Seite auswählen

Chương cuối của Chủ nghĩa Trump

Translated from Atlantic’s article Trumpism Has Entered Its Final Form

Đối với đảng Cộng hòa bây giờ, Trump của ngày nay là một điều gì đó không tưởng — nhàm chán, xoàng xĩnh, thậm chí là chuẩn phong thái của một kẻ thuộc giới tinh hoa thủ cựu.

 

By Peter Wehner, on 26-08-2021

Đối với đảng Cộng hòa bây giờ, Trump của ngày nay là một điều gì đó không tưởng — nhàm chán, xoàng xĩnh, thậm chí là chuẩn phong thái của một kẻ thuộc giới tinh hoa thủ cựu. Vừa qua (21/8), một chuyện chấn động chưa từng có tiền lệ đã xảy ra: khán giả la ó dè bỉu khi Donald Trump phát biểu tại Cullman, Alabama—kinh đô của Trump quốc, nơi mà vào năm 2020 có hết hơn 88% cử tri bỏ phiếu cho vị tổng thống đương nhiệm thời bấy giờ. Những tiếng la ó này tuy còn lẻ tẻ nhưng vẫn đủ lớn để khiến Trump bận tâm mà phản ứng lại.

Trump khuyến khích đám đông phía dưới khán đài đi tiêm ngừa. “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyền tự do của quý vị. Tôi rất tin. Những gì cần làm thì chúng ta phải làm,” Trump nói, “nhưng tôi muốn khuyên: Hãy đi tiêm ngừa. Tôi tiêm rồi—mọi chuyện ổn cả.” Mặc dù vị cựu tổng thống vẫn chưa công khai ủng hộ những qui định [phòng chống Covid] của chính quyền lẫn doanh nghiệp tư nhân, nhưng đối với những người ủng hộ Trump có mặt hôm đó, ông ta đã đi quá giới hạn.

Hai ngày sau, Trump vấp phải sự chỉ trích từ Alex Jones, một người dẫn chương trình phát thanh, đồng thời là một tay tuyên truyền thuyết âm mưu của phe cực hữu mà Trump ưa thích hồi năm 2016. Sau khi phát đoạn clip Trump tuyên bố vaccine có hiệu quả, Jones phản ứng, “Tào lao. Trump à, xạo vừa thôi. Ông đâu phải ngu đâu.” Jones nói thêm, “ Trump ơi, nhục quá. Thật sự. Nè, nếu như ông không đủ tỉnh táo để cứu lấy bản thân lẫn sự nghiệp chính trị của mình thì thôi. Ít nhất là nhờ ông thì cũng sẽ có vài đảng viên Cộng hòa chân chính đắc cử, và ông biết rồi đó, tụi tôi thích ông thật. Nhưng trời ơi. Ông chắc không thông minh như người ta tưởng. Có lẽ hóa ra ông là một thằng ngu chính hiệu.

Đây chỉ mới là những gợn sóng lăn tăn trên bề mặt đại dương, điềm báo chẳng lành cho những cơn sóng thần trong lòng nội bộ đảng Cộng hòa. Các đảng viên có thể đã không còn tha thiết với bản thân ông Trump như ngày nào—cũng dễ hiểu vì ông đã rời chức tổng thống—nhưng cơn khát thuyết âm mưu cùng khí thế bài xích nền dân chủ mang đậm bản sắc ông ta trong suốt 5 năm vừa qua vẫn chưa có tín hiệu nguôi ngoai.

Thực tế hoàn toàn trái ngược lại.

Không lâu trước đây, con người Trump được đánh giá là lập dị, phản cảm và đầy tai tiếng, ông trời con của xứ Mỹ. Hành động của ông luôn gây sốc và phá cách đến mức không ai phớt lờ ông nổi. Tuy nhiên, đối với đảng Cộng hòa bây giờ, Trump của ngày nay là một điều gì đó không tưởng — nhàm chán, xoàng xĩnh, thậm chí là chuẩn phong thái của một kẻ thuộc giới tinh hoa thủ cựu.

Trong một phong trào chính trị hữu khuynh có tập hợp đủ mọi thể loại quái nhân gàn dở—Marjorie Taylor Greene và Matt Gaetz, Paul Gosar và Lauren Boebert, Mo Brooks và Madison Cawthorn, Ron Johnson và Marsha Blackburn, Mike Lindell và Michael Flynn, Rudy Giuliani và Sidney Powell, tổ chức Cyber Ninja và nhóm QAnon, người chống vaccine và những kẻ tạo phản—Trump trông khá bình thường. Ông muốn nhận công trạng từ việc vaccine được sản xuất vào thời ông còn nắm quyền, bởi đây là một bước ngoặt y khoa thực thụ. Có điều, đối với một số thành phần trong đảng Cộng hòa ngày nay, ý định này cho thấy Trump cùng một giuộc với tên đần độn Anthony Fauci đáng ghét.

Không có gì bất ngờ trước cảnh đảng Cộng hòa vẫy vùng trong vũng lầy. Qua hơn một nửa thập kỷ, người của giới Cộng hòa nhập định vào cõi MAGA, lĩnh hội hết thảy mọi sự xuyên tạc và mọi thuyết âm mưu mà Trump và các đồng minh đồng đảng cùng mạng lưới truyền thông cánh hữu truyền bá. Mọi lúc mọi nơi, bao nhiêu ác cảm tiêu cực như sợ hãi, thịnh nộ, và oán hận được kích thích và nuôi dưỡng ngút trời. Theo thời gian, hành vi phản xã hội mới là đẳng cấp; “ngồi lên đầu bọn cấp tiến” (owning the libs) mới là lẽ sống. Quan trọng là thù ghét đúng đối tượng.

Bộ não của người theo MAGA đã bị lập trình lại. Nhà tâm lý học Daniel Goleman giới thiệu khái niệm “bắt cóc hạch hạnh nhân” (amygdala hijack) để nói về hiện tượng con người có phản ứng cảm xúc thái quá so với tình huống thật sự. Khi một người bị kích động, họ bị cảm xúc chi phối, và cách họ nhìn thế giới trở nên méo mó.

Ai cho rằng đảng Cộng hòa sẽ tỉnh táo lại như xưa sau khi Trump rời ghế thì tức là người đó chưa từng hiểu rõ về sự biến dạng mà 4 năm cầm quyền của ông ta mang lại. Với nhiều người, các hành vi của Trump lúc ban đầu là một lỗi hệ thống; dần dần, chúng lại trở thành một đặc tính. Đảng viên Cộng hòa không chỉ ngoảnh mặt trước sự thối nát mà còn hào hứng bởi sự độc địa của ông ta. Họ chấp nhận bước vào mê hồn trận của Trump, và họ lấy làm thích thú với nó.

Để hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra với đảng Cộng hòa, hãy tưởng tượng chuyện một người nghiện lâu năm tới mức lờn thuốc; kết quả là họ sẽ cần phải dùng liều mạnh hơn và thường xuyên hơn để đạt được khoái cảm mong muốn. Và thậm chí là đôi khi chỉ bấy nhiêu thôi cũng chưa đủ. Họ có thể sẽ chuyển hướng sang các loại thuốc nặng hơn, phê hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn.

Những gì từng khiến công chúng choáng váng vào năm 2017 giờ chỉ còn là chuyện vặt vãnh. Những chuẩn mực đạo đức trong quá khứ hóa ra lại vô cùng mong manh. Mọi thứ có thể trở nên cực kỳ tệ hại chỉ trong chớp mắt một khi con người ta đặt chân lên miền vô pháp vô thiên tựa như thế giới tiểu thuyết của Turgenev. Giờ đây trong nội bộ đảng Cộng hoà, ngay cả một người như Trump, vốn từng tôn vinh kẻ bạo loạn Thủ phủ bị cảnh sát bắn chết là thánh tử đạo, vu khống cảnh sát tội sát nhân, và mới đây lại công khai kích động bạo lực, trông lại ra dáng một nhà lãnh đạo chuẩn mực, đàng hoàng. Đến một thời điểm nào đó ở tương lai, người ta chắc cũng sẽ nói thế về Marjorie Taylor Greene.

Mọi điều trên không chỉ đáng lo ngại mà còn gây thoái chí, đặc biệt là với những ai đã đặt lòng trung thành vào đảng Cộng hòa kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị cho đến năm 2016 như chúng ta. Thật đau đớn khi phải chứng kiến cảnh tượng đảng ta xâu xé lẫn nhau rồi tan đàn xẻ nghé, cảnh đảng ta khoác lấy hình hài của thứ mà ta từng ghê tởm, và cảnh đảng ta thời hậu Trump còn lạc lối hơn lúc ông ta còn tại vị. Nhưng nó vẫn không đau đớn bằng việc tiếp tục câm lặng hoặc dung túng cho những kẻ đang còn phá hoại chủ nghĩa bảo thủ, phá hoại sự thật, và nền cộng hòa của chúng ta.

Giới thiệu tác giả: Peter Wehner là một tác giả đóng góp của The Atlantic và một thành viên cấp cao tại Ethics and Public Policy Center (tạm dịch: Trung tâm Nghiên cứu Luân lý học và Chính sách công cộng). Ông có nhiều kinh nghiệm viết về chủ đề chính trị, văn hóa, tôn giáo, và an ninh quốc gia, và ông là tác giả của cuốn The Death of Politics: How to Heal Our Frayed Republic After Trump (tạm dịch: Cái chết của chính trị: Cách phục hồi nền cộng hòa xác xơ hậu Trump của chúng ta).

Đông Phong

Translators: Quyen Tran

The Interpreter

BIDEN-HARRIS, CẶP BÀI TRÙNG ĐẠI HỌA

 

4..9.2021

Vũ Linh

Diễn Đàn Trái Chiều

    Trong thể chế chính trị Mỹ, tổng thống và phó tổng thống ra tranh cử cùng liên danh, nhưng thiên hạ thường coi nhân vật thứ hai như … pha, chẳng ai để ý tới, phần lớn chỉ làm cảnh để câu thêm dăm ba cử tri. Chỉ trong rất ít trường hợp người ta mới muốn nhìn người phó kỹ hơn. Đó là những trường hợp người chính hoặc là quá lớn tuổi, già yếu như trường hợp ông Reagan khi ra tranh cử lần đầu đã 70 tuổi; hay trường hợp người chính có quá ít kinh nghiệm như trường hợp ông Obama ra tranh cử lần đầu với kinh nghiệm chính trị vỏn vẹn hai năm làm thượng nghị sĩ liên bang (trong đó có 2 năm làm quen với các nghị sĩ, và 2 năm bỏ đi vận động tranh cử tổng thống), và vài năm dân biểu tiểu bang Illinois.

    Vai trò của người phó đứng cùng liên danh chưa bao giờ quan trọng hơn trường hợp cụ Biden. Vai phó có thể trở thành vai chính khi tim cụ Biden nhẩy mất một nhịp, hay cụ Biden ký nhầm giấy … xin từ chức!

    Và cụ đã chọn bà Kamala Harris.

 

    Nhìn lại tình trạng TT Reagan, ta thấy trường hợp cụ Biden giơ tay tuyên thệ nhậm chức vào tuổi 78, khi ông Reagan cùng tuổi đã mãn nhiệm, và sau đó không lâu bị bệnh alzheimer. Chẳng những cụ Biden già mà lại còn cực lẩm cẩm, chuyên nói nhầm, nói lộn, nói sai, có thể vì đã có triệu chứng alzheimer rồi, trong khi gia tài lại là một chuỗi quyết định sai lầm.

    Như đã viết ở trên, người đứng cùng liên danh thường phải bù đắp cái thiếu hụt của người chính. Cụ Biden là một ông già da trắng của miền đông, do đó, lý tưởng nhất là một bà da đen của miền tây. Nhất là trong thời buổi thượng tôn phụ nữ và thượng tôn da đen ngày nay. Thế là bà Kamala Harris trúng số, được tuyển.

    Bà Kamala có kinh nghiệm về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế,… ? Không, bà Kamala có đúng zero kinh nghiệm trên những vấn đề sinh tử này. Bà Kamala có thực tài, được dân chúng ủng hộ rất mạnh? Cũng không, bà Kamala đã là một trong những ứng cử viên tổng thống với tỷ lệ hậu thuẫn ít nhất, đã rút lui khi chưa có cuộc bầu sơ bộ nào trong nội bộ đảng DC.

    Vấn đề là bà Kamala này, ngoài hai yếu tố đàn bà và da màu -lai đen và Ấn- thì chẳng còn yếu tố nào đáng ký lô hết. Trái lại, tất cả các thăm dò đều cho thấy dân Mỹ đa số chẳng những không phục mà lại còn phán là bà tuyệt đối không có khả năng vào Tòa Bạch Ốc, nếu chẳng may cụ Biden té ngựa bất thình lình.

    Nhìn lại hai trường hợp lịch sử vừa nêu về các TT Reagan và Obama, ta thấy gì? Ông Reagan biết mình già và ít kinh nghiệm chính trị quốc tế nên đã chọn ông Bush cha. Ông này trẻ hơn nhiều, nhưng đặc biệt, cũng là một chính trị gia chuyên nghiệp chẳng những về các vấn đề quốc nội khi ông đã từng là chủ tịch Ủy Ban Phối Hợp Quốc Gia của đảng CH, cựu giám đốc CIA, mà cũng là chuyên gia đối ngoại luôn khi ông đã từng làm đại sứ Mỹ tại Trung Cộng. Ông Obama cũng ý thức được mình thiếu kinh nghiệm chính trị quốc gia và quốc tế nói chung, nên đã chọn TNS Joe Biden, một chính trị gia chuyên nghiệp đã từng làm nghị sĩ 36 năm, cho dù thành tích là câu hỏi vĩ đại. Ít ra thì cụ Biden cũng quen biết tất cả các thượng nghị sĩ, biết tính từng người, nghĩa là biết đấm mõm từng người với loại quà cáp gì.

    Đó là những trường hợp thiên hạ nhìn rõ vai trò quan trọng của người phó và tinh thần trách nhiệm của người tranh cử tổng thống.

    Cũng có trường hợp người chính chọn người phó hoàn toàn theo tiêu chuẩn chính trị câu phiếu, để rồi thất bại ê chề.

    Như trường hợp ứng cử viên của đảng DC năm 1984, ông Walter Mondale. Ông này trước đó là phó cho TT Carter. Ra tranh cử chống TT Reagan. Vì thấy quá ít hy vọng, ông đã tung quả bom vĩ đại là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ, chọn đứng cùng liên danh với một phụ nữ, bà Geraldine Ferraro. Bà này chỉ có một đặc điểm duy nhất là… ‘phụ nữ đầu tiên’ trong liên danh ứng cử TT-PTT, ngoài ra không có điểm gì khác đặc biệt. Bà là một dân biểu cấp tiến, không có gì nổi bật, làm dân biểu ba nhiệm kỳ, tổng cộng 6 năm. Kết quả, liên danh lu mờ Mondale-Ferraro thảm bại, thu được đúng 13 phiếu cử tri đoàn của tiểu bang nhà của ông Mondale, là tiểu bang Minnesota, và thủ đô Washington DC, so với 525 phiếu của liên danh Reagan-Bush cha.

    Nếu nói về tệ hại, có thể khẳng định liên danh Mondale-Ferraro yếu nhất lịch sử, cho đến khi liên danh Biden-Harris ra đời, chiếm giải vô địch … dở.

    Thật thế, ta thử nhìn qua và so sánh hai liên danh Mondale-Ferraro và Biden-Harris.

    Trước hết, ta nhìn hai vai chính Mondale và Biden.

    Cả hai ông Mondale và Biden đều từng làm phó tổng thống, đều thuộc loại cấp tiến khá nặng tuy ông Mondale cực đoan hơn cụ Biden nhiều, đều là chính trị gia lão thành trong guồng máy chính trị của đảng DC qua việc làm thượng nghị sĩ nhiều nhiệm kỳ, đều nổi tiếng là nghị sĩ lờ mờ, tuy ngồi lâu nhưng chẳng để lại dấu ấn gì cho hậu thế. Và cả hai đều được mời đứng chung liên danh tranh cử tổng thống để cân bằng liên danh: Mondale, cấp tiến miền bắc đứng chung với Carter, tương đối bảo thủ miền nam; trong khi Biden da trắng cấp tiến ôn hoà đứng sau Obama, da đen cấp tiến cực đoan.

    Đó là những điểm tương đồng, nhưng nhìn kỹ, cụ Biden tệ hơn xa ông Mondale.

    Trước hết ông Mondale trẻ hơn nhiều, ra tranh cử TT khi 56 tuổi, 9 năm trước tuổi hưu chính thức, trong khi cụ Biden ra tranh cử lần mới đây khi 78 tuổi, 13 năm quá tuổi hưu. Ông Mondale cũng nổi tiếng là người ăn nói hoạt bát, trôi chảy, không bao giờ nói nhầm, nói bậy, lẩm cẩm như cụ Biden. Ông Mondale cũng có tiếng là cấp tiến cực đoan rất kiên trì, không thuộc loại chao đảo như cụ Biden, mà cũng không bị ai tố là kỳ thị da đen như cụ Biden hết. Ông Mondale cũng không bị ai tố sách nhiễu tình dục như cụ Biden bị bà phụ tá Tara Reade tố. Ông Mondale có con gái bị đồn là đã bị TT dê xồm Clinton xúc phạm tình dục, nhưng cha con không có tội gì, khác với cụ Biden có ông con nổi tiếng hút sách và gái gú lung tung, kể cả ngủ với chị dâu vừa góa chồng. 

    Tóm lại, về quan điểm cấp tiến, về tình trạng sáng suốt cá nhân, về tuổi tác, về đạo đức cá nhân, dạy bảo con cái, cụ Biden tệ hơn xa ông Mondale.

    Về vai phó, có điểm giống nhau nhưng cũng có khác biệt. Chung quy, cân bằng liên danh để thu phiếu vẫn là yếu tố then chốt nhất. Mondale lựa bà Ferraro để có người phụ nữ đầu tiên. Biden cũng vậy, lựa phụ nữ, là bà Harris, nhưng thêm điểm da đen lại Ấn nữa để có chút mắm muối cà-ri cho lạ miệng và hấp dẫn trong bối cảnh phải đạo chính trị cấp tiến, đại hòa đồng chủng tộc.

    Nhưng hai bà đã có nhiều khác biệt quan trọng. Bà Ferraro là dân biểu lu mờ, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự. Bà Harris là thượng nghị sĩ, cũng chẳng để lại dấu ấn gì ghê gớm tại thượng viện, nhưng tiếng tăm nổi hơn bà Ferraro vì to mồm hơn, hay nổ rất lớn, không sợ gì, kể cả việc bôi bác sỉ vả cụ Biden thậm tệ nhất mặc dù bà là bạn thân của gia đình Biden. Nôm na ra, bà Harris có tham vọng lớn và bạo phổi hơn xa bà Ferraro. Đặc biệt là bà Ferraro có cái cười kín đáo, nhẹ nhàng hơn cái cười… hô hố của bà Harris.

   Bà Harris còn đặc điểm khác xa bà Ferraro ở chỗ bà Harris đã leo thang danh vọng rất nhanh, bằng phương cách… leo lên giường cụ chủ tịch hạ viện già khú đế của San Francisco, và cuối cùng đứng chung liên danh với cụ bô lão Biden. Bà Kamala rất ‘kính lão để đắc… cử’.

    Tóm lại, liên danh Biden-Harris tệ hơn xa tất cả các liên danh tệ nhất từ trước đến giờ.

    Nhiều cụ cuồng mê Biden dĩ nhiên sẽ phản bác, vạch ra là cái liên danh đó tệ vậy chứ cũng đã hạ liên danh Trump-Pence, đúng không? Chắc tại liên danh sau này tệ hơn nhiều? Thật ra, liên danh Trump-Pence thua không phải vì tệ hơn, mà vì nhiều yếu tố khác thường đặc biệt. 

    Thứ nhất, như diễn đàn này đã bàn, là yếu tố mà thiên hạ đang tranh cãi kịch liệt là gian lận bầu cử. Diễn Đàn Trái Chiều đã bàn chi tiết rồi, không cần bàn thêm, vô ích, người nào mang tính phe đảng tuyệt đối thì vẫn khư khư ôm lấy quan điểm của mình thôi, bất kể lập luận hay dữ kiện thực tế thuyết phục hay không. Điển hình là nhiều cụ Vẹt cuồng mê Biden vẫn ngu ngơ hỏi bầu bằng thư đã có cả trăm năm nay, sao bây giờ mới khiếu nại, trong khi họ nhắm tịt mắt để nhất quyết không nhìn thấy một số tiểu bang đã thay đổi hoàn toàn luật bầu bằng thư ngay trước bầu cử năm ngoái nên mới có chuyện.

    Thứ nhì, là yếu tố dịch COVID đã thay đổi hoàn toàn bối cảnh chính trị Mỹ. Như DĐTC cũng đã bàn, dân Mỹ rất nhát gan và thiếu kiên nhẫn. Thấy vi khuẩn đánh tứ tung là đâm cuống ngay, mất bình tĩnh, dễ bị xoay chuyển bởi những tuyên truyền xuyên tạc, tinh thần lung lạc ngay. Cụ thể nhất là khi TT Trump lấy những quyết định đầu tiên nhằm chặn dịch, bằng cách cản du khách từ Tầu qua hồi tháng Giêng năm 2020, cụ Biden tố ngay Trump là “bài ngoại cuồng điên” trong khi TTDC lo cảnh giác coi chừng tay độc tài Trump lợi dụng thời cơ để củng cố quyền hành. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, bài ca Trump bất tài, bất lực, bất cần đã khiến COVID giết nửa triệu dân Mỹ được đồng ca ào ạt, chẳng ai dám nhắc lại câu chỉ trích của cụ Biden hay nhận định phe đảng hời hợt của TTDC. Chỉ cần có một ly công tâm bé bằng hạt gạo cũng đủ thấy cái tính phe đảng mù quáng này. Nhưng đáng tiếc thay, cái tuyên truyền xuyên tạc này đã có hiệu quả lớn khi một số không nhỏ dân Mỹ hoảng hốt, muốn tìm ‘bác sĩ’ khác.

    Liên danh Biden-Harris đắc cử không phải tài giỏi hơn Trump-Pence, mà chỉ vì dân Mỹ muốn thay đổi, liều mạng với ‘bác sĩ’ mới thôi, và trong hoàn cảnh đó, bất cứ liên danh nào khác cũng có hy vọng. Cũng không khác mấy khi dân Mỹ đụng khủng hoảng gia cư và tài chánh quá lớn đã bỏ CH, gạt người hùng McCain đi để bầu cho tay mơ Obama.

    Trở về câu chuyện liên danh tệ, dù sao thì liên danh Mondale-Ferraro cũng chỉ là liên danh ra tranh cử, thất bại, không có hậu quả gì khác. Trong khi liên danh Biden-Harris đắc cử, hiện đang nắm quyền, đang lèo lái con thuyền Cờ Hoa. Với những hậu quả lâu dài chưa ai lường rõ được tuy cả hai người, thuyền trưởng và phó đều đã có dịp chứng minh tệ hại như nhau, qua hàng loạt đại họa đang dồn dập xẩy ra cho nước Mỹ, mà cao điểm hiển nhiên là cuộc tháo chạy thật thảm hại khỏi Afghanistan.

    Và đó chính là thảm họa của xứ Mỹ này.

    Nhìn vào cụ thuyền trưởng Biden thì đã có quá nhiều lời bàn rồi. Ai cũng biết tình trạng đầu óc của cụ như thế nào, cũng như không ai không rõ thành tích nửa thế kỷ lăn lộn chính trường của cụ đã là một trang giấy trắng, không có được tới một thành tích nào để đời, không có một luật nào mang tên cụ, không có một quyết định lớn nào mang tên cụ vào lịch sử. Trái lại, đúng như cựu bộ trưởng Quốc Phòng của TT Bush con và TT Obama, Robert Gates đã nhận định, thành tích của cụ Biden là một chuỗi dài quyết định sai lầm.

    Ta đã xem qua ‘thành tích ‘ của cụ Biden tuần rồi, bây giờ nói đi nói lại về cụ thuyền trưởng lờ mờ cũng bằng thừa, thôi thì ta đổi đề tài, thử nhìn vào… thuyền phó, bà Kamala Harris xem sao.

    Bà Harris là dân gốc Ấn Độ lai da đen. Ông bố là dân da đen Jamaica, là giáo sư Đại Học Stanford ở Cali, và bà mẹ là dân Ấn, chuyên gia về ung thư vú tốt nghiệp đại Học Berkeley. Cả hai bố mẹ đều tích cực tham gia các tổ chức thiên tả nặng, đặc biệt là ông bố, được coi như một giáo sư đệ tử nặng của Karl Marx. Tuy nhiên, công bằng mà nói, bà Kamala không chịu ảnh hưởng nhiều của ông bố khi bố mẹ bà ly dị năm bà Harris mới có 7 tuổi, và bà sau đó sống với mẹ, chỉ thăm viếng bố cuối tuần trong thời gian đầu mới ly dị thôi. Đã có nhiều tài liệu kết nối bà Harris với những cá nhân và tổ chức cộng sản tuy không có đầy đủ bằng chứng rõ rệt và thuyết phục, và kẻ này không muốn khai thác thêm.

    Bà Harris không phải là chính trị gia chuyên nghiệp. Bà là luật sư, leo thang sự nghiệp nhanh một cách kỷ lục vì sau khi học xong đại học, công khai làm vợ bé cho ông Willie Brown, chủ tịch hạ viện tiểu bang Cali. Ông Brown khi đó đã 60 tuổi, có vợ và con, và bà Harris 29 tuổi, nhỏ hơn ông Brown 31 tuổi. Cái đảng DC trước đây sỉ vả ông Trump vô đạo đức đủ kiểu chỉ vì chuyện ‘ăn bánh trả tiền’ một lần, nhưng lại nín khe về chuyện bà Kamala dùng giường ngủ làm thang xây dựng sợ nghiệp chính trị. Tính phe đảng khi nào thì mới có thể trắng trợn lộ liễu hơn?

 


 

 

    Ông này tặng ngay cho bà Harris hai cái job béo bở nhất trong hai ủy ban của đảng DC trong hạ viện, bất kể bà không phải là dân biểu mà cũng chẳng có kinh nghiệm chính trị gì. Sau đó, ông Brown trở thành thị trưởng San Francisco, giúp bà Harris vào làm công tố của thành phố, coi như cái thang leo tiếp lên chức bộ trưởng Tư Pháp Cali.

    Cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 này là một đại họa cho bà Harris. Trước đó, tên tuổi của bà khá nổi, vì bà leo thang sự nghiệp rất nhanh, ăn nói thao thao bất tận, lại có ‘ngoại hình’ khá. Tuy nhiên, khi ra tranh cử, chỉ đạt được đâu một hai phần trăm ủng hộ trong chính nội bộ đảng DC, vì tên của bà hoàn toàn xa lạ với dân ngoài Cali.

    Nhưng bà đã mau mắn tìm ra cách nổi hơn người, khi trong cuộc tranh luận đầu tiên trên TV giữa gần hai chục ứng cử viên DC, bà đã phạng cụ Biden ra trò, công khai chỉ mặt, tố cụ là kỳ thị da đen hạng nặng khi cụ chống việc bắt học sinh đi học bằng xe buýt -busing- và giúp TT Clinton ra luật trừng phạt thanh niên da đen quá nặng tay như vừa bàn. Tên tuổi bà nhẩy vọt lên hàng đầu ngay.

    Nhưng chỉ là lửa rơm khi ngay sau đó, dân Mỹ thấy bà chỉ là trống rỗng kêu to, méo mó nghề nghiệp, chỉ giỏi tố cáo người khác vì kinh nghiệm công tố, nhưng không có ý kiến xây dựng gì, và chiều sâu chính trị không có gì ngoài việc ủng hộ những chương trình đồ xộ tốn bạc chục ngàn tỷ của cánh cực tả trong đảng DC đưa ra. Hậu thuẫn của bà rớt nhanh hơn diều đứt giây hết gió, bà trở thành người đầu tiên rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2020.

    Thế nhưng oái ăm thay, sau đó bà lại trở thành ngôi sao số một trong cuộc chạy đua làm phó cho cụ Biden. Vì bà có hai yếu tố then chốt mà cụ Biden nói riêng và cả đảng DC đang bám víu vào như cái phao để khỏi chết chìm. Đó là yếu tố phụ nữ và da đen, dù chỉ là lai. Mà trong đám chính khách phụ nữ da đen, bà Kamala lại là người tương đối khá nhất.

    Trong thời gian hơn sáu tháng qua, trong tư cách phó tổng thống, bà Harris đã gặp thất bại nặng, bị chỉ trích rất nhiều chuyện. Dưới đây là một vài chuyện đáng kể lại.

 


 

 

Thiên tả nặng

    Theo tạp chí cấp tiến Newsweek, bà Kamala Harris là thượng nghị sĩ thiên tả nhất thượng viện, hơn xa cả cụ xã nghĩa Bernie Sanders.

    Bà Kamala chủ trương:

    – Cấp bảo hiểm y tế ‘miễn phí’ tương tự như Medicare cho người cao niên hiện nay cho tất cả mọi người sống trên đất Mỹ, kể cả di dân bất hợp pháp;

    – Tăng thuế lợi tức tối đa trên giới ‘nhà giàu’ mà không định nghĩa cho rõ thế nào là ‘giàu’.

https://www.newsweek.com/kamala-harris-more-liberal-bernie-sanders-senate-record-analysis-shows-1524481

 

Cơm không lành, canh không ngọt với cụ Biden

    Đã có báo loan tin cụ Biden đang khá bực mình với những sai sót của bà phó, nhất là khi Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden thù ghét bà Kamala ra mặt, đặc biệt là sau khi bà Kamala đã công khai sỉ vả cụ Biden là kỳ thị da đen và lem nhem tình dục với bà Tara Reade. Ngay cả cụ Biden cũng không hồ hởi lắm, nhưng đã bị bắt buộc phải lựa một phụ nữ da đen đứng cùng liên danh vì nhu cầu bầu cử.

   Việc bà công khai nhục mạ ông bạn thân Biden, rồi sau đó, cả hai người lại ngồi chung liên danh cho thấy cả hai đều không có nguyên tắc đạo đức hay tự trọng tối thiểu nào, mà cả hai đều sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện để đạt được tham vọng cá nhân.

https://www.nytimes.com/2021/06/29/opinion/kamala-harris-joe-biden.html

 

Bị cụ Biden ‘đì’

    Trên nguyên tắc, các tổng thống đều giao cho các phó tổng thống một số trách nhiệm đặc biệt, để một phần nhấn mạnh ưu tiên của tổng thống, và phần khác, ‘gây dựng’ kinh nghiệm và giúp tạo thành quả cho PTT để sau này, vị này sẽ ra tranh cử TT kế vị.

    Việc đầu tiên cụ Biden trao cho bà Harris là trách nhiệm giải quyết vụ khủng hoảng di dân đang tràn vào Mỹ. Cụ Biden giới thiệu như bà là một thứ siêu thống soái phụ trách toàn bộ vấn đề. Chỉ khiến bà Harris xanh mặt, vội vã cải chính bà chỉ lo giải quyết khủng hoảng di dân dưới khiá cạnh ngoại giao, đi nói chuyện với các quốc trưởng Mễ và các xứ Trung Mỹ thôi chứ không dính dáng gì đến chuyện giải quyết khủng hoảng biên giới với cả triệu di dân đang tràn qua biên giới Mỹ-Mễ hay các biện pháp cụ thể và thực tế cản họ. Ai cũng biết vụ khủng hoảng di dân là viên thuốc độc chẳng có bọc đường gì ráo, ai dính vào chỉ có từ chết tới chết, do đó cụ Biden đã thân tặng cái job này cho bà phó Harris.

    Giới hạn hay không, bà Harris cũng chẳng làm nên trò trống gì. Cả ba tháng sau khi được bổ nhiệm, bà mới học xong bài vở, đủ để đi Guatemala và Mexico. Mà vẫn thất bại. Tới Guatemala, bị TT xứ này công khai hạch tội vì chính sách của Mỹ tuyên bố vung vít khiến dân Trung Mỹ nghĩ cụ Biden muốn hoan nghênh di dân Trung Mỹ vào. Trong khi dân Guatemala chào đón bà Kamala bằng biểu ngữ “Kamala, Go Home!”. Tới Mexico, được tiếp đón lịch sự hơn nhưng đi tay không, về tay không.

https://www.foxnews.com/politics/vp-harris-talks-about-multiple-assignments-biden

 

    Tin mới nhất, theo đài Fox News, bà Kamala mới khám phá ra bà đã bị cụ Biden ‘mượn tên’  để ra tranh cử, bây giờ đắc cử rồi thì coi bà như một thứ ‘của nợ’, không cho bà xuất hiện quá nhiều và chỉ giao cho những công tác hạng bét như đi VN khánh thành văn phòng CDC tại Hà Nội. Trong khi cụ Biden và cả nội các bù đầu với khủng hoảng Afghanistan, thì bà Kamala đã bị giấu nhẹm, không ai biết bà đang ở đâu, làm gì.

 

Quản trị nhân viên lủng củng

    Câu chuyện là trong ban tham mưu, cố vấn và phụ tá của bà, đang có ‘nội chiến’ lớn khi các quan chức này tranh cãi lung tung, đánh nhau chí chóe mất trật tự trong ‘hệ thống quân giai’. Nguyên nhân từ bà chánh văn phòng Tina Flournoy muốn khẳng định quyền hành của mình, ra lệnh và chỉ huy tất cả, kể cả các phụ tá và cố vấn cao cấp nhất. 

    Bà xếp Kamala nhì cảnh đấu đá rối loạn này mà mù tịt không biệt giải quyết ra sao. Tình hìng chỉ lắng dịu khi cuộc nội chiến này nhẩy tràn lan lên các mặt báo, khiến cả đám phải tự sửa.

https://www.foxnews.com/politics/kamala-harris-staff-low-morale-internal-tensions

 

Miệt thị dân quê

    Bà phó Kamala Harris, trong một nỗ lực bênh vực luật bầu cử dễ dãi tối đa của đảng DC đang đề nghị, đã than phiền việc đòi hỏi phải gửi bản sao của căn cước khi xin phiếu gửi bằng thư, sẽ gây khó cho dân sống trong vùng thôn quê, ngoài các tỉnh lớn. Bà cho rằng dân quê khó có thể tìm ra được tiệm Kinko để làm photocopy. Kinko là chuỗi tiệm chuyên bán văn phòng phẩm, in và chụp bản sao tài liệu.

    Ngay sau lời phát biểu này, cả ngàn người đã tuýt công kích bà Kamala chẳng có khái niệm sơ đẳng nào về ‘thôn quê’ Mỹ vì chưa bao giờ bước chân tới, từ trước đến giờ chỉ biết sống trong cái tỉnh vĩ đại như San Francisco hay Washington DC. Họ khiếu nại vùng quê Mỹ không phải là rừng rậm mọi rợ, và việc chụp hình bản sao chẳng có vấn đề gì tại bất cứ vùng quên nào của Mỹ hết như bà Kamala tưởng.

    Nhận định của bà Harris bị Fox News chê là hoàn toàn vô ý thức chính trị.

https://www.foxnews.com/media/kamala-harris-rural-americans-photocopy-ids-voter-id-laws

 

Không được cảm tình của dân

    Một thăm dò của công ty Trafalgar cho biết 64% dân Mỹ cho rằng bà Kamala chưa sẵn sàng để làm tổng thống.

    Cử tri của đảng CH nhận định gắt gao hơn khi gần 89% cho rằng bà Kamala chưa sẵn sàng, trong khi 43% cử tri đảng DC cũng nghĩ như vậy.

https://www.breitbart.com/politics/2021/07/19/poll-64-of-voters-believe-kamala-harris-not-ready-to-be-president-including-43-of-democrats/?utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_term=daily&utm_campaign=20210719

 

    Theo đài truyền hình phe ta, NBC, bà Kamala là phó TT có tỷ lệ hậu thuẫn thấp nhất trong lịch sử chính trị cận đại của Mỹ.

 

 

 

 

https://www.msn.com/en-us/news/politics/kamala-harris-has-unprecedented-negative-rating/ar-AANJBCm?li=BBnb7Kz

 

Cá nhân

    Bỏ qua thành tích leo lên giường, bà Kamala có thành tích cá nhân rất đặc biệt là có cái cười cực kỳ phản cảm. Nhất là mỗi lần bà hơi bí, chẳng hạn bị hỏi một câu hỏi khó, bà bất thình lình cười hô hố chẳng giống ai hết, bị báo Mỹ gọi là ‘cackle’. Theo tự điển, ‘cackle’ cũng là tiếng kêu cắc cắc cắc cắc của gà tây.

 

Chuyến đi VN

    Không ai hiểu rõ lý cớ nào đã khiến cụ Biden gửi bà Kamala đi VN.

    Thứ nhất, chỉ cho bà phó đi đã khiến chính quyền VC bất mãn, bị coi là khinh thường VN, do đó, VC đã đáp trả ra trò. Trước hết, giờ chót kiếm chuyện thông báo có vấn đề y tế gì đó mà chẳng ai biết là gì để hoãn chuyến bay lại ba tiếng, cho bà Kamala ngồi chờ tại phi trường Singapore, để rồi cho phép đi, tới nơi 10g tối. Sau đó, cho một thứ trưởng vô danh ra đón tại phi trường chở thẳng về khách sạn. Rồi ngày hôm sau, hạ nhục bà bằng cách bắt bà đi ra đài tưởng niệm McCain, đặt vòng hoa tưởng niệm các ‘chiến sĩ yêu nước đã bắn hạ giặc lái McCain’. Rồi bà Kamala được đưa vào diện kiến chủ tịch Phúc Niểng. Bà Kamala trả bài, cổ võ cho liên minh chiến lược giữa Mỹ và VN, nhưng ông Phúc Niểng đáp lễ, nói VN sẽ không liên minh với bất cứ xứ nào để chống lại bất cứ xứ nào khác. Một ngày trước khi bà Kamala tới VN, báo Quân Đội Nhăn Răng tung ra một bài sỉ vả Mỹ tàn tệ không thua gì những bài báo thời ‘chống Mỹ cứu nước’ năm xưa.

    Nói chung, chẳng những chuyến công du đi VN trật bét thời gian tính, bị  hoàn toàn khỏa lấp bởi dịch Delta đang tấn công VN tàn bạo, trong khi Mỹ bối rối lo tháo chạy khỏi Afghanistan, mà còn là một thất bại ngoại giao khổng lồ, khi bà Kamala bị VC ‘giỡn mặt’ như dế.

 

    Chung cuộc thì ta thấy cái đại họa là bà Kamala tuyệt đối không có khả năng làm tổng thống. Chỉ nghĩ đến trường hợp đặc biệt, bà tổng thống Kamala ngồi trước dàn computer để lấy quyết định nhấn nút bắn bom nguyên tử hay không là kẻ này toát mồ hôi hột. Đến độ phải miễn cưỡng mỗi tối phải thắp nhang cầu cho cụ Biden có đủ sức khỏe để ngồi tiếp trong Tòa Bạch Ốc.

    Cái sơ hở tai hại mà cũng là mỉa mai lớn nhất của thể chế dân chủ Mỹ là ở điểm đó. Các vị ra tranh cử tổng thống đều lựa những người yếu kém thua xa mình để bảo đảm khó bị mất job. Đi đến tình trạng một ông Biden yếu kém đã chọn một bà phó còn tệ hơn xa. 

    Thế thì bây giờ, ta phải làm gì? Cách hay nhất là ngồi chờ thay thế cả hai người vào năm 2024. Trong khi chờ đợi chuyện đó xẩy ra, thì chỉ còn một cách là khóa tay cả hai người, bằng cách bầu cho đảng CH thắng, chiếm đa số tại cả hạ viện lẫn thượng viện năm tới, để cụ Biden hay nếu bà Kamala thay thế cụ, cả hai sẽ chẳng làm được chuyện hại độc nào cho nước Mỹ hết.

 

 

Đọc thêm:

 

Bà Kamala Harris tuyệt đối bất tài – New York Post:

https://nypost.com/2021/08/08/kamala-harris-is-utterly-flubbing-her-job-as-veep/

 

Những thất bại của bà Kamala Harris – Fox News:

https://www.foxnews.com/media/lara-trump-torches-kamala-harris-failures

 

Bà Kamala Harris gặp khủng hoảng – Washington Examiner:

https://www.washingtonexaminer.com/news/kamala-in-crisis

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen