Seite auswählen

VN: Các tổ chức dân sự kiến nghị bỏ các điều 109, 117 và 331 Bộ Luật hình sự VN

 

Bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Là một trong những người ký tên và tham gia soạn thảo kiến nghị, luật sư Lê Quốc Quân nói với BBC News Tiếng Việt hôm 10/1:

“Tôi ký tên là vì tôi đồng ý với những nhận định và đề nghị trong Kiến nghị 117 đó. Tôi đã không hài lòng với ba điều luật đó từ lâu (Điều 109, 117 và 331) nhưng càng trở nên bức xúc hơn trong giai đoạn gần đây khi số người bị bắt nhiều hơn và mức án được tuyên ngày càng nặng hơn. Lương tâm tôi thôi thúc việc ký tên.”

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận xét:

“Thực sự những người như người Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm hay những người bị kết án vừa qua bởi điều 117 là vô tội. Những người đã bỏ phiếu thông qua điều luật 117 mới có tội vì họ vi hiến. Đây là sự đảo lộn, tức tội nhân thì đi phán quyết những người vô tội.”

Điều 117 có vi hiến?

Bản Kiến nghị 117 có nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật trong BLHS 2015, gồm điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 117 “Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước”; và điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Kiến nghị được gửi đến Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ; và các Đại biểu Quốc hội.

Nói về vấn đề điều 117, LS Lê Quốc Quân phân tích:

“Việc vi hiến thì cũng là một vấn đề tranh cãi. Có 2 vế của Hiến pháp: Có lợi cho Dân và có lợi cho Chính quyền, hiện nay các Điều luật có lợi cho chính quyền, hạn chế quyền dân thì được ra đời chi tiết, bao trùm trong khi các luật Nhà nước còn nợ dân thì không thấy đâu ví dụ Luật Hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật Hoạt động của ĐCS…

“Và theo tôi, điều quan trọng nhất chính là Điều 4. Điều 4 của Hiến pháp đã cho phép ĐCS lãnh đạo toàn xã hội, cho nên Đảng CS có quyền hành động trên xã hội. Vì thế để củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình ĐCS có thể làm bất cứ điều gì để hạn chế quyền dân, để đàn áp, để tiếp tục cầm quyền, thậm chí coi những người tiến bộ, thao thức với đất nước là đối tượng cần trừng trị.”

Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có nhiều thân chủ bị kết án bởi điều 117 này giải thích với BBC News Tiếng Việt:

“Cùng với điều luật 331, thì điều 117 BLHS không nên được điển chế vào BLHS Việt Nam. Vì các điều luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận theo điều 25 của hiến pháp, không những thế, cũng hạn chế điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.”

“Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc phát ngôn làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức một cách không chính đáng thì chỉ là một lỗi dân sự. Chúng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà thôi.”

“Theo đó, tôi nghĩ chính quyền nên xem xét lại sự tồn tại của 2 điều luật này để bảo đảm sự hội nhập, tương thích của luật pháp Việt Nam đối với những tiêu chuẩn luật pháp hình sự quốc tế.” LS Mạnh chia sẻ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRỊNH BÁ TƯ Chụp lại hình ảnh, Gia đình có ba nhà hoạt động bị bắt: Từ trái qua: ông Trịnh Bá Tư (8 năm tù); ông Trịnh Bá Phương (10 năm tù); bà Cấn Thị Thêu (8 năm tù)

Đồng quan điểm với LS Mạnh, LS Lê Quốc Quân biện giải:

“Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 là sự nối tiếp của Điều 88, BLHS năm 1999 nhưng phát triển ở mức cao hơn, cụ thể và bao trùm hơn. Nếu được ví thì tôi có thể ví đây như là một loại lưới “giã cào” của dân đi biển, hoặc lưới “bát quái” của Trung Quốc đang bán để đánh bắt cá. Nó gom tất, bắt tất các loại, mang tính hủy diệt.”

Theo ông Quân, Điều 88 trước đây nói về hành vi thì chỉ có “tuyên truyền” nhưng giờ các hành vi bao gồm: “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền”. Đối tượng của nó là: “Thông tin, tài liệu, vật phẩm”. Cho nên, ông phân tích nếu như căn cứ theo điều trên thì “bất cứ ai cũng có thể bị bắt” nếu Nhà nước coi là “chống Nhà nước”.

“Mà khái niệm “Nhằm chống nhà nước” là rất mơ hồ, có thể nói những điều đúng sự thật và chỉ nhằm mục đích “xây dựng” nhưng Nhà nước vẫn coi là “chống” thì rất khó tranh luận. Điều luật này cũng đã tệ nhưng khi sự việc xảy ra, dân phải đi kiếm tìm công lý ở Tòa án, thì tòa án thường diễn ra không công khai, không tranh luận, không phản biện, và chỉ là rút bản án “bỏ túi” đã được ĐCS phê duyệt ra để tuyên án,” ông Quân giải thích.

Luật sư bất đồng chính kiến kết luận: “Điều luật này rất rộng, mơ hồ và nguy hiểm cho việc thực thi quyền tự do Ngôn luận của Nhân dân vốn đã được quy định tại Điều 25 – Hiến pháp 2013.”

Phân tích thêm về bản kiến nghị 17, LS Lê Quốc Quân cho rằng chính quyền nào thì cũng luôn luôn cố gắng bảo vệ sự chính danh của mình, trang bị cho mình những công cụ để đàn áp và công cụ của Nhà nước chính là “pháp luật”.

“Tuy nhiên, tôi thấy Việt Nam đưa quá nhiều Điều luật vào chương xâm phạm an ninh Quốc gia không chỉ để hợp pháp mà để đàn áp. Chúng tôi cũng kiến nghị bỏ Điều 109 là bởi đã có Điều 112 – Tội Bạo loạn và Điều 113 tội Khủng bố nhằm chống chính quyền rồi. Còn khi dân dùng những biện pháp ôn hòa và các quyền Hiến định để đòi “thay đổi” thì không thể nào bị kết án theo Điều 109 – Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nữa.”

“Khi còn sống Hồ Chí Minh cũng nói rõ với toàn dân là “Dân có quyền đuổi chính phủ”. Vậy nếu bây giờ ông Hồ hoạt động bất bạo động để “Đuổi chính phủ” thì chắc chắn ông cũng sẽ bị bắt theo Điều 109 như hơn 50 người bị kết án về Điều khoản này trong 5 năm qua,” ông Quân nêu nhận định.

Tuy nhiên, với những quan sát cá nhân, LS Đặng Đình Mạnh cho rằng bản kiến nghị này không mấy khả quan”.

“Qua nhiều vụ án hình sự xét xử tội danh theo điều 117 trong thời gian vừa rồi, tôi không hy vọng nhiều vào khả năng sớm thay đổi quan điểm của chính quyền đối với điều luật này. Tuy nhiên, xu thế hội nhập với quốc tế là không thể đảo ngược được, cho nên, tôi tin sẽ có sự thay đổi, nhưng phải chờ thời gian xa hơn,” ông Mạnh chia sẻ.

Chụp lại hình ảnh, Những nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến bị kết án bởi điều 117 BLHS 2015 và điều 88 BLHS 1999

Cùng chung một nhận xét, LS Lê Quốc Quân cho rằng cả 3 điều luật mà các tổ chức yêu cầu loại bỏ đều rất khó để nhà cầm quyền thực hiện.

“Bởi vì nó đã có từ lâu rồi, từ khi có BLHS đầu tiên vào năm 1985, nhưng càng ngày họ càng phát triển tinh vi hơn, phức tạp hơn, có tính đàn áp cao hơn. Mặt khác Bộ luật hình sự mới này chỉ mới có hiệu lực chính thức được 5 năm thì họ không sửa đổi. Theo tôi, nếu có tinh thần sửa đổi thì Đảng đã chỉ đạo cho Tòa án trước hết làm sao xử cho nhẹ hơn đã, nhưng không phải vậy: Luật ngày càng ngày càng chặt, án ngày càng nặng,” ông Quân nêu thực trạng.

Tuy tình hình không mấy khả quan, LS Quân cũng chia sẻ lý do về việc vẫn ký tên vào Bản kiến nghị:

“Tôi vẫn lên tiếng Kiến nghị bỏ (3 điều trên) vì những điều này rất phi lý, là đẩy đất nước đến chỗ nguy hiểm hơn. Nhà nước sẽ đẩy dân trở thành thế lực thù địch. Tôi thấy có một sự “độc ác” nào đó mà lương tâm tôi không cho phép dung túng. Tiếng nói của tôi, chữ ký của tôi có thể chỉ là như một hạt cát, như một “tiếng kêu trong hoang địa” nhưng không phải vì thế mà chúng ta im lặng. Bất công có thể đến với chúng ta khi tất cả chúng ta đều im lặng trước bất công. Những bản án dịp cuối năm càng làm cho tôi đồng ý với những anh em khác trong việc lên tiếng kiến nghị hủy bỏ 3 Điều trong BLHS,” ông Quân tỏ bày.

Những bản án nặng nề

Tháng 12/2021, Việt Nam đồng loạt xử các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo nổi tiếng với các mức án được đánh giá là nặng nề.

  • Phạm Đoan Trang 9 năm tù theo Điều 88, khoản 1 Bộ luật Hình sự năm 1999 (phiên sơ thẩm)
  • Trịnh Bá Phương 10 năm tù và 5 năm quản chế theo khoản 2, điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
  • Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù và 3 năm quản chế theo khoản 2, điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
  • Trịnh Bá Tư 8 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
  • Cấn Thị Thêu 8 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)

Chia sẻ suy nghĩ về những bản án, LS Lê Quốc Quân nói:

“Những ngày cuối năm, nhìn những bản án mới được tuyên, tôi thực sự sốc. Tôi cho rằng những người bất đồng chính kiến không thể làm được gì lớn lao, ảnh hưởng đến quyền lực của ĐCS cả, nhưng họ vẫn ra những bản án nặng nề quá sức.”

Còn Tiến sỹ Nguyễn Quang A thì cho rằng, việc chính quyền đưa ra những bản án nặng nề như vậy là muốn truyền đi thông điệp rằng: “Họ muốn bắt ai thì bắt và người dân phải ngoan ngoãn. Họ đẩy những vụ xử này vào cuối năm cũng là có sự tính toán kỹ lắm vì giới ngoại giao thường nghỉ lễ, không nhiều nhân viên theo dõi nên áp lực quốc tế lên chính quyền thời điểm này là ít nhất.”

Theo Tiến sĩ A, những vụ xử với các bản án nặng nề như thế này có thể đem đến hai tác động:

“Một là nhiều người sợ và im tiếng. Hai là các bản án sẽ gây sự phẫn uất trong dân chúng – đây mới là điểm quan trọng. Có thể bây giờ người ta chưa lên tiếng nhưng trong thâm tâm của họ nghĩ rằng một chế độ bất công như vậy, những người thực sự lên tiếng đáng ra được tuyên dương thì bị tuyên những bản án vô cùng nặng nề.”

“Riêng việc bắt và tuyên án những người này đã là sự vi phạm trắng trợn của nhà cầm quyền đối với luật quốc tế, tức là Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã kí từ 39 năm trước. Đây là luật chứ không phải tuyên ngôn nên nhà cầm quyền phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình chứ không phải bắt bớ, cấm đoán. Những quyền như 117 là vi hiến và những đại biểu quốc hội mà bấm nút thông qua luật này là tội đồ lớn.”

“Chính quyền tuyên án như vậy với sự mong muốn mọi người im tiếng nhưng trong lòng của họ có khi vẫn sôi sục về sự bất công. Và khi họ nung nấu những ‎ý nghĩ đó thì sẽ có hại cho nhà cầm quyền,” ông Quang A kết luận.

Truyền thông nhà nước Việt Nam nói gì?

Báo Công an Nhân dân ngày 1/11/2021 có bài nói: “Các thế lực chống phá tìm cách đánh tráo bản chất các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, từ đó kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần “huỷ bỏ Điều 117, Bộ luật Hình sự”.”

Bài báo khẳng định: “Các hoạt động kêu gọi xóa bỏ điều luật nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng chống phá nhà nước tuyên truyền, can thiệp vào các lĩnh vực nhạy cảm của đời sống xã hội của Việt Nam trong vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những mục tiêu mà các đối tượng phản động, chống đối đặt ra là có thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Gần đây, ngày 23/12/2021, Tạp chí Cộng sản đăng bài có tựa “Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay”.

Bài này nói: “Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH)… thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, bằng việc ra bản phúc trình hằng năm về nhân quyền.”

BBC (11.01.2022)

 

 

Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin về các vụ bắt giữ và kết án tuỳ tiện

Hình minh hoạ: Ông Nguyễn Văn Nghiêm tại Toà án Nhân dân tỉnh Hoà Bình hôm 23/6/2020. Ông bị tuyên án 6 năm tù giam với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”  Công An Nhân Dân

Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (UN) hôm 1/11/2021 đã gửi một bức thư đến Chính phủ Việt Nam, yêu cầu cung cấp các thông tin về việc bắt giữ và kết án đối với một số các nhà hoạt động tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021. Bức thư vừa được công bố trên trang web của UN theo thông lệ 60 ngày kể từ khi gửi.

Hôm 21/12/2021, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UN và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư yêu cầu kéo dài thời hạn phúc đáp cho đến ngày 28/2/2022.

Bức thư của các báo cáo viên đặc biệt của UN yêu cầu phía Việt Nam làm rõ thông tin bắt giữ và kết án đối với các nhà hoạt động bao gồm: Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thành và Trần Quốc Khánh. Đây là những người đã bị bắt giữ trong năm 2020 và 2021 với các cáo buộc tội liên quan đến an ninh quốc gia theo các Điều 117 và Điều 331 của Bộ Luật Hình sự 2015 vốn là những điều luật bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và chuyên dùng để áp tội lên các những người có tiếng nói chỉ trích chính quyền.

Trong số những người được nêu tên trong thư, chỉ có ông Chung Hoàng Chương là người đã thi hành xong hình phạt tù 1,5 năm vào ngày 11/6/2021. Những người còn lại hiện vẫn đang thụ án tù sau khi bị toà kết án hoặc đang chờ ngày ra toà.

Các báo cáo viên đặc biệt của UN “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ bắt giữ và kết án đối với Chung Hoàng, Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung và Đinh Văn Hải, dường như có liên quan đến những bày tỏ ý kiến chỉ trích về tình hình nhân quyền Việt Nam”.

Các chuyên gia của UN cũng “quan ngại không kém việc bắt giữ một số các ứng viên tự do và nhà hoạt động đã tuyên bố tham gia tranh cử vào ghế đại biểu Quốc hội trong năm 2021, bao gồm ông Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thành và Trần Quốc Khánh”.

Bức thư có đoạn viết: “Những trường hợp này theo sau một mô thức lặp lại của việc giam giữ kéo dài trước toà, kết án với những từ ngữ mù mờ về các tội hình sự, thiếu đảm bảo xét xử công bằng, từ chối không cho tiếp cận luật sư, phiên toà đóng không theo đúng thủ tục cần thiết, kết án tù nặng nề, vi phạm một loạt các quy tắc chung về nhân quyền, đặc biệt là các Điều 9, 14, 19 và 25 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn vào ngày 24/9/1982”.

Các báo cáo viên của UN yêu cầu phía Chính phủ Việt Nam cung cấp và làm rõ các thông tin liên quan đến các cáo buộc đối với những người được nêu tên trong thư; cơ sở pháp lý của việc bắt giữ và kết án, giải thích cơ sở này dựa trên nghĩ vụ được quy định tại Công ước của UN về các Quyền Dân sự và Chính trị; giải thích tại sao những người bị bắt giữ không được tiếp xúc với gia đình và luật sư.

Ngoài ra, các báo cáo viên UN cũng yêu cầu Chính phủ Việt Nam giải thích những cáo buộc về việc sách nhiễu, đe doạ và trả thù có hệ thống nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự, nhà báo và bloggers thời gian qua, đồng thời nêu lên các biện pháp được thực hiện để bảo vệ cho họ.

Theo thống kê của Human Rights Watch, Việt Nam hiện vẫn giam giữ ít nhất 145 người vì dám lên tiếng đòi thực thi các quyền cơ bản ôn hoà. Ít nhất 31 người đã bị kết án tù trong năm 2021 vì bày tỏ ý kiến ôn hoà của mình trên mạng trái với quan điểm của Chính phủ.

RFA (10.01.2022)

 

 

Giấc mơ nhân quyền

Nhân quyền Việt Nam vẫn là thứ xa xỉ 

Với những gì mà báo chí nhà nước đang nói về vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” từ cáo buộc theo điều 331 của Bộ luật hình sự, hay trước đó nữa về điều luật 117 như đối với ứng viên chính trị độc lập Lê Trọng Hùng, với Phạm Đoan Trang… cho thấy nhân quyền Việt Nam vẫn là thứ xa xỉ.

Ở đây người viết muốn nói đến bản chất pháp lý và ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trên giảng đường trường luật, các thế hệ sinh viên đều được dạy rằng con người và quyền con người là giá trị quan trọng và trở thành đối tượng ưu tiên bảo hộ của pháp luật trong tố tụng hình sự.

Bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lá chắn quan trọng và vững chắc nhất đối với quyền con người, quyền công dân nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng là việc thừa nhận và ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội.

Ở môn luật hình sự, suy đoán vô tội là nguyên tắc “kinh điển” nhất của tố tụng hình sự được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, (Điều 11.1); Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (khoản 2, Điều 14). Đặc biệt, bản Tuyên ngôn nêu trên đã coi nguyên tắc này là “phẩm giá của văn minh nhân loại”.

Ở phạm vi bao quát hơn và chắc chắn hơn, Nhà nước pháp quyền dù có hay không từ tố “xã hội chủ nghĩa” đều thừa nhận một nguyên tắc phổ quát của pháp luật khi nói về mối quan hệ giữa phạm vi đã được thể chế hóa và phạm vi không thể chế hóa. Đó là nguyên tắc suy đoán về tính hợp pháp của hành vi.

Nguyên tắc này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thái độ của xã hội, của Nhà nước trong việc dùng pháp luật để điều chỉnh các hành vi xã hội, trong quan hệ của Nhà nước đối với cá nhân. Nguyên tắc suy đoán về tính hợp pháp của hành vi có nghĩa là: Hành vi của cá nhân phải luôn luôn được coi là hợp pháp khi chưa chứng minh được điều ngược lại.

Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự và nguyên tắc suy đoán về tính hợp pháp của hành vi, đến lượt chúng, lại là những biểu hiện ở những mức độ khác nhau của một nguyên tắc pháp luật cao hơn. Đó là nguyên tắc: “Có thể làm tất cả những gì luật không cấm”.

Nói theo ngôn ngữ Tuyên giáo Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến của Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đặt ra quy định tại Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013).

Đó chính là nội dung đầy đủ của một nguyên tắc pháp lý quan trọng: Nguyên tắc suy đoán vô tội.

Để thi hành Hiến pháp, bảo đảm sự phù hợp của pháp luật tố tụng hình sự với Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 13 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội” với nội dung như sau:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Thử nhớ lại tin tức ở thời gian nhà báo Phạm Chí Dũng vướng vòng lao lý. Hầu hết các tờ báo đều đăng cùng bản tin được phía cơ quan an ninh đưa ra cho chuyện mặc định phạm tội của một công dân bị cáo buộc vi phạm điều 117 Bộ luật hình sự.

Trong khi đó thì pháp luật hình sự hiện hành lại nói rằng người bị buộc tội phải được coi là vô tội cho tới khi tội và lỗi của người đó được chứng minh.

Nói khác đi, đây là nguyên tắc “lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”. Yêu cầu này đã tạo ra sự an toàn pháp lý cho người bị buộc tội trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự. Yêu cầu đó đặt ra trong nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Theo đó, “mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật” (điều 14.2).

Tiếc là trước và sau nhà báo Phạm Chí Dũng, tiếp tục có nhiều người chịu sự cáo buộc tương tự về điều 117, Bộ luật hình sự, song lại không được thực thi theo nguyên tắc “lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”.

 

Hà Nguyên – Cát Tường

VNTB (11.01.2022)

 

 

Nhà báo Mai Phan Lợi bị tuyên 4 năm tù với cáo buộc trốn thuế

 

Ông Mai Phan Lợi là Quản trị viên của nhóm Góc nhìn Báo chí – công dân có gần 120.000 thành viên  FBNV/ RFA edited

Nhà báo Mai Phan Lợi, quản trị viên của nhóm Góc nhìn Báo chí công dân có gần 120 ngàn thành viên và nhóm Diễn đàn Nhà báo trẻ vừa bị tuyên bốn năm tù giam với cáo buộc trốn thuế trong phiên tòa diễn ra vào sáng 11/1/2022. 

Ông Lợi bị Tòa án nhân dân Hà Nội kết tội là đã chỉ đạo cấp dưới ở Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) không kê khai, không lập hóa đơn để chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng tiền thuế.

Ông Bạch Hùng Dương, Giám đốc MEC, bị tuyên 2 năm 6 tháng tù với cùng tội danh với ông Lợi. 

Theo mạng báo VnExpress, bản án thể hiện ông Lợi cùng hai người góp vốn thành lập Trung tâm MEC vào năm 2012. 

Nhà báo Mai Phan Lợi giữ chức Chủ tịch Hội đồng khoa học, trực tiếp điều hành mọi hoạt động. Còn ông Bạch Hùng Dương là Giám đốc giai đoạn 2014-2021.

Doanh thu của trung tâm này được xác định là tiền tài trợ hoặc tiền công từ các hợp đồng, ví dụ như Dự án nâng cao năng lực truyền thông cộng đồng ký với đại sứ quán Anh; Dự án đào tạo năng lực truyền thông chính thống và trên mạng xã hội cho các cán bộ các tổ chức xã hội ký với Đại sứ quán Mỹ v.v…

Tòa án cho rằng, ông Lợi đã chỉ đạo ông Dương và nhân viên rút tiền mặt về nhưng không lập hóa đơn dịch vụ, báo cáo tài chính; không nộp tờ khai thuế, không thực hiện chế độ kế toán theo quy định và đã trốn gần 2 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Báo chí nhà nước thuật lại lời của ông Mai Phan Lợi khi nói lời sau cùng cho rằng, đã “thấm thía những sai sót này” và phải trả giá đắt, cũng mong muốn hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về chăm sóc bố mẹ, con cái và góp phần giải quyết các hậu quả gây ra.

Theo luật sư bào chữa của cựu Phó tổng thư ký toà soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội thì ông này đã tác động gia đình khắc phục 800 triệu đồng. 

Ông Mai Phan Lợi trong buổi gặp Tổng thống Obama cùng đại diện các tổ chức Xã hội dân sự hồi năm 2016. Ảnh: FBNV

Hồi cuối tháng 6 năm ngoái, ông Lợi bị bắt với cáo buộc trốn thuế, một tuần lễ sau đó Công an Hà Nội công bố việc bắt giam một người khác là ông Đặng Đình Bách- Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) với cùng tội danh. 

Tới hôm nay không có thông tin gì thêm về ông Đặng Đình Bách. 

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) ngay sau đó ra thông cáo báo chí nhận định rằng, việc bắt giữ hai ông này là biện pháp của chính phủ Hà Nội nhằm ngăn chặn việc hình thành “Nhóm Tư vấn Trong nước”. 

Đây là nhóm được cho biết sẽ bao gồm các xã hội dân sự độc lập theo qui định tại Chương Mậu dịch & Phát triển Bền vững của Hiệp ước Mậu dịch Tự Do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA).

RFA (11.01.2022)

 

 

Công đoàn độc lập ở Việt Nam: Vẫn còn nhiều trở ngại

Ảnh tư liệu chụp ngày 24/10/2017: Công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Nam Định, Việt Nam. AP – Hau Dinh

Cách đây một năm, ngày 01/01/2021, Luật Lao động sửa đổi, được Quốc Hội Việt Nam thông qua tháng 11/2019, bắt đầu có hiệu lực. Nhưng cho tới nay, việc thành lập các công đoàn độc lập, như được quy định trong Luật Lao động mới, vẫn còn nhiều trở ngại.

Ngay sau khi Luật Lao động sửa đổi được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2019, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra thông cáo hoan nghênh “một đạo luật lịch sử cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở”. Nhưng trong bản thông cáo, đại sứ quán Mỹ cũng đã nhấn mạnh ngay đến “tầm quan trọng của việc củng cố những cải cách trong Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công.”

Một năm sau khi Luật Lao động sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, câu hỏi đang được đặt ra là chính quyền Việt Nam có đã thật sự chấp nhận cho hình thành các công đoàn hoàn toàn độc lập với công đoàn của nhà nước hay không?

Hai áp lực

Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 01/01/2022, tức là đúng một năm luật Lao động mới có hiệu lực, Joe Buckley, một chuyên gia về chính sách lao động ở Việt Nam, nhắc lại, các thay đổi nói trên là kết quả của hai áp lực lên Nhà nước Việt Nam. Thứ nhất là các hiệp định tự do mậu dịch, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) và Hiệp định Thương Mại Tự do  Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam ( EVFTA ). Các hiệp định này buộc Việt Nam phải thực hiện 8 công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, như công ước về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, về phân biệt đối xử và quyền thành lập công đoàn độc lập. 

Trước năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 6 trong số 8 công ước đó. Các hiệp định tự do mậu dịch nói trên buộc Việt Nam phải phê chuẩn hai công ước còn lại, có liên quan đến quyền thành lập công đoàn độc lập là Công ước 98, tức là Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và Công ước 87, tức là Công ước về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 vào năm 2019 và theo dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước 87 vào năm 2023.

Áp lực thứ hai, theo tác giả Joe Buckley, đó là áp lực từ bên dưới: Hàng chục ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân trong khoảng 15 năm trước đó đã buộc nhà nước Việt Nam phải cải thiện các cơ chế quan hệ lao động, chẳng hạn như lập một cơ quan để thương lương hàng năm về mức tăng lương tối thiểu, cải thiện việc thương lượng tập thể,  thử nghiệm việc tổ chức công đoàn từ cơ sở….

Tác giả bài viết trên The Diplomat nhìn nhận rằng những thay đổi nói trên đã có một tác động nhất định: trong hai năm qua, số cuộc đình công đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 120 vụ, so với trung bình hàng năm 300-350 vụ trong khoảng thời gian giữa thập niên 2010 và gần 1.000 vụ năm 2011.

Nhưng theo Joe Buckley, khả năng thành lập các công đoàn độc lập theo tinh thần của Luật Lao động 2019 vẫn còn xa vời, bởi vì luật này không quy định chi tiết về việc thành lập và đăng ký các tổ chức đó. Các chi tiết này trên nguyên tắc sẽ được ghi rõ trong các nghị định của chính phủ. Thế nhưng, cho đến nay, tức là hơn một năm sau khi Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, các nghị định đó vẫn chưa được ban hành.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/01/2022, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, một trong những luật sư chuyên về lao động ở Việt Nam, cho biết:

“Theo khoản 4, Điều 172 của Luật lao động thì chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nhưng đến nay thì tôi chưa thấy chính phủ ban hành về thủ tục này.

Tôi nghĩ, hiện nay vẫn còn trong thời gian chuẩn bị. Bởi lẽ theo lộ trình ký kết các công ước về lao động thì đến năm 2023 Việt Nam mới ký Công ước 87, là công ước cuối cùng trong bốn cặp công ước mà Việt Nam ký kết cho tiến trình hội nhập. Công ước cuối cùng này mới là công trực tiếp liên quan đến việc thành lập công đoàn độc lập. Dù muốn dù không, khi thay đổi một chính sách thì cần phải có thời gian nhất định. nhất là đối với Việt Nam.”

“Độc lập” là “phản động”?

Vào tháng 07/2020, một tổ chức mang tên Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), đã được thành lập. Công đoàn độc lập này khẳng định họ là một tổ chức “bất vụ lợi và phi chính trị, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam”.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 1/11/2021, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đã yêu cầu chính phủ nhanh chóng ra các nghị định “quy định chi tiết, hướng dẫn người lao động thực hiện những quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của họ được quy định trong Bộ luật”. 

Nghiệp đoàn này cho rằng, chính vì chưa có những nghị định đó mà người lao động trên cả nước “dù muốn vẫn chưa thể thành lập hay gia nhập và hoạt động trong các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như Bộ luật quy định”. 

Nhưng như ghi nhận của chuyên gia Joe Buckley trong bài báo đăng trên trang The Diplomat, trái với thông tin do báo chí chính thức bằng tiếng Anh loan tải, Việt Nam vẫn chưa cho phép thành lập các công đoàn độc lập. 

Trên thực tế, theo tác giả bài viết, trong Luật Lao động sửa đổi, đã có một số thay đổi về quyền tự do lập hội. Trong số những thay đổi đó, lần đầu tiên luật cho phép người lao động tự thành lập các tổ chức đại diện cho họ mà không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng khẳng định đó là những công đoàn độc lập là diễn giải sai luật ( hay cố tình diễn giải sai luật ).

Joe Buckley còn lưu ý báo chí chính thức cũng liên tục nhấn mạnh rằng các tổ chức đại diện người lao động không phải là các công đoàn, rằng chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện chính đáng của người lao động. Các tổ chức đại điện của người lao động đó chỉ được thành lập ở cơ sở, tức riêng từng doanh nghiệp và có khuôn khổ hoạt động hạn chế hơn so với các công đoàn thật sự. 

Báo chí nhà nước trong năm qua cũng đã thi nhau lên án Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “chỉ là vỏ bọc cho mưu đồ chống phá Đảng, nhà nước và nhân dân ta”,  là “tiền đề cho việc hình thành tổ chức đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. 

Cụ thể, trong một bài báo đề ngày 19/10/2021, tờ An ninh Thủ đô còn khẳng định là thông qua việc thành lập công đoàn độc lập, “các thế lực phản động, thù địch đang muốn tái hiện điều mà “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” đã làm được tại quốc gia Đông Âu này những năm 1980, đã tổ chức các hoạt động dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào năm 1989”.

Tờ báo này còn tố cáo: “Mưu đồ sâu xa của chúng là nhằm hình thành các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập trong nội địa nhằm tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.”

Nhưng luật sư Hoàng Cao Sang phản bác cáo buộc đó:

“Tôi cho rằng nói như vậy là sai. Sai cả về mặt lý luận cũng như quy định của pháp luật và quan điểm, chính sách khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, về mặt lý luận: Trước đây, khi chỉ có doanh nghiệp nhà nước, chưa có doanh nghiệp tư nhân thì lúc đó nhiều quan điểm cho rằng không nên cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, vì cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động là đối lập, canh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, vì nhu cầu thực tế, doanh nghiệp tư nhân đã ra đời. Lúc này, một số quan điểm miễn cưỡng chấp nhận, nhưng lại nói doanh nghiệp nhà nước sẽ là chủ đạo.

Nhưng đến nay thì hoàn toàn khác. Doanh nghiệp nhà nước toàn thua lỗ, doanh nghiệp tư nhân mới là chủ đạo. Và nhờ như vậy Việt Nam mới phát triển như ngày hôm nay. Các quốc gia khác họ cũng có công đoàn độc lập mà có thấy công đoàn nào đối lập đâu, nếu các bên đề hướng về quyền lợi của người dân.

Thứ hai, về mặt pháp lý: Trong quá trình hội nhập và ký kiết các hiện định thương mại, Việt Nam đã ký kết 7/8 Công ước về lao động, trong đó có các quy định về công đoàn độc lập, và ngay trong Bộ luật Lao động, Quốc Hội đã dành hẳn Chương XIII để quy định về Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nên nói như vậy là sai.

Thứ ba là về mặt chính sách: Đến nay, Việt Nam đang trên con đường hội nhập với thế giới, nâng cao quyền con người người và đặc biệt là quyền của người lao động. Và để đảm bảo quyền của người lao động, các tổ chức chính trị, Quốc Hội đã thống nhất cho ký các Công ước về công đoàn độc lập mà anh lại nói là công đoàn độc lập chống nhà nước, thì chính anh mới là chống nhà nước. Còn để quản lý công đoàn này hoạt động đúng chủ chương chính sách thì đã có pháp luật điều chỉnh, mà cụ thể là đã có luật lao động quy định về vấn đề này.

Giám sát của quốc tế?

Như vậy là trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều trở ngại trên con đường hình thành các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Nói cách khác, Luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ cách đây một năm, chưa có tác động gì trên vấn đề này. Vấn đề là những phản ứng dữ dội của báo chí nhà nước khiến người ta phải đặt nghi vấn: Chính phủ Việt Nam có thật sự muốn tạo điều kiện cho sự ra đời của các công đoàn độc lập? Theo luật sư Hoàng Cao Sang, cần phải có sự giám sát của quốc tế trên vấn đề này:

“Có thể về mặt tiểu cục thì không, vì mở ra thì phải thay đổi cách quản lý, cách điều hành, mà quản lý về vấn đề này nó nhạy cảm, phức tạp hơn. Nhưng xét về đại cục thì Việt Nam phải thực hiện để hội nhập thế giới. Đến nay VN đã ký 7/8 Công ước liên quan đến lao động, chỉ còn Công ước 87 là công ước về quyền thành lập hội hay nói cách khác là quyền thành lập công đoàn tự do là chưa ký. Theo thông báo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội thì Công ước 87 này sẽ được ký trong năm 2023. Nhưng tôi cho rằng để thực hiện tốt những vấn đề này thì hai tổ chức đó phải có sự giám sát, đôn đốc của quốc tế để Việt Nam thực hiện tốt việc thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền của người lao động được tốt hơn.”

Tuy nhiên, như ghi nhận của chuyên gia Joe Buckley trên trang The Diplomat, trước mắt, những thay đổi đáng kể nhất có thể là sẽ đến từ chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong bài viết trên tờ The Diplomat, tác giả kết luận: “ Nếu các thành phần cấp tiến trong Liên đoàn dùng sự tồn tại của các tổ chức đại diện người lao động ( ít ra là trên giấy tờ ) để thúc đẩy Liên đoàn cố gắng trở thành một tổ chức thật sự đại diện của người lao động, thì chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ thú vị về chính sách lao động và công đoàn ở Việt Nam”

RFI (10.01.2022)

 

 

Nỗi ám ảnh triền miên và niềm u uất suốt hai năm vụ Đồng Tâm!

 

Ngày 9 tháng 1 năm 2022 là đúng hai năm kể từ ngày chính quyền Hà Nội huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ tấn công thôn Hoành – xã Đồng Tâm, nơi có những người dân công khai đấu tranh phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở khu đồng Sênh để giao cho doanh nghiệp quân đội. Ông Lê Đình Kình, người được xem là đại diện cho người dân thôn Hoành trong việc khiếu kiện giữ đất, bị bắn chết ngay tại nhà và sau đó lần lượt tổng cộng 29 người dân bị bắt.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an sau đó xác nhận có “3 chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”.

Trao đổi với RFA qua điện thoại vào sáng 10 tháng 1 năm 2022, bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, người chứng kiến cái chết của chồng cách đây hai năm chia sẻ cảm xúc của mình:

“Lúc nào đầu óc cũng nghĩ đến cảnh nó vào nhà nó bắn phá đêm hôm đấy. Khổ lắm. Chả lúc nào quên cả. Chả lúc nào yên thân cả. Giỗ cụ thì làm ngày âm, còn mấy ngày nữa mới đến, nhằm tháng 12 âm lịch.

Năm ngoái làm giỗ cũng khổ lắm, Nó chỉ sợ người ta đến thôi. Năm nay thì chả biết sao. Năm nay dịch thì họ cũng chỉ cho làm ít người thôi, không quá 30 người. Người ta cũng sợ người ta không dám đến. Nó đe dọa hết cả bà con không được đến. Dân làng ở đây thì người ta cứ sợ vì nó cấm đoán suốt. Hàng tháng nó gọi đến họp để không được đến nhà này, coi như chia rẽ.

Tôi nghĩ không bao giờ nó giảm án đâu. Nó cố tình triệt nhà mình đến ba đời mà. Tôi không hy vọng gì đâu!”

Bà Hương, một phụ nữ có chồng bị án tử hình là ông Lê Đình Công, đồng thời là mẹ của hai tù nhân – một chung thân là anh Lê Đình Doanh và một án năm năm tù giam là anh Lê Đình Uy – cho biết bà vẫn phải sống để lo cho chồng trong tù dù đã mất tất cả:

“Dịch thì có được vào thăm đâu mà nó cũng không cho gọi điện thoại. Hôm trước có người trong ấy báo ra là anh ấy không được khỏe. Cuộc sống thì vẫn rất khó khăn vất vả nhưng vẫn phải chấp nhận sống thôi chứ biết làm thế nào.

Lúc đó thì mất hết rồi, trong nhà còn gì nữa đâu. Mấy mẹ con bà cháu ở nhà làm ăn chả được bao nhiêu, hàng tháng phải chu cấp thêm cho mấy bố con trong đấy. Anh Công thì không được gửi gì. Mỗi tháng được gửi tiền lưu ký một lần. Mỗi khi ra gửi tiền thì vào căn-tin ở đấy mua thêm ít đồ ăn gửi cho anh chứ họ không cho mình gửi ở ngoài vào.

Chỉ có chỗ Doanh thì được gửi đồ ăn vào. Bây giờ không đi thăm gặp được thì mình gửi thức ăn qua bưu điện, gửi thêm tiền vào. Còn chỗ trại của Uy thì cũng chỉ được gửi tiền để mua thức ăn ở căn-tin chứ cũng không được gửi thức ăn. Tùy từng trại. Ai cũng thế chứ không chỉ riêng nhà mình.”

Cách đây hai năm, khi biến cố Đồng Tâm xảy ra, mấy chục con người trong làng bị bắt, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Họ hầu hết là những người trong cùng một đại gia đình. Những tấm ảnh gia đình ông Lê Đình Kình được chia sẻ trên mạng xã hội, người ta thấy có một phụ nữ trẻ mang bầu. Đó là cô Trinh, vợ anh Lê Đình Doanh, người mang án chung thân. Đứa trẻ trong bụng mẹ giờ đã được hơn một tuổi.

Chia sẻ với RFA, cô Trinh không mong gì ngoài việc nhà nước xem xét lại bản án và thả chồng cô về để các con có cha. Cô nói:

Em lên thăm anh ấy vào khoảng tháng 7, tháng 8 năm ngoái. Lúc ấy mới lên (chuyển trại) nên người cũng gầy, chắc chưa quen môi trường mới nên chưa ăn uống được nhiều. Em phải khỏe để trông hai con còn nhỏ. Một đứa mới ba tuổi và một đứa hơn một tuổi. Lúc anh Doanh bị bắt thì em đang mang bầu.

Thôi thì cũng phải cố gắng vì các con. Chả biết làm thế nào, chỉ biết là hy vọng nhà nước xem xét lại giảm án cho chồng về với các con ở nhà. Các con mà không có bố thì thiệt thòi.”

Ngoài hai án tử hình dành cho hai con trai ông Lê Đình Kình và một án chung thân cho cháu nội của ông, người làng Đồng Tâm bị án tù cao nhất là ông Bùi Viết Hiểu, 16 năm tù.

Chị Minh, con gái ông Hiểu cho hay, bây giờ chị chỉ biết kiếm tiền rồi hàng tháng gửi tiền lưu ký, gửi đồ ăn cho bố chị để ông có tiền ăn uống thôi, chứ mọi thứ khác chị không quan tâm nữa vì có quan tâm cũng chả giải quyết được gì. Chị nói:

“Bố em bị bắt thì em chỉ biết hàng tháng bố em liên lạc, gọi điện về mỗi tháng một lần. Bố em cần gì thì em gửi cho bố em thôi. Mỗi một tháng thì được viết thư, gọi điện một lần, gửi đồ ăn một lần. Vừa rồi họ còn bắt tiêm vắc-xin mũi thứ hai nhưng chắc tuổi ông cao rồi. 79 tuổi rồi sức đề kháng nó kém nên chắc là ông yếu. Họ tiêm đến mũi thứ ba rồi nhưng mà bố em yếu nên họ chỉ tiêm hai mũi.

Mình là con thì mong ngày mong đêm nhưng vụ Đồng Tâm thì chắc chắn là khó. 16 năm, họ không giảm. Nếu các vụ khác thì có thể giảm án chứ vụ Đồng Tâm thì họ không bao giờ giảm án mà cho đi đến hết án. Biết chắc chắn là như thế. Bất cứ ai lên tiếng vụ Đồng Tâm đều bị bỏ tù hết kể cả những người đăng tải lên facebook đều bị bỏ tù nên không bao giờ có cơ hội được giảm án. Xác định là như thế.”

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm hôm chín tháng Ba năm 2021. Congan.com

Tại phiên sơ thẩm kết thúc hôm 14 tháng 9 năm 2020, tòa tuyên hai án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức. Anh Lê Đình Doanh mức án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù. Ông Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. Ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. 23 người còn lại bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội Chống người thi hành công vụ.

Hôm 9 tháng 3 năm 2021, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án những người có kháng cáo các bản án sơ thẩm. Sau phiên phúc thẩm, các luật sư và những người dân quan tâm bày tỏ sự thất vọng trên các trang mạng xã hội.

Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án, viết trên Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái: “Cơ hội để hóa giải bất thành. Mối hận sẽ đi vào thiên sử.”

Một phụ nữ xin ẩn danh, có chồng đang chịu án tù trong vụ Đồng Tâm nói với RFA sáng 10 tháng 1 năm 2022:

“Biết là bất công nhưng anh ấy vẫn chấp nhận để mong được về sớm với vợ với con. Thỉnh thoảng anh vẫn viết thư về. Sức khỏe bình phục dần so với hồi mới vô tù tưởng chết. Bây giờ chỉ biết ngậm ngùi, cay đắng mà chịu đựng chứ cũng chả biết làm thế nào cả. Chả biết đấu tranh với ai bây giờ!

Tôi cũng bị bắt nhưng được thả nên lúc nào cũng bị theo dõi nên không đi làm gì được mà phải lo cho chồng trong tù và các con còn quá nhỏ. Chỉ buôn bán nhỏ ở quê. Bố mẹ, anh em phải giúp. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và tương lai các con mịt mù quá nên không nguôi ngoai được tí nào nhưng cố nén để lo cho con. Nhiều người không hiểu vụ án nên cũng dè bỉu nhiều lắm.

Tôi không dám hy vọng chồng tôi được ra tù sớm vì tôi thất vọng quá nhiều. Trước đây người ta cũng hứa thế này thế khác nhưng cuối cùng ai cũng bị án quá nặng qua hai phiên xử. Không ai được minh oan. Các luật sư cũng bị sốc vì các bản án nên bây giờ tôi thất vọng quá rồi.”

Ngoài 29 người bị kết án tử hình, án tù giam hoặc tù treo trong vụ Đồng Tâm, một số người khác đưa tin mạnh mẽ về vụ này cũng bị bắt giam và chịu án tù như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, bà Cấn Thị Thêu và bà Nguyễn Thị Tâm.

Ông Trịnh Bá Phương bị tuyên 10 năm tù giam cùng 5 năm quản chế, còn bà Nguyễn Thị Tâm thì chịu mức án 6 năm tù và 3 năm quản chế. Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư mỗi người bị tuyên 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.  

RFA (10.01.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen