Seite auswählen

Cộng sản và doanh nhân Mỹ gốc Việt, chẳng lẽ giờ này mới biết?

Yên Khê

Tiếng Dân

10-3-2023

 

Chống cộng triệt để và ăn tiệc Việt … Cộng

Nhiều người Việt ở Mỹ xôn xao sau khi Hiệp hội doanh nhân Mỹ gốc Việt (VABA, Vietnamese American Business Association) tổ chức một buổi tiệc thân mật, nhưng khá “hoành tráng”, với các vị dân cử người Mỹ gốc Việt, tại một nhà hàng lớn ở thành phố Milpitas, California.

Nếu chỉ có thế thì cũng không có gì đáng nói, điều đáng nói là hai trong số các nhà tài trợ là hai đại công ty của… “Việt cộng”, một là Vinfast của ông tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hai là Vietnam Airlines, một công ty nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Báo Người Việt đưa tin, rồi sau đó nhà báo Đỗ Dzũng, dùng kênh YouTube của ông để bình luận về việc này.

 

Poster của VABA cho thấy có Dân Biểu Trí Tạ và Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí tham dự buổi tiệc ở Milpitas có Vietnam Airlines và VinFast bảo trợ. Nguồn: Facebook VABA/ Báo Người Việt

Không nghe nói ông Vượng hay các vị đại diện của Vinfast và Vietnam Airlines có mặt, nhưng sự có mặt của các vị dân cử gốc Việt, trong một buổi tiệc có Việt… Cộng công khai tài trợ đã đủ làm thành một sự kiện chưa từng xảy, ít nhất là so với những gì mà họ công khai cho đến nay. Điều trớ trêu là, các vị dân cử này là những người thường xuyên kiếm phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt bằng những hành động chống Cộng… triệt để của họ.

Chuyện này giống như một con voi ở trong phòng từ lâu, nhưng không ai thấy cả, hay không muốn thấy. Việc báo Người Việt và ông Đỗ Dzũng đưa tin, thật ra là đã quá trễ. Dịp Tết năm nay, chính mắt tôi chứng kiến một buổi tiệc có khoảng 200 người tham dự, do tòa lãnh sự của Hà Nội ở San Francsco tổ chức tại Berkeley, California. Đa số những người tham dự là những người Mỹ gốc Việt có làm ăn ở Việt Nam. Trước đó một năm, người ta cũng nói đến một bữa tiệc khoảng chừng ấy người, tổ chức ngay tại Westminster, thủ đô chống cộng của người Việt hải ngoại, do các viên chức ngoại giao Việt Nam Cộng sản đài thọ.

 
VABA được ông David Dương, một doanh nhân gốc Việt, cùng một số người khác thành lập để kết chặt quan hệ giữa những doanh nhân đồng hương với nhau. Ông David Dương cũng không giấu giếm gì về chuyện ông có nhà máy xử lý rác ở Việt Nam. Ông David Dương cũng là người thường tài trợ cho các hoạt động xã hội, cộng đồng… của người Mỹ gốc Việt.

Sau khi tin tức nổ ra, các vị dân cử gốc Việt có vẻ bối rối. Rất ít người tham dự lên tiếng, mà nếu có lên tiếng thì cũng nói vòng quanh, rằng thì là họ ủng hộ VABA thôi, chứ không biết gì về… Việt Cộng. Kể cũng lạ, khi tôi đây là một kẻ quan sát bên lề mà còn biết, trong khi những vị có máu mặt đó lại không biết!

Cái bình thông nhau hải ngoại và nội địa Việt Nam

Nhưng câu chuyện bối rối, hay vòng quanh, hay chống Cộng … triệt để của các vị này, đã được ông Đỗ Dzũng mổ xẻ khá chi tiết trong bài bình luận trên kênh video của ông, câu chuyện tôi muốn bàn đến ở đây là cái lý thuyết bình thông nhau giữa cộng đồng Việt hải ngoại và trong nước, mà tôi có nêu ra trong một bài trên Tiếng Dân gần ba tuần trước.

Theo sức ép của cái bình thông nhau này mà văn hóa, ngôn ngữ của người Việt trong nước, có khi bị cho là ảnh hưởng bởi cộng sản, tấn công vào cộng đồng người Việt hải ngoại một cách mạnh mẽ, đến mức tôi cho là họ rã rời, gần như đầu hàng. Thứ hai là, cũng qua cái bình thông nhau ấy, tiền mặt từ hải ngoại tuôn chảy vào Việt Nam, góp phần trả tiền cho bộ máy chính quyền cộng sản.

 
Nhưng còn một dòng tiền nữa chảy ngược qua Mỹ. Đó là các doanh nhân Mỹ gốc Việt đầu tư làm ăn ở Việt Nam rồi đem lợi nhuận về Mỹ. Hay là những doanh nhân trong nước, tư bản đỏ hay không đỏ, như ông Phạm Nhật Vượng (ông này thì chắc là đỏ) chẳng hạn, đem tiền qua Mỹ đầu tư, rồi giới giàu có nội địa Việt Nam cho con cái đi du học, hay đầu tư lấy thẻ xanh… cũng đem qua biết bao nhiêu là tiền.

Chúng ta có thể hình dung rằng, ông Vượng mang 999 chiếc xe qua Mỹ, thì ông ta phải thuê kho, thuê người quảng cáo bán hàng, thuê văn phòng… bao nhiêu là tiền, đó là chưa kể kế hoạch mở nhà máy xe điện mà ông ta đã hứa với nhà chức trách Mỹ.

Cùng với giới tư bản (đỏ hay không đỏ) của Trung Hoa lục địa, giới nhà giàu nội địa Việt Nam cũng giúp cho nước Mỹ không ít, trong chuyện đóng thuế bất động sản, góp phần duy trì bảo dưỡng đường sá, cống rãnh, công viên… của nước Mỹ.

Trong cái bình thông nhau ấy, tiền từ Mỹ về Việt Nam chủ yếu là do giới người Mỹ gốc Việt làm tiền mặt chuyển về, còn tiền từ Việt Nam qua Mỹ lại là do giới khá giả hơn nhiều, chuyển qua. Chưa biết hai dòng tiền xuôi ngược ấy, dòng nào nhiều hơn?

 
Vì thế, ta có thể thấy các phản ứng của người Việt, xung quanh chuyện ông Vượng đưa xe qua Mỹ chào hàng, rất là lạ.

Một số người Việt ở Mỹ, thay vì hoan hô ông Vượng mang tiền bạc, công việc vào Mỹ, thì lên tiếng nhiếc móc ông ta dữ dội (chuyện chất lượng xe, hay những toan tính của ông ta trong việc đầu tư ở Mỹ lại là chuyện khác).

Những người Việt trong nước có nhiều “tinh thần ái quốc”, lẽ ra phải công kích ông Vượng mang tiền bạc, việc làm ra nước ngoài, nhưng họ lại như lên đồng… tự hào quá Việt Nam ơi, tự hào quá ông Vượng ơi!

Tôi có một người bạn, là dân… chống Cộng triệt để ở Mỹ. Lần nọ anh ấy than phiền chuyện giá nhà ở California lên cao quá, là vì tư bản đỏ … Tàu cộng đổ tiền vào mua. Tôi nói với anh ấy rằng, có phải chúng ta bỏ chạy qua Mỹ để trốn chủ nghĩa cộng sản và tìm đến chủ nghĩa tư bản, mà chuyện người ta bỏ tiền mua nhà, làm giá nhà tăng, chẳng phải là sự vận hành của chủ nghĩa tư bản đó sao? Mới đây, bang Texas đã bỏ lệnh cấm người từ Trung Hoa lục địa sang mua nhà. Tại sao lại cấm một khoản lợi tức chứ?!

Trở lại chuyện buổi tiệc VABA, giá như chuyện ấy xảy ra cách đây 10 năm thì hẳn là cờ vàng đã rợp một góc trời trước văn phòng ông David Dương để chống đối ông. Thế nhưng, đã gần hai tuần rồi, vẫn chưa thấy chuyện gì xảy ra cả.

 

Nhiều dân cử gốc Việt ở Little Saigon dự tiệc có Vietnam Airlines bảo trợ, ‘xóa’ lằn ranh quốc cộng?

Thiện Lê/Người Việt

MILPITAS, California (NV) – Nhiều dân cử gốc Việt tham dự một buổi tiệc mà hai trong số các công ty bảo trợ là ở Việt Nam, trong đó có một công ty do chính quyền Việt Nam sở hữu. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy lằn ranh quốc cộng giữa cộng đồng Việt Nam hải ngoại và trong nước đang dần xóa bỏ?

Poster của VABA cho thấy có Dân Biểu Trí Tạ và Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí tham dự buổi tiệc ở Milpitas có Vietnam Airlines và VinFast bảo trợ. (Hình: Chụp từ Facebook VABA)

Bảng tên các công ty bảo trợ được dán lên tường sân khấu chính của “Buổi Hội Ngộ Thương Gia và Dân Cử” do Hiệp Hội Doanh Gia Người Mỹ Gốc Việt (VABA) tổ chức tại nhà hàng H.L. Peninsula Restaurant ở Milpitas hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Hai, có tên hai công ty Vietnam Airlines và VinFast.

Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, do nhà nước sở hữu gần 90% vốn.

 

VinFast, công ty con của tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một người đang sống trong nước.

Các dân cử gốc Việt tham dự tiệc gồm có Dân Biểu Trí Tạ (Địa Hạt 70), Chánh Biện Lý Thiên Hồ của Sacramento County, Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí và Phó Thị Trưởng NamQuan Nguyễn của Westminster, và Nghị Viên Biên Đoàn của San Jose.

Ngoài ra, Luật Sư Trần Thái Văn, chánh văn phòng của Giám Sát Viên Andrew Đỗ, và là ứng cử viên cho chức giám sát viên Địa Hạt 1 của Orange County, cũng có tham dự buổi tiệc.

 

Đây là những người luôn hô hào, bỏ phiếu thông qua nghị quyết, hoặc tham dự các cuộc tuần hành và biểu tình chống chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay, và thường tham dự các sự kiện có cờ vàng ba sọc đỏ hoặc đeo lá cờ thân yêu này trên người.

Ngay trước cửa nhà hàng, khi bước vào, mọi người đều thấy hai chiếc xe hơi điện VinFast để hai bên.

Bên trong nhà hàng là hình một cô tiếp viên hàng không mặc áo dài xanh, tay cầm bó hoa sen, với kích thước bằng người thật, dựng ngay trên sân khấu.

 

Trước khi bắt đầu chương trình, các màn hình TV rất lớn cho chiếu các đoạn video quảng cáo và giới thiệu của các doanh nghiệp bảo trợ.

Nhật báo Người Việt liên lạc với các dân cử đại diện vùng Little Saigon có mặt tại buổi tiệc để hỏi suy nghĩ của họ về sự bảo trợ của các công ty Việt Nam, và liệu đó có phải là cơ hội để cộng đồng người Mỹ gốc Việt làm ăn với Việt Nam hay không.

Dân Biểu Trí Tạ, Thị Trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí, và Phó Thị Trưởng NamQuan Nguyễn chưa hồi âm khi bài báo lên khuôn.

Ông Trần Thái Văn, cũng từng là dân biểu California, cho biết ông có mặt chỉ để ủng hộ mục tiêu của VABA là tạo ra tiếng nói để thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và sức mạnh kinh tế của người gốc Việt, “chứ không phải mấy chuyện lùm xùm khác.”

Riêng Phó Thị Trưởng NamQuan Nguyễn, khi còn là ủy viên giao thông Westminster, từng ăn tiệc với ông Nguyễn Trác Toàn, tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco, tại một căn nhà ở Westminster hồi năm 2020.

Hồi năm 2019, khi còn là thị trưởng Westminster, ông Trí Tạ cũng trao bằng tưởng lục cho cô Ngô Thanh Vân, diễn viên điện ảnh trong nước.

Vietnam Airlines và VinFast là hai trong nhiều công ty bảo trợ “Buổi Hội Ngộ Thương Gia và Dân Cử” do VABA tổ chức. (Hình: Chụp từ Facebook VABA)

Theo trang tin San Jose Spotlight, đây là buổi họp mặt hằng năm của VABA, lần đầu thu hút được hàng trăm người đến dự từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Không chỉ có nhiều chủ doanh nghiệp có mặt, buổi họp mặt của VABA còn có nhiều dân cử khắp California đến dự.

Trong số doanh gia có bà Hương Giang, từng là tổng giám đốc VinFast USA và hiện là phó tổng giám đốc VinFast Bắc Mỹ.

 

Ông Johnny Nguyễn, hiện đang điều hành công ty Viet Q Media và Việt Q Foods, cũng tham dự buổi tiệc.

Hôm 10 Tháng Giêng, Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai gởi ra thông cáo cho rằng “Phố Hoa,” trên đường Main lịch sử, đối diện Costco, diễn ra trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 21 và 22 Tháng Giêng, là một sự kiện có liên quan đến Cộng Sản trong nước.

Thông cáo cũng tố cáo Viet Q Media và Việt Q Foods có “xuất xứ từ trong nước.”

Lúc đó, bà Mai Hoa, thành viên ban tổ chức “Phố Hoa,” nói với nhật báo Người Việt rằng “có lúc ông Johnny đại diện ban tổ chức ‘Phố Hoa,’ nhưng ông đã không là trưởng ban từ mấy tháng rồi.”

Buổi tiệc của VABA còn có chương trình xổ số cho người tham dự, với nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng cho gia đình đi Việt Nam và ở khách sạn 5 sao.

Đó là các vé máy bay hạng doanh gia của Vietnam Airlines trị giá $16,000, và giải thưởng của VinFast nghỉ ở khách sạn 5 sao ở Việt Nam bốn ngày ba đêm trị giá $5,000.

Theo trang tin San Jose Spotlight trích lời ông David Dương, chủ tịch VABA, “Buổi Hội Ngộ Thương Gia và Dân Cử” là cơ hội để các chủ doanh nghiệp phát triển và nhấn mạnh sự quan trọng của cộng đồng ở San Jose.

Ông David Dương hiện là tổng giám đốc hai công ty rác, California Waste Solutions có trụ ở Oakland, California, và công ty trách nhiệm hữu hạn xử lý chất thải VN (VWS) có nhà máy xử lý chất thải Đa Phước ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Sài Gòn.

 

Ông cho biết sự kiện này thể hiện được sức mạnh của cộng đồng gốc Việt tuy gặp nhiều khó khăn và nhấn mạnh tiếng nói chính trị của cộng đồng Việt.

Ông David nói với San Jose Spotlight: “Người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ và có nhiều đóng góp để phát triển cộng đồng tại nơi họ đang sống. Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta có thể tạo ra được một tiếng nói mà bất cứ ai ở bất cứ nơi nào cũng nghe được.”

Ngoài các dân cử gốc Việt, buổi tiệc còn có sự tham dự của ông Rob Bonta, bộ trưởng Tư Pháp California, và một số dân cử khác.

Ông Bonta chia sẻ cảm nghĩ: “Tôi rất vinh hạnh vì được ngồi chung một phòng với những người đạt được mơ ước của họ và còn biết hỗ trợ nhau. Quý vị đến từ nơi nào, sinh ra ở một quốc gia khác như tôi, hay có nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, chúng ta đều thuộc về nơi này. Chúng ta cùng làm cho California tuyệt vời hơn.” 

Hôm 2 Tháng Ba, Nghị Viên Joe Đỗ Vinh của Garden Grove xác nhận với nhật báo Người Việt là ông có tham dự sự kiện này.

Ông cho biết qua text: “Tôi tham dự và ủng hộ doanh nghiệp gốc Việt tại Hoa Kỳ, cũng như thừa nhận đóng góp của VABA. Ngoài ra, tôi không chịu trách nhiệm về khách mời, quảng cáo, và công ty bảo trợ hoặc bất cứ hoạt động nào của VABA.”

“Về mặt pháp lý, tôi không ủng hộ hoặc phản đối hoạt động của VABA vào lúc này, nhưng điều này có thể thay đổi sau khi tôi đánh giá vấn đề kỹ hơn,” vị nghị viên đại diện Địa Hạt 4 của Garden Grove cho biết thêm. [đ.d.]

 

Lưu ý: Phần phát biểu của ông Joe Đỗ Vinh được cập nhật hôm 3 Tháng Ba, sau khi ông xác nhận có tham dự buổi tiệc.

Người Việt hải ngoại có đầu hàng?

Yên Khê

19-2-2023

Tiếng Dân

Rã rời

Cách đây hơn 30 năm, một người bạn tôi ở Mỹ, nhưng đi đi về về Việt Nam để làm ăn, nói với tôi rằng, tiếng Việt của người Việt ở Mỹ và người Việt ở Việt Nam đã bắt đầu cách xa nhau, có khi nói cũng không hiểu nhau.

Khi nghe nhận xét đó, tôi liên tưởng đến những người Quebec nói tiếng Pháp, nhưng khi phim ảnh của họ chiếu ở Pháp thì thường có phụ đề … Pháp ngữ.

 
Người Quebec vốn xuất phát từ nước Pháp, nhưng trải qua mấy trăm năm cách biệt, từ ngữ hai bên ngày càng xa nhau. Người Quebec một mặt thu vào nhiều từ tiếng Anh, vì họ lọt thỏm giữa môi trường Anh ngữ, mặt khác, họ cố gắng chống lại nguy cơ bị đồng hóa ngôn ngữ, nên cố gắng duy trì những từ vựng, cách nói cách nay mấy trăm năm. Ngược lại, tiếng Pháp ở cố quốc lại phát triển theo một kiểu khác, tự tin hơn trong sự pha trộn.

Ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ như vậy ở những người Creole sống ở các đảo thuộc địa Pháp, hay một số người… Mỹ ở Louisiana.

Tôi và anh bạn cứ nghĩ rằng tiếng Việt hải ngoại sẽ như tiếng … Quebec. Nhưng không ai ngờ đến sự xuất hiện của… mạng xã hội, và chính sách nhập cư của… Mỹ. Với sự nhập cư, dòng người Việt lớn lên trong nước sau 1975 ồ ạt đến Mỹ. Với mạng xã hội, sự cách biệt ngôn ngữ trở về … zero.

 
Tôi thấy hiện tượng này như cái bình thông nhau trong vật lý vậy. Với áp suất của gần 100 triệu người, ngôn ngữ và cả thói quen (tôi không dám dùng từ văn hóa) của họ sẽ thắng thế. Có vài hiện tượng gần đây cho thấy sự thắng thế đó.

Vào dịp Tết Quý Mão, tại các trung tâm người Việt ở Mỹ, chúng ta thấy rất nhiều người đàn ông mặc một loại áo dài trên đó vẽ nhiều kiểu khác nhau. Đây là một kiểu ăn mặc xuất hiện trong nước cách đây độ chục năm.

Một nhóm phụ nữ mặc áo dài, nhưng không quần, xuất hiện đâu đó tại khu Little Saigon. Đây cũng là kiểu đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây khá lâu và bị báo chí chính thống của Đảng Cộng sản VN chỉ trích. Các phụ nữ tại Little Saigon cũng bị dư luận trên mạng xã hội chỉ trích.

Một số người làm truyện tranh cho trẻ em tại hải ngoại, dùng những kiểu vẽ những nhân vật lịch sử rất giống trong nước. Mà trớ trêu thay kiểu vẽ này lại mang dấu ấn Trung Hoa Cộng sản rất nhiều.

Về mặt ngôn ngữ, từ vựng, cái bình thông nhau hoạt động ngày càng mạnh. Không cần kể ra đây, bạn đọc cứ vào các trang báo hải ngoại, như VOA, Người Việt… có thể nhặt ra hàng hà sa số.

 
Những tiếng nói chỉ trích của giới người Việt lớn tuổi ở hải ngoại liên quan đến sử dụng cái họ gọi là “ngôn ngữ Việt cộng”, ngày càng ít đi.

Nhà cầm quyền trong nước rõ ràng là có lợi với cái bình thông nhau này để khuếch trương ảnh hưởng của họ, cộng với lợi thế chính trị trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Cần phải kể ra đây rằng sự khuếch trương “văn hóa” này còn đi theo một con đường rất mạnh nữa, đó là các nhà sư, linh mục, mục sư, từ trong nước. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người này có dính líu đến chính quyền cộng sản, nhưng họ mang theo ngôn ngữ, và cả thói quen. Điều này không thể tránh khỏi.

Các tổ chức chống đối chính quyền trong nước có lẽ lần lượt giải tán, hay đầu hàng, hay xa hơn nữa là họ muốn “nói chuyện” một cách vô vọng với nhà cầm quyền trong nước. Vô vọng vì họ không có thực lực gì để có thể “nói chuyện” với một nhà cầm quyền có cả một quốc gia sau lưng.

Hồi năm ngoái, một tổ chức từng chống Cộng rất triệt để, thậm chí là bạo động, đã tuyên bố là họ không đòi hủy bỏ cả điều bốn hiến pháp của nhà cầm quyền cộng sản (điều bốn này qui định sự độc tôn của đảng cộng sản tại VN).

Bi đát của văn hóa Việt Nam hiện tại

Với sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản, sự tha hóa xã hội trong cuộc hôn phối giữa chế độ toàn trị và chủ nghĩa tư bản hoang dã, văn hóa, ứng xử xã hội,… trong nước ngày càng tệ hại. Dĩ nhiên đây là quan điểm chủ quan của tôi, có thể cũng có ai đó nói rằng, không sao đâu, và thậm chí là tốt hơn.

Trong tình hình như vậy, lẽ ra cộng đồng người Việt hải ngoại phải là nơi giữ vững sức mạnh văn hóa và xã hội của người Việt. Nhưng thực tế có lẽ không như thế.

 
Một mặt, với sức ép của cái bình thông nhau, văn hóa xã hội người Việt tại Mỹ không có gì khá hơn. Họ chịu trận trước sức tấn công của văn hóa xã hội trong nước.

Mặt khác, cũng không thể đổ lỗi hết cho cái bình thông nhau, chẳng hạn như trong vụ kéo cờ vàng đi làm loạn ở quốc hội Mỹ, chẳng có gián điệp cộng sản nào xúi giục được sự bậy bạ đó.

Nguyên nhân trong sự “chịu trận” của người Việt hải ngoại rất rõ ràng, đó là họ không có một sức mạnh nội tại, cả về tài chánh lẫn chính trị.

Theo con số của chính quyền cộng sản trong nước công bố, có đến 30% ngân sách của thành Hồ đến từ … kiều hối, tức là tiền của những người Việt, mà chủ yếu là ở Mỹ gửi về. Thoạt nhìn, tưởng rằng đây sẽ là lợi thế để gây sức ép của cộng đồng Việt hải ngoại, nhưng không phải thế, lượng tiền khổng lồ này được di chuyển qua cái bình thông nhau, mà người Việt hải ngoại chống chính quyền trong nước không thể kiểm soát.

Về mặt chính trị, dù có đến gần nửa thế kỷ sống ở Mỹ, cộng đồng Việt hải ngoại vẫn dường như đứng ngoài dòng chính của chính trị Mỹ. Nhân vật cao cấp nhất là bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) lên đến dân biểu liên bang, đã rút lui khỏi chính trường sau ba nhiệm kỳ Quốc hội (Trước đó là ông Cao Quang Ánh, cũng là dân biểu Quốc hội liên bang, duy nhất một nhiệm kỳ). Điều này làm cho cộng đồng Việt hải ngoại không có sức ép nào khả dĩ lên nhà cầm quyền trong nước cả.

Cái bình thông nhau

Trong một tiệm bán bành mì không xa thương xá Phúc Lộc Thọ, tôi nghe hai cô gái trẻ người Việt nói chuyện với nhau. Cả hai nói giọng miền Tây (Nam Bộ) rặt, áo thun Bebe, túi xách Michael Kors, quần “True Religion” … giống hệt các phụ nữ Việt Nam đâu đó trên khắp thế giới, Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Nội, hay San Jose, Florida.

Họ nói chuyện về “xứ dừa Bến Tre”, một cụm từ phổ biến mạnh sau năm 1975 trong toan tính tuyên truyền về cái “nôi cách mạng” Bến Tre. Họ nói về chuyến đi sắp tới về Việt Nam sẽ đem bao nhiêu tiền… mặt, và bày nhau cách khai báo phúc lợi xã hội, giấu thu nhập (income) thực tế…

Cái bình thông nhau vẫn đang hoạt động hết công suất để nuôi… thành phố Hồ Chí Minh!

Hội Luận Chính Trị

 

 

Buổi  Hội Luận Trực Tiếp về việc Tập đoàn Vietnam Airlines,  Vinfast tài trợ cho Hiệp hội VABA David Dương tổ chức sự kiện kinh tế vận VC tại San Jose, CA, ngày 25/2/2023 vừa qua.

Sự kiện này đã qui tụ khoảng 500 doanh nhân, 30 dân cử chính trị gia người Mỹ gốc Việt và 20 nhóm truyền trông và Youtuber tham dự.

 
Những điều nguy hại có thể làm xói mòn lập trường đấu tranh và lằn ranh quốc cộng đối với tập thể CĐNVQG tại hải ngoại cũng như bất lợi cho các phong trào đấu tranh người Việt trong nước.

Sau 1975 cho đến nay là 48 năm. CSVN đã có nhiều kế hoạch và chính sách chìm nỗi từ nghị quyết 36 và các chính sách khác nhằm phân hóa đánh phá chia rẻ các đoàn thể và CĐNVQG đấu tranh chống CSVN tại hải ngoại. Những chính sách thâm độc của CSVN đã làm suy yếu tinh thần tranh đấu của các CĐNVQG tại hải ngoại rất đáng kể.

Từ các chính sách: Việt gian, du sinh, văn công, văn hóa vận, tôn giáo vận; cộng sản…nay tiếp tục thực hiện chính sách: Kinh tế vận, truyền thông vận đã ảnh hưởng đến các dân cử chính trị gia người Mỹ gốc Việt và các tầng lớp trí thức trẻ tại hải ngoại.

 Trong khi nhiều cá nhân, tổ chức, hội đoàn đảng phái và CĐNVQG tại hải ngoại không có đủ nguồn lực chánh để đi lại vận động thực hiện các cuộc đấu tranh chống cộng giải phóng dân tộc thoát khỏi sự cai trị bóc lột của chế độ độc tài Cộng sản. Tại sao các doanh nhân hoặc các tổ chức tôn giáo không ủng hộ tài chánh để giúp các phong trào đấu tranh chống cộng hoặc ủng hộ tài chánh giúp đở những người tù nhân đang bị cầm tù vì khác chính kiến, nói lên những sự thật, hoặc những người dân oan 3 Miền đất nước bị mất đất mất nhà cửa đi khiếu kiên quanh năm?

Tại sao các doanh nhân và tôn giáo người Việt hải ngoại lại quyên tiền mỗi năm gửi về nước cho Cộng sản từ 17-20 tỉ Dollars/1 năm?

Việc ông Hoàng Anh Tuấn (Tổng lãnh sự CSVN) hiên ngang tổ chức tiệc tùng tại San Francisco và  Bolsa-Quận cam nhân ngày đầu năm 2023 một cách ngang nhiên và còn công bố: “Trong năm nay, chúng tôi sẻ có kế hoạch tiếp xúc với các Cộng đồng người Việt tại hải ngoại, đặc biệt là giới doanh nhân và chính trị gia người Việt tại hải ngoại để giúp đất nước Việt Nam phát triển”

 
Sự kiện Hiệp hội VABA David Dương tổ chức  ngày 25/2/2023 là nàm trong chính sách do CSVN hoạch định và thực hiện có mục đích.

Tại sao có 2 tập đoàn Vietnam Airlines, Vinfast tài trợ cho Hiệp hội VABA David Dương tổ chức sự kiện này mà Hoàng Anh Tuấn (TLS-CSVN) không đến tham dự? Nếu Hoàng Anh Tuấn đến tham dự sự kiện này thì chính sách của CSVN sẻ bị bại lộ vì vậy chỉ có nhân viên của (TLS-CSVN) trà trộn đến tham dự.

Việc CSVN tổ chức sự kiện quy tụ 500 doanh nhân, 30 dân cử chính trị gia và 20 nhóm truyền thông và Youtube để thực hiện chính sách “Kinh tế, văn hóa, tôn giáo vận” qua các đại tiệc là một chính sách mềm mỏng rất êm dịu đánh đúng vào tâm lý giới doanh nhân và chính trị gia người Mỹ gốc Việt. Chính sách này sẽ làm cho giới chính trị gia người Mỹ cũng như chính sách ngoại giao của CSVN & Hoa kỳ dường như có lợi cho cả hai bên.

 Nhưng những tiềm ẩn nguy hại cho các cá nhân, tổ chức, CĐNVQG tại hải ngoại sẽ bị triệt tiêu nhiều nguồn lực và mất giới tinh hoa trí thức.

Điều này sẽ bất lợi rất nhiều đối với tinh thần đấu tranh của các CĐNVQG chống Cộng sản. Nói cách khác thì “lằn ranh quốc Cộng”  đã bị phá bỏ vì Cộng sản đã kiểm soát và quản lý thu gom nguồn sinh lực và nhân tài của các CĐNVQG đã dày công hun đúc tạo dựng gần 48 năm nay đã trở về con số 0. CSVN không chỉ cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam cướp bóc hà hiếp bức hại dân tộc và bán nước là đủ. Nay bọn chúng còn lấn đến vùng đất tự do, xâm nhập vào trong các tổ chức CĐNVQG và tiếp tục kiểm soát bòn rút tiền bạc và chất xám của CĐNVQG.

Đài Truyền Hình Việt Nam TV, thuộc hệ thống truyền thông Cali Today sẽ có cuộc Hội Luận trực tiếp với Hội Đồng Liên Tôn và một sô các nhà báo . Cuộc hội Luận sẽ diễn ra trực tiếp qua làn sóng truyền hình của Cali Today vào lúc 11 giờ sáng thứ Bảy này 11/3/2023 giờ Miền bắc California.

2:00 pm chiều, thứ Bảy, ngày 11/3/2023, ngày giờ Miền Đông nước Mỹ và Canada

1:00 pm, chiều, thứ Bảy, ngày 11/3/2023, ngày giờ Houston, TX

2:00 am sáng, thứ Hai, ngày 12/3/2023, ngày giờ, Việt Nam & Thailand

7:30 pm tối, thứ Bảy, ngày 11/3/2023, ngày giờ Châu Âu.

Các diễn Giả tham dự

1/ Hòa Thượng Thích Không Tánh – Trù trì Chùa Liên trì. Phó viện trưởng viện hóa đạo tăng đoàn (GHPGVNTN) Đồng chủ tịch Hội đồng liên tôn VN, Đồng chủ tịch Hội đồng liên kết quốc nội và hải ngoại, (Email: thichkhongtanhvn@gmail.com, thichkhongtanh@fvpoc.org)

2/ Mục sư. Nguyễn Hoàng Hoa – Hội trưởng Giáo hội Cộng đồng tin lành Lutheran Việt Nam & Hoa Kỳ,  Đồng chủ tịch hội đồng LTVN & Đồng chủ tịch (HĐLK-QNHN), (Email: phero2013@gmail.com)

 3/ Lm Bùi Phong – Linh mục tuyên úy trong các nhà tù liên bang Hoa kỳ, Cố vấn CĐNVQG tại Houston, TX, (Email: pbui2009@gmail.com)
4/ Rev. Nguyễn Công Chính – Chủ tịch Hội đồng các dân tộc và tôn giáo Việt Nam (CPRVN) & Hiệp hội Tin Lành các dân tộc Việt Nam(VPEF)

5/ Ông Rong Nay – Giám đốc tổ chức nhân quyền Montagnards Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng các dân tộc bản xứ Việt Nam (CIP-VN),

6/ Ông Nguyễn Sơn Hà (Tổng thư ký văn phòng liên lạc các Hội đoàn, CĐNVQG tại các quốc gia Âu châu

7/ Cô Nguyễn Mỹ Hạnh – CĐNVQG tại Bỉ

8/ Ông Trần Văn Đông – Cựu Tổng thư ký Liên hội người Việt quốc gia tại Canada,

9/ Ông Nguyễn Văn Bon – Cựu chủ tịch CĐNVQG tại Úc châu,

Kính mời quý khán thính giả cùng đón xem.

Ms Nguyễn Công Chính cẩn báo

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen