Seite auswählen

Trung Quốc: Chúng ta phải nhanh chóng đổi mới tư duy

Zeit

Peter R. Neumann và Moritz Rudolf

VNC chuyển ngữ

24.10.2022

 

Nó không còn là về giá trị đạo đức và thương mại: đối với phương Tây, thái độ đối với Trung Quốc dưới sự cai trị của Tập Cận Bình là một vấn đề sống còn. Ba mục tiêu cho một chính sách mới đối với Trung Quốc.

 

Hiện không có cơ hội để dân chủ lan rộng ở Trung Quốc: Binh lính Trung Quốc đi ngang qua bức ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình của họ trong một bảo tàng quân sự ở Bắc Kinh. © Florence Lo/Reuters

 

Phương Tây đã trở nên phụ thuộc chính trị vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do liên kết về kinh tế ngày càng gia tăng. Các tác giả được  mời viết của chúng tôi là Peter R. Neumann và Moritz Rudolf phác thảo ba mục tiêu mà các quốc gia phương Tây hiện nay nên tập trung vào trong mối quan hệ của họ với Nước Cộng hòa Nhân dân. Neumann là Giáo sư về Chính sách An ninh tại King’s College London và là tác giả của cuốn “The New World Disorder” (Rowohlt, 2022). Rudolf là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Paul Tsai Trung Quốc của Trường Luật Yale và là tác giả của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường – Những hàm ý cho Trật tự Quốc tế” (World Scientific, 2021).

Khi các nhà sử học sau hai trăm năm kể từ bây giờ viết lên lịch sử của thế kỷ 21, Nga sẽ có được nhiều nhất một chương dành cho nó, bất chấp cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Một quốc gia tuy có vũ khí hạt nhân nhưng có dân số ít hơn Bangladesh và nền kinh tế đình trệ nhỏ hơn Tây Ban Nha bất quá chỉ là một kẻ gây rối.

Câu chuyện lớn sẽ xoay quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc: quốc gia đông dân nhất thế giới và có nền kinh tế phát triển nhanh nhất; với một hệ thống xã hội độc tài tàn bạo – và với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại – duy trì sự yên tĩnh và “ổn định” ở quê nhà trong khi cạnh tranh với phương Tây ở mọi nơi trên thế giới.

 Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ năm 2008

Ngay cả khi cách xa hơn về mặt văn hóa và địa lý so với Nga, Trung Quốc là một chế đô độc tài tân tiến mà phương Tây đang phải đối đầu trong một cuộc cạnh tranh hệ thống trong thế kỷ 21 – đặc biệt là ở châu Phi và châu Á, nhưng ngày càng gia tăng ở châu Mỹ Latinh và châu Đại Dương.

Phương Tây đã nhận ra vấn đề, nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Học thuyết chi phối sự can dự của phương Tây với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ là công thức khét tiếng của cái gọi là thay đổi thông qua thương mại, hay nói cách khác: chúng ta làm ăn với Trung Quốc càng nhiều, Trung Quốc càng trở nên giống chúng ta.

Về mặt phát triển kinh tế, điều này cũng đã có hiệu quả. Trong 20 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, năng suất kinh tế đã tăng gấp 9 lần. Năm 2008, đất nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đến năm 2030, nó có thể hất cẳng Mỹ khỏi vị trí hàng đầu.

Cải cách kinh tế là một phương tiện để đảm bảo quyền lực

Đối với hàng trăm triệu người Trung Quốc, điều này có nghĩa là chấm dứt đói nghèo và lên tầng lớp trung lưu. Không có thời điểm nào trong lịch sử loài người cơ hội sống cho nhiều người được cải thiện nhanh chóng như ở Trung Quốc kể từ năm 2000. Nhưng mặc dù tất cả đều biến chuyển về mặt kinh tế, nhưng lại ít thay đổi về mặt chính trị. Phương Tây đã hoàn toàn đánh giá sai chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc, bởi vì theo quan điểm của Trung Quốc, đó chỉ là một phương tiện để duy trì quyền cai trị của chính họ.

Vì vậy, thương mại không phải là “liều thuốc ma thuật cho nền dân chủ”, như nhà báo người Mỹ James Mann đã tuyên bố vào năm 2007. Trái ngược với hy vọng của phương Tây, sự kiểm soát của nhà nước đã gia tăng đáng kể trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Và cuối cùng không phải Trung Quốc, mà là phương Tây trở nên phụ thuộc chính trị do hội nhập kinh tế ngày càng tăng.

Trong một thời gian dài, người ta đã nói về sự tăng trưởng của Trung Quốc: “Nó không thể diễn ra tốt đẹp lâu dài.” Nhưng sự thật là cho đến ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hệ thống đó sẽ sụp đổ. Với việc bổ nhiệm người mới vào ban lãnh đạo đảng, ông Tập đã loại bỏ các đối thủ trong đảng của mình. Và ngay cả khi nền kinh tế sẽ đình trệ trong một vài năm, sự kết hợp của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các thể chế mạnh mẽ và nhà nước giám sát bằng công nghệ cao đảm bảo rằng một phe đối lập (dân chủ) không thể hình thành hoặc tổ chức được.

Thống nhất, Tháo gỡ ràng buộc, Kết nối

Đối với ông Tập, điều này có nghĩa là ông sẽ làm việc chuyên sâu hơn trước đây để xây dựng cái gọi là cộng đồng cùng chung vận mệnh: tầm nhìn của Trung Quốc về một trật tự toàn cầu, trong đó không phải phương Tây, mà là Trung Quốc và các nước đồng minh toàn cầu phương Nam có quyền đinh đoạt.

Chúng bao gồm Con đường Tơ lụa Mới, một chương trình cơ sở hạ tầng mà qua đó Trung Quốc đang đầu tư hàng trăm tỷ USD vào toàn cầu phương Nam và xuất cảng các ý tưởng của Trung Quốc sang các nước đang phát triển trong các lĩnh vực như y tế, tư pháp và an ninh. Cũng quan trọng không kém: sự mở rộng có hệ thống của quân đội Trung Quốc và việc thành lập các diễn đàn ngoại giao, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhằm thay thế các cấu trúc do phương Tây thống trị. Sự cạnh tranh cho một trật tự toàn cầu mới sẽ ngày càng gay gắt ở hầu hết các cấp bực.

Sau khi ông Tập được gia hạn nhiệm kỳ, phương Tây do đó phải khẩn trương đổi mới tư duy. Cuộc tranh luận về Trung Quốc cho đến nay chủ yếu xoay quanh một cuộc xung đột được cho là giữa các giá trị đạo đức và lợi ích kinh tế. Nhưng cả hai đều không đi tới đâu cả.

 Toàn diện và thực dụng

Hiện tại không có cơ hội để dân chủ lan rộng ở Trung Quốc – ít nhất là nếu nó được coi là một dự án của phương Tây. Và việc theo đuổi trong ngắn hạn các lợi ích kinh tế thuần túy là điều đã tạo ra tình hình địa chính trị bấp bênh mà chúng ta đang gặp phải. Tóm lại: Cả hai chiến lược đều thất bại.

Một chính sách mới đặt ra các giới hạn rõ ràng đối với sự lan rộng của nền độc tài tân tiến của Trung Quốc phải mang tính tổng thể và phải dựa trên ba mục tiêu thực dụng:

  1. Thống nhất: Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc hợp lại vừa đủ lớn để đương đầu với Trung Quốc. Do đó, việc nói bằng một tiếng nói trở nên quan trọng hơn bao giờ hết – cả ở trong châu Âu và cùng với Hoa Kỳ.
  2. Tháo gỡ ràng buộc: Các nước châu Âu đã phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Việc tháo gỡ ràng buộc kinh tế là cần thiết, ngay cả khi việc rút lại hoàn toàn các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc là không thực tế. Mục đích phải là trở nên độc lập với Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng và tự tin khẳng định các quy tắc của chính mình.
  3. Kết nối: Việc kết nối toàn cầu phương Nam với phương Tây là điều cốt yếu để duy trì trật tự tự do. Nhưng bất chấp nhiều thông báo, vẫn không có chương trình cơ sở hạ tầng lớn của châu Âu – hoặc phương Tây – có thể cạnh tranh với Con đường Tơ lụa Mới. Phương Tây phải cung cấp cho các nước đang phát triển những khuyến khích vật chất để tách khỏi Trung Quốc.

Tất cả những điểm này đều được biết đến và đã được thảo luận trong nhiều năm. Vấn đề duy nhất là vẫn chưa được thực hiện. Hội nghị đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh một lần nữa cho thấy rõ sự cần thiết là phải hành động ngay. Lý do đơn giản: chúng ta sắp hết thời gian. Nếu không có gì xảy ra, thì lịch sử của thế kỷ 21 không chỉ là sự trỗi dậy của Trung Quốc mà đồng thời còn là sự suy tàn của phương Tây.

 

Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để thách thức thế giới hay đây sẽ là một thử thách đối với Trung Quốc ?

 

Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022.
Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. © NOEL CELIS / AFP

Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 đã kết thúc. Hôm 23/10/2022 trước ống kính truyền hình thế giới chính ông Tập Cận Bình thông báo được Đảng tín nhiệm giao phó thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Nhân vật số 1 của đảng Cộng Sản Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn 6 người trong Ban Thường Vụ mới của Bộ Chính Trị : tất cả là những người trung thành với ông.

QUẢNG CÁO

Việc trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông sẽ giúp ông Tập Cận Bình nhanh chóng thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành « trung tâm » của thế giới, cho phép Bắc Kinh áp đặt trật tự mới về ngoại giao, quân sự và kinh tế ? Hay trái lại đó sẽ là một trở ngại trên con đường xây dựng một xã hội « hài hòa » và thịnh vượng chung cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc ? 

Giáo sư về quan hệ quốc tế William Callahan, London School of Economics, được AP trích dẫn, lưu ý trong những phát biểu gần đây ông Tập Cận Bình luôn quan niệm hệ thống « quản trị », lãnh đạo thế giới đang « đổ vỡ » và Trung Quốc là một « giải pháp » để xây dựng một mô hình, một trật tự mới.  Càng lúc ông Tập càng tin rằng phong cách của Trung Quốc mới thực sự là một « mô hình phổ quát » để áp dụng cho thế giới. Chính vì lô-gic đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách « zero-Covid » mặc dù công luận Trung Quốc càng lúc càng bất mãn vì những xáo trộn đối với kinh tế mà biện pháp này gây nên. Việc bí thư thành ủy Thượng Hải, Lý Cường, được bổ nhiệm vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và có triển vọng trở thành thủ tướng là bằng chứng rõ rệt nhất cho phép đưa ra kết luận này. Lý Cường là người đã quyết định phong tỏa nghiêm ngặt Thượng Hải trong nhiều tuần lễ, gây phẫn uất trong công luận Trung Quốc. 

Về kinh tế, đảng Cộng Sản Trung Quốc đề ra mục tiêu đến khoảng năm 2032 thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này phải tương đương với mức trung bình tại một quốc gia phát triển. Điều đó có nghĩa là trong hơn một chục năm, Trung Quốc sẽ phải tìm ra được một phép lạ kinh tế để « GDP tăng lên gấp đôi so với thời điểm 2020 » như ghi nhận của hai chuyên gia Larry Hu và Yuxiao Zhang thuộc viện nghiên cứu tài chính Macquarie, trụ sở tại Sydney, Úc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó hoàn thành vì nhiều lý do. Thứ nhất là nguồn lực lao động đang sụt giảm. Thứ hai là tham vọng lấy công nghệ cao làm động lực phát triển liên tục bị thách thức : Mỹ thu hẹp dần những khả năng cho phép các tập đoàn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ mới của phương Tây. Thứ ba, theo hai chuyên gia của viện Macquarie, Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ guồng máy kinh tế và điều đó sẽ không tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. 

Nhìn đến vế ngoại giao và an ninh, Đài Loan tiếp tục là « cái gai » theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, nhất là khi đảng Cộng Sản Trung Quốc gắn liền hồ sơ này với vấn đề « an ninh ». Trong chiều hướng đó, các chuyên gia chờ đợi Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh và phát triển sức mạnh quân sự. Đầu tư phát triển từ tên lửa đến tàu ngầm và những công nghệ cao phục vụ cho quân đội sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới. Giáo sư Callahan nhấn mạnh Trung Quốc muốn « thống lĩnh thế giới » và một trong những phương tiện để đạt được mục tiêu đó là « một đường lối cứng rắn về chính trị, về ngoại giao »

Nhà nghiên cứu Jean Pierre Cabestan, thuộc Trung Tâm Asia Center tại Hồng Kông ghi nhận, với ban lãnh đạo mới, chủ tịch Trung Quốc giờ đây đứng đầu một cơ quan quyền lực tối cao với toàn là những người thân tín. Ông không cần quan tâm đến việc phải tìm ra thế quân bình giữa các phe phái, chẳng hạn như là giữa cánh bảo thủ và phe chủ trương cải tổ ; phe ôn hòa với cánh diều hâu. William Lam đại học Hồng Kông nói đến một « thắng lợi toàn diện » của ông Tập và đó là dấu hiệu cho thấy ông « chuẩn bị để lãnh đạo đất nước lâu hơn nữa » chứ không chỉ dừng lại khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba. Với điều kiện, tất nhiên, là ông vẫn làm chủ được cuộc chơi trong « nội bộ Đảng » từ nay đến thời điểm đó. Chính ông Tập Cận Bình dường như cũng ý thức được điều này khi tuyên bố với gần 2 300 đại biểu toàn quốc « Đây sẽ là một hành trình dài hơi và đầy gian nan với những giai đoạn đều mang tính quyết định để chúng ta cùng đạt đến đích », nghĩa là « xây dựng một mô hình Trung Hoa ».

Kẻ thù lớn nhất của ông Tập Cận Bình chính là Tập Cận Bình

 

Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022.
Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. REUTERS – TINGSHU WANG

Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc XX đã chính thức khép lại vào cuối tuần qua với việc tổng bí thư Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Trang mạng Mỹ CNN ngày 21/10/2022 có bài viết nói về việc ông Tập tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc không chắc đã phải là điều tốt đối với ông nói riêng và Trung Quốc nói chung. RFI xin giới thiệu.

QUẢNG CÁO

Nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo. Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng vọt. Các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 đang tàn phá các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các cường quốc toàn cầu đang trở nên căng thẳng.

Các vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt vẫn còn đó, và những thách thức dài hạn này càng trở nên tồi tệ hơn dưới một thập kỷ cầm quyền của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, quyền lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không hề bị suy yếu.

Trong thập kỷ qua, ông Tập đã củng cố quyền lực ở một mức độ chưa từng có kể từ thời người sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông. Ông là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu nhà nước, lực lượng vũ trang và nhiều ủy ban khác đến mức ông được mệnh danh là « chủ tịch của mọi thứ ».

Nhưng quyền lực tuyệt đối thường đi kèm với trách nhiệm tuyệt đối, và khi các vấn đề ngày càng gia tăng, các nhà phân tích cảnh báo rằng ông Tập sẽ khó có thể trốn trách nhiệm.

« Tôi nghĩ kẻ thù lớn nhất của việc Tập Cận Bình nắm quyền trong một thời gian dài, đó chính là Tập Cận Bình », Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở Luân Đôn nhận định. « Khi ông ấy mắc phải một sai lầm chính sách lớn gây ra sự tàn phá ở Trung Quốc, điều đó có khả năng kéo theo sự khởi động của quá trình lật đổ quyền lực của Tập Cận Bình ».

Bên trong phòng cộng hưởng

Sự cai trị của Mao từ năm 1949 đến năm 1976 được đánh dấu bằng những quyết định chính sách thiếu suy nghĩ dẫn đến hàng chục triệu người chết và phá hủy nền kinh tế Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ hỗn loạn đó, đảng Cộng Sản đã « thiết kế » và phát triển một hệ thống lãnh đạo tập thể nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của một nhà độc tài khác có thể đưa ra những quyết định độc đoán và nguy hiểm.

Lãnh đạo sau đó của Trung Quốc là ông Đặng Tiểu Bình, đã đặt ra một quy tắc bất thành văn với tiền lệ là tổng bí thư đảng Cộng Sản – chức vụ của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực quyền – sẽ phải từ chức sau hai nhiệm kỳ.

Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc khi nước này hội nhập chặt chẽ hơn với phần còn lại của thế giới. Trước đó 4 năm hồi năm 2008, Trung Quốc đã khiến cả thế giới choáng váng với Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh vô cùng hoành tráng. Nhưng đối với ông Tập, Đảng đang trong tình trạng khủng hoảng, chìm ngập trong tham nhũng, đấu đá nội bộ và kém hiệu quả .

Giải pháp của ông Tập là quay trở lại chế độ cai trị độc tài và vai trò cá nhân. Ông đã thanh trừng những đối thủ chính trị trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, bịt miệng bất đồng nội bộ, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch và ghi « Tư tưởng Tập Cận Bình » vào điều lệ của Đảng.

Theo các nhà phân tích, nhiều chế độ độc tài rơi vào mô hình lạm dụng quyền lực và đưa ra quyết định tồi tệ khi rất ít những lời khuyên phản biện được các nhà lãnh đạo lắng nghe. Họ nêu ra cuộc chiến ngày càng tốn kém của Vladimir Putin chống lại Ukraina và lo ngại rằng quyền lực tối cao của ông Tập giống như đối với tổng thống Nga, một ngày nào đó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc không kém.

Theo chuyên gia Tsang, ông Putin và ông Tập « cùng mắc phải hội chứng muốn trở thành người hùng, có nghĩa là biến những cộng sự thân cận chính trị thành những buồng cộng hưởng, sao cho mọi người không còn có thể tự do phát biểu ý kiến của mình nữa ». « Chúng tôi thấy họ đang phạm phải những sai lầm lớn, bởi các tranh luận chính sách nội bộ đã bị thu hẹp hoặc thậm chí bị gạt bỏ ».

Cái bẫy zero-Covid

Thời gian gần đây, không có quốc gia nào hiện đại hóa nhanh chóng như Trung Quốc. Đảng Cộng sản khẳng định rằng sự lãnh đạo của họ đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, biến những ngôi làng ở vùng sông nước trở thành những siêu đô thị tuyệt đẹp. Nhưng phép màu tăng trưởng đó đã bị chậm lại. Và các chính sách của ông Tập làm cho nhiều thách thức dài hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn.

Ông Tập đã tự cho mình có sứ mệnh củng cố quyền lực Đảng và quyền kiểm soát của đảng đối với các doanh nghiệp và xã hội. Ông đã tiến hành một cuộc trấn áp lĩnh vực tư nhân-vốn một thời năng động- và dẫn đến việc sa thải ồ ạt người lao động. Bắc Kinh tuyên bố các quy định cứng rắn này hạn chế các tập đoàn có quá nhiều quyền lực, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các biện pháp này đã bóp nghẹt các doanh nghiệp tư nhân, gây ớn lạnh cho nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại về sự đổi mới trong tương lai.

Bắc Kinh bắt đầu hạn chế cấp tín dụng dễ dàng cho các công ty bất động sản vào năm 2020, dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt và vỡ nợ đối với nhiều nhà phát triển bất động sản, trong đó có tập đoàn khổng lồ Evergrande. Các dự án nhà ở đã bị đình trệ và người mua nhà tuyệt vọng trên khắp nước từ chối tiếp tục thanh toán các khoản tiền đối với những ngôi nhà chưa hoàn thiện. Sự gián đoạn trong lĩnh vực bất động sản có tác động lớn đến nền kinh tế trên diện rộng của Trung Quốc, vì nó chiếm tới 30% GDP của cả nước.

Nhưng trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập, không có gì làm rung chuyển nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc nhiều như chính sách zero-Covid. Trong năm thứ ba của đại dịch, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách khắc nghiệt dựa vào việc xét nghiệm hàng loạt, kiểm dịch trên diện rộng và phong tỏa tức thời để dập tắt các ca lây nhiễm bằng mọi giá, trong khi phần còn lại của thế giới đã học cách sống chung với virus.

Trung Quốc tiếp tục phong tỏa toàn bộ các thành phố chỉ vì một số ít trường hợp lây nhiễm, đồng thời đưa tất cả những trường hợp dương tính và những người có liên quan đến các cơ sở kiểm dịch của chính phủ. Xếp hàng xét nghiệm Covid và quét mã hồ sơ theo dõi sức khỏe để vào bất kỳ nơi công cộng nào đã trở thành chuyện bình thường. Bắc Kinh cho rằng chính sách này đã ngăn Trung Quốc rơi vào thảm họa y tế như phần còn lại của thế giới, nhưng chính sách zero-Covid dẫn đến những chi phí khổng lồ.

Nỗi đau ‘tự chuốc lấy’

Các vụ phong tỏa liên tục đã làm giảm đáng kể tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục của thanh niên đã lên tới gần 20%. Các nguồn thu đang eo hẹp dần. Chính quyền địa phương hiện mắc rất nhiều nợ vẫn phải chi tiền cho việc xét nghiệm Covid hàng loạt. Các chuyên gia cho rằng sẽ tốt hơn nếu sử dụng tiền vào việc gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, thay vì xây dựng các địa điểm xét nghiệm và cơ sở kiểm dịch tốn kém. Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận bất kỳ loại vác-xin Messenger RNA (mRNA) nào của nước ngoài, được chứng minh là có hiệu quả hơn đối với biến thể lây lan nhanh Omicron, so với các loại vac-xin kém hiệu quả được sử dụng ở Trung Quốc.

Khi đại dịch mới bắt đầu, Bắc Kinh đã kiểm duyệt, và trong một số trường hợp đã trừng phạt các bác sĩ, chuyên gia và nhà báo tìm cách cảnh báo về một con virus nguy hiểm chết người ở Vũ Hán.

Gần ba năm trôi qua, khi hầu hết các chuyên gia quốc tế khuyên Trung Quốc tìm cách sống chung với virus, Bắc Kinh ngược lại càng siết chặt những biện pháp phòng dịch. Hồi đầu năm nay, Thượng Hải – một đô thị có dân số nhiều gấp ba lần thành phố New York, đã bị phong tỏa trong vòng hai tháng. Mọi người phải vật lộn để có đủ lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản. Cư dân tuyệt vọng đã lao ra khỏi nhà và xung đột với các nhân viên thi hành công vụ trong các cuộc biểu tình hiếm hoi trên đường phố. Nhiều bệnh nhân đã không được hưởng dịch vụ y tế thiết yếu.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích chính sách zero-Covid là « không bền vững », Trung Quốc đã kiểm duyệt tuyên bố này trên mạng xã hội.

Susan Shirk, giám đốc trung tâm 21st Century China và là tác giả cuốn « Overreach », cuốn sách nói về sự lãnh đạo của ông Tập, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc « cạnh tranh với nhau để chứng minh họ trung thành với ông Tập như thế nào vì ông thăng chức cho những người trung thành chứ không phải những người có năng lực nhất ». Điều đó dẫn đến việc cấp dưới sẽ thực thi quá thái các chính sách để cố gắng làm vừa lòng ông Tập.

Chuyên gia Shirk cho biết điều này đã xảy ra với chính sách zero-Covid, vì ông Tập đã trực tiếp đặt cược vai trò lãnh đạo của mình với chính sách này, do đó các quan chức địa phương đã hết lòng tuân theo zero-Covid để thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo và bảo tồn sự nghiệp của họ.

Bà Shirk nói : « Một phần lớn những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc đều do ông Tập tự gây ra và gánh chịu ». « Vì vậy, điều này gợi lên một suy nghĩ đáng lo ngại, là đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn tự coi mình là một Đảng chú trọng đến phát triển, đặt phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu. Mà thay vào đó, chỉ coi trọng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình ».

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen