Seite auswählen

Chữ viết của người Việt Nam

Mặc Lý

Da Màu

11.11.2022

Học giả Phạm Quỳnh là một trong những người tiên phong cổ vũ chữ Quốc ngữ. (Nguồn: Tư liệu của TS Nguyễn Thụy Phương chụp Tạp chí L’Asie Nouvelle – 1937)

Bài này bàn về các chữ viết dùng ở Viết Nam qua các giai doạn lịch sử. Trước hết xin nói về thuật ngữ dùng trong bài. Ngôn ngữ (language) là hệ thống giao tiếp do một quốc gia, một sắc tộc hay một cộng đồng sử dụng, bao gôm chữ viết (written language), tiếng nói (spoken language) và cách ra dấu (sign language).

I – Chữ Nho

II – Chữ Nôm

III – Chữ Quốc ngữ

1) Nguồn gốc và mục đích hình thành

2) Nhà cầm quyền Pháp và chữ Quốc Ngữ

3) So sánh chữ Quốc Ngữ với chữ Nôm

4) Sĩ phu Việt Nam và chữ Quốc Ngữ

5) Sự phát triển chữ Quốc Ngữ

6) Những cố gắng cải tiến chữ Quốc Ngữ

7) Những vấn đề hiện nay của chữ Quốc Ngữ

8) Kết luận

***

Đơn khai sinh năm 1938 ở Bắc Kỳ có bốn dạng chữ: chữ Quốc ngữ lẫn chữ Nôm cùng dấu triện bằng tiếng Pháp và vài chữ Nho


I – Chữ Nho

Chữ Nho có thể gọi dưới nhiều tên. Chữ Hán vì Hán là sắc tộc lớn nhất của Trung Quốc. Chữ Tàu vì nó đến từ … Tàu. Việc gọi chữ Hoa hay chữ Trung cũng tương tự như thế, đến từ Trung Hoa/Trung Quốc và Trung Hoa là tên phổ thông trước đây hay Trung Quốc là tên phổ thông ngày nay. Ta cũng gọi là chữ Nho hàm nghĩa thứ chữ dùng trong hệ thống hành chánh của các triều đại phong kiến, lấy Nho giáo làm nền tảng.

Dù dưới tên nào đi nữa, nó chỉ cùng một lối chữ viết, ngày nay được biết như là phồn thể (traditional form). Vài năm sau khi Mao Trạch Đông kiểm soát cả lục địa Trung Hoa năm 1949, chữ giản thể (simplified form) được coi như là chữ dùng chính thức ở Trung Quốc hiện nay, hay ở Singapore, Mã Lai trong khi Đài Loan, Hongkong, Macau và nhiều cộng đồng người Hoa định cư lâu đời ở các nước khác thì vẫn dùng phồn thể. Từ đây trở đi, ta nói về chữ phồn thể, là lối viết chữ Nho tại Việt Nam trong quá khứ.

Chữ Nho là hệ thống chữ viết tượng hình, mỗi chữ mang một ý nghĩa nào đó, chứ không phải là hệ thống chữ viết ký âm là hệ thống ghi lại tiếng nói như nhiều ngôn ngữ khác. Chữ Nho gồm 214 bộ, như các mẫu tự tiếng La Tinh, đứng độc lập hay ghép lại với nhau tạo thành chữ viết.

Một thuyết phổ thông nhất về việc sử dụng chữ Nho ở Việt Nam là nó được du nhập từ Trung Hoa kể từ thời Sĩ Nhiếp làm quan Thái Thú quận Giao Chỉ (cai trị từ 187-226). Trong thời gian đó, nhà Hán đô hộ Việt Nam, xem Việt Nam như một quận huyện của Trung Hoa. Một số sử sách cũ, chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa, ca tụng Sĩ Nhiếp như một nhà cai trị đem ánh sáng văn minh trong đó có chữ viết đến với người Việt. Nhưng nhiều người lại cho Sĩ Nhiếp là một nhà cai trị hiểm độc, chủ trương đồng hóa người Việt. Lại có một giả thuyết khác là chữ Nho do nhóm dân Lạc Việt trong nhóm Bách Việt sáng tạo ra. Nhóm này bị đẩy lùi xuống phía Nam nhưng chữ viết của họ còn được dùng trong sắc tộc Hán.

Dù nguồn gốc chữ Nho, từ nhóm sắc tộc thiểu số miền Nam Trung Hoa truyền ngược lên phía Bắc, hay từ miền Bắc xuống Việt Nam, về tiếng nói thì ta có tiếng nói riêng biệt và ngữ pháp ngôn ngữ Việt khác với ngữ pháp ngôn ngữ Trung Hoa. Thí dụ, chữ Nho 青 衣, người Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Bắc Kinh đọc khác nhau. Tương tự như thế, người Nhật, người Hàn đọc theo âm khác nhau. Người Việt đọc chữ này là Thanh Y. Tuy nhiên khi người Việt Nam nói chuyện với nhau, ta dùng chữ “Áo Xanh”. Như vậy trong cấu trúc của một cụm từ trong ngôn ngữ Việt, danh từ Áo đi trước tính từ Xanh . Điều này khác với cụm từ trong ngôn ngữ chữ Nho, danh từ Y đi sau tính từ Thanh.

Tóm lại, chúng ta có tiếng nói riêng khi trao đổi với nhau. Chữ Nho chỉ dùng trong văn chương, giấy tờ hay văn thư chính thức.

II – Chữ Nôm

Chữ Nôm do người Việt sáng tạo ra, dựa chính yếu vào 214 bộ chữ Nho và một số chữ Nho khác để ký âm những gì người Việt Nam trao đổi hàng ngày với nhau. Chữ Nôm khởi xướng từ một số nho sĩ có tinh thần độc lập, muốn tạo ra một chữ viết riêng của người Việt, để ghi lại những chữ người Việt dùng hàng ngày, không có trong chữ Nho hoặc những chữ đã có trong chữ Nho nhưng dùng theo một cách riêng của người Việt. Chữ Nôm có lẽ khai sinh từ khoảng thế kỷ thứ 10 (thời gian Ngô Vương Quyền mở đầu thời đại tự chủ ờ nước ta năm 939) và phát triển dần theo thời gian. Áng văn Nôm đầu tiên còn lưu truyền đến ngày nay là Văn Tế Cá Sấu của Nguyễn Thuyên (được vua Trần Nhân Tôn đổi tên là Hàn Thuyên) vào thế kỷ 13, khi đó chữ Nôm đã khá hoàn thiện.

Dưới đây là vài cách cấu tạo chữ Nôm, với trích dẫn phần lớn từ Truyện Kiều, bản Kinh, năm 1870, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị.

  1. a) Kết hợp hai chữ Nho, một chỉ âm một chỉ nghĩa. Thí dụ:

– Chữ Nôm Hai (, số Hai) cấu tạo từ hai chữ Nho: một chữ chỉ âm Hai (咍, nghĩa là chê cười, như trong câu thơ “Nhậm thụ chúng nhân hai “ (Mặc cho người đời chê cười) của Đỗ Phủ, giản lược thành chữ 台, cũng đọc âm khác là Thai) và một chữ chỉ nghĩa là Nhị ( 二 nghĩa tiếng Hán là số hai). Truyện Kiều câu 15:

 妸 素 娥

Đầu lòng hai ả tố nga

– Chữ Nôm Ba (, số Ba) cấu tạo từ hai chữ Nho: một chữ chỉ âm Ba (巴 tiếng Hán là đất Ba chỉ địa danh) và một chữ chỉ nghĩa Tam (三 nghĩa tiếng Hán là số ba). Truyện Kiều câu 43:

清 明 節

Thanh minh trong tiết tháng ba

– Chữ Nôm Chín (, số Chín) cấu tạo từ hai chữ Nho: một chữ chỉ âm Chẩn (畛 giản lược thành chữ 㐱) và một chữ chỉ nghĩa là Cửu (九 nghĩa tiếng Hán là số chín). Truyện Kiều câu 40:

韶 光 㐌 外

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

  1. b) Kết hợp hai chữ Nho cùng nghĩa thành một chữ Nôm

– Trong chữ Nho có chữ Tự 字, nghĩa là Chữ. Chữ Nôm được cấu tạo bằng cách kết hợp hai chữ 字. Truyện Kiều câu 2:

才 命 窖 羅 恄 饒

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Ghi chú thêm là Chữ có nhiều cách viết trong chữ Nôm. Một cách viết khác là một chữ Tự 字, như trong câu văn chữ Nho “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (一 字 為 師, 半 字 為 師) Như vậy 字 trong một câu văn chữ Nho thì 字 đọc là Tự mà trong một câu văn Nôm thì 字 đọc là Chữ.

  1. c) Mượn chữ Nho cùng âm nhưng dùng với nghĩa khác

– Chữ Nôm Một (沒) cấu tạo từ chữ Hán Một (沒, nghĩa tiếng Hán là chìm đắm, ngập, chết đi, như trong Mai Một). Ta tạo thành chữ Nôm với nghĩa hoàn toàn khác là số một. Truyện Kiều câu 27:

沒 迎渃迎城

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

  1. d) Thay đổi một chữ Nho có sẵn:

– Chữ Nôm , mượn từ chữ Nho Y (衣, nghĩa là Áo, cũng đọc là Ý) nhưng lược bớt để tạo thành chữ Áy . Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường năm 1866, câu 742:

㤕 栌 香 搊 絲 泛 尼

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

  1. e) Mượn một chữ Nôm khác đã có (cùng âm khác nghĩa)

– Thí dụ chữ Nôm Chín cũng được dùng với nghĩa nấu chín, trái chín mượn từ chữ Nôm Chín là số chín bên trên.

Tóm lại chữ Nôm như đã viết, cấu tạo từ chữ Nho nhưng là một chữ viết riêng của người Việt mà người Tàu đọc không hiểu hoặc chỉ có thể phỏng đoán.

Tuy nhiên trong quá trình hình thành, không có sự thống nhất. Nhiều chữ Nôm được cấu tạo và viết khác nhau. Thí dụ chữ Chín (số Chín) lại có nhiều cách viết: 㐱, hoặc .

III – Chữ Quốc Ngữ

1) Nguồn gốc và mục đích hình thành

Chữ này do các nhà truyền giáo Tây Phương đặt ra từ thế kỷ 16 và 17, dùng mẫu tự La Tinh để ghi lại tiếng nói của người Việt Nam lúc đó. Các linh muc người Bồ Đào Nha (Portugal) Francisco de Pina, Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, khá thành thạo tiếng nói của người Việt, đã ký âm tiếng nói người Việt khi đó. Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), người của tiểu quốc Avignon, sau này thuộc Pháp được ghi nhận là người có công lớn với cuốn tự điển Việt Bồ La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). Sau khi linh mục Đắc Lộ trở về Avignon năm 1646, tự điển này được in ở Roma năm 1651, như một loại cẩm nang cho các nhà truyền giáo sang Việt Nam. Chữ Quốc Ngữ dùng các mẫu tự La Tinh, cộng thêm các dấu chỉ thanh (dấu nặng, huyền, sắc, hỏi, ngã) và các dấu trên các nguyên âm (dấu mũ, móc) mượn từ tiếng cổ Hy Lạp (Greece) cũng như các tiếng Bồ Đào Nha, Ý … để diễn tả hững âm sắc đặc biệt của tiếng nói người Việt.

Như vậy ta thấy khới đầu của chữ Quốc Ngữ như một công cụ trong việc truyền giáo. Nhưng theo thời gian, chữ dùng và cách phát âm cũng thay đổi. Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) có soạn một cuốn tự điển khoảng năm 1772-1773 nhưng chưa in. Sau đó giám mục Jean-Louis Taberd soạn cuốn Nam Việt – Dương Hiệp Tự Vị (Dictionarium Anamitico-Latinum), xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ. Trong khoảng hơn hai trăm năm sau thời linh mục Francisco de Pina, chữ Quốc Ngữ chỉ lưu truyền trong giới truyền giáo Tây Phương đến Việt Nam, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp, trước khi Pháp xâm chiến Việt Nam.

2) Nhà cầm quyền Pháp và chữ Quốc Ngữ

Hai mươi sáu năm trôi qua từ khi Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858, Hoà Ước Patenôtre (Hoà Ước Giáp Thân 1884) được ký kết đặt toàn thế Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của Pháp, tuy quy chế mỗi miền Nam Trung Bắc Kỳ có khác nhau. Cố gắng cuối cùng của triều đình Huế do Tôn Thất Thuyết cầm đầu tấn công doanh trại quân Pháp năm 1885 thất bại, cáo chung giai đoạn cầm quyền của triều đình nhà Nguyễn.

Để cai trị, người Pháp cần một chữ viết để giao tiếp với người bản xứ.

– Dạy tất cả người Việt Nam với tiếng nói riêng, nói và viết tiếng Pháp ư? Với gánh nặng kinh tế thế nào, dù họ muốn làm? Tính cho đến cuối thập niên 1930s, cả nước Việt Nam chỉ có khoảng 370,000 học sinh hoc cấp Sơ Học (3 năm đầu tiên, lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba) và Sơ Đẳng Tiểu Học (3 năm kế tiếp, lớp Nhì Một, lớp Nhì Hai và lớp Nhất), chiếm chưa đến 5% trẻ em dưới 15 tuổi. Những trường hợp mà một dân tộc không còn tiếng nói, buộc phải dùng tiếng nói của kẻ cai trị thường chỉ áp dụng khi dân số dân tộc bị trị ít hơn nhiều với dân số kẻ đến cai trị, thí dụ một quốc gia bị lân bang đô hộ trong thời gian lâu dài.

– Tiếp tục dùng tiêng Hán như một thứ tiếng trung gian ư? Người Pháp không muốn Trung Hoa có ảnh hưởng gì trong việc cai trị của họ.

– Giải pháp dễ dàng nhất là dùng chữ Quốc Ngữ với mẫu tự La Tinh, gần với tiếng Pháp và dễ dàng chuyển từ tiếng Pháp sang, với sự giúp đỡ của các giáo sĩ người Pháp và các thông ngôn. Để đọc nó, một ngôn ngữ ký âm, cần một thời gian ngắn hơn nhiều so với ngôn ngữ tượng hình là chữ Nho và chữ Nôm.

Tại Nam Kỳ (vùng bị Pháp chiếm trước Bắc Kỳ và Trung Kỳ), kỳ thi Hương chữ Hán bãi bỏ năm 1864. Từ 1882, các thông báo công văn từ tỉnh xuống các làng xã được quy định phải viết bằng chữ Quốc Ngữ, ngoài tiếng Pháp. Khi gửi xuống địa phương, một người biết cách đọc chữ Quốc Ngữ có thể đọc cho những người khác nghe và không sợ những sai lạc, vô tình hay cố ý trong việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chữ Quốc Ngữ đã đưa dần vào kỳ thi Hương từ năm 1909, mà trước đây chỉ thi chữ Hán. Tuy nhiên chưa đầy 10 năm sau, tại Bắc Kỳ năm 1915 và Trung Kỳ năm 1918, các kỳ thi Hương này đã bị bãi bỏ. Quan lại được đào tạo từ trường Hậu Bổ (École des Aspirants-Mandarins), sau thành rường Sĩ Hoạn (École des Mandarins) và cuối cùng là Trường Pháp Chính Đông Dương (École de Droit et d’Administration), trong đó chữ Quốc Ngữ là một phần học trình.

3) So sánh chữ Quốc Ngữ với chữ Nôm

Giữa hai chữ Quốc Ngữ và chữ Nôm:

– Chữ Quốc ngữ dễ học. Sau vài tháng có thể đánh vần khá đúng và đọc được, phù hợp với tiếng nghe nói hàng ngày.

– Tuy nhiên, chữ Nôm (và chữ Nho) có một đặc điểm khác mà chữ Quốc ngữ không có. Do là chữ tượng hình nên giới thiệu khái niệm trừu tượng hoá cho người mới học, là một cách bồi bổ tư duy mà các thứ chữ ký âm không có.

Ngoài ra chỉ dùng chữ Quốc Ngữ cũng làm gián đoạn với quá khứ của cha ông. Ta không biết, không hiểu trực tiếp được những gì cha ông viết ra hơn trăm năm trước mà phải qua cặp mắt của người khác. Và khi không có sự hiểu biết trực tiếp, sự gắn bó với cha ông có lẽ thiếu sự chặt chẽ phần nào.

4) Sĩ phu Việt Nam và chữ Quốc Ngữ

Tầng lớp tinh hoa của Việt Nam đầu thời Pháp thuộc là giai cấp sĩ phu, đại đa số là cựu học. Lúc đầu họ nghi ngại và thù ghét những gì đến từ sự xâm lược của người Pháp, từ đạo Công Giáo cho đến chữ Quốc Ngữ. Bình Tây Sát Tả trong Nam và phong trào trào Cần Vương võ trang chống Pháp nổi lên khắp nước từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên những phong trào này dần dần bị dập tắt.

Sau những thất bại võ trang đối đầu với người Pháp, sĩ phu Việt Nam bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về người Pháp đồng thời tìm cách cổ động, tuyên truyền người dân để nâng cao dân trí. Họ nhìn chữ Quốc Ngữ như một phương cách mới và hữu hiệu trong việc thích ứng với sự đô hộ của người Pháp, học hỏi từ kẻ đô hộ và bảo tồn tinh thần dân tộc. Đông Kinh Nghĩa thục ra đời ở Hà Nội, dù bị dập tắt không lâu sau đó cũng kích thích hướng mới cho người dân

Xin trích dẫn vài đoạn trong bài Thiết Tiền Ca, một bài thơ tiếng Việt, viết bằng chữ Quốc Ngữ, được những thày giáo và học sinh của Đông Kinh Nghĩa Thục truyền bá lúc đó, cổ võ đoàn kết, trọng thương và nâng cao dân trí:

Người Pháp với người Nam như một,
Bảo hộ thì chỉ cốt thuận dân;
Nhẽ đâu cậy thế cậy thần,
Nhẽ đâu trái lẽ cầm cân công bình?

Làm cho của dân mình đỡ hại,

Làm cho tiền trở lại mới nghe;
Bảo nhau mạnh cánh, mạnh bè,
Cho người lừa đảo hết nghề hết khôn.

Ấy là phúc nước Nam ta đó,
Ấy là cơ máu mủ ta còn.
Đời đời cháu cháu con con,
Còn non còn nước vẫn còn Việt Nam.

(Thiết tiền ca – Nguyễn Phan Lãng)

5) Sự phát triển chữ Quốc Ngữ

Tự điển Việt Bồ La năm 1651 đặt nền tảng cho chữ Quốc Ngữ nhưng nhiều chữ hoặc là ký âm sai, hoặc không theo một quy tắc thống nhất. Kể từ khi nhà cầm quyền Pháp ra sắc lệnh sử dụng chữ Quốc Ngữ, cùng với chữ Pháp, trong công văn, và trong giáo dục sơ học (cùng với tiếng Pháp), chữ Quốc Ngữ đã có nhiều phát triển. Những người thông ngôn, các học giả miền Nam như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huình (tức Huỳnh) Tịnh Của … đã góp công lao trong việc phổ biến và phần nào chuẩn hoá chữ Quốc Ngữ. Báo chí viết bằng chữ Quốc Ngữ, tại cả ba miền, mang chữ Quốc Ngữ gần hơn với số đông:

Ở miền Nam, sau Gia Định Báo, tờ báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên xuất bản lần đầu năm 1865 với Pétrus Trương Vĩnh Ký làm chủ bút thời gian dài, các tờ báo như Nhật Trình Nam Kỳ, Phan Yên Báo, Thông Loại Khoá Trình, Nông Cố Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn … lần lượt ra đời. Ở miền Trung và miền Bắc, các tờ báo như Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, Đại Việt Tân Báo, Đăng Cổ Tùng Báo, Trung Bắc Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo (1923), Đông Dương Tạp Chí (1913), Nam Phong Tạp Chí (1917), Tiếng Dân, Thực Nghiệp hoặc chú trọng đến chánh tả Việt ngữ, hoặc là diễn tả các điều cụ thể hay ý niệm trừu tượng bằng chữ Quốc Ngữ. Nhóm Tự Lực Văn đoàn, với hai tờ báo Phong Hoá (1932) và Ngày Nay (1935) dùng lối văn trong sáng, dễ hiểu có ảnh hưởng quan trọng với tầng lớp học sinh sinh viên.

Ta thử so sánh lối văn khá đơn sơ gần với lối kể chuyện ngắn, vào lúc chữ Quốc ngữ mới phổ biến:

Có một người giàu có lớn, mà hà tiện cũng lớn, cứ bo bo giữ của không chịu làm phước cho ai. Có một tên ăn mày tới xin quyết một nén vàng, người nhà giàu phát giận, nói giá ăn mày dám xin tới vàng nén, biểu đày tớ đuổi đi. Tên ăn mày la lết không chịu đi, cứ việc ở trước nhà mà xin mãi. Trong nhà không ai thèm nói tới, tên ăn mày sớm đi xin ăn chỗ khác, trưa lại lộn về ở tại nhà giàu mà nài hoài cho đặng nén vàng. Nó làm như vậy đã đặng ba năm, người nhà giàu thấy nó có công gắng vó, cũng mỏi lòng mà chịu cho. Tên ăn mày được nén vàng, thì làm bộ nhảy nhót mầng rỡ bội phần, liền cổi áo gói lại mà đi. Khi tên ăn mày đi ra một đỗi, thì người nhà giàu sai một đứa đầy tớ theo rình coi lão ăn mày đem nén vàng đi đâu, cùng làm chuyện gì với nén vàng. Tên đây tớ đi theo xa xa, thấy lão ăn mày đi thẳng ra ngoài đồng, tới chỗ bóng mát ngồi xuống mở áo lấy nén vàng, dồi lên dồi xuống mà giởn chơi, coi ra ý mầng rỡ lắm. Cách một hồi lão ấy buồn ngủ, nằm chèo queo, nén vàng thì để trần một bên chỗ ngủ. Đứa đầy tớ nom đặng, chờ lão ăn mày ngủ mòm, lén lại lấy nén vàng đem về cho chủ, chủ mầng còn nén vàng, liền đem đi cất. Lão ăn mày thức dậy thấy mất nén vàng, không thèm tìm kiếm, xăm xăm trở lại nhà giàu mà xin nén khác. Ông nhà gìau nói: mới cho một nén làm gì hết đi, mà còn xin nữa? Lão ăn mày nói: tôi vừa nhắm mắt, nó liền mất đi, nên phải xin ông nén khác. Ông nhà giàu nghe nói, dường như ai soi sáng tấm lòng, liền hiểu sự đời: hể con người ta nhắm mắt rồi thì chẳng còn của cải sự nghiệp gì nữa; mới khẫn nguyền xin táng của cải mà làm phước với thiên hạ; sau nghĩ lại, mới biết người ăn mày ấy là tiên.

(Huỳnh Tịnh Của, “Ăn mày xin vàng nén,” Chuyện Giải Buồn, NXB Sài Gòn 1886).

hay lối văn biền ngẫu:

(Đêm đêm em nằm em nghĩ, nghe tiếng gió vù vù, giọt mưa thánh thót mà nhớ khi ai với cậu, cậu với ai trò chuyện suốt đêm ở trong túp tranh bên gốc me đường Phố ấp.

(Song An Hoàng Ngọc Phách, “Giọt lệ Hồng lâu,” Nam Phong Tạp Chí – 1921)

với những câu văn trong sáng trong văn chương vài chục năm sau đó:

Tuy mới vào khoảng đầu giờ Dậu, nhưng về tiết mùa đông, trời đã nhá nhem tối. Các nhà, các hàng xén ở phố Từ Sơn đều đóng cửa. Chỉ trừ một hàng cơm là có ánh sáng. Và luôn luôn ở trong đưa ra tiếng cười nói ầm ỹ. Một trang thiếu niên ky sĩ, từ phía Nam tới, kìm ghì cương ngựa trước cửa hàng. Chàng y phục nai nịt gọn gàng, đầu đội nón lông đen, chân đi hia chẽn, cổ quấn một cái khăn lụa trắng thắt lỏng, mối bỏ rũ sau lưng. Con ngựa của chàng sắc nâu xẫm, và tuy nhỏ thon, nhưng có dáng mạnh mẽ và khỏe dai. Trời lạnh buốt căm căm mà mình nó ướt đẫm mồ hôi, xem đó đủ đoán biết chủ nó đi từ xa lại. Thế mà mũi nó hục hặc thở ra hai luồng hơi khói, bốn gió nó cuốc xuống đất như gõ nhịp, để tỏ ý muốn là còn thừa sức chạy một thôi dài nữa.

(Khái Hưng, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, 1937)

hay tài hoa, khinh bạc:

Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không? …Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.”

(Nguyễn Tuân, “Chữ Người Tử Tù,” Vang Bóng Một Thời, 1940)

hay điêu luyện, gói nỗi lòng thế kỷ như

Bờ tre rung động trống chầu,
Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan,
Đêm mơ lay ánh trăng tàn,
Hồn xưa gởi tiếng thời gian, trống dồn.

(Huy Cận, “Chiều Xưa,” Lửa Thiêng, Đời Nay 1940

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành

(Xuân Diệu, “Tương tư chiều,” Thơ Thơ, 1938)

Nhiều chữ mới trong khoa học nghệ thuật triết học được các học giả, nhà văn, nhà báo hoặc là sáng tạo ra hoặc là mượn từ tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hán và trở thành phổ thông. Chữ Quốc Ngữ còn được dùng trong những tranh luận về nghệ thuật và chính trị (Tranh luận về Truyện Kiều của Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh), tranh luận về triết học (Tranh luận về Nho Giáo giữa Phan Khôi và Trần Trọng Kim). Cuốn Danh Từ Khoa Học (1942) của Hoàng Xuân Hãn đã giúp sinh viên học sinh rất nhiều sau này khi tiếng Việt là chuyển ngữ.

Về chánh tả, Tự điển Đại Nam Quấc (tức Quốc Âm Tự Vị xuất bản năm 1895 do Paulus Huình Tịnh Của biên soạn là tự điển tiếng Việt đầu tiên. Những tự điển sau đó như Viêt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Hán Việt Từ Điển (Đào Duy Anh 1932) Hán Việt Tự Điển (Thiều Chửu 1942) cũng góp phần chuẩn hoá chánh tả chữ Quốc Ngữ. Sau chiến tranh Việt Pháp 1945-1954, riêng trong miền Nam, tuy ở trong tình trạng chiến tranh, nhiều học giả cũng góp phần chuẩn hoá chánh tả bằng cách tìm về tự nguyên (gốc chữ) như Lê Ngọc Trụ, Bình Nguyên Lộc … Ông Bình Nguyên Lộc tìm hiểu chánh tả từ nguồn gốc hải đảo. Đặc biệt ông Lê Ngọc Trụ với cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị, cố gắng tìm tự nguyên cho mỗi chữ, trừ một số ít thì đành theo “luật của số đông”.

6) Những cố gắng hợp lý hóa và cải tiến chánh tả

Chánh tả chữ Quốc Ngữ có hoàn toàn hợp lý không? Không, và đại đa số ngôn ngữ nào cũng có những điều không theo quy tắc. Chữ Quốc Ngữ không là ngoại lệ. Tuy nhiên, kể từ những ngày đầu tiên san định chánh tả qua những cuốn tự điển, các học giả đã cố gắng tìm những quy luật trong chánh tả, để làm chánh tả hợp lý hơn, dễ hiểu hơn.

Ở miền Nam, ông Nguyễn Ngu Í có một số đề nghị về hợp lý hoá tiếng Việt, thí dụ cách viết chữ I và Y mà tôi sẽ trình bày lại như một phụ lục của bài viết này. Dù việc hợp lý hoá chữ viết này (cách viết chữ I và Y) dễ hiểu và thay đổi rất ít chánh tả Việt ngữ, tôi chắc rằng khó có một đồng thuận ở đây. Sẽ có người chống đối và người ủng hộ. Mọi thay đổi liên quan đến nhiều người như chánh tả cần thời gian.

Gần đây có một số đề nghị thay đổi chánh tả Việt ngữ của Bùi Hiền và Trần Tư Bình (cùng Kiều Trường Lâm). Hai ông đề nghị thay chữ Quốc Ngữ hiện hành bằng thứ chữ viết do hai ông đưa ra. Chúng tôi không đi sâu vào cách thay đổi mà chỉ đưa vài thí dụ trước và sau khi thay đổi và có những nhận xét tổng quát.

  1. a)Chữ Việt Cải Tiến của Bùi Hiền

Chữ Quốc Ngữ

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Chữ Việt Cải Tiến

Căm năm cow kõi wười ta
Cữ tài cữ mệnh xéo  gét nhau
Cải kua một kuộk bể zâu
Nhữw diều côw qấy  dau dớn lòw

(thay đổi 19/28 chữ = 68%)

  1. b) Chữ Việt Nhanh của Trần Tư Bình

Chữ Quốc Ngữ

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Chữ Việt Nhanh

Bưs tới Dèo Wag, bóg xế tà
Cỏ cây chen , lá chen hoa
Lom kom zứj núi, tìw vài chú
Lac dac bên sôg, chợ mấy nhà.

Nhớ nưs dau lòg, con qôc qôc,
Thưz nhà mỏi mịz, cái ja ja.
Zừg chân dứg lại trời, non, nưs,
Một mảh tìh riz, ta với ta.

(thay đổi 26/56 chữ = 47%)

Quan điểm của tôi với cả hai chữ này như một thứ chữ viết thay thế chữ Quốc Ngữ hiện tại:

Hai ông cho là nhiều ngôn ngữ trên thế giới cũng thay đổi chữ viết nhiều như vậy. Đúng không? Trên thế giới trong khoảng 100 năm nay, chữ viết các ngôn ngữ lớn trên thế giới chỉ có những thay đổi nhỏ, nếu có. So sánh Đức ngữ trước 45, từ giai đoạn 1945-90 tại cả hai miền và ngày nay, thay đổi chính là cách viết dính chữ thành một chữ dài (Đông Dức) và bây giờ trở lại cách viết rời như trước kia. Một người Đức hầu như không có trở ngại gì với tiếng Đức trước kia và hiện nay. Tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha thì hầu như không thay đổi về chánh tả. Ngôn ngữ có chữ viết thay đổi nhiều nhất là Hán ngữ, đổi từ Phồn Thể (traditional form) sang Giản Thể (simplified form) nhưng có nhiều hoàn cảnh khác biệt với sự thay đổi chữ Quốc Ngữ sang hai loại Chữ Việt Cải Tiến/Chữ Việt Nhanh nếu xảy ra:

o Người mù chữ, không biết chữ (Phồn Thể) ở Trung Hoa năm 1949 được cho là rất cao, khoảng 80% -> 90%, so với chỉ dưới 10% dân số Việt Nam ngày nay (ở độ tuổi trên 8 tuổi) không biết chữ Quốc Ngữ

o Chữ Phồn Thể khác chữ Giản Thể dưới 5%, không phải 47% hay 68%.

o Biết chữ Giản Thể có thể tạm đoán (tuy không chính xác lắm) chữ Phồn Thể và ngược lại.

o Quyền uy Mao Trạch Đông giai đoan 1950-1960 hầu như tuyệt đối, trong khi người chủ trương Chữ Việt Cải Tiến/Chữ Việt Cải Nhanh không có súng trong tay.

o Có sự gián đoạn với quá khứ khi đổi từ Phồn Thể sang Giản Thể và có nhiều người đang đề nghị trở lại với chữ Phồn Thể.

  • Chữ Việt Cải Tiến và Chữ Việt Nhanh dùng như mật mã hay tốc ký: Để dùng như một mật mã, với giới chuyên nghiệp như tình báo thì cả hai loại chữ đều quá thô sơ. Còn để dùng như tài tử thì tôi không bàn tới.

Nhu cầu tốc ký (ghi nhanh) của ký giả, học sinh, người tham dự hội họp càng ngày càng giảm đáng kể với sự ra đời của các máy ghi âm, ghi hình.

Nhưng nếu hai thứ chữ này thay thế chữ Quốc Ngữ thì nó không phải chỉ dùng đơn giản như mật mã hay tốc ký.

  • Cả hai ông Bùi Hiền và Trần Tư Bình đều nhấn mạnh đến loại chữ của họ gọn hơn, ít dùng ký tự hơn, đánh máy nhanh hơn nên sẽ giảm chi phí in sách báo. Tôi chỉ nhắc là bàn phím QWERT hiện nay không phải là tối ưu, nhưng chưa có nhà sản xuất nào thành công tung ra một bàn phím khác: thế giới đã quen với nó hơn trăm năm nay rồi.
  • Chữ Việt Cải Tiến và Chữ Việt Nhanh không giải quyết những sai phạm thường gặp về chánh tả như dấu Hỏi và dấu Ngã, chữ S và X, chữ Tr và CH, chữ D và Gi. Với Chữ Việt Nhanh, ai viết sai chánh tả với chữ Quốc Ngữ về những điểm nêu trên sẽ tiếp tục sai chánh tả. Với Chữ Việt Cải Tiến, mọi điều này cũng đúng, trừ vấn đề chữ Tr và Ch: Bùi Hiền dung chữ C thay cho cả hai chữ Tr và Ch trong chữ Quốc Ngữ. Tương tự chữ Z thay cho cả hai chữ D và Gi. Tôi nhớ trước đây, có người đề nghị để tránh sai dấu Hỏi và dấu Ngã thì chỉ dùng dấu Hỏi cho mọi trường hợp. Đây là làm nghèo ngôn ngữ và chữ viết, chứ không phải hợp lý hoá hay cải tiến,

Thí dụ minh chứng:

Chữ Quốc Ngữ: giải quyết, giãi quyết (sai), chê trách, trê chách (sai), giáo dục, dáo giục (sai)

Chữ Việt Cải Tiến (Bùi Hiền): zải kuyết, zãi kuyết, cê các, cê các, záo zụk, záo zụk

Chữ Việt Nhanh (Trần Tư Bình): jải qyd, jãi qyd, chê trák, trê chák, jáo zụs, záo jụs

Riêng với Chữ Việt Nhanh, về những điểm khác như âm/Gờ/ khi thì viết G khi thì viết Gh, mà tác giả cho là đã hợp lý hoá, cải tiến với lối chữ mới thì tôi chỉ muốn nhắc là ngôn ngữ nào cũng có những điều bất hợp lý, nhưng nếu đa số quen thuộc, ít hay không phạm lỗi sai chánh tả thì không cần thay đổi. Chữ Pháp là một chữ, viết sao đọc vậy, vẫn có chữ G khi thì đọc âm /G/ như “un gateau”, khi thì đọc âm /Gi/ như “la girafe”. Hay âm /Cờ/ có khi dùng K như “kilomètre” có khi dùng C như “un cochon”. Và không có một đề nghị nghiêm chỉnh nào của người Pháp để “sửa đổi, cải tiến” chánh tả như vậy. Thứ chữ viết hợp lý nhất thế giới, không có ngoại lệ nào có lẽ là chữ Esperanto, nhưng lại là thứ chữ không nước nào muốn dùng cả.

Thay đổi một điều lớn như chữ viết mà 90, 95% người dân sử dụng thì phải rất cẩn thận, cần xem xét kỹ và cần cả thời gian để thực hiện thay đổi

  • Những thay đổi như hai ông đề nghị, dù hợp lý cách mấy, cũng không loại trừ khả năng sẽ có người khác, trong 5, 10 năm nữa, đưa ra một thứ chữ khác “hợp lý”hơn, để thay thế chữ của hai ông. Dân tộc Việt Nam liệu có chịu đựng làm thí nghiệm mãi như thế không?

Điểm đáng khen là ông Trần Tư Bình thường kiên nhẫn và tranh luận khá nhã nhặn, khác với ông Bùi Hiền, lớn tuổi hơn nhưng dùng ngôn từ thô lỗ với người khác ý.

  1. c) Chữ Việt Song Song 4.0 của Trần Tư Bình và Kiều Trương Lâm

Gần đây, có lẽ ông Trần Tư Bình bớt tham vọng muốn thay thế chữ Quốc Ngữ bằng chữ Việt Nhanh mà thay vào đó, cộng tác với Kiều Trường Lâm, một chuyên viên về Quản Trị Thương Mại, đưa ra chữ Việt Song Song 4.0 như một cách đánh máy trên bàn phím thông thường QWERT để đánh chữ Quốc Ngữ. Tôi có thể nhắc nhở hai ông là cách đánh và phần mềm (nhu liệu) hiện nay, đã dùng bàn phím QWERT không dấu và cũng dựa vào những công thức đơn giản. Thí dụ cách đánh VNI đánh máy “d9” để cho ra chữ “đ”. Một người bình thường chỉ xem qua luật trong 5 phút và thực tập vài giờ đã khá thành thạo. Ngoài ra, người sử dụng không thấy “d9” chỉ thấy “đ” xuất hiện. Họ không muốn nhìn những sản phẩm trung gian mà chỉ muốn nhìn kết quả cuối cùng.

Ông Kiều Trường Lâm còn đưa ra một thứ chữ viết để thay chữ Quốc Ngữ gọi là Chữ Việt Báo Mật 4.0 hay chữ Việt Hình Thể 4.0, mà ông bảo có người đã trả giá cho ông tới 400 triệu đồng (khoảng USD $17,000). Tôi xin miễn bình luận thêm về chữ viết này.

7) Những vấn đề của chữ Quốc Ngữ hiện nay

Có hai khía cạnh của chữ viết cần xét: văn phạm và ngữ vựng.

Văn phạm (tức ngữ pháp) thì không gây ra vấn đề lớn lao. Nhiều người không thích những cách dùng chữ mới như “hơi bị”, thí dụ “cô bé ấy hơi bị đẹp, anh ấy hơi bị ngu …” Chữ “bị” trước đây theo văn phạm thường đi với động từ chứ ít khi gắn với tính từ như “đẹp, ngu….” Tuy nhiên, tôi cho là một cách đùa giỡn ngôn ngữ của giới trẻ thôi, ít xâm nhập vào văn chương nghiêm chỉnh.

Về ngữ vựng, cách dùng chữ mới cũng như chánh tả, thì có nhiều vấn đề hơn.

Nhìn về phía chính quyền, một nhà nước tập trung quyền hành cao độ, trên mọi lãnh vực trong đó có giáo dục, báo chí, văn hoá, họ đã để lộ nhiều khiếm khuyết. Về giáo dục, sách giáo khoa soạn khá cẩu thả và tuỳ tiện, thiếu nhất quán. Về báo chí, 800 tờ báo lề phải trong tay chính quyền dùng ngôn ngữ khá cứng nhắc, mà nhiều người đã lên tiếng. Từ Hán Việt, trong đó có những từ ít hay không dùng trước 1975, nay lại được dùng rất nhiều trên báo chí. Những cách nói “Tham gia sự kiện, Sở hữu một sắc đẹp …” cầu kỳ và sáo mòn. Chiến tranh đã chấm dứt hơn 47 năm, nhà nước vẫn không đầu tư vào một dự án từ điển, quy mô tham khảo tất cả những tự điển cũ, xem xét những sai lầm trong các tự điển ấy và soạn một tự điển hoàn chính hơn.

Về phần dân chúng, mạng xã hội làm người sử dụng chữ Quốc Ngữ ngày càng nhiều hơn. Trước đây, rất nhiều người không cần hoặc ít cần dùng chữ viết khi đi làm, nay thì với quốc gia có hơn 80% người sử dụng mạng xã hội, chữ Quốc ngữ được sử dụng nhiều và thường xuyên hơn, nhưng tiếc thay, sai lầm dễ bị nhân lên. Nhiều người cứ dựa vào trí nhớ, dựa vào những gì họ học cách đây 40, 50 năm để cho là họ viết đúng chánh tả. Giải pháp dễ dàng nhất là sử dụng các tự điển ở đường dẫn (link) trong chú thích ## [8] và [11] ở phần Phụ Lục bên dưới, khi không chắc chắn lắm về chính tả. Những khác biệt về chánh tả giữa các tự điển không nhiều như người ta nghĩ. Những khác biệt về chánh tả, đã có những học giả tìm về gốc chữ, trước kia thì có Lê Ngọc Trụ, Bình Nguyên Lộc, sau thì có An Chi (vừa qua đời), Hoàng Tuấn Công v.v. bổ khuyết thêm.

8) Kết luận:

Trong hoàn cảnh đất nước đang đối phó với những vấn đề nghiêm trọng, tôi nghĩ chữ Quốc Ngữ là một chất keo kết nối dân tộc. Yêu tiếng nói, chữ viết cũng là một cách yêu nước. Và khi có những điểm chung thì trên đường dài, ta có thể cùng làm cho ngôn ngữ, trong đó có chữ Quốc Ngữ, phong phú hơn, Những thay đổi, nếu xét thấy cần thiết, có thể làm từ từ, và theo một tầm nhìn nhất quán, xuyên suốt.

Mặc Lý

10 – 2022

__________________

Phụ Lục

Đề nghị cách viết chữ Y và I của Nguyễn Ngu Í

Chữ Y, gọi là I dài, I cờ rết (I grec), có thể xem như hai chữ I. Có nhiều tranh luận về việc khi nào viết chữ Y, khi nào viết chữ I. Nhiều người hiện nay viết Y thay cho I, trong mọi trường hợp mà trước đây chỉ viết I.

Khoảng thập niên 60 của thế kỉ trước, Ông Nguyễn Ngu Í có đưa ra một đề nghị ngắn, dễ hiểu:

1) Viết I những khi Y và I có cùng cách phát âm

2) Danh từ riêng, về tên đất (địa danh) theo luật 1). Chỉ tôn trọng cách dùng Y trong danh từ riêng chỉ tên người.

3) Ngoại lệ: Khi Y đứng một mình ta có thể dùng như trước đây (không biết ý này có phải của ông Nguyễn Ngu Í hay không).

Tôi xin nói thêm về 3 điều này:

1) Ta sẽ viết

– Hi Vọng thay cho Hy Vọng (các tự điền đa số ghi cả hai cách viết)

– Qui Tắc thay cho Quy Tắc

– Vẫn viết Uy Quyền chứ không viết Ui Quyền. Hai chư UY (đoc nhanh của ui-i) và UI phát âm khác nhau.

– Vẫn viết Quyết Định chứ không viết Quiết Định. Hai chữ Quyết (đoc nhanh của Qui-iết) và Quiết (đoc nhanh của Qui-ết) phát âm khác nhau. Nói chung các nguyên âm kép có Y vẫn giữ nguyên.

– Nhiều người cho là những từ có gốc Hán Việt phải viết với Y. Điều này không đúng: chữ Quốc Ngữ là chữ ký âm, không dùng nghĩa hay gốc chữ để viết.

2) danh từ riêng:

– Danh từ riêng chỉ tên đất (địa danh): viết Qui Nhơn thay cho Quy Nhơn (tôi biết là mấy năm trước, thành phố “Qui Nhơn” có kiến nghị (và đã được chấp thuận) dùng chữ Quy Nhơn, dựa vào văn bản thời Pháp. Nhưng văn bản này lại viết trước thời gian của đề nghị này.

– Danh từ riêng chỉ tên người: ta phải tôn trọng. Đây là vần đề tự do cá nhân. Ta vẫn phải viết Trần Huiền Ân, TCHYA …

3) Quy tắc này có lẽ về mỹ học. Giữ hay bỏ có thể thảo luận. Tiếp tục viết Ý Chí hay sửa thành Í Chí?

Tham Khảo:

[1] Bảng Tra Chữ Nôm, Viện Ngôn Ngữ Viết Nam, 1976

[2] Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Anthony Trần Văn Kiệm, 2004

[3] Các bản truyện Kiều, Nguyển Quảng Tuân phiên âm và khảo dị

[4] John Balaban, Lee Collins, Stephen Lesser, John Phan, D. Neil Schmid, Ngô Trung Việt, Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm

[5] Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối, Sài Gòn, 1968

[6] Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp Đô Hộ, Sia Gòn, 1973.

[7] Huình-Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1895

[8] Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam Tự Điển, 1931

http://www.vietnamtudien.org/vntd-kttd/

[9] Đào Duy Anh, Hán Việt Từ điển, 1932.

[10] Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, Hà Nội, 1942

[11] Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Tự Điển, 1970

http://www.viethoc.com/viet-hoc-thu-quan-1/tu-dien/viet-nam-tu-dhien—le-van-dhuc-le-ngoc-tru

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen