Seite auswählen

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 31/1 (tức 29 Tết) biểu dương lực lượng công an về việc “phát hiện, khởi tố, điều tra” vụ án trong đó 4 quan chức Bộ Ngoại giao bị cáo buộc “nhận hối lộ” liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”.

Trên mạng xã hội, nhiều người dân lên án các quan chức lợi dụng dịch bệnh để “móc túi”, “hút máu” dân, đồng thời bày tỏ rằng họ thấy “hả hê” khi các quan chức bị bắt.

Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam hôm 31/1 viết rằng bên cạnh lời biểu dương công an, Thủ tướng Chính cũng yêu cầu “khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử vụ án này bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Những phát biểu kể trên do thủ tướng Việt Nam đưa ra khi ông thăm, chúc Tết công an Hà Nội, theo trang Thông tin Chính phủ.

Trước đó, vụ bê bối nhận hối lộ liên quan đến “chuyến bay giải cứu” được khui ra hôm 27/1 khi cổng thông tin của chính phủ và báo chí nhà nước Việt Nam loan tin Bộ Ngoại giao đình chỉ công tác 4 cán bộ và Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 4 người đó.

Họ gồm nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi; ngoài ra là một cục phó, một chánh văn phòng và một phó phòng của cục này.

Bốn người này bị nhà chức trách cáo buộc “nhận hối lộ” và trục lợi cá nhân trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Các bài tường thuật dẫn lời Bộ Ngoại giao nói rằng bộ và các nhà chức trách liên quan đang xử lý vụ bê bối này “với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai”.

Kể từ khi tình hình đại dịch COVID-19 trở nên căng thẳng ở Việt Nam và trên thế giới, dẫn đến các nước đóng cửa biên giới với nhau từ đầu năm 2020, VOA đã nhiều lần đưa tin về tình trạng các công dân Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.

Một số nhân chứng hiện chưa sẵn sàng công bố đầy đủ danh tính – gồm chị Nguyễn H. cư trú ở bang Virginia, anh Nguyễn M. và chị Trần L. ở bang Maryland, chị Trần H. ở bang California, và hai cháu du học sinh ở Hà Nội – mới đây xác nhận với VOA họ phải “cầu cạnh”, “xin xỏ” và bỏ ra số tiền từ 82 triệu đồng đến gần 120 triệu đồng mới có thể bay từ Mỹ về Việt Nam hồi cuối năm 2020 và trong năm 2021.

Theo thống kê được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố hồi tháng 12/2021, bộ này và các cơ quan liên quan đã thực hiện “800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước”.

Sau khi tin tức về 4 quan chức Cục Lãnh sự bị bắt được loan ra, theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội nhiều người đưa ra ước tính rằng nếu mỗi công dân phải hối lộ cho các quan chức dàn xếp các chuyên bay ít nhất 1.000 đô la, tổng số tiền hối lộ lên đến 200 triệu đô la.

Số tiền này tương đương với khoảng 4 nghìn 600 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần số tiền hối lộ được chia chác trong vụ bê bối thổi giá các bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, một vụ việc cũng gây chấn động và căm phẫn trong dư luận Việt Nam về tình trạng có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ người dân khốn khó.

Các nhân chứng về việc phải trả tiền với mức “trên trời” để có thể bay từ Mỹ về Việt Nam nói với VOA rằng họ đã phải “xin xỏ rất nhục nhã” qua các mối quan hệ cả ở cơ quan đại diện ngoại giao ở Mỹ lẫn qua một số cơ quan ở Việt Nam, và mỗi khi nghĩ lại họ vẫn “giận sôi người”, “tức phát điên”.

“Núp bóng hoạt động nhân đạo để trục lợi từ đại dịch là việc làm rất khốn nạn”, anh Nguyễn M. ở Maryland nói với VOA.

Vẫn các nhân chứng nói họ thấy “hả hê”, “hả dạ” khi đọc tin 4 quan chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, bị bắt và bị điều tra.

Đây cũng là lời bình luận được hàng nghìn người đưa ra trên mạng xã hội về vụ bê bối này, theo quan sát của VOA.

Bài đăng về vụ này của các Facebooker có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như Phương Ngô, Lê Hoài Anh, Đào Tuấn… nhận được hàng nghìn ý kiến và được hàng trăm người lan truyền tiếp qua chức năng “share”.

Đa số các ý kiến đều lên án những quan chức liên quan đến “chuyến bay giải cứu” là những kẻ “táng tận lương tâm”, “hút máu đồng bào không biết tanh”, hay “là loài ký sinh trùng đáng ghê tởm hơn cả COVID”, “tham lam”, “độc ác”.

Trong số hàng nghìn người tham gia bình luận về vụ việc, không ít người đưa ra bằng chứng họ phải trả tiền cao gấp nhiều lần bình thường để được lọt và “chuyến bay giải cứu” đi từ châu Âu, Nhật… để về Việt Nam trong gần 2 năm qua.

Các nhân chứng và dư luận đưa ra đề nghị rằng nhà chức trách Việt Nam cần xử án nặng đối với các quan chức bị xác định phạm tội ăn hối lộ, đồng thời phải mở rộng điều tra để đưa những kẻ phạm tội khác ra trước pháp luật, vì dư luận cho rằng 4 quan chức vừa bị bắt không phải là những kẻ duy nhất gây ra vụ bê bối vừa bị phanh phui.

VOA cố gắng liên lạc với một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam để nghe ý kiến phản hồi từ phía họ, nhưng không kết nối được.

 

 

“Đang dịch bệnh các anh chị đòi về nước làm gì?”

 

Khải Đơn

29-1-2022

“Ủa đang dịch bệnh các anh chị đòi về nước làm gì? Lây cho người dân à?”

Tôi đọc được comment đó từ một giảng viên đại học, người dạy học cũ của tôi, một trí thức, một người từng làm việc cho nhiều tập đoàn nước ngoài.

Câu nói của cô sẽ còn âm vang thêm hàng ngàn lần nữa trong năm 2020, khi Việt Nam hân hoan ăn Noel, đón Tết, đi xem bóng đá và cười nhạo cả thế giới chết như ngả rạ.

Trong niềm tự hào dân tộc và yêu nước đó, những tờ báo tôi chụp ảnh dưới đây viết về các chuyến bay giải cứu thế này:

“(NLĐO) – “Tôi như vỡ òa khi máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng chiều 25-3. Vô cùng biết ơn Chính phủ đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi được trở về trong lúc khó khăn cực độ này.”

Bạn google thử xem, có hàng trăm bài viết như vậy. Cảm xúc xã hội vô cùng bệnh hoạn: vừa xua tay vứt bỏ đám người trót kẹt ở nước ngoài không liên quan gì đến mình, vừa tấm tắc khen nhà nước nhân đạo, rưng rưng chào đón những công dân may lắm mới được về nhà.

Năm 2020 đó đẹp như giấc mơ ánh nồng sắc đỏ, nhà nhà yêu chính phủ, chửi bệnh nhân ngu thì chết, chửi nước giàu ngu quá chết đông, cười nhạo và vô tâm trước những người không thể về lại mái nhà.

Năm 2020 đó trên báo, tôi thấy những đồng nghiệp cũ của mình phản bội giá trị của nghề báo, và bỗng nhiên thấy may mắn, vì tôi không còn là đồng nghiệp của họ: Họ ca ngợi chuyến bay giải cứu như đưa chúng lên bàn thờ cúng cùng con gà khỏa thân, thiếu điều cởi quần áo rạch mặt nằm khóc cho nhòa lệ thấu tâm can rằng chuyến bay nhân đạo quá.

Trong khi ấy, chỉ cần một status FB, chỉ cần search vài group FB, họ sẽ thấy hàng chục ngàn người Việt khốn khổ, vạ vật, không thể về lại mái nhà, không còn tiền lưu vong xứ người, kỳ kèo với những suất “chuyến bay nhân đạo” đắt tới 100 triệu đồng, 150 triệu đồng (mà ngày thường nó chỉ trị giá 22 triệu đồng).

Nhưng các nhà báo, trong cơn high năm 2020 với thành công chống dịch của Việt Nam, quyết tự che mắt lại và chỉ nhìn thấy Việt Nam sáng lòa còn cả thế giới ngu lol đáng chết. Người nào đó đọc bài này của tôi có thể đặt câu hỏi: Lỡ đâu “chúng nó” bịt miệng không cho nhà báo viết?

– Không, vì tôi biết có những bạn bè tôi vẫn bỏ công viết những bài này, trong tiếng nói yếu ớt muốn giúp những công nhân nghèo khốn cùng mắc kẹt ở nước ngoài có thể về lại nhà. Bài của họ được đăng. Rất ít ỏi. Rất lặng lẽ. Vậy là chẳng có ai cấm cả, chỉ là các tờ báo thấy mình nên thật mạnh mồm bơm thổi cho các chuyến bay nhân đạo sặc giấy tiền.

Tôi ở trong vòng xoáy đó. Tôi kẹt ở Chile 10 tháng dài. Trong 10 tháng ở trong group chat của Đại sứ quán Việt Nam ở Chile, một nhân vật có tên “Anh Hoàng Sứ Quán”, cứ hê lên là cả đám người phải vào đăng ký tên. Vài bữa anh hiện ra, bảo đứa này đứa này được về, đứa kia đứa kia chưa tới lượt. Có người hỏi ủa anh giải cứu ở Chile mà bắt em bay qua Pháp, đại sứ quán Pháp không mở cửa sao em làm visa, anh Hoàng đáp: “Việc này em tự lo!” rồi biến mất.

Anh Hoàng huyền bí ấy như đức thánh canh cổng trời, toàn quyền quyết định sinh mệnh một đám người kẹt cả năm trời ở nửa vòng trái đất khác. Rồi những chuyến bay được báo giá, hai ngàn, ba ngàn, hai ngàn rưỡi. Không biết giá ai đặt ra, nhưng những ai có tiền đều phải vung ra hết để được về nhà. Có người xa con cả nửa năm. Có người người thân sắp mất không thể không về. Anh Hoàng bí ẩn quyết định số phận của họ.

Đến khi tôi sang Mỹ, những con số đó sẽ bự thêm, 8 ngàn, 9 ngàn, 10 ngàn, nhưng 14 ngàn chắc chắn về được, cách ly khách sạn. 280 triệu đồng cho một cái vé máy bay một chiều và khách sạn cách ly. Ngày thường cái vé đó 1 ngàn chưa chắc có ai mua. Tất cả những chuyện đó có bí mật lắm không?

Không, chúng xuất hiện đầy trên khắp các diễn đàn du học, diễn đàn công nhân, diễn đàn Tôi với Sứ Quán, diễn đàn người Việt xa quê. Những câu chuyện xuất hiện với đủ hình hài của bi kịch. Vợ kẹt ở nước ngoài, chồng ở quê chết vì Covid, con trai nhỏ xíu bơ vơ với bà ngoại. Bố mẹ đi thăm con du học kẹt một năm trời ở Mỹ, tiền không còn đủ ăn, phải đi chạy Uber kiếm sống. Du học sinh học hết chương trình không thể về nhà, visa không được làm việc, phải trày vảy đi xin việc lậu và bị ức hiếp.

Những bi kịch như vậy, người comment ở đầu bài như cô giáo tôi không cần biết. Họ đang bận sống trong cái áo của sự an toàn, năm 2020 Việt Nam chiến thắng Covid. Họ không quan tâm đến người khác bị tước bỏ quyền công dân và bị làm tiền trên cái chết và nỗi đau. Đó là ký ức xã hội của năm 2020.

Năm 2021, Covid-19 trở cờ như thay áo. Có lẽ cô giáo tôi cuối cùng cũng học được bài học rằng chiến thắng bệnh dịch không phải lòng tự hào dân tộc, và đại dịch không có ranh giới. Có lẽ cuối cùng cô cũng chứng kiến và rơi vào hoàn cảnh những công dân Việt Nam kẹt ở nước ngoài, kẹt trong dịch bệnh, mất người thân và bị bỏ rơi. Có lẽ cô và những công dân Việt đang high với lòng tự hào dân tộc của họ đã học được một bài học mới: Nếu họ có thể chế nhạo nỗi đau của đồng loại, thì nỗi đau một ngày nọ sẽ loang tới chân họ.

Vấn đề của chuyến bay giải cứu không chỉ nằm ở chỗ “đang có dịch ở yên đó đi” hay “có tiền thì về”, mà là hệ thống “giải cứu” này đã tước bỏ quyền công dân của những người Việt mắc kẹt ở nước ngoài. Họ bị quê hương từ chối quyền cơ bản của con người: là được về nhà, nơi có ghi trong hộ chiếu của họ. Đồng thời, nó tạo ra cánh cửa đặc quyền khổng lồ cho Đại sứ quán, cho anh Hoàng sứ quán trở thành thánh Peter gác cổng thiên đàng, cho những cơ quan lãnh sự được quyền chỉ mặt, ban ơn và… làm tiền.

Nhưng hệ thống vi phạm quyền con người và vi phạm luật pháp nghiêm trọng đó, rất tiếc, đã nhận được sự hồ hởi chào đón của những trí thức như cô giáo tôi, nhận được sự đồng lõa của những tờ báo lớn với những phóng viên không hề biết nhục. Hệ thống đó xảy ra, những tờ vé máy bay 9 ngàn đôla, 14 ngàn đôla đó, có lấm máu người xa quê và dính nước bọt trơ tráo của kẻ nhắm mắt đồng thuận, ngợi ca.

Người bạn tôi sau khi đọc tên đường dây làm tiền ở Cục lãnh sự đã bật khóc. Còn tôi bật google, mở ra, sau 24 giờ, đã kịp thấy những tờ báo ca khúc ca ngược lại với khúc họ vừa ca chỉ một tháng trước. Thật nồng nhiệt.

 

Thấy gì qua vụ án ở Cục lãnh sự : “Kiếm ăn trên xương máu đồng bào”

 

2022.01.31
RFA

Thấy gì qua vụ án ở Cục lãnh sự :  “Kiếm ăn trên xương máu đồng bào”Bốn cán bộ Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt

 RFA edited

Bốn cán bộ thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao vừa bị khởi tố và bắt giam vì tội nhận hối lộ khi thực hiện các chuyến bay ‘giải cu’ công dân bị kẹt ở nước ngoài trong hai năm dịch COVID-19 va qua. Nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề, mỉa mai rằng cán bộ nhà nước dùng những từ ngữ cao đẹp như các “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay nhân đạo”, nhưng thực chất là lợi dụng dịch bệnh, tình cảnh khó khăn của người dân Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, kiếm ăn trên sự đau khổ của chính đồng bào mình.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, công bố hôm 28/1 rằng những người này đã có hành vi sai phạm trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Bốn người bị khởi tố và bắt giam gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Hoàng Tùng, Cục phó; ông Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng của cục và ông Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng bảo hộ công dân của Cục.

“Kiếm tiền trên xương máu đồng bào”

Ông Hoàng Hùng là admin của nhóm “Tôi và Sứ quán” với gần 40.000 thành viên, hầu hết là người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Ông đã theo dõi sát tình trạng công dân Việt Nam gặp khó khăn để tìm đường về nước, và cũng đã nhiều lần gởi kiến nghị cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan, nhưng tất cả đều không được hồi đáp trong suốt hai năm qua.

Ông Hùng nêu quan điểm với Đài Á châu Tự do rằng đến bây giờ mới bắt giam và khởi tố vụ án là khá chậm trễ, nhưng dù sao chậm cũng còn hơn là không.

Theo ông, tình trạng trục lợi từ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước đã xảy ra từ hai năm nay. Trên diễn đàn “Tôi và Sứ quán” đã có rất nhiều lời kêu cứu rằng họ phải trả giá vé cao ngất ngưỡng mới được về nước:

“Rất nhiều người Việt mà người thân mất, hay người thân đau ốm, có những trường hợp như thế mà không thể về được. Có những trường hợp phải mua đến tận 8.000 đô-la để mà về Việt Nam.

Và theo con số tôi tính toán, mỗi một chuyến bay như thế họ sẽ bỏ túi được khoảng từ 100 đến 200 ngàn đô-la và họ chia chác với nhau. Họ làm trên xương máu của đồng bào trong mùa dch bệnh.”

Trên mạng xã hội, dư luận vô cùng phẫn nộ, nhiều người thậm chí còn dùng từ ngữ khá nặng nề để chỉ trích những cán bộ nhận hối lộ trong vụ án này. Ông Nguyễn Đức Minh, một người Việt đang sinh sống tại Mỹ, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:

“Mỗi năm, gần 200 nghìn lao động phổ thông của đất nước này đã phải ra nước ngoài tìm việc để có được thu nhập tốt hơn. Là do các doanh nghiệp trong nước không tạo đủ việc làm có thu nhập tốt cho họ. Là do nhiều quan chức còn mải đặt ra đủ thứ giấy phép, thủ tục để kiếm tiền từ các doanh nghiệp…

Mình cứ nghĩ đến cảnh những người lao động phổ thông đã phải vay mượn để đi lao động tại nước ngoài nay phải chu cảnh thất nghiệp do đại dịch. Chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ, thu nhập thì không có, phải sống chui rúc cả chục người trong những phòng trọ chật hẹp. Họ chỉ mong được về lại với gia đình, họ hàng để nương tựa.

Vậy mà vẫn có những quan chức sẵn sàng nhận hối lộ để rồi tước đi cái ước muốn đơn giản nhất của đồng bào như vậy.”

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, một người thường xuyên lên tiếng trước các vấn đề xã hội, phản ứng khá gay gắt về vụ việc này:

“Mỗi tấm vé về quê hương giữa lúc eo hẹp về kinh tế, nguy hiểm về tính mạng. Xót xa, căm phẫn, đau thương biết nhường nào. Đồng Bào ở nước ngoài tự bấu víu vào nhau, tự cày bừa để kiếm một suất về quê. Nhân văn ở đâu? Gii cứu chỗ nào? Ngạo nghễ đón ai hay chỉ là cuộc bán mua sòng phẳng thậm chí cao giá…

Thiêng liêng hai tiếng đồng bào bao nhiêu, thì kiếm ăn trên nỗi sợ hãi của đồng bào càng man rợ bấy nhiêu.”

Người Việt mắc kẹt kêu cứu

Từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của đại dch COVID-19, Chính phủ Việt Nam tạm ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và người gốc Việt được miễn visa vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ngưng hoàn toàn các chuyến bay quốc tế thương mại nhập cảnh. Chỉ có một vài chuyến bay mỗi tháng tại các nước do Đại sứ quán tổ chức đưa người Việt về, mà báo chí nhà nước gọi là các “chuyến bay giải cứu” hay “chuyến bay nhân đạo”.

Điều này đẫn đến tình trạng hàng ngàn người, bao gồm công nhân, lao động phổ thông, du học sinh mất việc làm hoặc hết hạn visa ở các nước như Đài Loan, Nhật Bản hay Dubai… phải lên mạng kêu cứu vì không thể hồi hương.

Ông Hoàng Hùng cho biết, ngay khi Việt Nam ra lệnh hạn chế nhập cảnh, ông đã đăng một số bài viết nhằm cảnh báo, và gởi kiến nghị cho Cục lãnh sự, nói rằng nếu không giải quyết vấn đề chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam, có thể sẽ gây ra nhiều hệ luỵ mang tính chất nhân đạo cho người Việt bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Nhưng tất cả những lời kiến nghị của ông Hùng đều rơi vào im lặng trong suốt hai năm qua, cho đến ngày các quan chức ngành Ngoại giao bị bắt.

Không tìm được vé trên các chuyến bay nhân đạo, nhiều người đã tự tìm ra cách chủ động về Việt Nam thông qua các cửa khẩu đường bộ với Lào hay Campuchia.

Hành trình này hoàn toàn hợp pháp, nhưng không hề dễ dàng. Nó tốn kém thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc bay thẳng về nước.

Ngày 31/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu biểu dương lực lượng công an đã nắm chắc tình hình, phát hiện, khởi tố, điều tra vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Một số nạn nhân từng phải mua vé giá cao và người quan sát vụ việc này nói với RFA rằng một mình Cục Lãnh sự không thể lộng hành như thế trong suốt hai năm qua. Vì sao phòng vé dịch vụ lại có vé? Có sự tiếp tay của nhân viên Sứ quán hay không? Đó là những vấn đề cần được mở rộng điều tra.

2020-08-08T000000Z_1596133588_RC2F9I96NHCA_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-ASIA (1).JPG

 

Người Việt lên máy bay từ Singapore về VN hôm 7/8/2020. Reuters

Giá vé bị đội lên cao

Trở lại thời điểm từ đầu năm 2021, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam từ khắp nơi trên Thế giới tăng cao, mà số lượng “chuyến bay giải cứu” lại rất ít, mỗi nước chỉ có hai, ba chuyến bay mỗi tháng. Do đó, Chính phủ Việt Nam bắt đầu mở lại một số các chuyến bay charter.

Những chuyến bay này do các đơn vị, tổ chức đứng ra xin công văn cho phép nhập cảnh về Việt Nam, sau đó thuê máy bay rồi quảng cáo bán vé cho những người có nhu cầu về nước.

Những chuyến bay như vậy không cần đăng ký với Sứ quán Việt Nam, không phải chờ đợi quá lâu, bù lại, giá vé máy bay và chi phí cách ly khi về Việt Nam bị đội lên rất cao.

Ông Nguyễn Sỹ, đang ở Đài Loan, kể câu chuyện cùa mình với Đài Á châu Tự do rằng cả hai vợ chồng của ông xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm việc. Hồi cuối năm ngoái, vợ ông Sỹ hết hạn hợp đồng và mang thai nên cần được về Việt Nam.

Cả hai đăng ký chuyến bay nhân đạo với Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam ở Đài Bắc. Dù thuộc diện được ưu tiên theo quy định của các chuyến bay nhân đạo, nhưng chờ đến sáu tháng vẫn chưa được thông báo có vé về.

Cả hai buộc lòng phải tìm mua vé của các chuyến bay được gọi là thương mại với giá hơn 2000 đô-la, đắt gấp ba – bốn lần giá vé nhân đạo:

“Đăng ký thì mình đăng ký chuyến bay nhân đạo bởi vì chuyến bay nhân đạo vé rẻ hơn. Bình quân trước đây là khoảng mười mấy ngàn Đài tệ (khoảng 10 triệu đồng – PV).

Vợ tôi sau rồi chờ không được mình phải về thương mại. Mình liên hệ cho các hãng vé mình, một vé như vậy là khoảng  49 cho tới 56 ngàn Đài tệ cho một vé thương mại.”

Ông L, hiện đang ở Cộng Hoà Séc, cho biết ông về Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái với giá vé là 2000 Euro, so với giá gốc chỉ từ 1000 đến 1400 Euro mà thôi.

Ông cũng đăng ký với Sứ quán để mua vé giá rẻ nhưng không được trả lời, sau phải tìm tới mua vé ở các văn phòng môi giới với giá cao hơn.

Khi về đến Việt Nam, giải quyết xong công việc thì ông quay trở lại Séc ngay. Ông này nói rằng điều buồn cười ở chỗ là ông tìm vé quay lại Séc rất dễ dàng, và với giá chỉ 700 Euro, dù Séc không phải là nước mà ông mang quốc tịch:

“Sau khi hết cách ly, về lo việc gia đình xong là quay lại Séc luôn rồi. Vé tương đương với khoảng 700 Euro thôi, trong khi tiền về là hơn 2000.

Chiều sang Séc thì chỉ gọi điện trước một hai hôm. Giá vé đấy chấp nhận được chứ không có đắt, chỉ có Việt Nam nhà mình ở châu Âu thì mới bị chặt chém như thế thôi!”

Cần mở rộng điều tra hệ thống “chân rết” của Cục lãnh sự ở nước ngoài.

Ông L. tỏ ra vui mừng trước thông tin các cán bộ Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt vì nhận hối lộ. Ông nói cần phải phanh phui tất cả những người khác còn liên quan trong vụ án này:

“Mình chỉ biết bắt là mình hoan hô, mình vui mừng và mong Nhà nước là phải phanh phui tất tần tật ra, chứ không phải chỉ có những người đó. Nó là cả một đường dây, cả một hệ thống.

Rất nhiều người liên quan đến vụ đấy, từ trên xuống dưới. Ai cấp phép họ làm những việc như thế, rồi tất cả những người có liên quan, kể cả những phòng vé này, tại sao họ lại có được suất vé để bán cho cho những người cần về.”

Ông Hoàng Hùng cho biết, ông đang kêu gọi các nạn nhân gởi đơn tố cáo về việc đã từng buộc phải mua vé về nước với giá cao gấp nhiều lần giá gốc, đồng thời đề nghị cơ quan hữu trách giải quyết điều tra rõ vụ việc, đưa những kẻ lừa đảo tiền ra toà và trả lại tiền cho nạn nhân.

Theo ông Hùng, vụ án này cần phải được mở rộng điều tra ra các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bởi vì hiện giờ còn quá nhiều điều cần phải được làm rõ. Ví dụ như Sứ quán luôn thông báo là không có vé cho dù người đăng ký từ rất lâu, việc xét duyệt danh sách về nước không minh bạch, các dịch vụ có bán vé với giá “cắt cổ”:

“Tôi không biết là Việt Nam có mở rộng điều tra ra các Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài hay không. Vì thực tế ra là hệ thống chân rết ở các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chắc chắn là có chứ không phải là không. Có thế thì bên Cục lãnh sự họ mới lộng hành đến như thế.

Bản thân tôi muốn là thông qua những đơn tố cáo của người dân Việt Nam ở nước ngoài để bộ công an phải mở rộng điều tra sang các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và như thế thì mới giải quyết được.”

Ông Hùng nói hiện nay còn muốn tố cáo cả việc lạm thu tiền vượt quá mức phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính Việt Nam. Vấn đề đó đã tồn tại hơn 20 năm nay ông đã kiến nghị rất nhiều lần mà không được giải đáp.

Văn phòng Thủ tướng hôm 31/1 cũng ra công văn về giải pháp bo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhanh chóng đưa các công dân còn bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước ngay trong dịp Tết.

 

Vụ án Cục Lãnh sự: Bộ Ngoại giao VN ‘cần cải cách gấp’

  • Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
  • Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore)

Việt Nam đã xây dựng và quyết liệt thực hiện chiến lược vaccine

EPA Việt Nam đã xây dựng và quyết liệt thực hiện chiến lược vaccine

Trong tuần qua, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba cán bộ tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam nói với báo giới.

Là người từng làm trong Bộ Ngoại giao VN một thời gian trước khi ra nước ngoài làm nghiên cứu và hiện giảng dạy tại Singapore, TS Lê Hồng Hiệp nêu các ý kiến nhằm đề xuất cải cách cơ chế hoạt động của các cơ quan lãnh sự trước những vụ việc tiêu cực lưu cữu qua nhiều đời bộ trưởng.

BBC News Tiếng Việt xin giới thiệu ý kiến cá nhân của TS Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore:

Những ngày qua, cộng đồng mạng tiếng Việt bùng nổ tin và bình luận về vụ bốn cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố.

Bộ phận đầy quyền lực nhưng bị tiếng xấu

Cán bộ ngoại giao Việt Nam đa phần có trình độ, học thức, biết đối nhân xử thế, nhưng môi trường công tác đôi khi làm họ bị ảnh hưởng. Trong Bộ Ngoại giao, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Cục Lãnh sự và các bộ phận lãnh sự ở các đại sứ quán ở nước ngoài.

Đây là bộ phận có “quyền lực” khi là nơi tiếp xúc trực tiếp nhiều với người dân, đồng thời tạo ra nhiều thu nhập nhất cho Bộ. Trước đây – giờ nghe bảo không còn (?) – ngoài lương chính thức thì cán bộ, nhân viên trong nước của Bộ mỗi tháng được hưởng một khoản thu nhập từ quỹ phúc lợi mà theo mình hiểu là được trích từ các khoản thu lãnh sự (như phí visa ở các đại sứ quán) mà Bộ được giữ lại một phần.

Cũng chính vì thế, ở trong Bộ, Cục Lãnh sự là bộ phận “hot”, không dễ để xin vào.

Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.

Ảnh minh họa một chuyến bay thương mại “trọn gói” từ Anh về Việt Nam.

Vì liên quan nhiều lợi ích nên bộ phận lãnh sự trong nước cũng như ở các đại sứ quán thường là nơi mang lại nhiều tiếng xấu nhất cho Bộ Ngoại giao. Lên mạng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bao nhiêu phàn nàn, lên án, tố cáo… của cư dân mạng, nhất là người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nói về việc họ bị gây khó dễ, ăn chặn, lạm thu… bởi cán bộ lãnh sự ở các đại sứ quán của Việt Nam như thế nào.

Đôi câu chuyện từ lâu

Ngay từ cách đây gần 20 năm, khi mình mới chân ướt chân ráo vào Bộ, mình đã đọc được trên mạng các tố cáo như vậy. Đây cũng là một phần lý do mình cảm thấy thất vọng và quyết định rời Bộ. Điều đáng nói là tình trạng này phổ biến đến nỗi có hẳn những diễn đàn để thu thập thông tin, lên án các hành vi sai trái của cán bộ lãnh sự, như phong trào “Tôi và sứ quán” (https://www.toivasuquan.org/), vốn tồn tại từ hồi đó đến tận bây giờ.

Điều mình ngạc nhiên là sau gần mấy chục năm, mọi thứ vẫn như vậy, và không thấy có những nỗ lực đáng kể nào từ Bộ Ngoại giao trong việc khắc phục tình trạng này để giữ uy tín, hình ảnh cho Bộ.

Ngoài tình trạng nhũng nhiễu, lạm thu tiếp tục kéo dài, thì mình quan sát thấy dù bộ phận lãnh sự là nơi tiếp xúc nhiều với dân, cả người Việt Nam lẫn nước ngoài, là “bộ mặt quốc gia”, nhưng nhiều nơi cơ sở vật chất rất xập xệ, tồi tàn, quy trình làm việc thì thiếu minh bạch, rối rắm, thủ công…, khiến người đến làm thủ tục lãnh sự không thể không thấy bức xúc, thất vọng.

Nói đi cũng phải nói lại, cán bộ lãnh sự cũng chịu áp lực vì là những người lo thu nhập cho cả sứ quán lẫn những đồng nghiệp trong nước. Các khoản thu sai, nếu có, cũng có thể bị tư túi một phần, nhưng theo mình hiểu phần lớn là đưa vào quỹ chung để trang trải thu nhập cho những người khác nữa.

Một du khách Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc vào ngày 20 tháng 11 năm 2021

GETTY IMAGES Một du khách Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc vào ngày 20 tháng 11 năm 2021

Mình cũng ngạc nhiên là sau mấy chục năm, thu nhập chính thức của cán bộ ngoại giao (và có lẽ là của công chức Việt Nam nói chung), hầu như không tăng lên là bao.

Giờ cán bộ mới vào ngành lương cứng cũng chỉ tầm ba triệu VND. Như mình, nếu ở lại Bộ, sau gần 20 năm, thì bây giờ lương chắc cũng chỉ tầm 6-7 triệu VND/tháng.

Thu nhập như vậy trong thời buổi bây giờ thì chắc hẳn không đủ sống, càng khiến họ sa vào cám dỗ.

Tất nhiên, thu nhập cao cũng không đảm bảo người ta không tham nhũng (các vụ đại án vừa qua đều liên quan những quan chức, tướng lĩnh đã có những khối tài sản khổng lồ), nhưng chắc hẳn nếu thu nhập tăng lên đủ sống, cộng với các biện pháp chế tài khác, thì tình trạng tham nhũng này sẽ được kiềm chế phần nào.

Nhân cú sốc để cải cách

Theo ý kiến riêng, Bộ Ngoại giao nên nhân cú sốc này để thúc đẩy cải cách và lấy lại hình ảnh cho Bộ.

Cải cách đặc biệt nên tập trung vào việc cải thiện sự minh bạch, hiệu quả làm việc và hình ảnh của bộ phận lãnh sự ở trong nước cũng như ở các đại sứ quán ở nước ngoài.

Biện pháp quan trọng là cần số hóa các quy trình làm việc để giảm tiếp xúc giữa cán bộ lãnh sự với người dân, việc thu phí phải tiến hành qua các kênh trực tuyến, không thu tiền mặt.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp người đồng cấp Australia Marise Payne tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội ngày 9/11/2021

GETTY IMAGES Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp người đồng cấp Australia Marise Payne tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội ngày 9/11/2021

Mọi thông tin, quy trình làm việc cần được minh bạch hóa, có cơ chế để người dân có thể phản ánh các sai phạm trực tiếp lên các cơ quan giám sát.

Cơ sở vật chất cho các bộ phận lãnh sự nói riêng và các đại sứ quán nói chung cũng cần được đầu tư nâng cấp, chất lượng dịch vụ cần được cải thiện hơn nữa.

Về lâu dài, các cải cách nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ, cộng với các chính sách luân chuyển minh bạch, công bằng cũng cần được thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Đã từng làm trong Bộ và giờ vẫn giữ quan hệ với nhiều đồng nghiệp cũ, mình cũng có chút e ngại khi chia sẻ những nhận xét này, vì có thể làm một số bạn bè, đồng nghiệp cũ không hài lòng.

Tuy nhiên, mình tin là nếu có những thảo luận công khai để thúc đẩy cải cách, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, dần dần mọi người có thể sống một cách thoải mái hơn với nghề của mình mà không phải đối diện những cám dỗ, sai trái.

Đó sẽ là một điều tốt, cho họ cũng như những cán bộ ngoại giao tương lai, bởi chắc chắn không ai muốn phải đối diện với lựa chọn hoặc bỏ nghề, hoặc phải “bán linh hồn cho quỷ” chỉ để tiếp tục công việc của mình.

Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của TS Lê Hồng Hiệp và thể hiện quan điểm riêng của ông, BBC đặt các tựa trong bài.

Thấy gì từ vụ án “chuyến bay giải cứu”?

Hiếu Chân

Sài Gòn Nhỏ

 

Sau khi khởi tố ngày 28 tháng Giêng 2022, đến nay vụ án “chuyến bay giải cứu” ở Việt Nam đã có 37 cán bộ của tám bộ ngành trung ương, địa phương và doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc đưa/nhận/môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Vụ án này cho thấy điều gì?

Thêm nhiều “củi gộc”

Diễn biến mới nhất là hôm qua 22 tháng Mười Hai, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam vừa bị bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án nói trên. 

Trước khi bị bắt, ông Chử Xuân Dũng là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban rồi sau đó là Trưởng ban Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thủ đô.

Ông Vũ Hồng Nam, 59 tuổi, có 34 năm làm việc trong ngành ngoại giao, từng là Trợ lý Bộ trưởng, kiêm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao sau đó được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 2018.

 

Từ trái sang: Vũ Hồng Nam, Chử Xuân Dũng, Phạm Bích Hằng vừa bị khởi tố và tạm giam hôm 22 tháng Mười Hai 2022. Ảnh baochinhphu.vn

Trước đó một ngày, hôm 21 tháng Mười Hai, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT) của đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo báo chí cho biết đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Một số quan chức cao cấp khác của ngành ngoại giao cũng mới bị khởi tố tạm giam gồm các ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng đã thông báo cách chức tất cả các chức vụ trong đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 của các ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; khiển trách các ông Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Như vậy sau 11 tháng điều tra, cái “lò đốt tham nhũng “ của ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã hốt về một khối củi rất lớn, trong đó có nhiều củi gộc, từ cái gọi là “chuyến bay giải cứu” đầy tai tiếng. Ngành Ngoại giao “đóng góp” nhiều củi nhất, từ củi gộc là Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cho đến những cán bộ cấp thấp tại các lãnh sự quán ở nước ngoài.

Nguồn cung cấp củi không chỉ từ Bộ Ngoại giao mà cả từ Ban Đối ngoại trung ương đảng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội – những cơ quan hét ra lửa, mửa ra khói trong guồng máy cai trị của nhà nước cộng sản. Truyền thông trong nước cho biết, cuộc điều tra đang được mở rộng sang các tỉnh thành khác và có triển vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cán bộ của đảng và chính quyền được nêu tên trong các thông báo khởi tố, tạm giam hoặc xử lý kỷ luật.

 

Một chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ châu Âu về nước tháng Bảy 2020. Ảnh Bộ Ngoại giao VN/VNExpress.

Chuyến bay giải cứu là một cụm từ chỉ hoạt động phối hợp của năm bộ (Ngoại giao, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Quốc phòng) trong một chiến dịch vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian cao điểm của dịch COVID năm 2020 đến giữa năm 2021. Việc phối hợp đưa công dân về nước từng được guồng máy tuyên truyền của đảng CSVN ca tụng tận mây xanh, cho đó là một hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đảng và nhà nước, “bay vào tâm dịch” để đón đồng bào về nước, một hành động đầy “tự hào, ngạo nghễ”, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tính ra, từ khi bắt đầu tháng Mười Hai 2020 đến khi chấm dứt, chiến dịch “giải cứu” này đã tổ chức được gần 2,000 chuyến bay, đưa 200,000 người Việt ở 60 quốc gia về nước, cách ly để phòng dịch một thời gian sau đó cho họ về nhà. 

Theo trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công an, mỗi chuyến bay giải cứu như vậy cơ quan tổ chức thu lợi được khoảng 2 tỷ đồng ($80,000).

Tổ chức đưa công dân từ các vùng dịch về nước bằng máy bay là chính sách chung của nhiều quốc gia sau khi dịch COVID bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, đầu 2020. Nhưng có thể nói Việt Nam là quốc gia tổ chức nhiều chuyến bay nhất, đưa về nước được nhiều nhất những sinh viên, người lao động tha hương và cả những người đi công tác, du lịch bị mắc kẹt vì chính sách đóng cửa biên giới của nhiều nước. Một tuần trước khi vụ án bị khởi tố, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (nay là thứ trưởng), khẳng định: “Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh”.

Tuy vậy, Việt Nam cũng là nước trục lợi bỉ ổi nhất chính sách đưa công dân về nước tránh dịch. Các bộ ngành tham gia chương trình đã cấu kết với nhau tổ chức các đường dây thực hiện các chuyến bay giải cứu: chỉ định các công ty đứng ra lo thuê máy bay, khách sạn, mua sắm trang bị bảo hộ trong khi đặt ra rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và rắc rối cho người muốn trở về, từ đó buộc họ phải trả một mức chi phí trên trời để được hồi hương. Vào lúc cao điểm, chi phí mà một người về phải đóng cho các công ty này lên tới 300 triệu đồng ($12,000). Theo điều tra, các bị can là quan chức đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn đô la Mỹ do các doanh nghiệp hối lộ để được chỉ định “thầu” công việc giải cứu! 

Thậm chí những kẻ chủ mưu còn dùng các chuyến bay “giải cứu” để nhập cảng lậu về phi trường Cam Ranh hàng chục thùng rượu whisky Maccalan đắt tiền và thuốc lá điện tử, trị giá gần chục tỷ đồng  như thông tin mà Cục Hải quan Khánh Hòa vừa công bố.

Cũng như vụ án bộ xét nghiệm Việt Á, quy mô của vụ án “chuyến bay giải cứu” chứng tỏ đây không phải là một vụ tham nhũng theo nghĩa bình thường mà là một thủ đoạn lũng đoạn nhà nước, có sự cấu kết chặt chẽ giữa nhiều cơ quan có quyền lực và nhóm doanh nghiệp bất lương để trục lợi trên nỗi đau khổ của đồng loại. 

Hành vi trục lợi đó được tổ chức chặt chẽ, có sự phối hợp từ trong ra ngoài nước, phân công phân nhiệm rạch ròi và ăn chia chắc cũng rạch ròi như thế. Việc phơi bày những hành vi trục lợi đó, truy tố những kẻ chủ mưu, cho thấy sự lũng đoạn đã lên tới cấp rất cao trong guồng máy cai trị và các ngôn từ bóng bẩy về nhân văn nhân đạo chỉ là những tấm áp phích che đậy những thủ đoạn tàn độc của kẻ có quyền lực. 

Những ai còn ảo tưởng về tính chất “nhân văn” của chế độ cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cần nhìn ra phía sau những tấm áp phích rách ấy, đằng sau những lời xảo ngôn bóng bẩy ấy để thấy rõ thực chất bất nhân và phản động của một guồng máy cai trị chỉ biết tận dụng quyền lực để ních cho đầy túi tham.

 

Biếm họa chơi chữ của báoTuổi Trẻ Cười

Những người ủng hộ chính quyền và đảng CSVN cho rằng, cuộc khởi tố các vụ án Việt Á, chuyến bay giải cứu, vụ công ty AIC đang được xét xử… với hàng chục quan chức cao cấp cỡ thứ, bộ trưởng bị bắt giam là “minh chứng rõ ràng cho tinh thần đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái, biến chất dù đang lẩn trốn ở đâu, đang ngồi chiếc ghế nào” như nhận định của một tờ báo ở Sài Gòn.

Nhưng có thật như vậy không? Nếu đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái biến chất thì e rằng Việt Nam sẽ không còn cán bộ nào bên ngoài song sắt nhà tù.

Đặt các vụ án nổi cộm đó vào bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực triền miên ở Ba Đình, nhiều nhà quan sát nhận ra một cuộc tỷ thí một mất một còn giữa các phe phái nhằm chiếm lấy quyền lực tối cao trong đảng CSVN khi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng phải từ bỏ chức vụ trong một ngày không xa nữa. Phe đảng CSVN với lực lượng công an “còn đảng còn mình” đang sử dụng hết công cụ bạo lực của họ để đánh bật phe chính phủ, loại trừ dần những tay chân của Nguyễn Xuân Phúc (chủ tịch nước), Phạm Minh Chính (thủ tướng), Phạm Bình Minh (phó thủ tướng), Vũ Đức Đam (phó thủ tướng) tạo điều kiện cho Tô Lâm (bộ trưởng công an), Vương Đình Huệ (chủ tịch quốc hội)… vượt lên giành thế thượng phong.

Nói như thế không có nghĩa là đánh giá phe chính phủ tốt hơn phe đảng, mà chỉ nhằm khẳng định rằng các vụ án “rúng động” trên truyền thông hiện nay chỉ là một phần trong cuộc tranh giành giữa các phe phái mà phe nào thắng thì nhân dân cũng bại như một ý thơ của Nguyễn Duy.

Điều may mắn là qua các vụ án như vụ “chuyến bay giải cứu”, người dân có cơ hội thực mục sở thị cái bộ mặt bẩn thỉu của các quan chức cao cấp, cái bản chất thối nát của chế độ và có thêm dũng khí đấu tranh cho một sự thay đổi tất yếu phải đến.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen