Seite auswählen

Nguyên Hạnh HTD

 

    Hai mươi năm xa quê, cuối cùng tôi cũng đã về thăm lại Huế!

    Hai từ “về Huế” mới ấm áp làm sao. Huế của tôi không về sao được. Nào là làng xóm bà con, mồ mã nội ngoại nhất là bạn bè, học trò rất thân thương mà tôi cho đó là một phần lẽ sống của mình.

      Các em đã tổ chức cho tôi một buổi họp mặt, môt khu vườn xinh xắn, cây lá được điểm trang bằng đèn màu ra vẻ một tiệm cà phê trang nhã như tính cách của chủ nhân. Bày biện ngoài sân và vườn là một dãy bàn ghế cũng tương đối lịch sự, đủ chỗ tiếp mấy chục người, thân mật và ấm cúng.

      Sau một ngày thật bận rộn, tôi lật đật bước vào giữa  tiếng kêu reo vui vẻ “Cô tới đó” rồi còn nhỏng nhẻo “Chi mà lâu rứa, tụi em chờ bức mệt” *. Lại có cả tiếng vỗ tay khiến tôi hơi nhột nhạt, nhìn lại mình thật xác xơ sau một chuyến đi thăm mộ từ miền quê xa về và đi thẳng tới đó luôn.

    Chưa định thần và còn phải vận dụng trí nhớ, tôi chưa dám chào gọi tên ai ngoài mấy tiếng ” chào các em, tổng chào, tổng chào”. Mới ngồi xuống liền bị rất nhiều em kéo đến dàn một hàng trước mặt, em nào cũng hỏi như nhau “Cô có nhớ em không?”. Lạ quá, họ rủ nhau đồng loạt, không ai xưng giùm, cũng không ai nhắc giùm cho mình vài chi tiết. Toàn là đứng yên chỗ, cười cười với vẻ mặt bí mật và thách đố…

    Hoãn binh chi kế, tôi bèn quay qua điểm mặt những tên mà mình nhớ rất rõ, xướng danh liên tục, xướng dài dài ra một chút, thêm họ, thêm chữ lót, thêm lớp, thêm luôn làng xã, thêm cả chị em, bạn bè cùng lứa, biết chi thêm nấy, tôi tấn công dồn dập… liên tiếp những tiếng “dạ” thật to, kéo theo những tràng cười sung sướng, tạo được một không khí vui vẻ, chọc thủng…phòng tuyến phía bên kia.

      Sợ nguội mất nồi bún bò mà một em đã ra công chăm chút, vội lên tiếng cắt ngang: “thôi để cô thời chút đã”, cũng vừa giúp tôi ra khỏi nước bí và tình huống thay đổi.

      Bún bò, bánh nậm, bánh bột lọc….món nào cũng ngon nhưng ở đây, ngon hay không ngon không thành vấn đề. Cái vui là chính!

Ngày xưa thi sĩ Tản Đà đã phải công nhận “đồ ăn ngon, không có người cùng ăn cho ngon, không ngon”. Cái ngon của bữa ăn hôm nay đối với tôi là cái không khí vui nhộn ngoài trời gợi cho tôi cảm giác thân mật của bữa ăn trong những ngày đi cắm trại của  trường, là những dịp  thầy trò được thu hẹp khoảng cách, sống với nhau thật gần gũi.

      Các em vây chung quanh tôi, mời liên tiếp, giới thiệu cái ngon của từng món. Nhìn tôi ăn, chờ một lời khen thích thú về những món đặc sản mà các em nghĩ là bên xứ người không có.

      Vừa nói chuyện vừa ăn, tôi vừa kiểm điểm ký ức lướt một vòng qua các khuôn mặt, rồi cũng nhớ dần dần được hơn phân nửa. Cũng phải khó khăn lắm để tìm lại được hình ảnh các em học sinh của tôi bấy giờ ở tuổi trăng tròn, từ trong nét mặt của những con người trước mắt tôi hôm nay đang ở tuổi cũng gần tròn … châu giáp.

      Hình ảnh của các em học sinh lớp đầu tiên hình như còn hiện diện đủ mặt trong ký ức của tôi. Một em đến gần bên tôi, im lặng chờ. Tôi chào trước với giọng hơi ngập ngừng:

  – Ngọc Trinh hả?

      Lướt một vòng nhìn qua gương mặt, ánh mắt tôi ngừng lại ở đôi má em. Một bạn đứng kề bên tinh ý, vội giải thích:

  – Dạ, Trinh làm bánh giỏi lắm, nướng bánh suốt ngày. Tôi chợt hiểu. Hơi lửa, lửa của lò than, lửa của cuộc sống có lẽ đã hội tụ một phần trên đôi má vốn non hồng của Trinh.

      Ngồi sát bên tôi là Phương Lan, con búp bê Nhật Bản ngày xưa của lớp B1. Nỗi bất hạnh về người bạn đời nhà giáo đẹp trai và tài hoa đã đột ngột bỏ em từ nhiều năm trước vẫn còn phủ nét u buồn lên gương mặt hiền hậu và đoan trang. Em chào tôi, cười nửa miệng, nửa kia để dành cho một cái mếu. Đáp lại, tôi cũng không ào ào như đối với các em khác, chỉ khoát tay kéo em lại gần, cúi bên tai hỏi rất nhỏ “đã bớt buồn chưa”. Cái mếu vỡ oà! Một em đứng bên cạnh trách “Cô  đụng tới, hắn khóc liền”.Tôi cầm tay em “Phải đụng cho vỡ bớt tí mủ kẻo cương đau lắm” và kéo em ngồi sát bên mình. Trong lúc hỏi chuyện các em khác, tôi choàng tay qua lưng em, thỉnh thoảng bấm mạnh một chút thay lời an ủi. Phương Lan cảm động, ngồi im thin thít bên tôi như còn nhỏ dại. Về sau nghe em kể lại, đêm ấy về nhà, trằn trọc vì mấy cái véo thông cảm của cô còn để lại trong da thịt em một nỗi đau êm đềm!

      Các em đã hỏi thăm nhiều và cũng muốn biết nhiều về cuộc sống của lứa bạn bè đang ở bên này mà tôi đã có dịp gặp. Biết nói

chuyện gì? Khoe tốt chỉ cho người ta buồn than bận làm chi cho người ta mệt.

 

  Một điều tôi không ngờ được là chỉ mấy tiếng đồng hồ trong buổi họp mặt đêm ấy, các em học sinh cũ của tôi mà tôi tưởng chỉ biết run run lập cập trả bài, đã chứng tỏ một tài văn nghệ vô cùng phong phú!  Quá nhiều tiết mục, tôi không thể kể hết. Nào đơn ca, hợp ca, nào hò, nào kể chuyện; không có nhạc đệm, vậy mà cũng đã có quá nhiều màn thật hay. Hơn nữa đối với tôi, cái hay nhất ở đây là một tinh thần văn nghệ tự phát, tự giác, hoàn toàn không câu nệ, không ai chờ đợi phải kêu mời, không chú ý phô tài mà mục đích chính rất rõ ràng là các em muốn tỏ lòng vui mừng được gặp lại cô giáo cũ, muốn đóng góp cho buổi họp mặt thầy trò được vui liên tục và trọn vẹn, vui trong tinh thần, vui trong kỷ niệm. Thì ra các em học sinh của mình cũng hát hay, hay hát và dễ bảo, dễ thương ̣đến thế!

      Tôi thẫn thờ với những bài ca đầy tình cảm của các em lựa chọn cho thích hợp với không khí của buổi họp mặt đêm nay, của một người đang tìm về kỷ niệm, những bài có tính cách cổ điển như “Thương về xứ Huế”, “Huế đẹp, Huế thơ”, “Tiếng sông Hương”… Những bài sống mãi với thời gian như “Nụ cười sơn cước”, “Tiếng chuông chiều thu”… Đặc biệt có em hát tặng tôi bài “Trở về mái trường xưa”, ý nghĩa tha thiết nhắn gởi trong hai câu cuối:

 

          …..Cỏ vẫn xanh muôn đời xuân thiếu nữ

                Nhưng tháng năm không trở lại bao giờ!

 

      Đã để lại một dư âm gây cảm giác lành lạnh lướt qua đôi vai, tôi rùng mình nghĩ đến tháng năm không trở lại nhưng lại để nhiều dấu ấn trên mái tóc của những người học trò cũ của tôi hôm nay, những kẻ đang cố cùng nhau làm sống lại tuổi học trò.

      Thật không ngờ, qua bao tháng năm các em vẫn còn dành cho cô giáo cũ của mình quá nhiều thương mến, quá nhiều ân tình mặn nồng, nhất là tôi cả đời lảnh cái môn mà con gái sợ nhất là môn Toán, nên thường nghiêm khắc với học trò, lại sẵn trứng vịt lộn trong tay, buồn buồn ưa phát “free” cho chúng! cho nên mặc dầu không ai bầu, có lẽ tôi cũng được xếp hạng “top ten” những hung thần trứng vịt của trường Đồng Khánh hồi đó!

    Chương trình văn nghệ vẫn còn tiếp diễn, có những lúc thầy trò vỗ tay cùng hát như thuở còn thơ. Rồi tôi lại càng ngẩn ngơ với giọng ngâm thơ, ca, hò vô cùng truyền cảm của các em.

      Thả hồn lâng lâng theo những điệu hò Huế chơi vơi và êm đềm tình dân tộc , tôi như muốn kéo níu thời gian ngừng trôi để thầy trò chúng tôi có những giờ phút êm đềm quý báo bên nhau. Rồi tôi cũng phải bay về lại qua bên kia bờ đại dương, tìm đâu cho ra những lần hội ngộ hiếm hoi trong cuộc đời như thế này?

      Gần khuya, các em còn ép tôi ăn thêm chè hạt sen, rồi kem Flan nữa mới chuẩn bị giải tán.

      Đồng hồ chạy quá nhanh, tôi đành phải đứng dậy để cho các em ở rất xa còn về. À quên! Còn tiết mục chụp hình nữa chứ. Các em chen chúc, có lẽ ai cũng muốn có mặt bên người mà ngày mai không gặp nữa, ước gì tôi có được nhiều bờ vai!

      Em nào cũng tranh nhau nói:

    “Cho em đứng gần Cô”

Tôi phải cười nói huyên thuyên để đánh tan bầu không khí bịn rịn lúc chia tay, nhiều em nước mắt đã lưng tròng!!

      Sáng hôm sau, đưa tiễn chúng tôi rời khách sạn. Phương Lan đã có mặt ở sau phía bà con, không nói một lời! Khi xe bắt đầu chạy, em đến gần lặng lẽ nhét vào tay tôi một phong thư nhỏ. Mở thư, tôi lặng người về cái thâm thúy của người con gái Huế! Đố ai đoán được trong thư nói gì? Chỉ một câu “em tức quá, hồi nhỏ sao em không giỏi toán!

 

                Huế đó! Huế của tôi!

                Không về đi sao đứt

                Chừ về rựt sao ra *

                Đi, ở cũng đành thôi!!!

 

 

 

                                                                                  Nguyên Hạnh HTD

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen