Seite auswählen

Công an dẫn giải một tử tù đến phòng thi hành án  báo Công an SÀI GÒN

Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa công bố báo cáo về tình hình án tử hình trên toàn thế giới trong năm 2021, trong đó có Việt Nam. 

Điểm đáng chú ý là báo cáo cho rằng Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thuộc nhóm nước cao nhất trên thế giới.

Theo tổ chức này thì trong năm 2021, chính quyền Việt Nam đã ban hành ít nhất 119 án tử hình, đứng thứ bảy trên thế giới, tuy nhiên tổ chức nhân quyền hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người và bãi bỏ án tử hình cũng cho rằng con số thật có thể còn cao hơn. 

Ngoài ra, số lượng tử tù hiện đang chờ bị hành quyết cũng lên đến hơn 1.200 người. 

Chính quyền Việt Nam từ trước tới nay vẫn xếp hạng thông tin về án tử hình vào mục bí mật nhà nước. 

Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2019, một vị đại diện của Bộ Tư pháp lặp lại nguyên tắc này để biện minh cho việc Chính phủ Việt Nam không công bố số liệu về án tử hình. 

Tuy nhiên, con số này vẫn thi thoảng được tiết lộ gián tiếp thông qua các bài báo của báo chí Nhà nước, đây cũng là nguồn thông tin chính mà các tổ chức như Ân xá Quốc tế dựa vào để thống kê và theo dõi tình hình án tử hình ở Việt Nam.

Đơn cử, một bài báo được đăng trên trang Tiếng chuông của Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm hồi tháng 9 năm 2021, tiết lộ rằng số án tử hình đã tăng 30% so với năm trước đó, tuy nhiên con số cụ thể là bao nhiêu thì không được đề cập. 

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua ứng dụng nhắn tin, một luật sư nhân quyền cho biết về vấn đề thông tin án tử hình ở Việt Nam dưới kiều kiện giấu tên:

“Theo quy định của Nghị định 43/2020 Bộ Công An có trách nhiệm, báo cáo, thống kê Nhà nước về thi hành án tử hình. Tuy nhiên Nghị định này lại không quy định rõ thống kê này được thực hiện theo quý hay theo năm và trách nhiệm báo cáo của Bộ Công An là báo cáo với ai, báo cáo thế nào.

Các báo cáo này cũng không được quy định là phải thông báo công khai với công chúng.

Ở đây người tìm hiểu có thể ngầm hiểu rằng báo cáo này được cho là báo cáo mật.

Việc giữ bí mật đối với việc tuyên án/thi hành án tử hình ở VN có thể hiểu rằng Nhà nước Việt Nam không muốn bị các tổ chức nhân quyền báo cáo hoặc các nhà nước Châu Âu gây áp lực nhằm bãi bỏ án tử hình.”

Vị luật sư này cho biết thêm, việc giữ bí mật số liệu về án tử hình đơn thuần là để tránh áp lực từ bên ngoài, còn người dân Việt Nam thì theo ông là “không có tiếng nói để yêu cầu Nhà nước bãi bỏ hay giữ lại án tử hình.”

Bộ luật Hình sự của quốc gia độc đảng này hiện áp dụng hình phạt tử hình cho 18 tội danh trên tổng số 314 tội danh. Trong đó nhiều nhất là nhóm tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia”. 

Nhưng trên thực tế, tổ chức Ân xá Quốc tế thống kê thấy các tội danh liên quan đến mua bán chất ma túy chiếm hầu hết số án tử hình được ban hành ở Việt Nam trong năm qua, với 93 trên tổng số 119 án tử hình.  

Các án tử hình gây nhiều sự chú ý của dư luận trong năm 2021 phải kể đến hai án tử hình đối với các ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 

Hai người này bị buộc tội “giết người, chống người thi hành công vụ” trong cuộc bố ráp của hàng ngàn công an vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình – một nông dân giữ đất, và ba viên công an. 

RFA (27.05.2022)

 

 

15 tín đồ H’mong theo đạo Dương Văn Mình bị phạt hơn 38 năm tù

Xô xát giữa cơ quan chức năng và tín đồ, gia đình ông Dương Văn Mình ngày 12/12/2022. Photo do một tín đồ cung cấp cho VOA.

Giới hữu trách ở tỉnh Tuyên Quang vừa xử phạt 15 tín đồ H’mong theo đạo Dương Văn Mình với tổng cộng hơn 38 năm tù giam và 285 triệu đồng tiền phạt với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “vi phạm an toàn ở nơi đông người”, những cáo buộc mà gia đình bác bỏ.

Hôm 24/5, một tòa án ở huyện Hàm Yên tuyên phạt ông Dương Văn Tu 4 năm tù, ông Dương Văn Lành 3 năm 9 tháng tù, và ông Lý Xuân Anh 3 năm 6 tháng tù, ngoài ra mỗi ông bị phạt thêm 95 triệu đồng với cáo buộc theo Điều 295 Bộ Luật Hình sự “vi phạm an toàn ở nơi đông người” vì cho rằng những người này không đi khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 sau khi đưa ông Dương Văn Mình đến bệnh viện để cấp cứu và đưa thi thể ông Mình về nhà vào ngày 11/12/2021, theo gia đình của các bị cáo.

Trước đó, từ ngày 18-20/5, một nhóm 12 tín hữu khác mỗi người bị tuyên phạt từ 2 đến 4 năm tù với cáo buộc “chống người thi hàng công vụ” theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự khi họ ngăn cản không cho cơ quan chức năng xét nghiệm COVID-19 đối với thi thể ông Mình và phản đối việc đưa các nữ tín đồ tại tư gia của nhà sáng lập đạo đi xét nghiệm. Trong số 12 người này có ông Lý Văn Dũng, người công khai yêu cầu chính quyền ngưng bạo lực ngày 12/12/2021, bị tuyên phạt 4 năm tù giam.

Một thân nhân, yêu cầu không nêu tên vì lý do an toàn, nói với VOA rằng ngày xét xử không được niêm yết công khai và nhiều thân nhân không được thông báo lịch xử, và họ chỉ được dự thính từ loa phát thanh truyền ra sân sau của tòa án trong các phiên xử này, nhưng chất lượng âm thanh rất kém.

Các phiên tòa này diễn ra giữa lúc chính quyền Việt Nam bị tố cáo “đàn áp tôn giáo và sắc tộc thiểu số”. Các bị cáo này là tín đồ theo đạo Dương Văn Mình bị nhà nước xem là “tà đạo” hay cho là tôn giáo “bất hợp pháp” và cần bị “xóa bỏ” từ năm 1989.

Thân nhân này đồng thời là một tín đồ đạo Dương Văn Mình, nói với VOA:

“Án quá nặng. Xử như vậy là hoàn toàn không đúng. Phạt như vậy là quá oan”.

Được hỏi các bị cáo có luật sư bào chữa hay không, một thân nhân khác, cũng yêu cầu không nêu danh tính, nói:

“Có. Nhưng do chính quyền tự sắp xếp.

“Công an, Viện Kiểm sát, và Tòa án Nhân dân không cho phép những luật sư mà gia đình đã thuê vào tiếp xúc [bị cáo] vì họ [chính quyền] nói rằng bị cáo từ chối gặp luật sư mà gia đình đã thuê”.

Người này cho biết thêm:

“Họ lấy cái việc truy vết COVID-19, F0, F1… nhằm ngăn cản đám tang của ông Dương Văn Mình, với mục đích là đàn áp tôn giáo”.

Trước đó, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho VOA biết, ông được người nhà của một số bị cáo trong vụ án này thuê để tham gia bào chữa tại phiên tòa, nhưng phía chính quyền nói rằng các bị cáo không có nhu cầu gặp luật sư.

VOA đã liên lạc chính quyền huyện Hàm Yên và chính quyền tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu phản ứng của họ đối với cáo buộc từ phía gia đình, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Dương Văn Mình, nhà sáng lập đạo có hơn 10 ngàn tín đồ, đa phần là người H’mong từ năm 1989, qua đời ngày 11/12 sau căn bệnh ung thư. Khi thi thể của ông được đưa từ bệnh viện về nhà, chính quyền địa phương ở tỉnh Tuyên Quang ập đến nói rằng “để chia buồn cùng gia đình”, và sau đó cưỡng chế tất cả người nhà, hàng xóm và cả cái xác của ông phải làm xét nghiệm COVID-19.

Sau đó, theo các tín đồ, chính quyền đã tạm giam 46 người, trong đó có nhiều người bị đánh đập, và cuối cùng có 15 người bị khởi tố.

VOA (27.05.2022)

 

 

Khi ‘game show’ đã ‘over’

Tình tiết mới nhất ở vụ án “Thiền am bên bờ vũ trụ” cho thấy cơ quan điều tra cáo buộc việc lập chùa nhưng không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sẽ là vi phạm pháp luật. 

Nhà chức trách cáo buộc gì?

Theo cơ quan truyền thông của Bộ Công an thì trong vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”, hay còn có tên “Thiền am bên bờ vụ trụ”, các tình tiết được công bố sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự, như sau (trích):

Trước đây, bà Cao Thị Cúc thường trú tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 2014, bà bán đất đai, ruộng vườn rồi đến xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa mua lại nhà, đất rộng gần 2.000m2 rồi chuyển về sinh sống, sau đó sửa chữa làm điểm tu tại gia.

Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang (thường trú phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) chuyển về đây sinh sống, cả hai đã “biến” điểm tu tại gia này thành nơi gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” và đến tháng 1-2020, nhằm né tránh những ồn ào tự gây ra, ông Lê Tùng Vân đổi tên thành cái gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Mặc dù không xin phép cơ quan chức năng địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bà Cao Thị Cúc và ông Lê Tùng Vân mua sắm rất nhiều pho tượng phật mang về kê trên các kệ được thiết kế sẵn, cạo đầu trọc, mua quần áo, pháp phục nhà Phật về mặc và còn trang bị cho những người trong hộ gia đình này.

Đặc biệt, cả hai còn đạo diễn để trong những lần quay clip đưa lên mạng, ông Vân còn mặc áo hầu vàng (vốn chỉ có Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng mới được mặc) ngồi chễm chệ trên bệ cao rồi dàn dựng cho một số phụ nữ quỳ dưới sàn nhà thắp nhang lạy mình giống như đang lạy Phật. Ngoài ra, cả hai còn dựng clip ông Lê Tùng Vân làm lễ xuất gia cho hai cô gái là Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân.

Ngay sau khi xuất hiện một số clip trên mạng xã hội, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ đã lên tiếng rằng Lê Tùng Vân là người tu tại gia thì không thể làm lễ xuất gia cho người khác theo luật Phật.

Cụ thể, theo các video clip đăng trên YouTube và các trang mạng xã hội, khi làm lễ xuất gia cho Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân, ông Lê Tùng Vân tuyên bố không tuân thủ theo 5 điều đạo đức Phật dạy. Một người nào đó cho rằng mình là phật tử tu tại gia mà không theo giới luật của phật quy định thì không thể là phật tử?

Trong trường hợp này – theo Thượng tọa Thích Nhật Từ thì ông Lê Tùng Vân chưa bao giờ xuất gia, chưa bao giờ thọ giới Sa di hay Tỳ kheo mà công khai làm lễ xuất gia cho người khác là vi phạm nghiêm trọng các quy định giới luật nhà Phật. Với việc làm này, ông Vân đã lừa đảo tín đồ Phật giáo, gián tiếp dẫn dắt người xem tin rằng mình là Phật.

Để lôi kéo sự ủng hộ của những tín đồ nhà Phật đến ủng hộ tiền bạc, vật chất, bà Cúc và ông Vân cho dựng nhiều dãy nhà, đưa một số trẻ em vào ở, quay clip rồi tung hê trên mạng rằng đây là “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”.

Sau nhiều lần bị nhắc nhở về việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không đăng ký tạm trú, tạm vắng gây mất an ninh trật tự tại địa phương, UBND huyện Đức Hòa  đã giao công an huyện phối hợp với các phòng nghiệp vụ và các ban ngành chức năng địa phương vào cuộc, kết quả xác minh đã phơi bày sự thật: Đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa… (dừng trích)

Hình sự hóa một ‘game show’?

Trước hết hoạt động cải gia thành tự là một nhu cầu, thực tế đã diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức. Tất nhiên, họ không thể treo bảng, không thể nhận ra chùa, dù có khi ở đó có tăng ni thật sự tu hành.

Chùa “cải gia thành tự” được nói ở đây, là cơ sở thờ tự tư nhân được công cộng hóa từng bước, trở thành nơi phục vụ cho đông đảo Phật tử ngoài gia đình, khác với kiểu chùa gia đình, hay tông tộc, hoạt động khép kín, chỉ dành riêng cho sinh hoạt tín ngưỡng của gia đình, dòng họ, đóng cửa với người ngoài. Loại chùa tư gia này thường nghe nói đến nhiều ở Huế.

Trước năm 1975, hình thức cải gia thành tự này được Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ ở miền Nam khuyến khích, dù có thể trực thuộc giáo hội, có thể không, mà một số thường được gọi dưới tên “Niệm Phật đường”. Qua thời gian, đa số các Niệm Phật đường đã trở thành chùa.

Vấn đề tiếp theo từ cáo buộc của vị thượng tọa về các nghi thức tôn giáo.

Trong luận án “Tôn giáo nội sinh mang tính cứu thế vùng Nam Bộ” của nghiên cứu sinh Tôn Việt Thảo, chuyên ngành “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử” – Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có đoạn viết:

“Sự đa dạng, phong phú của điều kiện tự nhiên, sự giao lưu giữa các vùng miền chi phối ảnh hưởng đến vùng đất mới này tạo nên diện mạo văn hóa hết sức đặc sắc ở Nam Bộ – “đa dân tộc, đa tôn giáo”.

Các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ sớm hình thành và lan rộng như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo… Giáo lý qua các dòng tôn giáo nội sinh vùng Nam Bộ thực chất là sự kế thừa, vay mượn, dung hợp tư tưởng của Nho – Phật – Lão, trải qua quá trình tiếp biến lâu dài, hòa nhập với truyền thống văn hóa bản địa tạo nên diện mạo tôn giáo đặc sắc của địa phương. Trong đó, tính chất cứu thế là yếu tố có sức lôi cuốn mạnh mẽ các tín đồ qua từng thời kỳ”.

Ông Lê Tùng Vân, một người xuất thân từ một gia đình theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Lê Tùng Vân quê ở An Giang, cũng là nơi có nhiều truyền thống tín ngưỡng địa phương như Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Các tình tiết mà truyền thông của Bộ Công an mô tả: ông Vân mặc áo hầu vàng ngồi chễm chệ trên bệ cao rồi dàn dựng cho một số phụ nữ quỳ dưới sàn nhà thắp nhang lạy mình giống như đang lạy Phật. Ngoài ra, cả hai còn dựng clip ông Lê Tùng Vân làm lễ xuất gia cho hai cô gái là Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân…, cho thấy rất rõ đây không phải là các nghi thức tu hành của phái Bắc tông, Nam tông hay Mật tông của Phật giáo, mà rất có thể thuộc về tôn giáo nội sinh nào đó của miền Nam.

Vấn đề tiếp theo là cáo buộc việc “cho dựng nhiều dãy nhà, đưa một số trẻ em vào ở, quay clip rồi tung hê trên mạng rằng đây là “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”, qua đó trục lợi.

Nếu cáo buộc này được thành lập thì các bên liên quan cần phải được đưa vào vòng tố tụng, gồm có: ban tổ chức chương trình “Thách thức danh hài”, đơn vị truyền thông game show “Thách thức danh hài”, các nghệ sĩ trong game show này trên danh nghĩa cá nhân đã có những gặp gỡ và quay clip về đời sống tại mái ấm này.

Lợi nhuận thu về qua ‘rating’ của game show “Thách thức danh hài” dễ dàng được kiểm toán. Và nếu làm một so sánh của “hưởng lợi” từ nhà sản xuất game show đến việc cho là “trục lợi” của “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”, có thể nhận ra kịch bản toàn bộ vụ việc thuộc về ai.

Ngọc Lan

VNTB (27.05.2022)

 

 

Đại biểu Quốc hội: Chính quyền thực tế áp dụng “nguyên tắc suy đoán có tội” nhiều hơn

Hình minh hoạ: Những người tham gia biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu ra toà ở Bình Thuận hôm 23/7/2018.  AFP

Một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trên thực tế “nguyên tắc suy đoán có tội” lại được ngành tư pháp Việt Nam áp dụng nhiều hơn là “nguyên tắc suy đoán vô tội” – vốn đã được ghi trong Điều 31 của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh có phát biểu như vừa nêu trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng ngày 25/5, đồng thời cho rằng cần áp dụng một cách thống nhất nguyên tắc “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Bình luận thực trạng hiện nay, ông Hà Huy Sơn thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội- người tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị, nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do:

Nguyên tắc suy đoán vô tội của luật Việt Nam, trong pháp luật hình sự, quy định nội hàm không được rõ ràng lắm.

Cụ thể, trong giai đoạn điều tra thì hiểu nguyên tắc vô tội là người chưa bị kết án bởi một bản án có hiệu lực của pháp luật thì coi như là người chưa có tội.

Nhưng nhiều trường hợp khi khởi tố vụ án khởi tố bị can thì nhiều người bị bắt tạm giam, tức là họ mất quyền công dân rồi.

Người bị tạm giam thì không thể nói là người bình thường như người chưa có tội được.

Đó là vấn đề mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật và trong thực tế.

Pháp luật cần quy định rõ cái nội hàm của suy đoán vô tội trong các giai đoạn của tố tụng. Quy định trong pháp luật hiện nay (về nguyên tắc suy đoán vô tội- PV) rất chung chung.”

Bình luận với chúng tôi qua tin nhắn, luật sư Đặng Đình Mạnh từ thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định

Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã minh thị công nhận nguyên tắc này (suy đoán vô tội-PV). Đồng thời, qua quá trình tu chính bộ luật, ngày càng có nhiều quy định bảo đảm nguyên tắc này được bổ sung vào bộ luật, ví dụ như quyền được giữ quyền im lặng trong quá trình điều tra…

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rằng, giữa những quy định ngày càng tiệm cận với các tiêu chuẩn tiến bộ của luật pháp quốc tế với thực tiễn thực thi những quy định này vẫn còn khoảng cách nhất định.”

Theo ông, khoảng cách này thể hiện ở quy định rằng cơ quan công an điều tra ra quyết định tạm giam người bị khởi tố và chỉ cần phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Ông nói đây là một hạn chế so với luật tố tụng của nhiều quốc gia khác vì quyết định tạm giam một công dân nên là việc của toà án.

Luật sư Mạnh chỉ ra thực tế thủ tục xét xử ở phiên tòa hình sự hiện nay thì không chỉ công tố viên mà nhiều thẩm phán có cách xét hỏi như đang chứng minh tội phạm, trong khi các thẩm phán cần phải giữ vai trò trung lập và chỉ thể hiện quan điểm xét xử của mình thông qua bản án được tuyên.

Từng tham gia bào chữa cho một số nhà hoạt động nhân quyền cũng nói, luật sư Mạnh nói ông và đồng nghiệp đã từng chứng kiến tận mắt điều tra viên quát tháo người bị khởi tố, không công bố các quyền của họ theo quy định của pháp luật, hoặc điều tra viên tự ý ghi lời khai theo ý mình…

Luật sư Đặng Đình Mạnh đề nghị các nhà lập pháp tiếp tục sửa đổi các quy định về hình sự, trong khi các điều tra viên cần được tăng cường trang bị kiến thức đầy đủ về nội hàm của nguyên tắc này nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội được thực thi đúng đắn.

RFA (27.05.2022)

 

 

Bộ Chính trị vi hiến

Bộ Chính trị thản nhiên giành quyền ban bố “chức danh, chức vụ” không chỉ cho đảng viên mà còn cho tất cả các viên chức trong hệ thống dân cử, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, là vi hiến.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thường trực Ban Bí thư của đảng CSVN, vừa ban hành “Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thường trực Ban Bí thư của đảng CSVN, vừa ban hành “Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” (1).

Văn bản này cho thấy, Bộ Chính trị thản nhiên giành quyền ban bố “chức danh, chức vụ” không chỉ cho đảng viên mà còn cho tất cả các viên chức trong hệ thống dân cử, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, bất kể điều lệ đảng và hiến pháp thế nào!

***

Điều lệ đảng CSVN xác định: “Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (2). Tuy dùng Hiến pháp Việt Nam hiến định, rằng đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” nhưng để hóa giải những nghi ngại, chỉ trích về độc đoán, độc tài, tại Khoản 3 – Điều 4 của Hiến pháp, đảng CSVN đính kèm cam kết: “Các tổ chức của đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (3) khi… “phục vụ nhân dân”. Song chỉ cần đối chiếu “khuôn khồ của Hiến pháp” với “Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” sẽ thấy, với Bộ Chính trị của đảng CSVN, Hiến pháp chỉ là… tờ giấy!

Vì sao… “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16)… vì sao… “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2)… vì sao… “nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” (Điều 8)… mà Bộ Chính trị của đảng CSVN lại ban bố “danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”?

Trừ Tổng Bí thư, theo Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng là những “chức danh, chức vụ” do các đại biểu Quốc hội (về lý thuyết là những cá nhân do dân cử) bầu chọn và được dân chúng ủy quyền bỏ phiếu miễn nhiệm, bãi nhiệm. Bộ Chính trị của đảng CSVN lấy tư cách gì để xác định đó là những… “chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt” và giao cho đảng quản lý những cá nhân có “chức danh, chức vụ” này? Hành động vi hiến ấy nằm trong… “khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”?

Tương tự, Bộ Chính trị của đảng CSVN lấy tư cách gì để chỉ đạo rằng “Thường trực Ban Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư” của đảng CSVN phải có vị trí ngang hàng với: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (về lý thuyết là liên minh chính trị của các dân tộc, các tôn giáo, các tổ chức chính trị, xã hội, các tôn giáo, các cá nhân đại biểu cho các giai tầng trong xã hội Việt Nam và và người Việt định cư ở ngoại quốc..),. Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhà nước, Phó Thủ tướng và xếp những cá nhân này vào nhóm “lãnh đạo cấp cao” mà chỉ đảng CSVN mới có quyền quản lý? Trong “nhà nước pháp quyền XHCN”, Bộ Chính trị có quyền càn rỡ đến mức như thế?

Kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” là sự xem thường công khai nhiều yếu tố hiến định, biến những… “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” trong Hiến pháp trở thành vô nghĩa lý! Ngoài nhóm “lãnh đạo chủ chốt” và “lãnh đạo cấp cao” mà nhân dân không có quyền đụng tới, còn có những nhóm mà việc giám sát – quyết định sử dụng hay loại bỏ cá nhân nào đó không do Bộ Chính trị quyết định thì cũng do Ban Bí thư quyết định.

Trong “nhóm chức danh, chức vụ do Bộ Chính trị quản lý” có các Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan tương đương cấp bộ, Tổng Kiểm toán, Chủ tịch và Chủ tịch HĐND Hà Nội, TP.HCM,… Còn trong “nhóm chức danh, chức vụ do Ban Bí thư quản lý” có Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các Thứ trưởng, Phó Chánh án và các Thẩm phán Tòa án Tối cao, Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Tối cao, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Chủ tịch và Chủ tịch HĐND 61 tỉnh, thành phố còn lại…

Thực tế cho thấy, khi thực thi pháp luật, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, nếu đụng nhằm những cá nhân do đảng hay Bộ Chính trị, hoặc Ban Bí thư giành quyền quản lý thì phải chờ quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay Ban Chấp hành Trung ương đảng. Đã xác định “nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”, đã khẳng định sẽ bảo đảm “có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” nhưng công nhiên hành xử như vừa kể có khác gì bảo rằng, bày ra quốc hội, chính phủ, các ủy ban nhân dân, các hội đồng nhân dân,… là… hết sức lãng phí.

Trân Văn, VOA (27.05.2022)

 

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-quy-dinh-4-chuc-danh-lanh-dao-chu-chot-cua-dang-nha-nuoc-20220522181501768.htm

(2) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

 

 

Phạm Đoan Trang: Mẹ đến Geneva nhận giải thưởng nhân quyền thay con

NGUỒN HÌNH ẢNH,LUẬT KHOA TẠP CHÍ Chụp lại hình ảnh, Phái đoàn Việt Nam vận động cho bà Phạm Đoan Trang tại Geneva gồm bà Trần Quỳnh Vi, bà Bùi Thị Thiện Căn và ông Will Nguyễn

Bà Bùi Thị Thiện Căn, 81 tuổi, mẹ của bà Phạm Đoan Trang cùng nhà hoạt động Will Nguyễn và nhà đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí Trần Quỳnh Vi đã cùng đến Geneva, Thụy Sĩ để vận động cho bà Trang.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, bà Căn cho biết: “Tôi cực kỳ tự hào vì sự dũng cảm cũng như sự đóng góp của con gái tôi vào công cuộc dân chủ hóa đất nước.”

Hồi tháng 1/2022, Giải thưởng Martin Ennals 2022 dành cho những người bảo vệ nhân quyền được tặng cho bà Đoan Trang, Daouda Diallo ở Burkina Faso và Abdul-Hadi Al-Khawaja ở Bahrain.

Thông báo ngày 19/1 nói Phạm Đoan Trang là “một nhà báo, biên tập viên và là nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản hầu như không chừa không gian nào cho các tiếng nói đối lập phát triển”.

Lễ trao giải Martin Ennals sẽ diễn ra ngày 2/6 tới, bà Bùi Thị Thiện Căn, sẽ thay mặt con gái mình là nhà báo Đoan Trang nhận giải thưởng này.

Nhân dịp lễ trao giải thưởng nhân quyền Martin Ennals này, phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam đã tới Geneva gồm mẹ của bà Trang, nhà hoạt động Will Nguyễn và bà Trần Quỳnh Vi, Đồng Giám đốc của Luật khoa Tạp chí đã cùng đến Geneva.

Mục tiêu vận động

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 26/5, nhà hoạt động Will Nguyễn nhấn mạnh, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị cầm tù gần 20 tháng trời mà không được liên lạc với thế giới bên ngoài, ngoại trừ các luật sư biện hộ cho bà.

Theo thông tin trên Luật khoa Tạp chí, bên lề buổi trao giải, phái đoàn sẽ gặp gỡ đại diện của các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế và báo chí quốc tế ở Geneva trong những tuần tới.

Về nội dung làm việc tại Geneva, ông Will Nguyễn, đại diện phái đoàn vạch rõ:

“Mục tiêu chính của chúng tôi là để mẹ của Trang thay mặt Trang nhận được Giải thưởng Martin Ennals danh giá, được gọi là “Giải Nobel về nhân quyền”.

“Một vinh dự lớn như vậy nên có một người đại diện đích thân đến nhận giải, và chúng tôi không tìm thấy ai phù hợp để thay mặt cho Trang hơn mẹ của chị. Sự mạnh mẽ của bác Căn khi đối mặt với cảnh tù đày bất công của con gái và ý chí của bác ấy đấu tranh giành tự do cho con gái mình nên được cả thế giới nhìn thấy.” ông Will chia sẻ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM DOAN TRANG Chụp lại hình ảnh, Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và mẹ

Bên cạnh đó, đại diện phái đoàn cũng cho biết họ đang yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, phái đoàn và đại diện khác nhau mà họ gặp gỡ gây áp lực với chính phủ Việt Nam về ba điểm chính:

  1. Cung cấp cho Trang sự chăm sóc y tế đầy đủ và ngay lập tức cho bệnh tình và các khuyết tật của Trang;
  2. Cho phép quyền thăm thân của gia đình (không ai trong gia đình Trang có thể gặp chị từ khi chị bị bắt, chỉ có luật sư của Trang được gặp);
  3. Trả tự do cho Trang;

‘Sợ Trang không đợi được’

Ngày 7/10/2020, bà Phạm Đoan Trang bị bắt. Ngày 14/12/2021, bà bị kết án chín năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”.

Trong bức thư để lại trước khi đi tù, bà Trang viết:

“Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ năm thứ 3 hoặc thứ 4 (tình từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu.”

Trong thư, bà cũng nói: “Tôi không muốn tự do cho riêng mình; điều đó quá dễ dàng.”

Về vấn đề vận động ở Geneva khi chưa tròn 3 năm, Will Nguyễn giải thích:

“Tôi nghĩ Trang sẽ tha thứ cho chúng tôi vì hành động sớm hơn, đặc biệt là khi sức khỏe của Trang ngày càng giảm sút. Trong mọi trường hợp, việc vận động như vậy phải bắt đầu sớm, vì thành quả cho các cuộc vận động thường phải đợi đến hàng tháng hoặc hàng năm sau đó.”

Trong suốt hơn một năm bị tạm giam, bà Phạm Đoan Trang chưa một lần được gặp mặt gia đình.

Bà chỉ được gặp các luật sư lần đầu tiên và cũng là duy nhất vào ngày 19/10/2021, tức sau hơn một năm kể từ ngày bị bắt.

Luật sư Luân Lê, một trong các luật sư được tiếp xúc với bà Phạm Đoan Trang kể lại về sức khỏe, hai chân bà Trang vẫn bị đau vì thời tiết lạnh làm cho xương khớp đau nhức hơn, do vài năm trước đó bà bị tấn công đến cả gãy xương ống chân.

“Bà nói, từ khi bị bắt giam, và đến lúc này, bà bị chảy máu (phụ nữ) nhiều, liên tục tới 15 ngày mỗi tháng, cộng thêm với tình trạng huyết áp thấp nên khá mệt và rõ ràng bà cho biết là có dấu hiệu của khối u (trước đó bà khám đã được bác sỹ nói có u nang) mà không được thăm khám và điều trị gì, và với tình trạng này kéo dài bà đã sụt 10 cân, từ 58kg xuống còn 48kg).” ông Luân Lê viết.

Còn luật sư Ngô Anh Tuấn thì nói:

“Bà Trang đã từng bị biệt giam nhưng sau đó được giam chung với những thường phạm khác. Cuộc sống trong phòng giam rất khắc nghiệt, bà đã phải đánh nhau 07 lần nhưng bà vui vẻ kể rằng mình đều là người giành chiến thắng, dù là người yếu thế hơn.”

Bình luận với BBC ngày 26/5, một nhà hoạt động giấu tên từng làm việc với bà Trang nói:

“Có thể những người thân và bạn bè của Trang cảm thấy tình hình sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của Trang không còn quá nhiều thời gian. Cần nhớ rằng, vào năm 2015, Phạm Đoan Trang tham gia cuộc biểu tình ôn hoà và bị công an đánh gãy cả hai chân. Sau đó là những cuộc đàn áp khác như tháng 8/2018, Trang bị đánh bể cả nón bảo hiểm, gây chấn động não. Thời gian trong nhà tù, các luật sư cũng nói sức khỏe của Trang xấu đi rất nhiều và không được điều trị y tế đúng cách nên tôi nghĩ, mọi người đều sợ Trang không đợi được 3,4 năm như lời chị mong muốn.”

Đấu tranh ôn hòa và cực đoan

Những năm qua, nhiều người cho rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang ngày một ảm đạm khi nhiều nhà hoạt động nổi tiếng đều bị bắt bớ, cầm tù. Những cuộc biểu tình cho các vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng không còn sôi nổi và những phong trào như tự ứng cử đại biểu quốc hội, bảo vệ môi trường hay các vấn đề về Trung Quốc cũng dần không còn được quan tâm.

Cùng với sự đàn áp các phong trào dân chủ ở Hong Kong, việc cầm tù biểu tượng dân chủ của Myanmar – bà Aung San Suu Kyi, nhiều người không mấy tin tưởng vào nền dân chủ, tự do nói chung trên thế giới và nói riêng ở Việt Nam.

Đơn cử, những cái tên nổi cộm như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thúy Hạnh… đều bị cầm tù và bị tuyên những mức án nặng nề.

Tuy nhiên, ông Will Nguyễn lại ý kiến khác, ông cho rằng cuộc vận động mà ông đang đại diện thực hiện cho bà Phạm Đoan Trang có tính khả quan cao.

“Sự bất công nảy nở mạnh mẽ do sự im lặng, và vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng. Nói một cách ngắn gọn như bà Nguyễn Thị Định là “không có con đường nào khác để đi”. Vì vậy, miễn là chúng tôi tiếp tục tin rằng người Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền được bảo đảm trong hiến pháp của họ, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động.

“Chúng tôi sẽ không im tiếng.” ông Will khẳng định.

Trên mạng xã hội, qua những bài viết, những cuốn sách và các hoạt động của bà Trang, một số ý kiến cho rằng nhà báo Phạm Đoan Trang quá cực đoan. Bà chọn con đường đấu tranh trực diện tức đối đầu với chế độ, với chính phủ, nhà nước Việt Nam thay vì tiếp cận ở một cách ôn hòa. Và ở bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, cách làm của bà Trang chỉ dẫn đến tù đày và đàn áp.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến ủng hộ cách thức đấu tranh của Phạm Đoan Trang. Một nhà hoạt động giấu tên từ Sài Gòn nói với BBC:

“Trong một tiến trình để đấu tranh cho điều gì thì cần rất nhiều người với đa dạng cách thức tiếp cận. Có người chọn ôn hòa, có người chọn cực đoan, không phải người chọn ôn hòa là hèn nhát hay người chọn cực đoan là tử chiến. Vì dù chọn như thế nào thì họ cũng cùng mục đích muốn cho xã hội tốt hơn. Với những người như Trang, tôi mong rằng mọi người sau này sẽ nhớ, như một câu nói rất hay tôi từng nghe được, đó là những thay đổi rất nhỏ và chậm chạp mà chúng ta đang được hưởng mỗi năm trôi qua, đến từ những người dám cầm búa đập vào những bất công và lắm khi trả giá vì nó, không phải những người luôn giơ ngọn cờ ôn hòa.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,RSF Chụp lại hình ảnh, Bà Phạm Đoan Trang từng đoạt giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục Ảnh hưởng, của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2019

Giải thưởng Martin Ennals được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới và vận động cho việc bảo vệ họ.

Giải thưởng này được thành lập năm 1992, đặt tên theo Martin Ennals, nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng là Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế từ năm 1968 đến năm 1980.

Ngoài giải thưởng trên, hồi tháng 2/2022, bà Phạm Đoan Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai nước khi bà đang bị cầm tù.

Vào tháng 9/2019, nhà báo Phạm Đoan Trang được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục “Ảnh hưởng”.

Hồi năm 2018, bà Trang cũng từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Séc.

BBC (26.05.2022)

 

Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng về Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo

Sự vắng mặt của người tham dự chính là lời tố cáo hùng hồn nhất về chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ ở Việt Nam.

Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng Giám Đốc kiêm CEO của tổ chức BPSOS. về Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo sẽ tổ chức tại Thủ Dô Hoa Kỳ vào cuối tháng 6.2022 và ông ở trong Ban Chỉ Đạo của hội nghị, đặc trách bộ phận Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. 

Kính chào Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng Giám Đốc kiêm CEO của tổ chức BPSOS. 

– Chúng tôi được biết vào cuối tháng 6 năm nay, hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo thế giới sẽ họp tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ và ông là một thành viên trong ban tổ chức, xin Tiến sĩ vui lòng cho độc giả VNTB biết qua về hội nghị và vai trò của ông trong ban tổ chức

Đây là hội nghị thượng đỉnh lần 2 về tự do tôn giáo quốc tế. Lần đầu, hội nghị được tổ chức vào tháng 7 năm ngoái cũng ở thủ đô Hoa Kỳ với gần một nghìn người tham gia; họ đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo cũng tham gia phát biểu. 

BPSOS là một đối tác tổ chức hội nghị và tôi ở trong Ban Chỉ Đạo của hội nghị, đặc trách bộ phận Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo.

– Hội nghị này có thể tác động thế nào đến vấn đề tự do tôn giáo bị xâm phạm ở một số quốc  gia và đặc biệt của VIệt Nam?

Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là môi trường quy tụ các lực lượng quần chúng toàn thế giới để chung sức bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu, đặc biệt ở những nơi tôn giáo thường xuyên bị bách hại như ở Việt Nam. 

Đây là mũi nhọn thứ tư trong một sách lược lớn, được khởi xướng cách đây 12 năm. Mũi nhọn thứ nhất, qua hình thức các bàn tròn đa tôn giáo, quy tụ các cá nhân và tổ chức chuyên đấu tranh cho tự do tôn giáo. Mũi nhọn thứ hai, qua tập hợp của các nghị sĩ ở nhiều quốc gia, quy tụ các nhà làm chính sách. Mũi nhọn thứ ba quy tụ các chính quyền quan tâm đến tự do tôn giáo, mà sản phẩm là liên minh gồm 36 quốc gia.

Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, và trong thời gian dài Hoa Kỳ đơn phương lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu. Bốn mũi nhọn kể trên có mục đích huy động lực lượng toàn cầu để sát cánh với Hoa Kỳ. Có thể nói, mục đích của chúng tôi là: “Những người yêu tự do (tôn giáo) toàn thế giới, đoàn kết lại!”

 

– Chúng tôi được biết tổ chức BPSOS đã bênh vực và giúp đỡ nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền, nhân đạo trên thế giới, cứu người vượt biển, cứu nạn nhân bị buôn người, bênh vực nhân quyền ở VN v.v. Những năm gần đây, chúng tôi thấy BPSOS tích cực  nhiều về đấu tranh cho tự do tôn giáo cho VN và thế giới, xin TS cho biết lý do?

Thực ra BPSOS đã đấu tranh cho tự do tôn giáo, mà đúng ra là tự do tôn giáo hay niềm tin, từ rất sớm. Chúng tôi đã tích cực vận động cho Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998. Liền sau đó chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để khai thác luật này. Đến nay đã gần ¼ thế kỷ rồi.

Chúng tôi chọn lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin vì 3 lý do. Thứ nhất, nó là một “gói quyền” chứ không chỉ là một quyền đơn lẻ. Nó bao hàm quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, và nhiều nữa. Nếu khai mở được quyền tự do tôn giáo thì tự động khai mở được nhiều quyền tự do khác. Thứ hai, tuyệt đại đa số người Việt Nam đều có một tôn giáo hay một niềm tin; nếu khai mở được quyền này thì sẽ đem lại lợi ích cho toàn dân. Thứ ba, đây là lĩnh vực có thể huy động được sự yểm trợ của quốc tế, mà bốn mũi nhọn kể trên là ví dụ điển hình.

 

– Chúng tôi được biết hội nghị thượng đỉnh về tư do tôn giáo có mời nhiều người từ nhiều quốc gia khác đến tham dự. Ban tổ chức có dự định mời khách tham dự từ VN không? 

Người Việt Nam chắc chắn sẽ có tiếng nói tại hội nghị này bằng nhiều cách. Trước hết, chúng tôi có mời một số người đến từ Việt Nam. Kế đến, có không ít nhân chứng của sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hiện có mặt ở Thái Lan như những người tị nạn; một số cũng sẽ tham dự hội nghị. Cuối cùng, các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đều có đồng đạo ở hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ; họ lên tiếng hộ cho những người ở trong nước. 

Trong nhiều năm, BPSOS đã chuẩn bị cho sự kết hợp giữa người trong và ngoài nước qua công thức “kết nghĩa”. Mỗi cộng đồng ở trong nước đều có những người ở ngoài nước, thường là cùng tôn giáo nhưng không nhất thiết, kết nghĩa bền chặt và dài lâu. Những người này am tường tình hình y như chính họ là người đang ở trong nước và do đó có đầy đủ kiến thức và thẩm quyền để nói lên sự thật ở Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh.

Nhìn rộng hơn, sách lược của BPSOS từ năm 1998 là giúp người dân trong nước “chạy đua” với nhà nước về hội nhập quốc tế bằng cách tạo cơ hội và cung cấp phương tiện để người dân trong nước nhập vào các “sân chơi” quốc tế, nơi mà luật chơi bình đẳng và công minh. Không những vậy, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có tiềm năng chủ động trên các “sân chơi” quốc tế.

Năm 1986, chế độ cộng sản Việt Nam đề ra chính sách “đổi mới” – mặc nhiên thừa nhận rằng nhắm mắt bám đuôi đàn anh Liên Xô và Trung Cộng là đi vào chỗ chết. Để sống còn, họ phải hội nhập thế giới tự do. Tuy nhiên, nhà nước chỉ muốn họ hội nhập còn người dân thì bị cấm. Họ sợ người dân hội nhập sâu và rộng với thế giới tự do thì sẽ “diễn biến hoà bình”. Ông Nguyễn Văn Linh, người chủ xướng đổi mới, từng phát biểu “mở cửa thì gió mát vào và ruồi muỗi cũng vào theo” và do đó phải dựng cửa lưới để chặn lại.  

Giúp người dân hội nhập quốc tế thật nhanh và thật ồ ạt nằm trong sách lược của chúng tôi từ cuối thập niên 1990. Khi người dân trong nước, kết hợp với đồng bào của họ ở hải ngoại, hội nhập càng sâu, càng rộng với quốc tế thì họ sẽ cân bằng được sự thất thế ở sân chơi nội địa.

Đấy cũng là lý do mà phái đoàn người Việt tham dự hội nghị kỳ này, sẽ khoảng 60 người, có lẽ là phái đoàn quốc gia đông đảo nhất.

 

– Việt Nam là một quốc gia độc tài, chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng. Thưa Tiến Sĩ Thắng, ông có thể cho biết khả năng chính phủ Việt Nam chấp nhận cho những người ban tổ chức mời dự hội nghị đi?

Trên sân chơi quốc tế, Việt Nam không thể hành xử tuỳ tiện như ở trong nước. Chúng tôi đã cài họ vào thế bất khả kháng. 

Nếu họ ngăn chặn không cho người ở trong nước tham gia hội nghị thì điều này sẽ trở thành một đề tài nóng và chế độ sẽ bị lên án ở ngay hội nghị. Trong khi đó, tất cả những gì người ở trong nước muốn nói, cần nói đều vẫn sẽ được trình bày ở hội nghị bởi những người kết nghĩa với họ. 

Chúng tôi ước lượng khoảng một nghìn lãnh đạo các tôn giáo, lãnh đạo của hàng trăm tổ chức tôn giáo và tổ chức nhân quyền sẽ tham dự hội nghị. Nhiều giới chức chính quyền Hoa Kỳ và của 35 quốc gia liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu sẽ có mặt tại hội nghị, cũng như giới truyền thông. Bị lên án trong môi trường đó không tốt chút nào cho Việt Nam. Cản chặn không cho người dân tham gia trở thành lợi bất cập hại.

 

– Thưa Tiến sĩ, chúng tôi nghĩ những người được mời sẵn sàng đi tham gia hội nghị dù phải tốn tiền, mất thì giờ và có thể gặp rắc rối với chính quyền miễn là họ có thể đến hội nghị nói lên được tiếng nói của họ, của cộng đồng với thế giới. Qua hiểu biết của TS, xin ông cho biết trở ngại thường gặp của họ bởi phía chính quyền Việt Nam gây ra. Trong trường hợp đó họ nên làm gì?

 

Tôi đoán trước phần lớn người ở trong nước sẽ bị chặn ở phi trường với đủ mọi lý do. Như đã trình bày, điều này sẽ không ảnh hưởng đến thông điệp của họ vì đã có người khác nói thay cho họ ở hội nghị. Và chính sự vắng mặt của họ sẽ tạo được chú ý hơn là có mặt. Chúng ta cứ hình dùng những chiếc ghế trống có treo hình của người vắng mặt. Đó sẽ không là hình ảnh tốt đẹp cho Việt Nam.

Đối với bản thân những người bị chặn lại thì họ cần làm ngay bản báo cáo gửi LHQ, chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ trong liên minh 36 quốc gia kể trên. Chúng tôi đã phân bổ sẵn người viết báo cáo. Khi mà nhà nước Việt Nam ngăn cản thì có nghĩa là có điều phải giấu giếm, không muốn thế giới biết. Khi làm vậy thì nhà nước Việt Nam vi phạm nguyên tắc căn bản của LHQ là không được bịt miệng nhân chứng. Trong trường hợp đó, chính Tổng Thư Ký LHQ sẽ lên tiếng. 

 

– Có thể một vài người lo ngại khi đi họp về bị chính quyền làm khó, hay thậm chí bị bắt giữ. Tiến sĩ thấy sao về chuyện này? Nếu họ bị làm khó dễ, hay bị bắt, ban tổ chức hội nghị có can thiệp hay giúp đỡ họ cách nào? 

Việc bắt giữ hoặc đe doạ có thể xảy ra. Chúng tôi luôn luôn căn dặn người ở trong nước muốn tham gia thì phải lường trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nếu họ vẫn quyết tâm tham gia thì chúng tôi mới gửi thư mời. Thường, những người này đã từng bị tù đày, bị tra tấn nhưng họ không thối chí vì niềm tin tôn giáo vững mạnh. Càng chịu sức ép từ chính quyền, niềm tin ấy càng được tôi luyện, bản lĩnh càng rắn rỏi. 

Mặt khác, chúng tôi vẫn ở trong tư thế sẵn sàng vận động quốc tế can thiệp. Chẳng hạn, Mục Sư Tin Lành Tây Nguyên A Đảo, một cựu tù nhân lương tâm tôn giáo, chuẩn bị đi sớm để tham gia hội nghị nhưng không chỉ bị chặn ở phi trường mà còn bị câu lưu 2 ngày để khảo tra và sau đó bị cấm cung ở nhà, ngày nào cũng có công an đến nhà canh chừng để không liên lạc được với ai. Dù vậy, chúng tôi vẫn có đủ thông tin để báo cáo với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và quốc tế nói chung. 

Ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã lên tiếng và Dân Biểu Glenn Grothman, người đỡ đầu Mục Sư A Đảo khi còn trong tù trước đây, cũng đã lên tiếng. Chúng tôi cũng đã báo động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nếu cuối cùng, vị mục sư này vẫn bị cấm xuất ngoại và bị quản chế tại gia thì việc này sẽ là một điểm nóng tại hội nghị thượng đỉnh. Vô hình trung, sự vắng mặt của vị mục sư này chính là lời tố cáo hùng hồn nhất về chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ ở Việt Nam. 

Trân trọng cảm ơn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng.

Quang Nguyên

VNTB (26.05.2022)

 

 

 

TNLT Hồ Đức Hòa: quyền tôn giáo trong trại giam bị siết chặt từ năm 2020!

Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa tại Hoa Kỳ.  Hình do ông Hồ Đức Hòa cung cấp

Tù nhân lương tâm (TNLT) Hồ Đức Hòa, người bị kết án 13 năm tù với cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, đang thụ án đến năm thứ 11 thì được trả tự do và đưa đến Mỹ hôm 11/5 vừa qua, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt, để nói về thực tế khắc nghiệt trong trại giam tù chính trị ở Việt Nam.

RFA: Xin chào ông, trước hết xin cám ơn ông đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn và chúc mừng ông được trả tự do để sang đến Mỹ. Ông có thể cho biết cảm giác khi đặt chân đến Hoa Kỳ?

TNLT Hồ Đức Hòa: Trước hết tôi xin gửi lời chào đến quý đài và quý độc giả, ngay từ khi tôi đặt chân xuống đất Mỹ tự do, điều đầu tiên là tôi nhớ đến là mẹ tôi… tôi nhớ tới bố quá cố của mình. Bố đã mất khi tôi ở trong tù… Tôi nhớ đến đứa em của mình cũng đã mất khi tôi ở trong tù… Tôi nhớ những người đã đồng hành với tôi và vận động cho tôi được trả tự do và tôi nhớ đến những tổ chức, những người đã tiếp nhận tôi sang Mỹ. Đó là Bộ Ngoại giao và Đại Sứ quán Hoa Kỳ. Nhân đây tôi muốn gửi lời cảm ơn, tri ân cũng như cầu nguyện và chúc bình an tới những ai tôi quen biết cũng như không quen biết đã luôn đồng hành với tôi cho đến lúc tôi được trả tự do. Tôi không biết lấy gì để trả ơn, tôi chỉ nguyện xin Thiên Chúa trả ơn bội hậu và chúc bình an cho quý vị.

RFA: Dạ trở lại với thời gian bị cầm tù ở Việt Nam, bị chuyển trại giam nhiều lần thì ông thấy thực tế các trại giam đó ra sao? Tình hình các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở đó như thế nào?

TNLT Hồ Đức Hòa: Trên thực tế, tôi đã bị chuyển đến bốn nơi giam giữ, trong đó có ba nơi là tạm giam, một nơi là trại giam. Nơi đầu tiên mà tôi tới đó là trại tạm giam B34 ở Sài Gòn, thứ hai là trại 34 ở Hà Nội và thứ ba là trại tạm giam tại tỉnh Nghệ An có tên là trại tạm giam Nghi Kim. Nơi thứ tư là nơi tôi ở cuối cùng và ở lâu nhất là trại giam Nam Hà ở tỉnh Hà Nam. Theo tôi thấy và chứng kiến được trong bốn nơi đó thì trại tạm giam Nghệ An là nơi tồi tệ nhất trong bốn nơi tôi bị giam giữ, ở đó họ đối xử với tù nhân rất tệ về nước uống và chế độ cũng vậy. Nơi tôi ở là khu tù chính trị, tức là nơi dành riêng đặc biệt với những khu khác. Ngay từ khi tôi đến thì khu này đã bị phân biệt đối xử, chúng tôi phải ở buồng nhỏ chật hẹp, nóng, toillet không khép kín… có nghĩa là toillet nằm sát cạnh chỗ nằm của chúng tôi. Nước tắm thì rất là bẩn, mỗi lần tắm là bị ngứa và đau mắt, chúng tôi đã đề nghị rất nhiều, có việc đề nghị được đáp ứng, nhưng có nhiều vấn đề cho đến bây giờ chúng tôi cũng không được đáp lại sự cải thiện nào.

RFA: Ông có thể cho biết các trại giam đối xử với tù nhân có tôn giáo như ông chẳng hạn ra sao? Ví dụ như có được nhận Kinh sách? Yêu cầu được thực hành tín ngưỡng có được đáp ứng?

TNLT Hồ Đức Hòa: Trên thực tế, ngay từ khi tôi vào các trại tạm giam thì họ đều cho nhận sách Kinh thánh và cho đọc hằng ngày cho đến khi vào trại tạm giam Nam Hà thì đến năm 2020 họ bắt đầu siết chặt lại. Tôi kết luận rằng vấn đề tôn giáo, quyền tôn giáo ở trại giam Nam Hà ngày càng bị siết chặt, chỉ được đọc một ngày một tuần vào chủ nhật. Chỉ vì tôi đòi hỏi được đọc Kinh thánh hàng ngày mà tôi bị lập biên bản vi phạm nội qui của trại giam. Sau đó tôi đã tuyệt thực 10 ngày đã đòi hỏi việc đọc Kinh thánh hàng ngày. Bởi vì theo tôi, vấn đề tôn giáo hoặc đọc Kinh thánh chính là quyền, chứ không phải là ân huệ xin cho. Nhưng cuối cùng họ cũng không thay đổi việc siết chặt đối với người có tôn giáo. Trong thời gian tôi tuyệt thực phản đối, sức khỏe tôi rất là yếu và từ đó sức khỏe của tôi xuống cấp trầm trọng hơn.

Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa (giữa) kh vừa đến Hoa Kỳ. Hình do ông Hồ Đức Hòa cung cấp.

RFA: Ông có thể chia sẻ thêm về việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi trong trại giam của các tù nhân khác, cho đến nay có đạt thêm kết quả gì không ạ?

TNLT Hồ Đức Hòa: Ngay từ khi bước chân vào các trại giam thì chúng tôi luôn luôn đòi hỏi các vấn đề mà nó phi lý hoặc không đúng với quy định của trại giam. Có vấn đề họ đáp ứng được, nhưng có nhiều vấn đề đến bây giờ vẫn chưa đáp ứng được đó là quyền đọc Kinh thánh của tù nhân trong trại giam trong bảy ngày. Vấn đề thứ hai là nước bẩn khi tắm làm ngứa và đau mắt anh em nào cũng thế. Vấn đề thứ ba là toillet nằm trong khu giam, khi có người dùng thì những người còn lại trong buồn đều phải hưởng cái khí không dễ chịu gì. Thứ tư là chúng tôi đề nghị được chuyển sang một cái buồng lớn hơn, thoáng hơn để chúng tôi có điều kiện không khí và ánh sáng thì những vấn đề tôi nêu đó vẫn chưa có gì thay đổi cho đến lúc tôi được thả tự do. Trong đó tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề Kinh thánh là rất cần nhưng mà vẫn không được.

RFA: Ngoài ra, những tù nhân được gọi là ‘mồ côi’, tức người thiểu số hay người không được thăm nuôi thì như thế nào ạ?

TNLT Hồ Đức Hòa: Đúng rồi, người ‘mồ côi’ là người không có thân nhân thăm nuôi, không có ai quan tâm chăm sóc hay rất ít. Những người đó chỉ dựa vào khẩu phần ăn của trại phát hoặc các chế độ của trại phát cho mình mà thôi, không dựa vào vào đâu được. Mà anh biết đấy, dinh dưỡng mà trại phát cho tù nhân thì chắc chắn là không đủ dinh dưỡng, trong khi đó tù nhân phải làm việc hàng ngày. Thức ăn hàng ngày thì có ngày tạm được, có ngày không có hay có rất ít, không đủ dinh dưỡng. Bởi thế những người đó sức khỏe càng ngày càng yếu đi. Những người không có người thăm nuôi cũng có người kinh và đa số là anh em dân tộc thiểu số… họ cũng bị kết án về chính trị. May thay, ở trong đấy có một số người có lòng, họ có chia sẻ phần ăn của mình cho cho những người mà không có người thăm nuôi, nhưng chỉ mang tính động viên chứ không đủ… Đó là vấn đề các tù nhân ‘mồ côi’ phải chịu đựng cho đến lúc này.

RFA: Nếu có một lời nhắn nhủ cho những người còn ở lại Việt Nam, những người tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, thì ông muốn nhắn gửi gì ạ?

TNLT Hồ Đức Hòa: Ngay khi được tự do, trong đầu tôi luôn hiện lên hình ảnh những người tù mà tôi biết hay không biết đang bị giam cầm ở nhà tù Việt Nam. Người tôi có thể liệt kê đầu tiên đó là anh Lê Đình Lượng, anh Nguyễn Năng Tĩnh, anh Phạm Văn Trội đang ở cùng tôi, anh Nguyễn Văn Nghiêm đang ở với tôi, anh Nguyễn Viết Dũng cũng đang ở với tôi, anh Võ Quang Thuận cũng đang ở với tôi… Trước khi tôi bước chân sang Mỹ, đây là những người mà tôi biết, ngoài ra còn nhiều người mà tôi không biết… Tôi muốn nhắn nhủ tới các anh rằng các anh cứ yên tâm giữ gìn tinh thần và sức khỏe, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành kêu gọi và cầu nguyện cho các anh. Đặc biệt là vận động cho các anh được tự do, nhất là những người đang bị bệnh nặng hoặc bị một tình trạng nguy hiểm nào đó, để các anh được quan tâm hơn, sớm tự do về chữa bệnh. Tôi sẽ cầu nguyện cho các anh và chúc các anh luôn giữ gìn được tinh thần và sức khỏe trong môi trường khắc nghiệt đấy.

RFA: Bây giờ sang Mỹ, trước mắt ông có kế hoạch sẽ làm gì không ạ?

TNLT Hồ Đức Hòa: Như mọi người biết, lần này tôi sang Mỹ vấn đề chính là vì sức khỏe. Sức khỏe tôi bị suy sụp đi xuống khá trầm trọng từ năm 2017 cho đến giờ, bởi thế khi bước chân tới Mỹ tôi chưa có dịp lên sóng để mà nói lời cảm ơn đến quý khán thính giả. Hôm nay tôi cảm thấy khá hơn một chút… cho nên tôi mới mới có điều kiện để nói lời cảm ơn và chia sẻ đôi chút về nhà tù Việt Nam. Kế hoạch của tôi trước nhất và quan trọng nhất chắc chắn là về sức khỏe và tĩnh dưỡng để hồi phục lại tinh thần cũng như thể chất. Tôi cũng đã có đặt lịch để đi bệnh viện vào thứ năm tuần này để được thăm khám.

RFA: Cám ơn ông rất nhiều vì đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn hôm nay. Mong ông luôn khoẻ mạnh và mau chóng hoà nhập cuộc sống mới.

RFA (25.05.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen