Seite auswählen

Hình minh họa

GETTY IMAGES

Với hơn hai ngàn bình luận và hơn một ngàn lượt chia sẻ, bài viết trên Facebook nhà văn Phạm Thị Hoài ngày 3/2/2022 về “trong các món Tết, tôi ngại nhất bánh chưng” có thể xem là một “sự kiện” trong dịp Tết Nhâm Dần.

Nhà văn đang sống ở Đức viết trong bài, có đoạn: “Bánh chưng là kỳ vọng của thời lo thiếu ăn đang nhường chỗ cho thời sợ thừa cân. Là hiện thân của một nền ẩm thực với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ, chưa bao giờ phát triển đến đỉnh cao để có thể decadent, sành điệu và đồi trụy, như nghệ thuật nấu ăn của Pháp và Trung Hoa, hai cường quốc ẩm thực đã đô hộ bếp Việt để cho nó những tiềm năng lý tưởng nếu nó biết tự giải phóng.”

Tết Nguyên Đán là dịp rất bận rộn cho các chị em phụ nữ Việt Nam

HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES Cảnh gói bánh chưng ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Bình luận bên dưới bài viết, một danh khoản Tuan Anh Vũ khen “Quá hay”, nhưng danh khoản Văn Sơn Lê bức xúc “Văn vớ vẩn hình như nó không bình thường”.

Tranh cãi

Nhiều cây bút khác, sau bài viết của bà Phạm Thị Hoài, cũng bày tỏ ý kiến của họ.

Cây bút Song Chi bày tỏ thiện cảm: “Nhiều cái thuộc về huyền sử, dã sử, thậm chí lịch sử được ghi chép hẳn hoi, cho tới nhiều thứ được coi là truyền thống, chắc gì đã đúng. Trân trọng lịch sử, giữ gìn “bản sắc văn hóa dân tộc” là tốt thôi, nhưng đặt câu hỏi về mọi thứ, hoài nghi, xới lại mọi thứ để hiểu biết sâu hơn, để lọc bỏ bớt đi những gì sai lệch, lầm lạc, thiết nghĩ, là thái độ cần thiết và đúng đắn hơn nữa.”

Nhưng cây bút Saomai Pham bày tỏ bức xúc: “Phần thiêng liêng là khoảnh khắc đặt cặp bánh chưng đã ép đủ độ lên ban thờ thắp hương mời ông bà tổ tiên cùng những người thân yêu đã khuất nhà mình về với con cháu cho thêm phần ấm áp, gần gũi. Đây chính là tinh thần Việt mà bánh chưng là một trong những thành tố quan trọng để tạo nên nó. Vì lý do đó, làm ơn đừng bôi bác bánh chưng. Như thế là phải tội với giời. Đã là người Việt tử tế thì không ai làm như vậy cả!”

Danh ca Mỹ Linh, từ Hà Nội, cũng cho biết đã đọc bài của bà Phạm Thị Hoài: “Thế nào là vớ được bài viết đang gây bão dư luận của nhà văn Phạm Thị Hoài đại để dùng bánh chưng để phân tích cái kém cỏi của người Việt. Mình chả bình luận về bài viết vì bản thân mình cũng thấy mình kém cỏi thiếu sót đủ đường.”

Ca sĩ Mỹ Linh không bình luận trực tiếp nhưng nói “tự dưng bài viết lại mang mình về những ngày Tết hồi bé”.

Cô kể: “Tết xưa sao mà nó to chuyện thế không biết? Đến mức mình và em gái mỗi lần xán lại ôm gọi mẹ ơi mẹ kể chuyện đi là mẹ lại bảo mẹ kể chuyện ” Tết năm nay nhé!””

Cây bút Bùi Hoàng Tám lại suy tư: “Gã thì thấy chả sao vì đó là quan điểm riêng của PTH và gã tôn trọng điều đó. Không biết đây có phải là dân chủ hay gã đã trở nên vô cảm?”

Trong bài về bánh chưng, nhà văn Phạm Thị Hoài kết bằng đoạn:

“Trong các món Tết, bánh chưng ít cơ hội tự giải phóng nhất. Người anh em song sinh của nó, bánh giầy, đã từ lâu được giải linh, bỏ gánh nặng biểu tượng trời tròn sau lưng mà vui sống kiếp nhẹ tênh món ăn vặt hàng ngày đầu ngõ. Tôi đã thử giải phóng bánh chưng bằng cách giải cấu trúc, giải huyền thoại, xếp đặt lại, gửi một lời ngưỡng mộ đến tâm hồn ẩm thực Ý-Nhật và cảm ơn công nghệ nấu sous vide. Không có gì kỳ bí. Văn chương và ẩm thực đều chỉ là thấu hiểu bản chất từng vật liệu và sử dụng chính xác. Tôi không cần một lần nữa phát minh ra phương Đông và không cần thỉnh ý các vua Hùng.”

Bánh chưng
Bánh chưng rán và thịt gà – hình minh họa

Mặc kệ cô Phạm Thị Hoài, còn Tết tôi còn mê bánh chưng

Bình của Nguyễn Nam Việt
2022.02.08

Mặc kệ cô Phạm Thị Hoài, còn Tết tôi còn mê bánh chưngBánh chưng Tết ở ngoại thành Hà Nội

 Reuters

Nhà văn Phạm Thị Hoài mắng xéo bánh chưng dữ quá, đâm ra lại có tác dụng ngược. Ít nhất là với tôi. Tôi thèm bánh chưng quá sá cỡ. Kỳ lạ vậy, Tết nào mà mùng một Tết không được tự tay bóc, xắn chiếc bánh chưng cho cả nhà nếm náp thì với tôi, cái Tết đó chưa tròn.

Cả nhà tôi không ai ghiền bánh chưng, bánh tét. Quanh năm không ăn không sao, nhưng tới Tết nhứt định phải có, và hồi trước thì đúng mùng một Tết mới ăn. Nhà tôi ăn bánh chưng Tết giống như người ta bói chân gà đầu năm vậy: năm nào bánh xanh đẹp, vừa bóc ra thì thơm thoang thoảng mùi lá dong, chắc tay, các góc đều đặn, nhân nhiều, vị vừa, nếp dẻo và rền, xắn ra thì thơm mùi thịt, mỡ trong, thịt đỏ hồng, mùi nếp mới và hạt tiêu thơm phức thì vui vẻ như được điềm lành. Lỡ năm nào xui xui, cái bánh bị gói non tay nên nhân và nếp rời rã, bánh nhão hay cứng, lại gạo, nhân ít hoặc thịt xơ, màu nâu đen xấu thì đứa nào mua bánh ấy cứ là ân hận tức tối ít lâu. Chẳng biết vì sao lại có thói quen ấy, nó hình thành từ khi nào tôi cũng chẳng rõ, nhưng giờ nhìn lại thì hóa ra nhà mình có cái nếp này thật.
Rút kinh nghiệm để khỏi xúi quẩy đầu năm, nhà tôi thường không mua bánh gói sẵn mà đi đặt ở hàng quen. Họ gói bánh bằng lá dong chứ không phải lá chuối. Buộc lạt tre, không chơi dây nilon. Đặt rồi phải dặn kỹ họ làm nhiều nhân hơn, trả thêm tiền. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, mỡ và nạc cân đối tươi rói, nguyên khổ. Đỗ xanh phải nguyên hạt, gói bằng đỗ sống, trải một lớp nếp, một lớp đỗ, đặt miếng thịt vào, lại lớp đỗ lớp nếp lên trên rồi gói lại. Bánh gói như thế, đỗ, nếp và thịt cùng chín một lúc nên giữ được mùi thơm và rất bùi. Hạt đỗ mềm nhưng không nát nhuyễn, vẫn giữ được hình dáng, lấm chấm giữa lớp nhân vàng mướt trông thật đẹp. Có cả cảm giác thay đổi nơi đầu lưỡi khi nhai rất đã cái miệng.

Nhưng gói như thế thì khó hơn nên lâu nay người ta thịnh kiểu hấp đỗ trước, dùng chày nghiền nát, cho miếng thịt vào giữa rồi nắm lại thành cục nhân. Gói như thế rất nhanh và bên ngoài bánh dễ vuông vức, đẹp, nhất là khi gói với khuôn. Cứ đặt nắm nhân vào giữa, đổ nếp vào thế là xong. Nhưng đỗ xanh chín đi chín lại hai lần nên nát nhuyễn ra như bột và giảm hẳn mùi thơm, độ bùi. Xắn miếng bánh ra, màu vàng tươi của đỗ đã giảm xuống vài tông, trông nhàm chán và không tươi tắn, đẹp đẽ bằng. Ấy là thói quen của nhà tôi, toàn những người kén ăn, nhưng cứ kể ra thế vậy.

2018-02-08T121144Z_1636627055_RC1317C518E0_RTRMADP_3_LUNAR-NEWYEAR-VIETNAM.JPG

 

Gói bánh chưng Tết ở ngoại thành Hà Nội. Reuters

Nhà văn Phạm Thị Hoài bảo bánh chưng là một thứ nhiều nhưng rỗng. Tôi không đồng ý với cô.  Cũng như hầu hết thời trân trên đời, bánh chưng hết sức đơn giản. Nó chỉ có đúng ba loại nguyên liệu: gạo nếp, đỗ xanh và thịt. Gia vị quá sức ít ỏi: mỗi ít muối, nước mắm và hạt tiêu. Chính vì đơn giản nên muốn ngon thì tất cả các nguyên liệu, gia vị đều phải là loại ngon nhất. Nếp phải mới, dẻo và đồng nhất, không lẫn hạt nào khác giống. Đỗ phải mẩy, nhặt kỹ bỏ hết các hạt có tí sâu, hay đỗ đá cứng đơ. Thịt phải là loại ba chỉ tươi ngon nhất, khổ thịt to dày, mỡ chắc, thịt dày để khi xắn bánh không bị rời ra từng xơ thịt nhỏ. Lá dong nhuộm một màu xanh mát mắt cho tấm bánh lẫn mùi thơm thoang thoảng đồng nội không thể lẫn đi đâu. Hạt tiêu giã tay cho dập vỡ chứ không xay nhuyễn, để khi ăn thỉnh thoảng cắn phải một mảnh thì cay thơm lừng lên trong miệng.

Đã thế, bánh chưng không thể ăn khơi khơi một mình nó, vì nó vốn nhạt. Phải kèm với đĩa dưa món, cà rốt củ cải cắt miếng ngâm nước mắm ngon nấu keo với đường thấm vị ngọt mặn. Thêm ít kiệu giòn chua ngọt nữa cũng được. Xắn một miếng bánh đủ cả nếp và nhân, gắp một miếng củ cải nhai cùng. Trong miệng có đủ mặn, ngọt, bùi, miếng thịt mỡ thơm ngậy, vị umami của những sớ thịt nạc đỏ hồng mềm mại, vị cay nồng của tiêu. Vừa dẻo, vừa mềm, vừa hơi gờn gợn của những hạt đỗ xanh và giòn của miếng dưa góp. Trong cái lạnh se se của ngày đầu năm, nhấp một ngụm rượu nếp tê tê cay cay, ngon đến thế thì thôi chứ còn gì nữa!

Bánh chưng cũng không ai ăn đến no kềnh ra như ăn cơm cả. Nó chỉ là một món trong bữa ăn ngày Tết, thay cho cơm, giảm thời gian nấu nướng cho những người nội trợ đã quá mệt mỏi. Mâm cơm Tết thường có nhiều món làm sẵn. Trước hoặc sau khi ăn bánh chưng, người ta ăn đủ thứ thức ăn khác để tận hưởng cảm giác nhậu nhẹt: miền Nam thường có trứng bắc thảo, lạp xưởng ăn với tôm khô củ kiệu, chả lụa, giò thủ, nem chua, tré chấm muối tiêu, bò khô vắt chanh cho mềm uống bia. Miền Bắc thường có giò lụa, nem rán, thịt gà luộc chấm muối tiết vắt chanh. Miền Trung, ngoài những món nói trên còn có  măng kho thịt ba chỉ cuốn bánh tráng. Miếng bánh chưng, bánh tét để ăn dằn bụng đầu tiên hay cuối cùng, “cho có hơi gạo” như ông bà hay nói, để có đủ lượng tinh bột. Một cái bánh xắn ra ăn cả nhà, mỗi người một miếng 1/8 là vừa đủ. Bon miệng thì thêm một miếng, hoặc nửa miếng nữa. Đố ai ăn bánh chưng đến phát nghẹn ra mà vẫn tiếp tục ăn được!

tet20221.jpg

 

Mâm cỗ Tết với bánh chưng. RFA

Sau này người ta cất công chế ra đủ thứ biến tấu của bánh chưng, bánh tét, mà thường thấy nhất là ngâm nếp với nước dừa và chút đường, ướp nếp với nhiều màu khác nhau như bột nghệ, lá cẩm, lá dứa, hoa đậu biếc… cho ra nhiều màu đỏ cam, tím, xanh dương, xanh nhạt. Nhân có thêm lòng đỏ trứng muối. Loại bánh tét nhiều màu này ra đời và phổ biến ở miền Tây, cũng có người thích ăn. Nhưng thành thực mà nói thì nó mau ngán quá. Nếp đã dễ ngán rồi còn trộn với nước dừa vừa béo, vừa ngậy, vừa ngọt, khó có thể ăn được liên tục vài miếng. Lòng đỏ trứng muối nấu trong bánh tét ăn cũng lạ miệng nhưng hợp vị thì không. Nó rất bùi và ngon, nhưng bùi ngon cái vị riêng rẽ độc lập, và “nặng”, hoàn toàn không quyện với các thực phẩm còn lại một cách tự nhiên nhẹ nhõm như trong chiếc bánh chưng truyền thống. Chiếc bánh chưng gói khéo, luộc khéo thì vẫn nếp, đỗ, thịt đấy nhưng tất cả đã quyện với nhau thành một món ăn có những mùi và vị trước đó không hề có, ngon miệng và ấm lòng một cách vừa thanh tao vừa phồn thực.

Tôi thấy bánh chưng giống như chiếc áo dài của phụ nữ Việt, mỗi năm đều không ngừng có những cải cách. Có những cải cách rất phá cách và rất lạ mắt, nhưng cuối cùng những chiếc áo đẹp nhất đều không thể bỏ đi tiêu chuẩn tà dài, rộng và mềm mại đủ phủ hông và chân, eo ngực ôm sát nhưng không bó cứng, cổ cao nhẹ để khoe bờ vai thanh mảnh và đường cổ cong. Nó nâng, vẽ, đưa toàn bộ đường cong của cơ thể người phụ nữ lên trong một tổng thể hài hòa, vừa che, vừa khoe. Kín toàn bộ nhưng cũng là phô bày hết cỡ. Sexy nồng nàn nhưng cũng e ấp tuyệt đối.

Cách xắn bánh chưng cũng đẹp mắt. Đặt chiếc bánh lên đĩa, tháo các nút lạt. Tách ra vài sợi nhỏ và dai. Bóc một bên lớp lá dong, đặt các sợi lạt lên trên theo hình hoa thị, để nó chia đều chiếc bánh thành tám miếng. Úp chiếc bánh vào một chiếc đĩa khác, bóc tiếp mặt lá bên kia,  từ từ xiết các sợi lạt thật thẳng rồi kéo lên. Thế là chiếc bánh được xắn xong, đường xắn hơi hở ra để lộ chút nhân hồng hào bên trong thật ngon mắt, không sắc bén như khi cắt bằng dao mà mềm mại tự nhiên như những đường mương nhỏ giữa đôi bờ ruộng xanh, hòa hợp vô cùng. Nếu phải gọi tên thì đó là cái duyên, cái ý nhị tinh tế mà nhất thiết phải được ngắm no mắt trước khi no bụng.

Trong con mắt cá nhân của tôi, chiếc bánh chưng truyền thống và bộ áo dài truyền thống Việt Nam có lẽ đã đạt đến những quy chuẩn vàng hoàn mỹ trong ẩm thực và thiết kế. Nó chỉ bật ra trọn vẹn nhất trong không khí gia đình quây quần đông đúc, thời tiết se lạnh và  nhịp thời gian chậm rãi của những ngày Tết. Cho nên quanh năm tất bật, dù không ăn một miếng bánh chưng nào mà cũng chẳng thấy thèm, nhưng đến Tết, cứ  như một thứ chuẩn tự động, tôi nhất định phải ăn một miếng bánh chưng trong ngày mùng Một thì mới thật thấy Tết, thật là Tết.

Cho nên mặc kệ cô Phạm Thị Hoài dùng ký ức bánh chưng của cô để tả nó thật đáng ghê rợn và tởm lợm, với tôi còn Tết thì còn bánh chưng. Xanh mát mắt, thơm thiết tha mùi đồng lúa đã trổ đòng, thiết thực như tình ruột thịt và  phè phỡn, buông thả, thỏa thuê như đang ở giữa bạn bè.

Chuyện cái bánh chưng hay là chuyện “nhiều chữ ít nghĩa’

 

Có lẽ cái bánh chưng văn chương của chị không là món ngon đối với tôi. Và nếu được hỏi vì sao cái bánh chưng văn chương Phạm Thị Hoài tôi ăn không thấy ngon, tôi thẳng thắn trả lời là: Viết nhiều chữ quá mà ít nghĩa nên ngấy, thế thôi!

Bánh chưng (ảnh minh hoạ từ ngoisao.net)
Định không viết về cái bài viết mấy hôm nay đang nổi lềnh phềnh trên mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài nhưng tôi bỗng nhiên nghĩ rằng trên đời này có những người neo vào dĩ vãng mà sống thì vừa đáng vui mà vừa đáng buồn. Vui vì họ có cái dĩ vãng để mà neo vào. Nhưng buồn vì dĩ vãng ấy ảnh hưởng họ lâu quá, bám theo họ cả đời! Mà cái gì thái quá thì cũng không tốt. Lại thêm một vài bạn bè cũng hỏi về bài viết này. Thôi thì tôi lại phím nghiệp vài câu.
1. TỪ CHUYỆN ẨM THỰC LÀ CÁI BÁNH CHƯNG – MỘT LÝ DO GÂY TRANH CÃI…
Tôi đã từng có một bài viết về gu thưởng thức ẩm thực của con người. Trong đó đại ý tôi nói rằng:
.
1.1. Món ăn ngon hay dở là tùy vào khẩu vị cá nhân, nên đừng chê người khác chỉ vì họ ăn không giống mình.
Chuyện đánh giá món ăn ngon dở hoàn toàn thuộc về chuyện của khẩu vị và cảm giác của cá nhân. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác tác động như ăn lúc no hay lúc đang đói meo; khung cảnh ăn uống trông như thế nào, sang trọng, sạch sẽ hay nhếch nhác, bẩn thỉu; đi ăn với người yêu mình hay đi ăn với… kẻ thù; lứa tuổi đi ăn là trẻ con, thanh niên hay người già, thái độ phục vụ của nhân viên, hay sự dũng cảm thử món mới trong ẩm thực của từng người… Cho nên có những người coi phở Bát Đàn là ngon, có người thích phở Thìn Lò Đúc, có người thích phở Thìn Bờ Hồ… nhưng cũng có những người chê các hàng phở ấy mà chỉ thích ăn phở Vui, phở Sướng, phở Hàng Đồng… Gần đây lại có người chê những ai ăn phở nhiều thịt là… trọc phú. Người mà lên giọng chê bai người khác như thế chỉ vì họ ăn không đúng như mình ăn thì người đó vừa vô duyên, vừa không có văn hóa.
.
1. 2. Văn hóa ẩm thực mang tính vùng miền và quốc gia rõ rệt, cho nên người miền/nước này đừng chê người miền/nước khác trong chuyện ăn uống.
Văn hóa ẩm thực còn tùy theo từng vùng miền. Các bạn miền Bắc vào miền Nam cứ chê món gì cũng ngọt, cũng cho đường, phở kiểu Nam sao lại có rau giá, tương đen, tại sao lại không có quẩy… và kêu ầm là không hợp khẩu vị. Nhưng các bạn miền Nam ra miền Bắc cũng kêu ca là phở không có rau, không nuốt nổi. Tại sao phải đòi hỏi món ăn giống nhau ở những nơi cách xa nhau hàng trăm, hàng ngàn cây số?
Nhiều bạn cho biết không quen ăn món Tây/Tàu và nếu ăn thì chê món nọ món kia. Tôi cũng tạm gọi là người có đi đâu đi đó chút ít, tôi cho rằng nên tôn trọng văn hóa ẩm thực của vùng miền, quốc gia. Văn hóa ẩm thực của vùng miền/quốc gia ra đời trên cơ sở nhiều yếu tố, từ thiên nhiên cho nuôi con gì, trồng cây gì, thời tiết, môi trường xung quanh, địa hình, thổ nhưỡng, con người… cho nên không thể đòi hỏi phở miền Bắc phải giống phở miền Nam, không thể bắt người Việt ăn bánh mì thay cơm hay bắt người Nga thôi uống rượu Vodka… Cho nên Tây Ninh mới nổi tiếng nhờ món bánh tráng Trảng Bàng phơi sương cuốn thịt heo luộc và kèm theo vô số loại rau lạ, nhưng món cuốn ở Đà Nẵng lại khác, mà món cuốn ở Hà Nội lại càng khác.
Tôi cho rằng chính sự phong phú về ẩm thực ở các vùng miền, quốc gia mới là điều thú vị. Thử tưởng tượng đi đến đâu món ăn cũng giống hệt nhau thì còn gì là thú vị và niềm vui thưởng thức, khám phá món mới nữa. Còn chuyện ăn có hợp khẩu vị hay không, có cảm thấy ngon miệng hay không là tùy vào cảm nhận của mỗi cá nhân. Nhưng không vì thế mà chúng ta chê bai một cách mất lịch sự giữa chốn công cộng.
.
1.3. Văn hóa ẩm thực có sự biến đổi theo thời gian và có sự học hỏi, pha trộn với nhau.
Cũng lại nói chuyện về nhiều người cứ bất biến cho rằng: “Chuẩn hương vị xưa mới ngon”. Thật ra các món ăn không thể đòi hỏi hoàn toàn giống như 100 năm về trước và còn tùy thuộc rất nhiều vào cách nấu của mỗi người, mỗi gia đình. Chẳng hạn ngay như một món là món cuốn, cũng có thể rất khác nhau tùy theo người làm bếp. Ngay ở Hà Nội, nếu hỏi cách làm món cuốn như thế nào, tôi bảo đảm gần như mỗi gia đình sẽ làm theo một kiểu khác nhau. Vì vậy, đừng cho rằng “cái chuẩn” của mình là đại diện cho tất cả, đừng cho rằng chỉ có “cái chuẩn” của mình là đúng, còn người khác là sai bét.
Khi tôi sang Ấn Độ, tôi thấy món cà ri (curry) chính gốc Ấn khác hẳn món cà ri của người Việt. Sang Singapore, Indonesia, Malaysia hay Myanmar…, món cà ri lại biến đổi khác nữa. Một ví dụ rành rành nhất mà ai trong số chúng ta cũng nhận thấy: món bánh mì kẹp thịt của Việt Nam khác xa với nguồn gốc của nó ở phương Tây như thế nào.
Một con người có tư duy rộng mở, đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc với nhiều tầng lớp, thì thường sẽ dễ dàng nhìn nhận những sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực của từng vùng miền, quốc gia, đồng thời chấp nhận sự biến đổi, thêm bớt của ẩm thực. Cá nhân chúng ta có quyền thích hay không thích sự khác biệt hay thay đổi đó. Nhưng đừng bắt người khác phải khen chê giống mình, bắt họ phải ăn theo mình và nếu có người như vậy, thì chỉ là hạng người bảo thủ, tự tôn, coi mình là nhất, hay là “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.
.
1. 4. Người Việt và tư duy, sở thích “mì tôm” trong ẩm thực
Thật ra tôi muốn nói về tư duy, sở thích “mì tôm” là để chỉ một bộ phận không nhỏ người Việt không thể xa rời những món ăn quen thuộc đối với họ, dù chỉ là trong một thời gian ngắn. Ở đây tôi không nói đến những người Việt định cư ở nước ngoài, hay những gia đình đa quốc gia, lấy vợ/chồng người nước ngoài. Ở những gia đình ấy, thường việc ăn uống cũng mang tính chất “ẩm thực đa quốc gia”. Tôi chỉ muốn nói đến một hiện tượng cụ thể, đó là rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ từ trung niên trở lên, thường khi đi du lịch, công tác ở nước ngoài, không quen với những món ăn nước ngoài hay ngại ngần không dám thử và luôn thủ trong vali những gói mì tôm, chà bông hay thậm chí lén mang theo cả chai nước mắm. Những chuyện này tôi đã chứng kiến quá nhiều lần khi cùng với nhiều người Việt đi du lịch hay công tác nước ngoài. Nếu đã đi du lịch, công tác, đặc biệt là đi nước ngoài, thì không nên đòi hỏi phải ăn uống giống y như ở nhà, mà nên để bản thân mình khám phá thử ẩm thực ở những miền đất mới. Chứ nếu muốn ăn giống y như ở nhà, thì thôi, có lẽ cứ nên ở nhà cho yên chuyện và dễ thỏa mãn sở thích của mình. Tất nhiên ăn uống thì luôn là khẩu vị cá nhân, song khi đến một miền đất mới, thử những món ăn lạ, cũng là một điều thú vị của những ai thích “xê dịch”. Có món chúng ta không hợp, nhưng biết đâu cũng có món chúng ta thấy ngon và cũng có thể có những món chúng ta chỉ nếm được một lần trong đời thì sao. Vậy nên đến những miền đất mới, hãy tạm gác “mì tôm” lại, thử ăn món mới đi đã, nếu không ăn được thì hãy quay về với “mì tôm” cũng chưa muộn.
Nói về ẩm thực thì nói có đến “ngàn lẻ một đêm” cũng không hết chuyện. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Ẩm thực luôn là khẩu vị cá nhân và chúng ta nên tôn trọng khẩu vị của nhau nếu chúng ta là những con người văn minh. Giờ bước sang thế kỷ XXI cũng đã hơn 20 năm rồi, thiết tưởng chúng ta, bất cứ ai có hiểu biết và có học hành đôi chút đều phải biết một điều rằng: nên tôn trọng quyền tự do cá nhân và sở thích riêng, miễn điều đó không đụng chạm, ảnh hưởng đến ai và trong khuôn khổ luật pháp cho phép, huống chi đó là một vấn đề dễ gây tranh cãi như ẩm thực.
Thế nên khi nhà văn Phạm Thị Hoài chê cái bánh chưng ngày Tết, tôi nghĩ rằng đó là quyền cá nhân của chị. Chị không thích bánh chưng, nhưng người khác thích và họ phản ứng lại. Tôi cho rằng đây là chuyện bình thường, là sự va chạm giữa những sở thích ẩm thực trái ngược nhau. Chẳng có việc gì phải kết tội chị ấy là phỉ báng truyền thống văn hóa dân tộc cả, cũng đừng chê hai miếng bánh chưng là giống bánh ngọt như trong ảnh chị ấy post lên, bởi vì ăn theo sở thích nào, làm bánh chưng theo kiểu gì là quyền của chị Phạm Thị Hoài. Chị ấy có bắt chúng ta ăn theo chị ấy hay chê bánh chưng theo chị ấy đâu.
Nhưng, cái gì cũng có chữ “nhưng” nên mới thành ra chuyện!
Cá nhân tôi thì thỉnh thoảng cũng ăn bánh chưng. Có khi tôi thích vì ăn được một miếng bánh chưng ngon, nhưng cũng có khi chán, vì ăn phải miếng bánh dở quá. Nhưng khi đọc bài viết “Các vua Hùng đã có công” của chị Phạm Thị Hoài, tôi trộm nghĩ có khi nào cả đời chị ấy không được ăn một miếng bánh chưng ngon. Thế nên chị ấy mới miêu tả về bánh chưng như sau: “bánh chưng là một thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa hẹn từ phần còn lại là bội thực. Lá gói lạt buộc hì hục, nấu như kháng chiến trường kỳ, song công phu vất vả thế vẫn chưa hết. Cái kiệt tác của ẩm thực dân tộc ấy đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng, chưa kể động thái lại gạo khét tiếng, cộng thêm bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn và thực tế chắc chắn là chỉ sau một đũa xắn nó sẽ mất trắng tổng thể nghệ thuật và mỗi phút một hết cả xanh lẫn rền để cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên mâm cỗ.” Có lẽ ký ức về một thời ăn bánh chưng dở ẹt ấy đã khiến cho chị Phạm Thị Hoài không có cảm tình với món bánh chưng ngày Tết.
Thay vào đó chị Phạm Thị Hoài bồi hồi hoài niệm về món phở chó, một món ăn mà tôi nghe tên đã thấy rùng mình sợ hãi và tôi tin rằng nhiều người cũng có cùng cảm giác giống như tôi. Nhưng mà thôi, như tôi đã nói ở trên, sở thích ăn uống là chuyện cá nhân của mỗi người, không ai có quyền lên án ai cả hay bắt ai phải yêu ghét món này món kia theo mình. Chỉ là chị Phạm Thị Hoài body shaming cái bánh chưng nên tôi bắt chước chị, tôi body shaming chị với hàm ý đùa vui. Tôi chỉ ái ngại cho… tuổi già và có lẽ thừa cholesterol của chị Hoài khi mà chị bị ám ảnh bánh chưng vì “vài chục năm sau, chúng là những bom tấn cholesterol mà tôi ngần ngại hơn thương nhớ.” Theo quan điểm về nữ quyền của tôi thì: Phụ nữ không chỉ có quyền làm đẹp mà còn có quyền làm xấu, quyền chăm sóc hay quyền không thèm bảo vệ sức khỏe của bản thân. Vậy mới đích thực là nữ quyền. Tuy nhiên tôi vẫn thích những phụ nữ nghĩ rằng tuổi tác chỉ là con số và già, béo, thừa cholesterol… chỉ là những khái niệm không tồn tại trong cuộc đời của mình.
Những câu chị Phạm Thị Hoài viết như thế này là nhận định của riêng chị: “Bánh chưng là kỳ vọng của thời lo thiếu ăn đang nhường chỗ cho thời sợ thừa cân. Là hiện thân của một nền ẩm thực với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ, chưa bao giờ phát triển đến đỉnh cao để có thể decadent, sành điệu và đồi trụy, như nghệ thuật nấu ăn của Pháp và Trung Hoa, hai cường quốc ẩm thực đã đô hộ bếp Việt để cho nó những tiềm năng lý tưởng nếu nó biết tự giải phóng.” Nếu nói như vậy tức là chị đánh giá thấp ẩm thực Việt Nam nói chung và cái bánh chưng nói riêng. Tất nhiên tôi nhắc lại là chị có quyền đánh giá ẩm thực Việt Nam theo cái chuẩn của riêng chị. Nhưng tôi không nghĩ rằng bánh chưng Việt Nam là làm đơn giản như chị nói ở trên. Để có một nồi bánh chưng ngon là một thử thách không nhỏ cho những đầu bếp. Trở lại vấn đề hồi nãy tôi từng nói: Có lẽ nào đời chị chỉ toàn được ăn những bánh chưng gói vụng với nếp dở và thịt, đậu loại xoàng? Song tôi cũng phải cập nhật kiến thức cho chị rằng ở Việt Nam hiện nay bánh chưng không chỉ phổ biến trong ngày Tết mà còn trở thành một món ăn hàng ngày, bán rộng rãi trong các siêu thị hay bán online với đủ các size bánh lớn nhỏ, với những bánh chưng của người dân tộc như bánh chưng gù của người Tày, bánh chưng đen cũng của dân tộc Tày, bánh chưng thảo dược của dân tộc Mường hay bánh chưng chay của dân tộc Việt. Xuôi về phương Nam chúng ta có đủ kiểu bánh tét như: bánh tét nếp cẩm, bánh tét nhân chuối, bánh tét nhân trứng muối, bánh tét ngũ sắc v.v… Chính vì thế nhận định của chị Phạm Thị Hoài: “Trong các món Tết, bánh chưng ít cơ hội tự giải phóng nhất” có lẽ là không đúng. Ngày nay người dân Việt Nam ngoài việc coi bánh chưng là một món ăn truyền thống của ngày Tết, họ còn xem như một món ăn hàng ngày, có thể là ăn thay bữa chính, có thể là ăn chơi, ăn vặt. Thêm một nhận định của chị cũng không chính xác: “Người anh em song sinh của nó, bánh giầy, đã từ lâu được giải linh, bỏ gánh nặng biểu tượng trời tròn sau lưng mà vui sống kiếp nhẹ tênh món ăn vặt hàng ngày đầu ngõ.” Thật ra chẳng phải bánh giầy giải linh gì cả mà chỉ đơn giản là ngày tết truyền thống xưa thì các món ăn đều để được lâu, nhưng bánh giầy với thời tiết lạnh như ở miền Bắc thì để lâu sẽ cứng và khó ăn. Vì thế nên dần dần chẳng ai cúng bánh giầy ngày Tết mà nó trở thành một món ăn vặt, ăn chơi.
Tôi cũng không đồng tình với nhận xét của chị Phạm Thị Hoài khi cho rằng: “Từ lúc phở có chút danh ở năm châu, mỗi người Việt lập tức thành một vệ binh phở trong cuộc thánh chiến phở, rủa xả chỉ trích không thương tiếc những kẻ dám xúc phạm phở, xúc phạm văn hóa ẩm thực truyền thống, xúc phạm dân tộc, xúc phạm con người và đất nước Việt Nam, như thể các vua Hùng đã có công nấu phở.” Dù biết chị Phạm Thị Hoài rất thích sử dụng thủ pháp thậm xưng trong khi viết văn nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi chị chỉ tập trung lên án người Việt Nam là những “vệ binh phở”. Không lẽ chị Phạm Thị Hoài sống ở nước ngoài mấy chục năm, tự nhận là người đi nhiều, biết nhiều, mà lại không biết rằng đối với bất cứ dân tộc nào, khi đụng đến ẩm thực truyền thống là gần như mỗi người dân đều là những vệ binh nhiệt thành. Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhiều lần cãi nhau về món kim chi hay là món dưa muối. Chị Phạm Thị Hoài hãy thử chê pizza và các loại mì Ý, thử chê món gà tây trong lễ Giáng sinh của người Anh, thử chê ẩm thực Pháp với những người dân nước ấy… Tôi tin rằng khi ấy cũng rất dễ dẫn đến cuộc “thánh chiến ẩm thực” như lời của chị Phạm Thị Hoài. Thế nên chị đừng mỉa mai người Việt Nam. Và đáng ngạc nhiên thay, khi đã biết rằng viết về ẩm thực thì rất dễ dẫn đến “thánh chiến”, bản thân chị cũng lên án điều đó, vậy thì tại sao chị Phạm Thị Hoài lại chủ ý viết một bài mà tôi cho rằng đã dẫn đến một cuộc “thánh chiến” trên mạng những ngày đầu năm mới. Có phải chăng theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ là nhân ngày Tết nên chị lôi cái bánh chưng ra để “đu fame”?
Nhân thể, tôi cũng bổ sung cho chị Phạm Thị Hoài thêm chút kiến thức về nhà hàng Michelin. Chị viết là: “Những nhà hàng Michelin tôi đã đặt chân có thể để lại vài gợi ý, nhất là về các món khai vị, và cảm giác chủ đạo là vừa cắt phăng một góc thẻ nhà băng”. Chị Hoài đừng nghĩ rằng cứ là nhà hàng có dấu sao Michelin thì phải sang trọng, ăn ngon và đắt tiền nên chị đau xót nghĩ đến cái thẻ nhà băng của chị. Dĩ nhiên là có nhiều nhà hàng Michelin làm chị đau xót cho cái thẻ nhà băng của chị, nhưng không phải nhà hàng Michelin nào cũng sang chảnh và có lịch sử lâu đời đâu ạ. Cũng có những quán ăn Michelin đơn giản hơn nhiều. Ví dụ nếu chị đến Kailang, Singapore, mời chị ghé quán ăn vỉa hè Hill Street Tai Hwa Pork Noodle, quán này được 1 sao Michelin đấy ạ. Hay nếu đến Hongkong thì mời chị ghé ăn thử món dimsum Tim Ho Wan. Đảm bảo một vài trăm ngàn VNĐ là chị đủ thưởng thức rồi. Còn nếu tiện đường lang thang ở Châu Âu mà muốn sang chảnh nhưng vẫn không quá đắt, mời chị Hoài ghé nhà hàng Azurmendi ở Tây Ban Nha ba sao Michelin với giá 250 euro một set cho một người. Còn nếu không thì chị ghé nhà hàng Eneko một sao Michelin cũng ở Tây Ban Nha với giá khoảng 150 euro cho set hai người.
Tôi túm cái váy ngắn lại là chị Phạm Thị Hoài có quyền chê bánh chưng, có quyền cải tiến bánh chưng cho phù hợp với cholesterol của cái tuổi già đang xồng xộc đến, có quyền khen phở chó, có quyền chê dân Việt Nam thánh chiến vì phở, chê ẩm thực Việt tồi tệ “với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ”, có quyền đau lòng cho thẻ nhà băng vì đi ăn ở nhà hàng có sao Michelin vì đó là sở thích ẩm thực của cá nhân và tự do ngôn luận. Song chị Phạm Thị Hoài nên cập nhật chút ít kiến thức như tôi đã viết để tránh những điều chị viết mà chưa tới, chưa đủ góc nhìn, để xứng với danh là một nhà văn nổi tiếng, xuất thân từ nông thôn tỉnh Hải Dương nhưng đi nhiều, biết nhiều và học Đại học Humboldt danh tiếng với chuyên ngành “Văn thư lưu trữ”, và đang sống ở Đức, trung tâm của Châu Âu từ mấy chục năm nay.
.
2. ĐẾN CHUYỆN VĂN CHƯƠNG ĐẰNG SAU CÁI BÁNH CHƯNG MƯỢN CỚ
.
Nhiều bạn văn chương và độc giả của chị Phạm Thị Hoài khen chị hết lời là đầu năm chị đã có một bài viết hay, gây tranh cãi, và khi công chúng đang tranh cãi thì chị Phạm Thị Hoài đang cười thích thú vì sự tranh cãi này. Tôi ngạc nhiên vô cùng vì những người nói ra câu đó là những người tự xưng là bạn văn tri kỷ của chị. Nếu viết một bài viết chỉ để gây tranh cãi bằng cách lấy cái bánh chưng vô tội ra để làm đề tài nhân dịp Tết cổ truyền của người Việt, thì xem ra khá giống những chiêu trò vụng về đánh bóng tên tuổi, “đu fame” như các bạn trẻ ngày nay nói. Nếu tôi đi viết văn mà có những bạn văn kiểu đó chắc là tôi không dám.. nhận là bạn.
Một số bạn văn chương khác khẳng định rằng chị Phạm Thị Hoài nói đến cái bánh chưng chỉ là mượn cớ để nói đến thứ “văn cúng cụ” ở Việt Nam, giễu cợt thứ văn chương dở của nền văn học Việt Nam. “Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn. Đã thế lại là văn cúng cụ, nhất định phải đặt lên bàn thờ.”
Nhìn từ phương diện văn chương, khi nói đến thứ “văn cúng cụ” tôi hiểu là ý chị Phạm Thị Hoài nói đến thứ văn chương nhằm phục vụ, ca ngợi cho những vấn đề, nhân vật, thể chế… nào đó và vì thế theo chị là không có giá trị. Tuy nhiên như tôi đã nói, có lẽ vì học về văn thư lưu trữ (Archival Studies) nên chắc chị Hoài còn thiếu chút kiến thức về văn chương. Văn chương cúng cụ và những nhà văn, nhà thơ cung đình đã xuất hiện từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử văn học phương Đông và phương Tây. Lý Bạch cũng từng là nhà thơ cung đình. Cả ở phương Đông và phương Tây đã tồn tại dòng “văn học cung đình” (court literature). Có những thể văn chương mà ngày nay chúng ta có thể gọi là “văn cúng cụ” nhưng ngày trước chúng là những thể văn quan phương như chiếu, biểu, cáo, hịch, văn tế v.v… Hay “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ, Việt Nam cũng có thể gọi là văn cúng cụ. Đơn giản vì những thể văn ấy có những chức năng riêng, phù hợp với hoàn cảnh, thời đại của chúng. Ngày nay lý luận văn học dùng cái mỹ từ là các thể loại “cận văn học” để gọi chúng. Trong văn chương, có lẽ cần phải nhắc lại một nguyên tắc cơ bản này cho chị Phạm Thị Hoài rõ: Không có thể loại văn học nào là dở (kể cả văn cúng cụ) mà chỉ có tác giả viết dở, nội dung dở thôi ạ. Chị Phạm Thị Hoài xin đừng nhầm lẫn giữa thể loại và nội dung cũng như tác giả. Thế nên nếu có chê “văn cúng cụ”, rất mong chị Hoài hiểu rõ về tính chất của thứ văn chương này.
.
3. NÊN QUAN NIỆM CHUYỆN TRANH CÃI XUNG QUANH “CÁI BÁNH CHƯNG VĂN CHƯƠNG CÚNG CỤ” LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG
.
Việc chị Phạm Thị Hoài chê văn cúng cụ cũng là lẽ bình thường. Khi cùng bàn luận về một cuốn sách, luôn có những ý kiến khác nhau. Các con số là tuyệt đối nhưng đặt nó trong mối tương quan với con người thì sự cảm nhận lại không giống nhau. Có thể đối với một người, 1000 cuốn sách là rất nhiều, đối với người thứ 2, là vô cùng nhiều, nhưng đối với người thứ 3 là bình thường và đối với người thứ 4 thì là ít. Các con số đo đếm được đã là như vậy, huống chi là các cuốn sách hay tác phẩm văn học. Nếu trong đời sống xã hội, mọi hành động con người đều phải tuân thủ theo một số quy tắc nhất định, thì trong tư duy, trong cảm nghĩ, con người được tự do tuyệt đối. Nhưng thể hiện tư duy, cảm nghĩ ấy ra ngoài như thế nào thì lại do chính con người chọn lựa để cho phù hợp với xã hội đang sống và ngược lại, chính những tiêu chuẩn của xã hội đang sống cũng tác động đến sự lựa chọn đó.
Nhận xét về sách hay tác phẩm văn học cũng là một trong những hoạt động tư duy tự do tuyệt đối. Đọc một tác phẩm, chúng ta có thể vừa suy nghĩ, vừa cảm nghĩ về nó. Mà con người luôn tồn tại như những cá thể độc lập trong tư duy (dù xã hội vẫn tồn tại không ít người nghĩ theo tư duy của người khác). Cùng một tác phẩm có thể có vô vàn ý kiến khen chê khác nhau, bởi lẽ các suy nghĩ của con người có thể rất khác nhau. Cho nên chúng ta có ý kiến khác nhau về một tác phẩm hay một dòng văn học cũng là lẽ thường tình.
Chúng ta đồng ý là có những giá trị văn học và có những cuốn sách được liệt vào hàng cổ điển và luôn được xưng tụng. Nhưng đó chỉ là sự đánh giá chính thức mang tính chất hàn lâm. Con người thì phần nhiều là con người của đời thường, mấy ai để tâm đến sự đánh giá ấy. Ở Việt Nam, “Truyện Kiều” là kiệt tác văn học của dân tộc, nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại, chắc chắn không nhiều bạn trẻ đọc “Truyện Kiều” bên ngoài chương trình học ở trong nhà trường. “Hồng lâu mộng” là một trong “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc, có hẳn ngành nghiên cứu “Hồng học”, có tập san chỉ chuyên bàn về “Hồng lâu mộng”, nhưng không phải người Trung Quốc nào cũng thích tác phẩm này.
Chính vì quan tâm đến sự đánh giá khác nhau của người đọc đối với tác phẩm văn học, nên trong nghiên cứu văn học, có một lĩnh vực gọi là lý thuyết tiếp nhận văn học. Tiếp nhận văn học sử dụng nhiều công cụ nghiên cứu của xã hội học và xét trên một phương diện nào đó, nó gần gũi với ngành nghiên cứu xã hội học văn học. Trong tiếp nhận văn học, có nhiều nội dung khác nhau, chẳng hạn như đề cập đến quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng như là cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa sáng tác và tiếp nhận văn học. Hoặc là xét đến mối quan hệ theo trình tự: tác giả – tác phẩm – người đọc với những khái niệm chuyên biệt như: người đọc, người tiếp nhận, người đọc hiện thực, người đọc lý tưởng, người đọc hư tưởng v.v… Tiếp nhận văn học cũng đề cập đến vai trò tích cực của người đọc, sự tương tác giữa người đọc và tác phẩm, các kiểu tiếp nhận tác phẩm, các cấp độ tiếp nhận, các điều kiện tiếp nhận, tiếp nhận văn học như là một quá trình…
Nói vắn tắt một cách dễ hiểu thì tác phẩm văn học được tác giả sáng tác không phải chỉ để dành riêng cho mình mà để dành cho một hoạt động đặc biệt, tức là hoạt động đọc của con người. Người đọc tiếp nhận tác phẩm văn học với những động lực và nhu cầu khác nhau. Phổ biến nhất là nhu cầu giải trí, sau đó là đến nhu cầu hiểu biết, nhu cầu phát hiện, đánh giá, nhận xét, bình luận. Do vậy, khi tiếp nhận văn học người đọc thường luôn ở thái độ chủ động, tích cực và có quyền lựa chọn tác phẩm này hay tác phẩm kia.
Tính chủ quan luôn là tiền đề cho mọi hoạt động đọc của con người. Người đọc tiếp nhận tác phẩm với những tâm trạng buồn vui khác nhau, có trình độ văn hóa khác nhau, xuất thân từ những nghề nghiệp khác nhau, có độ tuổi và giới tính khác nhau, có thái độ khác nhau và ở sống những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Kết quả là có bao nhiêu người đọc một tác phẩm, thì sẽ bấy nhiêu cách tiếp nhận. Người khen, kẻ chê, người thì hứng thú với chi tiết này, người thì khó chịu với chi tiết kia. Có những cách tiếp nhận sâu sắc, cũng có những cách tiếp nhận hời hợt, nhưng nói chung, mọi người đều có quyền xây dựng những cách hiểu riêng của mình về tác phẩm. Và rất nhiều khi, các cách hiểu riêng ấy lại trùng hợp với nhau. Khi ấy tác phẩm văn học thường được số đông đồng ý cho là hay (hoặc dở). Mặt khác, khi đến với một tác phẩm văn học, người đọc thường có sẵn một “tầm đón nhận”, tức là những thị hiếu có sẵn trước khi đọc một tác phẩm nào đó, phụ thuộc vào sự hiểu biết, tri thức cá nhân, tình cảm, quan niệm, lứa tuổi, giới tính… Do vậy sẽ xảy ra hiện tượng là thấy cuốn sách này hay vì phù hợp với tầm đón nhận của mình, hoặc thấy không hay, thấy lúng túng vì xa lạ với tầm đón nhận sẵn có. Nhưng tầm đón nhận cũng sẽ thường xuyên thay đổi thông qua việc đọc tác phẩm văn học, cho nên ở những thời điểm khác nhau, người đọc có thể có những đánh giá khác nhau về cùng một tác phẩm.
Nhìn từ góc độ của lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc (Reader response theory) chúng ta sẽ hiểu thêm về sự phân hóa, tranh cãi xung quanh bài viết của chị Phạm Thị Hoài. Đây là một khuynh hướng cùng với lý thuyết tiếp nhận (Reception theory) phổ biến ở Âu Mỹ từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Nếu ở châu Âu, tiêu biểu là ở Đức, lý thuyết tiếp nhận được biết đến với cái tên “Rezeptionsästhetik” (Mỹ học tiếp nhận) của trường phái Konstanz với hai nhân vật đại biểu là Hans Robert Jauss (1921 – 1997) và Wolfgang Iser (1926 – 2007) thì ở Mỹ, lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc (Reader response theory) thường được biết đến nhờ tên tuổi của Stanley Fish, Louise Rosenblatt, Jonathan Culler.
Lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc đúng như tên gọi, “response” trong tiếng Anh là sự phản hồi, hưởng ứng, hồi đáp… “Reader response theory” là lý thuyết nghiên cứu về những sự phản hồi của người đọc khi đọc các tác phẩm văn chương. Từ trước đến giờ, các lý thuyết nghiên cứu văn học truyền thống chú trọng vào nghiên cứu tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh lịch sử khiến tác phẩm ra đời, nghiên cứu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học, nghiên cứu các khuynh hướng, trường phái văn học… Nhưng từ thập niên 70 của thế kỷ XX, người đọc tác phẩm trở thành một yếu tố nghiên cứu quan trọng.
Charles R. Cooper cho rằng bản thân lý thuyết này với từ khóa “response to literature” (phản hồi văn học” đã thể hiện được các giá trị sau: Thứ nhất, phản ánh được đầy đủ quá trình đọc, tìm tòi, giải mã, hiểu biết, giải thích văn bản… Không những thế còn phản ánh được đầy đủ những cảm xúc, suy tư, định kiến của cá nhân cũng như thị hiếu, sở thích, cá tính, vốn văn hóa, cách nhìn nhận về văn chương. Thứ hai, nhấn mạnh được vai trò quan trọng của người đọc, bởi vì một tác phẩm không có người đọc, không công bố ra công chúng là một tác phẩm chết. Thứ ba, mở rộng sự đánh giá, liên tưởng, tầm nhìn của người đọc không chỉ trong khi đọc tác phẩm mà còn là sau khi đọc. Thứ tư, phù hợp với truyền thống nghiên cứu văn học và dạy học văn học ở Mỹ và các nước phương Tây. (Charles R. Cooper, 1989, “Researching response to literature and the teaching of literature: Points of departure”, Ablex Publishing Corporation, New Jersey).
Lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc khẳng định việc đọc là một lĩnh vực của nghiên cứu văn học và tập trung nghiên cứu các vấn đề sau: Những gì xảy ra khi độc giả đọc tác phẩm văn chương, vai trò của người đọc đối với văn bản, vai trò của văn bản đối với người đọc, người đọc tiếp nhận tác phẩm văn chương chủ động hay thụ động, tại sao mỗi người đọc lại phản hồi về tác phẩm văn học theo những cách riêng?…
Lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc cho rằng văn bản văn chương là một văn bản chưa hoàn chỉnh và chỉ được hoàn tất bởi sự đọc. Wolfgang Iser khẳng định: “Chỉ khi được độc giả đọc, văn bản văn học mới sinh ra hiệu ứng ý nghĩa, vì vậy miêu tả những phản hồi của người đọc cần được tiến hành đồng thời với việc nghiên cứu quá trình đọc. Từ đó hành động đọc trở thành tiêu điểm của việc nghiên cứu, bởi vì nó dẫn đến một loạt những hoạt động vừa phụ thuộc vào văn bản tác phẩm vừa dựa vào sự phát huy những năng lực của người đọc. Hiệu quả (effect) và phản hồi (response) không phải là đặc tính của văn bản, cũng không phải là đặc tính của độc giả; mà văn bản hàm chứa những hiệu quả tiềm ẩn trong nó và hành động đọc sẽ khiến cho hiệu quả tiềm ẩn ấy được thực hiện” (Wolfgang Iser, 1978. “The Act of Reading: A Theory of Aesthetic Response”, The Johns Hopkins University Press). Mặt khác, văn bản văn chương có tính mở, tính bất định và tạo điều kiện cho vô vàn cách đọc hiểu về nó. Từ đó có thể thấy ý nghĩa của văn chương không chỉ dừng lại ở văn bản, mà còn ở các ý nghĩa mà người đọc gán cho văn bản đó. Do vậy, người đọc có thể đóng vai trò đồng sáng tạo ý nghĩa với tác giả của tác phẩm và sự tiếp nhận này phụ thuộc rất nhiều vào những vấn đề cá nhân của người đọc.
Viện phản hồi khác nhau của người đọc được Louise Rosenblatt nhấn mạnh: “Bằng các phương tiện ngôn ngữ, văn bản tác phẩm đem đến cho ý thức của người đọc những ý tưởng, ý niệm, những trải nghiệm đã qua, những hình ảnh về nơi chốn, con người, hoạt động, hay khung cảnh nào đó. Những ý nghĩa riêng biệt này, đặc biệt là những liên tưởng đã bị che mờ từ trong quá khứ mà từ ngữ và hình ảnh của tác phẩm gợi lên cho người đọc sẽ khiến cho người đọc khẳng định những điều tác phẩm muốn truyền đạt, nhắn gửi. Khi đọc tác phẩm, người đọc mang đến cho tác phẩm những đặc điểm cá nhân mình như tính cách, cá tính, những kí ức về quá khứ, những nhu cầu và suy tư về hiện tại, ngoài ra còn là những khoảnh khắc tâm trạng cụ thể nào đó khi đọc. Những yếu tố này và nhiều yếu tố khác nữa sẽ tạo ra sự phản hồi độc đáo của người đọc góp phần vào việc tạo ra ý nghĩa cho văn bản, mà không bao giờ lặp lại ở người khác” (Dẫn theo Richard Beach, 1993, “A teacher’s introduction to reader-response theories”, National Council of Teachers of English, Urbana, Illinois.) Nếu đối chiếu quan niệm này với những gì chị Phạm Thị Hoài viết về cái bánh chưng, về vua Hùng, về truyền thống của dân tộc Việt, chúng ta sẽ hiểu vì sao bài viết của chị gây tranh cãi kịch liệt ở những độc giả khác nhau, bởi vì trong đặc điểm cá nhân của mỗi độc giả đã có một “chân trời tiếp nhận” của riêng mình. Nói nôm na thì ẩm thực cũng vậy. Có người cả đời do hoàn cảnh chỉ được ăn những món ăn Việt đơn giản, dở tệ nên dĩ nhiên sẽ thấy ẩm thực Việt thật khủng khiếp, và có người thì ngược lại.
Sau khi nói đến những lý thuyết dễ làm đau đầu các độc giả, tôi trở lại với chuyện chị Phạm Thị Hoài lôi vua Hùng và cái bánh chưng Lang Liêu để nói đến văn chương. Nói lý thuyết thì dài, nhưng tôi lại túm cái váy ngắn lại lần hai là: Do trình độ, nhận thức của chị Phạm Thị Hoài nên chị ấy ghét cay ghét đắng thứ văn chương cúng cụ và cũng do trình độ, nhận thức, sự yêu ghét rất khác nhau của độc giả đối với văn chương của chị Phạm Thị Hoài, cho nên bài viết của chị đã gây ra những tranh cãi dữ dội trong những ngày đầu năm mới. Đây cũng là một chuyện bình thường của văn chương, huống chi bài viết lại mượn cớ cái bánh chưng truyền thống để nói, mà xưa nay ẩm thực cũng như văn chương là hai điều dễ gây tranh cãi hơn cả.
.
4. CẢM NGHĨ CỦA TÔI: LỐI VIẾT VĂN CHỬI NHƯ BÀ HÀNG XÓM MẤT GÀ “NHIỀU CHỮ MÀ ÍT NGHĨA” CHỨ KHÔNG RA CHẤT ĐẠI HỌC HUMBOLDT
.
Cũng có một số bạn hỏi tôi nghĩ gì về văn chương của chị Phạm Thị Hoài. Như đã nói ở trên, sau khi lôi hai lý thuyết tiếp nhận văn học và lý thuyết phê bình phản hồi của người đọc ra làm cái khiên để che chắn cho chính tôi, tôi mạnh dạn lên tiếng nhận xét:
Từ khi còn nhỏ tôi đã đọc những tác phẩm khiến cho chị Phạm Thị Hoài nổi tiếng như “Thiên sứ”, “Mari Sến”, “Mê lộ”, “Man Nương”, một số tác phẩm chị dịch của các nhà văn Đức, cũng như đọc trang Talawas đình đám một thời và cái blog Pro & Contra hiện nay của chị. Tôi nghĩ thế này:
.
4.1. Chị Phạm Thị Hoài xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm, chọn những vấn đề đúng lúc cần lên tiếng của một xã hội Việt Nam đang thay đổi, chuyển động. Chính vì thế những tác phẩm của chị được ca tụng, nhất là tầng lớp được gọi là trí thức ở Việt Nam và tầng lớp thị dân ca tụng khi mà những tác phẩm của chị đề cập đến những vấn đề trực diện của trí thức nói riêng và thị dân Việt Nam nói chung một thuở nào. Thêm một điều nữa là một lợi thế của chị, khi mà thời đó đề tài của chị ít ai viết, nên dễ trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn của độc giả một thời. Mặt khác, lối viết châm biếm ngồn ngộn chữ và choang choang khái niệm, trích dẫn đẩy lên cao độ dễ làm choáng ngợp những ai ít hiểu biết, thành ra chửi rủa, móc ngoéo, cũng là một thứ “đặc sản” văn chương thời đấy, tạo luồng gió mới sau nhiều năm thịnh hành dòng văn chương tụng ca khuôn mẫu, cứng nhắc.
.
4.2. Sau khi ra nước ngoài định cư, chị Phạm Thị Hoài nhanh nhạy chuyển sang làm báo văn chương với việc thành lập trang Talawas từ cái thời mà mạng Internet chưa dễ tiếp cận ở Việt Nam. Với việc thẳng thắn đề cập đến những vấn đề nhạy cảm không chỉ là trong phạm vi của văn chương, với cái nhìn Tổ quốc từ xa, nên việc chị Phạm Thị Hoài vẫn tiếp tục nổi tiếng, không bị lãng quên như một số nhà văn xa xứ khác cũng là điều dễ hiểu. Sau này chị Phạm Thị Hoài vẫn dùng blog Pro & Contra và Facebook để phát ngôn cũng là một hình thức duy trì sự tương tác với công chúng và giữ độ hot cho tên tuổi của mình bằng những bài viết gai góc mà như bài về cái bánh chưng vô tội là một ví dụ.
.
4.3. Nhưng, tôi lại phải thốt lên chữ “nhưng”. Ai cũng có một dĩ vãng và nếu dĩ vãng ấy thành công thì đương nhiên là rất tốt và người ta có quyền nhớ về nó cũng như chị Phạm Thị Hoài nhớ mãi về món phở chó. Song một số bạn bè văn chương, độc giả văn chương có vẻ vì quá yêu mến, tôn sùng chị Phạm Thị Hoài nên nghĩ về quá khứ văn chương của chị hơi nhiều và mang cho chị vầng hào quang sang đến hiện tại. Tôi không phủ nhận thời đó chị Phạm Thị Hoài đã gây được tiếng vang trong làng văn Việt. Song tôi nghĩ tất cả những gì chị viết bây giờ chỉ là dư âm nối dài của cái thời xưa. Trong bài viết nhan đề “Gốc” post lên gần đây nhất, chị viết: “Tôi vốn tin rằng theo bất kỳ một nghĩa nào người ta cũng không thể mất gốc.” Có lẽ vì vậy mà hơn ba mươi năm qua, ngôn ngữ văn chương của chị vẫn không đổi, đề tài của chị vẫn không đổi, dù chị không còn ở Việt Nam từ năm 2000. Vẫn cơ bản là những vấn đề của Việt Nam, vẫn là lối viết móc ngoéo, chửi rủa và phô trương kiến thức, dễ hù chết những ai yếu bóng vía! Tôi nôm na gọi đó là lối văn chương chửi như bà hàng xóm mất gà chứ không ra chất đại học Humboldt đậm triết lý như tinh thần Đức, dù chị đã ở Đức nhiều năm. Có lẽ vì thế nên chị đã phòng xa lo cho thân mà viết trong bài viết “Gốc” là: “Phần đông các nghệ sĩ không sáng tạo gì hết. Một số ít sáng tạo trong một giai đoạn ngắn. Một số vô cùng ít sáng tạo tương đối lâu dài. May ra đếm trên đầu ngón tay được những nghệ sĩ suốt đời sáng tạo trong lịch sử nhân loại.”
.
Tôi lại túm cái váy ngắn lại lần thứ ba để nói rằng: Dù đã viết phòng xa như thế nhưng có lẽ sự sáng tạo của chị Phạm Thị Hoài vẫn tiếp tục. Chị vẫn viết đều đều. Chỉ có điều sự sáng tạo của chị không còn là món lạ, món mới đối với tôi như khi tôi còn nhỏ vì chị vẫn viết bằng cái giọng hơn ba mươi năm nay không thay đổi. Có lẽ cái bánh chưng văn chương của chị không là món ngon đối với tôi. Và nếu được hỏi vì sao cái bánh chưng văn chương Phạm Thị Hoài tôi ăn không thấy ngon, tôi thẳng thắn trả lời là: Viết nhiều chữ quá mà ít nghĩa nên ngấy, thế thôi!
Hà Thanh Vân (facebook)

Cái bánh chưng và pháp phục Phật giáo

Thục Quyên

9-2-2022

Vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, sống ở ngoại quốc mà không có vài cái bánh chưng gói lá xanh vuông vức nằm trên bàn thờ tổ tiên, thì với người Việt hải ngoại chẳng có chút hơi hướm gì là Tết cả.

Tết Nhâm Dần vừa qua của chúng tôi, với hoa đào thì khó mua, trồng được cây mai thì yêu quý quá, không dám vặt lá tháng trước, nên chẳng có cái hoa nào. Phải cắm hoa Forsythia (Mai Đông Á) là một loại cây thuộc họ Ô liu (Oleacea). Mùa đông cắt những cành khẳng khiu đem vào nhà khoảng mười ngày thì hoa vàng nở rộ.

Mấy ngày nay trên “phây” (Facebook) thấy sóng gió kinh hoàng về cái bánh chưng. Dĩ nhiên cũng chỉ là một trong nhiều cơn bão trong chén trà, nhưng đó cũng là cách hiếm hoi để theo dõi những quan tâm và suy nghĩ của người Việt phần lớn là ngoài nước, sống xa nhau vạn dặm, chịu ảnh hưởng của những không gian sống khác nhau.

Đọc bài viết của nhà văn Phạm thị Hoài (1), cùng những lời phản biện khen, chê, tâng bốc hay chửi rủa tôi đều ngỡ ngàng, vì không hiểu tại sao chỉ có một món bánh mà hình ảnh cột chặt với cái Tết Nguyên Đán Việt Nam lại có thể bị tố khổ đến mức đó? Hay cũng chẳng nên ngạc nhiên vì chính cái Tết Nguyên Đán đã từng bị mổ xẻ, chê bai, và có người còn đòi bãi bỏ?

Có lẽ vì âm hưởng tuần lễ Tâm tang cho Thầy Nhất Hạnh nên tôi tự cắt nghĩa vụ “đánh võ bánh chưng” cho mình một cách “Phật giáo”, là không có gì có một cái ngã riêng biệt. Thầy Nhất Hạnh thường cắt nghĩa:

“Ta có thể thấy ta được làm bằng nhiều yếu tố, như nước chẳng hạn. Nếu lấy yếu tố nước ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại được. Ta được làm bằng yếu tố đất. Nếu lấy yếu tố đất ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Ta được làm bằng yếu tố không khí (gió). Ta cần không khí vô cùng, không có không khí ta cũng không thể sống được. Vì vậy, nếu lấy yếu tố gió ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Và trong ta cũng có yếu tố lửa, yếu tố làm nên sức nóng và ánh sáng. Ta biết rằng ta cũng được làm bằng ánh sáng. Không có ánh sáng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại trên trái đất này“…

Thành thử đọc những chưởng được tung ra trong trận “đấu võ bánh chưng”, tôi thấy cả trăm loại gọi là bánh chưng nhưng hoàn toàn khác nhau, vì mỗi người đã đem sự hiểu biết của họ nặn chung với những ký ức, cảm nhận và những kinh nghiệm bản thân thành cái bánh chưng của riêng mình.

Nói ngược lại thì trong mỗi cái “bánh chưng riêng” đó là một con người, và trong mỗi con người là cha mẹ, tổ tiên của mình.  Rồi chỉ vì cái danh xưng “bánh chưng” ai cũng dùng để gọi cái “bánh chưng riêng” của mình nên cuộc “đánh võ bánh chưng” hoàn toàn hỗn loạn, đưa cả tới xúc phạm, chửi rủa lẫn nhau.

Có người viết, tác giả Phạm Thị Hoài dùng cái bánh chưng để xúc phạm Tổ Hùng Vương, người khác thì nói đem truyền thuyết của cả một dân tộc ra để khích bác, mỉa mai v.v… Đến độ này lại càng khó nữa. Cái bánh chưng là một thực thể, sờ được, mó được, mà ý niệm về nó đã gây đấu đá, thì những gì mông lung như truyền thuyết, niềm tin, đụng vào, hẳn không thể tránh sẽ nổ như bom nguyên tử.

Cái bánh chưng làm tôi nhớ lại hai vật thể khác cũng đã gây một trận bão trong chén trà: đó là cái Y vàng và cái Mão Quan Âm của thầy Nhất Hạnh phải đội trong vòng nửa ngày khi về Việt Nam năm 2007 để cử hành “Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn” (Trai đàn bình đẳng chẩn tế giải oan). Chính các học trò mọi quốc tịch, xuất gia lẫn tại gia của Thầy Nhất Hạnh trước giờ chỉ biết thầy mình trong cái y dài nâu, đầu đội cái mũ len cũ rích, chân đi guốc mùa hè cho chí mùa đông, thêm cái nón lá Việt Nam khi nắng, đều lắc đầu chê y mão vàng “xấu” quá, không “giống“ Thầy.  Còn những người không thân thiện với Thầy thì ôi thôi, nháo lên chê trách, bôi bác.

Cái bánh chưng gói lá dong hay lá chuối xanh, buộc dây lạt hay ngày nay buộc giây nylon,  tưởng đơn giản và quen thuộc như thế, mà tùy sự hiểu biết của từng người, còn bị đánh giá đủ kiểu, thì nói chi đến pháp phục Phật giáo Việt Nam mà chính các vị tu sĩ Phật giáo trẻ ngày nay cũng chẳng rành. Mão Quan Âm ở Việt Nam thường được may bằng gấm và thường có màu vàng, đỏ hoặc nâu. Mão này được các vị Trưởng Lão tôn túc Miền Bắc cũng như Miền Trung đội, khi chứng minh Trai Đàn hoặc là đăng đàn truyền giới.

Nhưng cũng như mỗi cái “bánh chưng riêng” không chỉ có nếp, có đậu, có thịt mỡ, có lá dong, lá chuối xanh, mà còn có bàn tay nhọc nhằn của mẹ, bàn tay run run khô đét của bà, còn có ngọn lửa ấm của thanh củi cha đã gom nhặt, có mái tranh vách đất ông đã gầy dựng ấm cúng gia đình, thì cái y cái mão không chỉ là miếng gấm vàng mà Thầy Nhất Hạnh cả đời không ưa thích, mà còn là truyền thống Phật giáo Việt Nam, là sự kính trọng các vị tiền bối, là những câu chú đại bi Thượng tọa Lệ Trang niệm mỗi ba mũi kim khi ngồi may áo mão, là tình huynh đệ giữa các tôn túc với nhau.

Không khác cái “tiểu bão bánh chưng”, cơn “tiểu bão y mão” đã phản chiếu đủ mọi trình độ hiểu biết, cộng thêm vài mưu đồ ác ý: nào thì những vị tu sĩ Phật giáo chân chính như Đức Tăng Thống Quảng Độ chẳng bao giờ áo mão như vậy mà lúc nào cũng chỉ nâu sòng. Đó chẳng qua là nói bậy, vì đã không biết mà còn thiếu đứng đắn vì không chịu tìm hiểu.

Đức đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ. Nguồn: Chùa A Di Đà

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (người đi đầu bên phải) trong lễ Trai đàn bình đẳng chẩn tế giải oan ở VN năm 2007. Nguồn: BBC

Dù sao, mọi ý kiến đối chọi, bàn thảo, trái chiều, nếu giữ được phần nào lịch sự với nhau, đều có thể là điều tích cực, nếu được coi là dịp để kiểm lại mức hiểu biết của mình và học cách suy luận dựa trên dữ kiện vững chắc. Quan trọng là người Việt ở hải ngoại đừng xa rời cuộc sống thực tế của người dân trong nước, nếu nói rằng còn muốn góp phần xây dựng tự do, no ấm cho Việt Nam.

Tết qua, bao nhiêu người Việt có bánh chưng để ăn?

Làm thế nào để nhà cầm quyền chấp nhận rằng tự do, dân chủ là sức mạnh mềm để Việt Nam khỏi lệ thuộc Trung Quốc?

_______

(*) http://www.procontra.asia/?p=6439

Các vua Hùng đã có công

 

3.2.2022

Phạm Thị Hoài

Trong các món Tết, tôi ngại nhất bánh chưng. Ẩm thực và văn chương có nhiều tương đồng, bánh chưng là một thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa hẹn từ phần còn lại là bội thực. Lá gói lạt buộc hì hục, nấu như kháng chiến trường kỳ, song công phu vất vả thế vẫn chưa hết. Cái kiệt tác của ẩm thực dân tộc ấy đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng, chưa kể động thái lại gạo khét tiếng, cộng thêm bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn và thực tế chắc chắn là chỉ sau một đũa xắn nó sẽ mất trắng tổng thể nghệ thuật và mỗi phút một hết cả xanh lẫn rền để cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên mâm cỗ. Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn. Đã thế lại là văn cúng cụ, nhất định phải đặt lên bàn thờ. Bao nhiêu nhân chi sơ tính bản hiếu, thiên văn, địa lý, hiền triết và biện chứng phương Đông, âm dương, ngũ hành, tâm linh, nhân sinh, văn minh lúa nước…, nhồi cả vào một món bánh, biểu tượng ẩm thực cổ truyền của người Việt.

Tôi vừa ghét biểu tượng vừa lãnh đạm với truyền thống, nhất là mấy thứ đã trở thành chứng chỉ bắt buộc để tốt nghiệp những chương trình ôn cố tri tân, xướng danh dân tộc. Dân tộc nào? Lang Lèo – sau này là Hùng Chiêu vương, ở ngôi 200 năm, như để nêu bật hàm lượng sự thật trong huyền sử – tức vua Hùng thứ bảy của chúng ta có một sở trường: nghe thần nhân mách bảo. Thần linh ban thơ dẫn lối, chính xác hơn hoa tiêu Google thời mới, cho ông đi Tam Đảo tìm tiên nữ về làm vợ. Trước đó ông đã thành công rực rỡ với một sự giúp đỡ siêu nhiên khác: Thần cũng báo mộng, bảo làm một cái bánh hình vuông tượng trưng cho đất, một cái bánh hình tròn tượng trưng cho trời. Thì ông làm. Cứ thế mà theo và thắng lớn. Khỏi cần phân tích, cân nhắc, phản biện. Không hỏi lại, dù chỉ một câu đơn giản: Trời tròn thì còn dễ hiểu, nhưng xin lỗi, đất vuông là thế nào? Đời sau cũng cứ thế mà ăn theo ào ào, trời tròn đất vuông. Các vua Hùng đã có công nói thế. Thời miệt mài theo đòi Thi vân Tử viết rồi dĩ nhiên lút cổ trong Dịch, một lúc nào đó tôi cũng gặp những dòng như “Tròn mà ở ngoài là Dương, vuông mà ở trong là Âm, tròn thì động mà là trời, vuông thì tĩnh mà là đất“, “Trời tròn mà xoay, bao bọc ngoài đất, đất vuông mà đứng im, bị nhốt trong trời” trong bản dịch của Ngô Tất Tố và được ông lưu ý rằng vuông tròn ở đây không phải cái hình kỷ hà, mà là cái tinh thần, cái đức tròn của Càn, cái đức vuông của Khôn. Hay cái đạo của đất trời, như lời Tăng Tử: “Thiên đạo viết viên, địa đạo viết phương, phương viết u nhi viên viết minh” (Đại đái lễ ký, Tăng Tử thiên viên). Thiên viên địa phương, trời tròn đất vuông, rõ ràng có một xuất xứ sâu, xa và trừu tượng hơn những hình hài cụ thể trong quan niệm dân gian Việt Nam. Song tranh đua xuất xứ là môn thể thao rất được người Việt ưa chuộng. Những vận động viên cừ khôi nhất của chúng ta không ngừng nâng cao thành tích bảo hộ chỉ dẫn địa lý Lạc Việt cho các sản phẩm bị phương Bắc chiếm đoạt, san định rồi công cụ hóa, từ Nghiêu Thuấn, Thương Chu đến Dịch lý, Tam tài, Âm dương, Nho giáo… Không nghi ngờ gì nữa, người Việt đã phát minh ra phương Đông.

Song vuông tròn thế nào thì chiếc bánh tét hình ống dài cũng không kém bản sắc dân tộc và rốt cuộc chẳng ai khen một miếng bánh ngon vì đậm đà hồn nước. Tôi không hề biết có thứ gia vị tên gọi như vậy trong nồi bánh chưng thuở nhỏ, nhưng đã bồn chồn khổ sở, quyết không đi ngủ vì lo nếp, đậu, thịt đang sôi lụp bụp kia chỉ là một giấc mơ, chúng là những cao lương mỹ vị quá phi thường để có thể cứ thế mà thành hiện thực. Vài chục năm sau, chúng là những bom tấn cholesterol mà tôi ngần ngại hơn thương nhớ. Tôi chỉ dành hoài niệm cho một bát phở chó. Ở một quán lá, ven thị xã Hải Dương đầu thập niên bảy mươi. Trong ba lần tôi gãy tay – vì nhảy dây, trèo cây và tập đi xe đạp của người lớn – trạm xá huyện đầu hàng lần cuối. Cha tôi nẹp cẳng tay hình chữ U của con gái bằng lá chuối và hai chiếc đũa cả, lót ba-ga xe đạp bằng khăn mặt và mo nang, đèo tôi lên bệnh viện tỉnh. Ba tiếng đồng hồ trên con đường lở loét gập ghềnh, mưa thì trơn, nắng thì bụi. Rồi ông dừng lại, đưa tôi vào một quán lá ven đường. Ông ngồi nuốt nước bọt, hút thuốc vấn, nhìn con ăn. Sự kỳ diệu của bát phở đầu tiên trong đời khiến tôi ước ao lại gãy tay vượt tuyến thêm lần nữa, lại ba tiếng đồng hồ ngồi sau lưng bố đến thiên đường. Những nhà hàng Michelin tôi đã đặt chân có thể để lại vài gợi ý, nhất là về các món khai vị, và cảm giác chủ đạo là vừa cắt phăng một góc thẻ nhà băng, nhưng thiên đường ẩm thực gồm toàn mì chính yểm trợ cho một nồi xương chó đã phôi pha đến phân tử protein cuối cùng trong cái quán ăn lùng bùng lốp xe thải trên mái đã vĩnh viễn neo vào ký ức, dù tôi thường tránh những bến cảng quá an toàn của kỷ niệm, vì những lần làm đau người khác lẽ ra ta nên đóng khung treo vào hồi ức, song phần mềm bộ nhớ của trí óc thường xóa hết, chỉ giữ chặt những lần người khác làm ta đau.

Từ lúc phở có chút danh ở năm châu, mỗi người Việt lập tức thành một vệ binh phở trong cuộc thánh chiến phở, rủa xả chỉ trích không thương tiếc những kẻ dám xúc phạm phở, xúc phạm văn hóa ẩm thực truyền thống, xúc phạm dân tộc, xúc phạm con người và đất nước Việt Nam, như thể các vua Hùng đã có công nấu phở. Người ta hay đi tìm tiêu chí phân biệt các dân tộc. Phương Bắc duy lý, phương Nam duy tình. Phương Tây cá nhân, phương Đông tập thể. Dân tộc thâm thúy và dân tộc hời hợt. Dân tộc èo ợt và dân tộc cương cường. Dân tộc thấp hèn và dân tộc thượng đẳng. Tôi chỉ nhìn ra tiêu chí quan trọng nhất: những dân tộc thường xuyên thấy mình bị xúc phạm và những dân tộc biết lúc nào đáng bị tổn thương. Bát phở cháo lòng ở Palawan với tôi không hề là một sỉ nhục. Trái lại, là một sự mở lòng tuyệt đẹp của người dân hòn đảo hồn hậu ấy trước thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam. Phở, hủ tiếu, mỳ, hay bất kỳ món gì mang tên cháo lòng sẽ gia nhập văn hóa ẩm thực Philippines và là niềm tự hào ở đó, như bản thân phở đã từng là Tàu, là Pháp, hay là cả hai trước khi là niềm tự hào của người Việt. Như cà phê sữa, bánh mỳ và tà áo dài, những gì nổi tiếng nhất gắn với lifestyle Việt ngày nay đều thành công khi kính nhi viễn chi các vua Hùng. Truyền thống giàu sức sống nhất của người Việt là hỗn dung, sáng tạo và hư cấu truyền thống.

Khác với phở, bánh chưng chưa bao giờ cần bảo hộ. Các dân tộc Đông Nam Á đều dùng lá để gói nếp, đậu, thịt và nhiều thứ khác rồi cũng chưng cũng luộc, không có nhu cầu xâm phạm và xúc phạm chiếc bánh Lang Lèo. Ở tiệm ăn Việt khắp năm châu nó không xuất hiện, như mặc định rằng mình khó chinh phục người ngoài. Bánh chưng là kỳ vọng của thời lo thiếu ăn đang nhường chỗ cho thời sợ thừa cân. Là hiện thân của một nền ẩm thực với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính, nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ, chưa bao giờ phát triển đến đỉnh cao để có thể decadent, sành điệu và đồi trụy, như nghệ thuật nấu ăn của Pháp và Trung Hoa, hai cường quốc ẩm thực đã đô hộ bếp Việt để cho nó những tiềm năng lý tưởng nếu nó biết tự giải phóng.

(Ảnh: Bánh chưng của tác giả)

Trong các món Tết, bánh chưng ít cơ hội tự giải phóng nhất. Người anh em song sinh của nó, bánh giầy, đã từ lâu được giải linh, bỏ gánh nặng biểu tượng trời tròn sau lưng mà vui sống kiếp nhẹ tênh món ăn vặt hàng ngày đầu ngõ. Tôi đã thử giải phóng bánh chưng bằng cách giải cấu trúc, giải huyền thoại, xếp đặt lại, gửi một lời ngưỡng mộ đến tâm hồn ẩm thực Ý-Nhật và cảm ơn công nghệ nấu sous vide. Không có gì kỳ bí. Văn chương và ẩm thực đều chỉ là thấu hiểu bản chất từng vật liệu và sử dụng chính xác. Tôi không cần một lần nữa phát minh ra phương Đông và không cần thỉnh ý các vua Hùng.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen