Seite auswählen
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại Berlin, Đức, ngày 25/01/2022.

 

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại Berlin, Đức, ngày 25/01/2022. © Reuters

Nga, Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là cả Hoa Kỳ có hài lòng khi thấy bất đồng giữa Đức và Pháp, hai cột trụ của Liên Hiệp Châu Âu, được phơi bày ra ánh sáng ?

QUẢNG CÁO

Berlin, tối qua (19/10/2022) thông báo hủy cuộc họp Hội đồng Chính phủ hỗn hợp với Paris được dự trù diễn ra tại Fontainbleau vào tuần tới. Rạn nứt trong quan hệ giữa Paris và Berlin có nguy cơ làm suy yếu toàn khối và có thể là một món quà ngoài mong đợi đối với Putin khi ông đưa quân xâm chiếm Ukraina.

« Cơm không lành, canh không ngọt », « rạn nứt », « lục đục » trong quan hệ của « cặp đôi Pháp-Đức » : giới quan sát đồng loạt đánh giá như trên về những căng thẳng « âm ỉ » trong bang giao giữa hai quốc gia quan trọng nhất của Liên Hiệp Châu Âu.

Đức thông báo hủy cuộc họp Hội đồng Chính phủ với Pháp, dự trù vào ngày 26/10, vì lý do « lịch làm việc không cho phép » và sự kiện này được hoãn tới tận đầu sang năm. Đó là dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương đã « xấu đi đến nỗi đôi bên không còn có thể tiếp tục che đậy ». Cho đến gần đây, Pháp cố gắng cho rằng « căng thẳng » song phương xuất phát từ việc thủ tướng Olaf Scholz phải dung hòa giữa các phe phái trong thành phần chính phủ liên minh.

Nhưng chiến tranh Ukraina kéo dài, với những hệ quả kèm theo cả về an ninh lẫn chính trị đến kinh tế, đang đè nặng lên Liên Âu và có nguy cơ đe dọa đến tăng trưởng của nước Đức, và Berlin hết kiên nhẫn. Cuộc chiến ngay sát cạnh cửa ngõ của Liên Âu này thách thức chính sách năng lượng và cả đường lối đối ngoại của Berlin.

Vậy những hồ sơ nào gây sóng gió trong quan hệ giữa Đức và Pháp ? Trước hết là vế an ninh và quân sự. Berlin không che giấu sự thờ ơ đối với chiến lược phòng thủ chung châu Âu mà Pháp là một trong những quốc gia trên tuyến đầu. Đức đã chọn mua chiến đầu cơ F-35 của Mỹ, và trong ngân sách khổng lồ hơn 100 tỷ đô la hiện đại hóa quân đội, Berlin rất ít đả động đến những chương trình phát triển trang thiết bị vũ khí chung với Pháp, với các đối tác châu Âu. Phó thác an ninh của chính mình và qua đó là Liên Âu vào tay Hoa Kỳ là điều Pháp khó chấp nhận. Gần đây thủ tướng Scholz cùng với 14 đối tác châu Âu, dự trù mua trang thiết bị của Israel để xây dựng « một vòm trời an toàn chống tên lửa ». Berlin không màng đến khả năng 27 thành viên Liên Âu hợp lực trong lĩnh vực này. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Paris về một chính sách phòng thủ chung.   

Song không chỉ có vế công nghiệp quốc phòng gây bất đồng. Về năng lượng, từ nhiều tháng qua Pháp và Đức cố gắng kềm chế, tránh trực tiếp đối đầu nhưng đó chỉ là « vỏ bọc bề ngoài » : Pháp chủ trương phát triển năng lượng hạn nhân để bảo đảm nguồn tiêu thụ cho toàn khối. Đức thì không, dưới sức ép của đảng Xanh – một trong ba thành phần liên minh chính phủ.

Berlin và Paris lại còn bất đồng sâu rộng về dự án xây dựng đường ống dẫn khi đốt giữa vùng Midi ở miền nam nước Pháp với Catalunya của Tây Ban Nha để đưa khí đốt từ Algerie sang châu Âu mà khách hàng lớn nhất sẽ là Đức. Thủ tướng Scholz coi đây là một ngõ « thoát hiểm » để giải tỏa áp lực về năng lượng. Trái lại tổng thống Macron dứt khoát bác bỏ dự án này với lý do đường ống không thể hoàn tất trước 2026, dự án này như vậy « gây nhiều tổn hại cho môi trường mà không mấy hiệu quả ». Cũng về năng lượng, Paris vận động để Liên Âu có một chính sách chung áp giá trần về khí đốt. Berlin thì không. Giọt nước làm tràn ly : chương trình trị giá 200 tỷ euro của thủ tướng Olaf Scholz để hỗ trợ tư nhân và doanh nghiệp Đức đối mặt với khủng hoảng năng lượng khiến Paris « nổi đóa » : điện Elysée chỉ trích Berlin « trợ cấp trá hình » để vực dậy kinh tế Đức.

Sau cùng, vào lúc Pháp và Đức chính thức khởi động dự án cùng nhau phát triển nhiên liệu hydrogène, thì thủ tướng Olaf Scholz đã ngầm thỏa thuận với Ả Rập Xê Út về một chương trình tương tự và đã chính thức ký kết với Canada hồi tháng 8/2022 một hợp đồng mang tên « Nhiên liệu xanh ». Một nhà ngoại giao châu Âu được báo Le Figaro trích dẫn bình luận « chỉ cần tinh ý một chút sẽ thấy có nhiều điểm ‘nhức nhối’ giữa hai đối tác châu Âu này ».

Vấn đề đặt ra là những bất đồng này lại lộ rõ vào lúc Liên Âu cần đoàn kết trên nhiều mặt và đặc biệt là về các biện pháp trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina, các chương trình hỗ trợ quân sự cho Kiev, an ninh chung của toàn khối. Ngoài việc đối phó với Nga, Liên Âu cũng cần có một tiếng nói chung với một đối tác khác là Trung Quốc. Ai cũng biết rằng, ngoại giao Bắc Kinh luôn chủ trương « chia để trị » và không khi nào bỏ lỡ cơ hội để khai thác những bất đồng giữa hai thành viên nặng ký nhất trong Liên Âu.

Sau cùng, ngay bản thân nước Mỹ, đồng minh thân thiết trong khối NATO, không chắc Washington phật ý trước những rạn nứt có thể làm suy yếu Bruxelles, đẩy Liên Hiệp Châu Âu càng lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

Thách thức đối với Liên Hiệp Châu Âu là nếu như niềm tin giữa Đức và Pháp, bị sói mòn, thì khối này có thể trông cậy vào đâu ? Chắc chắn đó không thể là nước Ý khi mà nội các Giorgia Meloni chưa hình thành, một số đối tác của bà đã không che giấu thiện cảm với Vladimir Putin.

Quan hệ Paris–Berlin lạnh giá, Liên Âu khó đồng thuận về ‘‘giá trần khí đốt’’

 

Giá khí đốt tăng vọt đe dọa kinh tế châu Âu về ngắn hạn và trung hạn. Ảnh minh họa

 

Giá khí đốt tăng vọt đe dọa kinh tế châu Âu về ngắn hạn và trung hạn. Ảnh minh họa AFP – ERIC PIERMONT

Bất đồng sâu sắc trong nội bộ Liên Âu (EU) về ‘‘giá khí đốt’’, trong lúc các lãnh đạo Liên Âu họp lại trong hai ngày, hôm nay và ngày mai, 20 và 21/10/2022, là chủ đề chính của hầu hết các báo ra hôm nay. 

‘‘Giá khí đốt : Các lãnh đạo Liên Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp’’ là một tựa chính trang nhất Le Monde. Theo nhật báo Pháp, ‘‘tất cả các quốc gia thành viên đã thông qua kế hoạch quốc gia để đối phó với các hệ quả của khủng hoảng, nhưng trên cấp độ toàn châu lục thì chưa, đặc biệt về vấn đề ấn định giá trần với khí đốt’’.

Những điểm Liên Âu đã thành công

Hồ sơ chính của Le Monde về chủ đề này cho biết những điểm đã làm được của Liên Âu để đáp ứng thách thức năng lượng mà cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga đặt ra, cụ thể là một mùa đông không có khí đốt từ Nga. Trước hết các nước Liên Âu đã giảm được 15% lượng tiêu thụ khí đốt, giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm (5%), dự trữ được 92% khí đốt cho mùa đông, tiếp tục tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ và Na Uy.

Vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là giá khí đốt và điện. Hiểm họa là rất lớn. Tổ chức của giới chủ châu Âu BusinessEurope ra một thông cáo hôm 17/10, cảnh báo giá cả năng lượng đắt đỏ hiện nay có thể buộc hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, buộc hàng loạt lĩnh vực công nghiệp phải di dời cơ sở ra ngoài châu Âu. Giá cả năng lượng tăng vọt và lạm phát phi mã nói chung có thể dẫn đến các phản kháng xã hội mạnh mẽ, cho dù tất cả các chính phủ châu Âu đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ gia đình và doanh nghiệp.

Giá trần khí đốt: Pháp thúc đẩy đồng thuận rộng rãi để cô lập Đức

Theo Le Monde, thách thức chủ yếu hiện nay là Ủy Ban Châu Âu cho đến nay ‘‘đã chưa có được các sáng kiến cho phép giảm bớt chi phí cho năng lượng’’.  Hơn 15 nước, trong đó có Pháp, Ý, Bỉ và Ba Lan, chủ trương ‘‘áp giá trần khí đốt’’. Đòi hỏi này chưa nhận được đồng thuận. Nội bộ ban lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu bất đồng về việc này. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen quyết định chuyển vấn đề sang cho Hội Đồng Châu Âu, chờ đợi lãnh đạo 27 nước châu Âu tìm được thỏa hiệp.

Le Monde nhấn mạnh là chiến thuật tương tự của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã từng thành công trong việc giúp Liên Âu tìm ra đối sách chung trong đại dịch Covid-19, nhưng lần này không dễ thành công, do Đức và Pháp đang bất đồng sâu sắc. Thủ tướng Đức và thủ tướng Hà Lan hoàn toàn không muốn bàn về chuyện này. Le Monde cho biết, Paris đang nỗ lực thúc đẩy đồng thuận về việc này, để đẩy Berlin vào thế cô lập, nhằm buộc Đức phải thay đổi quan điểm.

Thái độ ‘‘một mình một sân’’ của Đức

Bất đồng về vấn đề giá năng lượng giữa các nước châu Âu, và thái độ một mình một sân của Đức là chủ đề trang nhất của Le Figaro. Nhật báo thiên hữu tỏ ra bi quan với nhận định : ‘‘nếu như Pháp hy vọng có sự tiến triển trong hồ sơ này, thì một thỏa thuận là không thể trong giai đoạn hiện nay’’. Để nêu bật không khí căng thẳng Pháp – Đức, Le Figaro dẫn ra việc cuộc họp chính phủ Pháp – Đức dự trù ngày 26/10 tại Fontainebleau, đã bị hủy. Đây là cuộc họp dự trù đầu tiên giữa hai chính phủ, kể từ khi thủ tướng Olaf Scholz lên cầm quyền.

Bài xã luận của Le Figaro nhan đề ‘‘Soloreiter’’ (nguyên văn tiếng Đức, có nghĩa là người hành động đơn độc) mở đầu với lời lẽ chua chát : ‘‘Trong lúc phải hứng chịu nhiều thất bại quân sự tại Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm được sự an ủi tại thượng đỉnh châu Âu tối hôm nay tại Bruxelles : món thuốc độc mà Nga bơm vào châu Âu với các đường ống khí đốt đang gặt hái kết quả mong muốn’’. Cụ thể là các nước châu Âu bất đồng, ‘‘Đức và nhiều nước thuộc nhóm giàu nhất châu Âu khác không chấp nhận việc áp giá trần một cách nhân tạo sẽ làm nhu cầu khí đốt tăng vọt, đe dọa việc bảo đảm đủ nguồn cung’’.

‘‘Phần nổi của tảng băng’’

Ghi nhận nỗi lo của Đức, nhưng Le Figaro nhấn mạnh nhiều hơn đến chủ trương hành động riêng rẽ của Đức, mà vấn đề ‘‘giá trần khí đốt’’ chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo Le Figaro, cách hành xử riêng lẻ khỏe ăn của Đức trên thực tế mang tính hệ thống, gắn liền với hai đặc điểm nổi bật của nền công nghiệp Đức, là phụ thuộc vào khí đốt Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc chính phủ Đức đơn phương tung ra 200 tỉ euro để bảo vệ các doanh nghiệp Đức, vừa mới đây, gây lo ngại ”làm méo mó nghiêm trọng cạnh tranh kinh tế tại thị trường thống nhất châu Âu’’. Một ví dụ khác là việc Đức mời 14 quốc gia Bắc và Đông Âu xây dựng hệ thống lá chắn phòng không chung, loại trừ Pháp.

Đức – Pháp bất đồng: ‘‘Kịch bản mơ ước’’ của Nga

 ‘‘Quan hệ Paris – Berlin đột ngột lạnh giá’’ là nhan đề trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos, với hình ảnh tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đứng cạnh nhau, nhưng xoay lưng lại nhau. Vẻ mặt hai ông Emmanuel Macron và Olaf Scholz đều căng thẳng hiện rõ. Việc cuộc họp hai chính phủ Pháp Đức bị hoãn là ‘‘dấu hiệu xấu’’ cho thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu khai mạc hôm nay. Tâm điểm của mâu thuẫn là năng lượng và quốc phòng. Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý, dù sao hai bên cũng tìm được thỏa hiệp về một số quy tắc ngân sách mới.

Cũng như Le Figaro, xã luận Les Echos ghi nhận : sự chia rẽ Đức – Pháp là ‘‘kịch bản mơ ước’’ của tổng thống Nga. Phê phán thái độ của chính quyền Đức, nhưng Les Echos cũng chỉ ra một số lý do khiến Đức hoài nghi Pháp. Cụ thể là Paris bị nghi ngờ chỉ hành động để bảo vệ các lợi ích công nghiệp quốc phòng của Pháp, khi thúc đẩy nền quốc phòng chung của Liên Âu. Hay việc Paris ngăn cản dự án đường ống khí đốt nối liền Tây Ban Nha và Đức. Cũng như việc Đức nghi ngờ Pháp bảo vệ nền công nghiệp hạt nhân gây bất lợi cho các đối tác khác. Les Echos kết luận, trong xung đột hiện nay với Nga, không thể để những bất đồng Đức – Pháp làm chúng ta bị lạc hướng trước kẻ thù chung.

Những lý do khiến Đức chậm thỏa hiệp

Trái ngược với không khí bi quan bao trùm của Le Figaro, một số bài trên Les Echos hé ngỏ cánh cửa hy vọng. Bài ‘‘Khủng hoảng năng lượng : 27 nước châu Âu tìm kiếm các giải pháp cụ thể’’ dẫn lời một giới chức cao cấp châu Âu, chờ đợi có thể có tranh luận dữ dội về vấn đề giá trần khí đốt tại Hội Đồng Châu Âu, và chủ đề này sẽ được Ủy Ban Châu chính thức xem xét sau đó. Vấn đề quan trọng là dự án giá trần khí đốt phải được chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật.

Trong một bài viết khác (‘‘Nước Đức quay lưng lại châu Âu như thế nào ?’’), Les Echos cũng bày tỏ lạc quan là chính phủ Đức có nhiều khả năng sẽ thay đổi lập trường để có các đóng góp ‘‘mang tính xây dựng hơn’’, ngay từ thượng đỉnh hôm nay tại Bruxelles, cụ thể trong việc Liên Âu ‘‘mua khí đốt chung’’, tương tự như việc mua chung vac-xin ngừa Covid trước đây, hay có khả năng cởi mở hơn với một dự án tín dụng mới cho các quốc gia thành viên, với trái phiếu do Liên Âu phát hành.

Nhìn chung, Les Echos tỏ ra thông cảm với Đức, với nhận định : ‘‘người Đức không thật giỏi trong tình huống khủng hoảng, họ không thích những chuyện bất thường’’, theo một giới chức cao cấp châu Âu. Les Echos cũng dẫn một ghi nhận chung của nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, đó là nước Đức trong quá khứ còn ‘’khó chơi’’ hơi hiện nay.

Khủng hoảng khí đốt: Thêm một biểu hiện ‘‘kỷ nguyên năng lượng rẻ’’ đã chấm dứt

Về hồ sơ này, Libération có nhiều bài viết. Một bài đáng chú ý của Libération là bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Thomas Pellerin-Carlin, giám đốc chương trình châu Âu của Viện Kinh tế Khí hậu (I4CE). Chuyên gia kinh tế khí hậu bác bỏ việc nhấn mạnh quá nhiều đến mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng khí đốt và cuộc chiến tranh ở Ukraina. Theo ông, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gắn liền với ‘‘sự chuyển đổi thời đại’’.

Khủng hoảng khí đốt đã có trước khi chiến tranh xảy ra, ngay từ mùa hè năm 2021, giá cả lúc đó đã tăng một cách bất thường. Chuyên gia Viện Kinh tế Khí hậu nhấn mạnh là giá cả khí đốt hiện nay đã tăng gấp 5 lần so với thập niên 2010. Với việc tăng giá diễn ra trong một quá trình dài như vậy không thể nói đến một cuộc khủng hoảng năng lượng, mà phải thừa nhận đang có sự chuyển đổi thời đại. Cụ thể là thời đại của năng lượng giá rẻ đã chấm dứt.

Theo chuyên gia Thomas Pellerin-Carlin bên cạnh các biện pháp đáp ứng việc đối phó khủng hoảng trước mắt, vốn rất cần thiết (cụ thể như việc Liên Âu mua khí đốt chung để hãm giá), cần phải có tầm nhìn xa hơn, cần chuẩn bị các giải pháp về trung hạn. Chuyên gia Viện Kinh tế Khí hậu châu Âu tán đồng quan điểm của thủ tướng Hà Lan, Alexander De Croo, theo đó Hà Lan phải sẵn sàng đối phó không phải với một, hai mùa đông, mà từ 5 đến 10 mùa đông khó khăn về năng lượng.

Liên Âu cũng cần có một tầm nhìn tương tự. Để thoát khỏi được sự phụ thuộc vào khí đốt, mà giá cả sẽ không hạ, cần phải nỗ lực tiết kiệm năng lượng, phát triển các năng lượng tái tạo. Mà để làm được việc này, Liên Âu phải có kế hoạch đầu tư mạnh, và các quy định pháp lý thuận lợi cho các mục tiêu này.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen