Seite auswählen

Vu khống và vu cáo, cớ sao loạn cào cào?

Nguồn gốc và lý giải cho cách hiểu nhập nhằng giữa hai hành vi này ở Việt Nam.

 

 

Vu khống và vu cáo. Minh họa: Luật Khoa.

“Vu khống” và “vu cáo” có gì khác nhau?

Câu trả lời ngắn gọn là… tùy.

Tùy vào việc chúng ta đang nói đến ý nghĩa trong tiếng Việt hay chữ gốc tiếng Hoa hoặc thuật ngữ tiếng Anh, tùy vào bối cảnh là giao tiếp thông thường hay ngôn ngữ pháp luật, và tùy cả vào việc đang nói đến pháp luật của nước nào.

Bạn có thể thắc mắc chuyện này có gì đáng để thắc mắc?

Một vấn đề ngôn ngữ tưởng như vô thưởng vô phạt lại là căn nguyên của những tranh cãi về quyền tự do ngôn luận, và chuyện nhập nhằng ngữ nghĩa này cũng làm nổi lên các vấn đề về mặt lập pháp.

Bài viết “Ứng xử với Phương Hằng – phép thử tính cách độc đoán cho mỗi người” đăng trên Luật Khoa tuần trước nhận được nhiều phản ứng trái chiều. [1] Không ít người khẳng định những gì bà Hằng nói (và làm) không thuộc phương diện bảo vệ của tự do ngôn luận.

Bài viết sau đó giải thích về “Xu hướng bãi bỏ tội vu khống trên thế giới” không khiến những người phản đối ưng bụng hơn. [2]

Với họ, bãi bỏ tội vu khống là một chuyện vô lý và ngu ngốc. Nhưng đích thực là nhiều nước trên thế giới, nhất là các thể chế dân chủ, đều đã và đang đi theo xu hướng phi hình sự hóa các hành vi vu khống.

Rốt cuộc chuyện này là sao?

***

Trước hết là vấn đề chữ nghĩa.

“Vu khống” và “vu cáo” theo nghĩa gốc trong tiếng Việt lẫn tiếng Hoa đều tương đương nhau.

Chữ “vu” (誣) được tạo thành từ chữ “巫”, cũng đọc là “vu”, vốn dùng để chỉ những người làm nghề thầy pháp ngày xưa. Nó được ghép thêm bộ “ngôn” (言) để mang nghĩa lời nói hoang đường, không đáng tin.

 

 

Các bộ phận cấu thành chữ “vu”. Nguồn: qiyuan.chaziwang.com

“Khống” (控) trong khi đó từ hành động giương cung ban đầu được phát triển thành nghĩa kiểm soát, thao túng, và sau đó là tố giác.

Chữ “cáo” (告), như giải thích trong một bài viết trước đây, mang nghĩa nói chuyện, cảnh báo hoặc chỉ sự giới hạn. [3]

Trong tiếng Hoa, từ ghép “khống cáo” (控告) có nghĩa tương đương với “tố cáo” của tiếng Việt.

Một số người hiểu lầm “khống” trong “vu khống” là chữ “khống” của “hóa đơn khống”. Đó là hai chữ khác nhau. “Khống” với nghĩa “không có trong thực tế, nhưng được tính, được xem như có thật” là chữ “空”, thường được đọc là “không” trong tiếng Việt.

“Vu khống” (誣控) vì vậy có nghĩa gốc giống như “vu cáo” (誣告) – dùng lời không thật tố giác ai đó làm sai.

Đó là ngày xưa. Theo thời gian, hai từ này đã mang những tính chất khác biệt.

Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “vu khống” được định nghĩa là “bịa đặt chuyện xấu vu cho người nào đó để làm mất danh dự, mất uy tín”, còn “vu cáo” là chỉ việc “bịa đặt chuyện xấu để tố cáo và buộc tội người nào đó”.

Với định nghĩa đó, có thể thấy so với “vu khống”, hành vi “vu cáo” có tính chất nghiêm trọng hơn nhiều khi người tố cáo muốn người khác phải chịu sự trừng phạt của pháp luật cho tội mà họ không phạm phải.

Để cấu thành “vu cáo”, người thực hiện phải có động tác báo án, tố giác hành vi phạm tội với cơ quan công quyền.

Nếu chỉ nói cho sướng miệng hay viết cho sướng tay, cho dù không bằng không chứng, thậm chí là hoàn toàn sai sự thật, cũng không thể xếp hành vi đó vào nhóm “vu cáo”.

***

Đấy là tiếng ta. Trong tiếng Tây, khi nói đến “vu khống”, thuật ngữ gần nhất là “defamation”.

Đó là danh từ của động tác “defame”, được ghép từ tiền tố “dis/de” (theo nghĩa phá bỏ) và “fame” (chỉ danh dự, uy tín).

“Defamation” là việc đưa ra các thông tin (thường bị cho là sai sự thật) làm tổn hại danh tiếng của ai đó.

Xu hướng “phi hình sự hóa hành vi vu khống” mà bài viết trên Luật Khoa đề cập là về hành vi “defamation” này. [4]

Logic ở đây là những hành vi đó thuộc về tranh chấp dân sự, những người đưa ra các thông tin “vu khống” không tố cáo trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền với ý đồ buộc người khác phải chịu tội hình sự.

Vậy “vu cáo” trong tiếng Anh là gì?

Thuật ngữ gần nhất là “false reporting” – báo án sai.

Hành động này chỉ bị xem là tội khi người báo án biết rõ mình đang báo án sai nhưng vẫn cố tình thực hiện để hãm hại người khác.

Đối với hành vi “vu cáo”/ báo án sai, luật pháp của nhiều nước đều có quy định trừng phạt theo các mức độ khác nhau. Ngoài ra, nếu cung cấp lời khai, bằng chứng sai đến cơ quan có thẩm quyền, người thực hiện hành vi có thể phạm thêm tội “khai man” (perjury), một tội hình sự phổ biến ở nhiều nước.

***

Như vậy, trong ngôn ngữ pháp luật, “vu khống” và “vu cáo” là hai hành vi rất khác biệt. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường ở Việt Nam, chúng vẫn được dùng lẫn lộn thay thế cho nhau.

Một phần lý do là sự nhập nhằng trong các quy định pháp luật.

Bộ luật Hình sự của Việt Nam không có tên gọi nào cho tội “vu cáo”, nhưng nội hàm của hành vi này được quy định trong Điểm b, Khoản 1, Điều 156 về “tội vu khống” với nội dung “bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”. [5]

Điểm a, Khoản 1 của Điều 156 định nghĩa hành vi “vu khống” như chúng ta quen thuộc là việc “bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

Bằng cách nhập chung hai hành vi có tính chất khác biệt vào trong một điều luật, những người làm luật đã góp phần khiến công chúng (và có lẽ chính bản thân họ) bối rối.

Nhiều người đến nay vẫn nhập nhằng giữa “vu khống” và “vu cáo”, cho rằng những phát biểu trên mạng có giá trị pháp lý tương đương với lời khai trước cơ quan có thẩm quyền.

Việc đưa hành vi vu khống/ defamation, vốn thuần túy là tranh chấp dân sự, vào trong luật hình sự, là một việc đi ngược lại xu hướng chung của thế giới.

Tìm điểm cân bằng hợp lý giữa quyền tự do ngôn luận và các trách nhiệm phát sinh từ đó luôn là một bài toán đòi hỏi nhiều sự cân nhắc và suy xét cẩn trọng.

Bằng cách hình sự hóa những hành vi thuộc về quyền tự do ngôn luận, nhà nước chỉ đang tìm cách đẩy cán cân bất lợi nhất về phía người dân./.

“Defamation per se”: Cách nước Mỹ xác định hành vi vu khống trong tranh chấp dân sự

 

Có những lời xúc phạm được luật pháp Hoa Kỳ cho là đương nhiên gây hại, không cần chứng minh.

 

 

Minh họa: Luật Khoa.

Trước “hiện tượng Phương Hằng” ồn ào suốt thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng hành vi ăn nói hàm hồ, vu khống, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm người khác thì phải bị xử lý hình sự, tức bắt bỏ tù.

Nhưng vì sao “phải vào tù” thì ít người bàn tới.

Tôi cho rằng chữ “phải” này chỉ đúng trong thế giới quan mà pháp luật hình sự Việt Nam đang xây dựng, nơi các thảo luận và chỉ trích nhắm đến chính quyền luôn chực chờ bị biến thành tội phạm. Còn nó có “phải” hay không trong các môi trường pháp luật cấp tiến hơn thì là câu chuyện đáng được xem xét. Về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết “Xu hướng bãi bỏ tội vu khống trên thế giới” mà Luật Khoa đã giới thiệu gần đây. [1]

Để phân biệt biểu đạt có tính vu khống (quy định tại Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015) và biểu đạt xúc phạm danh dự nhân phẩm (Điều 155 và Điều 331), chúng ta có thể dựa vào cấu thành “biết rõ sai sự thật”. [2]

Một người có thể bị khởi tố theo Điều 156 nếu người này bịa đặt ra những điều mà họ “biết rõ là sai sự thật” nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự và gây thiệt hại cho người khác, hoặc nghiêm trọng hơn là trực tiếp tố cáo người khác ra chính quyền, cho rằng người này vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tại Điều 331, chỉ cần bạn có bất kỳ hành vi gì được cho là “lợi dụng” các quyền tự do dân chủ và xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lợi ích của người khác thì chính quyền đã có khả năng khởi tố – bắt giam bạn. Khả năng tương tự được áp dụng tại Điều 155 về “tội làm nhục người khác”. Như vậy, chiếu theo hai điều luật này, bất kể điều bạn nói có đúng sự thật hay không, hay môi trường mà bạn đưa ra biểu đạt đó là gì, bạn luôn có nguy cơ bị bắt bỏ tù vì các phát ngôn của mình.

Như vậy, chưa tính đến góc độ so sánh pháp luật, hình sự hóa vu khống với Điều 156 có vẻ hợp tai hơn hình sự hóa xúc phạm danh dự nhân phẩm ở Điều 331, chủ yếu vì khả năng đoán định và xác định lỗi hành vi của Điều 156 chắc chắn hơn Điều 331 rất nhiều.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, cách tiếp cận hình sự hóa không phải là lựa chọn của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới.

“Defamation per se”: Xúc phạm đương nhiên

Giới lập pháp nước ngoài có thể phân loại vu khống hay xúc phạm ra nhiều trường hợp (tương tự như Việt Nam phân loại ra Điều 156, Điều 155 và Điều 331), nhưng không phải để phân chia mức độ nặng nhẹ nhằm bỏ tù. Thay vào đó, các công cụ pháp luật định ra các tầng trách nhiệm khác nhau, tạo điều kiện cho tất cả các bên tự bảo vệ mình qua con đường dân sự.

“Defamation per se” (tạm dịch là “xúc phạm đương nhiên”) trong pháp luật Hoa Kỳ là một công cụ như vậy.

Công cụ này, còn được gọi bằng các tên “per se defamatory” hay “defamation actionable per se”, quy định các hành vi trực tiếp vu khống người khác vi phạm pháp luật.

Nó là một tổ hợp các hành vi biểu đạt đương nhiên gây hại bao gồm: [3]

(1) Cáo buộc một người có hành vi vi phạm pháp luật;

(2) Cáo buộc một người có hành vi đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp, vị trí của họ;

(3) Cáo buộc một người (thường là phụ nữ) ngoại tình/ dâm ô;

(4) Cáo buộc một người đang bị chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đối với bốn trường hợp này, bên nguyên đơn được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh thiệt hại (tức thiệt hại chung được giả định là đã có). Thêm vào đó, nguyên đơn cũng không cần thiết phải chứng minh là người đưa ra phát ngôn có “chủ đích ác ý” (actual malice).

Như vậy, miễn là bên nguyên đơn chứng minh được một phát ngôn nhất định là sai sự thật, họ chắc chắn giành phần thắng và được bồi hoàn thiệt hại.

Án lệ: Đi kiện khi bị gọi là “kẻ ấu dâm”

Có thể xem cách công cụ này được áp dụng qua một án lệ thú vị mang tên Longbehn v. Schoenrock, được Tòa Phúc thẩm bang Minnesota xét xử vào năm 2010. [4]

Theo đó, vào năm 2001, cảnh sát viên Patrick Longbehn (lúc đó 34 tuổi) bắt đầu sống chung với bạn gái của mình (lúc đó 18 tuổi). Longbehn bị một người có tên Schoenrock dán nhãn là “Pat the Pedophile” (Pat – Kẻ ấu dâm).

Việc dán nhãn này dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân trong khu vực, và Longbehn bị sa thải khỏi phòng cảnh sát địa phương vài tháng sau đó. Longbehn khởi kiện Schoenrock và hai người khác có liên quan. Sau nhiều cấp kiện tụng, Longbehn cuối cùng giành chiến thắng, được bồi thường thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn Mỹ kim.

Theo lập luận của Tòa phúc thẩm bang Minnesota, việc dán nhãn một người là kẻ ấu dâm đồng nghĩa với việc cáo buộc họ đang có hành vi tình dục vi phạm quy định của pháp luật, và Longbehn không cần phải chứng minh thiệt hại thực tế hay chủ đích ác ý của Schoenrock – hai yếu tố khó chứng minh nhất trong các vụ án về vu khống hay phỉ báng. Vì bạn gái của Longbehn đã 18 tuổi, đạt tuổi thành niên, phát ngôn của Schoenrock được xem là sai sự thật, và đương nhiên gây hại.

Như vậy, công cụ “defamation per se” hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của mình: không để nhà nước can thiệp vào các thảo luận và tranh chấp ngôn từ dân sự, nhưng chắc chắn rằng các tầng, nhóm xúc phạm/ vu khống/ bôi nhọ khác nhau sẽ trao cho nguyên đơn (lẫn bị đơn) những công cụ hiệu quả khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cũng cần lưu ý là pháp luật Hoa Kỳ vẫn nhất quyết không nương tay đối với những người được xem là người của công chúng (public figure) như quan chức, ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, v.v. Trong các vụ kiện xúc phạm danh dự, trách nhiệm chứng minh nặng nề vẫn được đặt lên vai họ. Và hiển nhiên pháp luật hình sự không thể được áp dụng trong các trường hợp đó.

Chi tiết về cách áp dụng của quy định này có thể được tham khảo trong chuỗi bài viết về tự do ngôn luận đã được đăng tải trên Luật Khoa. [5]

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen