Seite auswählen

Nga muốn xâm lược Ukraine để tìm về ‚ánh hào quang của thời Xô Viết‘?

 

  • Lâm Bình Duy Nhiên
  • Hiện sống tại Lausanne, Thuỵ Sĩ

Các đội tình nguyện tổ chức viện trợ nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi vùng Donbas

ANADOLU AGENCY VIA GETTY IMAGES Các đội tình nguyện tổ chức viện trợ nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi vùng Donbas trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Nga công nhận các khu vực ly khai Luhansk và Donetsk của Ukraine là các quốc gia độc lập vào ngày 22/2

Tôi có một người bạn rất thân mang trong mình ba dòng máu: Triều Tiên, Nga và Algérie.

Ông ngoại của anh là người Nga, bị Stalin đày biệt xứ, lang bạt đến tận vùng Trung Á, gặp bà ngoại, người Triều Tiên. Họ có với nhau vài đứa con, trong đó có người sau này phải một lần nữa ly tán do chính sách lưu đày khắc nghiệt của Stalin.

Mẹ của bạn tôi, sau này quay về Moscow để học, đã phải lòng một chàng sinh viên người Algérie cao ráo, đẹp trai và học giỏi. Bạn tôi, đứa con duy nhất của mối tình đẹp ấy, được sinh ra dưới thời Liên bang Xô Viết.

Mang trong mình ba dòng máu, bạn tôi giống người Trung Á hơn là người Nga hay Ả Rập. Anh nói tiếng Nga, tiếng Ả Rập và tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Anh thông thạo văn hoá Nga và Ả Rập. Dẫu mẹ là người gốc Triều Tiên nhưng xứ sở này lại không để lại một chút vết tích hay khơi dậy một chút tò mò nơi bạn tôi.

Putin muốn ‘tìm về những ánh hào quang của thời Xô Viết’

Anh học rất giỏi. Chúng tôi biết nhau từ thời sinh viên, ở chung ký túc xá. Sau này, anh làm nghiên cứu về Toán, tôi làm lĩnh vực khác nhưng cứ giờ trưa, chúng tôi lại dùng cơm với nhau tại trường. Tôi vẫn thường ghé phòng làm việc của anh ta để cà phê và bàn tán chuyện đời.

Thời độc thân, có thời gian chúng tôi ở chung với nhau. Có nhiều đêm, tôi cứ hay chê bai chủ nghĩa cộng sản, rồi tôi chọc anh ta là thân cộng sản Nga, rằng anh thần tượng Nikita Khrushchev. Tôi cứ nói miết, đến độ anh ta nằm dưới đất phải ngồi dậy, bật đèn, trách tôi đùa giỡn trên nỗi khổ của anh.

Bạn tôi bảo, gia đình bị tan nát bởi cộng sản, bởi Stalin nên anh ta không ủng hộ chủ nghĩa này, nhưng theo anh thì chỉ có thời Xô Viết người dân mới được tôn trọng và… bình đẳng.

Đối với anh, thời bây giờ (những năm 2000), nước Nga trở nên rối loạn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi về thăm mẹ, anh không dám ra đường sau 21 giờ vì sợ bị bọn Tân Phát-xít tấn công. Sự bất an bao trùm các thành phố lớn, điều không hề xảy ra dưới thời Xô Viết. Anh ủng hộ Putin vì chỉ có ông ta mới trị được xã hội Nga hậu cộng sản và dằn mặt được bọn oligarchy tại đây.

Nga điều quân đến các khu vực do phiến quân trấn giữ

Trong cách lập luận của bạn tôi, những đêm đó, tôi đã mường tượng được giấc mơ về một nước Nga vĩ đại nơi anh. Một nước Nga như thời Liên Xô với những giá trị không tưởng nhưng lại được thế giới kính nể.

Anh có một mối tình với một cô bạn sinh viên người Đức gốc Ukraine. Hai người yêu nhau từ thuở sinh viên. Một mối tình đẹp và không kém phần lãng mạn.

Tuy nhiên, mối tình của họ lại chịu sự lạnh nhạt, thậm chí không được chấp nhận từ ba mẹ cô. Họ, nhân chứng của những vụ thảm sát kinh hoàng do Hồng quân Liên Xô gây ra đối với dân tộc Ukraine, khó lòng đồng ý khi con gái yêu thương một người Nga. Nhất là trong những cuộc gặp gỡ, ba của cô ấy và bạn tôi đã có những cuộc tranh luận gay gắt về lịch sử giữa hai quốc gia.

Tôi biết cá tính của bạn, một người theo chủ nghĩa dân tộc, sẽ không chịu “nhường nhịn” trước những cái nhìn khác với quan điểm của mình.

Sau cùng, mối tình của họ cũng tan vỡ. Có lần, anh buồn và tâm sự: “Ông nói đúng, trong chuyện yêu đương, tiếng nói của cha mẹ, đôi khi rất quan trọng!”

Anh cũng như Putin, chỉ muốn tìm về những ánh hào quang của thời Xô Viết, của Chiến tranh Lạnh. Ít ra, thế giới phải tôn trọng Liên Xô. Đó là mong mỏi của không ít người Nga, vốn còn quyến luyến và hoài niệm về một chế độ, dẫu tàn bạo nhưng mang lại vị thế cho họ.

Những người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga tham gia lễ tưởng niệm lần thứ 142 ngày sinh của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin trước Điện Kremlin ở Moscow

ANADOLU AGENCY VIA GETTY IMAGES Những người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga tham gia lễ tưởng niệm lần thứ 142 ngày sinh của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin trước Điện Kremlin ở Moscow

Có lần, anh bảo rằng phải chi ngày xưa Hồng quân không can thiệp để Châu Âu bị tàn sát bởi phát-xít Đức thì giờ không còn phải bận tâm bởi thái độ vô ơn của phương Tây nữa.

Đó cũng là luận điệu quen thuộc của những phần tử cực đoan, quốc gia chủ nghĩa tại nước Nga. Họ muốn “xét lại” lịch sử để giải cứu một nỗi đau tận cùng trong tiềm thức: vị thế nhạt nhoà của nước Nga ngày nay!

Họ muốn một nước Nga vĩ đại, dưới sự dẫn dắt của Lãnh chúa, Hoàng đế Putin. Chỉ có ông mới đem lại uy thế và danh vọng của một nước Nga, tưởng chừng đã bị đắm chìm trong lịch sử.

‘Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Nga’?

Sáng nay, chở vợ đi làm, tôi dừng xe, ngồi nhìn lên văn phòng làm việc của bạn tôi. Cũng đã hơn 15 năm trôi qua… Nơi đó, anh say mê thảo luận về Fyodor Dostoevsky, Leo Tolstoy hay về Aleksandr Solzhenitsyn. Chẳng có cái gì chúng tôi không đụng đến, từ chuyện nghiêm túc đến vớ vẩn. Có cái gì đó đã khiến bạn tôi, một người vui tính, tốt bụng, hoà nhã, một người làm toán xuất sắc, am hiểu văn chương, triết học, xã hội học, lại bỗng chốc trở nên một tay cực đoan, dân túy?

Câu trả lời, nếu đó không phải là cái tính dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi? Bằng mọi giá phải có uy quyền và thế lực. Bằng mọi giá phải tìm lại được cái quá khứ “hào hùng” trong lịch sử dẫu thừa biết rằng chính cái quá khứ ấy đẫm máu và tàn bạo vô cùng.

Sau này về Nga, anh vẫn hay gọi điện thoại cho tôi chỉ nói chuyện chính trị, mà phải là chuyện nước Nga. Có lần tôi hỏi vì sao anh lại điên cuồng bài phương Tây như thế? Anh im lặng, sau một chốc, anh trả lời: “Nhiên, anh sinh ra tại một quốc gia ‘không đáng kể’ (insignifiant), anh không thể nào hiểu được những gì người Nga chúng tôi cảm nhận đâu!”

Cũng đã hơn 6 năm chúng tôi không còn liên lạc với nhau. Anh giờ đang dạy tại một đại học tại Saint-Petersburg và có lẽ vẫn tin chắc chắn rằng những gì Putin đang làm là đúng và cần thiết trong quá trình gầy dựng lại một nước Nga vĩ đại, hùng vĩ, một Đế chế khiến thế giới, nhất là Mỹ và Phương Tây phải kính nể và tôn trọng.

Đôi khi, sự ích kỷ và tự tôn của con người sẽ khiến cho thế giới rơi vào những thảm kịch. Nước Nga ngày nay của Putin có lẽ đang rơi vào lối mòn lịch sử đáng trách ấy.

‘Ukraine khó lòng tránh khỏi sự xâm lược’?

Tối qua, khi xem Putin họp với Hội đồng Chính phủ, tôi cứ ngỡ đang xem một vị lãnh chúa đang ra lệnh cho các tướng lĩnh. Từ thái độ đến những phát biểu, tất cả cho thế giới thấy rằng, chính ông mới là ông chủ thật sự của nước Nga. Một ông chủ độc đoán và độc tài!

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk.

Đó là một nước Nga dân chủ? Ừ, “dân chủ kiểu Putin”. Cũng đối lập, cũng tranh cử nhưng bị khủng bố, đàn áp và tù tội. Sau cùng, chỉ có ông, độc quyền, làm Tổng thống với bao nhiệm kỳ? Đến cuối đời? Với sứ mệnh đem lại vị thế xứng đáng của nước Nga trên thế giới.

Xem ông miệt thị Ukraine, tôi nhớ đến bạn tôi. Họ có cùng tư tưởng. Cách đây hơn 10 năm, anh cũng đã từng cay nghiệt mắng Ukraine vô ơn, chư hầu của Mỹ. Tối qua, Putin bóng gió rằng Ukraine chỉ là một phần lịch sử của Nga, sớm muộn sẽ phải trở về với Đất Mẹ, trong tham vọng chính trị không bờ của ông. Tất cả những quốc gia vệ tinh thời Liên Xô, sớm muộn sẽ phải rơi vào tầm kiểm soát của Putin để phục vụ cho những nước cờ địa chính trị của người Nga.

Theo dõi những gì đang diễn ra, tôi tự hỏi vì sao một quốc gia hùng mạnh, mảnh đất của giao lưu văn hoá, nghệ thuật trong những thế kỷ trước lại không thể nào phát triển vượt bậc? Hết bị chủ nghĩa cộng sản kìm hãm sự tiến bộ nay lại đến một thể chế chính trị “độc tài dân chủ” đang kéo lùi cả một quốc gia về những trang sử đen tối của nhân loại. Trớ trêu thật. Cứ như thể sự phát triển và nhân bản vẫn luôn cố tình thờ ơ với những hậu duệ của Alexander Pushkin!

Khi chỉ biết dùng bạo lực của chiến tranh để giải quyết xung đột và tham vọng, nước Nga của bạn tôi đã cho thế giới văn minh thấy rõ bản chất hiếu chiến của một quốc gia độc tài, dưới sự lãnh đạo của một lãnh chúa, không hơn không kém.

Quân đội Nga có không ít người gốc Ukraine. Dân Ukraine cũng có nhiều người Nga lập nghiệp và từ 8 năm qua họ cũng đã quá mỏi mệt với những cuộc chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí, người Nga tại Ukraine còn cảm nhận được môi trường dân chủ tại đây vẫn tốt hơn những gì Putin mang lại cho nước Nga.

Chiến tranh là điều tồi tệ và ngu xuẩn nhất của con người. Liệu có một giải pháp nào mang lại hoà bình cho Ukraine? Với những gì đang diễn ra, nhất là khi Putin đang chơi trò “mèo vờn chuột” với Phương Tây, e rằng Ukraine khó lòng tránh khỏi sự xâm lược của Nga.

Một cuộc chiến tranh ngay tại cửa ngõ của châu Âu là điều khó tránh và suy cho cùng “phe nào thắng thì nhân dân đều bại” như lời của một nhà thơ Việt Nam!

Vì rõ rằng nếu Ukraine có bị xâm lược, phương Tây cũng sẽ không can thiệp. Chỉ có sự đáp trả về kinh tế và ngoại giao dành cho chính quyền của Putin.

Viết đến đây, tôi buồn bã, chợt thấy số phận của Ukraine, ôi sao có không ít điểm tương đồng với Việt Nam của tôi!

*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm cá nhân của tác giả. Bài đã được đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả, các tựa đề do Ban biên tập đặt.

Bình luận

KHÔNG CHỈ CHUYỆN UKRAINE

Tự sự của một trí thức người Việt ở Thụy Sĩ về một người bạn Nga nhưng câu chuyện của anh không là riêng tư, hãy suy ngẫm điều anh nói:
“Những duyên nợ giữa người Nga và người Ukraine chưa bao giờ được giải tỏa một cách thỏa đáng. Vết thương lịch sử đối với người Ukraine chưa bao giờ được hàn gắn trong khi giấc mơ bá quyền của người Nga dưới thời Putin lại càng rõ ràng đối với những quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô Viết.
Với thời gian, bạn tôi trở nên cực đoan và dân túy hơn. Cái gì cũng Nga và Putin. Mọi xấu xa đều do Phương Tây và Mỹ. Tôi hiểu, vết thương nội tâm nơi bạn tôi, khi mà Nga không còn vị thế nào nữa trên thế giới, đã khiến bạn tôi thay đổi, theo chiều hướng tiêu cực và nguy hiểm.
Anh cũng như Putin, chỉ muốn tìm về những ánh hào quang của thời Xô-viết, của Chiến tranh Lạnh. Ít ra, thế giới phải tôn nể Liên Xô. Đó là mong mỏi của không ít người Nga, vốn còn quyến luyến và hoài niệm về một chế độ, dẫu tàn bạo nhưng mang lại vị thế cho họ.”
Không chỉ người Nga, nhiều người Việt vẫn hoài niệm vị thế “thế giới phải tôn nể thời Liên Xô”, thời mà Việt Nam có thể co ro dưới bóng. Kể cả những người lớn tuổi dường như cũng đã quên người dân Việt Nam đã phải khốn khổ khốn nạn thế nào khi phải áp dụng mô hình Xô Viết cả kinh tế và chính trị.
Lãnh đạo Việt Nam từng ở trong hoàn cảnh, định làm gì cũng sợ Liên Xô, trước mỗi Đại hội đều phải bay qua xin… phê chuẩn. Gorbachev có thể thất bại nếu xét về sự nghiệp cá nhân (khi để mất quyền lực) nhưng nếu không có Gorbachev Việt Nam liệu có dám đổi mới. Cựu phó Thủ tướng Trần Phương, một trong những “bộ óc của Lê Duẩn” từng nói, “Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ đầu óc của chúng tớ vẫn bị cầm tù trong chủ nghĩa giáo điều Marx – Lenin”.
Thử tưởng tượng liệu chúng ta có đủ cơm ăn, áo mặc hay không nếu Liên Xô không sụp đổ.
Cùng là thân phận nhược tiểu, chúng ta phản đối bá quyền hay hả hê khi một kẻ cũng nhược tiểu như mình bị bá quyền làm nhục?
Bài dài nhưng rất đáng đọc.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen