Seite auswählen

Theo như hiện nay chính quyền Hoa Kỳ đang cố gắng di tản các yếu nhân cùng những viên chức cộng tác với chính phủ Mỹ trong suốt 20 năm qua trước khi sợ Taliban trả thù tàn bạo với những người dân này, khiến nam nhạc sĩ Nam Lộc, cựu giám đốc di trú và tị nạn thuộc cơ quan USCC, Los Angeles, cho biết ông vừa vận động được nhiều người gốc Việt ở khắp nơi nhận bảo trợ hơn 150 gia đình Afghanistan tị nạn và giúp họ hội nhập vào đời sống mới ở Mỹ.

Từ trái, nhạc sĩ Nam Lộc, cô Bethany Ka (sinh viên tâm lý học), Luật Sư Grace Bùi, cô Nguyễn Hạnh Vy (sinh viên tiến sĩ xã hội học), và Luật Sư Võ Tiến Đạt trước khi vào văn phòng Ủy Ban Người Tị Nạn và Di Dân Hoa Kỳ (USCRI) ở Washington, DC, hôm Thứ Năm, 26 Tháng Tám, để vận động cho người tị nạn Việt Nam và Afghanistan. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

Trong lúc Afghanistan lâm vào tình trạng hỗn loạn, quân khủng bố Taliban đã vào đến thủ đô Kabul, chiếm dinh tổng thống, chính quyền Hoa Kỳ cố gắng di tản các yếu nhân cùng những viên chức cộng tác với chính phủ Mỹ trong suốt 20 năm qua trước khi Taliban trả thù tàn bạo.

Trước hoàn cảnh này, TổngThống Joe Biden kêu gọi các công dân Mỹ có lòng nhân đạo tiếp tay bảo trợ những người Afghanistan tị nạn đang lần lượt di tản và sẽ đến Hoa Kỳ, với số lượng ước tính là 30,000 người.

 

Người Afghanistan tị nạn được chia thành hai diện

Sau khi họp với các viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ đặc trách vấn đề tị nạn cùng năm dân cử liên bang không muốn nêu tên, trong đó có ba thượng nghị sĩ và hai dân biểu, ông Nam Lộc được biết chính phủ Mỹ chia những người Afghanistan tị nạn ra làm hai diện.

Diện thứ nhất là “Special Immigrant Visas” (SIV), có quy chế tị nạn và diện thứ nhì là “Humanitarian Parole” (HP).

Nhạc sĩ nói: “‘SIV’ là những người làm việc trực tiếp với người Mỹ như thông dịch viên trong lúc diện ‘HP’ là những người làm việc cho các cơ quan bất vụ lợi hay hiệp hội xã hội hay tôn giáo của Mỹ tại Afghanistan.”

Theo ông Nam Lộc, diện “SIV” được hưởng quy chế tị nạn, từ trợ cấp ‘welfare’ đến các quyền lợi khác trong lúc diện “HP” không có gì.

Ông Nam Lộc thở dài: “Đây là chỗ khó khăn của tôi vì tôi phải giải thích rõ ràng cho những đồng hương đã nhận lời bảo lãnh. Lúc trình bày với họ, tôi chưa có thông tin về diện ‘HP.’”

Người Mỹ gốc Việt sẵn lòng giúp đỡ

Mặc dù nhận lời với ông Nam Lộc trước khi chính phủ Mỹ phân loại diện tị nạn, những người Mỹ gốc Việt tỏ ra bình tĩnh vì quyết định của họ đựa trên cơ sở “liệu cơm gắp mắm.”

Cô Lisa Thùy Dương Nguyễn, cư dân Huntington Beach, California, nói: “Tôi nhận lời giúp những người tị nạn này vì trước đây gia đình tôi được người khác giúp đỡ rồi. Giúp những người này là cách thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với những người giúp tôi trong quá khứ.”

Ông Viêm Mai, cư dân Antioch, California, cho hay ông sẵn sàng bảo lãnh hai gia đình người Afghanistan.

Ông nói: “Trước đây, trước sau, tôi từng bảo lãnh từ 50 tới 60 người ở Việt Nam qua rồi nên bây giờ chỉ bảo lãnh hai gia đình người Afghanistan chừng 10 tới 15 người thì đâu có sao.”

Ông muốn chọn hai gia đình Afghani vì muốn họ có bạn cho đỡ cô đơn tại Mỹ.

Ông thêm: “Có điều mình chưa thông thạo văn hóa và phong tục của họ nên hơi ngại một chút, nhưng tôi tin mọi việc sẽ đâu vào đó thôi.”

Ông cười: “Mình đâu có làm gì nhiều. Trong mấy tháng đầu chỉ chịu khó đưa họ đi làm thủ tục nhập cư hay đi học hay xin việc làm thôi.”

Có người sẵn sàng chia sẻ phần nào gánh nặng tài chánh.

Ông Đỗ Cao Daklak, ở Springboro, Ohio, đồng ý giúp chừng 40 người Afghanistan.

Ông đồng ý chia sẻ phần nào gánh nặng tài chánh với cơ quan USCC địa phương.

Một mình tôi không chịu nổi hết đâu, nhưng một phần nào thì tôi ráng,” ông nói.

Ông chia sẻ: “Có người khuyên tôi đừng giúp những người Afghanistan này vì họ là người Hồi Giáo và có thể là khủng bố. Tôi không nghĩ như vậy. Những người theo khủng bố thường được sinh đẻ ở Mỹ rồi nghe lời xúi giục làm bậy thôi.”

Cô Lisa Thùy Dương Nguyễn: “Giúp những người Afghanistan tị nạn là cách thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với những người đã giúp tôi trong quá khứ.” (Hình: Lisa Thùy Dương Nguyễn cung cấp)

Ông thêm: “Mình từng bị chính phủ Mỹ bỏ rơi rồi thì bây giờ mình giúp họ cũng phải thôi. Họ bị Mỹ bỏ rơi như Mỹ bỏ rơi mình hồi đó.”

“Là người tị nạn, mình từng được giúp đỡ thì bây giờ mình chuyển tiếp sự giúp đỡ thôi. Đó là điều tôi phải làm,” ông Daklak nói.

Ông thêm: “Theo hướng dẫn của anh Nam Lộc, tôi sẽ giúp những người tị nạn này qua cơ quan USCC. Tùy theo khả năng làm việc của họ, tôi nghĩ tôi có thể cung cấp việc làm cho 15 người.”

Có người lại kêu gọi thêm nhiều người khác cùng ra tay cứu giúp.

Bác Sĩ Victor Phạm ở San Jose, California, cho hay ông biết mình tuổi già, không có sức nên cần nhiều người chung vai.

Như bao người gốc Việt khác ông sẵn sàng đền ơn được cưu mang, giúp đỡ trong quá khứ.

Ông nói: “Một mình tôi không làm được bao nhiêu nhưng nhờ là thành viên Hội Đồng Điều Hành của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại vùng Tây Bắc, tôi kêu gọi anh em góp sức. Và hơn một trăm người sẵn lòng giúp đỡ những người tị nạn mới này.”

Ông thêm: “Ai có khả năng thì giúp đỡ tài chánh, ai không có thì bỏ công chở họ xin đi giấy tờ, đi học, đi mua sắm, hoặc đi xin việc làm. Ai làm được gì thì làm.”

 

Không quên hàng ngàn người Việt tị nạn Cộng Sản ở Thái Lan

Một mặt vận động giúp đỡ người Afghan tị nạn, mặt khác ông Nam Lộc vẫn kiên trì vận động để đưa chừng 1,800 người Việt Nam tị nạn còn kẹt ở Thái Lan, có người ở lâu tới 32 năm, đến Mỹ.

“Tôi rất nôn nao muốn đưa những người này qua Mỹ ngay bây giờ nhưng muốn là một chuyện…,” ông Nam Lộc tâm sự.

Ông cho biết có nhiều người nóng lòng muốn thấy công việc bảo trợ người nạn Việt Nam tị nạn ở Thái Lan phải có kết quả ngay.

Ông Nam Lộc chia sẻ: “Việc gì đáng làm, đáng quý ở đời cũng đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Chính vì thế, tôi luôn tự nhắc nhở mình và nhắc nhở những người từng giúp đỡ tôi từ trước đến giờ là xin hãy kiên nhẫn đợi chờ.”

Một đời đấu tranh

Ngay sau khi đến trại Camp Pendleton, San Diego, California, vào ngày 2 Tháng Năm, 1975, ông Nam Lộc tình nguyện hỗ trợ những người tị nạn mới đến.

Sau khi rời trại, ông cư ngụ vùng Los Angeles và làm việc cho USCC, một tổ chức thiện nguyện của Tổng Giáo Phận Los Angeles, chuyên giúp người tị nạn, vào Tháng Sáu cùng năm cho đến khi nghỉ hưu vào ngày 31 Tháng Bảy, 2015, trong vai trò giám đốc tổ chức này.

Trong 39 năm 8 tháng làm việc cho USCC, nhạc sĩ Nam Lộc thường xuyên xuất hiện trên nhiều cơ quan truyền thông Việt Ngữ giải thích các vấn đề liên quan đến di trú cho cộng đồng Việt Nam.

Ngoài ra, ông cũng tham gia rất nhiều vào việc tái định cư cho hàng trăm nghìn người tị nạn từ Đông Nam Á, Đông Âu, Trung Mỹ, và Trung Đông.

Ông cũng từng đến nhiều trại tị nạn khắp thế giới, trong đó có chuyến trở lại Việt Nam vào năm 1991 cùng với Ủy Ban Hành Động Quốc Tế để đàm phán với chính phủ về Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP).

Bên cạnh công việc của mình, ông tham gia vận động chính sách bao gồm vận động hành lang Quốc Hội, giáo dục cộng đồng, và ghi danh cử tri,…

Kêu gọi cứu giúp người Afghanistan

Ông Nam Lộc kêu gọi mọi đồng hương, nếu có thể, giúp những người Afghanistan tị nạn bằng một trong những phương cách sau đây:

1-Liên lạc trực tiếp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Washington, DC.

2-Liên lạc với các cơ quan thiện nguyện như USCCB, IRC, USCRI, LIRS, CWS, v.v…

3-Gởi email về: namlocnguyen@yahoo.com. [đ.d.]

 

Theo VietBF

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen