của AMTI: “Đây ít nhất là lần thứ ba kể từ mùa xuân năm ngoái, tuần duyên Trung cộng quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng của Mã Lai. Điều này một lần nữa chứng tỏ sự ngoan cố của Bắc Kinh trong việc thách thức các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Cuộc tuần tra trên không của Trung cộng và cuộc tuần tra trên biển trước đó có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tham gia leo thang song song về gây áp lực buộc các bên tranh chấp khác phải lùi bước”.

Đại Kỷ Nguyên (09.07.2021)

 

 

Binh sĩ về hưu của Trung cộng sẽ bị triệu tập tham chiến nếu có chiến tranh

Trung cộng vừa ra dự thảo qui định các quân nhân đã nghỉ hưu có thể bị triệu tập tham chiến nếu có chiến tranh.

Thông tin trên được loan từ tờ South China Morning Post vào ngày 7/7 và truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lại trong cùng ngày.

Theo Pháp Luật online, đây được coi là những thay đổi trong qui định về nghĩa vụ quân sự của Bắc Kinh.

Trước đó, các thay đổi đã được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Bộ Cựu chiến binh TC để lấy ý kiến phản hồi của công chúng.

Bên cạnh việc nhập ngũ trong thời chiến, dự thảo cũng bao gồm việc tạo ra một hệ thống liên bộ cho việc nhập ngũ và nỗ lực thể chế hóa quá trình này như một phần của quá trình xây dựng chính phủ kỹ thuật số của Trung cộng.

Thông tin được loan trên tờ Pháp Luật Online trích lời ông Song Zhongping, cựu huấn luyện viên của Quân đội Trung cộng, nói rằng cần phải sửa đổi các quy định để phản ánh những thay đổi lớn hơn trên thế giới và giúp nước này chuẩn bị tốt hơn trong các trường hợp khẩn cấp.

Bản dự thảo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ của Trung cộng với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng đang trở nên căng thẳng vì nhiều vấn đề khác nhau, từ yêu sách lãnh thổ đến nhân quyền.

Trước đó, vào tháng 1/2021, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã từng nhấn mạnh quân đội phải tận dụng lực lượng giàu kinh nghiệm ở tiền tuyến để cải thiện khả năng của quân đội. Đồng thời ông Tập Cận Bình cũng từng khẳng định quân đội Trung cộng “sẵn sàng ứng phó” với các tình huống phức tạp và khó khăn khi đất nước phải đối mặt với các thách thức an ninh.

Đất Việt (09.07.2021)

 

 

 

Trung cộng quấy nhiễu dự án khí đốt của Mã Lai trên Biển Đông

Ảnh minh họa : Máy bay của Không quân Hoàng gia Mã Lai trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông. Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015. LT. JONATHAN PFAFF / US NAVY / AFP

Các tàu tuần duyên Trung cộng đã ngăn cản các hoạt động khai thác một mỏ khí đốt của Mã Lai, và các chiến đấu cơ Trung cộng đồng thời xâm nhập không phận của nước này. Trang web Energy Voice hôm nay 08/07/2021 dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết như trên.

Đây là lần thứ ba trong vòng 18 tháng qua các tàu tuần duyên Trung cộng quấy nhiễu việc khai thác dầu khí của Mã Lai. AMTI nhận định, sự kiện này thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh ngăn trở các hoạt động dầu khí của các quốc gia láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Và việc xâm nhập không phận cũng không phải là tình cờ, mà chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng leo thang gây áp lực lên các nước yêu sách chủ quyền Biển Đông để họ phải lùi bước.

Energy Voice trích nhận xét của chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS, cho dù Trung cộng muốn mở rộng quan hệ kinh tế và duy trì quan hệ thân thiện với Mã Lai, nhằm buộc Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận khai thác chung, tuần duyên Trung cộng vẫn gia tăng áp lực qua việc quấy nhiễu các giàn khoan, tàu tiếp liệu và tàu thăm dò của Mã Lai.

Căng thẳng gần đây nhất diễn ra tại mỏ khí đốt Kasawari thuộc lô SK316 ở ngoài khơi Sarawak, tại EEZ của Mã Lai trên Biển Đông, do Petronas Carigali, chi nhánh của tập đoàn Petronas khai thác. Ngày 01/06, Bắc Kinh điều 16 chiến đấu cơ bay theo đội hình chiến thuật để áp sát vị trí chuẩn bị đặt giàn khoan, và phớt lờ những cảnh báo của Mã Lai. Bộ Ngoại Giao Mã Lai sau đó đã triệu mời đại sứ Trung cộng để phản đối.

Song song đó, theo AMTI, các tàu tuần duyên Trung cộng còn quấy rối các hoạt động ở mỏ Kasawari suốt từ đầu tháng Sáu đến ít nhất là ngày 05/07, bất chấp sự hiện diện của Hải quân hoàng gia Mã Lai và mỏ khí này nằm cách vùng duyên hải Trung cộng đến hơn 1.000 kilomet.

Kể từ 2013, tuần duyên Trung cộng liên tục xuất hiện tại bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Mã Lai. Đối với Việt Nam, Bắc Kinh gây áp lực khiến Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng với Repsol tại lô 06-01, Bãi Tư Chính năm 2018. Đến năm 2019, Trung cộng đưa giàn khoan Hải Dương Địa Chất 8 đến quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại EEZ của Việt Nam, và năm 2020 cho các tàu quân sự cỡ lớn đến đe dọa khu vực mỏ khí của Việt Nam ở lô 06-01, khiến Rosneft Vietnam phải hủy hợp đồng khoan với Noble Corporation.

RFI (08.07.2021)

 

 

 

Việt Nam phản đối Trung cộng đưa tàu nghiên cứu mới đến Hoàng Sa

Hoàn Cầu Thời Báo nói con tàu của Đại học Tôn Trung Sơn là nền tảng nghiên cứu khoa học biển hàng đầu và “đóng vai trò tích cực” trong chiến lược phát triển hàng hải của Trung cộng.

Việt Nam hôm 8/7 nói kế hoạch đưa tàu nghiên cứu của Trung cộng đến quần đảo Hoàng Sa là “xâm phạm chủ quyền” của Việt Nam, hai ngày sau khi thông tin về động thái mới nhất của Bắc Kinh được loan tin.

“Mọi hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học và khảo sát vùng biển Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị”, Tuổi Trẻ dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, nói trong cuộc họp báo ngày 8/7.

Trước đó, hôm 6/7, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin tàu nghiên cứu của Đại học Tôn Trung Sơn, tàu nghiên cứu mới nhất và lớn nhất do nhà máy đóng tàu Giang Nam của Trung cộng chế tạo, sẽ được đưa đến Hoàng Sa vào tháng 10 để tiến hành nghiên cứu về khí quyển đại dương, đáy biển, sinh vật biển và “khảo cổ học”. Nhà máy đóng tàu Giang Nam cũng là nơi đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ 2 và 3 của Trung cộng.

Vào tháng 8 năm ngoái, khi con tàu được khánh thành, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung cộng nói con tàu là nền tảng nghiên cứu khoa học biển hàng đầu của Trung cộng trong tương lai và “đóng vai trò tích cực” trong chiến lược phát triển hàng hải và của Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao.

Theo tờ báo Trung cộng, con tàu nghiên cứu có chiều dài 113m, rộng 19,4m và lượng giãn nước khoảng 6.900 tấn này có khả năng điều hướng toàn cầu trong các khu vực hàng hải không giới hạn và có thể chở hơn một chục phòng thí nghiệm di động.

Trên tàu còn có một bãi đáp trực thăng, thuận tiện cho các nhà nghiên cứu khoa học và vận chuyển vật liệu, đồng thời có thể dùng làm bãi đáp cho máy bay không người lái, có thể mở rộng phạm vi quan sát nghiên cứu khoa học.

Hoàn Cầu Thời Báo nói con tàu có khả năng hoàn thành nhiều loại nghiên cứu khoa học khác nhau “từ đáy biển cho đến bầu trời cao 10.000 mét”.

Trong khi đó, SMCP cho rằng việc Bắc Kinh đưa tàu nghiên cứu đến Biển Đông là nhằm thúc đẩy việc khảo sát và thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên.

Tại cuộc họp báo ngày 8/7, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lặp lại phát ngôn đã được đưa ra nhiều lần rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982”.

VOA (08.07.2021)

 

 

Báo cáo nghiên cứu: Hải quân Trung cộng có thể vượt Hoa Kỳ ở Biển Đông

Ảnh: Youtube/DKN.TV.

Một báo cáo nghiên cứu được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ (CRS) cập nhật vào đầu tháng này đã chỉ ra rằng địa vị lâu dài của Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc quân sự hàng đầu trong Tây Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng bởi Trung cộng. Hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa từ hải quân của Trung cộng, và nó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong kế hoạch và ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm thứ Tư (7/7), tác giả bài báo và chuyên gia về các vấn đề hải quân Ronald O’Rourke đã chỉ ra rằng trong 25 năm qua, hải quân Trung cộng không ngừng hiện đại hóa nay đã trở thành một lực lượng hùng mạnh ở vùng duyên hải Trung cộng. Lực lượng quân đội nước này hiện đang tiến hành ngày càng nhiều hoạt động ở vùng biển xa hơn, bao gồm cả phía tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và vùng biển rộng lớn khắp châu Âu.

Báo cáo cho biết, trong kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh quyền lực lớn, các hành động của Trung cộng trong lĩnh vực hiện đại hóa quân đội, bao gồm cả hiện đại hóa hải quân, đã trở thành trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch và ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Trong báo cáo, chuyên gia O’Rourke đã phân tích nhiều mục tiêu của Trung cộng đối với hiện đại hóa hải quân: (1) Phát triển các khả năng cần thiết để ứng phó với tình hình ở Đài Loan bằng các biện pháp quân sự; (2) Hiện thực hóa mức độ lớn hơn ở các khu vực ngoài khơi của Trung cộng, đặc biệt là Biển Đông; (3) Chế tài các hoạt động quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) 200 dặm của mình; (4) bảo vệ các tuyến liên lạc hàng hải thương mại của TQ, đặc biệt là các tuyến nối với Tuyến Vịnh Ba Tư; (5) Thay thế Ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và quyền kiểm soát của Hoa Kỳ đối với các vùng nước sâu ở Tây Thái Bình Dương ; (6) Duy trì địa vị của Trung cộng như một cường quốc khu vực và thế giới.

Báo cáo cũng đề cập rằng một số nhà quan sát tin rằng chính quyền Trung cộng hy vọng rằng hải quân của họ có thể có thể ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan hoặc các vấn đề khác, ít nhất là có thể trì hoãn sự xuất hiện hoặc giảm hiệu quả của Lực lượng của Hoa Kỳ. Gần đây, ĐCSTQ đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan và liên tục cho máy bay quân sự xâm phạm không phận của Đài Loan. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy rằng ĐCSTQ có thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Báo cáo chỉ ra rằng để đối phó với thách thức hiện đại hóa hải quân của Trung cộng, Hải quân Hoa Kỳ cũng đã thực hiện một loạt hành động trong những năm gần đây: (1) Tỷ lệ hạm đội lớn hơn, cũng như các tàu tiên tiến nhất, máy bay và những nhân tài tốt nhất sẽ được triển khai đến Thái Bình Dương. (2) Duy trì hoặc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực; (3) Tăng cường đào tạo và tập trận; (4) Liên hệ và hợp tác với hải quân các nước đồng minh trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; (5) Mở rộng quy mô lực lượng hải quân theo kế hoạch; (6) Phát triển công nghệ quân sự mới và trang bị vũ khí mới; (7) Xây dựng kế hoạch tác chiến mới để chống lại các lực lượng chống tiếp cận của Trung cộng.

Báo cáo trích dẫn phân tích của các nhà quan sát để đo lường sức mạnh hải quân tổng thể của Hoa Kỳ và Trung cộng. Ví dụ như thực lực của Hoa Kỳ và Trung cộng ở Biển Đông, rất có thể trong tương lai gần, Trung cộng “cuối cùng sẽ ngang bằng, thậm chí vượt qua Hoa Kỳ.” Ông cũng đề cập đến việc Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Philip Davidson từng nói, “Ngoại trừ chiến tranh với Hoa Kỳ, trong tất cả các kịch bản khác, Trung cộng hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông”.

Đại Kỷ Nguyên (09.07.2021)

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức – Trung họp video, Đức cảnh báo điều khinh hạm đến Biển Đông

Hôm 6/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã tổ chức một cuộc họp qua video. Ngoài việc thảo luận về tình hình Biển Đông, bà Kramp-Karrenbauer cũng trực tiếp chỉ trích về vấn đề nhân quyền và tình hình của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung cộng; thậm chí còn nói rằng Đức sẽ triển khai khinh hạm (frigate) Bayern đến Biển Đông.

Khinh hạm Bayern (F217) của Đức trên Biển Baltic vào ngày 10/6/2008. (Wikipedia / Public Domain)

Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Đức (Bundesministerium der Verteidigung), bà Kramp-Karrenbauer đã nhắc nhở ông Ngụy về tầm quan trọng của phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài quốc tế. Sau khi Tòa án Quốc tế nhận được khiếu nại từ Philippines, đã căn cứ theo “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” (UNCLOS) để ra phán quyết và hạn chế các yêu sách của Trung cộng trên một phần Biển Đông. 

Về yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Đức một lần nữa nêu rõ lập trường của nước này là tôn trọng luật pháp.

Đức tuyên bố rằng phán quyết của Tòa trọng tài vào tháng 7/2016 có giá trị ràng buộc, nó cũng đã ảnh hưởng đến phương châm chỉ đạo về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Chính phủ Liên bang Đức ban hành vào tháng 9 năm ngoái.

Trong cuộc họp qua video, bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố trực tiếp trước mặt Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng rằng, phía Đức đang có kế hoạch triển khai khinh hạm “Bayern” đến Biển Đông. Bà hy vọng rằng tất cả các nước có thể tuân thủ trật tự quốc tế, và chỉ ra trách nhiệm của Bắc Kinh.

Ngoài ra, khi ông Ngụy Phượng Hòa bày tỏ hy vọng Đức có thể tiếp tục hợp tác với Trung cộng để đảm bảo sự phát triển của quan hệ song phương, bà Kramp-Karrenbauer đã thẳng thắn đưa ra vấn đề nhân quyền và tình hình của dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung cộng, đồng thời lên án Bắc Kinh.

Theo Vision Times

NTDVN (08.07.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen