Seite auswählen

Ngoại trưởng Phi Luật Tân, Enrique Manalo, trái, và Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị, trước cuộc họp song phương ở Bộ Ngoại giao tại Manila ngày 6/7/2022.

Ngoại trưởng Phi Luật Tân, Enrique Manalo, trái, và Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị, trước cuộc họp song phương ở Bộ Ngoại giao tại Manila ngày 6/7/2022.

 

Phi Luật Tân ngày 12/7 tái khẳng định họ có nền tảng pháp lý đối với Trung cộng trong cuộc tranh chấp kéo dài, đánh dấu kỷ niệm của một phán quyết trọng tài kết luận yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ.

 

Sau khi đối đầu gay gắt với Trung cộng, Phi Luật Tân đã thực hiện một bước đi táo bạo vào năm 2013 khi đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague để tìm cách làm rõ các quyền chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế.

 

Phán quyết năm 2016 của toà có lợi cho Manila và giáng một đòn mạnh vào Bắc Kinh, vốn từ chối công nhận kết quả và cho rằng tuyên bố chủ quyền của họ, dựa trên các bản đồ lịch sử, vẫn có giá trị.

 

Ngoại trưởng Phi Luật Tân, Enrique Manalo, ngày 12/7 nhắc lại rằng phán quyết là chung quyết và những tuyên bố của Trung cộng là vô căn cứ.

 

Ông nói trong một tuyên bố: “Những phát hiện này không còn nằm trong tầm phủ nhận và bác bỏ nữa, mà mang tính kết luận vì không thể chối cãi.”

 

“Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực phá hoại nó … thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng tôi.”

 

Một cuộc thăm dò vào tháng trước của Viện Stratbase cho thấy khoảng 90% người dân Phi Luật Tân muốn chính phủ khẳng định các tuyên bố chủ quyền hàng hải của đất nước và tăng cường khả năng quốc phòng.

 

Nhưng Phi Luật Tân đã không thể thực thi phán quyết đó của toà và kể từ đó đã có hàng trăm lần phản đối về điều mà họ gọi là sự xâm phạm và quấy rối của lực lượng tuần duyên Trung cộng và đội tàu đánh cá khổng lồ của nước này.

 

Tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng cũng mạnh mẽ nói về sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với Trung cộng trong các lĩnh vực khác.

 

Đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Kỳ, Jose Manuel Romualdez, ngày 12/7 nói đối thoại là cách tiếp cận được ưa chuộng.

 

“Chúng tôi vẫn lạc quan rằng con đường tốt nhất về phía trước vẫn là ngoại giao”, ông nói trên một diễn đàn hàng hải. “Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị để ngăn chặn sự gây hấn.”

 

Trong một tuyên bố đánh dấu ngày toà trọng tài ra phán quyết trong vụ kiện của Phi Luật Tân, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói phán quyết đó là chung cuộc và Trung cộng phải “tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và ngừng các hành vi khiêu khích”.

 

Nhắm vào Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Trung cộng, Vương Nghị, nói rằng quan trọng là các vấn đề lãnh thổ nên được xử lý trong khu vực.

 

“Chúng tôi sẽ phản đối sự đối đầu cả khối và tâm lý Chiến tranh Lạnh”, ông phát biểu tại Malaysia.

Reuters

VOA (13.07.2022)

 

 

 

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan đang ở Biển Đông, sắp thăm Việt Nam

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) của Hải quân Hoa Kỳ.

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 7, một nguồn tin ngoại giao vừa cho VOA biết, trong khi người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết tàu này đang thao dượt tác chiến ở Biển Đông.

Nguồn tin ngoại giao yêu cầu không nêu tên cho biết rằng hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam vào cuối tháng 7/2022.

Trước đó, trang tin BenarNews trích từ hai nguồn tin địa phương cho biết Hàng không mẫu hạm này của Hải quân Mỹ sẽ đến Đà Nẵng trong 5 ngày.

Hôm 13/7, khi được yêu cầu xác nhận chuyến thăm này đến Việt Nam, trung úy Joe Keiley, Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cho VOA biết rằng: “Để bảo vệ sự an toàn của các thủy thủ của chúng tôi và an ninh của lực lượng, chúng tôi không chia sẻ thông tin chi tiết liên quan đến các hoạt động di chuyển trong tương lai của các tàu Hải quân Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, trung úy Keily dẫn một trang tin quốc phòng (dvidshub.net) cho VOA biết thêm rằng nhóm tàu tấn công do Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan dẫn đầu đang hoạt động ở Biển Đông trong đợt triển khai ngày 13/7/2022.

“Trong khi ở Biển Đông, nhóm tàu tấn công này đang tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay bằng máy bay cánh cố định và cánh quay, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt đất và không quân. Hoạt động của Hàng không mẫu hạm ở Biển Đông là một phần trong các hoạt động thường lệ của Hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, trang tin cho biết hôm 13/7.

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) được đặt theo tên của Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, là một siêu Hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz, hoạt động tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản.

Hôm 12/7, tàu CVN-76 kỷ niệm 19 năm ngày tàu được vào biên chế hoạt động giữa lúc Hải quân Hoa Kỳ thực hiện nhiệm vụ “hỗ trợ các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo trang Twitter chính thức của tàu.

Được biết tàu này mang theo 90 máy bay, trong đó có nhiều chiếc thuộc loại F/A-18E Super Hornets và những hệ thống tên lửa tinh vi.

Các chuyến thăm trước đó của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam là Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN-71) tới Đà Nẵng vào tháng 3/2020, và tàu USS Carl Vinson (CVN-70) đến vào tháng 3/2018.

Hiện tại, Hải quân Hoa Kỳ có 11 Hàng không mẫu hạm và trong số này có đến 5 chiếc hoạt động ở Hạm đội Thái Bình Dương.

Liên quan đến hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, hôm 13/7, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold “đang khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Hãng tin Reuters cho biết việc một tàu khu trục của Mỹ đã đi gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông gây phản ứng tức giận từ Bắc Kinh, vốn cho rằng quân đội của họ đã “xua đuổi” con tàu này sau khi nó “xâm nhập lãnh hải trái phép”.

VOA (13.07.2022)

 

 

Chuyên gia: Trung cộng “xằng bậy” khi tuyên bố trục xuất tàu Mỹ khỏi Hoàng Sa

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Benfold của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Hình do Hải quân Mỹ cung cấp hôm 13/7/2022 Reuters

Một tàu khu trục của Hoa Kỳ đi gần quần đảo Hoàng Sa, gây phản ứng tức giận từ Bắc Kinh. Bắc Kinh nói rằng quân đội của họ đã “xua đuổi” con tàu sau khi nó xâm nhập lãnh hải trái phép.

Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Benfold đã đi gần các đảo đang do Trung cộng chiếm đóng tại khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 13/7.

Hoạt động này được cho là nhằm khẳng định các quyền tự do hàng hải và “phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Qua hoạt động tự do hàng hải (FONOP), Hải quân Mỹ khẳng định muốn thách thức các hạn chế về việc qua lại vô hại do Trung cộng, Đài Loan, Việt Nam áp đặt, ngoài ra cũng thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các ‘đường cơ sở thẳng’ bao quanh quần đảo Hoàng Sa.

Cả ba nước đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung cộng chiếm đóng.

Cả ba bên tranh chấp đều yêu cầu các tàu quân sự hoặc tàu chiến nước ngoài xin phép hoặc thông báo trước khi thực hiện quyền “qua lại vô hại” qua vùng biển này.

Theo hãng tin Reuters, Trung cộng cho rằng họ không cản trở tự do hàng hải hoặc hàng không, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ cố tình kích động căng thẳng.

Quân đội Trung cộng quy kết, hành động của tàu Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng khi xâm nhập trái phép vào lãnh hải của họ xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

“Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam Bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân để theo dõi, giám sát, cảnh báo và xua đuổi” con tàu, đồng thời cũng đưa các bức ảnh về chiếc Benfold được chụp từ boong tàu khu trục nhỏ Xianning của Trung cộng.

Các sự kiện một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ là kẻ gây ra rủi ro an ninh ở Biển Đông” và là “kẻ hủy diệt hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Đáp trả, Hải quân Hoa Kỳ cho biết tuyên bố của Trung cộng là “sai sự thật” và là hành động mới nhất trong một chuỗi các hành động nhằm “xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ “.

Bình luận về sự kiện mới nhất này, ông Bill Hayton, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chatham House, Vương Quốc Anh, cho biết ý nghĩa của việc Hoa Kỳ đưa tàu khu trục USS Benfold tiến vào vùng tranh chấp ở Biển Đông:

“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang muốn đánh dấu sự hiện diện của họ ở khu vực Biển Đông, và qua đó khẳng định rằng họ sẽ không từ bỏ vùng biển này dù phải dồn sự chú ý vào khu vực khác trên thế giới.”

Tiến sĩ Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratham cho biết, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở khu vực còn nhằm răn đe Trung cộng:

“Hoạt động tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông cũng có một chút tác động khiến cho Trung cộng phải kiềm chế hành vi của họ trên khu vực này, bao gồm cả các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và các hành động hiếu chiến khác.

Tuy nhiên thì mục đích chính của các cuộc tuần tra này là nhằm răn đe bất cứ mối nguy tiềm tàng nào của việc Trung cộng leo thang căng thẳng, ví dụ như sử dụng vũ lực để trục xuất lực lượng chiếm đóng của các quốc gia khác trên các thực thể ở Biển Đông, hoặc thi hành Luật Hải cảnh để hiện thực hoá tuyên bố chủ quyền một cách trắng trợn hơn.”

Là tác giả của các cuốn sách về tranh chấp Biển Đông, và Trung cộng, ông Bill Hayton cũng cho biết việc Trung cộng tuyên bố rằng họ đã “trục xuất” tàu chiến Mỹ ra khỏi khu vực biển ở quần đảo Hoàng Sa là “xằng bậy”:

“Việc Trung cộng nói là họ trục xuất tàu chiến Mỹ thật hết sức xằng bậy, ngớ ngẩn, và không đúng sự thật. Sự thực là tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sau đó tàu của Trung cộng bám theo, rồi tàu Mỹ rời đi.

Sự hiện diện của tàu Trung cộng không ảnh hưởng gì đến hải trình của tàu Mỹ, không làm nó rời khỏi khu vực đó nhanh hơn, cũng không khiến nó thay đổi hướng đi.

Cho nên, tuyên bố trên của Trung cộng chỉ đơn thuần mang tính dân tộc chủ nghĩa, và thực ra họ thích nói như vậy để tự cổ vũ bản thân.”

Hoa Kỳ vẫn luôn khẳng định rằng các hoạt động tự do hàng hải của họ ở khu vực Biển Đông không nhằm mục đích thách thức riêng mình Trung cộng, mà còn thách thức các tuyên bố của những nước khác bao gồm Việt Nam và Đài Loan ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, và Malaysia ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, khác với Trung cộng, Việt Nam thường không lên tiếng mạnh mẽ trước các hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực mà quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Lý giải hiện tượng này, ông Bill Hayton nói:

“Bởi vì chính quyền Việt Nam muốn lợi dụng sự hiện diện của Hoa Kỳ để hỗ trợ cho cuộc cạnh tranh của họ trên Biển Đông với Trung cộng. Do vậy họ muốn duy trì mối quan hệ tích cực với hải quân Mỹ và chính phủ Mỹ, và không muốn làm lớn chuyện, thay vào đó thì sẽ giải quyết vấn đề một cách im ắng.

 Trong khi đó thì Trung cộng coi Mỹ là đối thủ số một trên khu vực Biển Đông, do vậy nước này thường sẽ phản ứng gay gắt hơn.”

Theo một thông cáo báo chí của Bộ tự lênh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung cộng thì từ đầu năm 2022 đến nay tàu khu trực USS Benfold đã ba lần thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

RFA (13.07.2022)

 

 

 

Tầu khu trục Mỹ USS Benfold áp sát quần đảo Hoàng Sa, Trung cộng tức giận

Ảnh do hải quân Mỹ, US Navy, cung cấp: Tàu khu trục USS Benfold, đang hoạt động tuần tra thường lệ ngoài khơi Phi Luật Tân, ngày 24/06/2022. AP – Petty Officer 2nd Class Arthur R

Hoa Kỳ tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông ở Biển Đông. Ngày 13/07/2022, tầu khu trục USS Benfold đã áp sát quần đảo Hoàng Sa bị Trung cộng chiếm của Việt Nam năm 1974 khiến Bắc Kinh tức giận và điều lực lượng “đuổi” tầu Mỹ khỏi lãnh hải.

Theo Reuters, Hải Quân Mỹ cho biết tầu USS Benfold “khẳng định các quyền và tự do được lưu thông ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ngược lại, bộ chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của quân đội Trung cộng cáo buộc “hoạt động của tầu Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng với việc thâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Trung cộng quanh quần đảo Hoàng Sa”.  

Do đó, “ bộ chỉ huy Chiến khu Miền Nam của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Hoa đã phải tổ chức lực lượng hải quân, không quân để theo dõi, cảnh báo và đuổi” tầu Mỹ. Phía Trung cộng cũng cáo buộc “thêm một lần nữa Mỹ không khác gì là một kẻ quấy rối đối với an ninh ở Biển Đông” và là một “kẻ phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.  

Hải Quân Mỹ cũng ngay lập tức đáp trả, cho rằng cáo buộc của Trung cộng về hoạt động của tầu Benfold là “sai sự thật” nhằm “bóp méo những chuyến tuần tra hợp pháp của Mỹ và để nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền quá đáng và bất hợp pháp đối với những nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.  

Chuyến tuần tra của tầu Benfold diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác yêu sách chủ quyền của Trung cộng đối với hầu hết Biển Đông. Phát biểu hôm 12/07, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ đồng minh trong trường hợp bị Trung cộng tấn công ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. 

RFI (13.07.2022)

 

 

 

Mỹ thúc Trung cộng chấm dứt khiêu khích tại Biển Đông

Mỹ thúc giục Trung cộng chấm dứt các hành động khiêu khích, bắt nạt nước nhỏ trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông.

Ngày 11 Tháng Bảy, một ngày trước ngày kỷ niệm phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền chiếm gần hết Biển Đông theo mấy cái vạch nối lại giống hình “lưỡi bò,” ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, ra bản tuyên bố thúc giục Trung cộng tuân thủ các cam kết theo luật lệ quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích.

Trung cộng tập trận chiếm đảo tại Biển Đông hồi Tháng Ba, 2022. (Hình: ChinaMil)

Đồng thời, ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác cũng như các tổ chức quốc tế như ASEAN để duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Trong bản tuyên bố kể trên, ông Blinken cho hay sáu năm trước, Tòa Án Quốc Tế đã tuyên bố rằng tuyên bố chủ quyền của Trung cộng là “không có cơ sở.”

Dịp này, ông cũng lặp lại là ngày 26 Tháng Năm, 2022, ông đã đọc một bài diễn văn, trong đó, ông cho hay Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cam kết bảo vệ một hệ thống mà theo đó, hàng hóa, ý tưởng, cũng như con người, có thể di chuyển một cách tự do qua đường bộ, trên không, trên biển và cả trên không gian mạng.

Theo ông, hệ thống đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi quốc gia lớn cũng như nhỏ. Duy trì Biển Đông tự do và mở rộng theo luật lệ quốc tế, phản ảnh trên Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) là một phần của tầm nhìn chung đó, bản tuyên bố trên viết.

Khi Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố bản tuyên bố kể trên, cùng ngày, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung cộng, tuyên bố trong cuộc họp với tổ chức ASEAN ở thủ đô Jakarta là các nước khu vực không nên để bị sử dụng như “những con cờ” của các thế lực quốc tế. Ông ta cáo buộc khu vực này đang có nguy cơ bị biến dạng theo các yếu tố địa chính trị.

Tin của thông tấn Reuters tường thuật lời ông Vương Nghị cáo buộc là nhiều nước ASEAN đang bị các cường quốc áp lực phải chọn bên, mà theo ông ta, khu vực “nên được bao che khỏi các toan tính chính trị.” Hiển nhiên, ông ta ám chỉ Mỹ và các đồng minh trong khi chính Trung cộng đã bị cáo buộc rất nhiều lần về các trò chèn áp, bắt nạt các nước nhỏ phía Nam và lôi kéo chọn bên.

Bắc Kinh luôn luôn tuyên bố tuân theo UNCLOS nhưng lại phủ nhận phán quyết ngày 12 Tháng Bảy, 2016, khi bị Phi Luật Tân kiện về tuyên bố chủ quyền Biển Đông theo các vạch nối lại giống hình “lưỡi bò.” Khi bị thế giới lên án, Bắc Kinh chống chế rằng họ còn có “quyền lịch sử” và Biển Đông theo chín cái vạch đó là do ông cố ông tổ của họ từ thời xưa để lại.

Tàu dân quân biển Trung cộng đậu lỳ tại đá Ba Đầu (cụm đảo Sinh Tồn) quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Phi Luật Tân đều tuyên bố chủ quyền. (Hình: ATF-WPS)

Để ngăn ngừa trước những hành động có thể phong tỏa Biển Đông, nơi có $5,000 tỷ hàng hóa thông thương hằng năm, lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ thường xuyên qua lại cũng như thách đố chủ quyền biển đảo mà Trung cộng có được từ cướp đoạt hay bồi đắp bãi đá ngầm. Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần cho các nhóm mẫu hạm nguyên tử tập trận quy mô cùng với đồng minh trên Biển Đông.

Tin tức chưa được xác nhận nói rằng mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan có thể đến thăm Đà Nẵng vào hạ tuần Tháng Bảy này. Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, Trung cộng đã tổ chức 44 cuộc tập trên quy mô trên Biển Đông, trong đó có chín cuộc tập trận tại vịnh Bắc Bộ và một cuộc tập trận gần đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. 

 

Người Việt (12.07.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen