Seite auswählen

Một tàu bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân (phải) đi ngang qua một tàu bảo vệ bờ biển Trung cộng trong cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ ở Biển Đông. (hình minh hoạ) AFP

Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân vào ngày 22/12 cho tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này được đưa ra hai ngày sau khi có báo cáo Trung cộng đã khởi sự bồi lấp thêm tại bốn thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa.

AFP loan tin dẫn thông cáo của Bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân rằng bất cứ sự lấn chiếm hay cải tạo nào tại các thực thể ở Biển Đông, theo cách gọi của Manila là Tây Phi Luật Tân, đều là mối nguy cho an ninh của Đảo Thị Tứ.

Vào ngày 20/12 mạng báo Bloomberg đưa tin về những hình ảnh vệ tinh mà giới chức Hoa Kỳ công bố cho thấy những khu vực mới được tàu hút cát của Trung cộng tạo nên.

Những khu vực đó được nêu rõ thuộc các đá Eldad Reef (Én Đất), Whitsun Reef (Ba Đầu), Sanday Cay (Hoài Ân) và Lankiam Cay (An Nhơn).

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân quan ngại về hoạt động đó vì cho rằng đã vi phạm Bản Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA hồi năm 2016.

Cũng theo cơ quan ngoại giao chính phủ Manila thì nhiều cơ quan khác của nước này yêu cầu điều tra về hoạt động bồi lấp mới của Trung cộng như thế ở khu vực quần đảo Trường Sa tại Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung cộng thì cho rằng báo cáo từ phía Hoa Kỳ như vừa nêu là vô căn cứ.

RFA (22.12.2022)

 

 

Phi Luật Tân tăng cường hiện diện quân sự sau ‘các hoạt động của Trung cộng’ gần các đảo

Đảo Pagasa.

Hôm 22/12, Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân ra lệnh cho quân đội tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông sau khi theo dõi “các hoạt động của Trung cộng” ở vùng biển tranh chấp gần một hòn đảo chiến lược do Phi Luật Tân kiểm soát, theo Reuters.

Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân không nói rõ đó là những hoạt động gì. Tuyên bố này của họ được đưa ra sau một báo cáo trong tuần này về việc xây dựng của Trung cộng trên bốn thực thể không có người ở thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, thông tin này bị Bắc Kinh bác bỏ là “vô căn cứ”.

Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng bất kỳ sự xâm lấn hoặc cải tạo nào đối với các thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân “là mối đe dọa đối với an ninh của đảo Pagasa, một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân”. Đảo Thị Tứ có tên là Pagasa trong tiếng Phi Luật Tân.

“Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Trung cộng duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc hiện hành và kiềm chế các hành động sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng”, tuyên bố cho biết thêm.

Tòa Đại sứ Trung cộng tại Manila nhắc lại rằng Trung cộng tuân thủ nghiêm ngặt sự đồng thuận đạt được giữa các bên tranh chấp bao gồm việc không phát triển các rạn san hô và đảo không có người ở.

Khi được đề nghị hãy phản hồi tuyên bố của Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân, Trung cộng cho biết cả hai nước sẽ “xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải thông qua tham vấn hữu nghị”.

Bộ Tư lệnh Miền Tây của quân đội Phi Luật Tân trong một tuyên bố cho biết họ đã quan sát “sự hiện diện dai dẳng” của lực lượng dân quân Trung cộng gần đảo Thị Tứ và xung quanh đảo Lankiam Cay, Whitsun Reef và Sandy Cay, thông qua các cuộc tuần tra thường xuyên của hải quân và không quân.

VOA (22.12.2022)

 

 

Phi Luật Tân ‘quan ngại’ về hoạt động bồi lấp của Trung cộng tại vùng biển tranh chấp

Tàu Trung cộng nạo vét tại đá Én Đất vào tháng 6/2014.

Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân

Phi Luật Tân bày tỏ quan ngại sâu sắc trước báo cáo hoạt động bồi lắp mới của Trung cộng tại một số thực thể ở vùng tranh chấp tại Biển Đông.

AFP loan tin ngày 21/12 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân như vừa nêu đưa ra vào chiều tối ngày 20/12.

Trong ngày 20/12 mạng báo Bloomberg đưa tin về những hình ảnh vệ tinh mà giới chức Hoa Kỳ công bố cho thấy những khu vực mới được tàu hút cát của Trung cộng tạo nên.

Những khu vực đó được nêu rõ thuộc các đá Eldad Reef (Én Đất), Whitsun Reef (Ba Đầu), Sanday Cay (Hoài Ân) và Lankiam Cay (An Nhơn).

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân quan ngại về hoạt động đó vì cho rằng đã vi phạm Bản Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA hồi năm 2016.

Cũng theo cơ quan ngoại giao chính phủ Manila thì nhiều cơ quan khác của nước này yêu cầu điều tra về hoạt động bồi lấp mới của Trung cộng như thế ở khu vực quần đảo Trường Sa tại Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung cộng thì cho rằng báo cáo từ phía Hoa Kỳ như vừa nêu là vô căn cứ.

Bắc Kinh tự vạch ra đường đứt khúc chín đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, để đơn phương tuyên bố gần như trọn Biển Đông. Đứng này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế vào tháng 1/2016 tuyên không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử. Trung cộng thẳng thừng bác bỏ không tuân thủ phán quyết này của tòa.

RFA (21.12.2022)

 

 

Biển Đông : Phi Luật Tân quan ngại việc Trung cộng cải tạo bốn thực thể ở Trường Sa

Ảnh vệ tinh chụp Đá Én Đất ( Eldad Reef ), quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 04/11/2022. © AFP – SATELLITE IMAGE ©2022 MAXAR TECHNOLOGIES

Hôm nay, 21/12/2022, Phi Luật Tân cho biết « vô cùng quan ngại » về một báo cáo mới cho thấy Trung cộng đã cải tạo ít nhất 4 thực thể ở Biển Đông. Hôm qua, hãng tin Mỹ Bloomberg đưa tin Trung cộng đang tìm cách lập nguyên trạng mới khi bồi đắp nhiều đảo nhân tạo quanh quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, dù chưa rõ Bắc Kinh có tìm cách quân sự hóa các đảo đó hay không.

Theo một số chuyên gia được Bloomberg trích dẫn, lực lượng tầu dân quân, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Bắc Kinh, đã tiến hành hoạt động xây dựng tại bốn thực thể không có người ở tại quần đảo Trường Sa trong một thập niên qua. Một số khu vực đã được mở rộng diện tích gấp 10 lần trong những năm gần đây.

Tại khu vực Đá Én Đất (Eldad Reef, phía bắc quần đảo Trường Sa), nhiều khối đất mới đã xuất hiện. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều lỗ lớn, các đống đất đá và dấu vết của máy xúc thủy lực, được cho là hoạt động từ năm 2014 ở khu vực này. Trung cộng cũng tiến hành những hoạt động tương tự ở bãi Anh Nhơn (Lankiam Cay), nơi một thực thể đã được gia cố với một bức tường rào mới chỉ trong vài tháng. Một số hình ảnh khác cho thấy những thay đổi rõ ràng ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) và Đá Hoài Ân (Sandy Cay), hai khu vực trước đây thường xuyên chìm dưới nước khi thủy triều lên. 

Trong thông cáo ngày 20/12, bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân bày tỏ « quan ngại sâu sắc vì những hoạt động như vậy đi ngược lại với cam kết kềm chế trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và Phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye năm 2016 », đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khác điều tra thêm. Đại sứ quán Trung cộng ở Manila hôm nay khẳng định những thông tin của Bloomberg là « sai sự thật ».

Phi Luật Tân “không từ bỏ một cm2 lãnh thổ”

Theo AFP, sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân bày tỏ quan ngại về việc nhiều tầu Trung cộng xuất hiện ở Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) và Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), hai khu vực mà Manila đều khẳng định chủ quyền. Lúc đó, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Jose Faustino khẳng định, « chỉ thị » của tổng thống Marcos Jr « rất rõ » « Chúng tôi sẽ không từ bỏ một cm2 lãnh thổ nào của Phi Luật Tân ». Dù thừa nhận có « bất đồng » với Manila, nhưng đại sứ quán Trung cộng không đề cập trực tiếp đến hoạt động của số tầu trên.

Trước đó, bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân đã gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh để phản đối tầu của hải cảnh Trung cộng vào tháng 11/2022 « dùng vũ lực » để thu giữ các mảnh vỡ từ một tên lửa Trung cộng và được tầu Phi Luật Tân vớt lên. Đại sứ quán Trung cộng ở Manila đã bác bỏ cáo buộc « sử dụng vũ lực », khẳng định chỉ thu hồi các mãnh vỡ nói trên sau khi « tham vấn hữu nghị ».

Sau hai sự cố đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với Manila và kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng luật pháp quốc tế ». Trung cộng thì cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng tranh chấp ở Biển Đông để « gây rắc rối ».

RFI (21.12.2022)

 

 

 

Mỹ và Trung cộng đấu khẩu về Biển Đông

Tàu tuần duyên Trung cộng tại Biển Đông, ngoài khơi Phi Luật Tân, (ảnh chụp ngày 5/4/2017)

Tòa đại sứ Trung cộng tại Manila ngày 20/12 cáo buộc Hoa Kỳ gây chia rẽ giữa Phi Luật Tân với Bắc Kinh, lên án “những cáo buộc vô căn cứ” của Washington mà Bắc Kinh cho là tìm cách khuấy động rắc rối ở Biển Đông.

Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nóng trong mối quan hệ đầy thử thách giữa Trung cộng và Hoa Kỳ, với việc Washington bác bỏ điều mà họ gọi là yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Phát biểu của sứ quán Trung cộng tại Manila là phản hồi trước tuyên bố hôm 19/12 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price bày tỏ lo ngại về “những leo thang mạnh mẽ” được báo cáo của các tàu Trung cộng trong vùng biển tranh chấp và một sự cố liên quan đến một mảnh tên lửa nổi trên biển.

Ông Price nói các hành động của Trung cộng “phản ánh việc tiếp tục coi thường các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực.” Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng Phi Luật Tân trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Trong một tuyên bố, tòa đại sứ Trung cộng tại Manila nói “các nước láng giềng có sự khác biệt là điều tự nhiên”, nhưng nói thêm rằng: “Mỹ tiếp tục can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng chia rẽ các nước trong khu vực, tạo ra căng thẳng và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực.”

“Những gì Hoa Kỳ đã làm không phải để giúp đỡ bất cứ ai mà để phục vụ lợi ích địa chính trị của chính mình,” tòa đại sứ Trung cộng nói.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn ở Biển Đông chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Phi Luật Tân. Hàng nghìn tỷ đô la thương mại chảy qua tuyến đường thủy này hàng năm, nơi cũng có các ngư trường và mỏ khí đốt phong phú.

Phi Luật Tân tuần trước đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc “các tàu Trung cộng được cho là tập trung đông đảo” tại một rạn san hô và bãi cạn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Điều đó xảy ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao gửi công hàm phản đối về việc một tàu tuần duyên Trung cộng mà quân đội Phi Luật Tân cho rằng đã sử dụng vũ lực để lấy một mảnh tên lửa trôi nổi trên biển mà một tàu Phi Luật Tân đang lai dắt ở Biển Đông.

Trung cộng đã phủ nhận việc họ dùng vũ lực để giành lấy mảnh vật thể mà hồi tháng trước họ nói là mảnh vỡ từ vỏ bảo vệ phần mũi của một con tàu vũ trụ do Bắc Kinh phóng.

VOA (21.12.2022)

 

 

Loạt diễn biến “cảnh báo” nguy cơ với an ninh tại Biển Đông

Trang mạng lawfareblog.com ngày 03/11 tổng kết loạt diễn biến có thể tác động đến tình hình an ninh Biển Đông và khu vực.

Chính quyền Biden công bố chiến lược an ninh quốc gia được chờ đợi lâu nay

Ngày 12/10/2022, Chính quyền Biden đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) đầu tiên. Tài liệu dài 48 trang này, vốn bị trì hoãn vào mùa Đông năm 2021 do cuộc chiến Nga – Ukraine, nêu bật quan điểm của ông Biden về những thách thức lớn nhất của thế giới và cách thức Mỹ có thể bảo vệ lợi ích của chính mình. Chiến lược xác định hai thách thức chiến lược: 1) sự cạnh tranh giữa các cường quốc để định hình tương lai của trật tự quốc tế; 2) những thách thức xuyên quốc gia như “biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, khủng bố, thiếu hụt năng lượng và lạm phát”.

Về cạnh tranh chiến lược, chiến lược của ông Biden xác định Trung cộng là “thách thức địa chính trị quan trọng nhất của Mỹ” và cũng nhấn mạnh Nga là mối đe dọa chiến lược. Về những thách thức chung, Chính quyền Biden khẳng định rằng Mỹ đang theo đuổi cách tiếp cận kép, chú trọng hợp tác với các nước sẵn sàng, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh, giải quyết những thách thức đó, đồng thời tăng cường hợp tác với các nền dân chủ trong các liên minh như vậy.

Đáng chú ý nhất, NSS vượt ra khỏi khung quan hệ quốc tế và xác định chính sách đối nội là ưu tiên đối với lợi ích của Mỹ.

Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 29/9, Chính quyền Biden đã công bố Chiến lược đối tác Thái Bình Dương, chiến lược quốc gia đầu tiên của Chính phủ Mỹ dành riêng cho các đảo ở Thái Bình Dương. Sáng kiến này được xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đó của Chính quyền Biden nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như thông qua nhóm “Bộ tứ” và thỏa thuận AUKUS.

Để hỗ trợ sáng kiến chiến lược, chính quyền Biden đã cam kết 810 triệu USD cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Dù hoàn toàn không được đề cập trong NSS, sáng kiến này cũng cho thấy chính quyền Mỹ gần đây ghi nhận những thách thức và rủi ro địa chính trị khi Trung cộng lấp khoảng trống chiến lược trong khu vực mà Mỹ đã bỏ ngỏ.

Sự phát triển quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 01/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada đã gặp nhau tại Hawaii và nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 3 nước trong bối cảnh Trung cộng tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Cụ thể, ba quan chức quốc phòng khẳng định cam kết thúc đẩy tập trận chung, hợp tác trang thiết bị quốc phòng và công nghệ.

Mỹ cũng tổ chức các cuộc gặp riêng với Australia và Phi Luật Tân để tăng cường liên minh. Mỹ, Phi Luật Tân và Australia đã tiến hành tập trận chung ở Biển Đông có tên Hoạt động huấn luyện hàng hải Sama Sama Lumbas, với giai đoạn trên biển được tổ chức từ ngày 11/10 – 18/10.

Mỹ và Nhật Bản cũng đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung ở Nhật Bản vào tháng 12/2022; tập trận Keen Sword sẽ diễn ra từ ngày 10/11 – 19/11.

Tập Cận Bình quyết tâm củng cố quyền lực và thân tín tại Đại hội XX

Tại Đại hội XX, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực bất chấp quy định. Ông Patricia M. Kim, David M. Rubenstein tại Trugn tâm nghiên cứu Chính sách Đông Á đã có đánh giá về “tư thế hung hăng” trong sự cai trị của ông Tập Cận Bình và dự đoán rằng Trung cộng sẽ “tiếp tục tăng cường” hành động nên “rất khó” có thể thay đổi chính sách trong tương lai gần.

Quân đội Trung cộng tăng cường năng lực trên biển và trên không

Hải quân PLA, Thủy quân lục chiến diễn tập tấn công đổ bộ quy mô lớn: Cuối tháng 9/2022, Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ báo cáo rằng Hải quân PLA đã tiến hành tập trận đổ bộ quy mô lớn. Theo nhà phân tích quốc phòng Tom Shugart, cuộc tập trận đã cho thấy cách thức các phà dân sự có khả năng chuyên chở các lực lượng đổ bộ quy mô lớn “nhanh chóng” qua Eo biển Đài Loan cao hơn như thế nào so với các tàu chiến đổ bộ. Điều này có thể giúp sức cho cuộc đổ bộ quy mô lớn vào Đài Loan. Ông Shugart mô tả năng lực dân sự này là điểm cộng “quan trọng” cho cuộc xâm lược Đài Loan.

Thủy quân lục chiến PLA dường như cũng “áp dụng một số phương pháp tiếp cận của đối tác Mỹ” và được cho là đã tăng cường huấn luyện trong một loạt môi trường khắc nghiệt, bao gồm nhiệt nóng sa mạc và mùa Đông Himalaya khắc nghiệt, để đảm bảo có thể xoay chuyển và chiến đấu trong mọi điều kiện.

Lực lượng phòng không PLA tìm cách bắt kịp tốc độ phát triển của Hải quân PLA: Trung cộng đang khẩn trương mở rộng và hiện đại hóa đội tàu sân bay. Tháng 6/2022, Trung cộng đã hạ thủy tàu sân bay thông thường thứ 3. Đây là tàu sân bay đầu tiên có hệ thống phóng máy bay bằng bệ phóng điện từ. Trung cộng được cho là có kế hoạch phát triển sáu nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035.

Những năm gần đây, Không quân PLA cũng đã phát triển các nền tảng hàng không thông qua việc sản xuất và triển khai các máy bay dòng 20, bao gồm cả máy bay vận tải hạng nặng Y-20 (2016), máy bay chiến đấu tàng hàng hình J-20 (2017) và trực thăng Z-20 (2019). Máy bay ném bom chiến lược H-20 sắp được ra mắt và Trung cộng đã bắt đầu nghiên cứu việc kết hợp các máy bay không người lái quân sự tiên tiến làm “máy bay sát cánh” cho máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Hải quân PLA cũng đã bắt đầu thăng cấp cho các phi công trên tàu sân bay; năm 2020, một phi công J-15 được bổ nhiệm làm sĩ quan điều hành của tàu sân bay CNS Sơn Đông (17).

Quan hệ xuyên eo biển tiếp tục nóng sau Đại hội XX của Trung cộng

Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung cộng dường như đang đẩy nhanh tiến độ giành quyền kiểm soát Đài Loan. Các quan chức Hải quân Mỹ cho rằng năm 2027 là năm mà Trung cộng hy vọng có đủ năng lực quân sự để kiểm soát hòn đảo này, Hạ nghị sĩ Mike Gallagher (R-Wis) nhận định Lầu Năm góc phải hiện đại hóa nhanh hơn để chuẩn bị cho cuộc xung đột với Trung cộng. Hơn nữa, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday đã tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu tấn công vào Đài Loan ngay trong năm 2023 và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại một sự kiện gần đây tại Đại học Stanford cho rằng Trung cộng đang “đẩy nhanh” kế hoạch sáp nhập hòn đảo này so với dự kiến trước đây.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Đài Loan cho rằng những tuyên bố như vậy của Trung cộng được coi là “muối bỏ bể” và có thể được xem như một hình thức chiến tranh tâm lý nhằm đe dọa Đài Loan.

Nguồn: TKNB – 07/11/2022

Caphesach (21.12.2022)

 

 

Việt Nam đã bồi đắp thêm 170 hécta ở Biển Đông

Việt Nam được ghi nhận đang ráo riết tiến hành mở rộng đáng kể công việc nạo vét và đắp đất tại một số tiền đồn ở Biển Đông trong nửa cuối năm nay, báo hiệu ý định củng cố đáng kể các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin này hôm 15 Tháng Mười Hai, dẫn nguồn Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS).

Đảo chìm Đá Lớn A ở Trường Sa. (Hình: Mai Thanh Hải/Thanh Niên)

Theo đó, nỗ lực bồi đắp đảo, bãi đá của Việt Nam đã tạo ra thêm khoảng 170 hécta đất và nâng tổng diện tích mà Việt Nam bồi đắp trong thập niên qua lên 220 hécta.

Dựa trên những hình ảnh vệ tinh thương mại, Tổ Chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của CSIS cho biết nỗ lực bồi đắp của Việt Nam bao gồm mở rộng việc đắp thêm đất tại bốn thực thể và nạo vét mới tại năm thực thể khác.

“Quy mô của công việc bồi đắp của Việt Nam, mặc dù vẫn còn kém xa so với Trung cộng, vẫn thể hiện ý đồ củng cố vị thế của Việt Nam ở Trường Sa,” phúc trình của AMTI cho biết.

Cũng theo AMTI, các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại đảo Nam Yết (Namyit), Phan Vinh (Pearson Reef) và Sơn Ca (Sand Cay) đang được mở rộng theo quy mô lớn, với một cảng nạo vét có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn đã hình thành tại khu vực này.

Cả đảo Nam Yết (47 hécta) và đảo Phan Vinh (48 hécta) được ghi nhận đều lớn hơn đảo Trường Sa (39 hécta), từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam ở Biển Đông. Đá Tiên Nữ (Tennent Reef), nơi trước đây chỉ có hai cấu trúc nhỏ, hiện có thêm 26 hécta đất nhân tạo, phúc trình nêu trên xác nhận.

AMTI cho biết Việt Nam đã sử dụng tàu nạo vét để xúc các phần của rạn san hô và lắng đọng trầm tích để bồi đắp đảo và các bãi đá.

Việc Việt Nam bồi đắp, nâng cấp các đảo, bãi đá Trường Sa đã được ghi nhận từ những năm qua. (Hình: CSIS/AMTI)

“Việc Việt Nam sẽ gầy dựng các cơ sở hạ tầng trên những tiền đồn mở rộng này thế nào thì sẽ còn phải chờ xem. Chuyện Trung cộng và các bên tranh chấp khác có phản ứng hay không và ở mức độ nào cũng sẽ được theo dõi,” nghiên cứu của AMTI cho hay.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở đó.

Tuy vậy, Việt Nam, cùng với Đài Loan, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển này. 

 

Người Việt (17.12.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen