Seite auswählen
Bình luận của blogger Tuấn Khanh
2022.06.26
Blog RFA

Làm phim, và “quyền” tự do sáng tạoMột cảnh trong phim Em và Trịnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 Galaxy

Bộ phim về Trịnh Công Sơn được xem là phim tiểu sử, có nhiều chi tiết được liệt kê, nhiều nhân vật được nhắc đến, nhưng có vài cái tên quan trọng bị tránh không nhắc đến. 

Trong cuộc đời của ông Trịnh Công Sơn, nhân vật Lưu Kim Cương (1933-1968) là điểm phản bác lại những quan điểm mà nhiều người hay gọi ông là Việt Cộng nằm vùng, mà từ đó để nhận ra rằng bản chất nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn là một người la cà bè bạn, sống tùy cảm xúc và cuối cùng chỉ loay hoay chọn cách tồn tại an toàn ở quê nhà.

Phim nhấn mạnh về nhân vật Ngô Kha, bạn của Trịnh Công Sơn. Cũng phải thôi, vì Ngô Kha được coi là người của phía cách mạng. Mặc dù chuyện phong liệt sĩ cho Ngô Kha cũng đã từng vật vã tranh cãi ở Huế, cho đến năm 1981, vượt qua các lời phản bác, ông Ngô Kha mới được phong tặng liệt sĩ. Có thể thấy cách chú trọng dựng một không khí riêng “Ngô Kha” trong phim, là một phần để làm đẹp lòng những người kiểm duyệt. 

Phim cũng “cộng nghiệp” hai nhân vật Đinh Cường và Trịnh Cung thành một người và tạo ra một tính cách chung chung cũng là một cách lướt qua, có thể là để không nói về Trịnh Cung (1938). Nhân vật này, nếu nói về, cũng không tiện trong một nền điện ảnh còn thiếu thốn tự do và khả năng cảm nhận về điện ảnh chân chính của những người có quyền. 

Ông Trịnh Cung nhập ngũ năm 1964 như mọi thanh niên miền Nam lúc đó theo lệnh tổng động viên, theo học khóa 19 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau đó với tài năng hội họa ông được giữ lại làm huấn luyện viên môn Chiến tranh Chính trị VNCH. Sau Tháng Tư 1975, ông gác bút lông và giá vẽ trong chục năm vì cuộc sống thay đổi với ba năm đi tù “cải tạo”, hai năm buộc đi kinh tế mới và hai năm trở về Sài Gòn bán bánh mì ở vỉa hè. Hơn nữa, đầu những năm 2000, khi cả nước sục sôi chống Trung Quốc, ông cũng xuống đường và bị công an gọi làm việc nhiều lần.

Ông Trịnh Cung kể, vào lúc quá mệt mỏi với những thư mời thẩm vấn, ông đã báo với người công an là ông từ nay sẽ không đi nữa, vì lòng tự trọng của mình, và ông chỉ sẽ chờ bắt thôi. Từ đó, lúc nào ở cái bàn gần cửa nhà, ông luôn để sẵn một cái túi nhỏ với một bộ đồ, cái lon Guigoz chờ khi có công an đến là xúc cơm bỏ vào đó với chút muối mè và lên đường. Nhưng không hiểu sao, từ sau tuyên bố đó, không ai quấy rầy ông nữa.

Dĩ nhiên, với một người bạn rất thân nhưng khác màu như vậy, thì làm sao có thể để vào, khiến bộ phim có thể toàn vẹn mô tả về một Trịnh Công Sơn tranh-đấu-như-một-người-cộng-sản?

Còn với đại tá Lưu Kim Cương, lại càng không, vì cuộc đời của ông sống, chiến đấu và phục vụ cho một chế độ khác. Hơn nữa hình mẫu của đại tá Lưu Kim Cương là một nhân vật điển hình của một trí thức sĩ quan của chế độ cũ: quả quyết với lý tưởng phục vụ nhưng nhãn quan đầy dân chủ trong đời sống.

Đại tá Lưu Kim Cương vì mến tài mà quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai người thường xuyên sinh hoạt văn nghệ với nhau ở quán Mây Bốn Phương, nằm trong Câu Lạc Bộ Không Quân. Vì thân nhau nên một tuần có lúc ông Sơn đến chơi với đại tá Cương hai, ba lần. Tình bạn của hai người gắn bó hơn khi có lúc ông Nguyễn Cao Kỳ gặp Trịnh Công Sơn tại câu lạc bộ, và chỉ trích thẳng mặt ông Sơn về các bài hát phản chiến, nhưng đại tá Lưu Kim Cương chính là người bênh vực. Chuyện kể rằng khi Trịnh Công Sơn đang giãi bày quan điểm của mình, thì đại tá Cương đã xen vào cắt ngang, nói rằng “tôi nghĩ đó là những điều hay nhất của một quốc gia tự do”.

Mậu Thân 1968, khi Trịnh Công Sơn núp ở trong nhà, hé màn quan sát đường phố – là tiền đề cho ca khúc mang tính lịch sử Bài Ca Dành Cho Những Xác Người – và mất liên lạc với mọi người ở Sài Gòn. Sau khi chiến sự tạm lắng xuống, đại tá Lưu Kim Cương đã sốt ruột biệt phái phi công Nguyễn Quí Chấn bay ngay ra Huế để đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn lánh nạn.

Tháng 5 năm 1968, khi đang là đại tá Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt, ông bị tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2, được truy thăng cấp bậc chuẩn tướng. Đại tá Lưu Kim Cương là người bạn duy nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà là người khiến ông xúc động đến mức viết ra ca khúc dành riêng, mang tên Cho Một Người Nằm Xuống.

Dù được viết bài hát riêng, nhưng ông Cương không được nằm trong nhãn quan mô tả lại tiểu sử, cũng là điều dễ hiểu ở Việt Nam hôm nay. Nên có thể nói ở Việt Nam hôm nay, người ta đang tạo ra thể loại tiểu sử giả tưởng. Vì giả tưởng, nên các nhân vật cần thiết lại xóa đi, và những ai được phục dựng trong phim như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy… đều phản đối phần của mình bị lãng mạn hóa, teen hóa hoặc hoàn toàn khác biệt đời thật của mình.

Đã có không ít những lời tranh cãi, cho rằng “làm phim có quyền”. Thậm chí là sếp lớn của hãng đầu tư phim cũng nói kiểu như quần chúng còn dốt nát nên không nhận ra cái “quyền sáng tạo” của điện ảnh. Dĩ nhiên, làm phim có quyền bay bổng với trí tưởng tượng của nhà biên kịch, đạo diễn, nhưng trước hết nền tảng của sự bay bổng đó phải là tinh thần tự do, trong một nền điện ảnh tự do không nhằm phục vụ cho bất cứ ai. Khi không đủ sức mạnh của bản thân nhưng lại thích nói lớn tiếng, giống như một người tự do, thì anh chỉ có thể tự huyễn hoặc mình, và có tội khi cố căng sửa lịch sử để làm tròn phận mình và đời của cả người khác, chỉ để mua vui ngày kiểm duyệt.

Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, khi các nhà làm phim trẻ và ngôn ngữ bay bổng vũ trụ ấy, lại làm phim tiểu sử về anh Bảy Lốp hay người anh hùng không quân Phạm Tuân tắt máy, nằm trên mây để chờ B52 đến chẳng hạn. Nghĩ mà toát mồ hôi.

Ca sĩ Khánh Ly nói gì về bộ phim cuộc đời Trịnh Công Sơn?

 

Sau khoảng một tuần công chiếu, bộ phim Em Và Trịnh đã nhận được rất nhiều lời phê bình. Bên cạnh những lời khen ngợi về hình ảnh đẹp, âm nhạc quen thuộc, những hình ảnh ký ức Sài Gòn được phục chế, thì diễn xuất của diễn viên và nội dung kịch bản là điều bị tranh cãi rất nhiều.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người từ chối không đi xem bộ phim của Trịnh Công Sơn, vì họ tin rằng hệ thống kiểm duyệt của nhà nước vẫn chằng chịt, nên sẽ chỉ có thể phô diễn một Trịnh Công Sơn theo ý của nhà cầm quyền mà thôi.

Điều đáng nói là bộ phim này có rất nhiều chi tiết liên quan về những người còn sống, nhưng không hiểu sao đạo diễn cũng như diễn viên lại không dành nhiều thời gian tham khảo với những người có liên quan, cụ thể trong trường hợp đó là nhân vật Khánh Ly.

Trên các bài báo quảng cáo về bộ phim này, đạo diễn cũng như những người thực hiện nói rằng họ rất quan tâm để tạo dựng nhân vật Trịnh Công Sơn cũng như xây dựng nhân vật nữ thay cho hình ảnh của ca sĩ Khánh Ly. Theo mô tả, đây là những chọn lựa hết sức công phu và khó khăn.

Ca sĩ Khánh Ly kể diễn viên Bùi Lan Hương – ca sĩ hóa thân bà trong phim – từng gửi email, gọi điện thoại xin bà tư vấn về vai diễn. Bà Khánh Ly nói trong cuộc gọi kéo dài khoảng ba phút, Bùi Lan Hương hỏi ăn mặc sao cho ra chất của bà. “Thời trẻ, tôi giản dị, lại còn nghèo. Tôi không có tiền mua quần áo, đôi guốc bít mũi đã cũ, xộc xệch, cũng không trang điểm, đeo trang sức. Sau đó, tôi cũng không thấy ai hỏi thêm ý kiến của mình”, Khánh Ly cho biết.

Câu chuyện này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi rõ ràng về mặt tổ chức phục trang, và miêu tả nhân vật, có vẻ như đạo diễn đã phó thác cho diễn viên, chứ không có sự tổ chức chi tiết nào khác. Mọi thứ được tập trung để miêu tả nhân vật Trịnh Công Sơn, nhưng dường như chế độ kiểm duyệt đã khiến những góc cạnh thú vị có thể trình bày được cuộc đời và vai trò của họ Trịnh trong lịch sử của VNCH chỉ rõ nét hình ảnh của một thanh niên yêu đương lăng nhăng và… nhảm.

“Mới lò mò đi theo Diễm như mấy thằng stalk trong phim kinh dị, xong thấy Dao Ánh phát là quên luôn nhỏ chị vừa tồn tại trên đời. Lên Đà Lạt nhớ nhung thư từ cho Ánh được chút thì theo Khánh Ly tới bến, còn viết cả vào thư khoe Ánh là anh mới quen con nhỏ này. Lúc về già cặp Michiko thì cũng hôn hít tưng bừng xong nghe tin Ánh về thăm là sáng lác mắt, báo hại cô dâu bỏ của chạy lấy người trong ngày cưới” – Trương Thiên Cơ, một người bình luận phim tự do ghi lại cảm xúc trên Facebook, “Tất cả cứ trôi qua đều đều, ải ải, hết thời lượng thì kết phim. Mà nó còn gây cho ta cảm giác Trịnh sống chỉ để đuổi theo gái”.

Trong cuộc họp báo vào trung tuần Tháng Sáu công bố kế hoạch lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát, khi được phóng viên hỏi có đi xem qua phim Trịnh chưa, bà Khánh Ly cười và nói: “Tại sao tôi phải đi xem một bộ phim hư cấu về một con người mà tôi đã biết? Còn đáng ngạc nhiên hơn trong đó hư cấu cả tôi”. Dù bà Khánh Ly nói, rồi cười nhã nhặn trong cuộc họp báo, nhưng chi tiết này để lộ cho thấy việc sơ suất của những người làm bộ phim này khi họ không nghĩ đến chuyện gửi cho bà một tấm vé mời để được xem về chính mình trong phim.

Sai lầm của bộ phim Em và Trịnh được nhiều người mô tả cho thấy rằng đây là một bộ phim giải trí đơn thuần, nhưng đạo diễn ham muốn diễn đạt như là bức chân dung điện ảnh về cuộc đời một nhân vật nổi tiếng đang được chế độ bơm đẩy, khiến nhiều chi tiết phải gồng gánh những phần lịch sử không thể làm rõ trong chế độ kiểm duyệt.

Ngân sách làm bộ phim lên đến 50 tỷ. Thăm dò từ của những người theo dõi việc ra mắt bộ phim này cũng cho thấy rằng hầu hết là tò mò để xem một Trịnh Công Sơn được diễn đạt trên phim như thế nào, nhưng không có quá nhiều hi vọng về một bộ phim hay. Cũng có nhiều người trẻ xem phim để được thấy một Sài Gòn cũ trước năm 1975 là như thế nào.

Thế nhưng những chi tiết không đúng về lịch sử cũng như mập mờ tạo ra những nghi vấn về cái chết của nhân vật Ngô Kha – vốn vẫn chưa có lời kết trong lịch sử về cái chết của ông ta tại Huế, là điều đáng trách của những người viết kịch bản. “Khi bạn kiếm ăn bằng cách khai thác di sản Việt Nam Cộng Hoà, nếu bạn không dám, không thể nói đúng về chế độ này, thì ở mức đạo đức tối thiểu, bạn cũng đừng nói xấu. Nếu vi phạm nguyên tắc đạo đức tối thiểu này, bạn chỉ là rác rưởi”, nhà văn Trà Đoá, sống ở Sài Gòn, nói về bộ phim qua những tình tiết được coi là không đúng với lịch sử.

Hoàng Lê, một nữ khán giả xem phim, người đã sống qua những năm tháng của Sài Gòn cũ, chỉ ra vài chi tiết bất hợp lý trong phim:

“Ngoài lỗi kiến thức dẫn đến dàn dựng sai như cảnh quân cảnh lái xe Jeep chặn bắt Trịnh Công Sơn đang chở bạn gái bằng xe đạp ngoài đường để đưa về thẩm vấn vì sao sáng tác nhạc ca ngợi hoà bình, còn có cảnh khi còn ở B’lao (Bảo Lộc), chưa về biểu diễn tại Sài Gòn, khi nghe nói nữ ca sĩ Joan Baez của Mỹ đã ví cặp Khánh Ly – Trịnh Công Sơn với cặp Joan Baez – Bob Dylan, Khánh Ly-Bùi Lan Hương đã nói với Trịnh Công Sơn: “Mình đẹp đôi hơn chứ!” Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không biết rằng Joan Baez đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam” (Bob Dylan of Vietnam) vào năm 1970, khi phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao sau Tết Mậu Thân, còn Trịnh Công Sơn lên B’lao dạy học vào năm 1964 sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và anh gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt vào năm 1965”.

Phan Cao Hoài Nam, một nhà bình luận điện ảnh, viết trên blog: “Khi Trịnh lên B’lao dạy học, ta không thấy anh trò chuyện với học trò, với người dân, có suy nghĩ gì về thời cuộc. Tất cả bị biến thành các cảnh MV rất bực bội. Trong những mối tình, Trịnh chỉ chạy trốn và thụ động với những dòng thư hiện lên sến súa và sáo rỗng, với tần suất dày đặc vô cùng thiếu tinh tế”.

Có thể nói bộ phim Em và Trịnh bị giằng xé giữa việc phục vụ giới trẻ với những tình tiết âm nhạc giải trí, và cũng muốn lôi kéo luôn những khán giả muốn biết về một mảng đời có những câu chuyện tình của họ Trịnh. Bên cạnh đó, lại pha trộn cả những hình ảnh chính trị thiên tả của ông ta, như một món quà để lọt cửa kiểm duyệt. Tất cả điều này khiến bộ phim trở thành một nồi lẩu vụng về và biến các tuyến diễn viên trở nên nông cạn trong diễn xuất, vì không biết mình phải trình bày nhân vật được phân vai theo hướng nào. Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Duy Lộc nói một cách điềm đạm: “Mình cho đây là một phim chưa hay, không có tầm. Mình tin là mai sau lịch sử sẽ đặt nó đúng vị trí”.

Khi được hỏi diễn viên Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly có vẻ trau chuốt và điệu đà, liệu có mô tả đúng cuộc đời của bà không, bà Khánh Ly không bình luận gì mà chỉ kể lại một kỷ niệm khi đi hát với Trịnh Công Sơn, bà tập trung trình diễn đến mức bỏ cả guốc dép, đứng chân trần. Nữ ca sĩ 77 tuổi này kết thúc phần nhận định của bà về bộ phim Em và Trịnh bằng nụ cười “Có thể họ là người yêu Trịnh Công Sơn, nhưng yêu theo một kiểu khác, một kiểu nào đó.”

Ca sỹ Khánh Ly nói bà bất bình về nhiều đoạn trong phim Em và Trịnh

 

  • Nguyễn Mạnh Hà
  • Gửi tới BBC từ Hà Nội

Khánh Ly nói" Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta"

NMH Khánh Ly nói” Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta”

Như tên gọi, Em và Trịnh kể lại chuyện đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thông qua các bóng hồng trong đời ông. Đây được xem là một hướng tiếp cận an toàn, hứa hẹn ăn khách. Nhưng bộ phim ra rạp khiến không ít khán giả thất vọng vì cho rằng phim khắc họa một Trịnh Công Sơn si tình, có phần lăng nhăng, để rồi nhận quả đắng cuối đời…

Đó chính là những gì đoàn làm phim muốn nói? Họ chỉ mượn thần tượng của nhiều người để dựng lên câu chuyện của riêng mình? Giả thiết này càng trở nên vững chắc khi Khánh Ly- xuất hiện trong phim như một trong những “em” của Trịnh lên tiếng phủ nhận những chi tiết về bà trong phim.

Thìa sữa chua ra mắt đàn chị

Khánh Ly (Bùi Lan Hương) trong phim tỏ ra trên cơ Trịnh Công Sơn, không phải chỉ vì đã có hai con. Mà Trịnh Công Sơn giống như đang cầu cạnh để được “đàn chị” hát bài của mình.

Ngay buổi hẹn đầu tiên nhân vật này đã yêu cầu Trịnh Công Sơn phải ăn sữa chua từ thìa của mình và buông một câu xanh rờn, đại ý: “Ăn chung thìa còn không nổi thì làm sao hợp tác đây”.

Trịnh Công Sơn (Avin Lu) ban đầu ngần ngại nhưng nghe thấy vậy đành chấp nhận. Hành động này được láy lại khi hai người tái ngộ tại Sài Gòn khiến một số khán giả thích thú vì tính đời thường, dễ thương.

Khi tôi thuật lại chi tiết này, Khánh Ly nói ở Hà Nội hôm 19/6/2022: “Tôi nói thật chồng tôi, con tôi- tôi còn chưa đút đừng nói ông Trịnh Công Sơn. Dựng chuyện thì cũng vừa phải thôi. Vì họ quên rằng tôi còn sống. Tôi đâu phải như ông Trịnh Công Sơn- người nằm xuống không nói được thì họ muốn nói gì họ nói. Và cả gia đình (nhạc sĩ) để họ nói như vậy là hạ nhục ông Sơn đó”.

Một câu thoại khác thể hiện sự tự tin của nhân vật do ca sĩ Bùi Lan Hương thủ diễn. Lần đầu hẹn nhau tại cà phê Tùng, sau khi nghe Trịnh Công Sơn hát Nhìn những mùa thu đi, Khánh Ly trong phim tán thưởng: “Bài này hay thế, anh thó của ông Văn Cao đấy à?” Một số khán giả nhạy cảm cho rằng phim đã ngầm “định giá” nhạc của Trịnh Công Sơn với Văn Cao qua câu thoại này.

Khánh Ly đang có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát

NHM Khánh Ly đang có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát

Khánh Ly tỏ rõ sự bất bình: “Cái chữ ‘thó’ rất mất dạy. Một người nhỏ tuổi gặp người lớn không thể nào dùng chữ đó. Ông nội tôi cũng không dám nói với ông Trịnh Công Sơn cái kiểu đó! Thật tình mà nói lúc đó tôi cũng chưa nghĩ tới ông Văn Cao nữa. Làm sao tôi dám so sánh cái chuyện ông Văn Cao với ông Trịnh Công Sơn hoặc ngược lại”.

Khánh Ly cho hay những phân đoạn có vai Khánh Ly trong kịch bản đã được gửi tới ca sĩ Quang Thành là trợ lý của bà. Và “thó” là một trong những chi tiết không có thật bà yêu cầu cắt bỏ.

Khánh Ly cũng khẳng định thời điểm đó bà chưa biết đến Bob Dylan. Còn phim để cho Trịnh Công Sơn nói với Khánh Ly tại B’lao: “Họ đang so sánh anh và em như Bob Dylan và Joan Baez”. Khánh Ly trong phim độp lại: “Không, chúng mình đẹp đôi hơn chứ!”

‘Lửa gần rơm’

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nói về phim ‘Em và Trịnh’

Khánh Ly cũng khẳng định với tôi hôm 19/6 rằng bà chưa từng từ Đà Lạt lên B’lao thăm Trịnh Công Sơn. Nhưng khán giả thì rất ấn tượng với cảnh Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đứng ôm nhau bên một đống lửa trại trước căn chòi của nhạc sĩ tại B’lao. Ánh lửa đó bùng lên rồi lọt thỏm trong ngút ngàn rừng đêm…

Cùng với cảnh hai người dắt tay nhau cười nói tung tăng, rồi thoáng hờn ghen của Khánh Ly khi Trịnh Công Sơn nhắc tới Dao Ánh khiến khán giả không khỏi nghĩ có một sự “lửa gần rơm” nào đó trong thời kỳ hai người ở Đà Lạt hoặc một tình cảm đơn phương từ phía Khánh Ly.

Khánh Ly nói với tôi qua điện thoại: “Tôi hiểu cái ý nghĩ trong đầu người ta. Nếu người ta nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn, người ta đã không làm những điều này. Ở đời nhiều người nói không bao giờ có tình bạn giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nhưng đừng đánh đồng mọi người như thế. Chỉ có những người nào đầu óc đen tối chỉ nghĩ tới những điều đó thôi mới làm ra những chuyện như vậy”.

Trong phim, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tạm biệt nhau khi Khánh Ly từ chối về Sài Gòn cùng nhạc sĩ theo lời mời của quán Văn. Lý do của Khánh Ly trong phim kiểu: “Em chỉ là một cô ca sĩ xấu xí (từ này được nhân vật đai đi đai lại trong nhiều cảnh huống) không được Sài Gòn chấp nhận”.

Trịnh Công Sơn trong phim không biết gallant đến đâu nhưng khi thấy người phụ nữ đối diện khiêm tốn nhận mình xấu xí thì cứ lờ đi như kiểu tán thành.

Khánh Ly: "Sở dĩ tôi còn đi hát đến giờ là nhờ người ta thương ông Sơn đó. Với tình thương người ta dành cho ông Sơn như vậy ai làm gì được ông ấy. Vô ích thôi"

NMH Khánh Ly: “Sở dĩ tôi còn đi hát đến giờ là nhờ người ta thương ông Sơn đó. Với tình thương người ta dành cho ông Sơn như vậy ai làm gì được ông ấy. Vô ích thôi”

Còn trên thực tế ngay từ những ngày đầu gặp gỡ vào khoảng 1964-65 tại Đà Lạt, Trịnh Công Sơn đã rủ Khánh Ly về Sài Gòn hát. “Tôi từ chối vì lúc đó mình không biết Trịnh Công Sơn là ai cả”, Khánh Ly nhớ lại. “Làm sao mình nghĩ một người như thế có thể đảm bảo cho đời sống của mấy mẹ con được. Tôi cần tiền để nuôi con. Và gia đình chồng tôi lúc đó cũng ở Đà Lạt. Tôi không thể nào nghe ông về Sài Gòn nơi mà chẳng ai biết mình là ai”.

Sau đó họ mất liên lạc cho đến khi tình cờ Trịnh Công Sơn đang ngồi vắt vẻo cùng chúng bạn trên một bờ tường ở phố Lê Thánh Tôn bỗng thấy Kháng Ly ngang qua… Và thiên tình sử bằng âm nhạc được nối lại.

Trong phim, Trịnh Công Sơn tìm ra một căn nhà kỳ lạ bao quanh bằng khung sắt kiểu chuồng cọp. Cảm tưởng cái lồng giam tiếng hát Khánh Ly. Khánh Ly đang ngồi mắng con với cặp mắt tô đậm thì Trịnh Công Sơn lò dò đến. Rồi họ kết nối lại với quán Văn và buổi ra mắt lịch sử diễn ra với lượng khán giả đến cả ngàn người (như lời Trịnh Công Sơn trong phim nhắn với Dao Ánh), nhưng trong hình số diễn viên quần chúng chắc cỡ hơn trăm.

Lượng người đó liệu có thể làm Khánh Ly (trong phim) run khi cô đã có kinh nghiệm biểu diễn ở những sân khấu phòng trà, sàn nhảy choáng lộn ở Đà Lạt?! Cảnh Khánh Ly bỏ giày ra để lấy lại bình tĩnh làm tôi hơi giật mình vì bộ móng chân rõ ràng được đánh sơn dù khá gần với màu móng tự nhiên.

Khánh Ly nhớ lại: “Phải nói lúc đó tôi rất nghèo mà ông Trịnh Công Sơn cũng chẳng có gì. Ông bảo: ‘Tới hát với anh’. Tới thì tới. Tôi cũng chẳng hỏi anh ơi hát cái này là cái gì, hát cho ai… Tôi chẳng cần biết. Được hát là sướng lắm. Vì đâu có ai biết mình là ai. Đến hát với ông, tay run mà chân cũng run, toàn thân run hết. Thì tôi mới bỏ đôi giày ra. Giày bít gót, bít mũi màu đen. Lúc đó tôi là đứa gần như không phấn, không son, không có gì cả, mượn bộ đồ đến hát”.

Khánh Ly cung cấp một chi tiết, Trịnh Công Sơn thấy bà cắt tóc ngắn (do giận dỗi gia đình) thì bảo: “Anh không muốn gặp những người điên”. Là vì ông chỉ thích phụ nữ để tóc dài, mặc áo dài thôi.

Khánh Ly nói" Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta"

NMH Khánh Ly nói” Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta”

‘Âm nhạc bỏ anh rồi…’

Mở đầu Em và Trịnh là cuộc đàm thoại giữa Khánh Ly ở Mỹ và Trịnh Công Sơn (Trần Lực) tại TP.HCM. Khánh Ly trong phim hỏi thăm: “Anh dạo này có sáng tác mới nào gửi cho em?” Trịnh Công Sơn tỏ vẻ khổ sở: “Lâu lắm không có bài mới. Âm nhạc đã bỏ anh rồi”.

Thực tế không hề có một đối thoại như vậy, Khánh Ly khẳng định: “Tôi chỉ liên lạc với anh Sơn một lần bằng điện thoại, khi mà điện thoại từ Mỹ về Việt Nam bắt đầu liên lạc được. Thì lúc đó anh Sơn giới thiệu Hồng Nhung, Thanh Hải nữa hát nhạc của anh. Thế thôi, tôi không hỏi gì thêm. Tôi không hỏi anh có sáng tác cái gì không, không bao giờ. Anh Sơn đưa cho bài nào thì tôi biết bài đó. Có những bài anh Sơn không đưa cho tôi mà đưa qua Hoàng Thi Thao (cháu của Hoàng Thi Thơ), thí dụ bài Tình nhớ. Không bao giờ tôi thắc mắc anh làm bài này bài kia cho ai…”

Bà cũng cho biết thêm phải bài nào khó hiểu lắm bà mới dám nhờ Trịnh Công Sơn giảng nghĩa: “Tại ông Sơn mình coi như bậc cha chú. Có bao giờ mình đi vặn hỏi cha mình đâu. Cho nên mình cứ cố gắng tìm hiểu thôi. Cho đến khi nào kỳ cùng ngã ngửa mà không thể hiểu bài này ông nói gì thì mình có thể hỏi”.

Khánh Ly vẫn nhất quyết không xem Em và Trịnh. “Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta. Nếu tôi đi xem phim bây giờ có nghĩa tôi đồng lõa với họ trong việc đó. Tôi không nói gì, không làm gì mà họ còn gắn vào miệng mình những điều đó. Tôi không muốn họ phải xấu hổ khi gặp mình”.

Tuy nhiên bà không ngăn cản mọi người xem phim, coi như một hành động ủng hộ phim Việt.

“Tôi chỉ biết nói những gì tôi biết để ông Sơn không phải chịu những oan ức như vậy. Trịnh Công Sơn không đáng phải chịu đựng những điều như thế. Ông cho chúng ta những điều rất đẹp đẽ. Trong đời ông có làm gì ai đâu để đến bây giờ nằm xuống rồi mà cũng không được yên nữa. Muốn kiếm tiền thì thiếu gì cách. Làm lợi cho mình thì phải nghĩ đến nhân phẩm của người khác nữa chứ. Hỏi ý kiến rồi cứ làm theo cách của mình thì chẳng thà lấy tên nhân vật là Trúc Ly, Hoàng Ly… có phải thoải mái không”.

Nhưng dường như chỉ cần phim về Trịnh Công Sơn là đủ để khán giả nô nức đi xem, kệ cho mức độ hư cấu đến đâu. Càng gây tranh cãi, Em và Trịnh càng hút khách. Theo mô tả của báo chí trong nước thì nhiều rạp phải mở thêm buổi chiếu lúc 0h, khán giả thủ đô đội cả mưa đến xem. Trong khi ai cũng biết tình trạng ngập lụt chỉ sau một cơn mưa ở Hà Nội hiện đáng ngại thế nào.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen