Seite auswählen

Từ phải qua: ông Chu Mạnh Sơn, bà Nguyễn Thị Luyến và ông Nguyễn Văn Thêm khi mới bị bắt Facebook Mary Phuong

Hai người Việt Nam đang tị nạn chính trị tại Thái Lan là cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn và ông Nguyễn Văn Thêm vừa được luật sư riêng bảo lãnh ra khỏi Trung tâm Giam giữ Người Nhập cư Trái phép IDC ở thủ đô Bangkok vào tối ngày 12/4/2022.

Trước đó, ông Sơn cùng gia đình ông Nguyễn Văn Thêm, bà Nguyễn Thị Luyến cùng hai con đến đồn cảnh sát để xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp như một bước cuối cùng trước khi đi định cư Canada theo diện bảo lãnh tư nhân do tổ chức VOICE bảo trợ.

Cả năm người bị cảnh sát di trú bắt giữ trong ngày 8/4 do không có giấy tờ hợp lệ và phải ra tòa với tội danh cư trú bất hợp pháp, bị phạt tiền và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.

Ông Chu Mạnh Sơn kể lại với chúng tôi vào chiều 13/4 như sau:

“Sau những nỗ lực mà luật sư riêng phải phối hợp với UN (Liên hiệp quốc), rồi bên cảnh sát IDC cũng như bên di trú yêu cầu chúng tôi cung cấp giấy tờ xác nhận chúng tôi là người tị nạn, đóng tiền thế chân.

Cũng như lúc đó là tôi cũng như gia đình anh Nguyễn Văn Thêm, chị Nguyễn Thị Luyến bị đem ra tòa và đối diện với nguy cơ, khi thẩm phán nói là phạt tiền và trục xuất khỏi Thái Lan nên chúng tôi rất lo lắng.

Rất là may sau những ngày luật sư nỗ lực làm việc và bên UN hỗ trợ rất nhiệt tình thì mãi chiều tối ngày hôm qua thì bên IDC chấp nhận cho chúng tôi được luật sư bảo lãnh để chúng tôi ra ngoài, và hàng tháng phải đến trình diện.”

Theo ông Sơn, điều kiện để được bảo lãnh là phải có Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc chứng nhận là người tị nạn và cơ quan này phải là bên trực tiếp quản lý người được bảo lãnh.

Ngoài ra còn phải nộp tiền thế chân, phí kiểm tra COVID-19, tiền phạt do cư trú bất hợp pháp… tổng cộng là gần 2.000 đô la Mỹ/người.

Bà Nguyễn Thị Luyến và hai đứa con của mình, một bé 5 tháng tuổi và một em 17 tuổi vẫn đang ở Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép của Bangkok do đang bị dương tính với COVID-19.

Ông Chu Mạnh Sơn cho biết thêm, các luật sư sẽ làm việc tiếp tục để bảo lãnh những người còn lại ra khỏi trại giam của IDC nhằm tránh nguy cơ phải ngồi tù lâu hay bị trục xuất.

Thái Lan đến nay chưa ký công ước về người tị nạn của Liên Hiệp quốc tuy nhiên nhiều người tị nạn vẫn tìm đến đây để lánh nạn và xin quy chế để mong được đi tị nạn chính trị một nước thứ ba do có văn phòng của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc.

Blogger Trương Duy Nhất của RFA hồi tháng 1 năm 2019 bị bắt giữ chỉ một ngày sau khi nộp đơn xin quy chế tị nạn tại Bangkok, không lâu sau đó ông xuất hiện tại nhà tù Việt Nam, mà người ta nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của lực lượng an ninh Hà Nộ

RFA (13.04.20229

 

Tỵ nạn chính trị khi phải hồi hương sẽ đối mặt tội trốn đi nước ngoài?

Nếu công dân đó trốn đi nhằm để chống chính quyền thì khi phải hồi hương, rất có thể phải chịu án tù cao nhất đến mức 20 năm.

Tin tức cập nhật từ truyền thông nước ngoài phiên bản Việt ngữ như VOA, RFA, đưa tin “Nhà tranh đấu Chu Mạnh Sơn đối mặt lệnh trục xuất của Thái Lan, án tù ở Việt Nam” (tham khảo: https://youtu.be/bJgWiwH-bd4https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vietnam-political-prioner-was-arrestted-by-thailand-police-n-faced-the-risk-of-deportation-04112022035457.html).

Bản tin trên RFA viết, Thái Lan là nơi nhiều người Việt Nam chọn tới xin tỵ nạn để tránh sự đàn áp ở quê nhà vì các lý do như tôn giáo và chính trị, tuy nhiên nước này chưa ký Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn.

Những người này thường không có giấy tờ hợp pháp, phải đối diện với việc bị bắt bởi cảnh sát di trú vì bị coi là người cư trú bất hợp pháp.

Ông Chu Mạnh Sơn cho biết, sau khi bị bắt một ngày thì cảnh sát Thái Lan đã đưa họ ra tòa với kết quả những người này bị buộc tội cư trú bất hợp pháp và nhận bản án trục xuất.

“Vợ chồng ông Sơn đi lánh nạn từ Việt Nam sau khi ông bị công an Việt Nam bắt tạm giam hồi đầu tháng 5/2016 với cáo buộc “kích động người dân biểu tình” liên quan đến vụ scandal nhà máy của hãng Formosa làm ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam.

Nói với VOA từ nơi bị tạm giam ở Bangkok, ông Sơn, 33 tuổi, cho hay ông đang làm thủ tục đi tị nạn chính trị ở Canada, và mới đây, theo yêu cầu từ Sở Di trú của nước này, trong vòng 30 ngày, ông phải nộp cho họ giấy chứng nhận tư pháp cho thấy ông không có tiền án, tiền sự ở Thái Lan.

Để có giấy này, hôm 8/4, ông Sơn cùng một gia đình người tị nạn khác gồm 4 người đến một đồn cảnh sát ở Bangkok làm thủ tục. Tuy nhiên, đồn cảnh sát đã báo cơ quan di trú của Thái Lan đến bắt cả 5 người, trong đó có ông Sơn.

Ông cho biết thêm: “Sáng 9/4, chúng tôi bị đưa ra tòa. Chúng tôi bị tòa phạt tiền. Cùng với đó, họ tuyên án là sẽ trục xuất chúng tôi sau khi về IDC” – bản tin trên VOA cho hay như vậy.

(Tham khảo Immigration Detention Center – Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép, https://www.globaldetentionproject.org/countries/asia-pacific/thailand/detention-centres/246/bangkok-immigration-detention-centre)

Điểm khó hiểu ở đây là vì sao những người chọn “tỵ nạn chính trị” bằng đường bộ đa phần chọn Thái Lan, rồi mượn đường để có thể sang nước thứ ba nào đó ở phương Tây, hoặc bên bờ Đại Tây Dương theo quy chế tỵ nạn chính trị của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR, United Nations High Commission for Refugee)?

Gọi là khó hiểu vì Thái Lan không ký Công ước 1951 về việc công nhận người tỵ nạn, cho nên họ không được ở lại Thái Lan, và phải tìm cách đi đến một nước thứ ba. Dù có được cấp quy chế tỵ nạn thì vẫn bị xem người cư trú bất hợp pháp.

Ghi nhận của VOA, thì theo ông Y Quynh Bdap, người Montagnard theo đạo Tin Lành ở Đắk Lăk và sang Thái Lan tỵ nạn từ năm 2018, cho hay hiện nay số lượng người Montagnard ở Thái Lan gần 800 người, trong đó có 600 người từ Việt Nam sang, còn là từ Campuchia. Đây là một số lượng số người tỵ nạn do chính quyền Việt Nam đàn áp về tôn giáo và chính trị.

Trở lại về trường hợp một người Việt đang đối mặt với lệnh trục xuất của Thái Lan như nêu ở phần đầu bài viết này.

Ở Thái Lan hiện chỉ có trại tỵ nạn cho dân Miến Điện, sát biên giới Miến Điện. Còn lại thì người đang xin tỵ nạn hoặc đã có quy chế tỵ nạn đều sống lẫn lộn với người dân Thái Lan ở các thành thị nên còn được gọi là là “tỵ nạn thành thị” (urban refugees). Họ sống bấp bênh và phải tự bươn chải.

Chỉ những ai đã được UNHCR công nhận tư cách tỵ nạn thì mới được gọi là “người tỵ nạn” (refugees). Những người đang xin nhưng chưa được công nhận tư cách tỵ nạn thì được gọi là “người xin tỵ nạn” (asylum seekers). Những ai đã hoàn toàn bị phủ nhận tư cách tỵ nạn, tức bị đóng hồ sơ, thì được gọi là “người không là tỵ nạn” (non-refugees).

Ngoại trừ trường hợp đã được UNHCR công nhận tự cách tỵ nạn, còn lại thì Thái Lan xem đó là di dân bất hợp pháp. Họ có thể bắt bất cứ lúc nào. Tuy ít khi xảy ra, chính phủ Thái Lan cũng đã trục xuất di dân bất hợp pháp này về nguyên quán.

Canada đứng thứ 2, sau Hoa Kỳ, về định cư người tỵ nạn ở Thái Lan. Canada có 2 chương trình định cư tỵ nạn: chính phủ bảo lãnh và tư nhân bảo lãnh. Trường hợp ông Chu Mạnh Sơn có thể thuộc chương trình định cư tỵ nạn do tư nhân bảo lãnh.

Câu hỏi đặt ra: giả dụ Thái Lan kiên quyết buộc ông Chu Mạnh Sơn phải hồi hương, vậy thì ông có đối mặt với đe dọa tù tội lúc trở lại Việt Nam?

Câu trả lời là có nếu như mục đích trốn đi nước ngoài của ông Sơn là nhằm chống chính quyền Việt Nam, nghĩa là mang yếu tố chính trị. Còn nếu đơn thuần vì sinh kế, và kể cả vì tự do tôn giáo bị giới hạn thì ông sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chánh vì vi phạm quy định xuất nhập cảnh.

Bộ luật hình sự, điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

  1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
  3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Một lưu ý, cho đến nay Việt Nam vẫn tiếp tục dừng lại ở trạng thái gọi là “đang xem xét khả năng gia nhập” về Công ước về Người mất tích cưỡng bức, Công ước về Quyền của Người lao động di cư và thành viên gia đình họ, Công ước về Quy chế của người tỵ nạn, Công ước về Người không có quốc tịch.

Hoài Nguyễn

VNTB (13.04.2022)

 

 

Quyền cư trú chính trị

Chọn quyền cư trú chính trị ở một quốc gia ngoài Việt Nam thì đó cũng là điều bình thường

“Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tỵ nạn và tìm sự dung thân ở các quốc gia khác…”.

“Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ nước nào, kể cả nước mình và quyền trở về xứ sở” – Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948.

“Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tỵ nạn và tìm sự dung thân ở các quốc gia khác. Quyền này không được kể đến trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc” – Điều 14 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948.

Như vậy với những người tù đang thụ lý với các mức án tuyên như theo điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Bộ luật hình sự, về nguyên tắc họ đều có thể chọn quyền tỵ nạn đến một quốc gia khác từ căn cứ pháp lý của Luật đặc xá.

Theo luật này, tại điều 4.3 thì nguyên tắc đặc xá là, “Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

“Điều 5. Thời điểm đặc xá

  1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
  2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này”.

Theo định nghĩa của Luật đặc xá, thì “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”.

Như vậy, với những người tù đang thụ án vì lý do bất đồng chính trị qua cáo buộc từ điều luật hình sự 117 như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn; hay vụ án của Hội Anh em dân chủ, theo điều luật hình sự 79 (Bộ luật hình sự 1999) về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, về nguyên tắc nếu những người tù này đồng ý chọn “quyền cư trú chính trị” thì rất có thể họ sẽ được nhà chức trách Việt Nam đáp ứng khi có quốc gia đồng ý đón nhận.

Trên truyền thông, báo chí nhà nước luôn một mực rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quyền con người là giá trị chung của nhân loại: “Quyền con người là thành quả cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại” (tham khảo Chỉ thị 12 – CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng ngày 12-7-1992).

Báo chí nhà nước cũng đưa ra lập luận rằng nội hàm quyền con người luôn được phát triển và bổ sung bằng những giá trị mới theo tiến trình phát triển của lịch sử loài người.

Theo đó, trong điều kiện hiện nay, quyền bao gồm cả quyền phát triển của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, quyền được sống trong môi trường lành mạnh, được sống trong hòa bình, an ninh. Đảng không tách rời việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam bằng Nhà nước và hệ thống pháp luật với việc đảm bảo những giá trị về quyền con người đã được pháp luật quốc tế quy định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”

(Tham khảo, Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 134).

Như vậy có thể nhìn nhận rằng giả dụ như mai này lại có nhiều tù nhân đang thụ án theo cáo buộc ở điều luật hình sự 117, 109 (tức điều luật 79, Bộ luật hình sự 1999) chọn quyền cư trú chính trị ở một quốc gia ngoài Việt Nam thì đó cũng là điều bình thường, bởi dẫu sao ngay cả lãnh tụ của Đảng cũng từng than vãn trong thi phẩm “Cảnh binh đảm trư đồng hành”, rằng: “Thế thượng thiên tân hoà vạn khổ,/ Mạc như thất khước tự do quyền” – tạm dịch: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng,/ Không gì cay đắng bằng mất quyền tự do” (Trích tập thơ Ngục trung Nhật ký, Hồ Chí Minh).

Thới Bình

VNTB   (13.04.2022)

 

 

Thành viên nhóm “chống luận điệu xuyên tạc” bị bắt theo Điều 331

Nguyễn Phúc Hưởng trong một lần nói chuyện trên Việt Vision  Viet Vision

Công an tỉnh Hậu Giang vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và tạm giam hai tháng đối với ông Nguyễn Phúc Hưởng (sinh năm 1984) với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.Theo mạng báo Hậu Giang online, bước đầu ông Hưởng thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình đó là sử dụng nhiều tài khoản Facebook để đăng tải các bài viết, hình ảnh xúc phạm đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cán bộ thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế và Công an tỉnh Bình Phước nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.

Chính quyền Việt Nam thường sử dụng Điều 331 để bắt những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh nhân quyền, tuy nhiên ông Nguyễn Phúc Hưởng được biết đến là một người có các bài nói chuyện trên mạng xã hội để phản biện những cái mà ông này cho là “luận điệu xuyên tạc, chống Đảng, chống Nhà nước”.

Ông Hưởng cũng thường xuyên tham gia cái gọi là “đấu tranh thực địa”. Hồi tháng 8/2017, trong vụ hàng chục người cầm súng, roi điện để tìm linh mục Nguyễn Duy Tân để “nói chuyện” thì ông Nguyễn Phúc Hưởng cũng là một người tham gia tích cực.

RFA (12.04.2022)

 

 

RSF kêu gọi CSVN trả tự do cho nhà báo chống tham nhũng

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho nhà báo Nguyễn Hoài Nam, một người sốt sắng chống tham nhũng tại Việt Nam.

“Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay tức khắc cho ông Nguyễn Hoài Nam và hủy bỏ bản án vì tội duy nhất của ông ta là nỗ lực phục vụ lợi ích chung khi báo động cho nhà cầm quyền về tham nhũng.” Ông Daniel Bastard, trưởng văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức bảo vệ ký giả quốc tế RSF phát biểu.

Cựu phóng viên Nguyễn Hoài Nam tại phiên tòa ngày 5 Tháng Tư, 2022. (Hình: VNExpress)

Ông Bastard nói rằng: “Số phận của ông Nam làm nổi bật đường lối của nhà cầm quyền CSVN cột chặt tay chân của giới làm truyền thông phục vụ chế độ. Họ bắt buộc phải viết theo đường lối thông tin tuyên truyền (một chiều) của đảng ra lệnh khi họ cố tạo sự chú ý về những trường hợp tham nhũng.”

Ông Nguyễn Hoài Nam, 49 tuổi, từng là phóng viên của nhiều tờ báo tại Việt Nam, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM. Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù tại phiên tòa ở Sài Gòn hôm 5 Tháng Tư vì cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”

Nguyên do chính ông bị bắt giam từ ngày 2 Tháng Tư, 2021, vì tố cáo đích danh tướng công an Trần Văn Vệ và một điều tra viên đã cố ý bỏ lọt và bao che tội phạm cho cục trưởng Cục Đường Thủy Nội Địa. Ông Nguyễn Hoài Nam đã viết nhiều bài và đưa ra các bằng chứng chứng minh tham nhũng tại Cục Đường Thủy Nội Địa.

Từ loạt bài viết đó, một số giới chức, gồm cả phó cục trưởng Cục Đường Thủy Nội địa đã bị kết án với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên cục trưởng cục này là ông Hoàng Hồng Giang lại được cho là “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm” trong khi nhà báo Nguyễn Hoài Nam vẫn viết các bài cáo buộc ngược lại.

Không những vậy, ông Nam còn tố cáo cả tướng Trần Văn Vệ, (quyền tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát) khi đó là người chỉ huy cuộc điều tra tham nhũng tại Cục Đường Thủy Nội Địa, cùng với điều tra viên thuộc cấp “bỏ lọt tội phạm” Hoàng Hồng Giang trong cuộc điều tra hồi năm 2018.

Tức giận vì cứ bị bám theo bêu xấu, tướng Vệ đã cho bắt Nguyễn Hoài Nam với cáo buộc viết các bài “có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự cá nhân, vi phạm Luật An Ninh Mạng, Nghị Định 72/2013 của Chính phủ.”

Ông Nguyễn Hoài Nam là một trong những nhà báo tin tưởng vào tuyên truyền của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, nhiều lần lập đi lập lại chủ trương “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tuy nhiên các nhà báo này bị bắt và bị kết án tù dài hạn.

Chỉ hai ngày trước khi kết án tù Nguyễn Hoài Nam, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy bị tòa án tỉnh Quảng Trị kết án “12 tháng cải tạo không giam giữ” với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của cá nhân.”

Ông Phan Bùi Bảo Thy, 51 tuổi, cựu ký giả báo Giáo Dục và Thời Đại, cũng bị kết án vì viết trên Facebook tố cáo tham nhũng liên quan đến Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa, Du Lịch và Thể Thao Nguyễn Văn Hùng, nguyên là bí thư tỉnh Quảng Trị, và ông Võ Văn Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Phan Bùi Bảo Thy may mắn chỉ bị án treo, khác xa những bản án tù giam của nhiều nhà báo khác như Trương Châu Hữu Danh, Mai Phan Lợi hay mới đây là Nguyễn Hoài Nam.

Ông Bastard dẫn lại bản xếp hạng tự do báo chí thế giới của RSF xếp Việt Nam hạng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia, cùng nhóm với các nước cộng sản độc tài, quân phiệt, tôn giáo cuồng tín như Trung Quốc, Cuba, Lào, Iran, Bắc Hàn.

Ba ngày trước đây, trang thông tin mạng của công an tỉnh Hậu Giang cho hay công an tỉnh này đã bắt giam Nguyễn Phúc Hưởng, 38 tuổi, cư dân ấp Thị Tứ, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Ông Hưởng bị cho là “từ Tháng Tám 2021 cho đến nay, Hưởng đã tạo các tài khoản Facebook “Nguyễn Phúc Hưởng”, “Trần Thế Tục” để đăng các bài viết, hình ảnh xúc phạm uy tín, danh dự của các tổ chức, cán bộ thuộc công an tỉnh Bình Phước và công an tỉnh Thừa Thiên Huế.”

Điều đáng nói, ông Hưởng lại được biết đến như một người có các bài nói chuyện trên mạng xã hội, chống lại những cái mà ông này gọi là “luận điệu xuyên tạc, chống đảng, chống nhà nước”.

Hồi Tháng Tám 2017, hàng chục người cầm súng, roi điện đi tìm linh mục Nguyễn Duy Tân ở Long Khánh để “nói chuyện” thì ông Nguyễn Phúc Hưởng cũng là một người tham gia tích cực.(TN) [kn]

Người Việt (12.04.2022)

 

 

RSF: Việt Nam xử án tù để ‘bịt miệng’ hai nhà báo chống tham nhũng

 

RSF bày tỏ quan ngại về bản án hình sự trong tuần qua đối với hai nhà báo Nguyễn Hoài Nam và Phan Bùi Bảo Thy.

Hôm 12/4, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) bày tỏ quan ngại về bản án hình sự trong tuần qua đối với hai nhà báo Nguyễn Hoài Nam và Phan Bùi Bảo Thy, cho rằng “đây là những bản án hình sự được thiết kế để bịt miệng các nhà báo đang phục vụ công ích”.

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam, 49 tuổi, cựu phóng viên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 5/4 bị kết án 3 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Theo cáo trạng, vào năm 2018, ông Nam viết loạt bài về nghi vấn “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhưng ông không đồng tình với kết quả điều tra của Bộ Giao thông Vận tải và của Bộ Công an nên đã đưa ý kiến phản bác của mình lên Facebook tố giác việc bao che, bỏ lọt tội phạm.

Trong các bài đăng trên Facebook cá nhân ông Nam cho biết mặc dù đã xác định được 15 người nhận hối lộ trong vụ này, nhưng công an chỉ bắt giữ ba nhân viên của Cục Đường thủy nội địa và không điều tra thêm các quan chức cấp cao liên quan đến vụ tham nhũng. Ông Nam bị bắt vào tháng 4/2021.

Trong thông cáo báo chí gửi cho VOA hôm 12/4, ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Nguyễn Hoài Nam và xóa án tích của ông vì tội duy nhất của ông là đã cố gắng phục vụ công ích bằng cách cảnh báo chính phủ đất nước về nạn tham nhũng”.

“Số phận của ông ấy làm nổi bật chiếc áo khoác bó buộc của các nhà báo nhà nước ở Việt Nam, những người bị buộc phải tuân theo đường lối chính thức do cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền áp đặt ngay cả khi họ cố gắng thu hút sự chú ý đến các vụ tham nhũng”, ông Bastard cho biết thêm.

Với cùng tội danh như ông Nam, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, 51 tuổi, từng công tác tại Báo Giáo dục và Thời đại, hôm 7/4 bị một tòa án ở Quảng Trị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì hành vi “bôi nhọ lãnh đạo trên mạng xã hội”.

Như RSF đã loan tin, ông Thy bị bắt vào tháng 2/2021 vì một số bài đăng trên Facebook tiết lộ các vụ án tham nhũng liên quan đến Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao, Nguyễn Văn Hùng, đồng thời là cựu Bí thư tỉnh Quảng Trị, và ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh.

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng hành vi của ông Thy và hai người khác trong nhóm của ông đã “gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự nên cần xét xử nghiêm theo pháp luật”.

VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về thông cáo của tổ chức RSF hôm 12/4, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong bản xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF, Việt Nam thuộc nhóm các nước có môi trường “rất tồi tệ” đối với tự do báo chí, bị xếp thứ 175/180. Cũng theo thống kê của RSF, hiện có 43 nhà báo đang bị giam cầm tại Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam nói RSF “xuyên tạc, bôi nhọ trắng trợn tình hình tự do báo chí ở Việt Nam” và luôn cho rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bỏ tù ở nước này.

VOA (12.04.2022)

 

 

Bộ Chính Trị hô hào mở rộng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước

Người dân đi qua tấm biển cố động cho Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 22/1/2021  AFP

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 6/4 ban hành Kết luận số 12 với  kêu gọi mở rộng từng bước phạm vi phòng/chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước cũng như gia tăng hợp tác quốc tế trong công tác này.

Kết Luận số 12 yêu cầu cụ thể hóa và thực thi Công ước Quốc tế về Chống tham nhũng theo đúng lộ trình và phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, cần bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí cho hoạt động đặc thù của các cơ quan phòng chống tham nhũng; tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng/chống tham nhũng ngay trong những cơ  quan này.

Kết luận số 12 thừa nhận tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi xây dựng điều được gọi là ‘văn hóa không tham nhũng, tiêu cực’ trong đảng viên, cán bộ.

RFA (12.04.2022)

 

 

 

Nhà tranh đấu Chu Mạnh Sơn đối mặt lệnh trục xuất của Thái Lan, án tù ở Việt Nam

Ông Chu Mạnh Sơn hồi năm 2011, khi bị bắt vì tranh đấu cho tự do, dân chủ.

Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn, một nhà tranh đấu phải chạy trốn từ Việt Nam sang Thái Lan hồi năm 2017, nay đối diện nguy cơ bị nhà chức trách nước sở tại trục xuất và có thể bị bỏ tù với mức án nặng ở Việt Nam.

Ông Sơn, từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù 30 tháng từ năm 2011-2014 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, nói với VOA qua điện thoại từ nơi giam giữ của nhà chức trách Thái Lan hôm 9/4 rằng ông bị họ bắt giữ về tội nhập cảnh bất hợp pháp.

Vào tối 11/4, giờ Bangkok, bà Lê Thị Phương, vợ ông Sơn, cho VOA biết ông vẫn đang bị tạm giam trong một trung tâm tạm giữ người nhập cư ở thủ đô của Thái Lan, gọi tắt là IDC.

Vợ chồng ông Sơn đi lánh nạn từ Việt Nam sau khi ông bị công an Việt Nam bắt tạm giam hồi đầu tháng 5/2016 với cáo buộc “kích động người dân biểu tình” liên quan đến vụ scandal nhà máy của hãng Formosa làm ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam.

Nói với VOA từ nơi bị tạm giam ở Bangkok, ông Sơn, 33 tuổi, cho hay ông đang làm thủ tục đi tị nạn chính trị ở Canada, và mới đây, theo yêu cầu từ Sở Di trú của nước này, trong vòng 30 ngày, ông phải nộp cho họ giấy chứng nhận tư pháp cho thấy ông không có tiền án, tiền sự ở Thái Lan.

Để có giấy này, hôm 8/4, ông Sơn cùng một gia đình người tị nạn khác gồm 4 người đến một đồn cảnh sát ở Bangkok làm thủ tục. Tuy nhiên, đồn cảnh sát đã báo cơ quan di trú của Thái Lan đến bắt cả 5 người, trong đó có ông Sơn.

Ông cho biết thêm: “Sáng 9/4, chúng tôi bị đưa ra tòa. Chúng tôi bị tòa phạt tiền. Cùng với đó, họ tuyên án là sẽ trục xuất chúng tôi sau khi về IDC”.

Theo lời ông Sơn, gia đình người tị nạn bị bắt cùng ông là ông Nguyễn Văn Thêm, bà Nguyễn Thị Luyến cùng 2 cháu nhỏ, đã chờ đợi để đi tị nạn trong 10 năm.

Vợ ông Sơn và hai con, gồm một cháu 4 tuổi và một cháu mới sinh cách đây ít ngày, không đi cùng ông nên không bị bắt.

Vẫn theo ông Sơn, cả hai gia đình đang phải đi tị nạn đều chưa hề phạm tội hình sự ở Thái Lan, nhưng ông cũng thừa nhận rằng về mặt giấy tờ, họ là những người sống bất hợp pháp ở Thái Lan.

Bà Phương, vợ ông Sơn, cho biết bà đã cung cấp thông tin cho các luật sư thuộc Trung tâm Người tị nạn Bangkok (BRC) sau khi ông bị bắt để nhờ họ giúp đỡ, nhưng đến nay chưa thấy BRC liên lạc lại.

Trong khi đó, ông Sơn nói với VOA rằng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cử người đến IDC hôm 11/4 để làm các thủ tục bảo lãnh và cũng vận động phía Canada. Mặc dù vậy, hiện tại ông vẫn rất lo lắng vì chưa rõ tương lai của ông và gia đình sẽ ra sao:

“Không biết là với lệnh trục xuất của tòa án thì khi nào chúng tôi sẽ bị trục xuất khỏi Thái Lan, không biết chúng tôi có nguy cơ bị đẩy về Việt Nam hay không. Bản thân tôi từng hoạt động chính trị, bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đang bị công an Việt Nam truy tìm. Vì vậy, nếu bị trục xuất về Việt Nam, tôi có nguy cơ đối diện với một án tù rất là cao”.

Nhà tranh đấu nói thêm rằng ông mong các cơ quan bảo vệ người tị nạn quốc tế giúp đỡ và đưa ông cũng như gia đình ông bà Thêm-Luyến ra khỏi trung tâm IDC của Thái Lan.

Thái Lan là nơi nhiều người tị nạn từ một số nước đổ về để xin Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cứu giúp.

Tuy nhiên, chính UNHCR đã khuyến cáo rằng Thái Lan không phải là một bên tham gia Công ước về Người tị nạn năm 1951, vì vậy, nếu những người xin tị nạn mà không có visa nhập cảnh hợp pháp, họ sẽ bị nhà chức trách nước sở tại xử lý với các hình thức bao gồm bắt giữ, truy tố, giam cầm, bất chấp việc họ được hưởng quy chế gì từ UNHCR.

Theo tìm hiểu của VOA, Thái Lan đã trục xuất nhiều trường hợp người Việt Nam phải đi tị nạn. Những người này khi trở về Việt Nam phải chịu các hình phạt từ phạt tiền cho tới bị bỏ tù về tội vượt biên trái phép, chưa kể đến những hình phạt khác cho các hoạt động chính trị trong quá khứ.

VOA (11.04.2022)

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen