Seite auswählen

Ngoại trưởng Antony Blinken đã có chuyến thăm Nam Dương hôm 14/12 (Ảnh: Getty Images)

Trung cộng vẫn luôn phát sinh tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia ở Biển Đông. Đáng chú ý là các quốc gia này có nền kinh tế và quân sự nhỏ hơn đáng kể so với Trung cộng, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thị trường thương mại của Trung cộng. Do đó, các quốc gia ven biển như Philippines cũng phải chịu nhiều áp lực trước các biện pháp trừng phạt kinh tế gián tiếp của Trung cộng trong thập niên qua.

 

Không có tranh chấp chủ quyền đối với các đảo hoặc đá ngầm trong vùng biển giàu năng lượng, Nam Dương không coi mình là một bên yêu sách nhưng được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Đáng chú ý là vùng đặc quyền này đã bị cắt bỏ bởi tuyên bố chủ quyền của Trung cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông, như một phần trong chiến dịch càn quét “đường chín đoạn” của họ. Đầu tháng này, Reuters đã ghi nhận một cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng giữa Jakarta và Bắc Kinh về việc Nam Dương khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong EEZ của nước này.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Nam Dương, Ngoại trưởng Blinken đã định nghĩa “trật tự dựa trên luật lệ” hiện tại là cấp cho tất cả các quốc gia quyền “lựa chọn con đường riêng của họ, không bị ép buộc, không bị đe dọa”. Ông cho biết, mục tiêu của việc bảo vệ các tiêu chuẩn đã được thiết lập “không phải là để đánh ngã bất kỳ quốc gia nào”.

Ông Blinken nhận định: “Đó không phải là cuộc cạnh tranh giữa một khu vực tập trung vào Hoa Kỳ hay khu vực tập trung vào Trung cộng. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự thân nó là một khu vực riêng. Đó là lý do tại sao các quốc gia và khu vực từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, từ sông Mekong đến quần đảo Thái Bình Dương, đều rất quan tâm đến các hành động gây hấn của Bắc Kinh, khi chính quyền cộng sản coi các vùng biển mở là của riêng họ, bóp méo thị trường mở thông qua trợ cấp cho các công ty nhà nước, từ chối xuất khẩu hoặc thu hồi các giao dịch đối với quốc gia nào ban hành chính sách mà họ không tán đồng, tham gia vào các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được kiểm soát. Các quốc gia trong khu vực muốn họ thay đổi hành vi này.”

Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh Mỹ ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về việc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn của Trung cộng là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phản ứng trước các nhận xét trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân nhận xét trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung cộng là “mâu thuẫn” bởi vì chính sách này đã thổi phồng “mối đe dọa từ Trung cộng” trong khi lại tuyên bố Mỹ không hề mong muốn xung đột.

“Cách tiếp cận trái ngược như vậy không phù hợp với tinh thần của cuộc gặp giữa các nguyên thủ Trung cộng và Hoa Kỳ, sẽ khó được các nước trong khu vực công nhận”, ông Uông tiếp tục, đồng thời cảnh báo việc “định hướng tư tưởng, tạo bè phái và kích động đối đầu giữa các khối”.

Ông nói: “Họ nên [đóng vai trò] một người thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong khu vực thay vì một ‘kẻ phá hoại’ chia tách mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, còn làm xói mòn sự đoàn kết và hợp tác trong khu vực”.

Nhiều người nhìn nhận, việc tái tổ chức quân sự và chính trị của Mỹ sang châu Á chắc chắn liên quan đến sự can dự sâu hơn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thường được mô tả là trung tâm – cả về mặt địa lý và kinh tế – đối với tương lai của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn đang chờ đợi chiến lược đổi mới của chính quyền Biden đối với khu vực này, cũng như chính sách thương mại có thể cạnh tranh trước những cám dỗ của Trung cộng.

Chuyến thăm hai ngày của Blinken tới Jakarta bao gồm cuộc gặp với Tổng thống Nam Dương Joko Widodo và một cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi của nước này. Tại cuộc họp báo chung hôm 14/12, ông Marsudi đã thông báo về việc ký kết một biên bản ghi nhớ mới (MOU) nhằm mở rộng hợp tác hàng hải giữa hai quốc gia đến năm 2026.

Bà cho hay: “Biên bản ghi nhớ mới này bao gồm hợp tác an ninh hàng hải, tài nguyên biển, bảo tồn và quản lý ngư nghiệp, cũng như an toàn hàng hải và tàu bè. Đáng chú ý là quyết định mở rộng hợp tác an ninh với cơ chế đối thoại “2 + 2” mới, một phương thức họp mặt giữa các bộ ngoại giao và quốc phòng.”

Ông Blinken dự kiến sẽ có mặt tại Mã Lai và Thái Lan để tham gia các cuộc đàm phán tương tự trong tuần này, như một phần trong trọng tâm của chính quyền Biden đối với các đối tác ASEAN.

 

Theo Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển công bố dữ liệu thương mại trong báo cáo Đánh giá hàng năm về Vận tải Hàng hải, hơn 80% thương mại hàng hóa quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Khoảng 60% đi qua châu Á và một phần ba qua Biển Đông.

 (Theo The Epoch Times)

Trithucvn (15.12.2021)

 

 

Biển Đông một năm nhìn lại

Biển Đông trong năm 2021 là một bức tranh với những gam màu sáng tối đan xen. Trên thực địa, tình hình tiếp tục căng thẳng, tiềm ẩn nhiều nhân tố dẫn tới xung đột trên biển và trên không.

Phiên khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, ngày 18/11/2021 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hành động đơn phương, sử dụng lực lượng chấp pháp vượt quá thẩm quyền, thậm chí sử dụng số lượng lớn tàu cá được trang bị vũ trang để duy trì hiện diện, tạo nguyên trạng mới, đồng thời, cản trở, can thiệp vào các hoạt động thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên của các quốc gia ven biển đang ngày càng mở rộng về phạm vi và tần suất gây quan ngại và xói mòn lòng tin giữa các bên.

Sự hiện diện với mật độ cao, quy mô lớn của các lực lượng hải quân không chỉ là biểu hiện của cạnh tranh sức mạnh quân sự mà còn tiềm ẩn rủi ro, sơ suất dẫn tới đối đầu.

Đặc biệt, sự gia tăng đột biến các hoạt động tập trận trên biển và trên không của các nước lớn đang làm lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang và quân sự hoá, khiến Biển Đông không chỉ là không gian biểu dương sức mạnh quân sự giữa các nước lớn, mà còn tiềm ẩn là điểm nóng xung đột của thế giới.

Xu hướng hợp tác

Bên cạnh những diễn biến căng thẳng, xu hướng hợp tác đã có dấu hiệu khởi sắc. Sau 14 năm gián đoạn, Việt Nam và Philippines đã nối lại thỏa thuận khảo sát nghiên cứu khoa học biển. Mã Lai và Brunei đạt được thỏa thuận hợp tác về dầu khí trong khu vực dàn xếp thương mại trên biển giữa hai nước.

Trong khu vực, nhiều diễn đàn được tổ chức nhằm bàn thảo về các khía cạnh hợp tác biển, trong đó, có hợp tác bảo vệ môi trường biển, chống các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, khôi phục kết nối trên biển và phát triển kinh tế biển xanh.

Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, mặc dù còn những tuyên bố đơn phương làm phức tạp hóa tranh chấp, năm 2021 chứng kiến những chuyển động tích cực cả trong và ngoài khu vực. Các quốc gia, tổ chức có lợi ích liên quan như EU, Anh, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ… đồng loạt công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh lợi ích và cam kết đóng góp cho hợp tác duy trì ổn định trên không gian biển, kể cả sẽ tăng cường hiện diện tại khu vực Biển Đông nhằm củng cố và bảo vệ trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.

ASEAN và các diễn đàn ASEAN chủ trì đã tìm được tiếng nói chung khi khẳng định quan ngại với các diễn biến trên thực địa, khẳng định vai trò thống nhất và phổ quát của UNCLOS trong việc xác lập các yêu sách biển và kêu gọi các bên hợp tác xây dựng lòng tin, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện Tuyên bố về các Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). ASEAN cũng thành công trong việc ra Tuyên bố về Kinh tế biển xanh và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, sau một thời gian gián đoạn do tác động của Covid-19, quá trình đàm phán COC được tiếp tục với mục tiêu chung là hướng tới bộ quy tắc thực chất và hiệu quả.

Trên lĩnh vực pháp lý, mặc dù nhiều văn bản nội luật được ban hành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi áp dụng mập mờ, trao thẩm quyền vượt quá phạm vi chức năng của các lực lượng chấp pháp, đặc biệt là việc cho phép sử dụng vũ lực để trấn áp các hoạt động trên biển gây quan ngại về việc sử dụng vũ lực để hậu thuẫn, năm 2021 chứng kiến xu hướng tiếp diễn từ năm 2020 với việc vấn đề Biển Đông tiếp tục được nêu tại Liên hợp quốc.

Nhật Bản và New Zealand đã gửi công hàm tới Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc bày tỏ một số lập trường pháp lý về Biển Đông. Nhật Bản phản bác việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng với Trường Sa và khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết trọng tài Biển Đông trong việc đảm bảo duy trì tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.

Trong khi đó, New Zealand khẳng định giá trị duy nhất của UNCLOS trong việc tạo ra cơ sở pháp lý cho các yêu sách biển, bác bỏ quyền lịch sử, cũng như việc áp dụng đường cơ sở thẳng với Trường Sa, phản bác việc yêu sách chủ quyền và yêu sách vùng biển với các thực thể chìm, đồng thời, khẳng định giá trị ràng buộc của Phán quyết trọng tài Biển Đông với các bên trong vụ kiện.

Tiếp theo Mỹ, Úc, Anh, Đức và Pháp, đây tiếp tục là những tiếng nói của cộng đồng quốc tế, thể hiện quan điểm pháp lý rõ ràng, đề cao giá trị phổ quát của UNCLOS và công nhận giá trị pháp lý của Phán quyết trọng tài Biển Đông.

Trên lĩnh vực truyền thông, việc ứng dụng công nghệ viễn thám đã mở ra khả năng minh bạch hóa các diễn biến trên thực địa, khiến cộng đồng quốc tế dễ dàng nhận thức được các hoạt động đang diễn ra trên không gian biển.

Tuy nhiên, công nghệ viễn thám cũng có thể bị lợi dụng, công bố những kết quả sai lệch theo ý chủ quan của con người. Bên cạnh đó, việc lồng ghép những yêu sách chủ quyền phi pháp vào ấn phẩm khoa học, hoạt động chuyên ngành của một số tổ chức quốc tế vẫn tiếp diễn, làm phức tạp và chính trị hóa hoạt động nghiên cứu khoa học.

Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước. (Nguồn: UN)

 Thông tin đa chiều

Tuy nhiên, điểm sáng trên lĩnh vực truyền thông là ngày càng có các diễn đàn mở, diễn đàn học thuật, công bố những thông tin, nghiên cứu khách quan, từ đó tạo ra hệ thống thông tin đa chiều, có thể kiểm chứng, làm tăng tính minh bạch và giảm thiểu sự kiểm soát, bóp méo thông tin về vấn đề Biển Đông. Sự tham gia của các kênh thông tin phi truyền thống góp phần làm cho thông tin trao đổi nhanh và thông suốt, từ đó, góp phần gia tăng nhận thức của giới học thuật và cộng đồng quốc tế quan tâm về vấn đề Biển Đông.

Những gam màu sáng tối đan xen trong bức tranh Biển Đông cho thấy, mặc dù năm 2021 không có xung đột lớn xảy ra, Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều lớp sóng ngầm, bất cứ lúc nào cũng có thể bùng lên thành sự cố lớn.

Trong không gian chiến lược đang định hình với nhiều cấu trúc, liên kết an ninh mới hình thành đan xen ở phạm vi rộng lớn hơn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông là tâm điểm, nơi chứng kiến cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt nhất, đồng thời cũng là địa điểm thử nghiệm sự hình thành một trật tự quốc tế mới trên biển.

Xu hướng quân sự hóa, sử dụng sức mạnh cường quyền, hay xu hướng tự do, rộng mở, tôn trọng lợi ích của các nước vừa và nhỏ, dựa trên luật pháp quốc tế sẽ thắng thế và chiếm vị trí chủ đạo trong trật tự mới trên biển, không chỉ phụ thuộc vào vai trò trách nhiệm của các nước lớn mà còn cần nỗ lực chung của các nước vừa và nhỏ, đặc biệt là các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

  1. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Báo Quốc Tế (15.12.2021)

 

 

Chiến hạm Đức lần đầu tiến vào Biển Đông sau gần 20 năm

Hộ tống hạm Bayern hôm nay (15/12) đã tiến vào Biển Đông, đánh dấu lần đầu tàu chiến của Hải quân Đức đi qua khu vực này sau gần 2 thập niên. Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết, dự kiến tàu Bayern sẽ mất vài ngày để đến Singapore. Đây là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. “Hải quân Đức sẽ đi theo các tuyến thương mại hàng hải thông thường. Hộ tống hạm Bayern sẽ không đi qua eo biển Đài Loan”, giới chức quân sự Đức cho biết.Trước đó, trong buổi lễ ra quân được tổ chức hôm 2/8, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói rằng việc Hộ tống hạm Bayern đi qua Biển Đông là một phần của nhiệm vụ kéo dài 6 tháng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Chúng tôi muốn luật lệ hiện hành được tôn trọng, các tuyến đường biển được tự do đi lại, các xã hội cởi mở được bảo vệ, và hoạt động thương mại tuân theo những quy tắc công bằng”, bà Kramp-Karrenbauer khi đó nói.

Trong khi đó, thông cáo của Hải quân Đức cùng ngày tuyên bố rằng nước này muốn tăng cường “sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Toàn bộ nhiệm vụ lần này là chuyến hải trình huấn luyện thông thường. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực chiến lược quan trọng nhất trên thế giới, là nơi đưa ra các quyết định quan trọng về tự do, hòa bình và thịnh vượng”, thông cáo của Hải quân Đức khi đó nêu rõ.

VietBF (15.12.2021)

 

 

G7, ASEAN tuyên bố “có lợi ích chung” trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth và các tàu của Hà Lan, Mỹ và Nhật Bản diễn tập chung trong khu vực Thái Bình Dương vào tháng 8/2021.  Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông và tuyên bố “có chung lợi ích trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp khai mạc giữa các ngoại trưởng G7 với đồng cấp của họ tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

 G7 bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản. Trong khuôn khổ cuộc gặp của các ngoại trưởng G7 tại Liverpool (Anh), các nhà ngoại giao hàng đầu của các quốc gia này đã tham dự một cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp tại các quốc gia Đông Nam Á vào Chủ Nhật. Cuộc họp do Anh – quốc gia giữ chức chủ tịch G7 trong năm nay – tổ chức.

Tuyên bố chủ tọa cho biết G7 và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á với 10 thành viên đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và “bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đảo, các hoạt động, sự cố nghiêm trọng trong khu vực trong đó có thiệt hại đối với môi trường biển. Những hoạt động này đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực” – Tuyên bố nhấn mạnh nhưng không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Trung cộng, nước đã bị cáo buộc về các hoạt động như vậy, đã không được mời tham dự cuộc họp và hiện chưa có phản ứng gì về tuyên bố này. Tuyên bố chủ tọa này cũng đã được đăng trên trang web của Ban thư ký ASEAN.

Các bên tham gia hội nghị kêu gọi cần có “một Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Cuộc họp cấp bộ trưởng này được tổ chức trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN đang có sự chia rẽ về vấn đề AUKUS –  một quan hệ đối tác ba bên mới giữa Mỹ, Anh và Úc. Thỏa  thuận này vốn bị Trung cộng chỉ trích là có khả năng gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á.

Mã Lai và Nam Dương đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về liên minh mới này vì mặc dù không mua vũ khí hạt nhân nhưng liên minh này đã dẫn tới việc Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Anh và Mỹ.

Chỉ vài ngày trước cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Dương Prabowo Subianto đã nhắc lại quan điểm của Nam Dương về AUKUS: “Tất nhiên Đông Nam Á nên duy trì là một khu vực không có hạt nhân và các quốc gia Đông Nam Á lo sợ rằng điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang”.

Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) cho biết cuộc họp hôm Chủ Nhật được tổ chức theo sáng kiến ​​của Anh và nó có thể phản ánh định hướng trong chính sách đối ngoại của Anh.

“Vương quốc Anh đang thực hiện đặc quyền của mình với tư cách là Chủ tịch của G7 và nước này có chính sách độc lập riêng của mình đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” – GS Thayer nhận định.

Tháng 3/2021, Chính phủ Anh đã đề ra chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và ngoại giao của mình trong hai thập kỷ tới. Giới quan sát cho rằng đã có một “sự nghiêng hẳn về phía khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Mùa hè vừa qua, Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của nước này đã lần đầu tiên triển khai tới Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết việc triển khai này thể hiện “sức mạnh và cam kết của Anh trên biển, trên không và trên đất liền” đồng thời thúc đẩy hơn nữa lợi ích của Anh cũng như củng cố các quan hệ đối tác của nước này.

Kế hoạch sản xuất dầu khí

Trong khi đó, trong một động thái có thể gây khó chịu cho Trung cộng, công ty dầu khí Harbour Energy của Anh đã thông báo đang lên kế hoạch sản xuất dầu khí sau khi khoan thẩm định thành công ở hai lô ngoài khơi Nam Dương.

Ngày 9/12/2021, Công ty cho biết hoạt động khoan thẩm định thành công ở lô A Natuna Sea và lô Tuna sẽ “hỗ trợ sản xuất trong tương lai.”

Harbour không cung cấp thông tin chi tiết nhưng giới truyền thông Nam Dương đã dẫn lời ông Benny Lubiantara, một quan chức cấp phó phụ trách kế hoạch của một cơ quan chuyên trách các hoạt động kinh doanh dầu khí ‘thượng nguồn’ của Nam Dương, cho biết: Trong tháng 1/2022, bộ phận của ông và Premier Oil sẽ bắt đầu thảo luận về một kế hoạch phát triển đã được đề xuất.

Premier Oil là tên gọi của Harbour tại Nam Dương. Premier Oil đã hợp nhất với Chrysaor để trở thành Harbour Energy plc vào đầu năm nay. 

Premier Oil cùng đối tác Nga Zarubezhneft đã khoan hai giếng thẩm định ở phía Đông biển Natuna –  gần biên giới biển giữa Nam Dương với Việt Nam. Kết quả cho thấy tiềm năng hydrocacbon tốt.

“Ngay từ đầu, SKK Migas đã đánh giá và phân loại hai giếng này là những giếng quan trọng” – ông Benny cho biết.

“Ngoài việc gia tăng trữ lượng dầu khí quốc gia, những phát hiện này cũng nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ của Cộng hòa Nam Dương” – ông Benny nói thêm.

Đầu tháng này, một nhà làm luật Nam Dương tiết lộ rằng Bắc Kinh đã yêu cầu Nam Dương ngừng khoan dầu khí ở lô Tuna.

Lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nam Dương, cách biên giới biển Nam Dương-Việt Nam khoảng 10 hải lý nhưng trùng với đường chín đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để phân giới các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trong hai tháng 9 và 10 vừa qua, tàu Hải dương Địa chất 10 của Trung cộng đã tiến hành khảo sát đáy biển gần lô Tuna bất chấp sự phản đối của các cơ quan chức năng Nam Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken hiện có chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Jakarta, bắt đầu từ thứ Hai (13/12).

Trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố cho biết Hoa Kỳ “ủng hộ các nỗ lực mạnh mẽ của Nam Dương nhằm bảo vệ các quyền hàng hải của mình và chống lại sự gây hấn của Trung cộng ở Biển Đông, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna”.

RFA (14.12.2021)

 

 

Tại Nam Dương, ngoại trưởng Mỹ lên án các hành vi hung hăng của Trung cộng ở châu Á-Thái Bình Dương

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham dự cuộc họp tại bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư ở Jakarta, Nam Dương ngày 14 tháng 12 năm 2021. REUTERS – POOL

Phát biểu vào hôm nay, 14/12/2021 tại Jakarta, thủ đô Nam Dương, chặng đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên từ ngày nhậm chức, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không ngần ngại nêu đích danh Trung cộng, tố cáo các hành vi gây hấn nhắm vào các nước trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cam kết bảo vệ các đối tác và một “trật tự dựa trên luật pháp”.

Trong bài nói chuyện tại Đại Học Nam Dương ở Jakarta về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken đã nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đều phải được quyền “lựa chọn con đường của riêng mình”, và Washington sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ một “trật tự dựa trên luật pháp” trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang bị những hành vi hung hăng (aggressive actions) của Trung cộng đe dọa.

Theo ngoại trưởng Mỹ, hiện đang có “rất nhiều mối lo ngại – từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và từ vùng sông Mekong đến các quần đảo Thái Bình Dương – về các hành động hung hăng của Bắc Kinh”.

Ông Blinken đã liệt kê những hành vi như:

Tuyên bố các vùng biển mở là của riêng họ, làm méo mó các thị trường mở thông qua trợ cấp cho các công ty nhà nước, từ chối xuất khẩu hoặc hủy bỏ các giao dịch đối với các quốc gia có chính sách mà họ không đồng ý, can dự vào những hoạt động đánh bắt cá phi pháp, không khai báo và không được điều hòa.”

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Các quốc gia trong khu vực muốn hành vi này thay đổi – chúng tôi (tức là Hoa Kỳ) cũng vậy”. Ông nói thêm: “Chính vì thế mà chúng tôi đã quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi mà các hành động hung hăng của Bắc Kinh đe dọa sự lưu thông của hơn 3 tỷ đô la hàng thương mại mỗi năm”.

Khi khẳng định rằng Mỹ bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, ông Blinken nói rõ là mục đích của Washington không phải là “đánh ngã một nước nào” mà là “bảo vệ quyền của mọi quốc gia được chọn lựa hướng đi của riêng mình, mà không bị bức ép hay hù dọa”.

Theo hãng tin Pháp AFP, nhân chuyến công du Đông Nam Á của mình, ngoại trưởng Mỹ sẽ cố gắng nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ngay cả khi chính quyền Mỹ phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng khác, từ Iran đến Nga.

Việc chọn Nam Dương làm chặng đầu tiên trong chuyến công du không phải là ngẫu nhiên, vì đây là cường quốc số một của khu vực Đông Nam Á, đồng thời quốc gia này sẽ làm chủ tịch luân phiên của nhóm G 20.

Sau Nam Dương, ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục vòng công du qua Mã Lai và Thái Lan.

RFI (14.12.2021)

 

 

Úc và Hàn Quốc kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải tại Biển Đông

Thủ tướng Úc Scott Morrison (R) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chứng kiến lễ ký kết bản tuyên bố chung tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra vào ngày 13 tháng 12 năm 2021  AFP

Hôm 14 tháng 12, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố bản Tuyên bố chung khẳng định sự ổn định của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông, phụ thuộc vào việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải.  

Bản tuyên bố nhấn mạnh các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, tuyên bố sẽ tăng cường phối hợp để các nguyên tắc này được duy trì trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguy cơ gây mất ổn định trong lĩnh vực hàng hải. 

Tháng 7 năm 2020, Úc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông. Công hàm có đoạn: “Chính phủ Úc bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung cộng không tuân theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đặc biệt là các yêu sách trên biển không tuân theo các quy định về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể.” 

Trung cộng hiện đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông trong vùng đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của những nước láng giềng. Toà Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp pháp và lịch sử của đường này, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.

RFA (14.12.2021)

 

 

Thành phố Tam Sa – Thùng thuốc súng ở Biển Đông

Một báo cáo được phát hành trong năm nay bởi Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (U.S Naval War College) đã tiết lộ một số chi tiết gây sốc về thành phố Tam Sa ở Biển Đông. Hòn đảo chính – nơi đặt trụ sở chính quyền nhân dân thành phố – hiện đã mở rộng cơ sở hạ tầng bến cảng, cơ sở khử muối nước biển và xử lý nước thải, nhà ở công cộng mới, phủ sóng mạng 5G; có trường học, nhà tù, tòa án; và có các chuyến bay định kỳ đi lại về Đại lục. Nếu nổ ra chiến tranh trong khu vực, thành phố này có thể là thùng thuốc súng châm ngòi cho chiến tranh.

Ảnh chụp từ trên không của thành phố Tam Sa vào ngày 27/7/2012, trên một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Trung cộng hiện coi nó là một phần của tỉnh Hải Nam. (STR / AFP / Getty Images)

Một thành phố chiếm phần lớn Biển Đông, có diện tích gấp 1.700 lần thành phố New York của Mỹ, chính là thành phố Tam Sa do Trung cộng thành lập vào năm 2012. 

Báo cáo của U.S Naval War College cho biết, thành phố này được thành lập để quản lý một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm: quần đảo Paracel (Việt Nam gọi là Hoàng Sa, Trung cộng gọi là Tây Sa), quần đảo Spratly (Việt Nam gọi là Trường Sa, Trung cộng gọi là Nam Sa), quần đảo Zhongsha (bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough, Trung cộng gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh. 

Theo phân cấp hành chính của Trung cộng, Tam Sa là một thành phố cấp địa khu thuộc tỉnh Hải Nam và có chính quyền nhân dân đặt tại đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm). Thành phố Tam Sa bao gồm quận Tây Sa và quận Nam Sa. Trong số đó, Việt Nam và Đài Loan đang tuyên bố chủ quyền ở các khu vực của Tây Sa (Hoàng Sa); số quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Nam Sa (Trường Sa) thậm chí còn nhiều hơn, gồm Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Mã Lai, và Brunei.

Nếu Trung cộng tiếp tục chiếm đóng cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ này và phát triển nó thành một thành phố thực tế của Trung cộng, thì điều đó sẽ là khiêu khích rất lớn đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Một khi các quốc gia như Việt Nam và Philippines quyết định hành động trước hành vi chiếm đóng trái phép của Trung cộng, thành phố Tam Sa có khả năng trở thành trung tâm của một cuộc đối đầu lớn. Bởi vì Bắc Kinh đã vượt quá ngưỡng mà các nước tranh chấp ở Biển Đông có thể chịu đựng.

Bản đồ quy hoạch thành phố Tam Sa. Trong đó, phần màu xanh lá là quận Tây Sa (Hoàng Sa), vị trí ngôi sao đỏ là đảo Vĩnh Hưng (Phúc Lâm); phần màu đỏ là quận Nam Sa (Trường Sa). (Nguồn ảnh: Bản đồ công cộng)

Trung tâm thành phố Tam Sa được phát triển nhiều cơ sở hạ tầng

Trên bản đồ có thể thấy, thành phố Tam Sa nằm ở trung tâm của khu vực có nhiều tranh chấp trên Biển Đông. Hải quân và Cảnh sát biển Trung cộng hiện diện rộng khắp ở thành phố rộng lớn này. Trung cộng cũng phát triển một lượng lớn khu dân cư, tạo thành lớp lá chắn dân thường khiến các bên khó bề xử trí. Lấy ví dụ về đảo Vĩnh Hưng (Phúc Lâm), một trong những đảo thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Nơi đây từng là một tiền đồn hẻo lánh, nhưng ngày nay nó là trụ sở của Tòa thị chính thành phố Tam Sa. 

Báo cáo của U.S Naval War College nêu rõ: “Hòn đảo này hiện đã mở rộng cơ sở hạ tầng bến cảng, cơ sở khử muối nước biển và xử lý nước thải, nhà ở công cộng mới, hệ thống tư pháp đang hoạt động, phủ sóng mạng 5G, có trường học và các chuyến bay định kỳ đi lại về Đại lục”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thành phố Tam Sa đang “phát triển ngành du lịch ở quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), thu hút hàng trăm công ty đăng ký mới, đào tạo nuôi trồng thủy sản và khuyến khích cư trú lâu dài”. Trung cộng thậm chí đã xây dựng nhà tù và tòa án. Có hai người đã bị xét xử và kết án vì tội buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa).

Bản đồ Biển Đông với các khu vực tranh chấp. (CC BY-SA 3.0 / Wikipedia)

Trung cộng mô tả thành phố Tam Sa là một “địa cấp thị” (thành phố cấp địa khu). Ở Trung cộng đại lục, “địa cấp thị” là khu vực bao gồm một thành phố trung tâm, các thành phố vệ tinh xung quanh, thị trấn, làng mạc và khu vực nông thôn. Báo cáo của U.S Naval War College đã giải thích động cơ đằng sau việc Bắc Kinh phát triển thành phố Tam Sa thành một “địa cấp thị”. Trong đó chỉ ra rằng, “việc mở rộng các tổ chức của đảng và chính quyền ở thành phố Tam Sa cho phép chính quyền thành phố có thể trực tiếp quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, và đảm bảo lợi ích của Đảng Cộng sản Trung cộng được ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách ở địa phương”.

Bắc Kinh đã chiếm đóng một số vùng lãnh thổ mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Vậy nên không ai ngạc nhiên khi Trung cộng chiếm một khu vực gọi là thành phố Tam Sa. Tuy nhiên, vấn đề chính là sự kiểm soát của Trung cộng đối với khu vực này đang vượt khỏi phạm vi chiếm đóng của quân đội và dần biến thành một phần lãnh thổ của Trung cộng. Điều này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bên tranh chấp Biển Đông cũng như các nước muốn kiềm chế hành vi hiếu chiến của Trung cộng. Họ phải nhanh chóng hành động, nếu không chế độ Trung cộng sẽ không ngừng tăng cường kiểm soát dân sự đối với thành phố Tam Sa.

Theo Gu Wangqin – Vision Times

NTDVN (13.12.2021)

 

 

Nhật thúc giục Trung cộng ‘hành động có trách nhiệm’ ở Biển Đông

Nhật Bản thúc giục Trung cộng hành động “có trách nhiệm” tại Biển Hoa Đông, Biển Đông, Hồng Kông, cũng như tại khu tự trị Tân Cương.

Trong cuộc họp của khối bảy cường quốc kinh tế (G7) hôm Thứ Bảy vừa qua tại thành phố Liverpool, Anh Quốc, Ngoại Trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho hay ông dự trù thúc giục Bắc Kinh như kể trên.

Mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ và mẫu hạm trực thăng Nhật JS Kaga tập trận tại Biển Đông ngày 4 Tháng Mười Một, 2021. (Hình: JMSDF)

Khối G7 gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh Quốc, Canada, Pháp, Đức và Ý. Họ là những quốc gia kỹ nghệ theo thể chế dân chủ đa nguyên đa đảng và giàu có với tổng tài sản chiếm đến 60% của cải giàu có của thế giới. Trong khi đó, dân số của cả bảy nước cộng lại chỉ chiếm 10% của thế giới.

Ngoại Trưởng Hayashi cho hay trong cuộc họp kể trên là ông chống lại bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đồng thời Nhật Bản cũng vô cùng quan tâm đối với tình hình nhân quyền ở cả Hồng Kông và khu vực Tân Cương vốn đang bị Bắc Kinh cai trị với bàn tay sắt.

Tuy ông Hayashi không nêu tên quốc gia nào, ai cũng có thể hiểu là ông đả kích Trung cộng. Tuy các nước ASEAN không phải là thành viên của tổ chức G7 nhưng cũng được mời tham dự một số cuộc thảo luận về nhân quyền, an ninh và đối phó với đại dịch COVID-19.

Sau cuộc họp, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken bay đi Á Châu, gặp lãnh đạo các nước Nam Dương, Mã Lai và Thái Lan. Tin tức quốc tế cho hay ông dự trù thảo luận với ba nước này các biện pháp đối phó với tham vọng bá quyền bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông, nhân quyền, mà Hoa Kỳ nhấn mạnh họ nỗ lực vận động cho “trật tự quốc tế dựa trên nền tảng là luật lệ.”

Những ngày cuối Tháng Mười Một, Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính đã đến Tokyo gặp Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida. Tại đây, theo Thông Tấn Xã Việt Nam, về vấn đề Biển Đông, hai ông đã kêu gọi “giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).”

Chiến hạm Nhật và Mỹ tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông ngày 16 Tháng Mười Một, 2021. (Hình: JMSDF)

Vào dịp này, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa hiệp hợp tác về an ninh mạng mà hãng tin Kyodo News nói nhắm đối phó với Trung cộng đang gây bất ổn và đe dọa cho trật tự hòa bình thế giới.

Nguồn tin này thuật lời viên chức Bộ Quốc Phòng Nhật nói các cuộc tấn công mạng là mối đe dọa an ninh từ Trung cộng vì nước này ngày càng hung hăng hơn ở khu vực.

Những năm gần đây, Hải Quân Nhật Bản gia tăng tập trận với Hải Quân Mỹ và các nước khác trên Biển Đông. Nhật Bản cũng viện trợ cho Việt Nam một số tàu cho Cảnh Sát Biển Việt Nam và hiện đang có dự án đóng cho lực lượng này sáu tàu tuần tra trị giá khoảng $348 triệu.

Người Việt (13.12.2021)

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen