Seite auswählen

Reuters

Tác giả: David Brunnstrom

Dương Lệ Chi, chuyển ngữ

13-7-2021

 

 

Người dân lái xe trên đường phố, được trang trí để cổ vũ ngày bầu cử ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/5/2021. Nguồn: Reuters/ Thanh Huệ / File Photo

WASHINGTON (Reuters) – Người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm đại sứ kế tiếp của Hoa Kỳ ở Việt Nam, tuyên bố tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm thứ Ba [13/7] rằng, sẽ thúc đẩy quan hệ an ninh với Hà Nội, trong khi tìm cách tiếp cận thị trường công bằng và thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền.

Marc Knapper, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp hiện đang giữ chức Phó trợ lý Bộ trưởng, phụ trách Nhật Bản và Hàn Quốc, nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, rằng mối quan hệ giữa Washington và kẻ thù trước đây trong Chiến tranh Việt Nam, đã trải qua sự “chuyển đổi sâu sắc” kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước, năm 1995.

Ông nói: “Hai nước chúng ta đã chuyển từ lịch sử xung đột sang quan hệ đối tác toàn diện, bao gồm các mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giữa người dân với nhau”, đồng thời ông nói thêm rằng, mối quan hệ không phải là không có thách thức.

Knapper nói: “Chúng ta có những mối quan tâm rất nghiêm túc. Chỉ khi nào chúng ta nhận thấy có những tiến bộ đáng kể về nhân quyền thì mối quan hệ đối tác của chúng ta mới có thể phát huy hết tiềm năng của nó”.

Knapper nhấn mạnh những hạn chế của Hà Nội đối với quyền tự do internet và đề cập đến “một xu hướng đáng lo ngại là sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện hoặc trái pháp luật, kết án oan và các bản án khắc nghiệt đối với các nhà báo và các nhà hoạt động“.

Ông nói rằng, ông sẽ “thúc giục” Hà Nội “tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền hội họp ôn hòa, và tôn trọng quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng“.

Knapper, một nhà ngôn ngữ học, nói được tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Việt, cho biết, thương mại song phương với Việt Nam đã tăng từ mức gần như con số không hồi năm 1995, lên đến hơn 90 tỷ đô la trong năm 2020, nhưng cũng có những thách thức.

Ông cho biết sẽ “ủng hộ một sân chơi bình đẳng cho các công ty và các nhà đầu tư Hoa Kỳ, gồm cả việc thúc giục Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận thị trường công bằng, cho các dịch vụ kỹ thuật số và hàng nông sản của Hoa Kỳ“.

Knapper là con trai của một cựu chiến binh Việt Nam, hứa sẽ tăng cường quan hệ an ninh, nói rằng Hà Nội và Washington đều tin rằng “không có thách thức nào lớn hơn” mà Trung Quốc đặt ra, kể cả ở Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.

Hiện tại, chúng ta có điều mà chúng ta gọi là quan hệ đối tác toàn diện; chúng ta hy vọng sẽ nâng nó lên thành quan hệ đối tác chiến lược và tôi sẽ thực hiện các bước để thực hiện điều đó bằng cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ an ninh của chúng ta với Việt Nam“, ông nói./.

Tiếng Dân

Chú thích:

Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Tới 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 13 quốc gia: Nam Phi (2004); Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019).

Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự. Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng.

Theo giáo sư Va-lê-ri Lót-xkin (Nga), “đối tác chiến lược” phải bao gồm những nội dung sau:

Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau.

Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh.

Về hình thức, đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.

Việt Nam có 17 nước là đối tác chiến lược (3 nước là đối tác chiến lược toàn diện) trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm: Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008); Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức và Italy (2011); Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020).

Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Tới nay, chỉ có 3 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Nga (2012), Trung Quốc (2008) và Ấn Độ (2016).  (Wikipedia)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen