Seite auswählen

Có một thực tế là tình trạng đời sống công nhân Việt Nam rất tồi tệ. Họ phải làm việc nhiều giờ: 48 tiếng/tuần, cộng thêm tăng ca hàng chục tiếng hàng tháng, nhưng tiền lương kiếm được cũng không đủ sống, dẫn tới tình trạng sức khỏe kiệt quệ, sớm mất sức lao động, đời sống khó khăn, chật vật, thường xuyên phải vay mượn. Đó là chưa nói tới tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm hiện nay đang tràn lan.

Yêu cầu có một tổ chức để bảo vệ họ là vô cùng khẩn thiết. Công đoàn Việt Nam là tổ chức của đảng CSVN đang hiện diện, không đáp ứng được nhu cầu của người lao động. 

 

Người lao động cần có một chọn lựa khác, cần có một tổ chức khác hữu hiệu hơn để bảo vệ lợi ích của họ. Có nhiều nguồn tin cho rằng nhà nước Việt Nam cũng đã cho phép thành lập “Công đoàn độc lập“. Có thực là như vậy không?

 

“Công đoàn độc lập“ là gì?

Theo định nghĩa hạn hẹp thì công đoàn là đoàn thể của những người làm công.Thông thường chúng ta hiểu “công đoàn độc lập“ là một tổ chức có quy mô tương ứng với Công đoàn Việt Nam (CĐVN)của đảng CSVN hiện nay. Có nghĩa là cũng có thể có nhiều cấp bậc từ dưới lên trên: từ cơ sở tới trung ương, có chủ tịch, ban chấp hành…nhưng độc lập, không chịu sự chi phối của đảng CSVN.

 

Nhà nước Việt Nam có cho phép thành lập “Công đoàn độc lập“ không?

Câu trả lời rõ ràng và dứt khoát là KHÔNG.

Nhà nước Việt Nam không, hay chưa bao giờ cho phép thành lập “công đoàn độc lập“.

Trong tất cả mọi văn bản chính thức của nhà nước: Từ luật Lao động cho tới luật Công đoàn, nội quy Công đoàn, các văn bản dưới luật, nghị định này nọ của chính phủ chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy từ ngữ “công đoàn độc lập“, nói chi tới một văn thư cho phép thành lập “công đoàn độc lập“.

Từ ngữ “công đoàn độc lập“ chỉ được nhắc tới trong những tờ báo lề phải, trong các trang mạng của dư luận viên như là “một thế lực thù địch đánh phá nhà nước“.

 

Tại sao lại có ngộ nhận là nhà nước Việt Nam cho lập “Công đoàn độc lập“?

Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021 có chương XIII nói về quy định quyền và nghĩa vụ của các “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“. Trong đó, đáng chú ý nhất là quyền đại diện người lao động để thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, quyền tổ chức và lãnh đạo đình công được nêu lên. Trên nguyên tắc, những quyền căn bản này phù hợp với chuẩn mực quốc tế. 

 

Từ đó có diễn giải là nhà nước cho phép thành lập “công đoàn độc lập“.Tuy nhiên “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ trong luật Lao động khác xa với “công đoàn độc lập“ theo cách hiểu hay mong đợi của chúng ta.

 

“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ khác “công đoàn độc lập“ ở những điểm nào?

Điểm khác biệt căn bản, cũng là quan trọng nhất là “tổ chức người lao động tại cơ sở“ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi hạn hẹp của một xí nghiệp đơn lẻ XYZ nào đó mà thôi, không có tính quy mô của một công đoàn.

 

“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ không được hoạt động trên cấp bậc cao hơn, không được tổ chức trên bình diện ngành nghề, không được tổ chức trên bình diện địa phương (tỉnh, thành phố) hay quốc gia. Việc liên kết trong các tổ chức quốc tế khác như WFTU hay ITUC là không thể.

 

Luật Lao động giảm thiểu hiệu năng của các “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“như thế nào?

Luật cho phép thành lập những “tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở“ độc lập, ở ngoài hệ thống CĐVN. Đó là một khía cạnh tích cực. Nhưng trong luật Lao động cũng có nhiều tiềm ẩn giới hạn hiệu năng của các tổ chức này. Ví dụ:

 

  1. Hiện chưa có quy định về số hội viên cần thiết để thành lập một tổ chức độc lập. Nhưng nếu tương ứng với luật Công đoàn, thì chỉ cần 5 người là có thể thành hình một tổ chức đại diện tại cơ sở. Luật (điều 68) không hạn chế số lượng các tổ chức độc lập được cho phép trong một xí nghiệp. Như thế sẽ xuất hiện rất nhiều “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ (độc lập thực sự hay độc lập giả hiệu) trong một xí nghiệp và hàng nghìn tổ chức độc lập nhưng manh mún như vậy trong cả nước. Việc phải chia năm xẻ bảy số lượng đoàn viên sẽ làm các tổ chức độc lập rất yếu ớt.

 

  1. Luật (điều 174, mục c) không cấm đoàn viên của tổ chức này không được là đoàn viên của tổ chức khác. Điều này sẽ dẫn đến sự thâm nhập của cán bộ CĐVN vào các tổ chức độc lập khác để khuynh đảo.

 

  1. Luật (điều 68, mục 2) đòi hỏi là chỉ có tổ chức nào có đông đoàn viên nhất mới được đứng ra đại diện người lao động thương lượng với chủ doanh nghiệp. Quy định này rõ ràng là bất lợi cho các tổ chức đối lập có dăm bảy đoàn viên so với CĐVN có hàng chục triệu đoàn viên trong cả nước.

 

  1. Luật (điều 171 mục 3) cho phép các tổ chức đại diện người lao động có thể liên kết, gia nhập CĐVN của nhà nước, một hình thức vô hiệu hóa hay đồng hóa đối thủ.

 

  1. Luật (điều 73) chỉ cho phép “độc lập“ các tổ chức lao động trong đơn vị nhỏ nhất của quan hệ lao động là các xí nghiệp đơn lẻ. Nghĩa là hiệu năng – nếu có –  chỉ được phát huy trong giải quyết các tranh chấp lao động nội bộ của xí nghiệp. Các vấn đề lao động lớn liên quan tới chính sách của cả nước như tiền lương tối thiểu, giờ làm việc tối đa của người lao động…hay các vấn đề đặc thù của các ngành nghề khác nhau vẫn thuộc thẩm quyền của tổ chức công đoàn nhà nước (CĐVN).

 

Nhà nước Việt Nam đã cho thành lập các “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở “chưa?

Câu trả lời là chưa. Nhà nước chưa cho phép thành lập các tổ chức này. 

 

Điều này thoạt tiên có vẻ là nghịch lý, một khi luật Lao động đã cho phép. Tuy nhiên ở Việt Nam thì có luật là một chuyện, thi hành luật lại là chuyện khác.

 

Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) không thể đăng ký thành lập. 

 

Lý do là luật Lao động trong mục 4 của điều 172 ghi:”Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký…”. Tuy nhiên luật không đặt mốc thời gian. Nghĩa là chính phủ không bị bắt buộc phải ra quy định cụ thể về việc đăng ký (hồ sơ, thủ tục, trình tự…) trong thời hạn nào nhất định. 

Chỉ khi nào nhà nước ban hành quy định cụ thể về việc đăng ký thì chúng ta mới có thể nói rằng nhà nước đã cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, với những giới hạn của nó.

Cho tới nay vẫn chưa có những quy định liên hệ. 

 

                                            oOo

Những ràng buộc của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế đã khiến nhà nước Việt Nam phải sửa đổi luật Lao động, công nhận các tổ chức độc lập đại diện cho người lao động tại cơ sở. Mặc dù hoạt động của những tổ chức độc lập này chỉ được phép trong phạm vi nhỏ bé của một xí nghiệp, nhưng nó cũng là một nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động.

 

Nhiệm vụ hàng đầu của tất cả mọi người quan tâm tới lợi ích người lao động Việt Nam là phải thúc đẩy mạnh mẽ việc ban hành những quy định cần thiết để những “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở“ sớm được thành lập công khai, hợp pháp .

 

Trong tương lai gần, chưa thể tính tới việc thành lập “công đoàn độc lập“với những cơ cấu quy mô như chúng ta chờ đợi.

 

T.K. Trần

VNTB (11.03.2023)

 

 

 

 

Dân biểu Mỹ: Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tình hình nhân quyền ‘tệ đi’

Dân biểu Hạ viện Mỹ Lou Correa đại diện một địa hạt Quốc hội đông cử tri gốc Việt ở miền nam bang California.

 

Một dân biểu Quốc hội Mỹ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà ông cho rằng đã trở nên ‘tệ hơn’ kể từ sau khi thỏa thuận tự do thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ vào năm 2017.

Lou Correa, dân biểu Hạ viện Mỹ thuộc Đảng Dân chủ đại diện một địa hạt Quốc hội đông cử tri gốc Việt ở miền nam bang California, nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt rằng ông sẽ tiếp tục lên tiếng công khai và mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền của Việt Nam như ông đã làm trong những năm qua cho dù các nhà ngoại giao Mỹ đang nêu vấn đề một cách kín đáo và tế nhị.

 

Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong một cuộc đàm luận về quan hệ giữa hai nước do một viện nghiên cứu chính sách ở Washington tổ chức vào tuần trước, cho biết Mỹ vẫn tiếp tục nêu lên những lo ngại liên quan đến tình hình nhân quyền, xã hội dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan đến những người đang bị giam cầm ở Việt Nam, nhưng “cố gắng không để những cuộc thảo luận này xuất hiện trên trang nhất của báo chí.”

Dân biểu Correa nói ông tôn trọng chính sách đối ngoại mà chính quyền Biden đang theo đuổi, nhưng lưu ý rằng trong tư cách một thành viên của nhánh lập pháp đồng đẳng với hành pháp, ông nêu quan điểm rằng Mỹ cần thể hiện rõ ràng cho Việt Nam thấy quan hệ giữa hai nước khó có thể sâu sắc hơn nếu vấn đề nhân quyền tiếp tục bị phớt lờ.

“Tôi nghĩ Việt Nam rất muốn giao thương nhiều hơn với Mỹ. Và chúng ta nên nêu rõ rằng nếu họ muốn tiếp tục làm việc với chúng ta, họ cần phải biết rằng sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm và phải tuân theo những tiêu chuẩn khi dính dáng đến nhân quyền và tự do tôn giáo,” ông nói.

“Thực tế là tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã tệ,” ông nói thêm. “Khi thỏa thuận TPP đang được đàm phán, chính phủ Việt Nam đã dốc sức trưng ra bộ dạng văn minh, tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo. Khi các cuộc thảo luận về TPP bị đình chỉ, tôi thấy thái độ của họ đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, có thể thấy khi chính phủ Việt Nam có điều gì đó để thượng lượng, họ sẽ làm việc với chúng tôi. Khi không có gì để mặc cả thì họ thường không làm việc với chúng tôi.”

 

Phúc trình Toàn cầu năm 2023 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố hồi tháng 1 nhận định rằng trong năm 2022 chính quyền Việt Nam không chỉ tăng cường đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền mà cả các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.

“Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn trầm trọng ở gần như khắp các mặt,” HRW nói trên website của mình.

 

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam và danh sách theo dõi đặc biệt vì nước này “thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.” Sự định danh này có nghĩa là Việt Nam bị Mỹ theo dõi sát sao và các quan chức vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với các chế tài.

 

Nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đại sứ Knapper cho biết trong cuộc đối thoại nhân quyền gần đây nhất, Việt Nam cũng nêu những lo ngại về nhân quyền ở Mỹ liên quan tới đến bạo lực súng ống, bạo lực nhắm vào người gốc Á, và nạn kì thị chủng tộc.

 

Dân biểu Correa bác bỏ việc đánh đồng giữa hai vấn đề, lưu ý rằng vấn đề của Việt Nam và Mỹ hoàn toàn khác nhau.

“Tôi muốn nói rằng chúng tôi đang tích cực bỏ tù những người vi phạm luật sử dụng súng của chúng tôi. Bạn biết đấy, về cơ bản, chúng tôi tống giam những người phạm tội với súng ống. Ở Việt Nam, họ nhắm mục tiêu vào những người thực thi nhân quyền. So sánh như vậy là khập khiễng. Tôi ghi nhận lập luận của họ nhưng tôi không đồng ý với lập luận đó.”

 

Dân biểu Correa là một trong bốn đồng chủ tịch một khối dân biểu Hạ viện có cùng chung những quan tâm về Việt Nam, một phần cũng là do nhiều cử tri mà họ đại diện trong địa hạt Quốc hội của họ là người gốc Việt.

“Là một trong những đại diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất tại Mỹ, tôi đã làm việc không mệt mỏi để cải thiện cuộc sống của người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam và trên toàn quốc,” ông nói trong một thông cáo loan báo thiết lập Khối Việt Nam (Vietnam Caucus) cho Quốc hội thứ 118 của Mỹ vào ngày 24 tháng 1.

 

“Tôi đã đại diện cho Little Saigon của Quận Cam trong 25 năm, và lần đầu tiên trong năm nay, Khối Việt Nam sẽ có hai đồng chủ tịch đại diện cho Quận Cam. Khi chúng tôi bước vào Quốc hội lần thứ 118, tôi sẵn sàng làm việc cùng với các đồng chủ tịch của mình để làm giàu thêm cho cuộc sống của mọi người Mỹ và mọi người Mỹ gốc Việt, đồng thời ưu tiên các cuộc đối thoại về vi phạm nhân quyền, tôn giáo và chính trị ở nước ngoài.”

 

Ông Correa cho biết ông đang làm việc với Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel, một đồng chủ tịch Khối Việt Nam cũng đến từ Quận Cam, để bảo đảm rằng tiếng nói của người Mỹ gốc Việt được phản ánh trong Quốc hội Mỹ. Điều đó có nghĩa là ông sẽ vẫn tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

“Chúng ta có những công dân Mỹ bị bắt giữ ở Việt Nam. Có những tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị Việt Nam,” ông nói với VOA.

 

“Chúng tôi tăng áp lực lên chính phủ Việt Nam để chính phủ Việt Nam biết rằng chúng tôi đang theo dõi những gì họ đang làm và chúng tôi trông chờ họ hành xử như bất kỳ xã hội văn minh nào khác, nghĩa là tôn trọng quyền tự do tôn giáo của con người. Chúng tôi làm điều đó một cách liên tục.”

 

VOA (10.03.2023)

 

 

Lần đầu ra mắt “Sách trắng về tôn giáo ở Việt Nam”

 

Sách trắng là sách không thể viết thêm khi được công bố những đường lối đã vạch ra, thường là không thay đổi chiến lược đã chọn.

Dân gian có câu: Nói trắng ra. Theo nghĩa đó thì “sách trắng”, tức là một văn bản nói thẳng về một sự việc, vấn đề nào đó.

Sách trắng hay bạch thư (từ văn chương hơn) là một bản báo cáo, hoặc bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, với mục đích giúp người đọc hiểu về một vấn đề, giải quyết một vấn đề hoặc ra một quyết định.

Cách diễn giải khác, đó là sách công khai minh bạch những đường lối, chủ trương hay chính sách mang tính định hướng của một chủ thể nào đó đối với một hay nhiều vấn đề cụ thể của chủ thể đó. Thậm chí nó hàm ý cực đoan hơn:  sách trắng là sách không thể viết thêm khi được công bố những đường lối đã vạch ra, thường là không thay đổi chiến lược đã chọn.

 

Ngày 9-3-2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, dày 132 trang gồm 03 chương: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013.

Sách trắng khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nướ

c không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”. Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số.

 

Nhận xét về buổi ra mắt kể trên, một luật sư nói rằng cần lưu ý về tuyên bố của Sách trắng tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.

“Theo đúng pháp luật có phải là tuân thủ theo các quy định của thủ tục hành chính liên quan đến hành đạo, đến niềm tin của các tín đồ? Tôi cho rằng nếu cá nhân hay một tổ chức nào chưa đáp ứng các yêu cầu của thủ tục hành chính đề rồi bị ngăn cấm, thì đó là hành vi đe dọa hình sự hóa một quan hệ dân sự.

 

Đơn cử, Phật giáo hiện nay được yêu cầu các tự viện phải trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một vô lý, vì tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ mới ra đời vào thượng tuần tháng 11-1981. Trong khi đó thì chùa chiền có từ trước đó rất lâu và những nhà tu hành này phải được quyền tự do lựa chọn trong việc có hay không là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Tương tự, tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo, tính từ sau tháng tư 1975, có một số đông tín đồ không chấp nhận tổ chức tôn giáo của họ phải chịu sự áp đặt của định hướng chính trị qua việc phải tham gia vào hội đoàn do nhà nước quản lý. Họ muốn được hoạt động độc lập với giáo lý và niềm tin tôn giáo của mình trong các nghi thức hành lễ, tu hành.

Thế nhưng nhà nước thay vì tôn trọng quyền dân sự về tôn giáo và chính trị, đàng này lại sắp họ vào danh sách bị ngăn cấm. Điều này tương tự như bên báo chí từng có bản danh sách được lập bởi Ban Tuyên giáo trung ương, về hơn 100 người không được in bất cứ thứ gì của họ trên báo chí…” – vị luật sư có nhận xét nhanh như vậy nhân sự kiện lần đầu tiên Việt Nam công bố sách trắng về tôn giáo.

 

Ngọc Lan

VNTB  (10.03.2023)

 

 

 

Chuyên gia: Việt Nam áp dụng mô hình đàn áp tôn giáo theo kiểu Trung cộng

Các chuyên gia phát biểu tại hội luận trực tuyến về sự giao thoa giữa tự do tôn giáo quốc tế và chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trong khu vực Đông Nam Á, ngày 8/3/2023. Photo USCIRF via Zoomgov.

 

Một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo nói với VOA rằng Việt Nam thực hiện chính sách quản lý các nhóm tôn giáo theo mô hình của Trung cộng, theo đó bất kỳ biểu hiện đa nguyên nào về quan điểm tự do tôn giáo đều phải đối mặt với sự đàn áp của chính quyền. Mặc dù vậy, vẫn theo chuyên gia này, vấn đề ở Việt Nam vẫn chưa ở mức cực đoan như ở Trung cộng.

 

“Tôi nghĩ Việt Nam là một khuôn mẫu khá rõ ràng của Trung cộng, nơi chủ nghĩa độc tài và đàn áp tôn giáo kết hợp cùng nhau. Điều đặc biệt là đó chẳng những không phải là một xã hội dân sự tôn giáo, mà còn là một nhà nước độc đảng tán thành chủ nghĩa Mác – Lênin và coi đó là hệ tư tưởng sáng lập”, ông Dan Slater, Giáo sư khoa John Orin Murfin về Khoa học Chính trị thuộc Đại học Michigan, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Weiser về các nền dân chủ mới nổi, nói với VOA hôm 8/3.

 

Giáo sư Slater đưa ra nhận định về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam tại phiên thảo luận trực tuyến về sự giao thoa giữa tự do tôn giáo quốc tế và chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trong khu vực Đông Nam Á:

“Sẽ không có nhiều không gian cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị rộng rãi, nhưng tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, không cực đoan như ở Trung cộng, nơi mà tôi nghĩ rằng thập kỷ qua đã chứng kiến sự đóng cửa thực sự nghiêm trọng, thậm chí vượt ra ngoài những gì xảy ra cách đây một thập kỷ. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam ít nhất cũng đã và đang đi theo một hướng nào đó như vậy”.

 

Cuộc hội thảo này do Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức, trong bối cảnh cơ quan này cho rằng thế giới đang chứng kiến điều mà nhiều người gọi là “sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và các thế lực phản dân chủ”, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi đã trải qua tình trạng thu hẹp không gian dân sự trong thập kỷ qua.

 

Vị giáo sư trường đại học Michigan nói thêm rằng Campuchia cũng đang tái gia nhập một cách hiệu quả theo mô hình của Việt Nam và Trung cộng với tư cách là một quốc gia độc đảng. “Và điều đó về cơ bản có nghĩa là bất kỳ xã hội dân sự và biểu hiện đa nguyên nào về quan điểm tự do tôn giáo sẽ phải đối mặt, và sẽ ở trong tầm ngắm của họ”, ông Slater nói tại phiên thảo luận.

 

“Đây không chỉ là một vấn đề mới ở Việt Nam, mà chúng tôi đánh giá đây là một vấn đề tồn tại từ lâu. Vì không có nhiều nguồn lực có khả năng huy động chống chế độ ở Việt Nam và tôn giáo là một trong số đó, vì vậy họ [chính quyền] sẽ rất dị ứng với các biểu hiện tôn giáo ở Việt Nam, và sự dị ứng này chắc chắn lớn hơn nhiều so nơi các khác ở Đông Nam Á”.

 

 Uỷ viên USCIRF Stephen Schneck phát biểu rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trong khu vực là hiện tượng đáng lo ngại và điều này có ảnh hưởng đối với tự do tôn giáo:

 

“Nói thẳng ra, đó là một khu vực thường bị bỏ qua ở Washington DC. Và khi đề cập đến khu vực này, các cuộc thảo luận thường chỉ giới hạn ở hai quốc gia mà chúng tôi đề xuất là những Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC), đó là Myanmar và Việt Nam, hoặc trong bối cảnh có lẽ là của các căng thẳng ở Biển Đông, rất hiếm khi khu vực này được xem xét qua lăng kính nhân quyền, chứ chưa nói đến quyền tự do tôn giáo cơ bản của con người”.

 

Các diễn giả bày tỏ sự lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và các thế lực phản dân chủ trong khu vực, nơi không gian dân sự bị thu hẹp trong thập kỷ qua. Các chuyên gia đồng thời tập trung phân tích sự ảnh hưởng của xu hướng này đối với bối cảnh tự do tôn giáo của Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia.

 

Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia quốc tế đưa ra nhận định về việc Việt Nam áp dụng mô hình hạn chế tự do tôn giáo theo kiểu Trung cộng.

 

Ngay sau khi chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 92 năm 2012 về việc thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, giới quan sát nhận định rằng nghị định này quy định “những hạn chế nghiêm trọng” đối với quyền tự do thờ phượng trong nước, và họ cho rằng dường như Việt Nam đang theo “mô hình Trung cộng” để đưa ra các quyết định trong tương lai về các vấn đề tín ngưỡng.

 

“Mô hình “hà khắc” của Trung cộng trở thành điểm quy chiếu cho chính quyền Cộng sản Việt Nam”, trang Asia News viết.

 

Truyền thông quốc tế khi ấy dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói với phái đoàn Trung cộng rằng “Việt Nam sẽ ngày càng học tập theo Trung cộng trong các vấn đề về chính sách tôn giáo”.

 

Nghị định 92/2012 của Việt Nam sau đó được thay thế bằng Nghị định 162/2017, theo đó quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tuy nhiên về bản chất vẫn giữ nguyên các quy định cũ, và quản lý các nhóm tôn giáo theo chiều hướng ngày càng khắc khe hơn.

 

Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith phát biểu tại một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ vào tháng 7/2014 rằng các phương pháp đàn áp tự do tôn giáo của Trung cộng là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là việc đàn áp những người theo Pháp Luân Công ở Việt Nam.

Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam năm 2016, tất cả các cơ sở thờ tự phải đăng ký với chính quyền. Tuy nhiên, khi một số mục sư người Hmong và người Thượng cố gắng đăng ký xin thành lập các hội thánh tư gia, chính quyền Việt Nam lại từ chối đơn của họ, điều này dẫn đến việc an ninh thường xuyên đột kích hoặc giải tán các hội nhóm tại gia không đăng ký ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua.

 

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

USCIRF ghi nhận hiện có 77 tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt Nam, những người mà chính quyền cho nói rằng đã “vi phạm pháp luật”.

 

Trong diễn biến liên quan, hôm 9/3, lần đầu tiên chính quyền Việt Nam công bố về sách trắng tôn giáo, khẳng định rằng các tôn giáo đều “bình đẳng trước pháp luật”, và rằng nhà nước “không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”, hay “không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.

 

Ban Tôn giáo Chính phủ công bố sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dài hơn 130 trang, trong đó khẳng định “ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo”.

 

Truyền thông nhà nước dẫn sách trắng cho biết chính quyền nước này đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo.

 

VOA (10.03.2023)

 

 

 

Sách trắng tôn giáo: Việt Nam nói có tự do trong khi nhiều nhóm tôn giáo độc lập bị đàn áp

Một số sự kiện về Tôn giáo – Tín ngưỡng ở Việt Nam năm 2022 RFA

 

Trong cuốn sách đầu tiên công bố toàn diện về tôn giáo ở Việt Nam, Chính phủ cho rằng họ tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo trong khi một số tổ chức tôn giáo độc lập khẳng định điều ngược lại.

Ngày 09/3, Ban Tôn giáo Chính phủ lần đầu tiên công bố sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” với lời khẳng định “ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo” và “Người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”

 

Sách trắng cũng khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm.”

 

Tự do nhưng phải đăng ký

Sách trắng cho biết Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i,…

Trong thực tế, Nhà nước chỉ cho phép các nhóm tôn giáo có đăng ký và được quản lý là sinh hoạt bình thường. Các nhóm tôn giáo còn lại bị chính quyền coi là bất hợp pháp, và tìm cách triệt phá hoặc nhẹ nhất là cấm các tín đồ tập trung thực hành nghi lễ tôn giáo.

 

Hoà thượng Thích Không Tánh, thành viên trụ cột của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một hệ phái Phật giáo bị Nhà nước Việt Nam đàn áp suốt từ năm 1975, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cơ chế xin cho trong tự do tôn giáo.

“Nhà nước thường nói tổ chức hay đoàn thể đăng ký để nhà nước người ta công nhận và mình thực hiện cho nó phù hợp. Nhưng mà sự thực mình đăng ký thì người ta không bao giờ đồng ý.

Nếu có đăng ký đi nữa thì người ta sẽ ép phải thế này thế kia, phải trực thuộc hệ thống và các ràng buộc với nhà nước.

Nếu mình xin đăng ký mà họ không cho rồi cứ sinh hoạt thì họ kiếm cớ bắt. Nếu mình thông báo thì họ lặng thinh cho là không phù hợp.”

 

Theo thầy Thích Không Tánh, Nhà nước triệt phá các tổ chức tôn giáo độc lập và để duy nhất một nhóm tôn giáo do Nhà nước lập lên hoặc thuần phục Nhà nước được sinh hoạt, trụ trì chùa Liên Trì nhắc đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài Chơn truyền, Hoà Hảo Thuần tuý, một số nhóm Tin Lành…

 

Thời gian qua, chúng tôi đã phản ánh các vụ việc các cơ sở thờ tự của Giáo hội Việt Nam Thống nhất bị đập phá hay đàn áp như vụ: chùa Thiên Quang ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hay Sơn Linh Tự ở Pleiku.

Chùa Thiên Quang liên tục bị chính quyền huyện Xuyên Mộc đe doạ triệt phá nếu không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khi chùa Sơn Linh đã bị đập phá hoàn toàn gần đây và chính quyền thị trấn Plei Kần không cho phép sư trụ trì dựng lại cơ sở thờ tự này.

 

Quý thầy bên Tăng đoàn Giáo hội (Phật giáo Việt Nam Thống nhất- PV) xin tổ chức cúng lễ thì họ (chính quyền- PV) ngăn cản nhất quyết nói phải theo Phật giáo quốc doanh thì mới cho.”

 

Chức sắc và tín đồ của nhóm tôn giáo độc lập Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý cũng bị đàn áp.

 

Trong sách trắng được báo Tuổi trẻ trích dẫn, Chính phủ khẳng định: “Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số.”

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua chính quyền một số tỉnh ở Tây Nguyên liên tục sách nhiễu chức sắc và người theo Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận. Họ không được tụ tập để thực hiện các nghi lễ trong dịp Giáng sinh và mỗi chủ nhật.

 

Giữa năm 2022, gia đình 13 người H’mong của ông Xồng Bá Thông bị chính quyền xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An “trục xuất khỏi địa phương” vì theo Tin Lành.

 

Quy ước của bản Phù Khả 1, xã Na Khoi trong đó có quy định “không theo tôn giáo khác với người H’mong” dán ngay trước nhà người dân.

Trong khi đó, chính quyền huyện Kỳ Sơn áp dụng mô hình An dân ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, để ép buộc người dân trong bản không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục tập quán lâu đời của người Mông.

 

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người đang bị giam giữ

Sách trắng khẳng định “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù” và cung cấp gần 4.500 cuốn thuộc 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào thư viện của 54 trại giam.

 

Hoà thượng Thích Không Tánh, người có ba lần bị giam giữ với hơn 10 năm tù vì đòi quyền tự do tôn giáo, nói với RFA:

Ở tù, khi mình ngồi niệm Phật, rồi có mấy vị linh mục cầu nguyện, vậy mà người ta vô đàn áp, bắt đi biệt giam luôn.

Ngay cả các cuốn kinh thánh, sách giáo lý bên ngoài gửi vô cho mình đọc họ lấy hết thu hết.” 

 

Ông Nguyễn Văn Điển, một người Công giáo mới mãn hạn tù cuối tháng hai vừa qua nói, trong sáu năm ở trại giam và trại tạm giam ông không được gặp linh mục dù có đề nghị. Tuy nhiên, ông được nhận sách kinh thánh gia đình gửi vào nếu sách đó được in bởi Nhà xuất bản tôn giáo.

 

Trong khi gia đình của hai nhà hoạt động Trương Văn Dũng và Bùi Tuấn Lâm cho biết, họ không được gửi sách tôn giáo vào cho người thân. Cả hai đang bị giam giữ trong thời gian điều tra về cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước.”

 

Tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì các vi phạm về tự do tôn giáo. 

 

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phản hồi hai tuần sau đó cho rằng, hành động của Mỹ “dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam,” và cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau,…

 

RFA (09.03.2023)

 

 

 

Freedom House: Việt Nam nằm trong nhóm “không có tự do” suốt từ năm 1976

Điểm số về tự do của Việt Nam năm 2023 là 19/100, thuộc nhóm “không có tự do” Freedom House

 

Tổ chức nhân quyền Freedom House vừa công bố báo cáo xếp loại thường niên về Tự do trên toàn cầu năm 2023. Trong đó, Việt Nam vẫn luôn bị xếp vào nhóm “không có tự do” từ năm 1976 cho đến nay.

Báo cáo về Tự do trên thế giới 2023 có tên gọi tạm dịch là “50 năm đấu tranh cho dân chủ”, đánh dấu tròn 50 năm kể từ lần đầu tổ chức này ra mắt báo cáo xếp loại đầu tiên vào năm 1973. Lần này, có 210 quốc gia và vùng lãnh thổ được chấm điểm, và xếp thành ba nhóm, bao gồm các nước “tự do, bán tự do và không có tự do”.

 

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington DC nhận định chung rằng Việt Nam bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong nhiều thập kỷ. Các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và các hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế chặt chẽ. Chính quyền ngày càng kìm hãm việc người dân sử dụng mạng xã hội và Internet để lên tiếng và chia sẻ thông tin.

 

Năm nay, điểm số tự do của Việt Nam là 19/100, bằng với năm 2022. Do đó, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là “không có tự do”, cùng với 67 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp loại khác.

 

So với báo cáo năm ngoái 2022, điểm số về Quyền chính trị của Việt Nam là 4/40, tăng một điểm; điểm số về Quyền dân sự đạt 15/60, giảm một điểm; và điểm số về Tự do Internet là 22/100, giữ nguyên so với năm trước.

 

Cùng với Trung cộng, Cuba, Bắc Hàn…, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia đàn áp nhân quyền nhiều nhất trên thế giới và chưa bao giờ thoát khỏi nhóm “không có tự do”.

 

Tuy nhiên, Freedom House cho rằng các nước này vẫn tồn tại dấu hiệu của hy vọng và nhu cầu tự do của người dân.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức cho rằng Chính quyền Việt Nam chỉ miễn cưỡng nới lỏng quyền tự do cho người dân khi có sức ép từ cộng đồng quốc tế vì các lý do ngoại giao hay thương mại. Còn về phía người dân, cũng đã xuất hiện một số cuộc biểu tình phản đối các chính sách của Nhà nươc trong những năm qua, tuy nhiên, theo luật sư Đài, chỉ như vậy thôi là chưa đủ để Việt Nam chuyển mình:

 

“Về phía người dân thì Việt Nam đã có nhiều các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia hay là Luật an ninh mạng hay là Luật đặc khu…

Trong tất cả các cuộc biểu tình đó chỉ có cuộc biểu tình về an ninh mạng là rõ ràng nhất Việt Nam đã quan tâm đến Quyền tự do internet của mình, nhưng mà đáng tiếc là nó cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và chưa đủ áp lực buộc chính quyền phải chấp nhận cởi mở tự do internet, thỏa mãn được nhu cầu của người dân.”

 

Năm nay, Freedom House nhấn mạnh về sự tấn cộng rộng rãi, thô bạo của nhiều quốc gia vào quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân. Trong báo cáo mới nhất về Tự do Internet năm 2022 của tổ chức này, Việt Nam bị đánh giá là cố gắng hạn chế, kiểm soát Internet.

 

Chính phủ thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trên không gian trực tuyến. Mặc dù không làm gián đoạn kết nối hoặc chặn các máy chủ của Facebook như trước, nhưng đất nước độc đảng này vẫn tiếp tục yêu cầu các công ty xóa nội dung bất lợi cho nhà cầm quyền; đồng thời áp đặt các bản án hình sự hà khắc đối với các hành vi bày tỏ chính kiến trực tuyến.

 

Đợt bùng phát dịch COVID-19 vào cuối năm 2021 là một cái cớ để Chính quyền Hà Nội mở rộng quyền kiểm soát đối với các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

 

Freedom House còn chỉ trích Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù một nhà hoạt động, nhà báo từng đưa tin, phanh phui vụ việc công ty Gang thép Formosa xả thải gây nhiễm độc biển ở dọc bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.

 

Người vừa được nhắc tới là Nguyễn Văn Hoá, một cộng tác viên của Đài Á châu Tự do. Anh bị bắt vào tháng 11/2017 và sau đó bị kết án bảy năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”.

 

RFA (09.03.2023)

 

 

 

Trung ương Đảng lại ra Quy định siết chặt đối với báo chí

Ảnh minh hoạ AFP

 

Ban Bí thư Trung ương Đảng lại ra quy định kiểm soát truyền thông. Theo đó sẽ phạt nặng đến mức khai trừ Đảng đối với những người đứng đầu cơ quan báo chí duyệt đăng các bài viết bị cho đi ngược Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò của Đảng.

 

Phạt nặng nếu đăng bài bất lợi cho Đảng

Hôm 28/2, Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí được Ban Bí thư ban hành.

 

Quy định mới nêu rõ ba mức độ kỷ luật đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí: Nhắc nhở, khiển trách; Kỷ luật cảnh cáo, cách chức; và Khai trừ Đảng, khi những người mắc phải các lỗi sau:

Lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ bị nhắc nhở, khiển trách khi viết bài, duyệt đăng bài mà thông tin, hình ảnh được lấy từ các hội nhóm, mạng xã hội bị cho là không đúng sự thật…

 

Mức kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức đối với hành vi duyệt đăng thông tin sai lệch chủ trương của Đảng, pháp luật hoặc không chấp hành chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về thông tin tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế. 

 

Trên thực tế, một đơn cử có thể nêu ra là về cuộc chiến Nga – Ukraine, báo chí Việt Nam chưa bao giờ sử dụng từ “xâm lược” khi nói về hành vi Nga tấn công quân sự vào Ukraine; hay một ví dụ khác là báo chí Nhà nước cũng chưa bao giờ đăng tải các thông tin về việc Chính phủ Trung cộng vi phạm nhân quyền, điều mà truyền thông quốc tế vẫn thường xuyên đưa tin lên án Chính quyền ông Tập.

 

Đặc biệt, hình phạt nặng nhất là khai trừ Đảng khi các lãnh đạo cơ quan báo chí cho đăng bài về nội dung phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng…

 

Nhà báo Ngọc Vinh, từng có hơn 20 năm công tác tại tờ báo Tuổi Trẻ cho biết thật ra nội dung văn bản này không mới. Luật Báo chí 2016 nghiêm cấm tất cả những điều nêu trên. Dù trong Luật Báo chí không quy đinh chế tài cụ thể, tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp tổng biên tập các tờ báo bị kỷ luật:

 

“Trước đây, Đảng đã từng chế tài nhiều tổng biên tập báo vì nội dung này. Gần nhất là anh Lê Hoàng của báo Tuổi Trẻ và anh Nguyễn Công Khế của Báo Thanh Niên. Hai anh bị mất chức cùng lúc trong vụ đưa tin tường thuật, được cho là có một số nội dung sai sự thật, trong vụ PMu 18.”

 

Lãnh đạo cơ quan báo chí phải là Đảng viên

Quy định mới được ban hành còn quy định rõ cơ quan chỉ đạo báo chí ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương; ở địa phương là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

 

Người được bổ nhiệm làm lãnh đạo các cơ quan báo chí phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ít nhất hai năm. Trường hợp đặc biệt, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.

Người đó phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có trình độ lý luận chính trị cao cấp (không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo), và không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một cơ quan báo chí.

 

Nhà báo Ngọc Vinh cho biết, lâu nay, chức Tổng biên tập hoặc lãnh đạo cơ quan báo chí được Đảng các cấp bổ nhiệm, thông qua cơ quan chủ quản của tờ báo, qua Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông. Những người này có thể không phải là nhà báo nhưng buộc phải là Đảng viên:

 

“Như một số Tổng biên tập của Báo Tuổi Trẻ lâu nay chẳng hạn, họ là cán bộ lãnh đạo thành đoàn TPHCM đưa về, không phải nhà báo và cũng không có nghiệp vụ báo chí. Trường hợp hai Tổng biên tập Báo Thanh Niên mới đây thì khác, cả hai anh đều là nhà báo từ phó tổng được đề bạt lên Tổng biên tập.”

 

Theo ông Vinh, bởi Tổng biên tập là người do nhà nước chỉ định, do đó, họ phải chấp nhận các định chế nêu trên vì nó dành chung cho tất cả các ngành hay giới chức chính quyền, chứ không riêng gì báo chí:

“Ví dụ như quy định về nhiệm kỳ, trước đây, ngay cả Tổng Bí thư cũng chỉ được phép ngồi ghế hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, giờ thì Tổng Bí thư được ngồi tới nhiệm kỳ thứ ba thì quy định này lại được đưa ra cho các Tổng biên tập, khiến người ta cảm thấy nó có gì đó sai sai.”

 

Báo chí không thể trung thực nếu bị định hướng

Ông Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc tại Tạp chí Cộng sản cho rằng Quy định này nhấn mạnh mức chế tài đối với các hành vi phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin là bởi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn trung thành với tư tưởng này, và rằng Đảng đang muốn nắn cho báo chí đi đúng định hướng:

 

“Quy tắc hoạt động của Đảng là Tập trung dân chủ, nhưng mà vai trò và tiếng nói của người đứng đầu bao giờ cũng quan trọng và ông ấy (Nguyễn Phú Trọng – PV) thì lại tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin thì tất nhiên là ảnh hưởng nó phải lớn rồi.

Quy định này nhằm răn đe những người có tư tưởng mà theo Đảng nói là lệch lạc hay là không trung thành, hay thậm chí là phản động thì để có cơ sở để trừng trị…”

 

Theo quan điểm của nhà báo Ngọc Vinh, quy định về việc báo chí không được phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng là điều hợp lý trong thể chế chính trị hiện nay:

 

“Tôi thấy cũng hợp lý với tính chất của chế độ độc đảng, đơn nguyên cầm quyền. Nếu quy định này khác đi thi thì Việt Nam đã có tự do báo chí – mà bạn biết đó là điều  không thể.

Rõ ràng, báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự cầm tay chỉ việc của đảng lâu nay, việc hạn chế của nó để phát triển xã hội công dân là rõ ràng.”

 

Tóm lại, theo kinh nghiệm làm báo của mình, ông Vinh có biết những tờ báo lớn ở Việt Nam hiện nay hầu hết trực thuộc thẳng các cơ quan Đảng hoặc chính quyền. Điều này khiến báo chí không thể có tiếng nói trung thực, khách quan được.

 

RFA (08.03.2023)

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen