Seite auswählen

Ảnh minh họa: Youtube/Aljazeera.

Ông John Supple phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, trả lời câu hỏi về sắc lệnh của Trung cộng: “Hoa Kỳ vẫn kiên quyết rằng bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển, không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Bình luận được đưa ra 2 ngày sau khi Trung cộng thông báo rằng, các tàu nước ngoài đi vào “lãnh hải” của Trung cộng sẽ phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa của họ cho các cơ quan hàng hải của nước này.

Những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung cộng đối với các tuyến đường thủy giàu tài nguyên – một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới – đã là nguyên nhân gây căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh, các chính phủ láng giềng và Washington trong nhiều năm qua.

Đại Kỷ Nguyên (02.09.2021)

 

 

Việt Nam lên tiếng việc Trung cộng thực thi Luật an toàn giao thông hàng hải

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng trước việc Trung cộng chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi từ ngày 1/9/2021.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung cộng chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS”.

Trước đó, Trung cộng đã thông báo việc triển khai các quy định bổ sung trong Luật an toàn giao thông hàng hải, trong đó có những yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào “vũng lãnh hải của Trung cộng” theo cách gọi của Bắc Kinh. Quy định bổ sung này chính thức có hiệu lực từ 1/9/2021.

Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung cộng được ban hành vào tháng 4/2021. Luật này có quy định, các tàu nước ngoài vào “vùng lãnh hải” Trung cộng phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung cộng. Yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm/lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác được coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung cộng.

Nếu các tàu không khai báo theo yêu cầu, cơ quan quản lý hàng hải Trung cộng sẽ áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý.

Các nhà quan sát cho rằng động thái trên cho thấy những nỗ lực tiếp theo của Bắc Kinh nhằm kiểm soát giao thông dân sự và quân sự xung quanh các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền một các phi lý.

Theo UNCLOS, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Các quốc gia ven biển không được quyền cản trở việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài, không được phép yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước.

Trung cộng ngang nhiên tuyên bố nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông là “lãnh hải” của mình, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Quốc gia này gần đây cũng thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài để “ngăn chặn mối đe dọa”, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

NTDVN (02.09.2021)

 

 

Trung cộng đặt ‘bom hẹn giờ’ mới trên biển, gia tăng căng thẳng trong khu vực

Từ ngày 1/9, Trung cộng chính thức áp dụng Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi yêu cầu các tàu nước ngoài phải “báo cáo thông tin chi tiết” trước khi đi vào vùng biển mà Trung cộng tuyên bố là lãnh hải của mình.

 

Một tàu tuần duyên Trung cộng hoạt động gần giàn khoan dầu của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông chụp ngày 14/5/2014. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)

Hôm Chủ nhật (29/8), Trung cộng thông báo Luật hàng hải mới (Maritime Traffic Safety Law – MTSL) quy định về việc các tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9.

Đài Truyền hình Trung ương Trung cộng (CCTV) trích quy định cho biết 5 loại tàu phải khai báo gồm: (1) tàu ngầm; (2) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (3) tàu chở vật liệu phóng xạ; (4) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (5) các tàu khác “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung cộng” được mô tả trong các luật và quy định hành chính.

Quy định nêu rõ các tàu phải khai báo danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.

Sau khi đi vào “vùng lãnh hải Trung cộng”, nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc AIS bị hư, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển mỗi 2 tiếng cho nhà chức trách Trung cộng.

Cũng theo Điều 53 của Luật này, Trung cộng có quyền ngăn chặn và dừng “các tàu nước ngoài qua lại không vô hại trong lãnh hải Trung cộng” và Cục An toàn Hàng hải Trung cộng cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ “bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Các chuyên gia Trung cộng nói với tờ truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn cầu rằng, họ coi việc ban hành các quy định hàng hải như vậy là một dấu hiệu của nỗ lực tăng cường nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung cộng trên biển bằng cách thực hiện các quy tắc nghiêm ngặt để tăng cường khả năng nhận dạng hàng hải.

Song Zhongping – một nhà bình luận truyền hình (Trung cộng) cho biết trên Thời báo Hoàn Cầu, Cục An toàn Hàng hải có quyền xua đuổi hoặc từ chối việc xâm nhập của một tàu vào vùng biển của Trung cộng nếu tàu này bị phát hiện là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung cộng.

Wu Fei – Phó giáo sư tại Đại học Tế Nam Quảng Châu (Trung cộng) viết: “Các tàu lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung cộng… người ta khó có thể không liên kết chúng với các tàu quân sự do Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản triển khai tới Biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan”.

‘Quả bom hẹn giờ’ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực

Luật hàng hải mới của Trung cộng được nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với việc tàu thuyền qua lại, cả thương mại và quân sự, ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan đang tranh chấp, và có khả năng làm leo thang căng thẳng hiện có với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực.

Hiện nay, các hoạt động hàng hải quốc tế được điều chỉnh bởi một thỏa thuận quốc tế gọi là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung cộng, Ấn Độ và hơn một trăm quốc gia khác là thành viên ký kết. Theo đó, các quốc gia có quyền thực hiện quyền lãnh hải lên đến 12 hải lý trên biển. UNCLOS cũng tuyên bố rằng tất cả các tàu thuyền đều có quyền “đi lại vô hại” qua khu vực này. Luật mới của Trung cộng vi phạm điều này.

UNCLOS quy định rằng việc đi lại vô hại là “liên tục và nhanh chóng”“miễn là không làm phương hại đến hòa bình, trật tự tốt hoặc an ninh của Quốc gia ven biển”. Do đó, nếu một tàu nước ngoài đang thực hiện việc đi lại vô hại, các quốc gia ven biển “sẽ không cản trở việc tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải một cách vô hại”. Các quốc gia ven biển chỉ có thể thực thi pháp luật nếu các tàu bị cáo buộc đã vi phạm chế độ đi lại vô hại trong lãnh hải.

Nhưng ông Su Tzu-yun – Giám đốc Phòng Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đài Loan – đã chỉ ra rằng, Bắc Kinh định nghĩa vùng lãnh hải của mình rộng hơn nhiều, bao gồm: “vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cũng như các vùng biển khác thuộc thẩm quyền của mình”.

Tiến sĩ Monika Chansoria – Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo và là người chuyên về an ninh châu Á đương đại và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, gọi động thái này của Trung cộng là sự tiếp nối của một loạt quyết định được tăng cường ở Biển Hoa Đông và Biển Đông từ năm 2020.

Tháng 2/2021, Trung cộng đã thông qua Luật Hải cảnh sửa đổi cho phép Cảnh sát biển Trung cộng sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài và phá huỷ các công trình kinh tế trong các khu vực tranh chấp.

Tiến sĩ Chansoria cho biết, lực lượng Cảnh sát biển Trung cộng hiện nay là một “tổ chức bán quân sự” trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA).

Tiến sĩ Chansoria nói với tờ Indian Express trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Tất cả những tuyên bố này đều rất đáng báo động, vì chúng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể xảy ra – có thể đe dọa sự ổn định và an ninh tổng thể ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan”.

Theo Chương VI của Luật Cảnh sát biển, các quan chức Cảnh sát biển Trung cộng có thể sử dụng vũ khí cầm tay nếu một tàu nước ngoài “bất hợp pháp” đi vào vùng biển mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền. Hơn nữa, họ có thể sử dụng vũ khí trên không nếu tàu hoặc máy bay của Trung cộng bị tấn công.

Không rõ luật hàng hải mới của Trung cộng sẽ được thực thi mạnh mẽ đến mức nào và trên phạm vi địa lý rộng như thế nào.

Bài báo “Luật An ninh Hàng hải sửa đổi của Trung cộng” của Khoa Luật Quốc tế (International Law Studies – Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ) đã phân tích những rủi ro đi kèm cả bề rộng địa lý và yêu cầu của Trung cộng.

Bài phân tích chỉ ra rằng “phạm vi ứng dụng của MTSL có vấn đề”. Nó không chỉ đơn giản bao gồm các vùng nước ven biển mà còn bao gồm các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung cộng, vốn “không được xác định trong luật” và do đó “có chủ đích mơ hồ”.

Do “các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức của Trung cộng và các hoạt động thực thi trước đó, MTSL có thể được dự định áp dụng cho tất cả các vùng biển và khu vực đáy biển bao gồm: (1) đường chín đoạn ở Biển Đông, (2) kéo dài đến Máng Okinawa ở Biển Hoa Đông, và (3) vượt qua đảo đá Ieodo (Hàn Quốc –  Đá Socotra) ở biển Hoàng Hải.”

Phạm vi các tàu có khả năng bị ảnh hưởng bao gồm đội tàu chở dầu, tàu chở LNG và tàu chở hóa chất phục vụ các lĩnh vực sản xuất cần nhiên liệu của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với bản đồ “đường chín đoạn”, Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông rộng hơn 1,3 triệu dặm vuông là lãnh thổ có chủ quyền của mình và đã bị chỉ trích vì xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo trong khu vực mà Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Máng Okinawa ở Biển Hoa Đông là điểm giao thoa giữa Trung cộng và Nhật Bản, là tâm điểm của nhiều cuộc đụng độ căng thẳng giữa đội tàu đánh cá và lực lượng bảo vệ bờ biển, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý, Trung cộng tuyên bố chủ quyền.

Đối với Đài Loan, theo công ước của Liên Hợp Quốc, vùng biển giữa Đài Loan và Trung cộng được coi là một eo biển quốc tế, qua đó đảm bảo quyền tự do hàng hải “chỉ với mục đích vận chuyển liên tục và nhanh chóng qua eo biển”.

Ông Su Tzu-yun cho hay, các quốc gia khác lo ngại rằng việc Trung cộng lợi dụng luật pháp để mở rộng phạm vi xung đột “vùng xám” có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ”.

Theo ông Su, điều này sẽ bao gồm 12 hải lý trên biển bao quanh các rạn san hô nhân tạo mà Trung cộng đã xây dựng ở Biển Đông, tạo cho Bắc Kinh một cái cớ để đáp trả các cuộc tập trận tự do hàng hải do quốc gia khác thực hiện.

 

‘Quả bom hẹn giờ’ đe doạ thương mại hàng hải toàn cầu

Biển Đông là một tuyến hàng hải huyết mạch của nhiều nước trên thế giới, có tầm quan trọng kinh tế lớn trên toàn cầu. Gần một phần ba lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới đi qua các tuyến hàng hải ở đây.

Biển Đông cũng là một tuyến đường quan trọng đối với Ấn Độ, cả về mặt quân sự và thương mại. Khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, đồng thời hỗ trợ hiệu quả việc cung cấp năng lượng.

Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ước tính rằng hơn 55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông và eo biển Malacca. Ấn Độ cũng tham gia vào hoạt động thăm dò dầu khí tại các lô ngoài khơi. Điều này đã dẫn đến mối quan hệ bất hòa với chính quyền Trung cộng.

Theo tờ Asia Times, một tổ chức thương mại vận tải biển có trụ sở tại London (giấu tên) đã nghiên cứu Luật hàng hải mới của Trung cộng và cho biết có mối quan tâm đến vấn đề này trong ngành vận tải biển.

Theo truyền thống, hoa tiêu chỉ được đưa lên trên khi một con tàu đang đến gần bến cảng hoặc khi đi vào các tuyến đường thủy được quốc hữu hóa như kênh đào Suez hoặc Panama.

Nhưng theo các sửa đổi mới của Trung cộng thì có thể yêu cầu hoa tiêu ở các địa điểm thực sự xa vùng biển của Trung cộng – ngay cả ở các khu vực mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.

 

“Quả bom hẹn giờ” thách thức sự hiện diện của Mỹ và đồng minh trong khu vực

Để đối đầu với các lực lượng Trung cộng đã xây dựng và quân sự hóa một số bãi đá ngầm, đảo nhỏ và đảo nhân tạo ở Biển Đông, tàu chiến Mỹ đã tăng cường thực hiện hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) tại đây.

Các tàu Mỹ cũng đã bất chấp sự tức giận của Trung cộng và thường xuyên qua lại eo biển Đài Loan nhạy cảm.

Thông báo về việc áp đặt Luật hàng hải mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục USS Kidd và tàu duyên hạm USCG Munro của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 27/8.

“Chuyến hải hành đi qua eo biển Đài Loan của các tàu thể hiện cam kết của Mỹ với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Reuters ngày 28/8 dẫn tuyên bố của Hải quân Mỹ.

Bộ Quốc phòng Trung cộng phản đối động thái này và ‘lên án mạnh mẽ’ cuộc tập trận, trong khi Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mô tả đó là một hoạt động thường lệ.

Đây là lần thứ 8 tàu của Hải quân Mỹ đi qua khu vực này trong năm 2021.

Mặc dù vậy, Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung cộng đã được thông qua từ tháng 4/2021, yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Trung cộng phải thông báo cho cơ quan hàng hải, mang theo giấy phép liên quan và chịu sự chỉ huy và giám sát của Trung cộng.

Tàu chiến của các quốc gia khác như: Úc, Pháp, Nhật Bản, Vương quốc Anh gần đây đã thách thức sự thống trị của Trung cộng ở Biển Đông, mặc dù ít gây hấn hơn so với các tàu Mỹ.

Trung cộng sẽ thực thi Luật An toàn Giao thông Hàng hải mới (MTSL) như thế nào?

Trung cộng đã sở hữu hạm đội hải quân lớn với nhóm các tàu sân bay. Nước này cũng đã triển khai một “lực lượng dân quân hàng hải” không thể phủ nhận của các đội đánh cá được vũ khí hóa mà gần đây đã thực hiện các hành động quấy rối các bên tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả Phi Luật Tân.

Không có tài sản nào trong số các lực lượng này thuộc lĩnh vực thực thi luật an toàn và giao thông hàng hải. Tuy nhiên, có những dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị các công cụ cụ thể cần thiết để quản lý MTSL.

Vào tháng 4, Tạp chí Nikkei Châu Á của Nhật Bản đã báo cáo rằng, cơ quan thực thi của MTSL, Cục An ninh Hàng hải, hiện đang đóng một loạt tàu tuần tra chuyên dụng.

Theo trang web thương mại Ship Technology, chiếc đầu tiên trong số các tàu này và là tàu tuần tra biển lớn nhất của Trung Quóc – “Haixun 09” (Hải tuần 09), đã được hạ thủy tại Quảng Châu vào tháng 9/2020.

Với chiều dài 165 m và lượng giãn nước 10.700 tấn, con tàu được hoàn chỉnh với một bãi đáp trực thăng. Với tầm hoạt động 18.520 km (10.000 hải lý), tàu có thể thực hiện các chuyến đi kéo dài hơn 90 ngày, có khả năng hoạt động xa hơn các vùng biển ven biển Trung cộng.

Không rõ Trung cộng dự định thực hiện Luật hàng hải mới như thế nào.

Mỹ – nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân trong khu vực, không có khả năng tuân thủ luật pháp của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple gọi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 2021 do Trung cộng đặt ra là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ sát cánh cùng đối tác và đồng minh.

Các thành viên còn lại của UNCLOS sẽ phản ứng như thế nào trước thách thức này đối với hiệp định?

Đặng Hiếu

NTDVN (02.09.2021)

 

 

Thủ đoạn xâm lược mới của Bắc Kinh ở Biển Đông

Chỉ vài ngày sau chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris – mà trọng tâm là vận động hai nước Singapore và Việt Nam hợp tác chống lại sự cưỡng bức của Trung cộng trên Biển Đông – chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã tung ra các thủ đoạn mới, vừa đe nẹt các nước nhỏ trong khu vực, vừa thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ cổ xúy.

Hôm Thứ Sáu 27 Tháng Tám, chính phủ Trung cộng công bố các quy định mới về khai báo đối với các tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông, eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông – nơi Trung cộng tranh chấp với nhiều quốc gia khác. Quy định mới này là một phần trong cái gọi là Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung cộng có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Chín 2021, bất chấp sự phản đối của quốc tế do nó đi ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung cộng đã ký kết.

 

Quy định quái đản của Bắc Kinh

Quy định mới bắt buộc mọi tàu thuyền treo cờ nước ngoài phải khai báo với nhà chức trách Trung cộng khi đi vào vùng biển thuộc lãnh hải Trung cộng”.

Đài Truyền hình trung ương Trung cộng (CCTV) trích quy định cho biết năm loại tàu phải khai báo gồm: (i) tàu ngầm; (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (iii) tàu chở vật liệu phóng xạ; (iv) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (v) các tàu khác ‘có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung cộng’… Các tàu phải khai báo danh tính, số IMO [số định danh của Tổ chức Hàng hải Quốc tế], vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể. Sau khi đi vào “vùng lãnh hải Trung cộng”, nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc AIS bị hư, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển mỗi hai tiếng đồng hồ cho nhà chức trách Trung cộng.”

Thời báo Hoàn Cầu của Trung cộng đe dọa: “Cục An toàn hàng hải Trung cộng cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ ‘bị xử lý theo quy định của pháp luật’ và ‘nếu tàu bất tuân là tàu quân sự thì đây sẽ là một hành động ‘khiêu khích’ và sẽ bị quân đội Trung cộng ‘xua đuổi hoặc trừng phạt’”.

Hồi Tháng Giêng năm nay, Trung cộng đã ban hành Luật Hải cảnh mới, có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Hai vừa qua, cho phép cảnh sát biển của nước này sử dụng vũ khí tấn công tàu bè nước ngoài xâm phạm “vùng lãnh hải” của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Kết hợp lại, Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung cộng cho thấy Bắc Kinh quyết sử dụng vũ lực để áp đặt yêu sách chủ quyền, hay là “vùng lãnh hải Trung cộng”, lên các vùng biển quốc tế, trùm lên vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) của các quốc gia láng giềng ven biển Đông.

 

Thách thức luật quốc tế

Minh họa 1: Bản đồ đường chín đoạn (màu đỏ) do Bắc Kinh vẽ ra thể hiện yêu sách chủ quyền của Trung cộng trùm lên vùng biển quốc tế và vùng đặc quyền kinh tế (màu xanh xám) của các nước Đông Nam Á.

Cả Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung cộng đều áp dụng trong “vùng lãnh hải Trung cộng” – một khái niệm mà Bắc Kinh giải thích trái ngược với Công ước UNCLOS 1982, để bao trùm lên toàn bộ Biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò chín đoạn (nine dashed line) mà Bắc Kinh tùy tiện vẽ ra. (ảnh minh họa 1)

UNCLOS quy định một quốc gia ven biển có một “lãnh hải” (territorial waters) rộng 12 hải lý (22km) tính từ đường cơ sở đất liền (baseline), ngoài “lãnh hải” là “vùng tiếp giáp” (contiguous zone) cũng rộng 12 hải lý; và vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở – là nơi quốc gia ven biển có độc quyền khai thác các tài nguyên hải sản và khoáng sản. Bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý là vùng biển quốc tế (international waters), tàu thuyền, kể cả chiến hạm, của tất cả các nước khác được tự do qua lại mà không phải thông báo hoặc xin phép quốc gia ven biển. (ảnh minh họa 2)

Minh họa 2: Vùng biển của một quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS. Ảnh Wikipedia.

Theo điều 2 của Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của Trung cộng, “vùng lãnh hải” được định nghĩa là “vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung cộng” mà lãnh thổ Trung cộng bao gồm “đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan và các quần đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa)”. Cách giải thích tùy tiện và vô lý này của Trung cộng về “vùng lãnh hải” hoàn toàn trái ngược với Công ước UNCLOS vừa trình bày trên.

Theo công pháp quốc tế, nếu một đạo luật của một quốc gia nào đó trái ngược với các hiệp định quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết thì luật quốc tế phải được tôn trọng hơn, luật quốc tế có khả năng phủ quyết luật nội địa. Trong trường hợp này, Bắc Kinh đã dùng luật nội địa để phủ định luật quốc tế – một hành vi vừa coi thường công pháp quốc tế vừa tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho cộng đồng thế giới.

Quan điểm pháp lý đó của Trung cộng đã bị tòa án quốc tế bác bỏ. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) thuộc UNCLOS đặt tại The Hague, Hòa Lan, ban hành ngày 14 Tháng Bảy 2016 quyết định các đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông là “bất hợp pháp”, yêu cầu Trung cộng phải tôn trọng các quy định của UNCLOS trong vấn đề Biển Đông.

 

Xâm chiếm và đe dọa 

Tuy nhiên, âm mưu độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung cộng đã có từ rất lâu, và Bắc Kinh đã kiên trì thực hiện mưu đồ đó bằng những thủ đoạn xâm chiếm dần dần theo kiểu gặm từng miếng nhỏ: Chiếm phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956 trong lúc chuyển giao quyền lực giữa Pháp và Việt Nam Cộng Hòa; chiếm phần phía Tây Hoàng Sa trong trận hải chiến Tháng Giêng 1974 sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam; chiếm một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988, bồi đắp thành các hòn đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự; thành lập các đơn vị hành chính mới để “quản lý và tăng cường kiểm soát các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền”.

Sau khi lập được các căn cứ quân sự trang bị đầy đủ ở Hoàng Sa và Trường Sa, cùng với việc hiện đại hóa hải quân và mở rộng lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh) Trung cộng bắt đầu đẩy mạnh các thủ đoạn lấn chiếm, đe dọa và cưỡng ép, đưa tàu thăm dò và giàn khoan dầu khí vào các vùng đặc quyền kinh tế, truy đuổi và đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân các nước láng giềng, càng ngày càng hung hăng và tàn nhẫn. Các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và cả Indonesia lần lượt trở thành nạn nhân của chiến lược bành trướng lãnh thổ của Trung cộng trên Biển Đông. Ngoại trừ Phi Luật Tân – quốc gia có hiệp định phòng thủ chung với Hoa Kỳ – là nước duy nhất kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế, các nạn nhân còn lại hầu như không có biện pháp nào hiệu quả để phản kháng hoặc ngăn chặn hành vi lấn chiếm của Trung cộng ngoài những lời phản đối chiếu lệ.

Ngay sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris rời Việt Nam hôm 26 Tháng Tám, Trung cộng đã nhanh nhảu cử tàu thăm dò đáy biển Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) đi vào vùng EEZ Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) phía Nam đảo Côn Sơn – có khả năng khởi đầu cho một cuộc xung đột mới. Cùng thời điểm này, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng cũng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, chỉ cách bờ biển đảo Palawan khoảng 54 hải lý, với mục đích tương tự, buộc Hải quân Phi Luật Tân phải cử chiến hạm ra theo dõi và truy đuổi. Âm mưu và thủ đoạn của Trung cộng đe dọa, cưỡng bức các nước nhỏ để độc chiếm Biển Đông và nguồn tài nguyên dưới lòng biển diễn ra rất đa dạng, độc địa và hầu như chưa bao giờ ngừng lại.

Bây giờ các quy định mới của Trung cộng về khai báo, về luật hải cảnh, cộng đồng quốc tế – và các nước nạn nhân ở Đông Nam Á – phải đối diện với một thực tế mới: Nếu tuân thủ yêu cầu khai báo thì mặc nhiên công nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng trên phần lớn Biển Đông; còn ngược lại, nếu không chấp nhận yêu cầu khai báo của Trung cộng mà hành xử theo luật hàng hải quốc tế thì nguy cơ xung đột với lực lượng hải cảnh Trung cộng là hoàn toàn có thể. Lời khai báo của các tàu thuyền trên Biển Đông cũng có thể được Bắc Kinh sử dụng làm bằng chứng cho chủ quyền của họ; còn chống đối bằng vũ lực không phải là lựa chọn đúng cho các tàu thuyền dân sự vốn không được trang bị để chiến đấu.

 

Nguy cơ xung đột tăng cao

Theo một số nhà quan sát, quy định mới của Trung cộng còn nhắm tới các tàu quân sự mà Bắc Kinh gọi là “các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải” – một quy định rất mơ hồ, có thể diễn giải kiểu gì cũng được. Thời báo Hoàn Cầu ám chỉ điều này là nhắm tới các tàu quân sự nước ngoài, cụ thể là các hạm đội Mỹ. Trong các chiến dịch bảo đảm tự do hải hành (FONOPs) ở Biển Đông, Hải quân Mỹ luôn luôn nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay qua, đi thuyền qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”. Nếu Trung cộng liều lĩnh cản trở hoạt động của các chiến hạm Mỹ tại Biển Đông, eo biển Đài Loan hoặc vùng biển Hoa Đông gần đảo Senkaku của Nhật Bản thì chiến tranh là khó tránh khỏi và hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc không chỉ cho Trung cộng, Hoa Kỳ mà cả khu vực và thế giới. Cho dù giữa Trung cộng và Hoa Kỳ không nổ ra chiến tranh thì căng thẳng leo thang là điều chắc chắn.

Nhưng có nhiều khả năng khi áp đặt luật mới, Trung cộng chỉ nhắm đe dọa và cưỡng bức tàu thuyền dân sự và tàu thuyền của các nước nhỏ mà có thể không dám đụng đến Hải quân Hoa Kỳ. Chỉ cần các tàu dân sự chấp hành việc khai báo khi đi vào Biển Đông là Trung cộng đã có bằng chứng chứng minh cho quyền kiểm soát thực tế của họ trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất thế giới. Cách tính toán như vậy cho thấy sự thâm độc trong các hành vi của Bắc Kinh.

 

Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải làm gì?

Nhóm tác chiến HKMH Queen Elizabeth của Anh quốc trên biển Tây Thái Bình Dương hôm 30 tháng Tám. Ảnh UK Royal Navy.

Cộng đồng quốc tế và các nước châu Á, kể cả Nhật Bản và Nam Hàn, sẽ phản ứng như thế nào? Đã có những tiếng nói trong giới lập pháp và quân đội Mỹ yêu cầu chính quyền Biden bác bỏ các quy định của Trung cộng và ban hành các chỉ dẫn cho tất cả tàu thuyền treo cờ Mỹ “phớt lờ” các quy định đó. “Hoa Kỳ cần nói rõ rằng, tất cả tàu thuyền của Mỹ, dù dân sự hay quân sự, đều sẽ tiếp tục đi lại tự do trên vùng biển quốc tế. Mọi thế lực cố ngăn cản những hoạt động hợp pháp đó đều sẽ bị Hoa Kỳ trả đũa đích đáng,” báo The Washington Examiner bình luận hôm 31 Tháng Tám.

Trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua, Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhiều lần tố cáo mạnh mẽ mưu đồ của Trung cộng. Ở Singapore, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) bà Harris nhấn mạnh: “Chúng ta biết Bắc Kinh tiếp tục cưỡng ép, đe dọa và đòi chủ quyền một khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hủy cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia”. Trên chiến hạm USS Tulsa đậu ở quân cảng Changi của Singapore, bà Harris nói với binh sĩ Mỹ: “Lợi ích thiết yếu của chúng ta là đoàn kết với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, Phó Tổng thống Harris tiếp tục kêu gọi: “Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, tăng sức ép… buộc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ”.

Quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông đã rất rõ ràng. Công ước UNCLOS là nền tảng của trật tự hàng hải ở Biển Đông. Vấn đề bây giờ là Washington nên tận dụng lúc các nước Đông Nam Á và thế giới đang tức giận và lo âu trước các hành động hung hăng nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung cộng để hình thành một liên minh quốc tế để đương đầu với Bắc Kinh và buộc Trung cộng phải trả giá đắt cho sự liều lĩnh thách thức luật pháp và trật tự quốc tế. Chiến hạm của Anh, Đức, Pháp, Úc, Nhật và Ấn Độ đều đã và đang hiện diện ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương – đây có thể là thời điểm phù hợp để hình thành một liên minh quốc tế như vậy. Các nước nhỏ trong khu vực như Việt Nam, tuy không phải là đối thủ, thậm chí không nhiệt tình chống lại Trung cộng do sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị, cũng nên nắm lấy cơ hội để thể hiện sự ủng hộ luật pháp quốc tế, phản bác quan niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” của đảng Cộng sản Trung cộ

Đất Việt (02.09.2021)

 

 

Pháp và Úc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông

Ảnh vệ tinh Planet Labs, Inc. cung cấp ngày 18/08/2020, cho thấy một tàu ngầm Trung cộng đang tiến vào một căn cứ ở đảo Hải Nam, Biển Đông. AFP – –

Lần đầu tiên, Pháp và Úc tổ chức hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng (2+2) ngày 30/08/2021, dưới hình thức trực tuyến. Trong thông cáo chung, hai nước đã « bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông » và ủng hộ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Dù không bị nêu đích danh, có thể thấy hầu hết những bất ổn được hai nước nêu lên là có liên quan đến Trung cộng.  

Về tình hình Biển Đông, bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Pháp, Úc « kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng ». Theo thông cáo chung, « mọi bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển » (UNCLOS). Ngoài ra, bốn bộ trưởng còn « tái khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế » ở Biển Đông.

Phần « an ninh quốc tế và vùng » Ấn Độ-Thái Bình Dương chiếm 1/3 số điểm được nêu trong thông cáo (gồm 25 điểm). Pháp và Úc sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược của mỗi bên về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời giữ vững cam kết với các đối tác trong vùng, trong đó có Hoa Kỳ, để bảo đảm một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, toàn vẹn và tự do. Ở điểm này, Úc và Pháp tái khẳng định rằng « ASEAN và các cơ chế của hiệp hội cần đóng một vai trò trung tâm trong kiến trúc khu vực phục vụ cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ».

Ngoài hợp tác song phương, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao  Pháp, Úc cũng nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác ba bên với Ấn Độ trong các lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải, cũng như về môi trường biển. Vai trò quan trọng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương được Úc và Pháp đánh giá cao, nhưng bốn bộ trưởng cũng nhất trí phải tăng cường đối thoại với các đảo quốc ở Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh không ngừng gia tăng ảnh hưởng.

Đây là lần đầu tiên Pháp và Úc họp theo hình thức 2+2, quy tụ ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và đồng nhiệm Úc Marise Payne, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly và đồng nhiệm Úc Petter Dutton. Theo bộ Ngoại Giao Pháp, cuộc họp này thể hiện cấp độ cao trong hợp tác chiến lược và tác chiến giữa Pháp và Úc.

RFI (01.09.2021)

 

 

Biển Đông: VN có lo ngại khi Trung cộng ra luật mới sau chuyến thăm của bà Harris?

NGUỒN HÌNH ẢNH,BARCROFT MEDIA/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Lực lượng hải cảnh Trung cộng

Hôm 1/9, Trung cộng chính thức áp dụng Luật An toàn Hàng hải sửa đổi. Theo luật này, Trung cộng yêu cầu các tàu nước ngoài “báo cáo thông tin chi tiết” khi đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố là ‘lãnh hải’ của mình.

Các loại tàu phải báo cáo gồm: tàu lặn, tàu hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung cộng.

TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ISCS) bình luận với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn hôm 1/9 rằng “đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam”, trong khi Việt Nam ‘phản ứng chậm’.

 

Vi phạm luật quốc tế và ‘mơ hồ’

Theo các chuyên gia, các yêu cầu về báo cáo như vậy từ lâu đã được tranh luận, nhằm cân bằng giữa đảm bảo an ninh trên biển và đảm bảo quyền tự do hàng hải của các quốc gia ven biển.

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã tìm cách kết nối hai mối quan tâm này bằng cách đưa ra quy định về ‘chế độ đi lại vô hại’ trong lãnh hải của các quốc gia ven biển, tạo ra một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật biển hiện đại, theo The Interpreter.

UNCLOS quy định rằng việc đi lại vô hại là “liên tục và nhanh chóng”, “miễn là nó không phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của Quốc gia ven biển”. Do đó, nếu một tàu nước ngoài đang thực hiện việc đi lại vô hại, các quốc gia ven biển sẽ không có quyền cản trở. Các quốc gia ven biển chỉ có thể cản trở nếu các tàu bị cáo buộc vi phạm chế độ đi lại vô hại theo Công ước.

Các hoạt động được coi là vi phạm chế độ ‘đi lại vô hại’ bao gồm “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nào chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Quốc gia ven biển”, “tập trận hoặc các hoạt động với vũ khí”, và “phóng, hạ cánh hoặc cất cánh bất kỳ thiết bị quân sự nào”.

Theo TS Nguyễn Thành Trung, Trung cộng cũng vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế khi tuyên bố lãnh hải của mình lên tới 80% Biển Đông, bao gồm cả vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, ôm trọn quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa.

Trong khi theo quy định quốc tế, vùng lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp với đường cơ sở của các quốc gia ven biển, và không áp dụng đối với các đảo của các quốc gia không phải quần đảo. Và Trung cộng không phải là quốc gia quần đảo.

Luật này cũng mơ hồ khi Trung cộng không nói rõ tàu nào sẽ bị liệt vào dạng ‘đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải’ của nước này.

 

Việt Nam chậm phản ứng

Hiện chưa thấy Việt Nam lên tiếng chính thức về luật này của Trung cộng.

TS Trung cho hay điều này khiến ông thấy ‘ngạc nhiên’.

“Tôi đang đợi một công bố chính thức, cụ thể của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Việc này giống với sự kiện Đá Ba Đầu vừa rồi, Việt Nam cũng lên tiếng phản đối chậm. Có lẽ Việt Nam hơi cẩn thận quá,” ông Trung nói với BBC.

Việc Trung cộng áp dụng luật này ngay sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới châu Á, trong đó có Việt Nam, theo TS Trung, có thể không phải là ý định của Trung cộng. Ông nói:

“Ông Tập Cận Bình ký luật này vào tháng Tư, tới nay mới áp dụng chính thức. Tôi cho rằng có chuyến thăm của bà Harris hay không thì họ vẫn đưa ra luật này.

“Tình hình Biển Đông căng thẳng theo chiều tịnh tiến. Trung cộng làm từ từ, nhưng thay đổi nhỏ này cho thấy Trung cộng sẽ không từ bỏ kế hoạch lớn hơn của họ là độc chiếm Biển Đông, bất chấp các quốc gia khác.”

 

Việt Nam và các nước cần làm gì?

Cũng theo TS Nguyễn Thành Trung, Trung cộng chính thức áp dụng luật này đẩy Việt Nam vào tình thế tiễn thoái lưỡng nan.

Nếu Việt Nam không thực hiện báo cáo có tàu thuyền đi qua các đảo mà Trung cộng chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa, có khả năng sẽ vấp phải ‘hình phạt’ từ phía Trung cộng. Nếu báo cáo, có nghĩa Việt Nam thừa nhận tính hợp pháp của các đảo này.

Giải pháp lúc này, theo ông Trung, một mặt, cần thể hiện quan điểm của VN với luật này bằng cách phản đối nó. Mặt khác, cần tranh thủ sức mạnh của các thể chế đa phương.

Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và nhất là các cường quốc như Nhật, Mỹ, Anh, do Biển Đông là một tuyến hàng hải huyết mạch của nhiều nước trên thế giới.

Các nước như Mỹ, Nhật… có thể thách thức luật này bằng cách tiếp tục thực hiện tự do giao thông hàng hải (FONOP) để xem Trung cộng có thực thi được hay không. Hiện Trung cộng chưa làm rõ các chế tài mà họ áp dụng nếu các quốc gia ‘vi phạm’ Luật An ninh Hàng hải sửa đổi là gì.

Tuy nhiên, TS Trung cảnh báo này việc này cũng sẽ có nguy cơ gây ra các căng thẳng mới trong khu vực.

 

Luật An ninh Hàng hải sửa đổi có gì?

Luật này yêu cầu các nước có tàu thuyền thuộc nhóm tàu nói trên phải đăng ký tên, mã hiệu gọi tàu, vị trí, cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến cho chính quyền Trung cộng.

Những hành vi bất hợp tác với Luật này có thể dẫn tới việc đối mặt với quân đội hoặc hải cảnh Trung cộng. Theo điều 53 cũng của Luật này, Trung cộng có quyền ngăn chặn và dừng “các tàu nước ngoài qua lại không vô hại trong lãnh hải Trung cộng” và Cục An toàn hàng hải Trung cộng cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ “bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

NGUỒN HÌNH ẢNH,KAZUHIRO NOGI/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Diễn tập của cảnh sát biển Nhật Bản và Phi Luật Tân năm 2016

Hồi đầu năm 2021, Trung cộng đã thông qua luật Hải cảnh sửa đổi, và bây giờ là Luật An ninh Hàng hải sửa đổi.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với BBC thời điểm Trung cộng đang sửa luật này rằng đây là “một vấn đề rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến xung đột quân sự trong khu vực, trên Biển Đông. Nhưng dường như ít được quan tâm đúng mức.”

Ông Hoàng Việt cho rằng Trung cộng muốn dùng các luật như vậy để làm bình phong nhằm đạt được các mục đích chính trị và kinh tế, buộc các quốc gia bị bắt nạt phải nhượng bộ.

Trước hết Trung cộng sẽ thăm dò phản ứng của các nước bằng cách tăng cường các vụ va chạm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, chẳng hạn như vụ bắn tàu cá Việt Nam vừa qua. Nếu các nước không đồng lòng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và kịp thời, Trung cộng sẽ đi các bước tiếp theo.

BBC (01.09.2021)

 

 

Tạp chí Mỹ gỡ đăng tải có bản đồ đường 9 đoạn sau khi vấp phản đối từ Việt Nam

Bài đăng có hình ảnh bản đồ Trung cộng và đường lưỡi bò 9 đoạn trên trang Facebook của tạp chí Science của Mỹ trước khi bị gỡ bỏ.

Một tạp chí khoa học danh tiếng của Mỹ vừa gỡ bỏ một đăng tải trên mạng xã hội về một nghiên cứu của các nhà khoa học, phần lớn từ Trung cộng, có chứa bản đồ đường lưỡi bò trên Biển Đông sau khi vấp phải sự phản đối từ phía Việt Nam.

Trang Facebook chính thức của tạp chí khoa học Science Advances, do hiệp hội khoa học lớn nhất của Mỹ (AAAS) xuất bản, hôm 28/8 đăng tải một nghiên cứu mới đính kèm bản đồ minh họa có hình ảnh nước Trung cộng và đường chín đoạn, thường được biết là đường “lưỡi bò”.

Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, đăng tải này đã nhận “hàng trăm bình luận của người dùng Việt Nam phản đối hình ảnh” mà chính phủ Hà Nội cho là “vi phạm chủ quyền biển đảo” của Việt Nam và cũng đã bị một toà trọng tài quốc tế bác bỏ cách đây 5 năm.

Bài đăng của tạp chí Mỹ chia sẻ nghiên cứu của 14 nhà khoa học, trong đó có 11 từ Trung cộng và ba người còn lại từ Mỹ, Úc và Nam Phi, về sự phát triển nhanh chóng của thảm thực vật mùa xuân trong thời gian áp dụng hạn chế vì đại dịch COVID-19 ở Trung cộng để liên hệ tới biến đổi khí hậu. Kèm theo đó là hình ảnh hai bản đồ Trung cộng với đường 9 đoạn thể hiện các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông chồng lấn với lãnh hải của các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Việt Nam.

Tờ báo khoa học danh tiếng bậc nhất thế giới hôm 30/8 cho biết rằng một đăng tải của họ trước đó trên trang Facebook chính thức có tên Science về nghiên cứu kể trên “đã bị gỡ bỏ sau khi có những lo ngại về các bản đồ được tham chiếu trong bài báo.”

Trước đó, theo truyền thông trong nước, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã gửi thư yêu cầu tạp chí này rút lại bài báo nêu trên.

Mặc dù Science gỡ bỏ đăng tải trên trang Facebook nhưng nghiên cứu đăng trên trang web chính thức của tạp chí khoa học này vẫn có các bản đồ tham chiếu về Trung cộng với đường 9 đoạn.

Đây không phải lần đầu tiên tờ báo khoa học, được xuất bản hàng tuần và có lượng độc giả thường xuyên lên đến 1 triệu người, đăng bài kèm bản đồ của Trung cộng với đường lưỡi bò. Một số báo ra hồi tháng 7/2011 về một bài viết của một tác giả người Trung cộng phân tích về vấn đề dân số của nước này cũng có đính kèm bản đồ với hình lưỡi bò 9 đoạn.

Tiến sỹ Trương Ngọc Kiểm, người cùng các nhà khoa học Việt Nam gửi thư phản đối đến tạp chí Science, nói với Zing News rằng ông thường xuyên nhìn thấy sự xuất hiện của bản đồ có chứa đường lưỡi bò trên báo cáo của các nhà khoa học Trung cộng dù bản đồ này không hề liên quan đến nội dụng của nghiên cứu” khi tham dự nhiều sự kiện hoa học quốc tế.

Một nghiên cứu của tác giả Nguyen Thuy Anh, đăng tải trên Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết có tới 260 bài viết khoa học được phát hiện có sử dụng đường 9 đoạn đăng tải trên 20 tạp chí khoa học danh tiếng của các nhà phát hành nổi tiếng khác nhau gồm cả Science. Theo CSIS, Trung cộng không chỉ tìm cách thay đổi thực địa trên Biển Đông mà còn đang tìm cách dần thay đổi suy nghĩ của thế giới về các tuyên bố chủ quyền của họ ở khu việc biển đầy tranh chấp này.

Trong vụ kiện của Phi Luật Tân trước các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trên vùng biển tranh chấp với quốc gia Đông Nam Á này, toà trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, hồi tháng 7/2016 bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung cộng đưa ra. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phủ nhận phán quyết này.

“Science Advances đánh giá cao các phản hồi này và đang xem xét các mối quan ngại liên quan cũng như các bước tiếp theo,” tạp chí của Mỹ cho biết trong đăng tải trên Facebook hôm 30/8 khi thông báo về việc gỡ bài có bản đồ và đường chín đoạn của Trung cộng.

VOA (31.08.2021)

 

 

Trung cộng đòi tàu nước ngoài khai báo khi vào vùng biển chủ quyền

 

Trung cộng đòi các loại tàu nước ngoài phải khai báo, một lệnh mới bắt đầu có hiệu lực vào lúc căng thẳng gia tăng tại các vùng biển tranh chấp chủ quyền.

Từ Thứ Tư, 1 Tháng Chín, Trung cộng đòi tất cả các loại tàu nước ngoài khi vào vùng biển “chủ quyền” của Trung cộng phải khai báo cho Cục Hải Sự tên tàu, danh hiệu liên lạc, tọa độ và khai báo các loại hàng nguy hiểm đang chở, theo luật hàng hải mới của họ.

Trung cộng đòi tàu nước ngoài phải khai báo khi vào vùng biển chủ quyền của họ. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Nếu ở các vùng biển không có tranh chấp với nước ngoài thì không thành vấn đề. Vấn đề sẽ trở thành phức tạp và nguy cơ dẫn đến chiến tranh tại những vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trong khi các nước khác cũng có những tuyên bố chủ quyền ngược lại. Riêng tại Biển Đông, Trung cộng tuyên bố chủ quyền hơn 80% đến 90% nuốt luôn phần của các nước phía Nam.

Cục Hải Sự Trung cộng, trong một loan báo mới đây, đòi hỏi tất cả các loại tàu nước ngoài bao gồm luôn những loại như “tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở các loại vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở ga hóa lỏng, và các chất độc hại,” mà họ coi là “đe dọa an toàn hàng hải” của nước họ. Nếu không tuân hành, họ có những luật lệ liên quan để chế tài, bản thông báo đe dọa.

Những tháng qua, Trung cộng liên miên tập trận quy mô, khoe sức mạnh quân sự để chứng tỏ họ không sợ bất cứ sự đe dọa nào. Mỹ và đồng minh đã mở nhiều cuộc tập trận phối hợp hành động khi thấy Bắc Kinh càng ngày càng ra dấu hiệu quân sự hóa và tham vọng muốn khống chế toàn bộ Biển Đông.

Không ít lần, Bắc Kinh khoe chiến hạm của họ đã “xua đuổi” chiến hạm của Mỹ xâm nhập các vùng biển “chủ quyền” của họ tại vùng biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Mỹ nói ngược lại. Mỹ coi các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là vùng biển quốc tế, không chấp nhận bị giới hạn 12 hải lý của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) ràng buộc.

Theo một số nhà phân tích, việc Bắc Kinh ra đòi hỏi mới như trên nhằm đối phó lại sự thất lợi pháp lý. Tuyên bố chủ quyền ngang ngược theo hình “lưỡi bò” trên Biển Đông bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ hồi năm 2016 theo đơn kiện của Phi Luật Tân. Họ áp dụng luật lệ không được các nước khác công nhận sẽ dẫn đến đâu, thiên hạ chờ xem diễn biến thời sự.

Chiến hạm Trung cộng tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông hồi Tháng Sáu, 2021. (Hình: ChinaMil)

Tuần trước, Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội kêu gọi CSVN liên tay với Washington chống lại các trò “bắt nạt” trên Biển Đông. Không có nguồn tin nào tiết lộ phản ứng của CSVN đối với đề nghị đó. Người ta chỉ thấy guồng máy tuyên truyền của chế độ đưa tin Thủ Tướng Phạm Minh Chính cam kết với Đại Sứ Trung cộng Hùng Ba là CSVN “không liên minh với nước này để chống nước khác.”

Ngày 22 Tháng Giêng, Trung cộng thông qua Luật Hải Cảnh mới, cho phép lực lượng này bắn tàu nước ngoài gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lặp lại lời tuyên bố không hề thay đổi bao năm qua là “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Tảng lờ các lời phản đối của CSVN, tàu Hải Cảnh, tàu khảo sát và tàu “dân quân biển” Trung cộng vẫn ngang nhiên hoạt động trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. CSVN nhiều lần phải hủy bỏ các hoạt động dò tìm dầu khí trên thềm lục địa vì bị Bắc Kinh đe dọa. 

Người Việt (31.08.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen