Seite auswählen
Sài Gòn Nhỏ

“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó…sợ gì!” từng là câu phát biểu làm khuấy động mạng xã hội của Thủ tướng nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phạm Minh Chính trong lúc chờ hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào giữa Tháng Năm, năm 2022.

Trong bài viết đăng trên tạp chí ngoại giao uy tín ‘The Diplomat’ vào Ngày 6 Tháng Giêng năm 2023, Tiến sĩ Bill Hayton, ký giả và chuyên gia tại viện Chatham House, cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã áp lực TRENDS Research xóa bài viết của ông trên trang web của tổ chức này.

 

 

Bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat của ký giả Bill Hayton

TRENDS Research được thành lập vào năm 2014, với mục tiêu trở thành một trung tâm tư vấn và nghiên cứu độc lập tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tiến sỹ Bill Hayton mượn sự kiện kiểm duyệt này để phân tích sự “hoang tưởng” ngày càng nghiêm trọng của ĐCSVN.

“Lãnh đạo cộng sản Việt Nam hoang tưởng đến mức nào? Rõ ràng là hoang tưởng đến mức mà bất kỳ phân tích quan trọng nào về năng lực và triển vọng tương lai của đảng đều cần phải bị loại bỏ. Điều này, ít nhất, dường như là lời giải thích rõ về lý do tại sao Bộ Ngoại giao Việt Nam đã áp lực một nhóm chuyên gia cố vấn ở Trung Đông xóa bỏ một trong những bài viết của tôi khỏi trang web của họ.”

Bài bình luận bị xóa sổ

Theo Tiến sỹ Bill Hayton, vào Tháng Sáu năm 2022, TRENDS Research đã mời ông viết một bài bình luận về các vấn đề Việt Nam. Sau những chỉnh sửa nhất định của ban biên tập, bài viết của Bill Hayton đã được đăng trên trang web TRENDS Research vào giữa Tháng Tám.

Trong bài viết bị xóa bỏ, Tiến sĩ Bill Hayton lập luận rằng nền chính trị Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng: Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, 78 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng vẫn chưa tìm được người kế nhiệm thích hợp và cũng không tin tưởng bất kỳ thành viên Bộ Chính trị nào.

Kết quả là vào Tháng Giêng, năm 2021, ông Trọng được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa, vốn là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Phong cách chính trị cứng rắn của ông Trọng đang đến hồi kết thúc. Tiến sĩ Bill Hayton đã so sánh giữa tình hình hiện tại với thực trạng cách đây 20 năm dưới đường lối cứng rắn của cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nhấn mạnh rằng đường lối cứng rắn của ông Phiêu đã bị thay thế và chính trị Việt Nam chuyển hướng cởi mở hơn.

 

 

“Người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

 

Thêm vào đó, tiến sĩ Bill Hayton cũng phân tích chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng đã khiến bộ máy quan liêu tê liệt, với các quan chức liên tục không dám đưa ra quyết định:

“Với cương vị là người đứng đầu ĐCSVN, ông Trọng đã sắp xếp thân cận của mình vào các cơ quan chính phủ để giám sát các bộ trưởng và ngăn cản sự phát triển mà ông không thích. Các báo cáo từ Hà Nội mô tả một chính phủ gần như rối loạn chức năng. Tất cả đều thận trọng và cố gắng tránh bị cuốn vào chiến dịch chống tham nhũng trong khi tìm mọi cách bòn rút hệ thống càng nhiều càng tốt.”

Bài viết của ông Bill Hayton cũng đề cập đến các vụ bê bối gần đây, bao gồm vụ ‘chuyến bay giải cứu’ của Bộ Ngoại giao và vụ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thưởng thức món bít tết lát vàng có giá $2,000 tại một nhà hàng ở London vào cuối năm 2021.

Điểm đáng chú ý, theo tiến sĩ Bill Hayton, bài viết bị gỡ bỏ của ông không thu hút nhiều chú ý của dư luận và cũng không bị ban tuyên giáo tấn công. Tuy nhiên, ông giải thích thêm:

“Nhưng hình như có người để ý đến bài viết này… vào đầu tháng Mười, tôi được mời ăn trưa tại Đại sứ quán Việt Nam ở London. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thú vị về các sự kiện đang diễn ra. Bữa ăn kết thúc với một đề cập ngắn gọn về bài báo của tôi, một câu hỏi về việc làm thế nào nó được xuất bản (“Họ yêu cầu một bài, và tôi đã viết.”) và một lời nhắc nhở lịch sự rằng mặc dù có thể được nói về tham nhũng một cách chung chung, nhưng không thể chấp nhận việc nêu tên.”

Tiến sỹ Bill Hayton cho biết thêm sau đó một viên chức ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã ‘vượt quãng đường 140km từ Adu Dhabi đến Dubai’ để phàn nàn với TRENDS Research về bài viết của ông và yêu cầu phải xóa bỏ. Bill Hayton không nhận được thông báo về việc gỡ bài và chỉ phát hiện ra bài của ông đã biến mất khi gửi đường link cho người khác.

Quan trọng hơn, tiến sỹ Bill Hayton muốn cho dư luận thấy rằng vấn đề mà ĐCSVN lo lắng nhất: “Vấn đề lớn nhất dường như là các thành viên của Bộ Chính trị, những người được giao nhiệm vụ diệt trừ tham nhũng, lại chính là những người tham nhũng. Dường như việc công khai cho rằng ban lãnh đạo hiện tại của ĐCSVN đang cạn ý tưởng là điều cấm kỵ.”

Với phần lớn người Việt, chuyện ‘đảng ta’ kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt trên mọi phương tiện là rất đỗi bình thường. Trong ba tháng đầu năm 2022, nhà cầm quyền Việt Nam đã yêu cầu Facebook, YouTube, và TikTok xóa hơn 3,000 bài viết có nội dung ‘phản động’. Reuters bình luận về sự kiện này: “Bất chấp tự do hóa kinh tế và ngày càng cởi mở với thay đổi xã hội kể từ những năm 1990, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn duy trì kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và không dung túng cho bất đồng chính kiến.”

Nhà cầm quyền cộng sản tăng cường kiểm soát và kiểm duyệt thông tin bằng các điều luật mơ hồ, như luật an ninh mạng năm 2019 và ‘bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội’ có hiệu lực vào Tháng Sáu năm 2022. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức nhân quyền Freedom House, Việt Nam được xếp hạng ‘không có tự do’ nhấn mạnh rằng “quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế nghiêm ngặt. Không có độc lập tư pháp.”

Thực hư chuyện ‘mẹ nó… sợ gì!’

ĐCSVN có thể cảm thấy rất hả hê vì đã thành công khiến hầu hết người dân phải kinh sợ đảng. Tuy nhiên, xem xét thực trạng Việt Nam một cách công tâm sẽ thấy ‘đảng ta’ cũng sống trong nỗi sợ triền miên. Sợ đến độ bị ‘hoang tưởng’ như phân tích của tiến sỹ Bill Hayton. Bởi thế, “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó… sợ gì!” có thể là câu nói tự trấn an, không phải của riêng ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà của hầu hết đảng viên. Bởi thực tế cho thấy một nỗi sợ khổng lồ đã và luôn dìm chặt ‘đảng ta’.

 

 

Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính và các thuộc cấp trong lúc chờ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh cắt từ video clip trên kênh YouTube U.S. Department of State)

Ở mọi ngóc ngách của xã hội và không gian mạng, ‘đảng ta’ luôn nhìn thấy ‘thế lực thù địch’. Vì thế ‘đảng ta’ luôn tìm cách khống chế nỗi sợ bằng kiểm duyệt, kiểm soát, các điều luật mơ hồ, án tù, và thậm chí thủ tiêu để cảm thấy bớt sợ. ĐCSVN gây áp lực buộc trang Trends Research phải xóa bài viết của Tiến sỹ Bill Hayton là bằng chứng mới nhất về nỗi sợ này. Xuyên suốt lịch sử là vô số vụ ‘đấu tố’ để bịt miệng giới bất đồng chính kiến vì SỢ, như phong trào Cải cách Ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm.

Sẽ không ai đánh giá công tâm hơn về bản chất của ĐCSVN bằng lãnh đạo cộng sản cao cấp, thâm niên như Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung Ương đảng: “Đặc điểm thứ năm là Đảng đã độc đoán và toàn trị, lại xử lý các việc theo kiểu bí mật và nội bộ, rất sợ công khai, sợ dân biết. Càng bí mật nội bộ thì càng tha hồ tuỳ tiện, muốn duy trì độc đoán nên càng sợ hãi và cấm đoán công khai, không dám tranh luận công khai, không dám thông tin công khai.”

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, cựu Tổng thống Obama phát biểu: “Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn.” Ngược lại, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thừng công khai mục đích của luật an ninh mạng: “Cần có luật này bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi gì thì chửi.”

Âu cũng vì SỢ, nên ‘đảng ta’ phải xây dựng và nuôi ăn một lực lượng hơn mười ngàn người, ‘lực lượng 47’, không phải để chiến đấu chống quân xâm lược, nhưng là để tấn công những con người dám cả gan quan tâm đến thực trạng đất nước và bày tỏ sự bất mãn trước một chế độ ‘ăn của dân không từ một thứ gì’.

Lãnh đạo độc tài khét tiếng của chế độ Đức quốc xã, Adolf Hitler (1889-1945) cho rằng “Nỗi khiếp sợ là công cụ chính trị hữu hiệu nhất.”

Thực vậy! Chế độ độc tài chuyên chế ở bất kỳ nơi đâu tồn tại lâu dài là nhờ duy trì và áp đặt nỗi sợ. Như Trần Đĩnh mô tả trong cuốn sách quốc cấm Đèn Cù:

“Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp hèn trong con người: sợ và tham lam. Sợ thì thỏa được lòng tham. Tham danh, tham lợi, tham tước. Mà sợ rồi thì dối trá nào cũng thành sự thật, bồ hòn nào cũng ngọt, đồ tể nào cũng Đức Phật Như Lai.”

Minh bạch và ngay thẳng thì có gì phải sợ?! Ai cũng hiểu được nguyên tắc đơn giản này. Ấy thế mà, lãnh đạo ĐCSVN dường như không muốn hiểu, ‘nói một đằng, làm một nẻo’.

Bản gốc: PDF

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen