Seite auswählen

Nữ hoàng Elizabeth II: 1926-2022

Washington Post

Tác giả: Adrian Higgins

Cù Tuấn, dịch

9-9-2022

 Nữ hoàng Elizabeth năm 2013. Ảnh trên mạng

Tóm tắt: Nữ hoàng Anh là một nhân vật kiên định và khiến người khác yên tâm, và bà đã giúp lãnh đạo đất nước của mình vượt qua một thời kỳ thay đổi triệt để vào nửa sau của thế kỷ 20.

Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương dường như bất tử, người đã trở thành ngọn hải đăng sáng chói nhưng bí ẩn đại diện cho sự liên tục ở Vương quốc Anh trong hơn bảy thập kỷ cai trị, đã qua đời vào ngày 8 tháng 9 tại Lâu đài Balmoral, điền trang của bà ở Cao nguyên Scotland, thọ 96 tuổi.

Cái chết của bà đã được Điện Buckingham thông báo nhưng không tiết lộ nguyên nhân.

Trong triều đại của mình, bắt đầu vào tháng 2 năm 1952 sau cái chết của người cha, Vua George VI, Elizabeth đã đóng vai trò là một nhân vật kiên định và khiến người khác yên tâm ở nước Anh cũng như trên toàn thế giới khi bà giúp lãnh đạo đất nước của mình trải qua một thời kỳ thay đổi sâu sắc về quyền lực địa chính trị và bản sắc dân tộc.

Các thiết kế của tem bưu chính và tiền giấy đã thay đổi qua nhiều thập kỷ, nhưng tất cả đều mô tả vị nữ hoàng này khá giống nhau, chỉ già đi. Bài quốc ca của Anh hiện nay chuyển thành “Chúa cứu giúp nhà vua”, nhưng hầu hết người Anh chỉ biết đến phiên bản khác, dành cho nữ hoàng.

Con trai và là người thừa kế của bà, Charles, đã tóm tắt sức mạnh của sự trường tồn của bà trong một bộ phim tài liệu truyền hình hiếm hoi được phát sóng vào năm 2012 để đánh dấu năm thứ 60 của bà trên cương vị nữ hoàng. “Có lẽ trong tiềm thức,” Charles nói, “mọi người cảm thấy được khích lệ, cảm thấy yên tâm bởi một điều gì đó luôn ở đó.”

Hoạt động theo hiến pháp quan trọng cuối cùng của bà diễn ra vào ngày 7/9 vừa qua, khi bà chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Boris Johnson và yêu cầu người kế nhiệm Liz Truss thành lập một chính phủ mới.

Trong chế độ quân chủ có niên đại ít nhất là thế kỷ 10 với Vua Athelstan, thời kỳ trị vì của Elizabeth là lâu nhất. Năm 2015, bà đã phá kỷ lục từng được cho là không thể phá vỡ, khi vượt qua 63 năm cai trị của bà cố của bà, Nữ hoàng Victoria. Trong khi Victoria rút lui khỏi nhiệm vụ hoàng gia của mình sau cái chết sớm của chồng, Hoàng tử Albert, thì Nữ hoàng Elizabeth – với phong thái bề ngoài nghiêm khắc, tâm thế sắt đá và chiếc túi xách chỉn chu – vẫn tham gia thực hiện các nhiệm vụ hoàng gia của bà trong phần lớn cuộc đời, và đúng với lời cam kết bà đã hứa vào sinh nhật thứ 21 của mình.

Khi đó mới chỉ là một nàng công chúa có gương mặt tươi tắn đang đi du lịch cùng cha mẹ ở Nam Phi, bà đã nói trước thính giả của cả Đế quốc Anh trên toàn cầu: “Tôi xin tuyên bố trước các bạn rằng cả đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ cống hiến hết mình để phục vụ các bạn, và sẽ phục vụ gia đình hoàng gia vĩ đại của chúng ta mà tất cả chúng ta đều thuộc về”.

Thời gian phục vụ đó, so với các nhân vật hàng đầu khác, là đáng kinh ngạc – trải qua nhiệm kỳ của 15 thủ tướng Anh, 14 tổng thống Hoa Kỳ và 7 giáo hoàng. Là thống đốc tối cao của Giáo hội Anh, Elizabeth đã bổ nhiệm sáu tổng giám mục của Canterbury.

Bà cũng phải điều hướng thay đổi thái độ của công chúng đối với gia đình hoàng gia khi các phương tiện truyền thông ngày càng không được kiểm soát đã gây ra những rắc rối. Giai đoạn tồi tệ nhất xảy ra vào năm 1997 với cái chết trong một vụ tai nạn xe hơi của con dâu cũ của bà, Công nương Diana, và sự tức giận của công chúng trước việc không tỏ thái độ của Nữ hoàng trước tai nạn trên.

Đó là một trong số ít sai lầm, và cuộc khủng hoảng trên đã qua đi: Vào thời điểm kỷ niệm lễ Kim cương của bà vào năm 2012, Nữ hoàng Elizabeth là chủ đề của lễ hội tình yêu kéo dài bốn ngày bao gồm một đám rước trên sông Thames, ngang ngửa với một cuộc thi hoa hậu thời Trung cổ. Tỷ lệ chấp thuận của công chúng đối với bà ở mức 90 phần trăm. Tại một buổi lễ tại Nhà thờ St. Paul, Đức Tổng Giám mục Rowan Williams nói: “Chúng ta đang đánh dấu sáu thập kỷ với bằng chứng sống động rằng việc phục vụ người dân là có thật, và rằng đó là nơi mà hạnh phúc có thể được tìm thấy”.

Vào thời điểm lễ Bạch Kim của bà vào năm 2022, đánh dấu 70 năm bà làm nữ hoàng, lễ kỷ niệm tầm quốc gia đã thêm một chiều hướng khác, một sự công nhận chung rằng triều đại của bà gần như đã kết thúc và thuộc loại sẽ không bao giờ được lặp lại nữa nếu xét về độ dài, sự tráng lệ và vị trí của nó trong một xã hội Anh đã thay đổi.

 

 

 

 

Nữ hoàng Elizabeth năm 1960 tại Cung điện Buckingham. Ảnh tư liệu

“Trong khi chúng ta ca ngợi sự trung thành mạnh mẽ của Elizabeth II với việc dùng cả cuộc đời để phục vụ người dân, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng một phiên bản cổ xưa của chế độ quân chủ giờ đây phải rút lui vào lịch sử,” nhà báo và nhà quan sát hoàng gia Tina Brown viết trong cuốn sách năm 2022 của cô, “The Palace Papers.”

Không có gì ghi lại khoảnh khắc này rõ ràng hơn hình ảnh của Nữ hoàng trong đám tang của chồng, được tổ chức vào năm 2021 trong bối cảnh các hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus. Mặc đồ đen và che mặt bằng mặt nạ, bà dường như đơn độc nếu không muốn nói là bị cô lập lọt thỏm trong các băng ghế dài của Nhà nguyện St. George, Windsor.

Những tháng sau đó được đánh dấu với tình trạng sức khỏe ngày càng yếu của bà, một lần nhập viện hiếm khi xảy ra và nhiễm covid, bà đã không thể thực hiện các nhiệm vụ công cộng lâu đời và quen thuộc đối với dân chúng Anh.

Ở tuổi 90, bà duy trì lịch sự kiện và tần suất xuất hiện nghiêm ngặt. Số lần xuất hiện là hơn 400 trong Năm Kim Cương (60 năm trị vì) của bà. Cuộc sống công cộng của bà được xác định do những nhiệm vụ này, một số có vẻ tầm thường, chẳng hạn như bố thí tượng trưng, ​​một số nhiệm vụ khác tràn đầy sự phô trương và lễ nghi – chẳng hạn như việc khai mạc Quốc hội hoặc tổ chức bữa tối cấp nhà nước.

Đối với người ngoài, những sự kiện lặp lại như vậy có vẻ mang tính hình thức, nhưng về tần suất lặp lại của chúng, Charles nói, chúng “giúp neo giữ tất cả” trong một thế giới năng động và hơn thế nữa, đưa Nữ hoàng đến với cuộc sống của người dân Anh.

Vai trò của bà với tư cách là Nữ hoàng đã định hình cuộc đời của Elizabeth, nhưng sự cống hiến không ngừng nghỉ của bà cho công việc cũng đã góp phần định hình chế độ quân chủ. Không giống như chị gái và một số người con của bà, bao gồm cả Charles, bà giữ cho cuộc sống cá nhân của mình rất kín đáo và tránh bê bối riêng tư cũng như tranh cãi công khai. Viễn cảnh thoái vị – đã có những lời kêu gọi về một động thái như vậy khi cháu trai và người thừa kế thứ ba của bà, Hoàng tử George, chào đời vào năm 2013 – là xa lạ với một người không bám vào quyền lực mà tập trung vào nghĩa vụ như bà.

Dickie Arbiter, một cựu phát ngôn viên của hoàng gia, cho biết vào thời điểm đó rằng sự quên mình của Elizabeth sẽ ngăn cản điều đó: “bà đã thề sẽ phục vụ suốt đời không chỉ cho người dân, mà cho cả Chúa”.

Điều nghịch lý – và có thể là chiến công vĩ đại nhất – trong triều đại của Elizabeth là khả năng có thể tỏ ra nghiêm túc trong một thời gian dài mà không để lộ nội tâm của mình. “Trong tất cả các nhân vật của công chúng trên thế giới, bà là người kín đáo nhất”, nhà báo kỳ cựu người Anh Bill Deedes viết vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của bà.

Nữ hoàng Elizabeth không bao giờ trả lời phỏng vấn, xuất bản nhật ký của mình hoặc biểu lộ những gì đưa đến tranh cãi về chính trị đảng phái.

Trong cuốn sách “The Real Elizabeth”, nhà báo và nhà sử học Andrew Marr đã viết, “Quan điểm của bà về vai trò của mình, rằng bà là một biểu tượng, và những biểu tượng tốt hơn hết nên giữ im lặng. Phong cách quân chủ của Nữ hoàng đã chôn vùi nhiều ý thức về bản thân, như chúng ta hiểu ngày nay… Nữ hoàng vẫn làm những gì bà làm. Chỉ có một khoảng trống nhỏ (dù là một không gian thú vị) giữa Nữ hoàng Elizabeth II và một người phụ nữ đã sống trọn cuộc đời mình”.

Về cuối đời, khi bà cắt giảm các nghĩa vụ công cộng và đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng cá nhân, không gian đó dường như nhỏ hơn bao giờ hết. Vào năm 2020, cháu trai của bà, Hoàng tử Harry về cơ bản đã chạy trốn khỏi gia đình hoàng gia sau cuộc hôn nhân với nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle. Năm 2021, Elizabeth mất đi người bạn tâm giao gần như trọn đời của mình là Hoàng tử Philip sau 73 năm chung sống, và bà phải đối mặt với sự mất mặt của cậu con trai thứ hai, Hoàng tử Andrew, do bị cáo buộc có hành vi tình dục sai trái.

Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian trị vì của mình, Nữ hoàng đã khéo léo tuân thủ vai trò của mình đến mức thần dân của bà “thực sự biết ít hơn nhiều về nữ hoàng so với những gì họ tưởng tượng,” nhà viết tiểu sử Robert Lacey cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với The Washington Post. “Nhưng đối với tôi, điều đó có vẻ ít quan trọng hơn là mọi người lại cảm thấy họ biết bà rất rõ.”

Tuy nhiên, nếu không phải vì một vụ ly hôn từ Baltimore, thế giới sẽ khó có thể biết đến một người phụ nữ thường được bạn bè biết đến với biệt danh thời thơ ấu là Lilibet.

Được đẩy lên sân khấu chính

Elizabeth Alexandra Mary Windsor được sinh ra là một công chúa hoàng gia vào ngày 21 tháng 4 năm 1926, tại nhà ông bà ngoại của bà ở quận Mayfair của London. Mẹ của bà, cũng tên là Elizabeth, xuất thân từ tầng lớp quý tộc Scotland. Cha của bà, Albert, Công tước xứ York, là con trai thứ hai của Vua George V. Em gái của Công chúa Elizabeth, Margaret Rose, được sinh ra bốn năm sau đó.

Cuối cùng cả gia đình bà chuyển đến một dinh thự trên khu đất cao cấp Windsor từ London, nơi đặt tên cho triều đại của họ. Khi còn là một đứa trẻ, Elizabeth đã có một cuộc sống nhẹ nhàng với tư cách một gia đình hoàng gia nhỏ.

Anh trai của bố Elizabeth, Edward, kế vị vua cha của họ khi ông vua này qua đời vào đầu năm 1936. Nhưng khi đó, Edward (gia đình gọi là David) lại yêu một phụ nữ Mỹ Wallis Simpson, người sắp ly hôn – lần ly hôn thứ hai của bà – khiến Simpson hoàn toàn không thích hợp để trở thành hoàng hậu trong mắt chính quyền Anh, và cả Nhà thờ Anh.

Edward sau đó thoái vị – một quyết định gây sốc mà H.L. Mencken gọi là “câu chuyện vĩ đại nhất kể từ sau Vụ đóng đinh Christ” – và em trai của Edward – bố của Elizabeth – trở thành Vua George VI.

Đột nhiên, vào năm 10 tuổi, cha Elizabeth trở thành vua nước Anh và khả năng một ngày nào đó Elizabeth sẽ là Nữ hoàng.

Elizabeth đã được học lịch sử nước Anh, về cuộc sống của các quốc vương và mối quan hệ thắm thiết của họ với Nghị viện Anh, nhưng những bài học đó là không đủ cho công việc cả đời phục vụ công chúng sau này của bà. Elizabeth cũng được được dạy cách lái xe ngựa và cưỡi ngựa khi để 2 chân một bên, một kỹ năng cần thiết sau này khi bà tham gia lễ duyệt đội quân danh dự.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, kết thúc khi bà 19 tuổi, bà đã không chạy đến Canada để được an toàn, như một số người đã khuyên, mà ở lại nước Anh và gia nhập quân đội.

Sau đó, bà đã tìm thấy người bạn đời của mình, Hoàng tử Philip, cũng là chắt nhiều đời của Nữ hoàng Victoria và là con trai của một hoàng tử Hy Lạp lưu vong. Philip đã ghi dấu ấn của mình khi còn là một sĩ quan trẻ trong hải quân Anh dưới sự bảo trợ của người chú Louis Mountbatten.

Đám cưới của họ diễn ra vào ngày 20 tháng 11 năm 1947, trong bối cảnh tái thiết sau chiến tranh, đã tạo ra cái mà Winston Churchill gọi là “một điểm sáng trên con đường khó khăn mà chúng ta phải đi.” Đến bây giờ thì đám cưới này hầu như không được nhớ đến, nhưng cuộc hôn nhân như trong truyện cổ tích giữa một công chúa rạng rỡ và một sĩ quan hải quân tóc vàng bảnh bao khi đó đã vượt qua tầm cỡ các đám cưới hoàng gia sau này của Thái tử Charles và Diana Spencer vào năm 1981 và Hoàng tử William và Kate Middleton năm 2011.

 

 

 

 

Công chúa Elizabeth và chồng chưa cưới Philip Mountbatten trong ngày tuyên bố lễ đính hôn của họ, năm 1947. Ảnh tư liệu

Elizabeth có bốn người con, Thái tử Charles (1948), Công chúa Anne (1950), Hoàng tử Andrew (1960) và Hoàng tử Edward (1964), tất cả đều còn sống. Bà và chồng Philip đã mong muốn vua George VI sẽ trị vì lâu dài và có cơ hội có được cuộc sống khá bình thường như một gia đình hải quân, nhưng vào mùa đông năm 1952, nhà vua qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 56. Elizabeth chấp nhận vai trò và số phận của mình ngay cả khi bà có thể khao khát một cuộc sống hoàn toàn khác, tránh xa ánh đèn sân khấu.

Nữ hoàng mới tìm kiếm sự tự tin

Công chúa Elizabeth và chồng khi đó đang ở Kenya và trên đường tới Úc, thay cho người cha ốm yếu của bà thực hiện chuyến thăm chính thức nước này. Khi bà biết tin nhà vua qua đời, bà đã bay về nhà với tư cách là Nữ hoàng mới 25 tuổi, và được một dàn lãnh đạo trầm mặc, bao gồm cả Churchill, chào đón tại sân bay.

Sự kiện lên ngôi Nữ hoàng của bà vào năm sau đó đã cho công chúng Anh thấy một sự phô trương rất cần thiết về sự hào nhoáng và lạc quan – về một Thời đại Elizabeth mới – trong một đất nước đang phải chịu sự thắt lưng buộc bụng sau chiến tranh, sự chia rẽ chính trị và chia rẽ xã hội gay gắt, sự tan rã của đế chế gồm các thuộc địa và sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh.

Lễ đăng quang của Elizabeth diễn ra tại Tu viện Westminster vào ngày 2 tháng 6 năm 1953 – ngày mà tin tức nhà leo núi Edmund Hillary của New Zealand đã đặt biểu tượng nước Anh lên trên đỉnh Everest trong một cuộc thám hiểm do người Anh dẫn đầu đã lan tới London.

Trong hơn 400 năm, quốc vương nước Anh đã phải đóng vai trò nguyên thủ quốc gia trong khi nhường quyền lực chính trị cho Nghị viện Anh và duy trì tính trung lập đảng phái nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhờ tuổi thọ và sự siêng năng của mình, Elizabeth có vai trò là cố vấn hậu trường quan trọng cho hàng loạt thủ tướng kế nhiệm, những người đi vào đi từ Phố Downing đến Cung điện Buckingham để gặp bà vào thứ ba hàng tuần.

Trong những phiên họp đó, bà đã đưa ra những lời khuyên bí mật cho nhà lãnh đạo chính trị, xuất phát từ quan điểm độc đáo của bà về đời sống quốc gia và kiến ​​thức tổng hợp về các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao nước ngoài. Việc các thủ tướng có nghe theo lời khuyên của bà hay không thì là chuyện khác – các phiên họp diễn ra rất kín đáo, như các cuộc trò chuyện trong tòa giải tội.

Lúc đầu, sức ảnh hưởng của Elizabeth bị hạn chế do thiếu kinh nghiệm: năm 1952, Churchill là một con sư tử già vẫn còn có những hoài niệm tốt đẹp với Nữ hoàng Victoria. Nhưng cùng với năm tháng trôi qua, Elizabeth đã chứng kiến ​​các thủ tướng đến rồi đi, và dần dần bà có thể đưa ra một tầm nhìn dài hạn được tích lũy bằng trí nhớ tuyệt vời về những cái tên và sự kiện. Thái tử Charles nói trong bộ phim tài liệu năm 2012 của BBC: “Giờ vị thế đã đảo ngược. Sau một thời gian dài, Nữ hoàng đã có kinh nghiệm của Sir Winston.”

Nhìn chung, Elizabeth được biết đến là người có quan hệ chặt chẽ với một số thủ tướng nhiều hơn những thủ tướng khác. Vào đầu những năm 1970, Edward Heath chỉ “coi bà như một đối tác kinh doanh cần thiết,” Ben Pimlott viết tiểu sử về Elizabeth. Tệ hơn nữa, một Heath ủng hộ châu Âu đã công khai chống lại các lợi ích của Khối thịnh vượng chung, và từng ngăn cản Nữ hoàng tham dự một hội nghị của các nhà lãnh đạo ở Singapore.

Với tư cách là quốc vương của Khối thịnh vượng chung gồm 15 vương quốc và hơn 50 quốc gia, Elizabeth đã giữ cho nước Anh liên kết chặt chẽ với các lãnh thổ cũ của mình. Năm 1999, người Úc từ chối một cuộc trưng cầu dân ý để trở thành một nước cộng hòa trong một cuộc bỏ phiếu được coi là phản ánh lòng trung thành với Nữ hoàng Elizabeth hơn là với Vương quốc Anh.

Rất nhiều lời ong tiếng ve đã được nói về mối quan hệ được cho là lạnh nhạt giữa Elizabeth và Margaret Thatcher, người đã phủ nhận mọi xích mích không đáng có giữa hai người. Pimlott lập luận rằng phong cách lãnh tụ của Bà đầm Thép đã khiến cả hai khó xử. Thatcher sẽ căng thẳng khi ngồi trên mép ghế của mình, điều này tự nó đã khiến Nữ hoàng không thấy yên tâm. Ông viết: “Các cuộc gặp gỡ giữa 2 người không còn là những dịp thân mật, và trở thành những cuộc hội kiến ngắn ngủi và mang tính hình thức”.

Hai trong số những người tiền nhiệm của Thatcher, Anthony Eden và Harold Wilson, đã biến các cuộc gặp với Nữ hoàng trở thành các buổi trị liệu tâm lý và hào hứng tận dụng chúng.

Marr, nhà báo kiêm nhà sử học viết: “Wilson thích thú gặp gỡ các thành viên của Hoàng gia Anh bất kỳ lúc nào ông cảm thấy bị các bộ trưởng từ phe cánh tả và cánh hữu bao vây.”

 

Phần 2

Cuộc đấu trong nội bộ gia đình

Là một người vợ và người mẹ, Elizabeth bảo vệ rất chặt sự riêng tư của mình.

Đã có lúc ý chí của Hoàng thân Philip xung đột với mong muốn của các nhà lãnh đạo chính trị đương chức. Theo các nhà viết tiểu sử, với tư cách là người đại diện cho Philip, thời gian xung đột đó đã dẫn đến một số nỗ lực vất vả nhất của Nữ hoàng.

Philip đã không muốn chuyển đến Cung điện Buckingham có nhiều mái vòm và sảnh lớn, nhưng mong muốn của ông đã bị bác bỏ. Khi người chú của Phillip tự mãn tuyên bố sau cái chết của vua George rằng triều đại Windsor sẽ trở thành triều đại Mountbatten, việc đổi tên triều đại nhanh chóng bị Churchill phủ quyết trong sự xấu hổ của Philip.

“Tôi chỉ là một con trùng amip hút máu,” chồng Nữ hoàng phàn nàn. Năm 1960, để giúp đỡ Elizabeth, chính phủ Anh đồng ý cho phép con cháu của bà sử dụng họ kép Mountbatten-Windsor.

Bất chấp sự phục tùng của Philip – ngược với phong cách của ông – cuộc hôn nhân giữa hai người vẫn bền chặt và hạnh phúc, và đôi khi hoàng thân gọi vợ mình một cách thân thương là “Xúc xích”. Lời mở đầu bài phát biểu của nữ hoàng thường bắt đầu với câu “Chồng tôi và tôi…” và đã trở thành một câu cửa miệng. Những người nhìn thấy họ gần gũi nhau đã nhận xét giữa hai người có “một tình cảm dè dặt, nhưng có thể thấy được,” Pimlott viết.

Như để bù đắp cho sự lấn át về uy thế của mình, Elizabeth nhường việc nuôi dạy con cái cho Philip, và đây là một chiến lược mang lại hiệu quả riêng, đặc biệt là với người con sẽ thừa kế ngôi vị.

Philip quyết định gửi Charles đến trường cũ của mình, Gordonstoun, một trường nội trú trên bờ biển lạnh giá của Scotland, nổi tiếng với cam kết xây dựng tính cách thông qua sự nghiêm khắc và dựa trên các giá trị.

Charles, sau này ở tuổi trung niên, đã phàn nàn về một tuổi thơ không hạnh phúc do sự xa cách với mẹ và quyền lực của cha. Mẹ ông hầu như im lặng, ít nhất là trước công chúng, củng cố hình ảnh của bà như là một người mẹ lạnh nhạt và một người hoàn toàn không thích đối đầu.

Nữ hoàng đã dành phần sau của cuộc đời mình để đối mặt với những vụ bê bối gia đình, với cả sự thèm khát của giới truyền thông, điều mà Elizabeth không hề phải bận tâm khi bà còn là một nữ hoàng trẻ tuổi.

Mặc dù nữ hoàng được cho là rất yêu quý cô em gái Margaret, thật khó để tưởng tượng có hai chị em ruột lại khác nhau tới vậy, hoặc nhà nước quân chủ đã để Margaret ra đời trước. Trước khi cuộc hôn nhân của bà kết thúc bằng ly hôn, Margaret được biết đến như một công chúa thích cuộc sống thượng lưu, không thích làm công vụ nhưng nhất quyết đòi phải được đối xử như công chúa. Margaret qua đời năm 2002.

Những vụ bê bối của Margaret làm xáo trộn tâm lý những đứa con của nữ hoàng, và cuộc hôn nhân như cổ tích của Charles và Diana đã trở thành phim truyền hình nhiều tập của thế kỷ. Giữa những lời chỉ trích và tiết lộ của công chúng về sự không chung thủy của cả hai người, Hoàng tử và Công nương xứ Wales chính thức ly thân vào năm 1992 và dù Nữ hoàng nhất quyết níu kéo, họ đã ly hôn vào năm 1996.

Elizabeth phải đối mặt với các phiên tòa khác vào năm 1992: vụ ly hôn của Công chúa Anne; Hoàng tử Andrew ly thân với vợ Sarah; các cuộc trò chuyện điện thoại được ghi âm đáng xấu hổ liên quan đến Charles và Diana bị tiết lộ ra; và một đám cháy tàn khốc tại Lâu đài Windsor yêu quý của Nữ hoàng.

“Vụ cháy này,” bà nói trong một bữa tiệc trưa trang trọng, “trở thành một năm của thảm họa”.

Lacey, trong tiểu sử của mình về Nữ hoàng, đã lưu ý rằng “bà phải sử dụng tiếng Latin để diễn đạt điều đó, nhưng lần đầu tiên sau 40 năm, Elizabeth II đã nói lên tiếng nói của công chúng về một số nỗi đau và sự tổn thương thực sự”.

Không đến 5 năm sau, bà phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt nhất trong chế độ quân chủ của mình. Sau khi Diana và bạn trai qua đời ở Paris khi chiếc xe của họ bỏ chạy khỏi cánh săn ảnh với tốc độ cao, người Anh đã phải trải qua một nỗi đau và cơn thịnh nộ tập thể hướng về Charles và gia đình ông. Nữ hoàng Elizabeth ở lại Lâu đài Balmoral, bà cảm thấy rằng nhiệm vụ đầu tiên của bà là phải cách ly những đứa cháu trai còn nhỏ của mình khỏi cơn cuồng loạn đang gia tăng của công chúng.

Sự tức giận trở nên tập trung vào cột cờ phía trên Cung điện Buckingham. Đám đông bên ngoài muốn xem một lá cờ ở vị trí cao một nửa. Đối với nữ hoàng, điều đó sẽ là một sự vi phạm nghi thức và truyền thống – cờ của cung điện chỉ tung bay theo tiêu chuẩn hoàng gia khi quốc vương đang sống trong đó.

“Trong sự cộng sinh kỳ lạ giữa người cai trị và người bị trị, người dân Anh đã khăng khăng rằng Nữ hoàng thừa nhận rằng bà đã cai trị theo sự đồng ý của họ và chiều theo ý chí của họ,” Tony Blair, thủ tướng vào thời điểm đó, viết trong hồi ký của mình. “Sự tức giận của công chúng đang hướng về gia đình hoàng gia.”

Tuy nhiên, sự kiên định ban đầu của Elizabeth đã tan biến sau những lời khuyên can từ các cố vấn của bà. Lá cờ được kéo lên, bà trở về sớm từ Balmoral, để kịp xuất hiện với đám đông trước Cung điện Buckingham, sau đó bà phá vỡ sự im lặng của mình với một bài phát biểu trên truyền hình. Nữ hoàng đã không tôn vinh Diana, nhưng bà đã bày tỏ đau buồn vì Diana: “Ai mà đã từng biết Diana sẽ không bao giờ quên cô ấy. Hàng triệu người khác chưa bao giờ gặp Diana, nhưng nếu họ cảm thấy họ biết Diana, họ sẽ nhớ đến cô ấy”.

Vụ việc trên là một lời nhắc nhở hiếm hoi rằng đối với tất cả bề dày lịch sử và sự hiện diện sâu rộng của Hoàng gia Anh trong kết cấu và tâm lý cuộc sống của người Anh, chế độ quân chủ này vẫn là một thể chế mong manh.

Wallis Simpson, người phụ nữ có số phận đã thay đổi vận mệnh của Elizabeth, đã viết về việc bà đã không chuẩn bị sẵn sàng cho việc Edward đột ngột bị Hoàng gia ghẻ lạnh, mặc dù trước đó chính Hoàng gia đã đưa ông lên vị trí cai trị. “Tôi chưa bao giờ thấy Vua Edward thực sự dễ bị tổn thương như thế, rằng quyền lực mà ông ấy thực sự có hóa ra nhỏ bé tới vậy,” bà viết.

Trong khi Edward đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên chế độ quân chủ, thì cô cháu gái Elizabeth của ông đã dành cả cuộc đời mình để đặt chế độ quân chủ lên hàng đầu.

Pimlott đã viết rằng “trong tâm thức của bà có một mạch nỗi buồn: một số người nói rằng bên dưới bề mặt của Nữ hoàng là một chút đam mê, mặc dù không thể xác định đó là đam mê đối với ai hoặc với cái gì. Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ra tự chủ, và không mất đi khả năng tự kiềm chế của mình”.

Đằng sau hậu trường

Những người viết tiểu sử tìm hiểu cuộc đời của Elizabeth đã nhận thấy rằng khi ở riêng tư và trong môi trường không có người bảo vệ, bà là một người bắt chước xuất sắc, coi tiết kiệm là một phẩm chất tốt và thích những thú vui khá nhàm chán theo kiểu cũ, chẳng hạn như khiêu vũ theo hình vuông, chơi ghép hình, nhiếp ảnh và xem truyền hình.

Bà sở hữu một chuồng ngựa đua và trang trại ngựa giống, nhờ một người quản lý đường đua làm việc với những người huấn luyện, và tích cực tham gia vào việc mua những con thuần chủng. Vào năm 2013, sáu thập kỷ sau khi đăng quang, bà đã chứng kiến ​​con ngựa của mình là Estim giành được Cúp vàng tại Ascot. Nữ hoàng phản ứng với niềm vui khôn tả, cười rạng rỡ và vỗ tay với niềm hân hoan như trẻ thơ.

Trong những lần khi sự an toàn của mình bị đe dọa, Nữ hoàng đã thể hiện dũng khí của mình. Khi bà cưỡi ngựa đến Trooping the Colour, cuộc duyệt binh hàng năm theo nghi lễ của quân đội, vào tháng 6 năm 1981, một thanh niên đã bắn sáu viên đạn trên đường đi của bà. Elizabeth làm cho con ngựa đang giật mình trấn tĩnh lại, và bà tiếp tục duyệt hàng binh danh dự, trong khi một lính canh người Scotland truy đuổi thanh niên trên.

Năm tiếp theo mang đến cho bà một mối đe dọa còn rùng mình hơn. Vào tháng 7 năm 1982, một kẻ theo dõi tên là Michael Fagan đã tìm thấy đường vào phòng ngủ của Nữ hoàng. Những nỗ lực của bà để kêu gọi nhân viên giúp đỡ đã thất bại, ít nhất là lúc đầu. Elizabeth sau đó nhớ lại, theo lời Lacey, rằng “Tôi bước ra khỏi giường, mặc áo choàng và đi dép lê, ưỡn người đứng thẳng như một nữ hoàng, chỉ tay về phía cửa và nói, ‘Cút ngay!’ – và anh ta vẫn không đi.”

Elizabeth chỉ cao 5 feet 4 inch (Victoria thấp hơn, cao 4 foot-11.)

Nữ hoàng là một người sống theo thói quen và có vẻ khó tính. Bà sống theo một lịch trình chi tiết, ít thay đổi trong nhiều năm. Nữ hoàng thường trú tại Cung điện Buckingham hoặc Lâu đài Windsor ưa thích của bà, nơi bà sống vào tháng Tư và hầu hết các ngày cuối tuần. Nữ hoàng đã đến sống dài hạn ở Windsor kể từ khi Đại dịch covid-19 bắt đầu.

Bà đã dành phần lớn thời gian của tháng 8 và tháng 9 tại Balmoral, nơi khách được chiêu đãi tiệc thịt nướng do Philip điều hành. Tony Blair kể lại: “Hoàng gia nấu ăn và phục vụ khách. Nữ hoàng hỏi bạn đã ăn xong chưa, bà xếp các đĩa lên và đi vào bồn rửa để rửa chúng.”

Vào dịp Giáng sinh và Năm mới, bà tập họp gia đình mình tại Sandringham, điền trang của bà ở East Anglia. Có lẽ nơi nghỉ ngơi yêu thích của bà là một con tàu sơn xanh mang tên Du thuyền Hoàng gia Britannia. Con tàu này đã được ngưng sử dụng vào năm 1997 tại một sự kiện mà Nữ hoàng đã rơi một giọt nước mắt hiếm hoi trước công chúng.

Tại Balmoral và Sandringham, công chúng có được những góc nhìn thoáng qua về việc đáng lẽ Elizabeth có thể đã sống như thế nào nếu bà không trở thành Nữ hoàng: bà trở thành một phụ nữ đồng quê người Anh đi giày cao gót trong bộ đồ màu xanh dẫn đầu một đám chó rừng xứ Wales lội bùn.

Theo người viết tiểu sử Sally Bedell Smith, bà có một nhóm bạn bè và người thân nhỏ và kín đáo, những người mà bà có thể tâm sự một cách riêng tư sau cả ngày phải sống cho công chúng, nhưng ngay chính họ cũng sẽ cúi đầu chào Nữ hoàng theo lễ nghi, và bà vẫn giữ một khoảng cách nhất định với họ, theo người viết tiểu sử Sally Bedell Smith.

Smith, trong một cuộc phỏng vấn, cho biết bà đã tìm hiểu Elizabeth bằng cách nghiên cứu kỹ các thói quen buổi sáng Chủ nhật của bà. Elizabeth sẽ cầu nguyện tại Nhà nguyện Hoàng gia ở Windsor và sau đó tự lái xe đến gặp người chị họ và người bạn suốt đời của mình, Margaret Rhodes, người sống trong một ngôi nhà nhỏ ấm cúng trên khu đất Windsor mà nhà vua đã tặng cho bà.

Elizabeth sẽ ngồi trên chiếc ghế sofa thoải mái nhưng đã bạc màu, nhâm nhi ly cocktail rượu gin và Dubonnet yêu thích của mình, và trò chuyện với bà Rhodes về các sự kiện trong tuần giữa những bức ảnh gia đình được đóng khung trang trọng.

Trong một tâm trạng suy tư hiếm hoi trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung vào năm 2011 tại Perth, Úc, Elizabeth đã mượn một câu châm ngôn của thổ dân Úc để bày tỏ cảm xúc của mình.

“Tất cả chúng ta đều là những du khách đến thăm nơi này. Mục đích của chúng ta ở đây là quan sát, học hỏi, trưởng thành, yêu thương… và sau đó chúng ta lại trở về nhà”.

Tiếng Dân

Vĩnh biệt Nữ hoàng có một không hai

 


Một người dân Anh đến viếng tại trước cửa điện Buckingham Palace, London.

Một trong các dân biểu, bà Hariet Harman, kể lại khi bà bị cho nghỉ chức Bộ trưởng An sinh Xã hội dưới thời Thủ tướng Tony Blair hồi cuối thập niên 1990, chính Nữ hoàng là người gọi điện hỏi thăm bà trong lúc mà “chẳng ai quan tâm” tới người mất chức nữa.

Ngày 8/9/2022 sẽ đi vào lịch sử như một ngày thế giới mất đi một biểu tượng của sự tử tế và chừng mực cũng như chỗ dựa tinh thần lớn nhất không chỉ của người Anh mà còn là của người dân rất nhiều nước trên thế giới sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth ở tuổi 96.

Tình cờ thế nào ngày 8/9 cũng là ngày tôi tới trường đại học mới, University of East London, trường đã có vinh dự đón Nữ hoàng tới khai trương một số toà nhà trong đó có thư viện và toà mang tên Bến Kiến thức mà tôi được một đồng nghiệp dẫn tới thăm. Anh nói anh đã tới đưa tin về chuyến thăm của Nữ hoàng hồi năm 2007 cho BBC trước khi quay trở lại dạy ở trường vài năm sau đó. Cũng tương tự như với trường mới của tôi, Nữ hoàng để lại dấu ấn ở nhiều nơi trên khắp nước Anh.

Nhưng dấu ấn sâu đậm nhất nằm trong tâm khảm của những người Nữ hoàng đã tiếp xúc. Nghị viện Anh hôm 9/8 đã tổ chức buổi ghi nhớ Nữ hoàng để các chính trị gia có thể chia sẻ kỷ niệm và cảm nghĩ của họ. Một trong các dân biểu, bà Hariet Harman, kể lại khi bà bị cho nghỉ chức Bộ trưởng An sinh Xã hội dưới thời Thủ tướng Tony Blair hồi cuối thập niên 1990, chính Nữ hoàng là người gọi điện hỏi thăm bà trong lúc mà “chẳng ai quan tâm” tới người mất chức nữa. Cựu Thủ tướng Boris Johnson nhắc lại rằng chỉ hai ngày trước khi bà qua đời bà đã từ biệt ông, thủ tướng thứ 14 dưới sự cai trị của bà và tấn phong thủ tướng thứ 15, bà Liz Truss.

Ngay từ hôm 6/9, báo New York Post đã bình luận về vết bầm tím trên bàn tay Nữ hoàng mà mọi người đều có thể thấy khi Nữ hoàng bắt tay bà Liz Truss trong cùng ngày. Một người bạn của tôi cũng nói chồng cô nhìn thấy vết bầm tím đó và nói khi bà anh sắp mất tay bà cũng có những vết như thế. Nữ hoàng đã bước sang tuổi 96 từ tháng Tư năm nay (sinh nhật bà là ngày 21/4) và người ta đã lo ngại cho sức khoẻ của bà từ nhiều tháng nay. Trong phát biểu tại Nghị viện Anh hôm 9/9, cựu Thủ tướng Johnson nói khi BBC phỏng vấn ông vài tháng trước họ còn đề nghị ông dùng thời quá khứ để nói về Nữ hoàng, có lẽ để tiện phát ngay khi Nữ hoàng mất. Nhưng ông Johnson nói ông đột nhiên nghẹn ngào không nói nên lời và từ chối trả lời.

Một trong những người Việt Nam từng ba lần gặp Nữ hoàng Elizabeth là cựu Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Vũ Quang Minh. Ông Minh kể về lần đầu ra mắt Nữ hoàng trong vai trò đại sứ: “Năm đó bà đã 85 tuổi, cực kỳ minh mẫn, thông tuệ. Dù sở hữu khí chất hoàng gia cao quý được bồi đắp suốt mấy chục năm trị vì, nhưng Nữ hoàng lại cho tôi có cảm giác giống như tôi đang nói chuyện với bà mình.

“Trong buổi gặp đầu tiên, bà thân tình và ân cần hỏi tôi: “Vì sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?”.

“Tôi trả lời: “Phu nhân của tôi đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canada nên không thể có mặt trong sự kiện này. Tuy nhiên, phu nhân và con trai tôi vẫn đang dưới sự trị vì của Nữ hoàng (vì Canada thuộc khối Thịnh vượng chung, Nữ hoàng Anh vẫn là Nguyên thủ Quốc gia trị vì ở Canada, về nguyên tắc)”.

“Bà cười lớn khi nghe tôi nói và hào hứng kể: “Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện. Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh.

“… Lần thứ 2 diện kiến Nữ hoàng trong buổi chiêu đãi tại Lễ hội Mùa hè trong vườn Cung điện Buckingham, vừa nhìn thấy vợ tôi, bà cười: “Đây chính là Phu nhân Đại sứ mới từ Canada sang đúng không?”. Tôi rất ngạc nhiên vì bà còn nhớ.”

Nhiều người từng gặp Nữ hoàng như Đại sứ Minh đều nói Nữ hoàng có khả năng khiến họ cảm thấy họ là người quan trọng nhất ở đó. Một cựu thủ tướng Anh được dẫn lời nói Nữ hoàng là người duy nhất mà ông có thể thổ lộ mọi thứ mà không sợ rằng những điều ông nói sẽ đến tai người khác.

Khi tổ chức liên hoan mừng Đại lễ Bạch kim nhân 70 phụng sự của Nữ hoàng cùng các học viên karate của tôi hồi tháng Sáu, trong thâm tâm tôi đã nghĩ sẽ không còn nhiều dịp để chia vui cùng Nữ hoàng như tôi viết khi đó. Nữ hoàng là người không thể thay thế và Vua Charles đệ tam sẽ phải vất vả để chứng tỏ bản thân trong vai trò người đứng đầu Vương quốc Liên hiệp Anh cũng như của Khối Thịnh vương chung gồm hơn 50 nước trong đó có 10 nước sẽ vẫn tạm thời coi Vua Charles là nguyên thủ quốc gia.

Tác giả ghi sổ chia buồn ở nhà thờ địa phương ngày 9 tháng Chín.

Tác giả ghi sổ chia buồn ở nhà thờ địa phương ngày 9 tháng Chín.

Sáng 9/9, tôi là người đầu tiên ghi vào sổ chia buồn tại nhà thờ địa phương nơi tôi sống. Người phụ trách nhà thờ nói một loạt các sự kiện ở nhà thờ có thể sẽ bị huỷ trong một hai tuần tới. Nhiều người tới Anh những ngày này có thể có cảm giác như thời gian ngừng trôi khi nước Anh huỷ một loạt các sự kiện đã được lên lịch để tưởng nhớ cũng như tán dương hơn 70 năm vì dân vì nước của Nữ hoàng có một không hai của Anh.

Elizabeth II, con người phẩm cách

 


Nữ hoàng Elizabeth không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.

Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi.

Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, mới qua đời, là hình ảnh một con người có Phẩm Cách (Dignity). Nước Anh may mắn có một người đóng vai trò lãnh đạo, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.

Nghe tin bà qua đời, nhật báo The Wall Street Journal đã trích lại một ý kiến của ký giả Walter Bagehot trong cuốn “Hiến Pháp Anh Quốc” viết năm 1867. Vị chủ bút báo The Economist nhận thấy chế độ quân chủ hiệu quả nhất để gây dựng phẩm cách: “tạo ra và giữ gìn niềm kính trọng của dân chúng.”

Chế độ Cộng Hòa khi cai trị dân cũng dựa trên niềm kính trọng, nhưng các đại biểu dân cử không gây được niềm tin vào phẩm cách đáng kính như thế. Năm 2012, sau 60 năm trị vì, nữ hoàng vẫn được 90 phần trăm dân chúng ngưỡng mộ. Uy tín các vị tổng thống Mỹ thì trồi sụt bất thường, có khi xuống dưới 40%. Lòng tin tưởng vào Quốc hội, và bây giờ đến Tối cao Pháp viện, còn tệ hơn nữa.

Nhưng phẩm cách đáng kính của Nữ hoàng Elizabeth II không do chế độ tạo ra mà do chính con người và hành động của bà. Có thể nói, chính bà đã cứu vãn chế độ quân chủ trong lúc chỉ hết sức làm bổn phận của mình. Khi gửi lời phân ưu, Giáo hoàng Phan Xi Cô ca ngợi nữ hoàng “là tấm gương của một người chu toàn bổn phận.”

Chu toàn bổn phận có nghĩa là làm đúng vai trò được giao phó: Làm một nữ hoàng. Đài BBC mới nhắc lại một bài diễn văn đọc năm 1947, bà đã phát lời thề: “cả cuộc đời tôi, dài hay ngắn không biết, sẽ để phụng sự quý vị…” Năm 1977, kỷ niệm 25 năm trị vì, bà nhắc lại lời thệ nguyện đó: “Mặc dù được phát biểu trong lúc tuổi còn quá trẻ, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi không tiếc đã nói như thế và không muốn thay đổi một lời nào cả.” Bà làm việc với 15 vị thủ tướng Anh, người sau cùng được bà chỉ định hai ngày trước khi qua đời. Bà đã đi thăm hơn 50 quốc gia cựu thuộc địa trong Khối Thịnh Vượng Chung, trừ Cameroon, mới gia nhập năm 1995, và Rwanda năm 2009. Bà đến thăm Canada 20 lần, Australia 16, New Zealand 10 và Jamaica sáu lần. Năm 85 tuổi, bà vẫn làm phận sự, tham dự 325 sinh hoạt công cộng trong một năm, gần như mỗi ngày một lần!

Đóng đúng vai trò nữ hoàng, không phô bày con người riêng tư, khó nhất là phải ít nói. Không ai biết ý kiến của nữ hoàng trước những biến cố đảo lộn cả nước Anh, như cuộc đổ bộ chiếm kinh đào Suez thất bại năm 1956, cuộc chiến tranh với Argentina ở đảo Falkland; cả khi nước Anh rút khỏi Liên hiệp Âu châu. Khi dân Bắc Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu hay khi dân Scotland trưng cầu ý kiến xem có muốn ly khai khỏi Vương quốc Hiệp nhất (United Kingdom) hay không, bà giữ im lặng. Như hiến pháp bất thành văn quy định, Nữ hoàng không bao giờ nêu ý kiến về các xung đột chính trị, đảng phái, nếu không được mời. Và các vị thủ tướng cũng tôn trọng hiến pháp, không bao giờ mời.

Một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu trong triều đại Elizabeth II diễn ra ở Bắc Ái Nhĩ Lan. IRA (Quân Giải Phóng Ái Nhĩ Lan) muốn vùng này được nhập vào nước Ireland; lực lượng Sinn Féin đã gây nhiều cuộc bạo động, ám sát, cho đến khi chịu hòa giải và không bị kết tội. Năm 2011 nữ hoàng là vị quốc trưởng Anh đến thăm Cộng Hòa Ireland từ khi nước này tách khỏi vương quốc UK. Năm 2012 nữ hoàng bắt tay Martin McGuinnes, một lãnh tụ Sinn Féin đã trở thành phó thủ tướng Bắc Ái Nhĩ Lan. Ai cũng biết chính nhóm Sinn Féin, năm 1979, đã giết Lord Mountbatten, một người anh họ rất thân thiết với bà.

Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ; dùng những lời ái ngữ vừa phải; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua. Ông chồng bà, Hoàng tế Philips nhiều khi tuyên bố những câu gây phản ứng ồn ào, các con bà cũng hay ăn nói quá tự do; bà thì không bao giờ. Là một phụ nữ giàu nhất thế giới nhờ di sản nhiều đời, bà không cần dùng địa vị để sinh lợi. Đọc báo thấy những lời than phiền rằng công quỹ phải chi nhiều quá để nuôi một hoàng gia, bà tình nguyện đóng thuế. Bà không bày tỏ ý kiến về cả các xung đột trong gia đình, không trở thành đề tài cho những tờ báo lá cải như các con, các cháu.

Lối sống, ngôn ngữ và hành vi của nữ hoàng trở thành một “điểm cố định tĩnh lặng trong một thế giới chuyển vần,” (the still point in the turning world) như lời thơ của Thomas Stearns Eliot (1888 –1965), một thi sĩ gốc Mỹ đã xin làm công dân Anh quốc năm 39 tuổi. Điểm tĩnh lặng mang danh hiệu Elizabeth II là nền tảng của một vương quốc bao gồm những sắc dân khác biệt gốc English, Scots, Welsh, Irish, và bây giờ thêm hàng trăm sắc dân khắp thế giới đến cư ngụ. Hai bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới từ nhiệm, một gốc Ấn Độ, một gốc Pakistan, đều hy vọng có ngày sẽ làm thủ tướng. Nữ hoàng là một biểu tượng tạo thành mối đoàn kết quốc gia, tiêu biểu cho một truyền thống văn hóa cổ truyền nhưng chấp nhận thay đổi.

Bà không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.

Dân Anh có khi bầu cho đảng Bảo Thủ chiếm đa số ở Viện Dân Biểu, có khi chọn đảng Lao Động. Mỗi lần thay đổi, việc đầu tiên của người lãnh đạo đảng là đi triều kiến nữ hoàng, để được bà mời đứng ra lập chính phủ mới. Hình ảnh đó cho thấy hai đảng, dù luôn luôn tranh giành quyền lực, nhưng vẫn theo cùng một mục đích, phục vụ cùng một quốc gia. Mỗi lần bà đến đọc diễn văn trước quốc hội, những đại biểu ồn ào quá khích nhất cũng phải đóng vai các thần dân ngoan ngoãn.

Nhật báo Financial Times ghi nhận trong lịch sử Anh quốc ba vị nữ hoàng đều đánh dấu các biến chuyển lớn. Elizabeth I trị vì từ 1558 đến 1603 đã mở rộng ảnh hưởng đế quốc ở Âu châu, các nước Hồi Giáo và sang châu Mỹ; Victoria, ngự trị từ 1837 đến 1901 là thời đế quốc Anh bành trướng khắp thế giới.

Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến tình trạng đế quốc tan rã, các thuộc địa giành độc lập, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mối liên hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa.

Năm 1922, trước khi bà ra đời, Ireland đã giành độc lập, một nhân vật trong tiểu thuyết “Ulysses” của James Joyce nói, “Nước Anh cổ lỗ đang chết dần.” Triều đại 70 năm của Nữ hoàng Elizabeth II cho thấy lời tiên đoán đó “hơi quá đáng.” Có thể nhờ phẩm cách vững chãi thảnh thơi của bà mà Vương quốc Hiệp nhất, UK, vẫn tồn tại. Bà đã sống qua 14 đời tổng thống Mỹ, từ Harry Truman đến Joe Biden. Nước Mỹ hiện đang chia rẽ cùng cực không biết bao giờ mới hàn gắn được. Dân chúng cả nước Anh đang cùng nhau tưởng niệm một người lãnh đạo biết giữ phẩm cách.

Mười năm trước, trong một buổi lễ kỷ niệm ở nhà thờ St. Paul, tổng giám mục Rowan Williams lúc đó đã coi 60 năm trị vì của nữ hoàng là “một tấm gương sống, chứng tỏ rằng người ta vẫn có thể ‘phụng sự công ích;” và trong khi phục vụ họ tìm thấy hạnh phúc.” Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi. Có thể đoán Nữ hoàng đã sống một cuộc đời hạnh phúc.

Nữ hoàng Elizabeth II và tôi

 

TS Lê Trung Tĩnh

Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Gloucestershire, UK

Nữ hoàng Elizabeth II, ảnh chụp ngày 24/11/2016

YUI MOK/PA WIRE Nữ hoàng Elizabeth II, ảnh chụp ngày 24/11/2016

Phải sau vài năm sống ở Anh quốc tôi mới quen được với việc có một Nữ hoàng.

Là một người đã ở Pháp trong nhiều năm dưới phương châm tự do, bình đẳng, bác ái, không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng chấp nhận việc được cai trị bởi một Nữ hoàng/Vua (mặc dù tôi biết họ chỉ là biểu tượng chính trị với tư cách là nguyên thủ quốc gia trong một hệ thống quân chủ lập hiến).

Tôi càng khó chấp nhận một thực thể được gọi là Hoàng gia. Một phần vì gia đình này còn đầy những rắc rối từ vợ chồng đến giữa anh em và thậm chí bê bối từ một số cá nhân. Tinh thần có được từ những năm tháng hoạt động xã hội cùng với một sự đòi hỏi nghiêm khắc và mạnh mẽ tính bình đẳng đã không cho phép tôi chấp nhận, ít nhất là một cách dễ dàng.

Những suy nghĩ đầu tiên của tôi về Nữ hoàng có được trong những tháng đầu tiên sống ở Anh. Khi đó tôi ở chung một căn hộ với một bà chủ lớn tuổi gốc Việt – Hoa ở Canary Wharf. Tôi vẫn nhớ mỗi chiều thường đứng ngắm từ cửa sổ nhà bếp tấm biển HSBC lấp lánh ánh đèn trên nóc tòa văn phòng cao tầng của họ.

Bà chủ nhà là một bà già có lịch sử gia đình chạy nạn cộng sản Trung Quốc lẫn Việt Nam trong những năm bảy mươi. Thời gian đó, tôi làm việc vào ban ngày và lang thang khắp London để tận hưởng những mặt tươi sáng cũng như kém tươi sáng của nó về đêm. Khi mệt mỏi vì sau những đêm dài bên ngoài, tôi dành thời gian uống trà với bà chủ nhà.

Bà ấy kể cho tôi nghe về Nữ hoàng, và đề cập đến bà với sự tôn trọng cao nhất và với một tình cảm sâu sắc dầu khá ý nhị. Bà ấy kể cho tôi nghe về Nữ hoàng và Thatcher, những người đã tiếp bà ấy đến đất nước này, đã sắp xếp chỗ ở của bà trong những tháng đầu tiên ở Coventry trước khi cả gia đình bà tập hợp lại ở Anh.

Từ những cuộc trò chuyện này, tôi có một chút cảm giác và quan niệm rằng tôi đang bước vào không chỉ một đất nước, mà còn là một ngôi nhà, Ngôi nhà của Nữ hoàng. Những suy nghĩ ban đầu này ngày càng trở nên rõ ràng và rõ ràng hơn và giúp tôi hiểu được bản sắc của Anh quốc.

Những cuộc trò chuyện này cũng khiến tôi nhớ đến mẹ. Mẹ thường nói với tôi, và thậm chí bây giờ, mỗi khi tôi đến Paris, hãy nhớ đi cầu nguyện ở Nhà thờ Đức Bà, thánh đường mà người Việt Nam gọi là Đức Bà, nhưng theo tình cảm của Mẹ tôi, nó nên được gọi là Đức Mẹ.

Mẹ cũng đã nói và nói với tôi điều tương tự về Nữ hoàng. “Hãy đến Nhà của Nữ hoàng hoặc thăm bà ấy khi có thể nhe con.” Tôi đồ rằng mẹ tôi nghĩ rằng dầu đi hay ở bất cứ nơi nào, tôi cũng nên sớm đến và nói lời chào với Chủ nhân của đất nước tôi thăm viếng hay sinh sống.

Nữ hoàng Elizabeth II dự lễ ở Nhà thờ Norwich

TIM GRAHAM PICTURE LIBRARY/GETTY IMAGES Nữ hoàng Elizabeth II dự lễ ở Nhà thờ Norwich

Và Nữ hoàng không chỉ là Chủ sở hữu của những thực thể vật chất (mặc dù thật là như vậy: bà sở hữu rất nhiều đất đai về một cách cụ thể cũng như mang tính biểu tượng ở London, Vương quốc Anh và hơn thế nữa), bà còn là đường kết nối của chúng ta với Thiên Chúa. Ở một mức độ nào đó, giống như Nhà thờ Đức Bà Paris, với tư cách là Người đứng đầu Giáo hội Anh, Nữ hoàng là biểu tượng sống của Thiên Chúa trên trái đất.

Một lần nữa, không dễ để tôi chấp nhận điều đó.

Tôi có phải là một cá nhân không chấp nhận gì ngoài các giá trị của con người như bình đẳng và tự do, mà tôi được thừa hưởng sau nhiều năm học hỏi và sinh hoạt và thực hiện các hoạt động xã hội ở Pháp?

Hay tôi chỉ là một đứa con khiêm nhường của Thiên Chúa, mà người đại diện của Ngài tại nơi tôi sống là Nữ hoàng? Và như một người con khiêm nhường của Thiên Chúa, tôi có trong tôi tất cả Vinh Quang và Sự Vĩ Đại của Ngài, từ đó cho tôi tình yêu thương những người xung quanh và coi họ như là anh chị em của tôi?

Chẳng lẽ tình yêu này còn không sâu sắc hơn tình bác ái sao? Và việc xem những người hàng xóm của chúng ta như anh chị em thậm chí không đáng yêu và lãng mạn hơn một đòi hỏi bình đẳng thông thường? Cũng như nếu tôi coi mình là một phần của Thiên Chúa, thì sự tự do của tôi không to lớn và vĩ đại hơn nhiều hay sao?

Những suy nghĩ và cảm xúc chính trị – đạo đức – triết học này vẫn luôn ám ảnh tôi mỗi ngày, nếu không muốn nói trong từng hơi thở.

Horatio Nelson

ROYAL NAVY MUSEUM Phó Đô đốc Horatio Nelson

May mắn thay, tôi có Nữ hoàng, người không chỉ là người đứng đầu Giáo hội Anh, mà còn là một người phụ nữ Anh làm công việc của mình, thực hiện nhiệm vụ của mình với sự kiên định, kiên nhẫn và siêng năng trong suốt 70 năm qua.

Bà là hiện thân của tinh thần của Anh quốc mà tôi cũng đã phần nào học được từ anh Dương Danh Huy, một người bạn, một người anh em và một người đồng chí trong cuộc chiến giành hòa bình và công lý của chúng tôi ở Biển Đông. Anh Huy nói với tôi rằng Phó Đô đốc Horatio Nelson, người đã đánh bại liên quân Tây Ban Nha và Pháp của Napoleon trong trận hải chiến Trafalgar (1805), đã có một lời kêu gọi đơn giản với những người lính của mình: “Hãy làm nhiệm vụ của bạn với đất nước.”

Rất đơn giản. Và nước Anh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này cũng như nhiều cuộc chiến khác.

‘Hãy làm tròn nhiệm vụ được trao’ là bài học từ Nữ hoàng

Tuy Hoàng gia có nhiều bê bối (theo tin tức và đôi khi bị các tờ báo lá cải soi rọi và phóng đại quá mức), càng có tuổi tôi càng có thể nói rằng những bê bối này tồn tại trong bất kỳ gia đình nào. Những rắc rối giữa anh em, vợ chồng, những bê bối hành vi của người này người kia không phải là một phần của cuộc sống của bất cứ ai hay sao?

Ngoài ra, tôi cũng phải nói rằng cách Nữ hoàng ứng xử trong các câu chuyện gia đình là một điều rất đáng học hỏi, bà ấy luôn đặt nghĩa vụ của mình đối với đất nước lên hàng đầu.

Nữ hoàng đã không giành được ngai vàng của mình khi sinh ra, bà đã giành được nó từ hàng triệu người Anh trong thời gian trị vì. Hãy nhớ rằng người Anh từ mọi chính kiến là những người thực dụng, táo bạo và dân chủ. Họ có thể bỏ phiếu bác bỏ bất cứ điều gì, từ việc thay đổi thủ tướng đến gia nhập hoặc rời khỏi bất kỳ tổ chức nào.

Bà Thủ tướng mới lên, Liz Truss, trong những năm còn trẻ, đã từng kêu gọi bãi bỏ Hoàng gia. Để Hoàng gia Anh còn tồn tại được trong thế kỷ hai mươi mốt này, tất phải có cái lý của nó.

Mọi người đặt hoa tưởng nhớ Nữ hoàng

Mọi người đặt hoa tưởng nhớ Nữ hoàng

Người dân Anh trước Điện Buckingham

Người dân Anh trước Điện Buckingham

Một trong những lý do đó là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Bà cai trị một cách nghiêm túc, sáng tạo và luôn sẵn sàng đổi mới ngay cả ở tuổi 90 (vâng, không biết bạn thế nào nhưng ít nhất là đối với bản thân tôi ở khoảng 40, tôi không nghĩ rằng tôi sẵn sàng cho sự đổi mới nhiều như vậy). Nữ hoàng và Hoàng gia ủng hộ ngày càng nhiều ý tưởng tiến bộ, đặc biệt là những ý tưởng liên quan đến môi trường, sự đa dạng và hòa nhập.

Họ không muốn biến nước Anh trở thành một quốc gia độc quyền cho bất kỳ chủng tộc và tầng lớp nào, mà là một quốc gia toàn diện, nơi bất kỳ ai có tài năng và quyết tâm mạnh mẽ đều có thể đến và chọn làm nơi ở.

Elizabeth II thân thiện, thậm chí trẻ trung kể cả ở tuổi rất cao. Bà có thể song hành với James Bond từ một chiếc trực thăng nhân kỳ Thế vận hội 2012 hoặc uống trà với chú gấu Paddington để làm hài lòng bọn trẻ trong dịp kỷ niệm 70 năm trị vì gần đây.

Thật buồn là Nữ hoàng đã không còn nữa, nhưng những ký ức của tôi về bà và những gì học được từ bà sẽ mãi ở lại trong tôi.

Cảm ơn bà, hãy yên nghỉ và về với vinh quang, thưa Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị!

Bài thể hiện quan điểm riêng của tiến sĩ Lê Trung Tĩnh ở Anh Quốc.

Tác giả TS Lê Trung Tĩnh lúc nhận Giải thưởng Địa kỹ thuật năm 2017 khi tham gia dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho xứ Wales

LÊ TRUNG TĨNH TS Lê Trung Tĩnh trong lễ cùng đồng nghiệp nhận Giải thưởng Địa kỹ thuật năm 2017 khi tham gia dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho xứ Wales

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen